Chương 10

Với người dân Thanh Hoa, hôm nay cũng như bao ngày khác. Với những người lãnh đạo thành phố này, hôm nay là một sự cố. Sẽ dẫn đến đâu? Không ai biết.
Nhưng chắc chắn, đó là ngày nhớ đời.
Không biết lịch sử Đáng bộ thành phố có ghi lại ngày này?
Con đường từ Hà Nội về Thanh Hoa, sáng nay xuất hiện nhiều trạm Cảnh sát lưu động. Cảnh sát trật tự áo xanh lá mạ, Cảnh sát giao thông áo vàng và những người mặc thường phục.
Xung quanh khu vực cơ quan Thành uỷ cũng xuất hiện những tốp người như thế. Bề ngoài trông họ thật nhàn nhã, nhưng nếu có hiện tượng gì khác thường, lập tức họ sẽ hành động với những biện pháp mạnh. Không ai biết là từ mấy hôm trước đội bảo vệ đã về làm việc với Công an thành phố và rà soát khu vực xung quanh, chuẩn bị các phương án dự phòng.
7h40'. Cánh cổng chính trụ sở Thành uỷ mở rộng. Bí thư, các Phó bí thư, các uỷ viên Thường vụ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố, complê sẫm màu, tề chỉnh, theo thứ tự đứng thành hàng từ mép cống bên phải trở vào. Mấy người bất giác cùng xem đồng hồ.
Có điều lạ là: không băng rôn, không cờ, không hoa.
Trong phòng họp chỉ có hàng chữ trang trọng: CHÀO MỪNG TỔNG BÍ THƯ VỀ LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ THANH HOA.
7h50'. chiếc xe cảnh sát dẫn đường xuất hiện. Đến gần cổng, nó đi chậm lại ngoặt sang phải, chốt lại gần đấy. Chiếc xe thứ hai của lực lượng báo vệ ngoặt sang trái, chốt lại cách cổng một quãng. Các sĩ quan cảnh vệ toả ra chiếm lĩnh các vị trí đã phân công. Chiếc xe thứ ba đen nhánh chầm chậm tiến vào. Vừa dừng sau cánh cổng, người ngồi hàng ghế trước bật cửa bước ra, nhanh nhẹn mở của sau, bên hông phải. Một bàn tay chắn trên khung cửa xe, đề phòng đầu người ra chạm phải.
Bí thư Thành uỷ bước tới.
Tổng Bí thư bước xuống xe, bắt tay từng người ra đón.
Không lỏng. Không chặt. Không nhanh. Không lâu. Đó là những cái bắt tay vừa đủ để gọi là lịch sự.
Bước đi của Tổng Bí thư hơi nện gót - lối đi của người lính trong đội hình. Đến gần khối kỳ thạch giữa bể nước, ông bước chậm lại, chăm chú nhìn, nhưng không nói gì. Bí thư Thành uỷ đi bên cạnh, không biết ý tứ ông ra sao. Thích hay không thích? Khen hay chê? Bí thư đủ khôn ngoan để im lặng. Chiếc xe bảy chỗ của đoàn cán bộ tuỳ tùng vào sau. Cuối cùng là chiếc xe nữa của Cục Cảnh vệ, giữ nhiệm vụ khoá đuôi.
Khi mọi người đi yên vị, Bí thư Thành uỷ đứng lên. Ông nói lời chào mừng Tổng Bí thư về làm việc với Thường vụ
Thanh Hoa mở rộng. Ông báo cáo, các thành phần dự họp đã có mặt đầy đủ, rằng ban lãnh đạo Thanh Hoa đã nghiêm túc chuẩn bị báo cáo về những việc Tổng Bí thư yêu cầu, rồi mời Tổng Bí thư chủ trì buổi làm việc.
Tổng Bí thư đứng dậy. Ông đưa mắt nhìn mọi người một thoáng. Một thoáng thôi mà các vị chủ nhà thấy nặng nề, căng thẳng, chẳng khác gì thời học trò, không học bài, khi thầy giáo đưa mắt nhìn cả lớp, sắp chỉ định một đứa lên đọc bài. Mà đã chỉ, y như đúng, đó là đứa không thuộc bài.
Có vẻ, đây toàn những học sinh không thuộc bài. Không vòng vo. Ông đi thẳng vào việc:
- Các đồng chí biết vì sao hôm nay tôi có mặt ở đây rồi. Tôi đã đọc báo cáo của các đồng chí. Vì thế, đồng chí Bí thư Thành uỷ có thể tóm tắt chứ không cần đọc nguyên văn, cũng có thể mở rộng, phát triển, đi sâu, trình bày thêm chỗ nọ chỗ kia, nếu thấy cần thiết. Thế là một…
Lại chờ đợi căng thẳng. Ông nói chậm, sau mồi câu dừng lại một tí. Câu nào ra câu ấy, chắc như đinh đóng cột. Bí thư Thành uỷ đã dự nhiều cuộc họp do ông chủ trì. Cũng đã có lần được làm việc riêng với ông. Lại là người công tác Đảng chuyên nghiệp, nên không thấy căng thẳng, nặng nề như các cộng sự. Nhưng vì là người lãnh đạo cao nhất; nên ông lại lo lắng hơn. Kìa, Tổng Bí thư đã tiếp:
- Thứ hai, trong báo cáo của các đồng chí có một phần khá dài nói về tình hình, những thành tựu đã đạt được. Ý tôi thế này… Đây không phải là Báo cáo Chính trị mà là Báo cáo chuyên đề, về một chủ đề cụ thể mà công văn của Văn phòng Trung ương đã yêu cầu. Chỉ tập trung vào cái việc mà vì nó, hôm nay tôi về làm việc với các đồng chí…
Ông quay sang Bí thư Thành uỷ ngồi bên, hỏi:
- Đồng chí có đồng ý thế không? - Rồi lại nhìn mọi người - Các đồng chí đồng ý thế nhé. Chúng ta cùng nhìn thẳng vào sự thật, cùng trao đổi thẳng thắn trên tinh thần đồng chí, tinh thần cộng sản. Vâng, mời đồng chí Bí thư Thành uỷ báo cáo!
Ông ngồi xuống. Tay đặt trên cuốn số trước mặt. Trừ Bí thư Thành uỷ, còn những ai có mặt trong phòng họp này, việc được tiếp cận với người lãnh đạo cao nhất đất nước thế này, là một dịp hiếm hoi. Và họ không thể không quan sát ông. Vẻ bề ngoài bình dị kia, sẽ làm cho các nhà tướng số vô cùng nhầm lẫn. Chẳng mấy ai nghĩ rằng ông sẽ ở vào vị trí lãnh đạo này.
Bản thân ông cũng bất ngờ khi được bầu vào cương vị mới.
Lần đầu tiên về làm việc với Thanh Hoa, lại không phải vì sự kiện gì vui vẻ, nên ông không thể vui vẻ, lại càng không thể làm cho mọi người vui vẻ được. Chuyện này của Thanh Hoa, nếu không giải quyết triệt để, sẽ có nguy cơ bùng phát. Môi trường công tác của ông trong quân đội, vào thời kỳ đối mới, đã phức tạp hơn thời chiến tranh nhiều. Nhưng so với ngoài dân sự thì còn đơn giản hơn nhiều lắm.
Dù Tổng Bí thư đã nói vậy, nhưng Bí thư Thành uỷ vẫn cố tình báo cáo, rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố và của Trung ương Đảng, Chính phủ, kinh tế Thanh Hoa có mức tăng trưởng cao, GDP bình quân vào hạng cao trong cả nước, chuyến đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay…
Tổng Bí thư hơi cúi xuống, rồi nhìn ra xa. Ông kiên nhẫn nghe. Không nhẽ lại ngắt lời. Bí thư Thành uỷ vẫn kiên trì nêu thành tích, như muốn nói thành tích là rất lớn, rất cơ bản.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài cùng tăng cao, với hơn trăm dự án đầu tư mới, thu ngân sách rất cao. An ninh chính trị ổn định, văn hoá xã hội và quản lý đô thị có nhiều tiến bộ…
Đến đó Bí thư Thành uỷ mới thu về việc cần báo cáo:
- Đời sống nhân dân đã được nâng cao một bước, nhưng vẫn còn khó khăn, nhất là tầng lớp ăn lương. Trong đó có chuyện nhà ở. Từ đó dẫn đến hệ quả, chủ trương của Thành uỷ là đúng, là phù hợp với tình hình địa phương. Nếu không phân đất cho cán bộ, công nhân viên chức tự làm, thì không thể giải quyết được tình trạng thiếu nhà ở trăm trọng. Về khuyết điểm, Đảng bộ Thanh Hoa nhận là đã không chỉ đạo Uỷ ban, các Ban Ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát nên để xảy ra nhiều sai sót, khuyết điểm. Xin nghiêm khắc kiểm điểm trước Tổng Bí thư.
