Chương 16

Mới đi được một đoạn, như ma hiện hình, một người đứng chặn ngay đầu xe, cùng với tiếng còi. Ngắn. Gắt. Dứt khoát. Suýt nữa thì đâm sầm vào cái đống lù lù ấy.
- Đề nghị ông cho xem giấy tờ xe!
Người bị hỏi cười hồn nhiên:
- Chắc là tôi có lỗi gì, phải không đồng chí cảnh sát?
Người hỏi, thấy thái độ hồ hởi của người phạm lỗi thì nói nhẹ nhàng:
- Xe ông đi tối không có đèn.
- Ôi thế à? Quên tay. Đèn tốt mà. Tại đang vui đấy.
Nói đến đó, người bị giữ móc túi quần, rút ra một tờ giấy polyme màu xanh:
- Đồng chí cầm lấy uống bia!
Người cảnh sát thản nhiên cầm tiền. Không biết nghĩ thế nào, người này lại đưa thêm một tờ nữa:
- Đồng chí cầm tờ nữa, mời bạn bè uống cho vui!
Lần này, người cảnh sát nói lời cám ơn, lại còn thêm:
- "Ông đi cẩn thận đấy nhé!"
Đấy là Vũ Sán. Anh ta vừa từ nhà ông Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ ra. Người cứ nhẹ bồng như mất trọng lượng.
Dắt cái xe tay ga to kềnh mà cứ nhẹ tênh. Sán không còn biết xung quanh có ai, mặc dù đường phố lúc ấy rất đông xe qua lại Cũng chả biết đi lối nào về nhà bây giờ. Rẽ trái hay rẽ phải nhỉ. Thì cứ đi đã! Đi được một đoạn, dừng lại. Phải gọi cho ông ta ngay. Không thể nhịn được nữa.
- A lô! Đúng là nhân bảo như thần bảo. Cứ như thánh sống ấy. Mọi việc diễn ra đúng theo kịch bản của ông.
Đầu dây bên kia, Người lơ lớ đã biết trước tình hình, giọng bình thản:
- Được rồi thế là về nguyên tắc, việc ông đã xong.
Sợ người kia cúp máy, Sán nói vội:
- Tôi muốn được mời ông một tiệc rượu, để tỏ lòng biết ơn.
- Rất vui lòng nhận lời mời.
Đêm ấy trời đầy sao. Vẫn là khách sạn Bàn tay vàng, nơi có dàn nhân viên vừa trẻ vừa xinh. Vẫn là căn phòng VIP, kiểu Nhật cải tiến. Cả căn phòng là một chiếc giường lớn trải chiếu, giữa khoét rộng vừa đủ chỗ kê bàn ăn. Người ngồi xung quanh thõng chân dưới gầm bàn thoái mái. Thức ăn ngon, rượu ngon, tha hồ say sưa. Sẵn gối ngả ngớn thoải mái.
Người lơ lớ Sán đều hồ hởi:
- Ông tính toán chuyện làm ăn giỏi, đã đi một nhẽ. Đằng này là chuyện tâm lý, tính cách con người. Không hiểu bằng cách nào ông lại nắm được kiểu tiếp khách của ông ta như thế. Tôi phục thật. Không có ông chỉ đạo thì…
Người lơ lớ nhấp một ngụm rượu:
- Rượu ngâm thuốc của tôi không loại nào bì được đâu. Cái thứ rượu ấy, không phải cứ đắt là quý, không phải cứ quý là hay. Chỉ được cái oai để doạ nhau thôi. - Môi dưới động đậy, hơi trề ra, ông ta giải thích. - Mỗi người có một bí quyết riêng. Chính bí quyết ấy làm nên thế mạnh của họ. Làm nên thành bại của họ. Chỉ có điều, thành nhiều hay ít, bại nhiều hay ít chứng tỏ bí quyết ấy đúng đến đâu, hiệu nghiệm đến đâu thôi. Phải tìm hiểu, nghiên cứu các đối tác của mình. Đối tượng nào tác động nhiều đến công việc của mình thì phải nghiên cứu kỹ. Nó trở thành một sự thích thú đam mê. Không thế, sao thắng được. Người Trung Quốc đúc kết rồi, "Tri kỷ, tri bỉ, - bách chiến, bách thắng". Đúng không nào?
