Xứ Mường có loài trùng lạ, dài độ ba thốn, sắc đen pha tím, lưỡi hồng rất độc, gọi là Tiểu Linh Trùng. Thường ai đã bị loài trùng này cắn thì về nhà ôm cây mà cười sặc sụa, nhẹ thì thân tàn ma dại, dở dở ương ương, nặng thì cứ cười cho đến chết.
Một lần Thiên Hương - cô con gái một của trưởng bản vào rừng hái hoa về đun nước tắm bị dính trùng, về nhà cứ lấy hai tay tự cù vào nách mà cười rinh rích. Trưởng bản A Lủi lo lắm, cho mời chân tay đến thảo bàn, có kẻ hiến kế rằng: “Bản Mù Sẹo có lão lang Hai Vé chữa được loại trùng này. Y thuật của lão này đã đến độ xuất quỷ nhập thần, nhưng tối thiểu phải trả đủ hai vé”. A Lủi đáp: “Mười vé còn không tiếc, tiếc chi hai vé”. Hôm sau tức tốc cho tay chân thân tín là Phì Lù cưỡi ngựa ôm Thiên Hương sang bản Mù Sẹo.
Phì Lù từ bé mồ côi cha mẹ, sống trong một hốc cây Chằn ba người ôm. Tính tình thích lang thang mà lười đồng áng nên quanh năm đói rét, sau nhờ bày mưu cho A Lủi đoạt được chức Trưởng bản mà được tin dùng. Phì Lù yêu con gái A Lủi, thường hay lân la nịnh bợ để được lòng Thiên Hương, có điều Thiên Hương đã có dạ yêu thương Bàn Tải Chân nên không để ý đến hắn.
Bàn Tải Chân là chú họ con bà chị dâu của Bàn Tải Cân, nhân sĩ đương thời. Tính tình bặt thiệp lại không cố chấp, giao du rộng. Mỗi khi tụ họp bạn bè thường dùng sọ dừa uống rượu. Sai gia nhân kiểm soát, mỗi người uống chưa hết 3 sọ dừa thì chưa cho đi toilet, chưa hết 7 sọ dừa thì chưa cho về nhà ngủ. Vì vậy mà quần hùng càng hứng thú mà kính trọng Chân lắm lắm. Chân thường ngồi phản giữa, một tay ôm sọ dừa, một tay ôm Thiên Hương, một tay gẩy đàn Pươu, miệng nghêu ngao hát khúc Ly Hương. Bè đảng ngồi xung quanh hưởng ứng, kẻ đánh nhịp gõ phách, kẻ bi bô hát theo thật là náo nhiệt. Có điều Chân không trọng A Lủi, thường nói với thuộc hạ rằng: "A Lủi là người quân tử, trọng nghĩa khinh tài, không đáng phục". Có kẻ tâu lại với A Lủi nên A Lủi không ưa Chân lắm.
Hôm ấy Chân nghe tin Thiên Hương trúng độc vội chạy đến thì Phì Lù đã đem Thiên Hương đi rồi. Chân giận quá vội nhảy lên ngựa đuổi theo. Phì Lù nghe tiếng vó ngựa ba chẵn một lẻ biết là con ngựa thọt của Chân bèn vội ãm Thiên Hương tạt vào một hang động gần đó để trốn. Lát sau nảy tà ý rình lúc Thiên Hương đưa tay lên nách cù bèn ghé môi hôn khắp nơi. Thiên Hương tuy mắc bạo bệnh nhưng tinh thần vẫn tỉnh táo, giận quá định chống cự lại thì than ôi hai tay đều đang mắc bận, đành mặc cho Phì Lù giở trò mây mưa. Phì Lù hành sự xong lấy làm ân hận, lại sợ Thiên Hương về mách A Lủi nên cực chẳng đã phải rút dao đâm chết nàng để phi tang, định sau sẽ đổ cho Chân để phủi tội. Có điều khi rút dao ra chẳng thấy máu đâu, chỉ thấy một đống trùng nhung nhúc bò ra đầy cả hang, trong chốc lát đã lẩn hết vào trong khe đất kẽ lá. Phì Lù hoang mang tột độ, lẩn ra khỏi hang động. Hồi lâu trấn tĩnh lại, bèn dùng tay sửa mặt mũi cho thật bi thương rồi lên ngựa phóng về nhà A Lủi.