Bí thư Thành uỷ vốn là một kỹ sư xây dựng, nhưng ông lại có năng lực và sở thích nghiên cứu triết học, nên trở thành cán bộ giảng dạy. Rồi chủ nhiệm bộ môn Chủ nghĩa Mác - Lênin một trường đại học ở Thủ đô. Sau đó chuyển ra làm công tác Đảng. Sau ba kỳ đại hội, ông được bầu vào chức vụ này. Người vợ đầu của ông đã mất do bị hen cấp, không kịp cấp cứu. Ông tục huyền với cô nhân viên thư viện trẻ đẹp trường đại học ông dạy. Cô quấn quít thằng bé con người vợ trước, mỗi khi nó theo ông đến thư viện. Cô lấy truyện tranh cho nó đọc, kế chuyện cho nó nghe. Cho nó ăn no, khi ông mải tra cứu, ghi chép, quên rằng đứa trẻ như nó, không nhịn được một lèo như người lớn. Thái độ ấy làm ông cảm động và biết ơn. Ông nghĩ, một người phụ nữ như thế, nhất định sẽ là một người mẹ nuôi con giỏi. Cô biết rõ cảnh ngộ của ông mà vẫn đến. Cô sinh cho ông một đứa con gái giống mẹ như đúc.
Hồi ấy, trong cơ quan đã có người bảo, lấy vợ vừa trẻ, vừa đẹp là phúc, mà cũng là hoạ! Mãi đến gần đây, các con bà lớn, thằng con riêng ông đã ra công tác, câu ấy mới ứng nghiệm. Điều làm ông mất tỉnh táo, là những việc vợ ông làm, ấy là làm cho con riêng ông. Nó vốn yêu quý mẹ kế như mẹ đẻ. Đấy là điều ông bằng lòng nhất. Bà cứ thúc ông gọi điện tác động với quận Lâm Du trong việc mua bán, đổi chác nhà đất. Đến lúc báo chí moi ra, ông mới tỉnh ngộ, thì đã không thể gỡ lại. Chuyện này dính đến Trần Kiên, nên càng rắc rối thêm ra. Bây giờ ông phải chịu trận. Tốt nhất là cứ nhận béng đi cho xong. Vừa được tiếng là thành khấn, vừa là tình tiết giảm nhẹ khuyết điểm. Ông trình bày:
- Về việc cá nhân, tôi đã báo cáo giải trình với Ban Thường vụ, hôm nay xin nhận khuyết điểm trước Tổng Bí thư, về việc đã dùng ảnh hưởng của mình tác động vào chuyện vợ con mua bán, chuyển nhượng nhà đất, làm mất uy tín cá nhân và uy tín của Đảng. Tôi xin chịu kỷ luật thích đáng của Đảng.
Trời nóng nực. Mới thay bốn dàn máy điều hoà loại hiện đại nhất mà vẫn cứ ngột ngạt. Phòng họp lặng đi. Bí thư Thành uỷ đã ngồi xuống. Mọi người không nhìn ông, mà dồn mắt cả về phía Tổng Bí thư. Căng thẳng chờ đợi.
Tổng Bí thư:
- Về chuyện cá nhân đồng chí, tôi không có ý kiến gì, chúng ta không trao đổi ở đây, chờ ý kiến Bộ Chính trị.
Ngừng một lát như cân nhắc, ông nói tiếp:
- Tôi ghi nhận một thái độ dũng cảm của người cộng sản, nhất là khi đồng chí dám nhìn thẳng vào khuyết điểm, biết nó phương hại đến uy tín, thanh danh của Đảng. Điều tôi quan tâm, điều mà tôi muốn các đồng chí làm sáng tỏ, là vấn đề chung của Thành phố kia. Cho tôi hỏi, có cách gì tốt hơn, hay hơn việc chia đất cho cán bộ công nhân viên chức tự làm nhà không? Hay đấy là cách duy nhất? Các đồng chí phải trả lời thẳng thắn. Tôi hỏi thế, tức là tôi phản biện cách làm của các đồng chí. Nếu không trả lời được, có nghĩa là các đồng chí phải thừa nhận ý kiến phản biện của tôi. Đúng không nào?
Ông đưa mắt nhìn suốt lượt. Có người cho ông ông chưa từng trải công tác ở nhiều lĩnh vực, nhiều cương vị quan trọng khác nhau. Công việc hiện nay với ông quá mới mẻ. Điều ấy có thể cũng đúng. Nhưng đấy là chuyện khác, ở chỗ khác. Còn bây giờ, ở đây, cách lật lại vấn đề của ông làm người ta giật mình, lúng túng. Ông ngồi kia, mái tóc hoa mai cắt ngắn không rẽ ngôi. Bộ complê xám giản dị, áo sơ mi trắng không cravát. Tay cầm chiếc bút bi xoay xoay ông hất hất đầu hỏi tiếp:
- Chúng ta trao đổi, tranh luận. Chúng ta đối thoại thẳng thắn, cởi mở trên tinh thần xây dựng. Các đồng chí phải phát biểu chính kiến của mình… Nếu không có ý kiến gì, thì coi như đồng ý với ý kiến của tôi. Tôi sẽ kết luận. Các đồng chí đồng ý thế chứ?
Khi người ta cho rằng mình đúng, thì họ sẽ viện ra nhiều lý lẽ để bảo vệ mình. Tất cả các thành viên trong ban lãnh đạo Thanh Hoa đều có thể phát biểu ý kiến tự bảo vệ, nhưng họ đều ngại. Ý kiến của họ - đã được chuẩn bị khi xây dựng báo cáo tựu chung là: đó là cách làm phù hợp nhất. Không ai chuẩn bị cho câu hỏi oái oăm của ông: thế có cách nào hay hơn không? Tạm bỏ lửng câu hỏi ấy, ông tiếp:
- Trong báo cáo, các đồng chí có nói đến hậu quả của cách chia đất cho cán bộ, công nhân, viên chức tự làm, là tạo nên tình trạng lộn xộn, không kiểm soát được, phá vỡ qui hoạch, làm mất này quan đô thị, lãng phí không gian, v.v… Nhưng tôi chưa thấy nói đến việc tiêu cực, bất hợp lý trong việc cấp đất này? Báo chí đã nêu đấy - ông quay về phía trợ lý của mình - có phải không đồng chí Tiến? Ở đây có mặt cả Chủ tịch, các Phó chủ tịch đấy chứ? Mỗi người đều đã ký hàng chục giấy cấp đất phải không? Tôi nói có đúng không?
Một cánh tay mạnh dạn giơ lên.
Từ đầu buổi làm việc đến giờ, chưa một ai dám nói câu gì, ngoài Bí thư Thành uỷ. Uy danh của Tổng Bí thư lớn quá. Không mấy người có đủ can đảm nói gì, mà cũng chả phải chức phận của mình mà nói. Dại gì?
Thì mới đây thôi đã từng có chuyện, một Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố này, được mời lên làm việc với Tổng Bí thư, nhân vụ tranh chấp giữa một trường học với chính quyền Thành phố. Do có quan hệ riêng với Tổng Bí thư, họ chạy lên ông, nhờ can thiệp… Vì không bình tĩnh, sáng suốt trước quyền uy của Tổng Bí thư khi ông hỏi dồn, vị Phó Chủ tịch kia phải chấp thuận ý kiến do phía bên kia trình lên - trái với sự chỉ đạo của lãnh đạo mình. Thế là quan lộ vị ấy thành mạt lộ. Lãnh đạo Thành phố gợi ý, để vị này tự làm đơn xin nghỉ, vì lý do… sức khỏe.
Cánh tay giơ lên là của một phụ nữ. Cả phòng họp quay lại nhìn bà.
Vừa ngạc nhiên, vừa thích thú, Tổng Bí thư khuyến khích:
- Rất hoan nghênh, mời đồng chí!
