Vang tiếng trùng kêu, bãi cỏ xanh như rền rĩ trong vừng tăm tối. Dưới đất, hòa một khúc âm nhạc tỉ tê, rầu rĩ, giun dế than âm ỉ suốt canh trường. Trên cành, xuyên qua những kẽ lỗ chỗ hiện trong mấy chùm lá rậm rạp đen sì, ánh sáng phờ phạc của vừng trăng lưỡi liềm le lói giữa ngàn mây, một vành trăng chênh vênh như treo nhẹ ở đầu sợi tóc. Một con cú ăn sương vừa vỗ cánh xào xào vừa rúc lên một tiếng rõ dài, nghe buồn rầu, ghê sợ. Rồi ngọn gió vàng thổi bùng lên, đuổi đám lá vàng tan tác; rồi đàn vạc rạch da trời phẳng lặng, gợn không trung bằng những tiếng "quạc quạc" vô duyên. Gầm trời lạnh lẽo, đìu hiu; phong cảnh nhuộm một vẻ ủ ê khó giải.
Đêm. Đêm buồn, đêm tối, đêm vắng ngắt của mùa thu; một đêm lạt lẽo, âm thầm, mà chỉ riêng có mảnh trăng non kiên nhẫn, lẳng lặng híp con mắt trắng xanh, trông xuống non sông ảo não.
Mặt nước hồ sen, chiếu vừng trăng bạc, cũng phẳng như tờ, tựa hồ đương ngủ một giấc ngủ êm đềm mỏi mệt. Lắng tai chú ý, ta chỉ thỉnh thoảng nghe con cá đớp mồi lách tách, hoặc con tôm lóc bóc vẫy vùng. Rồi lại im, lại tối: đêm trường phủ trên mặt nước một tấm màn sương trong vắt, lờ mờ gợn trắng vì pha mầu ánh sáng trăng non.
Dưới ánh trăng non, kìa bóng ai như thấp thoáng. Làn tóc đen, đen mướt, phấp phới bay tung đầu gió; bộ quần áo lụa trắng, trắng tinh, rung rinh điểm một vết lung lay trong bầu đêm tối đen mờ. Thoăn thoắt trên bãi cỏ xanh, bóng người tha thướt chạy. Tha thướt bóng một nàng con gái. Con gái hiện ra trong lúc canh khuya im lặng, có chăng chỉ là bóng oan hồn?
Con cú đậu trên cành lên tiếng rúc bi ai, quái gở. Ngọn gió bấc đuổi bông hoa tan tác rụng lưng trời. Làn gió đuổi hoa, bóng người đuổi gió. Mỹ nhân áo trắng một mạch chạy thẳng đến hồ sen như mũi tên bay. Tiếng tơ lụa sột soạt đụng làn không khí, cũng lào xào gợn đêm trường tĩnh mặc, chả khác gì tiếng gió vì vèo thổi qua chòm lá rậm ven hồ. Mặt nước hồ trông vẫn phẳng. Những khóm sen tàn, lúc ấy, không còn để lại một vết gì kỷ niệm những ngày đã trổ lá, tuôn bông. Tiếng côn trùng rền rĩ, làm cho cảnh vật càng tăng phần ảm đạm.
Bỗng nhiên, xé vừng quạnh quẽ, lên cao hơn mọi thứ âm thanh thiết tha trong bãi cỏ, một tiếng kêu, kêu thét, một tiếng gọi đau đớn, ghê sợ, xuyên qua không trung mờ mịt, như muốn rúc lên mãi tới cung Thiềm. Tiếng kêu ấy, lớp lớp gợn ra, tỏa khắp một vùng rồi im bặt đi, nhường chỗ cho vẻ im lặng. Lá màn tối vắng bị rách trong một thời khắc rất nhỏ, rồi lại choàng vá lại ngay. Tiếng kêu thương chỉ vẳng ra có mỗi một lần, tưởng chừng tiếng rít của một loài dã thú hay của một con ác điểu.
Tiếng kêu ấy không bút nào tả nổi. Nó tựa tiếng hét của một kẻ đứng trước một tai nạn hiển nhiên mà tự biết mình không thể nào trốn tránh cho thoát được. Nó cũng giống như tiếng hoảng hốt của một người yếu bóng vía, bất thình lình gặp ma qủy dọa nạt, hoặc chạm trán với một hình ảnh gì kinh khủng, ghê gớm đến cực điểm. Nó có một tính cách dị kỳ, tiếng kêu ấy, ta muốn tưởng tượng thế nào cũng không đúng được. Gần giống nó, họa chăng chỉ có tiếng kêu bi ai thảm thiết của con vật bị một vết tử thương, cố gượng ngửng cổ lên gọi sự sống một phút cuối cùng, trước khi gửi hồn cho Thần Chết.
... Nó đập ngực, kêu một tiếng dã man (1)
Vang trong đêm tối như một tiếng vĩnh biệt thê thảm;
Đến nỗi những hải điểu sợ phải bỏ bờ biển mà bay đi,
Và người viễn khách, còn đủng đỉnh chưa về,
Cảm thấy Thần Chết tạt qua, cũng phải cầu Trời phù hộ...
Ai đã đọc qua mấy câu thơ Pháp ấy, tất hiểu rõ ngay tiếng kêu kia nó bi đát là nhường nào. Tiếng ấy vừa tan đi, cái bóng trắng từ chỗ mờ mịt bỗng nhô ra, chạy thất thểu trên bờ cỏ lạnh. Chiếc bóng yểu điệu và bí mật ấy vươn vai nhún mạnh, giơ hai tay ra đằng trước như chào đón cái chết sắp tới, rồi kiễng chân, bổng gót, nhẩy choàng xuống đáy hồ sen.
