Với trận mưa đầu mùa, hắn bắt đầu ủ rũ. Đành rằng phòng hắn chật hẹp, mái lại dột, cửa sổ thấm nước, đủ thứ bọ xâm nhập, thường rơi cả trên giường khi hắn đang ngủ, để sưởi ấm hắn phải dùng một cái lò sặc mùi dầu hôi lại tiêu thụ hết chút ít dưỡng khí còn lại sau khi hắn trét kín các kẽ nứt kẽ hở, lấy bao bố nhét dưới khe cửa, khép kín mọi cửa sổ, cùng đủ thứ. Đành rằng gặp phải một mùa đông mưa nhiều hơn mọi năm, gió bão lại dữ dội liên miên nhiều ngày mới dứt. Và tội nghiệp thằng cha, suốt ngày co ro trong phòng, bực bội, bồn chồn, không nóng quá thì lại lạnh quá, rồi là gãi, gãi, không còn biết làm sao để cởi bỏ được hàng trăm ngàn của nợ từ thinh khổng thinh không kéo đến, vì không hiểu tại sao đã đóng kín trét kỹ mọi khe, đã phải hun khói mà những con bọ quỷ lại lọt vào được và bò khắp, chui khắp. Tôi không bao giờ quên được cái bộ mặt sững sờ thiểu não của hắn khi một buổi chiều hắn gọi tôi vào phòng hắn để xem lại mấy cái đèn. Hắn bật diêm châm bấc, và nói: “Anh xem, anh xem, châm đâu có cháy”. Như các người ở quê thừa biết, loại đèn Aladdin này kỳ cục và hay trở quẻ lắm. Muốn cháy tốt, phải lau chùi thật sạch. Cứ cái việc xem bấc thôi cũng phải rất cẩn thận. Dĩ nhiên tôi bảo hắn hàng trăm lần, nhưng lần nào vào thăm hắn tôi cũng thấy đèn không lờ mờ thì bốc khói. Tôi cũng biết hắn bực mình. Với đèn đóm đâu buồn nghĩ chuyện giữ gìn. Bật một que diêm châm vào bấc, tôi đã toan nói, “anh thấy không, rất giản dị... có gì đâu” - thì lạ quá, bấc không chịu cháy. Tôi châm que nữa rồi que nữa, bấc vẫn không bắt lửa. Mãi khi lấy nến thắp xem có gì trục trặc tôi mới khám phá ra. Tôi mở cửa cho không khí vào và khi thắp đèn lại thì đèn cháy. Không khí mà, cụ ơi. Cụ thiếu không khí! Hắn trố mắt nhìn tôi. Muốn có không khí thì phải mở cửa sổ. Mà mở cửa thì gió và mưa vào. Hắn thốt “Mẹ kiếp!” Thật vậy. Mà còn tệ hơn nữa. Tôi từng tưởng tượng một buổi sáng đẹp trời nào đó thấy hắn nằm trong giường - chết ngạt. Sau đó hắn nghĩ ra cách cho không khí lọt vào vừa đủ thở. Bằng một sợi dây với cả một loạt móc dài móc ngắn đặt cách quãng vào phần trên cánh cửa lò-xo hắn có thể cho không khí vào nhiều ít tùy ý. Không còn phải mở cửa sổ hay rút bỏ bao tải chèn dưới cửa hay nạy nhựa trám các khe vách nữa. Còn mấy cái đèn chết tiệt, thì hắn quyết định không dùng mà dùng nến đốt thay. Ánh nến leo lét làm căn phòng chật hẹp trông chẳng khác gì nấm mồ và như thế hợp với tâm trạng bệnh hoạn của hắn. Đồng thời cái ngứa vẫn không ngớt hành hắn. Mỗi lần xuống ăn cơm, hắn lại vén ống tay ống quần lên trình bày cái tai hại của bệnh ngứa. Giờ thì hắn lở loét khắp. Phải tôi là hắn, chắc tôi sẽ bắn tôi nát óc rồi. Thật