Sán háo hức, tò mò muốn biết cụ thể để học nên hỏi:
- Ông ví dụ cụ thể trường hợp ông Cận này đi.
- Nói để ông biết, đã là bí quyết thì không phải ai cũng học được, cũng không thể nêu ra như một công thức. Nhiều khi, là linh cảm mách bảo, là phán đoán, là khả năng giải bài toán tâm lý. Có nói, cũng không ích gì cho ông đâu. Cứ nói ngay về ông nhé. Tôi cho rằng, trong cuộc sống gia đình, ông hành xử không đúng luật.
- Không đúng ở chỗ nào? Đời sống gia đình mà lại có luật à?
- Tôi không biết cụ thể, chi tiết. Nhưng chắc chắn là như thế. Bởi mồi lần tôi đề cập bến chuyện bà nhà, thái độ của ông đều không thoải mái…
Sán giật mình. Quả có thể thật. Chuyện vừa rồi đấy thôi. Lẽ ra từ nhà tay Cận về, Sán phải kể ngay cho vợ nghe, rồi sau đó là một cuộc làm tình kịch liệt. Hoặc mang cái bộ mặt hơn hớn vào cuộc làm tình, rồi vừa làm đủ trò, vừa đố vợ xem mình có tin vui gì. Đằng này… Sán vốn cú vợ. Giờ mới tấp tểnh cái chân Phó giám đốc. Về mặt phẩm hàm là ngang nhau đấy. Nhưng về thực lực thì… Anh ta biết mình lên nhờ cái gì nên không có cái tự hào. Thôi, tốt nhất là không nói…
Người lơ lớ thấy Sán bồng dưng có vẻ nghĩ ngợi thì bồi thêm:
- Hình như ông chưa xác định đúng thuyết chính phụ trong gia đình. Chuyện bồ bịch, chuyện ăn chơi chỉ là phù phiếm như gió thổi, như mây bay. Vẫn phải lấy gia đình làm trọng. Vợ vẫn phải lấy làm trọng. Hình như với ông, không phải như thế?
Bữa trước, Người lơ lớ gọi món lẩu nấm, đầu cả hồi, thấy rất khoái khẩu, hôm nay Sán cũng gọi thế. Khách sạn này mời hẳn một đầu bếp nổi tiếng ở Côn Minh - Vân Nam chuyên lẩu nấm sang phụ trách. Người lơ lớ húp mấy thìa nước lẩu, gật gù:
- Tôi vừa ngồi với mấy người Trung Quốc đại lục. Họ rất tài tổng kết, đúc kết chuyện đời bằng mấy chữ cô đọng, bằng công thức hẳn hoi. Ông có biết họ nói thế nào không? Sống trong vũ trụ, không chống thiên nhiên. Đúng chưa, đúng tuyệt đối ấy chứ. Vấn đề toàn cầu đấy. Vấn đề môi trường nhân loại đấy! Tiếp nhé: Sống trong thế giới không chống Mỹ. Quá đúng. Nó có mạnh nhất không thì còn phải bàn. Nhưng giàu nhất thế giới thì không phải bàn cãi. Đúng không? Người Mỹ đưa ra thuyết đơn cực. Nhưng người Trung Quốc, người Nga, người Nhật đưa ra thuyết đa cực. Tôi cho là đúng. Tôi với ông không hơi đâu tranh cãi chuyện ấy. Chỉ biết chả thằng nào dại gì đối đầu với thằng giầu nhất ấy. Nước ông cũng thế, nước tôi cũng vậy. Đường lối ngoại giao nước quái nào chả thế. Xu hướng thế giới là hoà bình, hoà dịu, hoà hoãn, hoà hiểu cơ mà. Phải chuyến từ đối đầu sang đối thoại chứ? Lại tiếp nữa nhé: Sống trong đất nước, không chống Đảng Cộng sản. Chỉ có thằng nào ngu mới chống đảng cầm quyền. Đúng không nào?
