“Quán bình dân thôi mà ngon lắm”, anh nói. “Sao anh biết?”, em hỏi lại với một cái lườm. Đàn ông con trai gì mà quán xá ngõ hẻm nào cũng tỏ tường. Anh cười: “Hôm nọ mấy thằng bạn thất nghiệp rủ nhau đi ăn nên anh mới biết”. “Đã có ai xin được việc làm chưa?”, em cố giữ cho giọng mình không có vẻ dò hỏi. “Một đứa. Mới chỉ là nhân viên hợp đồng trong một công ty tư nhân thôi”. Không muốn không khí bị chùng xuống, em lảng qua chuyện khác: “Còn xa không anh?”. “Vài bước nữa thôi, kia kìa”, giọng anh trả lời áy náy. Câu hỏi của em vậy là lỡ miệng rồi. Vài bước nữa thôi... vài bước nữa thôi... Mắt anh bứt rứt nhìn xuống con đường dưới chân, hẻm nhỏ biết bao giờ mới được tráng nhựa, lại thêm những chỗ trũng chỗ lồi được đắp vá bằng cây gỗ mục và gạch đá vụn vỡ. May là hôm nay em không mang gìay cao gót.Quán vắng. Ít người đi ăn bánh bèo vào giờ trưa thế này. Mấy bộ bàn ghế có vẻ buồn. Cô chủ quán cũng có vẻ buồn, nụ cười khi nhìn thấy chỉ hai người khách vào quán chẳng tươi tỉnh lắm. Hai dĩa thập cẩm. Chè thập cẩm thì nghe từ lâu nhưng bánh bèo thập cẩm thì đây là lần đầu. Em tò mò nhìn theo bàn tay sắp xếp trên dĩa. Anh bật cười: “Chỉ là cách gọi tếu của bọn anh thôi”. Ra vậy. Bánh nậm, bánh bột lọc, bánh hỏi, bánh bèo nằm bốn góc xếp chéo lên cái dĩa tròn: “Có bốn thứ mà dám gọi là thập cẩm. Thật là đại ngôn”. “Cộng cả hành, mỡ, ớt, tôm nhụy, nước mắm và bánh tráng giòn nữa”. Cả hai cùng cười. Tiếng cười khiến cô chủ quán ngạc nhiên nhìn lên. Rồi cô cúi xuống với cái nồi bốc hơi nghi ngút trên bếp lửa. Hai cái thúng to bên cạnh đựng đầy những cái chén tí xíu. “Ăn được không em?” “Ngon”. Anh cười rất vui: “Thêm dĩa nữa tí về khỏi ăn cơm”. Ăn dĩa nữa thì gật đầu ngay nhưng về khỏi ăn cơm là không được. Phải ngồi ngoan bên bàn, không bới thêm nữa thì phải nhâm nhi kéo dài chén cơm trên tay cho đến khi cả nhà cùng xong bữa. Công của người nấu nướng là quan trọng lắm. Nấu mà không ai ăn, mợ giận lần sau treo nồi luôn là chết. Gọi thêm một dĩa rồi chia đôi là vừa. Anh vui vẻ sớt qua dĩa của em phần nhiều hơn. Em nhai ngon lành, lần này là ngon lành thật sự chứ không phải là cố làm cho anh vui như cơm hến lần trước. Trời ơi, làm sao biết là ngon hay dở khi mà miệng mồm răng lưỡi bỏng rát cơn cay xé. Vậy mà em cũng ăn được hai chén. Dặn lòng không bao giờ đi ăn cái gì với anh nữa. ° ° ° ° °Chút tài còm đàn hát thuở sinh viên giúp anh có được việc làm trong mùa cưới. Hóa ra vậy mà sang. Cùng với ban nhạc, anh ra vào những nơi trước đây chỉ ngang qua mà không dám nhìn vào. “Trong restaurant đó có gì hay không anh?”. “Hôm nào anh đưa em vào cho biết”. A, lên mặt chưa kìa: “Nói sao mà đưa em vào?”. “Thì nói là em gái”. “Chỉ là em gái thôi à?”. “Chứ nói thật là người yêu thì chết anh. Mấy cô ca sĩ ghen cố tình hát sai nhịp rồi lại bảo tại anh đàn sai”. “Vậy mấy tay trống nhìn em gái anh thì sao?”... Á... à...Chẳng cô ca sĩ nào ghen cũng chẳng tay trống nào nhìn em. Ai cũng bận rộn với công việc của mình. Em ngồi ở cái bàn cạnh khu vực đám cưới, nhìn anh, rồi nhìn quanh. Cô dâu đẹp mê hồn. Chú rể lúng ta lúng túng đến buồn cười. Điều làm chú rể lúng túng nhất hình như chính là cái váy của cô dâu, nó căng phồng thành một vòng tròn khá rộng như muốn đẩy chú rể ra xa, lại còn rất dài, chú rể cứ kéo lê đôi giày chứ không dám nhấc cao có lẽ vì sợ dẫm lên vô số lớp ren xoè trên mặt đất. Chà, có bạn bè ký túc xá của em ở đây thì xuất khẩu thành thơ ngay.