- Thưa Tổng Bí thư… tôi không ký một quyết định cấp đất nào ạ.
Bí thư Thành uỷ tím mặt. Chủ tịch và các Phó chủ tịch khác sầm mặt lại: "Cái con mẹ này… "
Đôi mắt nheo nheo mở to, Tổng Bí thư cười rất vui. Lần đầu mà cũng là lần duy nhất, ông cười trong suốt một ngày làm việc ở đây. Ông cười vì người can đảm phát biểu đầu tiên là phụ nữ. Người có ý kiến phản bác ông, là phụ nữ. Ông nói sai, nghĩa là ở đây còn có người đúng. Ông khuyến khích:
- Rất mừng là tôi nói sai. Có thể chứ… Đồng chí hãy tự giới thiệu về mình!
Bí thư Thành uỷ lẩm bẩm trong cổ họng: "Giỏi thì cứ nói!"
Bà Bội Trân là một người phụ nữ cứng cỏi, thông minh và bản lĩnh. Bà không đẹp, nhưng gương mặt thật dề mến. Ai nói chuyện với bà cũng thấy dễ chịu. Nói chuyện với một người có duyên và thông minh, trí tuệ như bà, tâm hồn ta được bữa no nê. Nói chuyện với một người phụ nữ chỉ có nhan sắc, ta được no mắt đây. Nhưng chớp mắt một cái, đã không còn để lại trong ta ấn tượng gì.
Bà có tiếng là người thẳng thắn. Khi còn làm quản lý ngành giáo dục, một chị giáo viên, họ hàng với bà, dẫn một chị bạn đến xin chuyển công tác cho chồng, đang là giáo viên ngoại ngữ trong quân đội về dạy học ở Thanh Hoa. Bà lướt nhanh qua lý lịch rồi hỏi: "Vì sao chú ấy sống trong quân ngũ từng ấy năm lại chưa phải là đảng viên? Thời điểm câu chuyện xảy ra, tình hình chưa như bây giờ, nên câu hỏi ấy là xác đáng. Chị kia không trả lời được, đành về.
Là người trưởng thành từ giáo viên, Phó hiệu trưởng, hiệu trưởng, phó giám đốc, rồi Giám đốc, sự hiểu biết, kinh nghiệm nghề nghiệp, công tác quản lý của bà là một kho đầy ắp mà các cán bộ ăn đồng, tay ngang không thể nào so được.
Khi Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ trao đổi với bà về việc đề bạt một loạt cán bộ nữ của ngành giáo dục làm phó chủ tịch phụ trách văn xã quận, huyện (lúc này bà đã là Phó chủ tịch phụ trách khối văn xã Thành phố) bà cho rằng, cần trở lại ý kiến Bác Hồ, chỉ nên căn cứ vào hai tiêu chuẩn là tài và đức, ai đủ trình độ chuyên môn thì đề bạt người ấy. Chính sách cán bộ, mỗi giai đoạn lại đưa ra một tiêu chuẩn mới, lại coi nhẹ tiêu chuẩn chuyên môn, thì làm sao làm việc được. Cán bộ của tôi, tôi biết chứ…
Thật ra, người ta hỏi ý kiến bà là hỏi lấy lệ, hỏi cho… vui thôi. Còn ở Thành phố này, rất nhiều việc tổ chức nhân sự người ta cứ làm theo con đường… nào ấy, không ai giải thích được, trừ các bố tổ chức. Thế là đùng một cái, một loạt các bà nhà ta, lên làm phó chủ tịch. Có bà làm tốt, có bà làm được có bà làm chả ra sao. Bù lại, được cái… dẻo mỏ. Thiên hạ được mẻ cười. Họ cười việc ấy đã đành. Họ còn cười các vị tổ chức sao khéo bày đặt thế: trong bảy vị nữ ấy, có tới năm vị, ở năm quận nội thành nên đều bắt đầu bằng con chữ L! Lập tức Thanh Hoa có một bài thơ, trường phải Bút Tre, râm ran khắp các cuộc họp ngành.
Bà Trân chi xưng tên và công việc phụ trách. Tổng Bí thư gật gật liền mấy cái, tỏ vẻ hài lòng. Ông hỏi tiếp mọi người:
- Chắc trong bụng, các đồng chí trả lời, rằng không có tiêu cực gì đâu, nếu có, đã có người kiện cáo, rằng chỉ có thể nhầm lẫn sai sót thôi chứ gì?
Cả phòng họp chết lặng. Có mấy người cúi xuống. Nhiều người nhìn trần nhà hay nhìn lơ đi chỗ khác.
Phòng họp thường vụ có sức chứa khoảng dăm chục người. Hàng trên, quanh bàn, mỗi chỗ ngồi, một chiếc micrô loại hiện đại nhất. Ai muốn nói chỉ cần bấm nút. Hàng ghế sau dựa vào tường, cũng có bàn, nhưng là bàn hẹp, không bố trí micrô. Những người giúp việc Tổng Bí thư ngồi hàng ghế sau.
Đã quá quen thuộc với những buổi làm việc thế này, quá quen thuộc với những câu chất vấn của Thú trưởng với các cán bộ lãnh đạo ngành hay địa phương, nên nhóm cán bộ đi theo không biểu hiện cảm xúc gì. Chưa bao giờ họ dự một cuộc đối thoại trực tiếp, mà "đối phương" lại thảm hại thế này. Ừ thì họ không đủ bình tĩnh tự tin, trước đồng chí lãnh đạo tối cao đất nước. Nhưng điều cơ bản không phải như thế. Chẳng qua là thủ trưởng đi guốc vào bụng các vị, điểm trúng huyệt, nên các vị mới câm như hến thế chứ! Mà nào có tha.
Đấy, ông lại tiếp, cứ nhẩn nha, tưởng ra những câu hỏi, đơn giản cụ thể, nhưng lập luận thì đố cãi được:
- Không một ai trong các đồng chí ngồi đây, không một ai trong bộ máy công quyền chúng ta công nhận sự thật này: còn cơ chế xin cho thì còn hối lộ. Tất cả những ai từng đi xin, đi chạy việc đều biết mười mươi rằng, dù không khuất tất, cũng phải hối lộ ít nhiều mới được việc. Khuất tất càng phải hối lộ nhiều mới xong việc. rồi không công tác chính quyền, không giải quyết những việc cụ thể, mà còn bị người ta đem tiền đến hối lộ đấy thôi, báo chí nói, các đồng chí biết cả rồi! Họ biết tôi chỉ cần nhấc điện thoại lên, nói với các đồng chí bên chính quyền một câu, là việc gì cùng xong. Chỉ có điều, người đi xin mà tố cáo ra thì bản thân họ cũng bị pháp luật xử lý, mà còn mang tiếng là tráo trở, lật lọng. Ngoắt ngoéo chính là chỗ này. Vì họ chưa tố cáo ra, nên các quan chức nhà ta còn chưa bị phát giác. Tôi… tôi có đọc trên tạp chí Cộng sản một câu chuyện tiếu lâm hiện đại về "các đồng chí bị lộ và chưa bị lộ". Chắc các đồng chí biết cả. Cái dở của toà án chúng ta trong trường hợp này là trọng chứng hơn trọng cung. Không ai nhận quà biếu mà lại ký nhận. Nếu muốn bảo vệ ai đó, cơ quan điều tra hoặc toà án chỉ cần đưa ra kết luận: không có căn cứ để buộc tội đã nhận hối lộ. Thế là xong. Tôi không loại trừ chính các cơ quan này cũng có những con sâu, thậm chí sâu róm, được hối lộ nên ỉm đi nhiều vụ, làm nhẹ đi nhiều vụ.
- Tôi nghĩ cả các cơ quan Đảng cũng cần được xốc lại. Bởi tôi chưa thấy vụ sai phạm hay tiêu cực, tham nhũng nào do bên Kiểm tra Trung ương và kiểm tra các cấp của hệ thống Đảng và hệ thống chính quyền phát hiện ra. Và… - ông lưỡng lự một chút - Tôi thấy cả bên Quân đội, nhất là các đơn vị làm kinh tế, bên Công an, bên Kiểm sát, nghĩa là các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần xốc lại đội ngũ. Thì chính một cán bộ quân đội mà tôi có quen biết đã hối lộ tôi chứ đâu… Chúng ta phải chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống thể chế của ta. Đặc biệt là phải có cách gì đó giám sát, kiểm tra chặt chê, sát sao, nghiêm ngặt.
