Hắn dân Xù, đen trùi trụi, cao lớn rắn chắc như tay đấu boxing, có quá trình 6 năm lao động ở Tiệp. Sống lâu lên lão làng, không chính danh mà đám lao động bên Tiệp đều kính cẩn gọi hắn là Sếp hay bác Hôi nặng! Chân mày xếch, mắt bên lớn bên nhỏ, hàm răng xỉn vàng khói thuốc, xếp hàng mất trật tự mà hay nhăn nhở ra cười. Lại cứ “tự nhiên như người Hà lội” mở đài oang oang khi vào supermark hay trên xe Bus như chỗ không người, khiến mấy bà Đức già lườm nguýt khó chịu. Gặp nhau ở trại tị nạn miền nam nước Đức, hắn tỉnh bơ chặn tôi ngay cửa lớp học tiếng Đức: - Chị rỗi không, đi thông dịch giúp cái Hà với, nó cần đi Bác sĩ. - Nó làm sao, thấy tươi rói có đau ốm gì đâu. - Chắc nó bị sẩy thai, ra máu, đau bụng quằn quại từ tối qua, nhưng sợ không dám đi Bác sĩ một mình, chị giúp nó làm phúc. Tôi thảng thốt: - Sao không cho chị biết sớm, coi chừng nguy đấy, thằng bồ nó đâu. - Thằng Kiên hả, nó lủi đâu mất, em lùng sục nó cả ngày hôm qua không thấy. - Làm sao mà Hà lại ra nông nỗi? - Nó kể là trượt chân, lăn từ cầu thang xuống. - Thiệt không? Có vẻ khả nghi lắm. Hắn quấn Hà vào cái chăn len, cái chăn thấm máu, bồng cô ta xuống xe đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tôi mượn danh nghĩa chị của Hà, đi theo chăm sóc. Hà sợ chết, nắm tay tôi rên rỉ: - Chị ơi, em chưa muốn chết đâu, còn hai đứa con em ở nhà. Tôi mắng: - Nói tầm bậy tầm bạ, bên này y khoa cực tốt, bộ tưởng muốn chết dễ lắm hả? Hà được mổ ngay, thoát nạn, chẳng tốn đồng xu, còn được cấp thêm tiền và thuốc bổ dưỡng. Cô ta lập tức xin di tản sang trại khác để cắt đứt tay chồng hờ làm nó mang bầu. Cái thằng sợ trách nhiệm, trốn biệt tăm. Sau này biết ra nó trốn về Tiệp, lặn êm một thời gian, định đi chui trở lại Đức nhập trại tị nạn khác, nhưng bị cảnh sát biên phòng tóm ở biên giới, trục xuất ngay về nước. Tôi với Hôi nặng còn ở lại đến nửa năm mới được xuất trại, cấp cho nhà riêng. Danh tiếng “thông dịch viên” của tôi nổi như cồn trong trại tị nạn, ai cũng tìm đến tôi khi có việc phải đối đáp với nhân viên văn phòng. Tiếng Đức của tôi lúc đó chỉ có ba từ: Guten Tag (chào, buổi sáng) Danke (cám ơn) và Entchuldigung (xin lỗi). Nhưng vốn liếng Anh văn giúp tôi nhiều việc, dân Đức có trình độ văn hoá đều biết tiếng Anh. Hội không biết tôi đã từ chối thông dịch cho Hà khi cô ta cầu cứu tôi lần đầu: - Chị nói Bác sĩ phá thai giúp em, em bị kẹt mới lần đầu, Kiên không phải chồng em, hắn nhất định không chịu nhận con. Tôi cáu gắt: - Em nói dối, ông Thao cho chị biết là em phá thai 2 lần rồi, đúng không? Hà im bặt, lủi thủi bỏ đi. Dáng gầy, xanh xao. Tôi thở dài nhìn theo, thấy mình nhẫn tâm nhưng không đổi ý, không muốn dây vào việc thất đức, giết một thai nhi vô tội, lại sợ nguy hiểm cho Hà. Trước đó, Thao, đội trưởng đội lao động của Hà từ Dresden đã bỏ nhỏ với tôi: - Cô này lôi thôi lắm, từng là diễn viên kịch đấy, có chồng, ly dị rồi. Còn hai con bên nhà mà sang đây cứ lăng nhăng tình đầu tình cuối. - Hai con mà nó còn đẹp gái thế kia thì đàn ông đâu có tha. - Thế mới ngu, cứ nghe mấy thằng kia tâng bốc ngon ngọt, chiều chuộng quà cáp là dễ dàng