Bích... bóc!... Làn sóng nâng đỡ lấy miếng quà ngon quý tự hiến cho Thủy thần; bọt tăm sôi nổi một vùng; mặt nước, trong một khắc, rung chuyển. Mảnh trăng non lóng lánh dưới đáy hồ, cũng theo gợn nước chia làm muôn mảnh... Mặt nước sẽ dần dần khép lại, điềm nhiên như không biết có sự gì quan trọng mới xảy ra. Giấc ngủ của cảnh vật đêm khuya lại say mê, say mệt.
Bên bờ, tiếng dế vẫn ti tỉ gào sương, mà, trong dẫy nhà thăm thẳm mé xa, bóng đèn le lói như hếch mắt nhìn vào cõi tối.
*
Mười bốn năm trường đã đổi Liễu ra một cô ả có tài, có sắc. Chẳng ai ngờ con bé gầy gò, xấu xí, mà chẳng có vị phu nhân nào để ý tới ngõ hầu chọn trước cho công tử nhà mình, chẳng ai ngờ con bé ấy càng nhớn lên, càng đẹp. Thời gian đối với Liễu đã như một ông bác sĩ chuyên môn về khoa làm cho đàn bà thêm nhan sắc; ngày tháng tạt qua đã dũa mòn cái xấu xí của Liễu, đem lại cho Liễu những vẻ má nhung, mắt sáng, những đường mềm mại, đổi một hình hài cứng cỏi ra một thân thể óng ả, yêu kiều. Thực vậy. Em Liễu xưa kia mảnh khảnh, yếu ớt, gầy như ống sậy, lại cứng như que củi; da mặt thì bủng beo xám ngắt, còn chân tay cũng không có điệu gì là thùy mị, dẻo mềm. Thế mà càng cao, Liễu càng dần dần có dáng. Nước da buổi thơ ấu xanh xao vàng vọt, giờ đây mịn màng, dịu đỏ ngăm ngăm, pha mầu da dâu với màu vỏ đào chín tới. Nước da của Liễu có một nét riêng, biệt lập hẳn ra một lối. Phần nhiều con gái đất Bắc, ai cũng chỉ có màu da trắng toát hay màu da thông thường của nòi giống, vàng lợt như mầu ngà; đã mấy ai có thứ da phớt đỏ, phớt đen, một thứ da điểm cho người có nó một vẻ tươi nồng nàn, thắm, đậm, một sắc đẹp phần sắc sảo, phần dịu dàng?
Trên làn da như thế, tô thêm một nét rất lẳng lơ tình tứ cho khuôn mặt trái xoan thon nhỏ, hai đường lông mày gọt phăn lá liễu, giống hệt như đường kẻ thanh thanh của ngọn bút lông tô mi mắt các tranh tố nữ, đi đôi với cặp mắt phượng sáng quắc, đen nháy mà dài; khiến cho mặt Liễu hiện ra dưới tầm mắt nhà mỹ thuật như biểu hiện của sắc đẹp nghiêng thành, nghiêng nước, mười phần đúng cả mười với tưởng tượng nhà hội họa, mười phần hệt cả mười với lời dệt gấm, thêu hoa của nhà văn hoặc nhà thơ. Nhưng đã thế mà thôi đâu! Tả lại nhan sắc Liễu cô, kẻ chép chuyện này không khỏi sợ rằng mang tiếng là người bịa đặt! Làn tóc ai, sao không dầu mỡ, mà cũng mịn, cũng nhánh, cũng đen một mầu đen tươi như mầu đồng tử, ánh như mầu mực khô, đầm như mầu mây thu, lại dịu như nét bút của một bàn tay yêu kiều vẽ một bó tơ đen nõn. Làn tóc ấy, trên đầu Liễu, nó tòe ra đôi cánh phượng, nó mềm mại uốn từng vòng gọn ghẽ để thu hình dưới vành mũ Loan khôi dát năm hòn ngọc biếc, lóng lánh khoe nước chung quanh một đóa hoa trân châu nở óng ả, đua tươi cùng cặp má hồng mơn mởn, mịn như nhung. Rồi, còn nữa mà!... Rồi, dưới sống mũi xinh xắn, đều đặn, thẳng dọc dừa, đôi môi đỏ thắm, hơi dầy, càng làm tăng sắc đẹp của giai nhân, một sắc đẹp có thể sánh với mấy câu thơ của khách si tình hay chữ:
Bắc phương hữu giai nhân,
Tuyệt thế nhi độc lập:
Nhất cố khuynh nhân thành,
Tái cố khuynh nhân quốc.
Có thế thật! Mỗi lần tươi cười, có dịp phô hàm răng trắng nõn trắng nà, vừa đều vừa sáng, làn môi kia lại vành cong bán nguyệt, núng đôi má hơi hơi lõm xuống, xoáy thành hai đồng tiền biết bao là lịch sự, có duyên!