vậy, phải làm sao chứ để thế chúng tôi đến điên mất. Chúng tôi đã thử mọi thứ thuốc cổ truyền - nhưng vô hiệu. Cùng quá tôi mới nhờ một anh bạn ở cách đấy vài trăm cây số đến xem giùm. Anh ta là một lương y giỏi, lại cả giải phẫu nữa. Anh cũng nói được tiếng Pháp. Thật ra anh ta là người bất thường, lại rộng rãi, thành thật. Tôi biết nếu chữa được anh ta không ngại gì mà không giúp tôi tận lực. Anh đến. Anh khám Moricand từ đầu đến chân, khám trong khám ngoài. Xong rồi anh hỏi chuyện hắn. Anh không nói gì đến lở loét, cũng chẳng động gì đến vấn đề. Anh nói đủ chuyện nhưng không nói gì đến ngứa. Hầu như thể anh quên hẳn anh đến vì việc gì. Thỉnh thoảng Moricand toan nhắc khéo anh, nhưng mỗi lần anh lại khéo léo hướng câu chuyện sang vấn đề khác. Sau cùng anh viết toa đặt ngay dưới mắt Moricand rồi sửa soạn ra về. Tôi đưa anh ra xe, nóng ruột muốn biết thực sự anh nghĩ sao. Anh nói, “Có gì đâu. Hễ cứ đừng nghĩ đến ngứa thì không còn ngứa”. “Nhưng khi mà...?” “Thì bảo hắn uống thuốc”. “Liệu thuốc có công hiệu không?” “Cái đó do ở hắn. Thuốc không công phạt mà cũng chẳng công hiệu trừ phi hắn tin”. Một giây phút im lặng nặng nề. Anh bỗng nói: “Cậu muốn tôi nói thật không?” Tôi nói: “Sao không”. “Vậy thì tống khứ hắn đi”. “Anh bảo sao?” “Còn sao nữa. Có khác gì anh sống với hủi”. Trông tôi có lẽ bàng hoàng thờ thẫn thì phải. Anh nói, “Có gì đâu. Hắn đâu có cần khỏe mạnh. Hắn chỉ cần được chú ý, được săn sóc. Hắn đâu phải người lớn, hắn là một đứa bé. Một đứa bé hư”. Im lặng. “Và hắn có dọa tự tử cậu đừng có lo. Khi không còn cách nào khác, hắn có thể dọa cậu chơi. Hắn không tự tử đâu. Hắn thương cái thân hắn quá mà”. Tôi nói: “Tôi hiểu. Ra là thế... Nhưng tôi biết nói với hắn làm sao?” “Cái đó thì tùy cậu liệu lấy”. Anh rồ máy. Tôi nói: “Được rồi. Không chừng chính tôi lại uống thuốc cũng nên. Dù sao cũng cám ơn anh nhiều lắm”. Moricand nằm đợi tôi. Hắn cố đọc toa mà đọc không ra; chữ viết xấu quá. Tôi nói sợ hắn biết rằng theo sự nhận xét của bạn tôi thì chứng bệnh của hắn là một chứng bệnh tâm lý. Hắn thốt: “Ngu mấy mà lại không biết thế!” Đoạn nói thêm; “Hắn ta có đúng là bác sĩ không?” Tôi đáp: “Có tiếng nữa là khác”. Moricand nói: “Kể cũng lạ. Hắn nói như một thằng ngu”. “Vậy à?” “Lại hỏi tôi có thủ dâm không?” “Rồi sao nữa...?” “Hỏi tôi có yêu đàn bà bằng đàn ông không. Rằng tôi có từng dùng ma túy không. Tôi có tin đồng bóng không. Có, có, có... Đúng là thằng điên”. Tức quá, hắn thừ người ra một lúc. Đoạn với một giọng thiểu não hơn, hắn lẩm bẩm như tự nhủ: “Trời ơi, Trời ơi, tôi còn biết làm sao đây? Tôi cô độc, cô độc quá đi mất!” Tôi khẽ nói: “Thôi mà, hãy bình tĩnh! Còn thiếu gì cái khổ hơn