Không một ai dám nhìn thẳng Tổng Bí thư, trừ bà Trân.
- Tôi chợt nảy ra ý nghĩ này - ông quay về phía ông Tiến - đồng chí nhớ nhắc tôi, ta thử làm một cuộc điều tra xã hội học, để xem nhân dân nói thế nào về sự trong sạch của bộ máy hành chính chúng ta, kể cả bộ máy các đoàn thể, bộ máy Đáng. Để họ đánh giá xem ngành nào có nhiều tham nhũng nhất… Ghi tên cũng được, không ghi tên cũng được. Họ sẽ nói thẳng ra cho mà xem. Chắc chắn là như thế. Tôi đánh cuộc với các đồng chí đấy.
Im lặng
Ông nhấp một ngụm nước suối, ngả lưng vào tựa ghế một hai giây. Chỉ là đổi tư thế cho đỡ mỏi, rồi trở lại vị trí cũ.
Dáng ngồi không sang, lại hơi gù gù. Tay không vung lên.
Không chém chặt không khí. Cây bút vẫn xoay xoay trong tay.
Giọng ông cũng không sang. Ông không trích dẫn sách kinh điển, không nói lý luận, không dẫn lời lãnh tụ, cũng không dẫn nghị quyết. Ông chỉ lập luận để dồn đối phương vào chân tường bằng thứ ngôn từ ai cũng hiểu.
Đó là lối nói mộc. Lối nói với đồng đội, với người lính trong một đơn vị giữa chặng đường hành quân, hay sau đợt công kích… ông nói với họ như những bạn đồng ngũ, bằng vai phải lứa. Ông nêu những câu hỏi trực diện - sau này có người gọi là những câu hỏi chết người - bởi, trả lời câu hỏi ấy sự thật sẽ hiện ra. Ông là người lính. Làm người lính, ai cũng biết hoả lực bắn thẳng nguy hiểm thế nào. Thế nên bây giờ, ông chọn cách nói thẳng, hỏi thẳng. Ông về thẳng Thanh Hoa để trực tiếp giải quyết một sự việc có tính nguyên tắc, có tính phương pháp luận. Ấy là Thường vụ Thanh Hoa phải nhận về mình trách nhiệm đưa ra chủ trương chia đất làm nhà là không phù hợp và chỉ đạo thực hiện có những khuyết điểm sai sót.
Ngày trước, cấp trên lệnh cho ông có mặt ở đâu, ông đến đó để động viên chiến sĩ, giải quyết những vấn đề về tư tưởng, về tổ chức, về chế độ chính sách… về tất cả những gì để tăng sức mạnh chiến đấu cho đơn vì. Bây giờ ông là người lính không quân hàm. nhưng phạm vi của ông không phải là một đơn vị, mà là cả đất nước. Đành rằng chưa có kinh nghiệm. Thì cứ phải làm mới ra kinh nghiệm chứ!
Ông mới sống giới sống công chức, nên chưa có điều kiện nắm bắt hết những ngóc ngách, những góc khuất lấp trong bộ máy hành chính đất nước. Vì thế, có một nguồn, một kênh thông tin rất quan trọng, giúp ông hiểu phần nào đời sống xã hội. Ấy là báo chí. Gạt bỏ những sóng gây nhiễu, ông nhận ra một vấn đề có tính phổ biến là sự bất hợp lý, sự quan liêu sự chồng chéo, sự trì trệ, bùng nhùng, cái không minh bạch, cả cái bẩn thỉu đang ẩn nấp đâu đấy trong bộ máy hành chính này.
Sao nhiều kẻ ăn bám, ăn chặn, ăn bớt, ăn mảnh, ăn của đút đến thế? Không phải những kẻ mà là những bọn, thậm chí cả một tập thế, với cả bộ tứ, thống nhất ăn của dân, của Nhà nước. Chính vì thế, ngoài những việc lớn, ông thấy điểm nào nóng, chỗ nào nổi cộm lên, thành vấn đề mang tính xã hội cao, nhất thiết phải đến tận nơi xem xét giải quyết. Ông chọn vụ đất Thanh Hoa làm điểm đột phá là vì thế.
Ngồi với các đồng chí Thanh Hoa, ông không kêu gọi nâng cao tính tiên phong gương mẫu, tính chiến đầu nữa. Cũng không kêu gọi phải tăng cường đấu tranh tự phê bình trong chi bộ Đảng. Ông biết các cán bộ chủ chốt càng cao càng bận… họp, chả mấy khi họp chi bộ. Họp chi bộ còn toàn các đảng viên không nắm cương vị lãnh đạo. Bây giờ phải nói với nhau bằng luật. Sống theo luật, làm theo luật, mà trong chi bộ, đau với nhau cũng phải bằng luật. Không thể lấy tình đồng chí mà bảo nhau như thời máu lửa được.
Chính vì không làm thế, nên hiệu quả sinh hoạt chi bộ bây giờ không có bao nhiêu. Chỉ giữ được cái vỏ hình thức. Chi bộ nào chả trong sạch vững mạnh. Nhưng đảng viên bị lộ vẫn cứ bị ra toà, bị vào tù. Đến lúc ấy mới khai trừ thì còn nói gì nữa?
Muốn đối thoại cởi mở, thẳng thắn, nhưng ông đọc thấy vẻ ngại ngần, e dè trong tất cả những người có mặt. Cuộc đối thoại thành ra độc thoại. Nhưng ông đã giao hẹn rồi. Không bác được phản biện của ông, là phải chịu đấy. Là người lính, ông được quân đội rèn luyện, là chỉ có tiến công. Nếu có lui thì cũng chỉ là lui chiến thuật trong thế tiến công chiến lược, cho đến khi thắng lợi hoàn toàn. Đó là tim óc ông, ý chí ông
Ông nhớ chuyện hơn hai chục năm trước, một vài nơi đã thực hiện chiến dịch tịch thu tài sản bất minh. Làm thế lúc đó là không phù hợp. Nhưng bây giờ làm là đích đáng đấy. Chỉ cần làm thận trọng, chắc chắn. Đồng chí nào "bị lộ" mà truy nguồn gốc tài sản, có giời cãi! Đố chứng minh được, chỉ bằng đồng lương mà xây được biệt thự, mua được ô tô. Ý nghĩ ấy chợt đến rất nhanh, như một tia lứa lóe lên, khi khối óc nóng bỏng của ông chạm vào chuyện đất cát ở đây.
Quay lại vụ Thanh Hoa, ông tiếp:
- Đi công tác qua Thành phố các đồng chí, tôi thấy có nhiều ngôi nhà xây rất đẹp, nhưng tối om om. Lại thấy nhiều mảnh đất hoang, xen giữa các khu nhà. Tôi hỏi các đồng chí giúp việc. Mấy hôm sau được giải thích: đấy là những ngôi nhà xây sẵn của các quan chức ở các tỉnh khác, của các cán bộ có cỡ của Thành phố này, của cả cán bộ Trung ương nữa.
Nhà ấy đợi con lớn lên mới ở, hoặc đợi cho người nước ngoài thuê v.v… Có đúng không các đồng chí? Rằng có những người có vài ba căn nhà như thế, có đúng thế không? Còn nhà của những nhà tư sản mới phất lên. Tốt thôi, miễn là làm ăn chính đáng, không vi phạm pháp luật
Ông ngừng lại chờ câu trả lời. Không ai trả lời ông. Làm sao trả lời ra mồm được? Họ đành im lặng thừa nhận. Còn trong bụng, họ vẫn đối đáp đấy: "Cha nội sao mà ranh ma thế, cái gì cũng biết". "Tất nhiên là đúng, nhưng mà đào đâu ra chứng cớ"". Đất nước này, ai chẳng thế, quan to ăn to, quan bé ăn bé, ông chả vừa nói mình cũng được người ta hối lộ là gì?
Đột nhiên ông hỏi một câu, cứ như lạc đề:
- Trong các đồng chí, ai đi tham quan Trung Quốc rồi?
Lần này thì có mấy cánh tay giơ lên, kể cả Bí thư Thành uỷ.