Nhưng hỡi ôi! Có phải chăng câu: "Tự cổ hồng nhan đa bạc phận" nó đã khiến cho nhan sắc Liễu, càng có vẻ rực rỡ tươi thắm bao nhiêu, càng như đeo cả một nét sầu kín đáo bấy nhiêu? Tất cả dáng người Liễu, từ bộ đi kiểu đứng, từ câu nói tiếng cười, hiện ra một vẻ sầu riêng, một vẻ buồn âm thầm, não nuột, phút chốc thoảng qua trên nét mặt, lại phút chốc biến tan đi trong cái đẹp chói lọi làm át mất hết mọi làn ám khí vẩn vơ. Có kẻ bảo, từ khi em lọt lòng, Liễu đã mang trong đôi đồng tử, lúc vụt sáng quắc, lúc lại mờ mờ, cái dấu hiệu ủ ê của nghiệp duyên xưa kia còn sót lại. Bởi, từ ngày còn tóc xõa ngang vai thơ ấu, Liễu đã có nhiều tính tình kỳ quặc, khác hẳn những con gái đồng niên canh, đồng giáo dục với nàng. Hoặc có khi đương cười nói vui đùa, bỗng ngồi xệp xuống thở dài rồi sa sầm nét mặt, hai mắt mơ màng nhìn vào quãng không gian mờ ám, như muốn trông thấu suốt cõi vô hình để tìm một kỷ niệm gì của thời dĩ vãng xa xăm. Hoặc có khi một mình lủi thủi đi vào chỗ tối vắng, tựa lưng vào gốc cây cổ thụ, đứng trầm ngâm hàng giờ, không biết nghĩ ngợi điều gì bí mật. Hoặc có khi đương ngủ, Liễu bàng hoàng ngồi phắt dậy, nhẩy xuống giường, mở cửa chạy ra sân; rồi trong quãng đêm khuya dưới gầm trời mờ mịt, nàng một mình đi bách bộ giữa vườn, vừa đi vừa nói lảm nhảm những câu gì không rõ.
Tất cả họ hàng thân thích, không ai không bảo Liễu nhi là bị quỷ ám ma làm. Mà thực vậy! Trông thấy những cử động lạ lùng, vô lý, ai là người tránh khỏi sự kinh sợ một mãnh lực thiêng liêng, tàn ác, nhập vào em Liễu để rồi dìu dắt em vào sự chết thảm thương? Ngắm vẻ người Liễu, tuy thiên hạ đều nhận nàng có một sắc đẹp tuyệt diệu, họ cũng cho nàng là không có tướng sống lâu. Thọ mệnh con người, nhiều lúc, nó hiện hẳn rõ rệt trên khuôn mặt, trong dáng người. Cái thân thể mảnh khảnh kia, dỏng cao mà gầy lướt, nó dịu dàng ẻo lả, nó tha thướt yêu kiều; nhưng nó chỉ như một cành hoa yếu ớt, một nhánh liễu nhẹ nhàng, mà trận cuồng phong, một sớm, bạt xa đi ngàn dặm. Cái đẹp của Liễu là một vẻ đẹp say sưa, mơ mộng, tựa như khóm liễu nghiêng mình soi bóng dưới đầm thu. Nó là một vẻ đẹp não nuột như khúc đàn, chan chứa như bài thơ, nhưng hỡi ôi! Đấy chỉ là những nét mỹ lệ, có sức cảm được tâm hồn nhà nghệ sĩ lại không đủ sức bảo tồn lấy thọ mệnh cho giai nhân!
Tiếng nói thánh thót, dịu dàng, nhưng tựa hồ ngắn hơi không có hậu; bộ đi thướt tha, óng ả, nhưng tựa hồ mỗi bước đi là một lần nhún gót không vững vàng; những nét ấy Liễu nhi đều có từ thủa còn nhỏ xíu, khiến cho trong vẻ đẹp của em, bóng Tử thần như vẩn vơ ẩn nấp, chỉ lăm le cướp giật cái hồng nhan. Số kiếp của Liễu, chả biết sau này kết quả thế nào; mạng em chắc rồi cũng khó được lâu; song le, chết mười tám, đôi mươi, chết băm tám, bốn mươi, tuy cùng chung một tiếng "chết non", kỳ thực vẫn có cái sau, cái trước. Vương Thái công, thân sinh ra Liễu, đêm ngày thường lo lắng cho mụn con yếu ớt, chỉ mong rằng đứa trẻ kia thoát khỏi vòng mười tám, đôi mươi. Rồi ra, nếu Liễu nhi có phúc phận yên bề gia thất, lại nhờ Trời có vài ba đứa con thơ, dù nàng đoản số chết trong vòng ba tám, bốn mươi, Thái công cũng cho thế là may mắn lắm. Ông không dám mong con gái ông sống đến bạc đầu, lòa mắt; chỉ ước ao nàng tránh khỏi nạn Tử thần bắt mất, khi vừa đúng tuần đôi chín xuân xanh. Vì ông rất tin mãnh lực của tiền oan, nghiệt trái, vì ông biết gia đình ông đương bị buổi suy tàn, tiêu diệt, nên ông chỉ cầu Trời khấn Phật cho đứa con gái ông, bởi lẽ nàng là con gái, sẽ tránh khỏi lưới của oan nghiệt, sẽ không phải chịu sự hành phạt tàn ác của những loài ma quỷ báo thù.
Hỡi ôi! Thái công nào có biết đâu! Biết đâu Tạo hóa cũng nhiều khi thắc mắc, mà, con trai cũng như con gái, đã rủi ở trong vòng quả báo, không bao giờ không phải mang thân để trả nợ cho ông cha!
Đấy là một sự huyền bí, thiêng liêng, mà không thể hiểu được những người vô tín ngưỡng.