Gắp mấy miếng nấm, nhai ngon lành, Người lơ lớ nhìn Sán cười, cứ như bắt thóp được kiểu gì:
- Triết lý cuối cùng, vô cùng quan trọng với một nửa dân số hành tinh, nhất là… nhất là đối với ông: Sống trong gia đình, không chống vợ.
Ông ta vỗ đùi, cười ha hả. Sán cũng cười theo, song không thể cười vô tư như ông ta.
- Đâu như truyện Kiều nước ông có câu này: Sao cho trong ấm ngoài êm. Nếu không làm được như thế, thì ông cũng phải làm được điều ngược lại.
Cái khoản suy nghĩ về gia đình hơi bị lùn, Sán thắc mắc:
- Tôi không hiểu.
- Nghĩa là Trong ấm ngoài êm phải là thượng sách. Nếu không thì cũng phải được trung sách: Ngoài ấm trong êm. Hình như, hiện trạng của ông là hạ sách, ngoài không ấm, mà trong cũng chẳng êm, đúng không?
Sán nghệt mặt ra như ngày nào người ta mất sổ gạo.
Chưa bao giờ Người lơ lớ có nhận định sai về chuyện gia đình Sán. Mặc dầu, ông ta không biết cụ thể. Hoặc bằng kênh nào đó mà ông ta đã biết, nhưng không nói ra. Đầu óc vẫn nặng nề những ý nghĩ lộn xộn về vợ con, Sán quên cả ăn, quên cả mình là chủ tiệc. Khách hạ một câu kết thúc, trước khi sang chuyện khác:
- Tình trạng ấy sẽ tác động xấu đến công việc…
Ngừng một vài giây, ông tà nói thêm:
- Mà công việc của ông, cùng là công việc của tôi. Xin ông nhớ cho.
Quả thật, lần này Sán mới có vẻ nhận ra điều Người lơ lớ muốn lưu ý mình. Sán nêu một ý khác, định nói từ này:
- Tôi muốn gặp Người ngoài hành tinh, để cảm ơn ông ta đã tác động đến vụ bảo vệ luận án của tôi.
Khách trả lời ngay:
- Cần thì cần đấy, nhưng không được. Nói cần, bởi chứng tỏ suy nghĩ của ông có trước có sau. Nói không được, vì trong việc xử lý các mối quan hệ, nó phải đảm bảo nguyên tắc quan hệ này không ảnh hưởng xấu đến quan hệ khác.
Sán không hiểu. Mà cái sự không hiểu của Sán là rất bình thường. Hai người, hai đẳng cấp khác nhau
- Ông có biết vì sao tôi không nói tên ông ấy ra mà cứ gọi là Người ngoài hành tinh không? Ai cũng biết ông ta. Nhưng không phải ai cũng biết đầy đủ về ông ta. Cái phần không đầy đủ của ông ta, càng ít người biết càng tốt. Tôi ghi nhận tình cảm của ông. Ứng xử thế nào với ông ấy là việc của tôi. Tôi phiền đến ông ấy, chứ không phải ông. Việc ông phải giúp tôi bây giờ, chính là nhanh chóng tiến hành các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, sao cho chúng tôi có được giấy phép đầu tư vào một khu công nghiệp nữa, càng sớm càng tốt. Chúng tôi phải đón đầu trước khi nước ông vào WTO… - Ngừng một chút, Người lơ lớ nói thêm, - trong vòng một tháng trở lại, ông sẽ chễm trệ ngồi vào ghế Phó giám đốc. Với cương vị ấy mọi việc sẽ thuận lợi hơn lần trước nhiều. Lần này chắc không phải làm lại…
Sán cười:
- Tôi nhớ rồi. Số giấy phép, ngày ký giấy phép phải là ngày đẹp, số đẹp chứ gì?