- Xin được hân hạnh phục vụ cô.Cậu hầu bàn trẻ măng cúi người trước mặt em. Em giật mình nhận ra sự vô lý của mình. Chỉ một ly cam vắt mà dám chiếm hẳn một bàn của restaurant sang trọng thế này. Nhưng...- Cái anh trong ban nhạc nói chị dùng gì xin cứ ra lệnh.Ra vậy. Anh thật là.- Tôi đợi anh ấy xong rồi sẽ... Xin cám ơn.Cậu hầu bàn quay đi. Anh ra hiệu gì đó em không hiểu, nhưng thấy cười là yên tâm rồi.Tại sao hôm nay em lại đến đây? Để làm gì? Đón anh, đó chỉ là cái cớ. Thật ra thì em không nên làm anh bị phân tâm thế này. Đừng nhìn em nữa. Em ngồi một mình thì đã sao. Anh tưởng em phải cần có người nâng đỡ dịu dàng bên cạnh đó à? Cậu hầu bàn lại nhìn em cười. Nụ cười gợi nhớ quá đỗi. Rất gợi nhớ...“Nghĩ gì mà trầm tư vậy?”. Em giật mình nhìn quanh. Tiệc cưới đã tan. Anh ngồi xuống ghế đối diện em, tia cười trong mắt lóng lánh. Vui gì vậy? À, mai có đám cưới, một cái sáng, một cái chiều, ngày mốt cũng có. Tuần tới có không? Liên tiếp cả tuần đều có. Vậy là đánh đàn đến mỏi nhừ tay nhé. Đáng để ăn mừng. “Em ăn gì nào?”, anh đưa bảng thực đơn dài dằng dặc. “Thừa sức đãi em bất cứ món gì”. Chà, vênh vang vậy thì người ta gọi cho biết tay. Gà nhồi nấm, bò đốp... “Bò đốp là cái gì?”. Có lẽ... khi xọc đũa vào nó nổ đôm đốp. Cười. Không được cười to đâu, trong restaurant người ta chỉ cười mím chi thôi.Rất ngạc nhiên anh nhìn em thành thạo tay dao tay nĩa, bao nhiêu món chính là bấy nhiêu món chấm. Gà quay chấm với sốt mazône. Anh lạ lùng nhìn chén sốt màu vàng dẻo quánh đặt trong lòng đĩa. “Anh biết món này làm từ gì không? Lòng đỏ trứng gà đánh với dầu ăn cho tới khi hoà tan vào nhau”. “Anh nghe báo chí nói nhiều về ngộ độc màu thực phẩm...” “Không phải đâu, màu trứng gà và dầu ăn cho ra màu vàng như vậy đó. Cũng như màu gà quay này là từ cà chua. Người ta bằm cà chua thật nhuyễn rồi vắt lấy nước”. Sao anh bỗng nhiên buồn thế kia? Ánh buồn lảng bảng trong mắt, trên cả môi cười? “Em có vẻ sành những món ăn quý tộc...” oOoBao nhiêu ngày rồi... Kể từ bữa thịnh soạn trong restaurant anh không đến. Nói đúng hơn là anh chỉ ghé ngang, bâng quơ vài câu rồi đi. Không rủ đi nước mía góc đường, không chè hẻm, không cơm bụi...Em cười thầm. Để xem cục tự ái lớn đến chừng nào cho biết. Nghĩ vậy nhưng rồi chính em cũng buồn. Cậu hỏi: “Hai đứa hục hặc gì đó?”. Mợ không hỏi gì, chỉ cười.Em đứng trên ban công nhìn xuống. Anh ngang nhà... chậm lại... rồi đi qua. Có cái lối giận hờn vô lý vậy. Em không cười thầm nữa mà thấy giận anh, giận thật sự, chẳng phải buồn một chút. Nếu em sinh ra là tiểu thư con nhà giàu thì chúng ta đến đây là chia tay thật sao? Ngốc.Em không hề là tiểu thư, chưa từng là tiểu thư mà chúng ta chia tay vì khoảng cách ấy thì thật là vô lý. Nước mắt em lăn xuống má. Chẳng có khoảng cách nào giữa hai đứa mình đâu, ông ngốc ạ! Ông còn có tài đàn hát để mưu sinh. Còn tôi, chẳng có gì, chẳng một chút tài lẻ nào...Những năm tháng ấy