*

Chân lần theo dấu chân con ngựa Phì Lù, thấy có vết chạy thẳng vào hang động. Khi vào thì phát hiện Thiên Hương nằm sấp trên đá, sờ thấy mạch không còn nhưng hơi thở vẫn điều hoà sung mãn, huyết áp bình thường. Chân nâng nàng dậy thấy nhẹ như bông xốp, bèn vội bế lên ngựa nhằm thẳng hướng bản Mù Sẹo mà tiến, tới nơi thì trời đã tối, kịp ghé vào nhà Hai Vé.
Hai Vé người dong dỏng cao, cởi trần đóng khố Co-Tu. Vải Co-Tu là đặc sản xứ Mường, làm từ tơ của một loài nhện độc trên núi, rất quí. Mùa đông mặc thì mát mẻ, mùa hè mặc lại ấm áp. Chân và Hai Vé ngày xưa cũng là chỗ tâm giao, nay thấy Chân tới Hai Vé một mặt vội quát gia nhân bày rượu khoản đãi, mặt khác sai đưa Thiên Hương vào bệnh thất khám nghiệm kỹ càng. Vé nói: “Thiên Hương trúng Tiểu Linh Trùng, không chữa không khỏi, chữa cũng không khỏi. Nhưng vì là ái nương nên sẽ xin cố sức. Có điều nếu không thành công thì xin lệnh huynh gắng tự bảo trọng”.
Chân cảm động, hứa sẽ hậu tạ. Hai Vé sai người lấy lóng tre đực, hơ lửa cho đỏ, lại sai lật ngửa Thiên Hương bôi lên người một ít thuốc mỡ màu lam, dùng lóng tre đâm nhẹ vào các huyệt Đan điền, Mê thương, Cẩn vũ, Kinh trạch, rồi đâm mạnh vào Truỷ khốc là huyệt rất hiểm, cách rốn hai thốn. Thấy Thiên Hương giẫy giẫy một hồi, lát sau mỉm cười nham hiểm rồi nằm im bất động. Hai Vé biến sắc mặt, nói nhỏ vừa đủ cho Chân nghe: “Tiểu Linh Trùng trong người ái nương đã thành tinh rồi”. Chân vốn đa nghi, chạy lại chỗ Thiên Hương nằm thì thấy nàng hơi thở điều hoà, thần sắc tươi tốt, lay gọi thì mở một mắt ngồi dậy xem ra có vẻ tỉnh táo lắm. Hai Vé hết sức can ngăn, nhưng Chân không tin vào chuyện yêu tinh ma quỉ, một mực đòi đưa Thiên Hương lên ngựa về nhà. Hai Vé đành lắc đầu thở dài mà chấp thuận.
Con ngựa của Chân là giống rất hiếm, bờm đỏ như máu, bốn vó như tơ, ngày đi trên chục dặm không nghỉ. Hồi xưa có lần Chân ẩu đả tranh gái, bị thanh niên bản bên đuổi rất kíp, may nhờ có con ngựa chạy nhanh nên thoát được. Về sau lội qua suối, con ngựa của Chân vô ý dẫm phải đuôi cá sấu nên bị đớp què một chân. Chân thương lắm ra công chữa chạy chăm sóc nên chân gẫy cũng dần dần bình phục, chỉ có điều hơi thọt. Có người khuyên Chân nên đổi con ngựa khác, Chân đáp: "Người ta hai chân còn chạy được, nay ngựa có ba chân rưỡi thì còn lo gì". Đại khái tình cảm của Chân đối với súc vật là như vậy.
Chân ôm Thiên Hương phi một mạch dưới ánh trăng. Trời đêm lạnh, sương dâng đầy. Được một đoạn thì con ngựa của Chân bỗng nhiên đứng khựng lại, toàn thân run rẩy. Chân lấy làm lạ vì những lần đi săn hổ chưa bao giờ con vật tỏ ra sợ hãi. Đúng lúc đó lại thấy Thiên Hương oằn mình, dang hai tay ôm thít lấy người Chân. Chân bị ôm chặt quá không thở được, định giằng ra nhưng không đủ sức, cầm cự được một lát thì lịm dần...