- Thế họ có chia lô, cho các cá nhân tự xây nhà không? Không chứ gì? Họ giải phóng mặt bằng thế nào, các đồng chí biết chứ? Họ dùng tầng một làm gì, các tầng trên làm gì, các đồng chí biết chứ? Thế cho nên đường phố người ta, đâu ra đấy. Đều là những toà ngang dãy dọc. Tầng một, tầng hai làm văn phòng, siêu thị, các loại dịch vụ. Thế mới thanh toán được chợ cóc, chợ tạm, hàng vỉa hè, hàng rong. Tầng một, tầng hai ai muốn thuê hay mua thì đấu giá. Tiền đọng trong túi dân nhiều lắm. Có đấu giá mới sòng phẳng, minh bạch, Nhà nước mới được lợi.
Còn ở ta, chỗ các đồng chí thì, danh nghĩa là công khai đấy nhưng đã đi cổng sau, đi đêm với nhau rồi, đến khi thông báo thì không còn ai len chân vào được. Thành ra, người lắm tiền nhiều của thì vẫn thừa nhà, thừa đất, còn công chức lương thấp, dân nghèo thì vẫn không có nhà ở. Thực trạng ấy là có thật, các đồng chí không thể chối được đâu. Hệ thống chính trị, đứng đầu là hệ thống Đảng, trong phương thức lãnh đạo của mình cũng có những vấn đề phải cải tiến. Vì nhiều lý do mà hệ thống kiểm tra, giám sát của ta không phát hiện được những sai phạm tiêu cực lớn. Nhưng nhân dân thì thấy cả rồi đấy. Không bịt mắt nhân dân được đâu. Càng không bịt mắt được thế giới đâu. Người ta đã xây dựng được cả một loạt hệ thống tiêu chuẩn đánh giá mọi mặt hoạt động đời sống xã hội. Người ta đã khảo sát hơn năm mươi nước, thì nước ta bị xếp cuối cùng, đúng ra gọi là đứng thứ bét về sự minh bạch bất động sản. Chắc chắn Thanh Hoa của các đồng chí có phần đóng góp không nhỏ làm nên sự đánh giá này.
Các đồng chí cứ chia lô, ai muốn xây thế nào thì xây. Vì không qui định chiều cao một tầng là bao nhiêu, nên trông rất lộn xộn. Cái kiểu nhà ống như thế, rất tốn diện tích. Cái nào có mặt tiền rộng là gộp hai ba lô lại phải không? Ai có khả năng tài chính để làm việc đó? Dân biết hết! Tôi không thấy đô thị nào, công tác qui hoạch lộn xộn như Thành phố các đồng chí. Có cái hồ đẹp như mơ thì cho Tây nhảy vào xây khách sạn kín mít xung quanh rồi, bê tông hoá hết rồi. Còn đâu hồ cho người dân tản bộ, hóng mát. Tôi nhớ báo Quân đội Nhân dân đã lên án những người lãnh đạo các đồng chí mắc bệnh gì nhỉ…
Ông cố moi trong trí nhớ, một thuật ngữ gì liên quan đến chuyện đàn ông đàn bà… Vẫn chưa nhớ ra. Tay ông bất chợt đưa lên vỗ vầng trán có những nếp nhăn song song như dòng kẻ nhạc. Mọi người đều nhìn ông đang bối rối cố nhớ lại.
Ông Tiến, cũng không giúp gì được ông lúc này. Chắc hẳn là ông tự đọc, không trao đổi lại nên không biết. Ông bất lực, bỏ tay xuống.
- Tôi quên mất. Nhưng đại ý, người ta trách các đồng chí không quan tâm đến vẻ đẹp cảnh quan hồ. A nhớ ra rồi… họ bảo các đồng chí mắc bệnh lãnh cảm thẩm mỹ cộng đồng. Đúng thế, lãnh cảm thẩm mỹ cộng đồng. Bệnh này liên quan trực tiếp đến một việc báo chí vừa dồn dập đăng tải. Vâng, chuyện thuỷ cung Thần Tiên. Đồng chí Bí thư Thành uỷ báo cáo đi!
Không ai hiểu nổi, làm sao Tổng Bí thư lại dẫn dắt câu chuyện đến đây được. Tưởng như gặp đâu nói đấy, chỉ ông Tiến hiểu rõ, cái cách dẫn chuyện có chủ định này.
Bí thư Thành uỷ đứng dậy:
- Báo cáo Tổng Bí thư, chúng tôi đã phân công, việc này đồng chí Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố nắm cụ thể, nên sẽ báo cáo ạ.
- Ai báo cáo cũng được… miền là… trung thực - ông xem đồng hồ. Sẽ nhỡ nhàng. Đằng nào cũng thế. Chiều ta làm sớm lên 15 phút. Mời các đồng chí nghỉ.
°°°
Ông Huỳnh, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Thanh Hoa, báo cáo xong vụ việc. Tổng Bí thư hỏi:
- Đành rằng các đồng chí đã làm theo đúng qui trình, theo đúng thủ tục hành chính qui định. Nhưng tôi hỏi một câu: báo chí nói có đúng không?
Ông Huỳnh:
- Thưa Tổng Bí thư, họ nói nhiều cái đúng, nhưng cũng có cái không có cơ sở đâu ạ.
- Cụ thể?
- Báo cáo Tổng Bí thư, ví như họ nói một số quan chức Thành phố là cổ đông ở Công ty Cổ phần Thiên Thai.
Tổng Bí thư:
- Ý kiến đồng chí đúng. Nhưng, theo tôi chỉ đúng ở thời điểm hiện nay. Nghĩa là khi cơ quan điều tra chưa đưa ra kết quả điều tra. Các đồng chí biết là khi báo chí đưa tin là họ có cơ sở đấy có tài liệu do họ tự điều tra, hoặc lấy từ Cơ quan Cảnh sát điều tra đấy; nhất là tờ Thời luận, có đồng chí Tổng biên tập bị xã hội đen tạt a-xít cánh cáo. Nó dùng luật rừng, tức là luật pháp của chúng ta, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở chỗ các đồng chí, ở cả Trung ương nữa, chưa đủ mạnh. Báo chí không vu oan các đồng chí đâu, nhất là những vụ động trời thế này. Bên Văn phòng Chính phủ đã thống kê hằng năm, để xem báo chí đưa ra bao nhiêu vụ tiêu cực. Đúng bao nhiêu, sai bao nhiêu, có tính phần trăm cả đấy.
Cuộc làm việc này không quay phim, không chụp ảnh. Chỉ ghi âm. Nếu quay phim, nhất là quay đặc tả sẽ thấy nét lo lắng hiện trên mặt mọi người. Người không dính dáng đến vụ này (do chức trách được phân công) thì lo hộ cho cả Ban Thường vụ, lo cho nhưng người liên quan trực tiếp mà bằng kinh nghiệm, hiểu biết của mình, và những nguồn thông tin nắm được, họ thừa biết các vị ấy không thể không có vấn đề. Còn những người có liên quan trực tiếp thì lo cách đối phó.
Nhưng vào lúc này, theo dõi những câu và lời của ông Huỳnh, họ thực sự lo cho ông ta.
- Thế còn chuyện họ cắt một phần đất, chia lô nhượng lại cho một số cán bộ chủ chốt thành phố đã có công giúp đỡ họ?
Ông Huỳnh ngắc ngứ. Từ trong cái đầu, tóc chải ngang phè của ông, vụt ra một câu trả lời, có vẻ biết điều hơn:
- Báo cáo Tổng Bí thư, việc ấy cũng có thể có ạ. Đợi cơ quan điều tra kết luận ạ.
- Cá nhân đồng chí có không?
- Báo cáo Tổng Bí thư, không ạ!
- Thế thì tốt!
Gần một tháng trước ở Thanh Hoa, không ai biết vì sao Tổng Bí thư lại hoãn cuộc làm việc lại. Khi tờ Thời luận đăng bài đầu tiên, ông bảo ông Tiến, sẽ có loạt bài cho mà xem, việc này họ không chơi lối bắn tỉa đâu. Cậu thông báo cho Thanh Hoa đi. Chờ xem, mặt trận báo chí trong chiến dịch này, phát hiện đến đâu. Đó cũng là căn cứ quan trọng giúp ta giải quyết đúng đắn vụ Thanh Hoa. Những lần làm việc với ngành này, địa phương kia, cảm nhận rõ ràng nhất ở ông là sự yếu kém của đội ngũ cán bộ công chức, là nền hành chính lem nhem, lèm nhèm nước mình. Phải làm cho nó trong sạch.