Ông đừng cười. Tôi muốn không có mảy may gì ảnh hưởng đến tâm lý mình trong quá trình thực hiện công việc. Chứ không phải số không đẹp thì thất bại, số đẹp thì thành công đâu. Có số đẹp mà những nước đi sau đó tính sai, cùng thất bại. Nước nào, việc nào cũng phải tính đúng. Ai nói "người tính không bằng trời tính", theo tôi cũng chỉ là nói, ta mới làm đúng một phép tính cá nhân chứ chưa giải được bài toán tổng thế của xã hội, của thiên nhiên. Những gì lớn quá, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người, ta gọi nó là Đấng tối cao, là Trời, là Phật, là Đức Chúa, là Thánh Alla thôi. Phải thế không ông? Chứ làm gì có ông Trời, ai biết ông ấy mặt vuông mũi tròn ra sao. Các đấng thánh thần khác, chết từ đời nảo đời nào rồi, còn đâu mà giúp ta được. Mà nếu còn cũng chả thể giúp được hàng tỉ người. Đức Phật nghìn mắt nghìn tay thôi chứ có năm sáu tỉ mắt, tỉ tay đâu mà ai cũng được cứu giúp. Ta làm đúng quy luật tức là chọn đúng địa điểm, đúng thời điểm, hành xử đúng luật làm, luật chơi, luật ứng xử và hành động đúng theo xu hướng thế giới, thì làm gì chẳng thắng. Người xưa nói "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" là thế chứ còn gì.
Tôi giả dụ nhé. Nếu được chọn giữa ngày lẻ và ngày chẵn đi máy bay chẳng hạn, tôi sẽ chọn ngày chẵn. Để khỏi lăn tăn khi lên máy bay thôi. Còn nếu bị khủng bố hoặc gặp tai nạn ấy à? Đàn ông, dẫn bà, da trắng, da đen, trẻ em, người lớn, tuổi gì, số gì, mệnh gì cũng chết cùng một giây, một phút. Mà người ta đã thống kê xem tai nạn máy bay, tàu thuỷ, tàu hoả, ô tô… rơi vào ngày chẵn hay ngày lẻ nhiều hơn. Ông có biết đằng nào nhiều hơn không? Thế cả. Cái thằng khủng bố mà cũng chọn ngày chẵn hành sự thì thiên hạ càng chọn ngày chẵn, càng chết tợn. Đúng không nào?
Người đàn ông, tóc đầu đinh, hơn Sán chưa đến một giáp mà sao mọi chuyện đều rành rẽ, cặn kẽ, đâu ra đấy. Chưa một suy nghĩ nào của Sán, vượt ra khỏi tầm tính toán của ông ta. Mỗi ngày Sán lại biết thêm một khía cạnh nữa ở con người này. Nhưng có những việc ông ta làm, Sán không hề biết. Ông ta giữ nguyên tắc: việc không cần nhiều người biết, mà thêm một người biết là thêm một nguy cơ thất bại.
°°°
Vũ Sán, Phó giám đốc Sở và Vũ Sán, Trưởng phòng khác hẳn nhau. Hôm qua còn là những bước chân bình thường như bước chân bao người. Hôm nay, bước chân trọng lượng hơn. Cái nện gót chững hơn, sải bước dài hơn. Hôm qua, mắt còn nhìn ngang tầm mắt mọi người. Hôm nay, mắt nhìn lướt trên đầu người khác, như hướng lên mây. Hôm qua, tôi chào anh, anh chào tôi. Hôm nay, anh phải chào tôi trước đấy nhé. Hôm qua còn nói "chào anh". Hôm nay đã thay cho lời chào bằng cái gật đầu. Dù không thêm lạng nào, cân nào, nhưng rõ ràng dáng đứng, thế ngồi oai vệ hơn, đàng hoàng hơn. Ngả ra phía sau, tựa trên lưng ghế, với những cái hất hàm, kèm theo câu hỏi.
Hôm ông Cận và Giám đốc Sở Nội vụ về công bố quyết định bổ nhiệm chức danh Phó giám đốc, Sán về nhà, nhìn vợ, tự nhiên thấy lòng dịu lại, có vẻ như không còn cái mặc cảm vợ hơn mình. Anh ta không khoe. Nhưng qua một kênh nào đó, Diệu cùng biết. Chị về sớm cùng với cành phong lan hài mũi đỏ, bó rất diêm dúa, cắm vào chiếc bình pha lê, đặt giữa bàn khách. Thấy Sán về, từ phòng bếp đi ra, chị cố nở một nụ cười thân thiện:
- Chúc mừng anh!