*
Vương Thái công vuốt trán, thở dài. Một mối lo nghĩ băn khoăn bám chặt lấy tâm hồn ông mà cắn rứt. Nỗi oan khổ của ông là một nỗi khổ tinh thần thâm thúy, nó phát nguyên ở một sự dị kỳ, khó hiểu; nó càng ngày càng chiếm vững tư tưởng ông, càng ăn sâu vào trí nghĩ ông, bởi lẽ càng kinh nghiệm bao nhiêu, bấy nhiêu lòng tin nghiệt trái, tiền oan, càng nồng nàn, càng mạnh. Tín ngưỡng của ông bây giờ không phải là điều huyền hoặc nữa; nó là một hiện trạng rõ ràng, mắt ông đã từng trông thấy. Vì thế, ông đâm ra đêm ngày lo ngại, ông kinh sợ, hoảng hốt, tựa hồ phút nào cũng vậy, những kẻ thù vô hình của ông đều tụ nhau đứng chực sẵn, chỉ đợi đúng dịp là giơ tay bồng em Liễu mang đi...
Vương Thái công tự cho mình là khổ. Thực ra, cứ lấy bề ngoài mà xét ông là người không ngồi trong cảnh khổ chút nào. Trong tỉnh Sơn Đông, ông đứng vào hàng triệu phú, mà trong thành Thư Châu, không ai trông thấy ông không khiêm tốn cúi chào. Giầu, ông là đệ nhất khắp hàng hạt; ruộng vườn cò bay thẳng cánh, dinh cơ biệt thự chẳng thiếu nơi nào; cha mẹ ông lúc lâm chung để lại cho ông một sản nghiệp rất to, ông dù huy hoắc suốt đời, cũng không thể phá tan hết được. Đã thế, những quan chủ tỉnh nối nhau kết thân với Thái công cho kỳ được, bởi lẽ Thái công chưa từng tiếc tiền để giúp ích vào mọi việc công nghĩa hay phúc đức, để làm đẹp lòng các thượng khách gặp lúc khó khăn đến hỏi vay, và để bày yến diên thịnh soạn tiếp đãi đủ mặt quý nhân, mỗi khi hơi có một dịp vui mừng đáng kỷ niệm. Bởi vậy, bao nhiêu quan Tổng đốc và Đạo đài, bao nhiêu quan Nguyên soái và Tổng thống, đến phó nhậm hoặc đi qua địa hạt tỉnh Sơn Đông, bao nhiêu tay thế lực trọng quyền ấy đều đồng lòng tâu xin Chính phủ Trung ương ban cho ông tước vị, phẩm hàm, ngọc bài, kim khánh; thôi thì một loạt huy chương đỏ chói rực rỡ, đều rủ nhau đến sắp hàng đều răm rắp, chật ních cả tấm bảng nhung thêu ghi sự nghiệp, danh tiếng lớn của Thái công.
Thế mà Vương Thái công vẫn cứ ảo não, buồn rầu, vẫn chưa được vui lòng, thỏa nguyện; những sự giàu sang phú quý đối với ông, toàn là những sự có thừa. Bao giờ cũng như bao giờ, ông lo nghĩ, không yên tâm: ông lo cho dòng dõi nhà ông, đương độ danh giá lẫy lừng, tài sản thịnh vượng, mà đến nỗi không ai thừa tự!
Thái công chỉ có một người con gái.
Không phải xưa kia ông không được hạnh phúc đầy sân hòe quế; trước đây mười năm, ông đã từng biết thú hả hê ôm bốn con trai nhỏ bên lòng. Nhưng ngày nay!... Ngày nay... Họ Vương không còn có hy vọng giữ toàn dòng họ nữa! Thái công tuyệt tự.
Duyên cớ sự tuyệt tự này, kể ra, nó lạ lùng khôn xiết, nó rất hoang đường, bí hiểm, nhưng xét kỹ nó có nhiều lẽ hợp với sự thực cũng như hợp với tín ngưỡng loài người. Nó là một chuyện quả báo.
Họ Vương, đã cách bốn đời, có người làm Sơn Đông Tổng đốc. Vị thượng quan đó không phải là một kẻ tầm thường, ti tiểu, gặp dịp may mà hiển đạt; ngài là một anh hùng có nghị lực, có dũng cảm, khảng khái, chính trực, do chân cử võ xuất thân. Từ chân du kích nhỏ nhặt, ngài tiến mãi đến ngôi đề đốc, tham quân; sau cùng được đặc cách bổ Tổng đốc Sơn Đông, vì ngài đã giúp một phần rất lớn trong sự giữ vững ngôi bảo tộ của Thanh triều, bị đảng Hồng Tú Toàn làm cho ngả nghiêng, xiêu lệch. Vương Tổng đốc có công đánh phá Thái bình thiên quốc; ngài từng dùng ngọn siêu đao lấy không biết bao nhiêu đầu thượng tướng của Vi Xương Huy. Ngọn siêu đao ấy, xưa kia, đã từng bay lượn trong chốn sa trường, lấp lánh chiếu ra những tia sáng tơi bời như mảnh tuyết tuôn rơi, hoa lê tan tác; ngọn siêu đao ấy đã làm cho Vương Đề đốc đánh đâu thắng đó, khiến Từ Hi Thái hậu đẹp lòng ban cho ông được dự vào hàng "Định quốc công thần".
Rồi tiền đồ họ Vương, từ đó, không cần tô điểm nữa. Uy quyền lừng lẫy, thanh thế vang đồn, những giặc cỏ, bè đảng của Thái bình thiên quốc ngày xưa đều ẩn nấp rất xa, sợ Vương Tổng đốc như sợ hùm thiêng, báo dữ.
Mãi đến năm Kỷ Tị (1869), khi thấy nền bình trị đã yên yên, một tay cừ khôi trong bọn đó, mới mượn tiếng báo phục cho Hồng cựu chủ, tụ họp được ba bốn ngàn quân nổi loạn ở Liên thành. Các quan bản hạt cự không lại sức mạnh của tráng sĩ lục lâm, đành phải bo bo giữ chặt lấy phủ thành rồi cầu khẩn xin quan trên cứu viện.