Ý nghĩ ấy trở đi trở lại trong ông như một câu hỏi, lại như một lời khẳng định. Ông hỏi tiếp câu nữa xem các đồng chí này có nhận trách nhiệm không:
- Các đồng chí suy nghĩ gì mà duyệt dự án thuỷ cung Thần Tiên?
Không ai ngờ, ông Huỳnh nói ráo hoánh:
- Báo cáo Tổng Bí thư, dự án này đã được các Bộ có liên quan nhất trí trình lên Chính phủ. Chính phủ đã phê duyệt…
Càng nói càng nhỏ dần, như cảm thấy mình đuối lý. Đến đấy thì ông Huỳnh ngừng hẳn.
Mọi người đều quay nhìn cái đầu còn lơ thơ mấy sợi tóc chải ngang của ông ta. Lại nhìn ra sang cái đầu tóc muối tiêu rất dày của Tổng Bí thư. Ai cũng nhận ra cái đầu tóc muối tiêu khẽ lắc lắc hai cái. Vẻ mặt không hề thay đổi. chiếc bút bi vẫn xoay xoay trên tay như một động tác vô thức. Chi có giọng nói hơi nhanh hơn chứng tỏ trong suy nghĩ của ông có cái gì có bức xúc:
- Các đồng chí là chính quyền địa phương, theo nguyên tắc quản lý hành chính lãnh thổ, Uỷ ban Nhân dân Thành phố mà đồng chí là Chủ tịch có quyền chấp nhận hay không chấp nhận. Nếu các đồng chí không chấp nhận thì làm sao nó leo lên đến bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ liên quan? Các Bộ này không gật, sao nó leo lên đến Chính phủ? Đồng chí có kiểm tra xem việc xác nhận vốn pháp định của nó, có thật đúng như nó khai không mà đồng chí ký.
- Báo cáo Tổng Bí thư, đấy là mảng công tác của một đồng chí Phó chủ tịch ạ.
Vẻ không bằng lòng hiện rõ trên gương mặt ngăm đen. Ông lắc đầu liền mấy cái, cố dịu giọng, nói như giảng giải:
- Rất lạ! Tôi đã từng nghe ở Quốc hội, không phải một, mà đến mấy bộ trưởng trả lời chất vấn, hệt như đồng chí vừa trả lời tôi. Rằng mảng này, việc này đã giao cho thứ trưởng. Tôi không rành luật hành chính lắm. Nhưng đồng chí là Chủ tịch, mọi công văn giấy tờ chỗ đồng chí, đều đề "Chủ tịch", dưới hàng chữ "Uỷ ban nhân dân". Nếu Phó chủ tịch ký thì phải có hai chữ "KT" trước chữ "Chủ tịch", dưới phải ghi chức danh Phó chủ tịch rồi mới ký chứ. Còn chỗ "nơi nhận" thì sẽ có một địa chỉ là "Chủ tịch", lại thêm cụm từ "đế báo cáo" có đúng không? Theo luật thì cấp phó chỉ là người giúp việc cấp trưởng. Mọi việc làm của cấp phó, cấp trưởng đều phải chịu trách nhiệm cơ mà! Về điểm này, và nhiều cái khác nữa đồng chí phải học, chúng ta phải học cái cách quản lý xã hội của các nước phát triển. Bất cứ việc gì hệ trọng xảy ra trong ngành mình, người đứng đầu đều phải chịu trách nhiệm.
Cái đầu, tóc cào ngang cố vớt vát:
- Báo cáo Tổng Bí thư, dự án đã bị dừng lại rồi ạ.
Không ai ngờ được, Tổng Bí thư lại tung ra câu hỏi chết người ban nãy:
- Thế nếu báo chí không phanh phui ra vụ này, dự án có dừng lại không?
Cứng họng
Ông hỏi tiếp:
- Các đồng chí kiểm điểm xem, với tư cách quản lý địa bàn, mình có trách nhiệm gì không?
Lại cũng không ai ngờ, ông Huỳnh liều lĩnh đỡ đòn, bằng một câu chày cối:
- Báo cáo Tổng Bí thư, có như thế thật, nhưng cũng may là đã kịp dừng lại ạ.
Tổng Bí thư nhíu trán, cau mày. Đôi mắt chớp liền mấy cái ông từ từ đứng dậy. Mọi con mắt lo ngại đổ dồn vào ông.
- Không có chuyện may rủi đâu. Mà là tất yếu. Mọi việc làm mờ ám, khuất tất, sai trái không sớm thì muộn cũng sẽ bị phanh phui trước thanh thiên bạch nhật. Báo chí là một kênh quan trọng, tin cậy của Đáng, Nhà nước. Chúng ta đã có một kinh nghiệm đau đớn, là vụ một đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ trước đây. Báo chí lên tiếng phê phán những việc làm sai trái của đồng chí này, nhưng chúng ta vẫn giới thiệu vào danh sách bầu Trung ương. Đến khi Công an bắt được một người cùng những chứng cứ phạm pháp có quan hệ với đồng chí này, báo chí tung lên, bấy giờ chúng ta mới cách chức uỷ viên Trung ương, cách chức Bí thư Tỉnh uỷ.
Càng nói càng phấn khích, giọng ông vang vọng:
- Tôi nhắc lại với các đồng chí, không có chuyện may rủi. May thì không khuyết điểm, rủi thì khuyết điểm à? Cái kim trong bọc lâu ngày sẽ lòi ra, các đồng chí chưa bị lộ ạ! Xin lỗi, tôi không nói cụ thể các đồng chí ngồi đây, mà nói với tất cả những người có tội với Đáng, với dân, nhưng chưa bị quần chúng, báo chí phanh phui rằng, có cái ngẫu nhiên thật. Sau khi tính toán mọi nhẽ rồi, còn phải tính đến sự rủi ro, ngẫu nhiên. Nhưng nó chỉ chiếm 1% thôi. Còn 99% là tất nhiên, là tất yếu, là quy luật. Ngày xưa cũng vậy, mà bây giờ cũng vậy. Không chóng thì chày, ai cũng sẽ phải trả giá cho những việc làm sai trái, tội lỗi của mình. Đời cha ăn mặn thì đời con khát nước. Đấy là qui luật nhân quả của đạo Phật, mà cũng là của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nhưng không phải đợi đến đời con đâu. Nếu chúng ta xây dựng được một cơ chế giám sát có hiệu quả, kể cả của quần chúng, nhất là của báo chí thì không đợi đến đời con đâu. Sẽ thấy ngay nhỡn tiền thôi.
Rất tiếc, hệ thống kiểm tra, giám sát của ta, kể cả của Đảng và chính quyền đều chưa làm được tốt chức nâng của mình nên các đồng chí bị lộ còn ít quá. Có lẽ vì thế mà các đồng chí chưa bị lộ mới dám làm liều. Nếu không may bị lộ thì lại mang triết lý "bỏ đời bố, củng cố đời con" ra để tự an ủi. Một triết lý sống hạ cấp. Đúng là hạ cấp!
Ông ngừng lại, vẫn đứng, cầm cốc nước suối lên nhấp một ngụm, tiếp tục:
- Ừ thì đã kịp thời dừng lại. Ý đồng chí là chưa gây hậu quả nghiêm trọng chứ gì. Nhưng đã mất rồi. Mất danh dự. Mất uy tín của Đảng bộ, của chính quyền Thành phố. Ai đời, một kẻ ất ơ như báo chí gọi, chuyên phe vé máy bay ở Matxcơva, học hành nữa đời nữa đoạn, mà chỉ bằng tiền - tiếng lóng gọi là đạn chứ gì, chắc ở đây phải là đạn khoan - mới có sức xuyên thủng cả một hệ thống chính quyền từ phường, quận lên thành phố đến tận Trung ương. Lẽ nào triết lý "cái gì không mua được bằng tiền thì vẫn mua được bằng rất nhiều tiền" lại đúng hả các đồng chí? - Giọng chợt căng lên - Không, chúng ta phải băm nát cái triết lý hạ cấp ấy. Đấy không phải chỉ là ý chí của Đảng ta, của chế độ ta mà là của tất cả các nước phát triển và đang phát triển. Nếu không thì không thể phát triển được. Cái tốt, cái trong sạch không thể không thắng cái xấu, cái bẩn thỉu, đen tối được. Đấy là quy luật, là tất yếu. Ai mơ hồ điều này sớm hay muộn cũng sẽ đánh mất mình, cũng sẽ phạm tội.