- Cảm ơn em! - Người này buông ba tiếng. Người kia đáp lại cũng ba tiếng. Không hơn. Không kém. Sau đó, mọi chuyện trở lại như cũ. Anh việc anh, tôi việc tôi. Mồm Diệu nói chúc mừng, nhưng trong thâm tâm, chị lo. Cái gì không đáng có, thì rồi cũng đội nón ra đi thôi. Diệu không biết tí gì về mối quan hệ của chồng với Người lơ lớ. Họ như hoạt động bí mật. Không đến nhà nhau chơi, không gọi điện thoại cố định bao giờ.
Những cuộc vận động của Sán, Diệu không biết. Càng không biết chồng đi đêm với những ai, móc ngoặc, liên kết với ai. Việc chồng được đề bạt Trưởng phòng, rồi trúng Đảng uỷ viên Sở, bảo vệ luận án Tiến sĩ và bây giờ lên Phó giám đốc qua kênh này kênh khác đều đến tai Diệu.
Hai vợ chồng li thân nên chị cũng chẳng hỏi gì. Chỉ mơ hồ cảm thấy, chồng có cái gì đó không đàng hoàng. Vợ chồng còn yêu nhau thì chuyện gì cũng kế cho nhau nghe. Còn thích nhau thì sau trận xung đột, chỉ một lần âu yếm gần gũi lại chín bỏ làm mười, mà năm cũng bỏ làm mười được.
Đến khi tình đã mất, nghĩa không còn, thì nhà chỉ là quán trọ, góp gạo thổi cơm chung… Bây giờ vợ chồng Sán chẳng khác gì hai người lao động ngoại tỉnh cùng thuê chung một nhà trọ. Khác chăng là, giữa hai người có một đứa con chưa trưởng thành. Thêm một lý do nữa, khiến họ phải bận tâm cân nhắc: sẽ rất tai tiếng nếu bà Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận xinh đẹp bỏ chồng. Thiên hạ sẽ đồn ngay lên rằng, bà ấy cặp bồ với một ông to lắm. Thế mới lên được. Thế mới bỏ anh chồng không tương xứng.
Thuở ban đầu họ cùng mê nhau lắm đấy. Sán mê Diệu vì cô xinh đẹp và sắc sảo. Cái đó thì ai cũng biết. Nhưng Diệu mê Sán vì cái gì thì không ai biết. Bởi chưa bao giờ Sán thể hiện ngón võ ấy ra trước mọi người - tiếng ghi ta bập bùng quyến rũ cùng với giọng nam trung nồng ấm. Mọi chuyện bị đẩy đến mức không thể dung hoà được, khi Sán cay cú, vì vợ cứ họp hành liên miên, hay về muộn, ông chồng về trước cứ phải thổi cơm chờ. Sán xúc phạm vợ, xuất phát từ mặc cảm vợ hơn mình. Mà anh ta lại quyết không xin lỗi, không làm lành, mặc dù, sau đó cũng đã vài lần lan sang giường vợ hùng hục cưỡng bức.
Trong một thời gian dài, liên kết với Người lơ lớ bằng mọi cách, có được ghế Phó giám đốc này, Sán hoàn toàn quên rằng, mình có một người vợ. Người vợ ấy, dù không còn yêu, không còn thích mình, nhưng vì dư luận xã hội, vẫn chờ một câu xin lỗi. Quá cái giới hạn của sự chờ đợi, người vợ ấy đã khép mình lại, nguội lạnh, chai ra. Ba tiếng "chúc mừng anh", không bằng một lời chúc xã giao của đám bạn nhậu. Sán cũng chả thấy chạnh lòng.
Còn chuyện sinh lý đàn ông? Giờ Sán không phải chỉ có một, mà có tới ba Hồng Nguyệt, vì công việc, xin chết trên giường nệm. Sán phải khéo phân phối thời gian và sức lực mới dùng hết cơ số. Tuy thế, vẫn có những lần đi với mấy em ca-ve. Khi người ta "chiêu đãi" mình hoặc mình "chiêu đãi" người ta. Đấy, hôm trước sau buổi đàm đạo với Người lơ lớ quanh nồi lẩu nấm cá hồi, hai người được mời ngó qua dàn "diễn viên", trong đó có mấy em mới tuyển vào loại "hàng chất lượng cao", có "đẳng cấp" hẳn hoi làm Sán mê mẩn.