Vương Tổng đốc, lúc ấy đã ngoài năm chục tuổi, nhưng vẫn còn hăng hái, quyết lòng nhổ cỏ hoang cho tiệt rễ mới nghe. Ngài bèn thân đốc đại binh thẳng tới Liên thành, bầy trận thế đối địch cùng nghịch tặc.
Quân loạn đảng nghe nói họ Vương cầm tướng ấn đều nhao nhao lo sợ; có kẻ nửa đêm bỏ trốn, có kẻ lùi nấp mé sau; khiến cho nhuệ khí của nghịch quân mất cả; đội ngũ lệch xiêu lộn xộn, tướng sĩ chưa đánh đã lùi; chỉ một trận sát lá cà, thúc binh hùng mãnh tiến, là bên địch đã bỏ cờ bỏ trống, xô nhau luống cuống chạy dài. Vương Tổng đốc cưỡi ngựa đi trước, cầm ngọn roi chỉ hướng cho ba quân tiến lên đánh rát; tên tướng giặc lâm thế cô bị vây giữa một vòng người rắn chặt hơn lưới sắt, hết sức tả xông hữu đột mà vẫn không ra thoát trùng vi. Sau cùng, gân cốt mỏi mệt, tay chân luống cuống, áo bào bị máu đẫm đỏ ngầu, anh loạn tặc bị câu liêm móc ngã; lính tráng ồ cả đến trói gô lại, giải về đem nộp Vương công.
Vương công đóng tù xa giải nó tới Sơn Đông, rồi làm sớ tâu lên Thanh hoàng đế. Triều đình giáng chỉ cho ngài được quyền tự kết án tên tội phạm, không phải bẩm tấu làm gì. Việc sinh sát thằng tướng cướp lớn gan kia, bởi đó, trong tay Vương Tổng đốc.
Tra hỏi nó, Vương công mới rõ tên hào kiệt đó là Hoàng Sinh Mẫn, vốn từ xưa đã có tiếng là một tay bợm bãi có bản lĩnh nhất trong đảng giang hồ. Xét hỏi qua loa, quan Tổng đốc nhân rất ghét lũ tặc thần, kết Hoàng Sinh Mẫn vào tội bị chém ngang lưng, bêu đầu cửa chợ. Tay đầu đảng hung hãn dữ tợn ấy, đến khi nghe tuyên án, bỗng khóc lên rưng rức, cúi đầu lạy Vương công như chầy máy, xin tha cho tội chết, nguyện về sau rửa lỗi, ngậm vành cắn cỏ đền ơn.
Nhưng quan lớn vẫn không nghe, Ngài cứ chiếu luật, đúng ngày dự định, đem tội nhân ra pháp trường xử tử. Ngày hôm đó, trước khi đao phủ múa dao lấy tính mệnh của tướng cướp, có hai người đàn bà, một người già, một người trẻ, đi thẳng vào dinh Tổng đốc khiếu oan. Người già độ ngót sáu mươi, người trẻ còn non hơ hớ, chưa đầy hai mươi tuổi.
Hai người đó cùng mặc tang phục, khăn xô, áo gai, vừa kêu khóc vừa lạy lục giữa công đường, xin thế mạng cho Hoàng Sinh Mẫn. Vương Tổng đốc không những không thương tình hai mụ đàn bà khổ sở ấy, ngài còn la rầy gắt gỏng, sai lính canh tống điệu cả đôi đi. Rồi lệnh trên truyền xuống tức thì, phải xử ngay tên tội phạm.
Hai người đàn bà kia, từ ra khỏi dinh quan chủ tỉnh, đi tuột một mạch đến pháp trường. Tới nơi, chỉ còn được thấy xác Hoàng Sinh Mẫn chia làm ba đoạn. Hai người quỳ xuống ôm lấy tử thi khóc lóc một hồi đau đớn, rồi nhặt nhạnh thi hài đem chôn cất ở ngoài thành. Hỏi ra mới biết mụ già tức là mẹ tội nhân mà thiếu phụ là vợ anh ta đó.
Giết tên tướng giặc hôm nay thì sáng hôm sau, người ta thấy trước cửa dinh Tổng đốc một người con gái rất đẹp, bận toàn đồ trắng, đứng chỉ vào công đường mà mắng rằng:
- "Hỡi thằng quan tàn ác kia! Mày đã nhẫn tâm làm tuyệt tự dòng họ chồng ta, mày đã trơ trơ nghe những lời than khóc cầu khẩn của ta mà không hề cảm động, mày đã làm cho ba mẹ con ta đều ngậm oán hờn mà chết, hóa làm lũ xú quỷ dưới dạ đài, mày hãy nghe đây! Ta năm nay mới có mười tám tuổi đầu, ta chết đi sẽ theo dõi dòng họ mày mà báo thù cho đến thuở đá mòn sông cạn, ta sẽ làm cho họ mày, cũng như họ chồng ta, tuyệt tự, ta sẽ làm cho con cái mày cũng như ta, chết giữa thời niên thiếu, lúc trên đầu chưa đội hết đôi chín xuân xanh!".
Nguyền rủa xong, người thiếu phụ ấy đâm đầu xuống hồ sen bên đường, trước dinh Tổng đốc, mà chết.
*
Lời nguyền rủa của vợ tên tướng giặc độc đinh kia, hình như nhằm phải giờ thiêng, hóa thành linh ứng.