Ngừng lại một chút, giọng ông đanh lại:
- Bây giờ tôi hỏi các đồng chí câu cuối cùng: lẽ nào Bí thư, Thường vụ Thanh Hoa không có trách nhiệm gì?
Ông chua xót như mình đang ăn năn, tự hối cùng họ:
- Đau quá các đồng chí ơi…!
Ngừng một lúc, cái đầu đang trĩu nặng dứt khoát hất lên:
- Tôi sẽ đề nghị Ban Bí thư xem xét việc này. Tôi đã chỉ thị các đồng chí Ban cán sự Đảng Bộ Công an chỉ đạo điều tra đến cùng. Phải xử lý tất cả những người có tội, dù ở địa phương hay ương ương.
Câu ấy như một lời cảnh báo.
Cả phòng họp chết lặng. Có mấy người cúi gằm mặt xuống. Nhiều người nhìn lên trần hay nhìn lơ đi chỗ khác. Không một ai dám nhìn thẳng vào mắt Tổng Bí thư, trừ bà Trần.
°°°
Tổng Bí thư kết thúc ngày làm việc nặng nề với Thanh Hoa. Ông nán lại đợi một người, mà câu chuyện của người này, theo kênh báo chí đến tai ông, làm ông thích thú. Buổi trưa, lúc ăn cơm, ông đã hỏi Bí thư Thành uỷ về vụ kỷ luật Trần Kiên. Thật hú vía! Rất may là Thường vụ Thanh Hoa đã kịp xoá án kỷ luật cho anh rồi. Ông bảo mời Kiên gặp sau buổi làm việc chiều.
Vì không biết cuộc làm việc của Tổng Bí thư kết thúc lúc nào, nên Kiên ngồi đợi ở phòng Văn thư từ bốn giờ. 5h00, đang xem cuốn sách mang theo thì người cán bộ văn thư nghe điện thoại, bảo Kiên lên gác. Ông Tiến từ phòng họp xuống đón. Một cái bắt tay rất chặt. Mọi người từ phòng họp đang kéo xuống. Không một nhà tâm lý nào, dù giỏi đến đâu có thể đọc được những gì trên mặt những người đã từng giơ tay kỷ luật anh khi nhìn thấy Kiên xuất hiện ở đây. Anh gật đầu chào những người giáp mặt. Riêng bà Trân thì anh cúi thấp đầu, miệng tươi cười: "Chào cô ạ". Đôi mắt bà nheo nheo cười sau cặp kính cận, trên gương mặt đôn hậu. Bà đưa tay phải ra, anh vội đưa cả hai lay ra đón.
Anh chạm trán Kiểm, Trưởng ban Kiểm tra Thành uỷ trước cửa ra vào. Ngay khi nhìn thấy Kiên, đi bên ông Tiến, Kiểm đã hiểu ra lý do sự có mặt của anh. Ông ta biết, thế cờ đã đảo ngược. "Người này còn lên". Phải tìm cách sớm thanh lý cái vụ nợ anh ta mới được - ông ta thầm nghĩ. Kiên thì đang hồi hộp. Cuộc gặp Tổng Bí thư rõ ràng là một điềm lành một diễm phúc. Tâm trạng đầy phấn khích, anh không mảy may nghĩ gì về cái tay đã làm mình lên bờ xuống ruộng.
Anh chỉ gật đầu, thay cho lời chào và cái bắt tay. Ông ta cũng đáp lại như thế.
Đang nói chuyện với Tổng Bí thư, trong khi ông chờ Kiên, thấy anh vào, biết đây là cuộc gặp riêng, Bí thư Thành uỷ đứng dậy bắt tay, xin phép cáo từ.
Kiên đưa cả hai tay ra đón tay Tổng Bí thư. Vừa nắm tay vừa kéo anh ngồi vào ghế bên cạnh, đoạn ông xoay ghế lại.
Thấy thế anh cũng làm theo, để mặt đối mặt với ông. Ông Tiến ý tứ nhắc ghế ra khỏi vị trí cũ sau bàn, đặt hơi xa hai chiếc ghế kia, sẵn sàng ghi chép.
Tổng Bí thư đặt bàn tay phải lên vai anh, vỗ nhẹ:
- Đồng chí Kiên bao nhiêu tuổi nhỉ?… Thế hả… Còn được phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng nhiều lắm - ông nhìn thẳng vào mắt anh, giọng phấn chấn - Tôi đã nghe nhiều về đồng chí. Được lắm! Hay lắm! Đồng chí gửi đề án cải tiến phương thức lãnh đạo ở quận mình lên… cứ về Văn phòng Tổng Bí thư - ông quay sang ông Tiến - Đồng chí nhắc tôi việc này nhé.
Tay ông lại vỗ nhè nhẹ lên vai Kiên làm người anh nóng ran.
Không biết nhưng người khoe mình được tiếp nhận năng lượng từ vũ trụ có thể này không? Kiên thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh kì bí nào đó. Máu chảy rần rật. Tim nện thình thịch. Chả biết nói gì, mắt anh chỉ chớp chớp cảm động, tay phải bóp chặt tay trái, cũng chẳng hiểu để làm gì và tại sao lại làm thế. Thốt nhiên, anh nghe ông hỏi:
- Bao giờ tôi nhận được bản đề án của đồng chí?
Kiên vôi trả lời:
- Mai ạ, dạ mai ạ!
- Đừng vội. Sao nhanh thế được?
- Dạ, báo cáo đồng chí… báo cáo Tổng Bí thư,… tôi chỉ phải sửa lại tiêu đề và nơi gửi cho phù hợp thôi ạ.
- Thế thì tốt. Để đồng chí một tuần rà soát lại lần cuối nhé! Tất nhiên chưa thể hoàn chỉnh ngay được, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nhưng tôi tin đồng chí - ngừng một chút như cân nhắc, ông nói tiếp - Đảng hy vọng rất nhiều ở những người như đồng chí. Ông đứng dậy, đưa tay ra bắt - Hẹn gặp lại đồng chí.
Thấy Bí thư Thành uỷ và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cùng với mấy người nữa đứng chờ tiễn mình ở dưới sân, ông nói:
- Các đồng chí chu đáo quá. Tranh thủ thời gian làm việc. Thế giới người ta tiến như vũ bão ấy. Mình có vắt chân lên cổ cũng chả đuổi kịp đâu.
Đột nhiên ông quay ra, tay chỉ khối kỳ thạch trong bế nước hỏi:
- Sáng kiến của ai đây?
Mọi người nhìn nhau, không ai dám trả lời. Ông xuề xoà:
- Của ai cùng vậy. Nó có làm cho cơ quan các đồng chí đẹp lên thật. Nhưng đấy không phải là mục đích của chúng ta. Theo tôi, nên đặt nó ở khuôn viên Bảo tàng Thành phố cho dân chúng và khách nước ngoài hằng ngày thưởng thức thì hay hơn
Ông bắt tay mọi người, lên xe.
°°°
Ra khỏi cơ quan Thành uỷ, Kiên đỗ xe lại. Anh gọi bà Bội Trân:
- Em Kiên ạ. Cô cho phép em đến quấy rầy cô một lúc, được không ạ?
- Ông đến đi. Ăn cơm với tôi luôn nhé!
Bà coi học sinh cũ của mình như những người bạn bằng vai phải lứa, nên cứ xưng hô như thế. Còn học trò, thì vẫn cứ một điều cô, hai điều cô xưng em, dù bà đã nhắc ngay từ khi mới gặp lại, "đã trưởng thành cả rồi, không gọi như hồi đi học nữa". Lúc bà còn làm Giám đốc Sở, cũng như khi làm Phó chủ tịch thành phố, thầy trò gặp nhau khi họp Thành uỷ hay khi bà về làm việc với quận, Kiên vẫn có cái tâm trạng của cậu học trò nhỏ bên cô giáo. Không phải vì bà là người đứng sau ngành giáo dục và sau đó là cấp trên của anh, mà vì một niềm kính trọng sâu xa, như đứa con với người mẹ biết lo toan chu đáo cho các con mình.
Ngày ấy, bà là giáo viên Chủ nhiệm, anh là Lớp trưởng. Khi nhận lớp, cô giáo đã giao hẹn với cả lớp, mỗi năm sẽ tổ chức ba cuộc đi tham quan. Mỗi học kỳ một chuyến đi trong ngày. Nghỉ hè sẽ đi qua đêm. Cho đến bây giờ đấy vẫn là những kỷ niệm nhớ nhất thời học trò của anh.