ngứa”. Hắn hỏi: “Cái gì chẳng hạn?” Hắn nói đột ngột qua khiến tôi chưng hửng. Hắn lặp lại: “Cái gì chẳng hạn? Tâm lý... chu choa! Dễ thường hắn cho tôi là thằng ngốc. Cái xứ này là cái xứ quái gì! Chả biết gì là nhân đạo. Là thông cảm. Là thông minh. Chà, phải chi tôi chết được... Chết ngay tối nay”. Tôi không nói một lời. “Này anh Miller thân yêu ơi, cầu cho anh đừng bao giờ lại đau khổ như tôi hiện giờ! Chiến tranh chả thấm tháp vào đâu”. Hắn bỗng chợt thấy toa thuốc. Hắn cầm lên, vò trong nắm tay, đoạn vứt xuống đất. “Hoàn tán! Hắn cho tôi, thằng Moricand này, uống hoàn tán!” Hắn nhổ phẹt xuống đất. “Thằng bạn anh là một lang băm. Một lang vườn. Một tên giả mạo”. Mưu toan đầu tiên để lôi hắn ra khỏi cảnh khốn nạn của hắn chấm dứt như thế đó. Sau đó một tuần kkhông ngờ lại có anh bạn cố tri Gilbert đến thăm. Tôi nghĩ bụng, chả mấy khi có được một người biết tiếng Pháp, một người thích văn chương Pháp, Moricand khoái phải biết! Chả có gì khó, với một chai vang tôi khiến hai cha bắt chuyện với nhau. Chỉ vài phút sau là họ quay ra bàn cãi nào Baudelaire, Villon, Voltaire, Gide, Cocteau, nào ba-lê Nga, Ubu Roi, và này khác. Khi thấy họ ý hiệp tâm đầu rồi, tôi lẳng lặng rút lui, mong rằng Gilbert vốn đã từng nếm cảnh ba chìm bảy nổi, sẽ giúp được tên kia lên tinh thần. Không thì ít ra cũng làm hắn say sưa. Chừng một giờ sau đó, tôi đang lững thững đi dạo trên đường với con chó thì thấy Gilbert lái xe đi tới. Tôi nói: “Sao, về sớm thế?” Gilbert mà ra về trước khi cạn chai thì kể cũng lạ. Anh đáp: “Tôi ạch bụng rồi. Đồ gàn bát sách!” “Ai, Moricand ấy à?” “Còn ai nữa”. “Chuyện gì thế?” Vẻ ghê tởm anh biểu lộ đủ trả lời cho anh. Anh nói giọng hằn học: “Này đằng ấy, có biết nếu phải tớ thì tớ làm gì không?” “Không, mà làm gì cơ chứ?” “Xô hắn xuống biển cho rồi”. “Nói nghe dễ đấy nhưng thử làm coi”. “Thử đi! Chỉ có cách đó là tốt nhất”. Đoạn anh rồ ga. Lời Gilbert nói làm tôi giật mình. Xưa nay anh có bao giờ nói ai thế đâu. Anh hiền lành, mềm mỏng, ý nhị, và cũng từng biết thế nào là địa ngục trần ai. Quả anh chả cần phải lâu mới thấy rõ con người Moricand. Đồng thời Lilik, anh bạn tôi, thuê nhà nẻo dưới cách chúng tôi vài dặm, không quản ngại giúp sao cho Moricand được thoải mái. Moricand mến Lilik và tin tưởng ở anh at. Cũng là dĩ nhiên vì Lilik giúp đỡ hắn rất nhiều. Lilik thường ngồi với hắn cả giờ, nghe hắn tả oán. Nghe Lilik thuật thì tôi hiểu ý Moricand cho tôi là không mấy quan tâm đến hắn. Anh nói, “Anh không hề hỏi han gì đến công trình gì của hắn”. “Công trình của hắn? Anh bảo sao? Chứ hắn đang làm gì?” “Hình như hắn đang viết bút ký”. Tôi nói, “Hay đấy. Để thỉnh thoảng tôi phải xem mới