*

Lại nói Phì Lù ra tay hạ độc xong lên ngựa chạy về nhà A Lủi. A Lủi hỏi han đầu đuôi, Lù chỉ lăn lộn dưới đất khóc lóc thảm thiết. Lát sau gạn hỏi mãi mới thều thào đáp: “Chân vì ghen tức nên đâm chết Thiên Hương rồi”.
A Lủi nghe xong thương xót quá, vội chạy ra vườn rau sau nhà ngửa mặt lên trời khóc một chập. Độ chừng tàn nén hương thì nguôi ngoai phần nào, hét Phì Lù dẫn binh mã tìm bắt Chân. Trong đám quân A Lủi có kẻ từng chịu ơn sâu của Chân, một mực không tin Chân làm chuyện đồi bại, nhưng đã có nhân chứng rành rành không cãi hộ được. Người này tên Lừ A Tang, trước cùng du học với Chân ở Paris. Bản tính hào hiệp nhưng không ưa đèn sách, lại sợ tuyết. Cứ nhìn thấy tuyết rơi là nước miếng chảy ròng ròng. Vì thế mà suốt mùa đông Paris chỉ nằm nhà đắp chăn chứ không bao giờ chịu lên giảng đường nghe bài. A Tang lên lớp đều là do Chân đến kỳ thi lại làm bài hộ cả.
Đám nhân mã theo hướng bản Mù Sẹo mà tiến, lúc đó chừng canh ba, trời vẫn mờ sương khói. Đi được một lát có kẻ phát hiện thấy vết chân con ngựa thọt, cả bọn bèn tìm quanh thì thấy Chân nằm đang bất tỉnh bên bờ suối. Phì Lù định hạ lệnh giết Chân ngay nhưng A Tang một mực can ngăn, nói là phải đưa về để A Lủi phân xử. Lù uất ức nhưng cố nhịn.
A Lủi là trưởng bản nên việc gì cũng phải xử theo luật định. Lúc tỉnh lại hỏi tung tích Thiên Hương thì Chân không trả lời được, nhưng một mực không nhận giết Thiên Hương. A Lủi giận Chân lắm, sai lính đánh đập nhưng không ăn thua. Lủi bèn dùng đòn độc, bắt lột hết quần áo Chân, rồi sai mỹ nữ dùng lông đuôi con công rừng đực cù mơn man vào các bộ phận nhạy cảm. Chân cười sặc sụa, khổ sở vô cùng nhưng vẫn cương quyết không nhận tội sát gái. Có kẻ tâm phúc hiến kế: "Chân vốn sành nhạc, nay bắt nhạc công tồi gẩy đàn bên tai chắc là không chịu nổi". A Lủi nghe theo, bắt ngay Phì Lù chơi đàn Pươu khúc Ly Hương là khúc Chân mê nhất. Lù chơi đàn được khổ đầu thì Chân mồ hôi vã như tắm, gào lên đòi chỉnh lại dây. Lù cười khẩy cứ tiếp tục chơi. Chơi được ba khổ thì Chân bắt đầu lên cơn co giật, năm khổ mặt mũi nhăn nhúm biến dạng, bảy khổ mắt Chân đã chảy máu, uất hận quên cả thở. Lù chơi đến khổ thứ mười thì người Chân khô quắt lại trông chỉ như đứa trẻ mười tám, mười chín. A Lủi sợ Chân chết nên bảo Phì Lù ngừng chơi. Chân nghe Phì Lù chơi đàn dở quá bỗng hoá ngây ngô, ngơ ngẩn cười cười, hỏi gì cũng nhận. Lù thở phào nhẹ nhõm. A Lủi thấy Chân đã thuận cung bèn tuyên án tử hình.
A Tang không đành lòng nhìn thấy cảnh oan ức, lại thương bạn nên đêm trước ngày hành hình liều mình lén đến ngục thất, dùng võ thuật hạ gục sáu cai ngục, giải thoát cho Chân. Lại thương Chân điên dại, sợ không tự xoay sở được nên cùng bỏ trốn theo. A Tang đưa Chân đến bên bờ suối gần bản Hua Đùi dựng lều ở tạm, ngày ngày câu cá, bắt chim, hái trái rừng ăn cho đỡ đói lòng. Tay chân A Lủi rất đông, lùng sục khắp xứ Mường nhưng không tìm thấy hai người. Duy có bệnh tình Chân ngày một nặng, khi đi thì chân trái quặp vào chân phải, đầu nghẹo sang hai bên, tay vắt lên cổ. Cũng may có A Tang hết lòng chăm sóc, lại cho ăn đều nên không việc gì.
Một bữa A Tang dìu Chân vào chợ phiên mua thuốc đánh răng. Có ông già ăn mày khập khễnh đến níu áo A Tang xin rượu. Nên nhớ ở xứ Mường ăn mày thường chỉ xin rượu, không xin cơm. Chân lúc đó nước dãi chảy lòng thòng, quay người lại nhìn tay khất ẩm ngơ ngẩn cười, lại đưa tay vuốt má, vuốt râu ông già ra chiều thân thiết lắm. A Tang thấy ông già thè lưỡi liếm vào tay Chân bèn vội vàng xin lỗi, rút túi đưa tặng một vé rồi nhân thể tâm sự, kể rõ bệnh tình của Chân cho ông già nghe. Ông già cảm tạ, nhận tiền rồi đột nhiên nhìn Chân đăm đăm, lát sau nói nhỏ: “Người này đang gặp nạn lớn. Nạn người thì ít, nạn trùng thì nhiều. Có điều Cự môn cư ngọ mà diện tướng lại thuộc về quí cách Thạch trung ngọc ẩn, sau tất có quí nhân giúp đỡ không phải lo lắng điều gì”. Nói đoạn cắp giày cà nhắc bỏ đi.
A Tang nghe ông già khất ẩm nói bèn vội vã đuổi theo, móc túi đưa thêm ba vé, phủ phục xuống đất cầu khẩn hỏi thêm lộ tình. Ông già động lòng đáp: “Núi Phin Mua có thần y, chữa bệnh này khỏi bệnh khác”. Nói xong giật tay ra mà đi thoăn thoắt, nhanh như ngựa phi, chốc lát đã biến mất. A Tang cúi lạy cho đến khi khuất bóng hẳn.