cho ngay, đến khi mang bầu lại phá, tôi ghét nên không giúp nữa. Xa gia đình, xa quê hương, trẻ người bồng bột, một số công nhân đi lao động Đông Âu sống buông thả, ỷ vào mấy thứ thuốc ngừa thai phát không, sống, ngủ với nhau thoải mái dù chẳng có tình yêu, có khi chỉ là sự đổi chác để được giúp đỡ mua hàng, đóng thùng gửi về nhà. Đến khi biết dại thì đã muộn. Vào trại tị nạn vẫn giữ lối sống tự do. Từng cặp quấn nhau như vợ chồng, dù chẳng có giấy hôn thú chính thức, lấy chăn quây thành màn che kín giường, ngủ với nhau giữa căn phòng tập thể rộng lớn với hơn 300 mạng. Da vàng, da trắng, da đen hội tụ đủ dân các nước, giường hai tầng xếp lớp như cá hộp, đàn ông đàn bà trẻ con chen chúc nhau. Thiên hạ bên ngoài đi lại la hét nhặng xị, bên trong màn quây vẫn rúc rích cười, làm tình với nhau, vô tư. Hai mẹ con tôi bị xếp vị trí chỗ nằm gần cửa sổ, gần hai bô rác to đùng ngoài sân. Bé Bi quan sát đàn chuột chạy rong từ bô rác vô nhà ăn, nhận xét: - Chuột bên Đức mập ghê. Mèo cũng mập mà làm biếng quá chừng, ngồi chơi không để chuột chạy tùm lum. Tôi cười: - Thì người Đức bự con nên mèo chuột cũng bự! Xứ dư thừa bơ sữa mà. Đã từng nghe kể về các trại tị nạn như địa ngục trần gian ở Hôngkong, biên giới Thái Lan, đảo Bidong, dân tị nạn lâm vào cảnh bi đát, đói khổ, bị sỉ nhục, đánh đập, hãm hiếp, chúng tôi tự an ủi là may mắn vào trại tị nạn ở Đức, quần áo cho không, được cấp mấy bộ mới, thức ăn đầy đủ, lại được phát ít tiền tiêu vặt. Có tiền tươi, dân tị nạn rủ nhau góp vốn, đi supermark mua thức ăn về tự nấu, dù phải lội bộ xa hơn 5 cây số. Ăn mãi bánh mì, khoai tây với dồi, xúc xích của Đức, khô khan ngán tới cổ. Dân Kiều sống gần trại tị nạn thi thoảng vào thăm, tiếp tế mì gói, rau cải, nước mắm cho dân tị nạn. Tình đồng hương thuở ban đầu ấy sao mà thắm thiết. Những hôm đó đám Cộng (tên gọi người lao động ở Đông Đức) và đám Xù (ở Tiệp) tạm ngưng chơi Tiến lên và billard, xúm vào nấu nướng, ăn uống, đàn hát tưng bừng cho vơi nỗi nhớ nhà, không quên nhắn nhe mẹ con tôi: - Chiều nay chị nghỉ dạo mát Hồ Xuân Hương nhé, đến liên hoan với tụi em. Gần trại có cái hồ khá rộng, cảnh đẹp với liễu rũ bao quanh, nhiều vịt trời và thiên nga, buổi sáng lãng đãng sương mù, tôi đặt tên là Hồ Xuân Hương, gọi cái tên cho đỡ nhớ nhà. Chiều chiều dân tị nạn kéo nhau ra bờ hồ hóng gió, tỉ tê tâm sự đời tôi, mơ ngày qui cố hương, bảnh chọe quần áo mode, va-li đầy nhóc hàng và tiền căng phồng túi. & Bé Bi bị lên sởi, nóng sốt, mẹ con tôi tức thì được cấp một phòng riêng có lò sưởi, phòng tắm riêng. Tôi thao thức từng đêm canh con ốm, hoang mang chưa biết số phận về đâu. Mỗi tuần đều có danh sách đưa người tị nạn ra trại, đi đến các vùng xa xăm. Ai cũng sợ bị đẩy về vùng nông thôn hay miền núi hẻo lánh khó tìm việc làm. Gần nửa đêm có tiếng chân rón rén ngoài hành lang. Tôi thấp thỏm lo âu, cửa phòng tôi luôn khóa chặt, ngán ngại đám đàn ông xứ Trung đông, con cháu thánh Allah, râu ria đầy mồm, mắt cứ dán vào mông với đùi của những phụ nữ không đội khăn che mặt, không áo choàng phủ ngoài, như muốn nuốt sống. - Chị Nhu ơi, ngủ chưa? Bé