được”. Lilik nói, “À này, anh có bao giờ xem hắn vẽ không”. “Vẽ gì?” “Trời ơi, thế anh chưa bao giờ xem à? Hắn có cả một tập trong cặp. Toàn hình dâm ô”. Anh chặc lưỡi, “Cũng may cho anh là nhà đoan đã không khám thấy”. “Vẽ trông được không?” “Cái được cái không. Nhưng chắc chắn không phải là để cho trẻ con xem rồi đó”. Sau câu chuyện vài ngày, có một anh bạn cũ lại thăm. Anh Leon Shamroy. Như thường lệ, anh mang theo rất nhiều quà. Phần lớn là thức ăn thức uống. Lần này đôi mắt cú vọ của Moricand còn giương to hơn. Hắn kéo tôi ra bên, hỏi nhỏ: “Khá thật. Triệu phú phải không?” “Không, chỉ là nhiếp ảnh viên chóp bu của hãng phim Fox. Là người đoạt hết các giải Oscar”. Tôi nói thêm: “Tôi chỉ mong sao anh hiểu được anh ta nói gì. Cả nước Mỹ không ai nói được những điều anh ta nói mà lại không ngẫm nghĩ”. Vừa lúc đó Leon bước vào. Anh hỏi, “Chứ thì thầm với nhau cái gì đó? Cha nội nào đây - lại một anh bạn Montparnasse của anh chắc? Cha nội nói được tiếng Anh không? Cha nội làm gì ở đây? Chắc lại ăn bám anh chứ gì? Rót rượu cho cha nội uống đi! Trông cha nội thiểu não quá”. Móc túi ra một nắm xì gà, Leon nói: “Này, đưa cho cha nội hút thử một điếu xem. Một điếu mới có một đô la thôi. May ra cha nội có phởn hơn chăng”. Anh đưa đầu ra hiệu cho Moricand rằng xì gà là đãi hắn. Đoan anh ném nửa điếu Havane đang hút dở mà anh để tắt và châm điếu mới. Xì gà dài có gần ba tấc và to bằng con rắn. Lại có mùi thơm dễ chịu nữa. Tôi bụng bảo dạ, còn rẻ chán. Moricand cám ơn bằng tiếng Pháp lòng thòng gì đâu khiến Leon có hơi bực mình nên bảo tôi: “Nói với cha nội là tớ không rành tiếng Pháp”. Vừa nói anh vừa mở các gói ra, nào phó mát trông đến ngon lành, nào xúc xích, giăm bông. Anh nói với: “Bảo thằng chả mình ăn uống cái đã. Còn xạo gì thì để nhai sau. Ờ mà cái rượu ấy tôi mang mà không biết đâu rồi nhỉ? Không, xem nào. Tôi có một chai Haig and Haig ở ngoài xe. Cho thằng chả uống cái đó. Tội thằng chả, chắc một đời chưa bao giờ được nếm thử một ly uýt-ki... Này, chứ thằng chả mắc chứng gì? Bộ không bao giờ biết cười chắc?” Vừa lảm nhảm luôn miệng, vừa mở hết gói này đến gói khác, cắt một khoanh bánh, phết bơ lên, thứ bơ ngọt ngon tuyệt, châm một quả ô liu, nếm một miếng cá đối, rồi một quả dưa chua, thứ này một tí, thứ kia một tí, vừa móc ra một hộp kẹo cho Val, cùng với một chiếc áo thật đẹp, một chuỗi hạt, và... “Đây, còn cái này cho mày, thằng quỷ à!” và ném cho tôi một hộp thuốc lá đắt tiền. “Còn nhiều ở ngoài xe. Nhân tiện, tao quên hỏi mày - chúng mày dạo này có khá không? Chưa giàu phải không? Mày với thằng Bufano! Hai thằng mồ côi. Mày mà còn có thằng bạn như tao... còn biết làm để sống, phải không?”