*

Lại nói từ khi A Tang mang Chân bỏ trốn Phì Lù thường bị A Lủi trách cứ không đâu, nên cũng có ý chán chường, thường hay về hốc cây Chằn ba người ôm uống rượu một mình. Đêm đó uống say quá, nổi hứng phụng loan, bèn chạy qua bìa rừng hái vài búp đa già rồi tạt vào kỹ viện của bản. Búp đa dùng để phòng ngừa truyền nhiễm, chọn loại già, nhưng không được già quá kẻo giòn, xé mẩu đầu rồi thổi căng lên, thấy không hụt hơi là dùng được.
Hôm đó kỹ viện đang có đợt khuyến mại, chủ kỹ viện ngoài bốn mươi, đeo yếm thắm, đùi trái có săm hình hai con mèo chạy ra đón chào. Phì Lù lúc đó say quá nên cứ chọn bừa một ả rồi đưa lên ngựa ra bờ suối. Hành sự một hồi thấy thoảng như nét mặt người con gái có phần biến đổi, lúc trắng lúc vàng, mũi nhô cao hơn miệng, hai tai bất động. Định thần nhìn kỹ thấy từ khoé mắt, lỗ tai, mũi và miệng đều có trùng bò ra. Con bé chừng thốn rưỡi, con to ba bốn thốn. Nhìn kỹ nữa thì quả là cửu khiếu đồng xuất trùng. Lù kinh hãi vùng ra, lại thấy như bình thường, có điều khuôn mặt trở nên giống Thiên Hương như đúc. Thiên Hương bật khóc, níu tay Lù kéo đi. Lúc đó Lù mụ mị không còn hay biết gì nữa.
Hôm sau có người tiều phu vào rừng đốn củi sớm, bặt gặp Lù nằm tênh hênh bên bờ suối, tay ôm một bọc trông tựa như áo, tựa như khăn. Lại gần thì là tấm da người. Người tiều phu sờ mũi thấy vẫn còn hơi thở nên đem Lù và tấm da về trình A Lủi. A Lủi nhìn thấy mấy nốt ruồi đỏ trên tấm da, biết là của Thiên Hương, lấy làm đau xót lắm. Sai thợ thuộc da nhồi cỏ, mặc cho quần áo đẹp, lại nhờ hoạ sĩ giỏi tô son vẽ phấn, kéo căng lại các nếp da chùng nên trông giống hệt như Thiên Hương lúc sống.
A Lủi đợi khi Lù tỉnh lại tra hỏi nguyên do, Lù thật thà khai hết. Lủi sai người qua kỹ viện điều tra mới biết đêm qua Lù chưa hề ghé qua nên lấy làm lạ lắm. Nhiều người khuyên nên đốt tấm da để trừ trùng hoạ nhưng Lủi thương con nên vẫn để trong nhà. Thiên Hương bình thường thì bất động, ngồi im trong góc, nhưng cứ đêm đến lại nghe thấy tiếng cười rinh rích, hệt như hồi mới dính trùng. A Lủi mấy hôm đầu cũng hãi, sau quen dần, lại lấy làm mừng, coi như con gái còn sống. Có điều không dám tiết lộ ra ngoài.