em chẳng tìm được một việc gì khác hơn là làm thuê. Hàng phở cần người bưng bê, không phải là chạy loanh quanh những cái bàn nằm gọn trong quán mà là bưng đến tận sạp cho những người đang buôn bán trong chợ. Anh biết không, phải thật nhanh sao cho khi người ta ăn vẫn còn nóng hổi và phở vẫn còn dai. Đón tô phở từ tay người múc đặt vào mâm, làm sao cho mỗi chuyến đi được nhiều tô nhất. Sợ trên đường người khác đâm sầm vào cái mâm của mình. Lối đi trong chợ thì rất hẹp mà ai cũng bày hàng lấn ra, lại thêm buổi sáng đông người. Sau, em xin làm bên hàng cơm. Chạy cơm cũng cực nhưng an toàn hơn phở, ít nhất là không bị bỏng tay. Vả lại, cơm là vào bữa trưa, giờ đó chợ vắng. Rồi em xin được chân rửa chén bát trong nhà hàng. Khi không rửa chén bát, em phụ bếp. Nhổ lông gà vịt, nhồi bột, lột hành tỏi... Bữa tiệc nào có món hành ngâm giấm, lột xong hàng rổ hành mắt em cay xè tối không học bài nổi. Rồi đánh sốt mazône, bằm cà chua... Những món ăn quý tộc ấy... Có những tiệc chỉ đòi các món đặc sản đồng quê... Khêu con ốc ra, khêu thật sạch, giữ cho vỏ ốc còn nguyên vẹn rồi chà rửa cho không còn tí mùi bùn. Thịt ốc bằm thật nhuyễn trộn với gia vị rồi nhồi lại vào vỏ ốc xong đem hấp với gừng. Từng thúng ốc từng thúng ốc... Không tự tay làm thì không ngờ vỏ ốc nhìn hiền hoà vậy mà làm cứa từng đầu ngón tay như dao sắc.Ngày từ giã thị trấn nhỏ bé về thành phố này, bước vào phòng thi đại học, hai tay em đầy những vết nứt nẻ. Và trái tim đầy nỗi sợ hãi. Sợ mình dốt xa học trò thành phố, thi rớt thì không biết làm sao. Số tiền chắt chiu dành dụm tiêu hết vào chuyến đi này mà công việc thì đã có người thay ngay khi em vừa xin nghỉ. Công việc cực nhọc trở thành quý giá bởi vì nó cho những bữa ăn no nê ngoài tiền lương, tuy chỉ là thức ăn thừa của khách nhưng vẫn rất ngon.Và sợ thành phố mênh mông xa lạ, sợ ánh mắt của bà chủ nhà trọ nhìn mình xoi mói, sợ tiếng cười khúc khích của đứa con bà chủ trọ “Con nhỏ nhà quê cứ ôm khư khư cái túi”.Sợ cả ngôi biệt thự của cậu mợ nữa. Cầm địa chỉ trong tay mà không dám đến, đến rồi không dám nhấn chuông. Nghèo... sợ vô cùng những nỗi tổn thương. Thà mình không đến để tự trách là tại mình không đến. Rồi tự nhủ sẽ đến khi có một cái gì đó.Cái gì đó là kết quả kỳ thi và kết quả này đã cho em cơ hội tìm được chân gia sư.Vậy đó, ngốc ạ. Chưa bao giờ anh hỏi để em kể cho anh nghe về những đắng cay. Cứ như người xa lạ, còn hơn vậy nữa! ° ° ° ° °“Sao cháu bắt nó đợi tội nghiệp vậy?” Mợ bước vào phòng với nụ cười trên môi. Ai? Ai đợi? Mợ lắc đầu: “Hai cái đứa này...”. Em chạy ra đầu cầu thang nhìn xuống, phòng khách phía bên kia nên chẳng nhìn thấy gì. Nhưng có thể hình dung ra anh đang nhìn đâu đó trên bức tranh treo tường rồi thỉnh thoảng liếc về phía chân cầu thang. “Nó khoe vừa xin được việc làm”. Mợ nói gì? “Ông chủ nhà hàng cái chỗ tổ chức đám cưới khen nó đàn hay. Rồi trò chuyện biết nó có bằng Đại học. Vậy là...” Ô la la... Tuyệt vời quá! Chúc mừng anh. Không, đáng đời anh. Em không xuống đâu. Em vẫn cứ ngồi yên trên này, đúng như một cô tiểu thư kiêu kỳ. Và anh cứ ngồi đợi chờ khổ sở lúng ta lúng túng trước mặt cậu, trước mặt mợ. Và với sự ngốc nghếch của anh.