Trong gia đình Vương Tổng đốc, từ ngày ông kết án xử tử Hoàng Sinh Mẫn, bỗng xảy ra lắm tai nạn dị kỳ. Nào Vương công bị tai bay vạ gió bất thường, có kẻ vu cáo ngài phản nghịch nên phải mất quan về làm ruộng. May nhờ chút sản nghiệp to lớn gom góp được trong khi hành chính, Vương công tậu nhà, tậu cửa, sống một đời không danh giá nhưng không đến nỗi nghèo nàn. Chỉ giận nỗi mấy người con ông, tự nhiên không bệnh tật gì, mà ngã quay ra chết đến quá nửa, chỉ còn lại có ba người sống sót, thì toàn là những kẻ vô tài. Song le, phúc nhà họ Vương chưa đến độ kém vẻ thịnh cường, hóa nên trong gia đình cháu chắt đầy đàn, cười đùa vui vẻ.
Năm năm sau khi về dưỡng lão, Vương công tạ thế. Rồi hai người con ông, trong ba người còn lại, cũng theo ông tất tưởi về trời. Duy sống sót có một người, người ấy lại giở mù giở điếc. Thế cũng đã là tốt lắm, vì trong tộc đảng, nhờ trời, còn có kẻ đứng đầu. Xót nỗi ông trưởng tộc ấy, đã bị tàn tật đau khổ vì nỗi kém nghe, kém thấy, lại còn chịu sự báo phục của tiền oan nghiệt chướng một cách tối sâu xa thâm thúy, tựa hồ kết quả sự tàn nhẫn của phụ thân ông, Vương Tổng đốc, hoàn toàn rơi xuống đầu ông. Một mình ông đã chôn không biết bao nhiêu là con, là cháu. Chúng nó chết dần, chết mòn, chết hết, cứ nhớn lên là chết, hễ đứa nào nhớn đến mười tám tuổi là tự nhiên không tật bệnh, cũng tự hủy mình một cách thảm thương. Sự hủy mình đó lạ lắm.
Đàn con cháu ấy, đẻ ra đều nuôi được hết, đứa nào cũng khôi ngô, tuấn tú và thông minh. Trước năm mười tám tuổi, chúng nó đều sống vui vẻ tự nhiên như người thường, nhưng hễ đến khi đúng tuần hai chín, là đứa nào cũng trải qua một thời kỳ vớ vẩn như điên, như sảng, rồi, ngăn cấm gìn giữ thế nào cũng không được, chúng đều tìm ao, tìm hồ, nhẩy xuống trẫm mình. Hình như có ma thiêng dun dủi chúng nó, làm mờ mắt chúng đi, khiến có đứa bị gìn giữ quá nhảy cả xuống bể nước trong sân, hoặc úp mặt vào chậu thau mà chết ngạt.
Bao nhiêu con cháu họ Vương đều rủ rê nhau đi tìm Tử thần trong những trường hợp cực kỳ thê thảm, khiến ông tộc trưởng đêm ngày lo lắng lập đàn cúng tế, mời thầy trừ tà, mà cũng chẳng ăn thua. Ông biết mối tiền oan kia còn cố kết chưa tan, nên ông lại tìm cách bảo tồn nòi giống một cách lạ lùng hơn nữa. Ông mua một lúc đến mười người thiếp, ăn ở với họ ít ngày, rồi đuổi về cả. Trong mấy người thiếp, chỉ có một ả thụ thai sinh được một con giai; đứa con ấy phải sai người lén tìm đến ăn cắp đi rồi đem giấu thật xa, nuôi quá hai mươi nhăm tuổi mới cho về nhà. Thằng con có phúc đó bây giờ là Vương Thái công. Thái công sống độc đinh cô quả, trong khi bao nhiêu anh, bao nhiêu em, bao nhiêu chú bác, lần lượt bị oan hồn đến dìu dắt, kéo lôi về chốn Tuyền đài.
Đến lượt Thái công, mười năm sau khi phụ thân ông từ bỏ cõi đời, ông mới về quê nhận điền sản và nhà cửa. Rồi ông bán hết sạch, di cư sang một nơi khác ở vùng trên. Ông mua tất cả non ba chục xử nữ để làm hầu thiếp và nô tỳ, ông gieo mầm sinh dục cho tất cả ba mươi thiếu phụ đó. Thế mà số ông hiếm vẫn hoàn hiếm, ba mươi người vợ chỉ có ba người sinh nở mà thôi. Thái công được có hai trai, một gái. Các vợ chửa, ông cho đi ở mỗi người một ngả, khi nào các con khôn lớn mới được trở về. Bởi thế, hai đứa con trai không bao giờ được gần kề bố cả, chỉ có riêng Liễu là phận gái thì được mẹ đem về nhà nuôi nấng mà thôi. Thái công tin rằng oan hồn không bắt con gái làm gì, vì con gái không phải là người có thể dùng được để bảo tồn gia tộc. Nhớn lên, nó lấy chồng họ khác, không thuộc về họ Vương nữa, lẽ tất nhiên ma không hại nó làm gì. Tuy vậy, Thái công vẫn trông nom săn sóc đến Liễu, đồng thời ông phái người đi lại trông nom rất cẩn thận đến hai đứa con giai sống mỗi đứa ở một phương xa lạ,
Có lẽ những tin đi tin về khiến cho oan hồn theo dõi mà biết, hoặc có lẽ Số mệnh khắc nghiệt xui khiến họ Vương đến ngày phải tuyệt diệt để giải hết nghiệt chướng đã gây từ thuở trước, nên hai người con giai kia, mặc dầu mẹ đã hết cách ngăn ngừa gìn giữ, cứ đúng mười tám tuổi cũng đâm ra điên dại, vẩn vơ. Rồi, một đêm, theo gương của các chú bác ngày xưa, chúng lừa lúc trong nhà phẳng lặng ngủ yên, trốn ra ngoài nhảy xuống các ao đầm tự tử.