*

Núi Phin Mua là ngọn núi hiểm, cao nhất bản Hua Đùi, độ cao lại thay đổi tuỳ theo múi giờ nên việc leo trèo rất khó khăn. A Tang dìu Chân, mất hai tuần trăng, gian khổ vô cùng mới lên được đỉnh núi. Những chuyện xảy ra khi leo núi tỉ như chuyện gặp con thú lạ, đầu như đầu cáo mà đuôi lại giống hệt đuôi cáo, hay như chuyện Chân bị đi ngoài do uống nước quả mứa thiết tưởng là những chuyện vặt không nên kể ra ở đây. Độc giả nào có yêu cầu sẽ xin kể lại chi tiết trong một phụ trương của Tiểu Linh Trùng.
A Tang dìu Chân lên đến đỉnh núi rồi, nhìn quanh chỉ thấy cây xanh ngăn ngắt, mây trôi lờ mờ. Tìm quanh hồi lâu thấy có ngôi nhà cỏ, một ông già tuổi chừng ba chục đang nằm ngủ, dáng người tầm thước, cốt cách hạc nội mây ngàn. A Tang nhìn thấy trên bức vách phía tây có treo túi chữ thập đỏ, đoán chắc là thần y nên không dám kinh động, chỉ đứng ngoài xì sụp lạy. Lát sau ông già cựa mình, lẩm bẩm: "Y Đạo huyền bí biết truyền cho ai". A Tang mừng rỡ đứng từ ngoài sụt sùi kể lể đầu đuôi, lại xin hết sức cứu giúp cho. Ông già nhỏm dậy, thò một chân xuống đất, ngó Chân một hồi rồi rút túi lấy ra cuộn tơ hồng, buộc một đầu vào cổ Chân, đầu kia buộc vào tai mình để nghe mạch, hồi lâu da mặt tái lại, mắt lờ đờ, xem chừng mông lung lắm. Độ tàn nén hương tỉnh táo trở lại, nói là đã có cách chữa. A Tang mừng quá, gạn hỏi. Thần y đáp: “Hoa Đà ngày xưa gặp bệnh nhân mắc chứng nan y này, chữa mãi không khỏi, bèn liên kết cùng Sư Khoái chế ra bài thơ "Cuồng Nhĩ", dài một ngàn bốn trăm ba mươi hai câu lục bát. Người bình thường đọc thì phát điên, còn kẻ điên do bị tra tấn bằng nhạc công tồi nghe xong lại khỏi”.
Nói xong sai A Tang trói chặt Chân vào cột, lấy cật tre già căng tai ra, rồi dùng tăm quấn bông gòn nhúng oxy già ngoáy sạch để Chân nghe cho rõ. Xin không đăng toàn bộ bài thơ, vì sợ rằng trong số độc giả có ai đó chẳng may đầu óc bình thường, đọc xong lại hoá điên. Chỉ xin trích dẫn vài câu đầu:
Độc tam bán túc sơn cương
Túy tràn thiên mã lộ trường song phi
Chờ nhau phấn đượm xuân thì
Lả lơi công tử, sá gì mỹ nhân!
Chân nghe toàn bộ bài thơ xong, mắt lồi ra, mặt tím lại tựa hồ không thở được. Chừng ba khắc sau khạc ra được cục đờm to bằng cái đấu. Thần y nhanh tay hứng được, hoà thêm chút bột mầu nâu rất nặng mùi lấy ra từ túi chữ thập đỏ rồi thoa lên khắp người Chân. Chân thấy đờm dãi bẩn thỉu hôi thối nhầy nhụa khắp người nên tự nhiên rùng mình mà tỉnh táo trở lại. A Tang cả mừng, chẳng kể dơ dáy chạy đến ôm hôn bạn, rồi cuống quít quì xuống xì sụp lạy thần y, nhưng khi ngẩng đầu lên thì chẳng thấy ông già đâu nữa, mà túi chữ thập đỏ treo ở bức vách phía tây cũng đã không cánh mà bay từ lúc nào.
Chân hỏi chuyện về Thiên Hương, A Tang kể hết sự tình, lại hỏi về con ngựa thọt, mới hay tuấn mã cũng đã biệt tích từ đêm hôm ấy. Chân thẫn thờ hồi lâu rồi ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Nay muốn điên trở lại thì cũng chẳng được nữa rồi”. A Tang lúc đó ân hận quá, khóc than vật vã rồi quì sụp xuống xin tha thứ về việc đã tìm thần y chữa bệnh cho Chân. Chân gạt lệ an ủi: “Nay đã tỉnh lại rồi, biết đâu lại là may”. Hai người cùng dìu nhau xuống núi.