Bi thì thào: - Chú Hôi nặng, mẹ ơi! Tôi bình tĩnh lại, vẫn bám trụ trong phòng, hỏi vọng ra: - Giờ này còn gọi chị, có chuyện gì? Hắn hiện ra ở kính cửa sổ, mở nụ cười 360 độ: - Mời chị xuống ăn cháo vịt, gỏi vịt với tụi em. - Cái gì, vịt ở đâu ra? - Chớ nên tìm hiểu sâu xa, có vịt ăn là nhất rồi. Em định đánh tiết canh cho chị nhưng không cầm được. Tôi, thứ nửa nạc nửa mỡ, cha là dân xứ rau muống, mẹ lại dân xứ sầu riêng, có nỗi đam mê tiết canh vịt giống cha! - Khuya rồi, sao không để sáng mai hẳn ăn? - Sáng mai, tụi Đức biết dám tống cổ mình ra khỏi trại lắm. - Chúa ơi, vậy là giết trộm vịt hả, dân Đức kỷ luật số một, giết hại súc vật coi chừng bị ở tù đó. Bên này có Hội Bảo vệ súc vật, biết không? Hội cười hì hì: - Hồi xưa, họ xơi tái cả triệu dân Do Thái nên lương tâm giờ cắn rứt, mình chỉ xơi hai con vịt giời thôi, tội còn nhẹ. Thế họ có cái Hội Bảo vệ dân tị nạn không? - Thôi, đừng hỏi hâm nữa, chị không dám xơi vịt giời đâu. Hội bỏ đi, lát sau trở lại mang đến 1 túi đậy kín mít, có cháo vịt, đĩa gỏi bắp cải với vịt và nước mắm gừng: “Đây là phần chị với Bé Bi!” Mẹ con tôi phải ăn ngay trong đêm, sợ sáng mai bị phát giác thì nguy cả đám thần dân Việt. Bé Bi nức nở khen ngon: “Cháo này ngon hơn cháo sườn mẹ nấu, chừng nào mình được ăn vịt giời nữa hả mẹ?” Làn sóng người tràn vào nước Đức ngày càng đông, trại tị nạn không đủ chỗ chứa, phải dựng thêm lều ngoài sân cỏ. Đám tị nạn chúng tôi rồi cũng chia tay, bị phân tán mỏng về các thành phố rải rác xa nhau. Người Đức không muốn dân tị nạn cùng một nước sống hội tụ với nhau, tránh tình trạng phân biệt sắc tộc, vì vậy cả nước Đức không có China Town, Little Saigon hay Little Italy như ở các nước khác. Tôi bất ngờ gặp lại hắn ở Chùa Viên Giác trong ngày lễ Vu Lan. Bé Bi reo lên từ xa: - Chú Hôi nặng kìa mẹ ơi! Năm năm cách biệt, hắn hơi già đi (chắc tôi cũng thế, tuy chưa đến thời nhuộm tóc) vẫn đen thui và cười nhăn nhở, nhái giọng nam bộ của tôi: - Bà chị đi bước nữa chưa? Nghe kể có ông Đức nào theo mà. Chèn ơi, hổng lẽ chị cứ sống mình ên hoài, bé Bi lớn bộn rồi nghe! - Thiên hạ đồn bậy. Chị nhất định đứng trên đôi chân của mình, tuy hơi run run, nhưng sống ngon lành. Em sống ra sao, làm ăn gì? - Em đón được Đào qua đây rồi. Chị nhớ không, Đào, người yêu em đấy! - Thế thì phải ăn mừng lớn, sao không cho chị biết tin. Thế giờ Đào ở đâu? Mặt hắn chảy dài, thở ra não nuột. Tôi chột dạ: - Sao thế, cầm giấy Abchiedbung (trục xuất) rồi hả? Hắn tuyên bố ghê rợn: - Em đang điên, đang muốn giết người đây! & Hắn dứt áo ra đi lao động xứ người với niềm hy vọng: ngày về rủng rỉnh túi tiền, xây căn nhà mái ngói, có sân gạch phơi lúa, có cô vợ và vài nhóc tì chạy ra vào trong nhà. - Người yêu em tên Đào, em sẽ trồng ngay cây đào trước cửa khi hai đứa về sống với nhau. Những lúc say sưa kể tôi nghe giấc mơ lớn đời hắn, trông hắn khác hẳn, tươi trẻ, đẹp giai ra! Đi lao động 6 năm xứ Tiệp, tiền bạc có, bạn gái cũng có nhưng cái dạ chung tình của hắn làm tôi xúc động. - Bố mẹ Đào không muốn gả nó cho em. Em nhà nghèo, tay trắng, trong khi Đào sắp làm cô giáo. Khi quyết