Từ tháng chín đến giờ, không hiểu làm sao, người ở đâu ra mà đông thế. Dưới lòng đường, xe cộ chuyển động chậm chạp; thỉnh thoảng lại bị dồn ứ lại. Tôi ngồi bên một quán nước chè sát phía trong vỉa hè, vậy mà còn bị người đi kẻ lại, lắm khi, quệt cả ống quần vào lưng. Không biết hàm lượng phong trần trong chén nước chè đang uống của tôi là bao nhiêu nữa?
- Ối giời ơi!
Tiếng hét của một phụ nữ nào đó, căng như xé vải, khiến tôi bất giác quay lại. Một thanh niên, đi chiếc xe đạp Trung Quốc, vai đeo một cái túi thổ cẩm có tua, miệng túi thò ra một cuộn giấy chừng khổ A3, dáng chừng là sinh viên một trường gần đấy, nhảy tót xuống xe, lo lắng:
- Chị có làm sao không ạ?
- Đi như thế à? Đồ nhà quê!
- Em xin lỗi chị!
- Dởm!
Hạ một tiếng, thị lừ mắt, hằm hằm dương bộ mặt kiên định đến rắn câng lên một góc độ không mấy thích hợp với hoàn cảnh. Một ông đang đợi xe buýt thấy vậy, ôn tồn bảo chị ta:
- Chị đi sai đường, chú ấy chỉ quệt nhẹ … mà người ta đã xin lỗi rồi!
- Tinh vi!
Thị nhận ra chân lý không cùng phe với mình, bèn gượng nguýt ông kia một cái, rồi nguẩy mông phắn nhẹm và không quên trình ra một lối khinh khỉnh: vừa đi vừa lấy tay phủi mạnh lên cái vạt áo mỏng đến tội nghiệp, hoàn toàn không phục vụ cho mục đích vệ sinh bởi … thực thế.
Một chiếc xe buýt sơn màu vàng đỏ lao vào bến. Đám người hiếu kỳ vừa kịp xúm xít lại hóng sự liền tóe ra tan tác. Cửa xe bật mở. Trong đám người đang chen chúc nhau xuống xe, có một bà nạ dòng đang lễ mễ xách hai cái túi khá nặng. Một ông - có lẽ cùng độ tuổi - thấy vậy, nhã nhặn bảo: “Có nặng không? Để tôi xách đỡ cho một đoạn”. Bà ta ngước nhìn vị mày râu, nghiên cứu, không nói gì và khinh khỉnh tạt vào bên quán nước chỗ tôi đang ngồi. Không hiểu sao, tôi cứ nhất quyết ấn định rằng bà ấy đang công tác trong ngành công an nhân dân. Đợi đến khi ông kia đã đi xa hẳn, bà mới nhấc hai chiếc túi lên, tiếp tục thực thi nốt đoạn hành trình còn lại (chắc là ngắn thôi) và miệng lẩm nhẩm một câu gì đó, nghe như là: “Chỉ được cái trí tưởng tượng … phong phú!”
Lúc đó, dọc theo vỉa hè, một thiếu phụ trẻ, dáng vẻ mệt mỏi, đang dắt cái xe máy đi về phía tôi; lếch thếch theo sau là một bé gái chừng bốn tuổi, có vẻ là con cô ấy. Tôi trố mắt thán phục khuôn mặt xinh xắn, phảng phất chút kiêu hãnh và được trang điểm khá nền nã, khéo đến nỗi khó ai có thể nhận thấy. Thiếu phụ đi qua chỗ tôi ngồi, không khí xao động chút ít, phả nhẹ vào mũi các khách đang thưởng trà một mùi nước hoa thơm dịu. Riêng tôi, trong lòng, dường như tức thời nảy nở một cảm giác bối rối. Cô uể oải đẩy xe vào một hiệu chữa xe máy cạnh đấy.
- Anh chữa giúp chiếc xe.
Người chủ hiệu sửa xe máy mặt mũi nhầu nhĩ, tròng mắt vằn đỏ dưới lần mí hơi mọng, lệnh khệnh bước ra, hất hàm, cất giọng lè phè:
- Xe bị làm sao?
- Em đạp mãi mà không nổ được.