*

Lại nói về tấm da Thiên Hương bị nhồi rơm ngồi ở góc nhà, khuôn dạng rất đỗi dịu dàng, thỉnh thoảng cũng góp chuyện cùng mọi người rất có duyên, chỉ tội không thành tiếng. Duy những lúc Phì Lù qua chơi thì tấm da lại rung lên bần bật, cơ hồ muốn tung cả cỏ rơm trong người ra. Phì Lù kinh sợ lắm, vì vậy càng muốn lập mưu dèm pha để A Lủi đốt hủy tấm da, chỉ hiềm chưa nghĩ ra được kế sách vẹn toàn.
Một bữa gia nhân vào bẩm báo A Lủi rằng có đạo sĩ xin tiếp kiến, A Lủi đích thân chạy ra cửa mời vào, thấy đạo sĩ mũi to, dài, hai má rất phính, má phải lại có một nốt ruồi đen với ba sợi lông. Đạo sĩ nhã nhặn nói: “Bần đạo gót hạc phiêu du qua vùng này, thấy có khói bếp bay lên đúng lúc chiều tà biết là trùng khí rất nặng, không hiểu trong nhà bấy lâu có sự lạ gì chăng?”. A Lủi giật mình kể lại đầu đuôi câu chuyện Thiên Hương dính trùng. Đạo sĩ gật gù đáp: “Giống trùng này vốn dĩ đã rất độc, di không cháy, đốt không quằn, sống ký sinh trong não Linh cầm, gọi là Linh trùng. Trường hợp nạn nhân bất đắc kỳ tử thì bao nhiêu Linh trùng trong cơ thể sẽ hoá thành tinh, gọi là Tinh trùng. Lúc này độc tính của chúng tăng gấp vạn lần, tính nết lại rất ranh mãnh quỉ quái. Tinh trùng thường bám vào tấm da dưới lớp biểu bì, tới khi tròn một năm thì hoá thành trăm ngàn mỹ nữ ăn mặc tồi tàn, nhảy múa thác loạn, rất nguy hại cho thuần phong mỹ tục của cả một vùng...”
A Lủi nghe xong kinh hãi quá, bấm đốt ngón tay thấy ngày mai đã là giỗ đầu Thiên Hương nên lo tái mặt, quì sụp xuống xin đạo sĩ cứu giúp. Đạo sĩ mỉm cười độ lượng, đưa A Lủi một cái bao chế bằng cao su mỏng có mùi cam, trong suốt, bên trong đựng một thứ bột màu xanh: “Đốt đống lửa to mà thiêu tấm da, vừa thiêu vừa rắc thuốc trong bao ra, tự khắc Tinh trùng chết hết”. Nói xong đạo sĩ phẩy áo đi thẳng về phía nam, chui vào hốc cây Chằn ba người ôm, gỡ râu rửa mặt.
Đàn ông trong bản truyền nhau câu chuyện của đạo sĩ, thấy thú vị quá, ai cũng mong ngóng đến ngày Tinh Trùng tác oai tác quái hành hạ mình rồi sau có chết cũng hả. Duy có A Lủi tuy rất thương con nhưng vì tin lời đạo sĩ, thấy không cương quyết thì nguy hại cho hạnh phúc của hết thẩy các gia đình trong bản nên đành gạt nước mắt, bỏ tình riêng mà lo việc chung. Hôm sau gọi Phì Lù đến giao cho việc chỉ huy đám gia nhân đốt lửa thiêu sống tấm da. Tấm da Thiên Hương biết sắp sửa bị đốt thành tro bụi, đớn đau thổn thức.