định trở về thì cánh cửa bên tây mở rộng, hắn lại lần lữa ngày về, cố kiếm thêm món tiền lớn. - Hơn 10 năm tha hương, em đã chán, muốn quay về thì tự nhiên Đào lại muốn qua đây với em. Gia đình cô ta đồng ý, nên em gửi tiền về để Đào đi chui. - Tốn kém nhiều không? Nghe tin giá đi bây giờ mắc lắm. - Phải chi 8.000 Mark, phân nửa gia tài tích cóp của em đấy. - Miễn sao được sống bên nhau là vui. Đào chờ em 10 năm cũng giỏi, cô ấy sang lâu chưa? - Mới hơn 5 tháng thôi. Hội dẫn tôi chen nhau trong dòng người, tìm ra Đào đang quì lạy trong chánh điện. Cô gái trông thuần hậu, dáng dấp gái quê, không đáo để như các cô ở thành phố. Cái bụng Đào hơi đẫy làm tôi băn khoăn, sao tiến nhanh tiến mạnh thế nhỉ? Đó không phải tác phẩm của hắn. Ngày hắn đón được Đào ở xứ Tây Đức cũng là ngày hắn rơi xuống địa ngục. Đêm đầu tiên nằm bên nhau, Đào khóc, hắn cũng khóc trước sự thật: cô bị hãm hiếp trên đường đi do chính kẻ dẫn đường. - Thằng nào, em nhớ mặt, biết tên nó không? - Làm sao em quên được mặt nó. Ban đầu mới qua ở bên Tiệp thì yên vì sống từng nhóm 7, 8 người chen nhau một phòng, sống chui ở đó hơn một tháng. Đến khi đường dây bật đèn xanh, báo đi được, thì họ tách mọi người ra. Chuyến em đi có hai người thôi, đến biên giới Đức lúc chiều tối, ở tạm trong căn lều trống, nó đưa chị lớn tuổi đi trưóc, bắt em ở lại, nói là sợ đi đông sẽ bị lộ, em không chịu thì nó đuổi em, nói tự tìm đường quay về. Đến tối thì nó giở trò, em chống cự bị nó bạt tai, đánh đập, bóp cổ em gần chết, em sức yếu, không chống trả được. Sáng hôm sau, người dẫn đường khác đưa em đi tiếp qua Đức, còn hắn trốn biệt. Hội nghiến răng, ngồi im, nhưng đầu hắn làm việc. Chỉ cần chi tiền để mượn Pass Đức của ai đó, đi qua Tiệp, gặp đường dây dẫn đường, truy tìm tên tội đồ kia. Phải cho nó bài học nhớ đời, chừa thói hãm hiếp phụ nữ yếu đuối. Hắn đủ gan trị những tên bất lương. Đào hết sức van nài hắn quên đi sự việc. Cô sợ hắn quá nóng, lỡ tay sa vào tội nặng. Hắn nổi nóng: - Nếu vậy thì nó cứ tái diễn tội ác với phụ nữ sao. Phải có người trừng trị hắn. - Nó sẽ gặp nghiệp báo, em tin như vậy. Chuyện đã xảy ra rồi, em đành chịu tội với anh. Nhưng em không bỏ cái thai nhi được, dẫu gì nó cũng là một phần máu thịt của em. Nếu anh không chấp nhận, thì để em trở về quê, hoặc em nhập trại tị nạn rồi ráng sống nuôi con. Số tiền đi chui em sẽ từ từ hoàn trả lại cho anh. Hội thở dài, hai tay ôm đầu cúi gục xuống đất: - Theo chị em phải làm gì bây giờ? Mấy lần em đã mua vé tàu đi qua Tiệp tìm tên đó, nhưng Đào khóc, cố níu kéo em lại. Tôi giữ hai bàn tay hắn trong tay tôi hồi lâu, nhẹ giọng khuyên: - Nếu em thương Đào, thì quên sự kiện đó đi, coi như Đào bị một tai nạn vậy thôi. Nghĩ đến tương lai tốt hơn, tương lai của em với Đào, của đứa bé nữa, nó vô tội. Hắn trừng trừng nhìn tôi, mắt đỏ ngầu, giựt tay ra khỏi tay tôi: - Quên đi, tha thứ đi! Nói thì dễ nhưng ai ở trong hoàn cảnh mới biết. & Mẹ con tôi diện quần áo cực đẹp đi dự sinh nhật một tuổi của cu Cò. Thằng nhóc chập chững đi mà khoái vịn cái xe đẩy, chạy theo xe. Cha nó phải chạy theo giữ xe để chú nhóc