Xem xét một lát, sau khi kết thúc một cái ngáp dài, anh ta gãi đầu:
- Cái “pan” này hiểm, làm lâu đấy!
- Có đến nửa tiếng không anh?
- Trên dưới hai tiếng. Thợ chưa đạt tầm cao mới, phải mất nửa ngày là ít!
- Thế, tất cả ... hết bao nhiêu tiền ạ?
- Thiếu một ngàn đầy bốn mươi ngàn!
Thiếu phụ nhẩm tính. Cô lập cập mở ví, dáng như kiểm kê tài chính, rồi ngẩng đầu lên, nài nỉ:
- Em chỉ còn có ngần này. Sửa xong, em về lấy tiền quay lại trả anh nốt.
Người chủ hiệu cười nhạt, phẩy tay:
- Thôi, cô đi hiệu khác.
- Nhà em tận Nhổn cơ, trời lại sắp tối, nếu anh không sửa giúp thì mẹ con em không biết làm thế nào. Anh ơi, anh làm ơn làm phúc cho cháu bé!
Người chủ hiệu càng chán ngán:
- Cô ơi, tôi giúp cô thì ai giúp tôi đây?
- Thế thì em để lại chiếc đồng hồ này. Sớm mai em quay lại chuộc.
Người chủ hiệu liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tay thiếu phụ, cười nhạt:
- Đồng hồ thời này cái nào mà chả óng ánh, nhưng ba vạ lắm, ai mà biết được. Thôi nhé, cứ minh bạch là hơn.
Anh ta lững thững bước vào nhà, bỏ lại hai mẹ con người thiếu phụ mặt gần như mếu bên ngoài. Không biết làm thế nào, thiếu phụ quay xe ra, nói với con:
- Mẹ con mình chịu khó đi bộ, con nhé!
- Ứ đâu, con mỏi chân lắm rồi! – Con bé phụng phịu ngồi thụp xuống.
Thiếu phụ không biết làm thế nào, đành dựng xe, đạp cần khởi động cầu may. Đạp mãi, đạp mãi … chợt có tiếng nổ đánh “pạch” nơi đầu ống xả. Mừng quá, cô lại đạp tiếp. Nhưng lần này thì vô vọng thật rồi. Đáp lại những nỗ lực mệt mỏi chỉ là những tiếng phình phịch yếu ớt, lạnh tanh. Thiếu phụ thở hổn hển, mặt tái nhợt, nhìn ra xung quanh, như muốn cầu cứu ai đó. Thực bụng, tôi cũng muốn giúp cô lắm, nhưng tôi dốt đặc, chẳng hiểu cóc khô gì về các thứ máy móc cơ công, điện tử.
Tia mắt của cô đang xoay về phía tôi. Để người thiếu phụ trẻ đẹp ấy không thể nhằm cái sự cầu cứu ấy vào tôi, để cái sỹ diện nam tử của mình vẫn được an ninh bền vững, tôi đành quay mặt, vờ nhìn sang phía bên kia đường. Nhưng cũng nhờ cái trò láu cá vặt học được trong môi trường công chức ấy, tôi lại phát hiện ra một anh bạn cũ vốn xấu máu, tóc mới điểm bạc qua loa, đang ngồi trên chiếc xe 81 cà tàng, máy vẫn nổ, một chân chống xuống đất, và đang chăm chú quan sát mẹ con người thiếu phụ. Biết quá rõ cái thói “kiến nghĩa tất vi” của bạn mình, tôi mừng rỡ, vỗ đùi đánh đét một cái, như tìm được một nước đi hay vào lúc cờ tàn cuộc, thầm reo lên: Cô nàng ơi, chuẩn bị nghênh tiếp “Bồ tát”!
Quả nhiên, “Bồ Tát” đã xuống xe và đi thẳng qua đường, về phía người thiếu phụ trẻ.
- Xe hỏng hả cô?
Thiếu phụ nhìn “Bồ Tát”, không giấu diếm nỗi thất vọng:
- Vâng … đạp mãi mà không nổ.
- Để tôi xem.
Thiếu phụ, nét mặt bỗng trở nên lo lắng, nghi ngại luống cuống gạt cái chân chống xe lên:
- Thôi anh ạ …
Rồi, run run nắm chặt lấy tay lái, quay sang đứa bé, xao xác:
- Về thôi con ơi.