Đúng lúc tay đao phủ chuẩn bị quẳng tấm da lên thiêu trên lửa, chợt có một hảo hán to lớn tóc rậm râu đen, mặt dài như ngựa, đóng khố Co-Tu, cao chừng thước ba từ ngoài cổng gạt đám đông xông thẳng vào, chỉ vào mặt Phì Lù quát lớn: “Yêu quái thấy lão nhân đến sao không hiện nguyên hình?”. Phì Lù tái mặt giật mình, tuy vậy khuôn mặt hình dáng vẫn hầu như không biến đổi. Hảo hán lại mắng: “Thiên Hương chết vì ngươi, Tải Chân điên vì ngươi, Tinh trùng cũng từ ngươi mà ra cả, sao không sớm quì xuống chịu tội!”. Phì Lù hoang mang tột độ, mồ hôi vã ra như tắm, nhưng vẫn cố cãi: “Bàn Tải Chân cưỡng bức rồi giết Thiên Hương, tội đáng chết, tiểu nhân đâu dám can dự vào việc tày trời...”. Hảo hán cười nhạt, bước thẳng đến tay đao phủ, giật lấy tấm da rồi rũ cho phẳng, đoạn chỉ cho mọi người thấy một lỗ thủng phía dưới bụng, cách rốn hơn một gang tay. Sau lại bước tới nắm cổ Phì Lù, rút ra từ cặp quần y con dao găm lưỡi bằng sáp ong được mài sắc ngọt, đem chọc vào lỗ thủng trên tấm da thì thấy vừa như in. Hảo hán mắng: “Nhân chứng vật chứng rành rành, ngươi còn dám cãi chăng?”.
Phì Lù biết chuyện bức hại Thiên Hương đã bại lộ bèn quay ngoắt người vùng bỏ chạy. A Lủi trước vẫn có một đàn chuột bạch đã được huấn luyện kỹ càng, lại không bao giờ cho ăn nên chúng đói khát và độc ác vô cùng. Con đầu đàn lông đen, mắt xanh, răng chìa ra như cặp ngà voi, rất giỏi võ, tên là Linh Miêu. Thấy Phì Lù bỏ chạy A Lủi ra lệnh thả đàn chuột ra đuổi theo. Đàn chuột chẳng mấy chốc bắt kịp Lù, Linh Miêu nhảy phắt lên đầu y kéo tóc vật ngửa ra. Bọn còn lại nhảy vào xâu xé, chỉ trong chốc lát cơ thể Lù lộ hẳn ra, toàn thân không còn mảnh vải nào che đậy.
Trong lúc Lù khoả thân, A Lủi nhận thấy mông trái của Lù có nốt ruồi đen với ba sợi lông giống hệt nốt ruồi trên má phải của đạo sĩ, nên hiểu ngay Lù và tay đạo sĩ hôm qua chỉ là một. A Lủi giận lắm, lệnh cho đao phủ dùng chày đập chết ăn thịt, trả thù cho con gái. May có tay hảo hán một mực khuyên ngăn, ý rằng nên đợi đến khi tìm được Chân về giải hết oan ức rồi mới luận tội Lù một thể. A Lủi thấy có lý bèn sai giam Lù vào cũi chờ ngày xét xử. Tấm da Thiên Hương suýt nữa bị thiêu huỷ, nay được đặt trang trọng trên một khay nhựa trong ngăn đá tủ lạnh. Lát sau mọi việc bình ổn, A Lủi định mời hảo hán vào dùng trà, nhưng tìm khắp trong vòng trăm dặm quanh nhà chẳng thấy bóng dáng đâu nữa.