Sau chuyến đi Hải Nam, cùng gần hai chục quan chức Thành phố và Trung ương được Người lơ lớ mời, do chưa có kinh nghiệm, mà mấy em ấy lại quá xinh, quá ngoan, nên Sán chơi thả phanh. "Máy móc" hoạt động quá công suất thành ra trục trặc. Người lơ lớ phải cho một bài thuốc phục hồi chức năng. Phải ngừng "tham chiến" một thời gian, và nhất là, ông ta phổ biến cho Sán Kinh nghiệm bế tinh. Làm thế nào để "xung trận" mà không "nhả đạn". Tuổi càng cao, "súng" càng mòn, "đạn" càng ít. Phải tiết kiệm. Người Trung Quốc gọi nó là thiên bảo có cái lý của nó đấy
Ông ta giảng giải, điều quan trọng là cái đầu, là nhận thức. Nếu nhận thức được ý nghĩa quan trọng của thứ trời cho ấy, thì phải biết dè sẻn, dành dụm. Nếu "xung trận" mà không tiêu tốn "đạn dược" thì người khỏe ra. Còn hơn cả thần dược, vì âm kích dương, lục phủ ngũ tạng đều hoạt động hết công suất mà vẫn "bảo toàn lực lượng", chỉ đồ mồ hôi. Mà mồ hôi càng ra nhiều, độc tố trong cơ thể càng được tống ra lắm.
Thằng đàn ông nào chả thèm được tận hưởng cùng cực khoái lạc. Dù sau đó có rũ người ra cũng được. Đằng này cứ phải nhịn. Nhưng Sán quen dần. Sán kiềm chế được. Đến giờ, anh có thể tiết dục theo ý muốn. Gặp em nào xinh lắm, hay lắm Sán mới "lia một băng".
Cũng còn vì lý do này mà Sán tuyệt giao với vợ.
Ai đời, sau cái lần vợ chồng xô sát, mình lần sang, nó đã không cho. Lại còn lý sự. Điên lên mình mới bảo, quà giữa chợ, vợ giữa nhà. Thì ta vẫn là chồng ngươi cơ mà! Nó đành cắn răng nhắm mắt chịu đựng, nhưng dứt khoát không cho mình hôn. Nó phủ cái khăn tay lên mặt, trông cứ như xác chết trong bệnh viện. Đã thế, ông đ. thèm! Thiếu cha gì đứa mời đứt lưỡi, mời gẫy răng ông còn chưa màng kia kìa. Để xem tao thiệt hay mày thiệt nhé.
°°°
Hôm về xây mộ, quê nội đón hai bố con Đại bằng một trận mưa rất phũ. Đường làng mới đắp băng qua cánh đồng nhão nhoẹt. Đại phải nhờ chiếc xe công nông kéo lùi mới thoát lún. Đành trở lại con đường làng cũ chật chội, vì hàng hoá đang bốc dỡ. Nhiều nhà chất cả hàng ra hiên nhà, mạnh ai nấy làm. Cái sự lộn xộn của một làng đô thị hoá thật khó coi. Đường xuyên qua phố làng - làng phố, đến cái đoạn ra nghĩa trang thì… kinh khủng
Ông Hoè nhớ lại. Ngày xưa, tình trạng ỉa đồng có ở hầu khắp làng quê. Nhưng nhờ có những người chuyên nhặt phân, cả phân bắc, phân chó, phân trâu bò, ủ cho hoại, bón cây trồng, nên đường làng ngõ xóm rất sạch. Có nơi, cả làng, ngoài làm ruộng, có hẳn nghề nhặt phân. Nhặt phân ở làng mình, ở các làng gần xa. Ngay gần Thanh Hoa cũng có một làng làm nghề này, "Thanh niên Cổ Phú xin thề, Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương" là thế.