Thế là hết. Dòng họ Vương đến đây dứt hẳn, chỉ sót lại có một mụn con gái còn thơ. Mụn con gái ấy, Liễu nhi, vì thế được Thái công quý mến như vàng như ngọc. Thái công chọi mãi với oan hồn mà vẫn thấy mình đại bại, ông dần dà đâm ra yếu nhược, tin rằng cố trái với mệnh số cũng vô ích, đành dằn lòng vui cùng đứa con gái nhỏ mà thôi. Ông không muốn tốn công tốn sức đẻ con giai nữa làm gì, biết trước rằng có sinh cũng không nuôi được.
Vương Thái công đã chắc chắn tin có oan trái, nên càng không muốn làm hại những thê thiếp, ông cho họ về hết cả, chỉ giữ lại vài người hầu hạ mà thôi. Ông lại nhất quyết không nghĩ đến con giai, tình nguyện sống cô độc, mang tội bất hiếu, không mong ở sự bảo tồn nòi giống nữa. Ông tin một cách tuyệt vọng và đau đớn rằng ông và Liễu sẽ là những người cuối cùng trong gia tộc mà gia tộc ông, theo nghiệp số, đã đến ngày suy diệt hẳn rồi. Cho nên ông không muốn phí ngày giờ nghĩ ngợi lo lắng làm gì cho mệt. Ông chỉ cố nuôi Liễu cho thành người, gả chồng cho Liễu, và bắt người chồng ấy sau này, chống gậy cho ông. Thế là ông sẽ mãn nguyện.
Thấm thoát Liễu đã đến năm mười tám tuổi. Vương Thái công, tuy trong bụng đinh ninh rằng Liễu sẽ thoát khỏi tay độc ác của nghiệt báo, nhưng ông vẫn bắt em về nhà, không cho đi học nữa. Qua khỏi năm vận hạn, qua khỏi năm mười tám, bấy giờ ông mới đỡ lo. Ông tự nghĩ:
- Miễn là nó đi được bước này cho vững! Thế là ta không sợ nữa. Họa chăng ta không đến nỗi một mình cực nhục, đã không con giai lại mất cả con gái, thì kiếp sống thừa nào có vui gì! Em Liễu nay mai lấy chồng, đổi họ, đổi dòng, chắc các dây oan nghiệt phải thấy ngày đoạn tuyệt!
Vương Thái công sống trong một bầu hy vọng nồng nàn chan chứa. Ông rất hả hê khi thấy trong nửa năm trời, từ lúc bắt đầu mười tám tuổi, Liễu vẫn bình an vui vẻ như thường. Ngờ đâu bỗng có một ngày, mà ngày ấy mở cuộc cho một thời tai nạn liên miên, phá tan hẳn hạnh phúc độc nhất mà Thái công tưởng sẽ an nhàn được hưởng!
Ngày ấy vào khoảng trung tuần tháng sáu, Liễu đương tự nhiên, đâm ra mê sảng, ốm nằm liệt giường. Trong chả bao lâu, khuôn mặt xinh đẹp của em đã hóa ra hốc hác tiều tụy, da thì nhợt nhạt, xám bủng, mắt thì quầng tím thâm bầm. Thân gái tơ phút chốc xác như ve, làn tóc đậm đà đen mượt như huyền cũng tơi tả rụng đi như lá mùa thu bị gió tỉa dần tan tác.
Thái công đêm ngày lo nghĩ, nào đón thầy, nào cân thuốc, nhưng công ông như công dã tràng xe cát, hoàn toàn vô dụng trước mãnh lực thiêng liêng của Tử thần chờ đợi từ lâu. Liễu không hề ăn chút cơm nào, chỉ đòi uống nước. Thái công trông thấy trong sự thèm khát của Liễu cái điềm báo ứng rõ rệt của nghiệt chướng, ông biết rõ sự nguy cấp đã đến, bèn không quản gì căn bệnh của con gái, đem vực Liễu lên xe, cùng ông đi trốn ở phương Nam. Ông vào tỉnh thành Quảng Đông lánh nạn. Thuê một tòa nhà đường hoàng lộng lẫy, ông để Liễu ở trong. Người nhà đông đúc theo cả đoàn, chỗ nào cũng đứng túc trực giữ gìn thân thể Liễu. Liễu bị nhốt trong một căn phòng rộng rãi, có then sắt, có khóa đồng, trong phòng dùng năm con nữ tì săn sóc, ngoài phòng cắt sáu tên kiện nhi lần lượt trông coi, cấm không được để Liễu đi ra vườn, sợ bị ma dun dủi ra hồ sen phía sau nhà tự tử.