*

A Tang cùng Chân xuống núi Phin Mua, không dám quay về bản cũ vì ngại lệnh truy nã vẫn còn hiệu lực. Chân bèn rủ A Tang sang Paris, trước là thăm lại thầy bạn cũ, sau là ẩn thân một thời gian. A Tang vốn dị ứng tuyết nhưng vì nể bạn, lại ham vui nên đồng ý. ở Paris sáng sáng Chân đi chợ mua đầy thức ăn bỏ vào tủ lạnh, xong vội vã lên ngay thư viện lục tìm khảo cứu. A Tang ở nhà giặt giũ nấu nướng xem ti-vi. Một lần A Tang đang nấu dở nồi súp cừu thì Chân lao vào, nghẹn ngào nói: “Thuốc giải cho Thiên Hương đây rồi”, đoạn đưa cho A Tang xem một cuốn vở nhàu nát, bìa có đóng dấu thư viện Paris và dán mã vạch, giở ra thấy toàn chữ viết tay bằng tiếng Phạn cổ. Hôm sau Chân và A Tang tức tốc ra siêu thị mua vài tút thuốc với mươi đôi tất da chân làm quà, rồi đặt vé Air-France bay về Mường.
Chân tới thẳng nhà A Lủi, thấy Phì Lù bị giam trong cũi ở ngoài sân lấy làm ngạc nhiên lắm, rút thuốc lá ngoại ra mời. Lù thèm quá nhưng hổ thẹn ngảnh mặt không dám nhận, nói thác rằng đã cai thuốc cho đỡ ngượng. Chân lại đưa cho một phong sôcôla, Lù thấy không còn cách nào thoái thác đành nhận mà cất tạm dưới gối. A Lủi nghe báo Chân đến vội lật đật chạy ra, vừa khóc vừa xin lỗi, đoạn kể lại câu chuyện Phì Lù bị tay hảo hán lật mặt. Chân lấy làm lo lắng, than rằng: “Ở đời nhân quả mấy khi báo ứng”. Bàn đến chuyện chữa chạy cho Thiên Hương, A Lủi vật mình than khóc: “Em nó đâu còn thịt xương nữa, chỉ còn tấm da thôi”. Chân cười: “Con người nên lấy da làm trọng. Da còn người còn, da mất người mất. Thế nhân thử hỏi mấy ai không có da mà làm nên nghiệp lớn được đâu”. Tính A Lủi vốn công thức, ưa logic, nay thấy Chân lý luận chặt chẽ thì tin phục lắm, đồng ý để Chân toàn quyền xử trí tấm da.
A Lủi truyền gia nhân mang khay nhựa đựng tấm da Thiên Hương đến cho Chân. Chân dùng syrine trích lấy vài tế bào rồi sai đem đốt toàn bộ phần còn lại, phần là vì tấm da thuộc kém để lâu đã hơi có mùi, phần nữa là để diệt hết Tinh Trùng ký sinh trên tấm da. Về nhà Chân áp dụng thủ thuật được chỉ dẫn trong tấm vở chữ Phạn lấy trộm ở thư viện Paris, kết hợp với công nghệ nhân bản vô tính tái tạo lại Thiên Hương. Thí nghiệm thành công, chỉ trong vòng hai tuần trăng Thiên Hương đã hồi sinh trở lại trẻ đẹp như cũ.
A Lủi thấy con gái sống lại, hình dáng phong thái không khác gì trước lúc dính trùng, mừng quá đứng ra tổ chức đám cưới linh đình. Dân trong vòng mười hai bản lân cận đều được mời dự cơm thân mật, phong bì chất cao như núi. Hai Vé từ bản Mù Sẹo cũng cưỡi ngựa thồ sang chia vui, mừng một phong bì hai vé.
Hai vợ chồng Chân và Thiên Hương sống với nhau rất hạnh phúc, nhưng xem chừng cũng có vẻ gì khang khác. Một bữa không nén nổi Chân bèn gạn hỏi vợ: “Ngày xưa khi ta ôm nàng uống rượu sọ dừa chơi đàn Pươu hát khúc Ly Hương, đùi trái nàng bao giờ cũng rung lên theo điệu hát. Sao nay hát khản cổ mà chẳng thấy nàng rung đùi?”. Thiên Hương thản nhiên đáp: “Thiếp và Thiên Hương ngày xưa chỉ giống nhau ở cấu trúc ADN, chứ đâu có giống ở cách rung đùi mà chàng phải băn khoăn”. Chân nghe vợ nói thế mới yên tâm.
A Lủi bàn với hai vợ chồng cách xử trí Phì Lù, hỏi nên cắt gân róc thịt hay lột da xát muối. Chân nói là đã có cao kế, đoạn đề nghị thả Phì Lù, cấp vốn cho mở một gian hàng dịch vụ tin học ở hốc cây Chằn ba người ôm, lại gả cho hầu gái của Thiên Hương làm vợ lẽ. Từ đó Lù chí thú làm ăn, doanh số rất lớn, ít lâu đã trở thành đại gia, con đàn cháu đống. Duy có đám con của Lù lớn lên tất thẩy cũng đều nối nghiệp cha, không thoát ra được, nhưng đó là chuyện sau này.

*

Một ngày giáp Tết, A Tang tới nhà Chân uống rượu sọ dừa. A Tang hỏi: “Vẫn không hiểu ông già khất ẩm, thần y núi Phin Mua và tay hảo hán là ai. Trong câu chuyện này nếu không có ba nhân vật đó thì đâu có được đoạn kết như ngày nay”. Chân suy nghĩ mông lung một lát rồi khẽ nói: “Cả ba đều là con ngựa thọt của ta cả!”. Nói xong Chân chợt thấy cay cay nơi sống mũi, mắt chàng ươn ướt nhìn qua cửa sổ hướng về xa xăm: “Vì muốn cứu chủ mà tuấn mã phải chịu hy sinh, từ kiếp ngựa xuống làm kiếp người. Nay xong việc muốn về lại kiếp ngựa cũng chẳng thể được nữa rồi. Chẳng hiểu Tết này tuấn mã đón xuân nơi nao?”.
Đoạn kết 1:
Tiếng vó ngựa ba chẵn một lẻ vang vọng mãi trong lòng người chủ cũ...
Đoạn kết 2:
Bỗng nhiên có tiếng gót giầy ba chẵn một lẻ bước lên cầu thang, Chân và A Tang cùng giật mình ngoái lại...
Đoạn kết 3:
Chợt gia nhân vào báo Thiên Hương chuyển dạ sinh một bé trai rất bụ bẫm kháu khỉnh, có điều chân trái hơi thọt. Chân cả mừng, truyền đặt tên con là Mã Nhi.
Ngoài vườn hoa xuân đã chớm nụ, Tiểu Linh Trùng vừa nở khỏi kén, nằm cuộn tròn trong nhuỵ một đoá tầm xuân ngủ ngon lành.
Ngày mưa tầm tã, xuân Tân Tỵ

Xem Tiếp: ----