Đình làng này, còn thờ đôi thúng sơn và hai dẻ xương sườn trâu, cái để đựng, cái để gắp phân. Ngày giỗ thành hoàng làng, các cụ bô lão bóc chuối tiêu chín bỏ vào đầy thúng, lại còn gắn vào ít hạt đậu đen, rồi xì sụp tế lễ linh đình. Chỉ có điều, vì thế, ngày tết, mâm ngũ quả làng này không có nải chuối tiêu, và cúng ông bà cha mẹ, không bao giờ cúng chuối và xôi đỗ đen.
Một ngày Tết thanh bình của những năm đất nước thái bình thịnh trị, vua Lê Thánh Tông đi kinh lý qua một làng. Vị vua của dân, cha mẹ dân, thấy nhà nào cùng sửa sang nhà cửa, quét vôi, treo đèn, dán câu đối mừng Tết. Thấy một nhà chả có vẻ Tết nhất gì, vị Vua anh minh rẽ vào. Hỏi chuyện mới hay, hoá ra chủ nhân xấu hổ vì nhà nghèo không có ruộng nên chuyên làm nghề gắp phân. Nhà Vua tươi cười mà rằng: Chẳng có nghề nào hèn đâu, chỉ có người hèn thôi. Trong mắt ta, ngươi là vị anh hùng hảo hán đấy. Mang giấy bút ra đây, ta cho một câu đối.
Nét bút của bậc để vương như rồng bay, phượng múa.
Không biết, sau đó gia đình ấy có thuê thợ khắc gỗ sơn son thiếp vàng câu đối ấy không. Nếu có thì nó ở đâu? Hay nhà nghèo không có tiền làm việc ấy? Dù không còn câu đối treo hai bên bàn thờ tố, thì câu đối ấy đã kịp tạc vào không gian, thời gian bao thế kỷ nay. Vị Vua văn chương, vị Nguyên soái Tao đàn nhị thập bát tú ấy - ngôi sao sáng nhất, ngôi sao chủ soái trong hai mươi tám ngôi sao văn chương thời ấy hội Nhà văn đầu tiên của đất nước thơ ca Việt Nam - đã biết đến tận cùng nỗi thống khổ của thần dân, đã ngợi ca đến tột đỉnh vinh quang lao động của thần dân. Ông tạc vào lịch sử Việt Nam, một áng văn chương ít chữ nhất, nhưng vào bậc tuyệt bút, nhân văn nhất, văn hoá nhất:
Khoác tấm áo bào, giang tay gánh vác thiên hạ
Vung hai thước kiếm, tận thu lòng dạ thế gian
°°°
Có phải mức sống càng cao thì nước thái càng nhiều? Đường về nghĩa trang quê ông Hoè hôm nay, nước thải thành đống lù lù suốt hai bên đường, tràn cả lối đi. Mưa vừa tạnh, nắng lên. Từ những bãi nước thối bốc lên một thứ uế khí lộn mửa.
Hai bố con ông Hoè nhắm mắt bước vội.
Hai người anh họ, đang trát nốt mảng vữa cuối cùng. Đại mở gói áo lễ, lần lượt đặt lên phần mộ từng người. Vợ anh đã buộc riêng từng túi, chỉ việc trải tờ báo cũ ra làm mâm, đặt lên.
Hai bố con, mỗi người một nắm hương cắm lên ngôi mộ ông bà nội, rồi mộ bà Mận, mộ Lê Hồi. Rồi đến các ngôi mộ xung quanh, cho đến hết.
Hai bố con đảng viên này, không biết khấn khứa gì. Cốt ở tấm lòng thành với người đã khuất. Giá ngày ấy đừng cố chấp thì bây giờ ông Hoè đã thanh thản hơn. Với cả con nữa, Hồi ạ. Đôi lông mày con giống bố đến thế. Bố phải ân hận suốt đời vì cái chết tức tưởi của con
Ông Trưởng họ bưng mâm cỗ cúng về. Bố con Đại thu nốt đồ lễ theo sau.
Cả nhà quây quần bên mâm cơm cúng. Ngoài con gà luộc và đĩa xôi đầy tú ụ Đại mang về, bà vợ ông Trưởng họ, bưng ra mấy món xào, canh và một đĩa thịt vịt quay. Đủ cả kiệu muối với nước chấm riêng. Chả khác gì thành phố.