không ngã. Bé Bi nhận xét: - Sinh nhật thằng nhỏ mà toàn người lớn đến dự, như đám cưới, kỳ khôi. Hắn được dịp mở đài oang oang, cười đón tôi, khoe cái Pass có con dấu nước Đức. - Năm ngoái, hai đứa em đã cầm giấy Abchiebung, đang đóng thùng, đóng hàng về nước, thì nhà nước ra đạo luật nhân đạo: ai có con sinh tại nước Đức, có việc làm, không nhận trợ cấp xã hội thì được thường trú, thế là cả gia đình em có Pass, ở lại Đức. Hắn nhìn cu Cò, ánh mắt đầm ấm, đứa con rơi bỗng dưng trở thành cứu tinh của hai vợ chồng. Trong số khách đến dự tiệc, nổi bật một cô tóc nhuộm nâu, mặc robe dài, đi cùng ông Đức với đứa con lai tóc vàng. Tôi ngờ ngợ đã gặp đâu đó. Hội cười: - Chị đoán ra cô nàng là ai, em sẽ dành phần cho chị nguyên một con vịt quay Bắc kinh. Cô gái lên tiếng: - Đừng có đánh đố chị Nhu, coi chừng mất toi con vịt bây giờ. Chỉ có vịt mới làm chị ấy nhớ ra. Vịt quay là món ruột của tôi, mà vịt vẫn không giúp tôi nhận ra, trí nhớ mình xuống cấp mau quá. Bé Bi la lên: - Cô là cô Hà chứ gì...nghe tiếng nói cháu mới biết, chứ nhìn không ra. Trong trí tôi chỉ có một Bích Hà quấn trong tấm chăn đẫm máu, đưa vào bệnh viện, xanh mét như tàu lá. Bây giờ là Hà khác, xinh đẹp, hơi đẫy ra, trẻ hơn trước nhiều. - Em thay đổi nhiều quá, làm sao chị nhận ra được. Chắc cuộc sống đầy đủ, không phải lo lắng. Hà cười tươi: - Người ta nói họa phúc đi liền nhau, giờ em mới thấu hiểu điều ấy. Em gặp may khi chị đưa em vào bệnh viện năm đó, chị nhớ không? Đang trong hoàn cảnh tuyệt vọng, mang thai mà không dám khai báo tên chồng hờ, Hà sợ bị đẩy qua các trại tị nạn bên Đông Đức. Nơi đây, trại là những Container nối nhau thành nhà, mỗi gia đình bị nhét vào một container, chật hẹp như cái hộp sắt, mùa đông buốt giá không có lò sưởi, mùa hè nóng như lò quay, thức ăn phát theo tiêu chuẩn có giới hạn. Cô mưu tính tìm đường trốn khỏi bệnh viện, sống chui không giấy tờ. Số phận bỗng dưng sáng lên với Hà, anh y tá người Đức ở bệnh viện, chăm sóc cho Hà khỏi bệnh lại đổ ra cảm nặng với cô Việt nam tị nạn, tự nguyện đưa người bệnh về nhà tiếp tục chăm sóc, dần dần tự nguyện chăm lo luôn cuộc đời của cô. Đến bây giờ ra chú nhóc tì tóc vàng 3 tuổi. Đào từ phòng trong bước ra với tấm áo dài mới, màu vàng anh, tôi ngạc nhiên: - Em có cái áo đẹp thế, mới may sao? - Áo em đem từ bên nhà sang, định mặc hôm đám cưới, nhưng đâu có dịp. Bọn em chỉ ra Sở hành chánh ký giấy hôn thú đơn giản. Anh Hội nhận là cha cu Cò để làm giấy khai sinh cho nó. Lúc nó mới ra đời, anh ấy vẫn còn buồn bực, nhưng nhìn nó lớn dần lên lại thương. Hôm nay anh nói vừa làm sinh nhật thằng bé, vừa ra mắt hai đứa với bạn bè. Hắn kéo mọi người ra sân chụp ảnh, quay phim, đặt cu Cò ngồi trên vai: - Đóng phim xong bọn mình ra nhà hàng ăn tiệc, tớ đặt bàn rồi. Một ông bạn đưa ra nhận xét hơi bị...láu cá: - Tao thấy mắt cu Cò cũng bên lớn bên nhỏ như bố nó chúng mày ạ. May là chưa có răng nên không có bộ răng dzàng như bố nó! Đào nói nhỏ với tôi: - Vừa được Pass là anh Hội nói, Tết này cả nhà bay về Viêt nam, đưa cu Cò ra mắt hai bên nội, ngoại. Minh Thùy - Germany Mainz, tháng 3.2008