Con bé vẫn ngồi nguyên, mặt xị xuống, đôi vai bé nhỏ ngúng nguẩy:
- Ứ đâu, con mỏi chân lắm!
- Hư quá, con phải hiểu cho mẹ chứ!
Thiếu phụ giận dữ dậm chân, trong lúc vẫn kín đáo để mắt tới vị “Bồ tát”. Còn vị “Bồ tát” thì nhìn thiếu phụ, mỉm cười, rồi mở cốp xe của mình, lấy ra túi dụng cụ, thủng thẳng:
- Người thì xinh đẹp thế mà lại … nỡ khắt khe cả với con cái.
Câu nói của “Bồ tát” khiến cô ngẩn mặt. Rồi, sau đó, như hiểu ra điều gì, cô dựng xe lại, tránh sang một bên và kín đáo nở một nụ cười. Khổng Minh ngày xưa, chắc cũng đã cười với Chu du bằng kiểu tương tự. Còn “Bồ tát”, chẳng để ý gì, mở khoá điện, đạp thử. Vẫn thế: chỉ thấy những tiếng phịch phịch yếu mèm, chẳng hứa hẹn điều gì khá hơn. “Bồ tát” tháo buzi để thử: Vẫn đánh lửa tốt. “Bồ tát” đưa tuốc nơ vít vào trong lỗ lắp buzi, ấn nhẹ cần khởi động rồi à lên một tiếng khoan khoái. Thiếu phụ thấy vậy, mặt tươi hẳn lên, lân la đến ngồi xuống bên “Bồ tát”:
- Đàn ông giỏi giang như anh thật hiếm. Em thật ghen tỵ với vợ anh đấy.
“Bồ tát” cười nhạt và bắt đầu hí húi tháo nắp máy. Thiếu phụ vẫn ngồi bên, cầm tờ báo phe phẩy quạt cho “Bồ tát”. Hương mỹ phẩm từ thiếu phụ toả ra, thoang thoảng quấn lấy “Bồ tát”. Không hiểu “Bồ tát” có phải là người tinh tế không. Anh xoăy trục cam nhích đi một chút rồi lắp lại xích cam. Thiếu phụ lấy ra một cái mùi xoa trắng nõn, nhẹ nhàng thấm những giọt mồ hôi lấm tấm và mấy vết dầu dính trên trán “Bồ Tát”; mùi của chiếc mùi xoa chắc còn thơm hơn cả hương nước hoa từ thiếu phụ toả ra.
Xiết chặt chiếc vít cuối cùng trên nắp máy, “Bồ tát” mỉm cười, đứng dậy, đạp mạnh cần khởi động: Lập tức, tiếng máy reo lên ròn rã. Khuôn mặt thiếu phụ bừng sáng. Đứa bé gái nhảy cẫng lên, vui sướng: “Bác thợ ơi, bác giỏi quá!”. “Bồ tát” nói với thiếu phụ:
- Xích cam dão quá rồi. Có lẽ vì thế, khi xe bị sóc mạnh, dải xích bị nhẩy lệch mất một mắt so với nhông, làm sai tầm đánh lửa. Ngày mai, đến hiệu thay xích mới đi cho an toàn.
Thiếu phụ mỉm cười, không nói gì. Làn hương toát ra từ người nàng hình như có đượm hơn lúc trước. Lúc “Bồ tát” bế bé gái đặt lên xe, nàng nói một câu gì đó, nghe không rõ. Tiếng máy nổ vẫn tròn đều. Nàng ngồi lên xe, rồi quay lại, dịu dàng nói với con gái:
- Con chào ông đi!
Bé gái lễ phép vòng hai tay trước ngực, thỏ thẻ:
- Cháu chào ông ạ!
Thiếu phụ trẻ nhìn “ông”, khẽ gật đầu, rồi lạnh lùng liệng nhẹ chiếc khăn về phía cái rãnh nước bên đường rồi tăng ga, mất hút trong đám đông đang hối hả chạy xe trên đường. “Bồ tát” chậm rãi quay lại, nhận ra chiếc mùi xoa trắng lốp lem nhem mấy vết dầu đã ngấm sũng nước thải; anh lắc đầu, lẩm bẩm:
Hoài của!
 
Tháng 10 năm 2007

Xem Tiếp: ----