Lúc ngồi uống nước, ông Hoè hỏi ông Trưởng họ:
- Bác có muốn em ngủ lại, anh em trò chuyện thoả thích không?
- Chú nói lạ. Sao lại không? Mà bây giờ hưu rồi, làm sao cứ tất bật, lần nào về cũng sấp sấp ngửa ngửa như nhà có việc thế?
- Chả giấu gì bác, bụng dạ em không tốt lắm. Đêm phải dậy mấy lần. Phải có cái hố xí tự hoại…
- Tốn kém lắm, tôi chưa đủ lực. Với lại cả làng chứ có phải mình tôi đâu.
- Thế nếu cháu nó xây tặng bác?
- Thế thì còn gì bằng.
Trên đường ra Uỷ ban Xã, Đại nói với bố:
- Tí nữa bố hỏi luôn cả chuyện bảo vệ môi trường ở xã mình nữa. Cần tổ chức một đội xe đẩy, chuyên thu gom dọn nước trong làng. Phải có một bể nước công cộng, đổ đến đâu chôn lấp đến đấy. Gớm, rác đổ bừa bãi chết khiếp lên được
Ông Trưởng họ được cưỡi ô tô con ra Uỷ ban, chạy xuyên qua làng, sướng lắm! Ông bảo Đại hạ kính xuống, thò hẳn đầu ra ngoài cửa xe, làm như chỉ để ngắm cảnh làng mình. Ta ra Uỷ ban không phải để xin xỏ gì đâu nhé. Ta dắt cháu ta ra cho quà Uỷ ban đấy. Mà cái thằng này, vẽ chuyện. Mấy bố Uỷ ban làm gì biết đánh vi tính. Táy máy lại hỏng bố nó ngay cho mà xem. Một đống tiền chứ ít gì!
Chiếc xe sang trọng, lấm bùn vừa lừ lừ vào sân Uỷ ban, mấy quan chức xã đã chạy ra đón. Chả bù, lần nào ông bác đến cửa quan, các vị cũng khệnh khạng, ngả lưng ra ghế tựa, hất hàm: "Có việc gì?" hoặc vẫn chúi mũi đọc cái gì đó, không thèm ngẩng lên, chỉ hất hàm: "Có việc gì thì nói đi"
Ông Hoè chưa bao giờ về xã giảng nghị quyết, nhưng về tỉnh thì đã một vài lần. Cán bộ xã chỉ nghe phong thanh tiếng ông. Bây giờ lại đánh xe về, lại tặng quà nữa. Hết ý.
- Dạ, chúng em sẽ cử người đi học vi tính ạ?
- Dạ, chúng em sẽ nghiên cứu chuyện nước thải ạ. Vâng, quê ta từ ngày xưa đến giờ vẫn có thói bẩn thỉu thế.
Một điều "Dạ", hai điều "Dạ". Lúc này các quan xã đóng rất đạt vai nô bộc của chủ. Ông Hoè vặn lại:
- Ngày xưa làng mình không nước rưởi bẩn thỉu thế này đâu! Ngay hồi chống Pháp, rồi hoà bình lập lại, tôi về làng, thấy vẫn còn sạch lắm. Các đồng chí phải nghĩ nhiều đến môi trường. Bệnh dịch sinh ra từ đấy chứ đâu.
- Dạ, báo cáo với bác, với anh đây. Cái khó nó bó cái khôn ạ! Trăm việc, việc gì cũng phải có tiền ạ.
Từ nãy đến giờ, Đại chỉ ngồi nghe, giờ mới lên tiếng:
- Các đồng chí làm dự án về môi trường đi!
- Dạ, báo cáo anh Đại, chúng tôi xin làm ngay ạ. Nhưng đào đâu ra tiền để triển khai ạ.
- Các đồng chí làm đi, nếu khả thi, tôi sẽ đầu tư một số cơ sở vật chất ban đầu. Sau đó để nó tự nuôi nó. Bà con đóng tiền cho hội thu gom rác. Xã hội hoá được việc này, sẽ kéo theo nhiều việc khác.