Thay nhà ở hình như có công hiệu, Liễu tự nhiên khỏi, lại vui đùa, ăn uống như thường. Một tháng sau, da mặt lại hồng hào, hình dung lại tươi tốt. Rằm tháng bảy, trong nhà Thái công mời các tăng ni và pháp sư đến lập đàn tràng để cúng giải oan cho các vong linh kẻ thù được siêu linh tĩnh độ. Cúng xong, Liễu thấy trong mình khỏe khoắn, ăn uống có điều ngon lành, tâm thần có chiều phấn khởi, Liễu tựa hồ mất hẳn tính hay buồn rầu chán nản, chơi đùa hát xướng rất vui nhà. Nhưng, như thế được mươi hôm, thì, một tối, Liễu ngả xuống ngủ rất say, rồi ngủ luôn ba bốn hôm không tỉnh. Tay chân vẫn ấm áp, người vẫn nóng, tâm vẫn đập, mũi vẫn thở, Liễu không phải chết, chỉ là bị mê vùi trong một giấc mộng rất dài thôi. Người nhà nối tiếp nhau thức suốt bốn năm đêm để canh thân thể Liễu. Liễu say mê mệt như thế đúng bảy ngày không trở dậy. Thái công lo ngại vô cùng. Ông dặn người nhà phải hết sức giữ gìn tiểu thư, song họ khó nhọc đã lâu nên ai nấy đều mệt nhoài ra cả. Họ lại cho rằng Liễu ngủ say như thế có tỉnh cũng còn khó, không e ngại gì; họ khóa chặt cửa phòng ngủ của Liễu, rồi nằm cả ở ngoài đánh giấc.
Đêm hôm ấy là một đêm thu giá lạnh; vừng trăng non như lưỡi liềm le lói chiếu một áng bạch quang phờ phạc, tỏ mờ. Một vẻ êm đềm bay lượn trong không gian, mà chỉ có tiếng dế than ti tỉ, tiếng gió đập vi vút, hơi người thở phì phào làm cho chốc chốc hơi rung động. Ngoài ra, cảnh vật như cũng nặng nề ngủ một giấc say sưa lặng lẽ, dưới muôn ngàn con mắt lấp lánh của vũ trụ, trông nom Tạo hóa trong buổi đêm dài.
Bỗng đâu, xé rách đám không trung tịch mịch, một tiếng cú kêu ghê rợn rúc lên như báo trước có sự thảm thiết sắp xảy ra. Quả nhiên, tiếp theo, một tiếng hét như tiếng ai bị móc gan xé ruột, một thứ tiếng đau đớn bi đát không tài nào tả xiết, cũng họa dịp với tiếng cú rúc mà bay tỏa khắp vùng, tựa hồ như còi hiệu của "Thần Chết" lúc tạt qua vùng nhân thế.
Rồi lại im, lại tối; mảnh trăng khuya điềm nhiên lửng lơ treo ẻo lả trên cành.
Sáng hôm sau, Vương Thái công hốt hoảng tất tưởi chạy ra hồ sen, thì chỉ còn được thấy xác em Liễu nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Trong gian phòng của Liễu, trên đầu giường, gia nhân tìm được một lá thơ, không biết từ đâu đưa đến:
"Thưa cha,
"Con ngủ luôn hồi lâu, đi chơi sang một cõi khác, mới biết mình không thể nào sống thêm được nữa. Theo định số, giờ chết của con đã đến nơi rồi. Vậy nên nguệch ngoạc mấy hàng này để từ giã cha, và nhân tiện để nói rõ cha nghe ẩn tình trong đời con, mà mãi nay con mới biết.
"Con kiếp trước sinh ra làm vợ một tên tướng cướp họ Hoàng. Tên tướng cướp bị ông tứ đại nhà ta giết chết, làm cho họ nó tuyệt tự. Vợ nó có nguyện rằng sau này sẽ báo thù lại, làm cho họ Vương cũng chịu nỗi đau đớn dứt nòi giống như họ Hoàng. Người đàn bà ấy nguyện xong thì đâm đầu xuống ao tự tử. Lời nguyền ấy đúng phải giờ thiêng nên hóa ra một sức mạnh vô địch. Kẻ tự tử kia lại chết giữa lúc còn niên thiếu, hóa nên hồn oan thiêng một cách lạ thường. Những người trong họ nhà ta đều bị hồn oan ấy dun dủi cho nhẩy xuống nước mà chết cả. Báo đến mấy đời rồi, lời nguyền tuy vẫn còn nghiệm nhưng các hồn bất đắc kỳ tử cũng nguôi nguôi. Trong lúc trả thù, đáng nhẽ họ Vương chỉ phải chịu có một phần nghiệt chướng; song le vợ chồng họ Hoàng hăng hái quá, trút trên đầu họ Vương những nỗi oan khốc quá nặng nề, đòi nợ quá nhiều, nên hết ba đời, lại phải đầu thai vào họ Vương để trả nợ lại. Bởi thế, con sinh làm Liễu nhi mà Hoàng Sinh Mẫn thì tái sinh làm cha đó! Trước kia là chồng vợ, ngày nay là cha con. Vợ chồng Hoàng Sinh Mẫn làm khổ họ Vương thái quá, nên lại phải xuống trần gian chịu hộ những nỗi đau đớn cho dòng họ ấy một phần. Trên trần nhìn thì khác cả, dưới âm trông đời người chỉ thấy toàn quả báo mà thôi.
"Kiếp này con cũng muốn ở lại cho cha vui lòng mà không được. Lời nguyền thuở trước của con lại buộc vào cổ con. Ngày nay oan nghiệt đã tuyệt rồi, cả hai họ thù oán nhau cũng đã dứt rồi, thì mối thù oán kia tự nhiên phải tiêu tán hẳn. Cha còn phải ở lại trên đời chịu đau khổ thêm ít nữa, vì trước kia cha quá tàn nhẫn với họ Vương, nên bây giờ phải gánh hộ họ Vương một phần thương tâm cho công bằng.
"Trời là đấng chí công chí minh, ta có ra ngoài cõi thế, nhìn vào phàm trần, mới trông thấy lắm điều chí lý mà khi làm người, ta không bao giờ tưởng tượng được.
"Nay tuyệt bút
Liễu bái"
Phổ thông bán nguyệt san,
số 39, 16.7.1939
1. Đọc bài Le Pélican của A. de Musset.