Đoàn xe đạp rồng rắn đến ba chục mét. Bà phân công anh đi đầu, bà khoá đuôi. Không một ai được vượt trước hay tụt lại sau đội hình hành tiến ấy. Cự li giữa các thành viên trong đoàn phải làm sao đảm bảo, không cần gọi to vẫn nghe thấy tiếng nhau, phòng trường hợp gặp sự cố phải dừng lại.
Mà lần dừng lại ấy mới kỳ. Bà đã lường mọi tình huống hỏng xe, nên cả lớp có hai túi đồ nghề sửa xe, ba cái bơm. Nhưng chuyện vỡ bi thì chẳng thể tính đến. Mà thời ấy tất cả mọi thứ, từ săm, lốp, nan hoa, bi, nồi trục… đều là hàng phân phối. Tháo bỏ bi vỡ ra rồi, không làm sao lắp lại được. Bởi mỡ đã khô hết. Không có mỡ thì không tài nào lắp được bi vào nồi. Chỉ còn có cái gì đấy mềm mềm, nhũn nhùn dinh dính bám vào nồi, đặt được bi vào là lắp được trục. Miễn về đến nhà là được rồi. Xung quanh không có ruộng vườn nhà cửa, nên cũng không có bùn hoặc đất nhão. Ờ, đất trộn nước là bùn chứ gì? Đúng quá rồi. Chỉ tội, lúc ấy trên đường về, chả còn giọt nước uống nào. Chợt một ý nghĩ lóe lên. Hơi kỳ một tí. Chả sao!
Kiên đạp xe đi một quãng xa, có bụi cây che khuất, để cô giáo và các bạn không nhìn thấy. Cu cậu ngồi xuống vạch quần ra… tè vào một vốc ít. Thế là thành một thứ… mỡ tự tạo!
Sau này, khi làm Giám đốc Sở, bà đã phải chạy đủ cách để xây dựng một Trung tâm hướng nghiệp lâm nghiệp ở một địa bàn miền núi, thuộc một tỉnh bạn, cách thành phố hơn hai giờ ô tô. Gọi là Trung tâm hướng nghiệp lâm nghiệp nhưng không phải để hướng nghiệp trồng rừng, mà là tạo cho thầy trò cấp 3 thành phố một sân chơi, sinh hoạt tập thể, lao động tập thể, ăn ở tập thể. Không nhằm mục đích kiếm tiền, tuy cũng có thu nhập. Bà muốn lấy đó làm điều kiện, làm phương tiện giáo dục học trò. Cũng là một bài sát hạch tổng hợp khả năng tổ chức, giáo dục của thầy.
Có lần, khi hai thầy trò nhắc lại kỷ niệm cũ, bà phàn nàn, bây giờ chả ai còn đưa học sinh đi sinh hoạt tập thể bằng những chuyến dã ngoại như thế! Ngay tổ chức đi tham quan bằng ô tô đã bị coi là mạo hiểm rồi. Người ta sợ tội vạ đổ lên đầu khi có chuyện gì xảy ra. Thành thử học trò cứ ru rú ở nhà và ở trường. Học và ăn, ăn và học cùng với các trò chơi đủ loại của thời đại điện tử và đủ thứ giải trí của đô thị thời mở cửa… "Thưa cô, vợ em vẫn làm đấy ạ, cô ấy còn tổ chức lao động kiếm tiền để các em không phải xin cha mẹ kia". Nghĩ thế thôi, không nói ra với cô giáo mình. Kiên chỉ dám tự hào ngầm về vợ.
Mâm cơm đã bưng ra. Bà mời Kiên vào. Nhưng anh vẫn không dám ngồi ăn cùng bà. Dù ngày xưa thấy trò đã nhiều lần cùng ngồi quanh mấy tờ báo trải rộng làm mâm và tiệc ngoài trời ấy chỉ là cơm nắm, muối vừng, bánh mì chấm tượng trưng một chút đường vàng và mấy quả dưa chuột. Anh nói:
- Cô cho em tờ báo đọc, cô ăn cơm kẻo quá bữa lại hạ đường huyết.
Bà cười, đôi mắt đã bỏ kính cận ra nheo nheo nhìn anh.
Những kỷ niệm cũ giữa hai thầy trò cùng hiện về. Bà bảo:
- Ông ăn với tôi để nhớ những lần thầy trò ta cơm nắm muối vừng đi dã ngoại.
Kiên hào hứng hẳn lên. Vừa ăn bà vừa hỏi anh về những người học trò cũ cùng lớp. Những lần họp lớp, bọn anh vẫn mời bà. Đã có lần, còn nèo được bà cùng lớp đi thăm lại Trung tâm hướng nghiệp xưa. Bà báo:
- Lớp ông là lứa học sinh cuối cùng tôi dạy. Sau đó chuyển sang làm quản lý mãi cho đến giờ. Tôi rất muốn gặp lại, dù chỉ một lần, tất cả những học sinh cũ đã từng dạy. Chỉ để biết họ thay đổi thế nào, đường đời dẫn họ đến đâu. Vậy mà mấy lần họp, vẫn không gặp được hết - giọng bà ngùi ngùi - có lẽ không bao giờ gặp lại được tất cả. Biết làm sao. Số phận mỗi người mỗi khác. Người không thành đạt, thấy hẩm hiu so với bạn bè nên không đến. Chi có điều an ủi là lớp mình không có ai sa sẩy.
Thức ăn nhiều và ngon. Nhưng không ngon bằng bữa cơm dã ngoại ngày nào. Cá hai thấy trò, nhất là bà, đến lúc được ăn thì đã không ăn được như xưa. Hay câu chuyện thầy trò định nói với nhau bây giờ, làm miếng ăn không ngon miệng? Bà bảo:
- Tôi ăn ít đã đi một nhẽ. Sao ông lại theo tôi. Để dành bụng về ăn với cô ấy à?
Kiên nói thật:
- Vâng ạ, mà cũng còn vì em muốn tranh thủ được nói chuyện với cô. Cô cho em nghe vắn tắt buổi làm việc của Tổng Bí thư, tinh thần và kết luận thôi ạ. - Anh nói như giải thích, - để đỡ mất thì giờ cô.
Bà tán thành:
- Cũng nên thế, vì buổi làm việc diễn ra trọn một ngày cơ mà! Để tôi nói nhận xét về Tổng Bí thư đã nhé. Lần đầu tiên tôi được dự một buổi làm việc như thế. Tôi thật sự ngạc nhiên về cách nghĩ, cách nói của Tổng Bí thư. Không lý luận chung chung, mà rất cụ thể. Cụ thể đến mức, những người làm cụ thể cũng phải chịu. Ví dụ đồng chí Chủ tịch Uỷ ban có ý nói, trách nhiệm việc này là thuộc phạm vi chức trách của ông phó nào phó kia. Tổng Bí thư chỉ ra đến chữ KT (ký thay), đến luật hành chính qui định chế độ trách nhiệm của thủ trưởng thì không ai cãi được. Vì đó chính là điểm yếu kém nhất, không rõ ràng nhất trong nền hành chính nước ta. Theo tôi, cả về cơ chế Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý cũng phải xác định rõ chế độ trách nhiệm. Vì thế tôi rất tán thành và ủng hộ phương án cải tiến phương thức lãnh đạo ở Lâm Du của ông.
Nhận xét thứ hai của tôi là, Ban Thường vụ không muốn nhận trách nhiệm về mình, bằng cách khẳng định rằng mình không sai. Đồng chí Chủ tịch còn cho rằng, chưa gây hậu quả gì. - Bà dừng lại một lát, nghĩ ngợi - có một chi tiết liên quan trực tiếp đến tôi. Tôi cũng đắn đo xem có nên nói rằng mình không dính dáng đến sự sai phạm đó không? Tôi đã nói. Bởi ông biết rồi, các đồng chí lãnh đạo Uỷ ban đều dính vào hết. Sự thật vẫn là sự thật. Nhưng khi nói sự thật ấy ra thì có thể bị coi là mình tự đề cao mình. Không biết các đồng chí ấy sẽ phản ứng thế nào…
Kiên chăm chú nghe. Anh biết cô giáo mình rơi vào hoàn cảnh thiếu số trong việc này. Mà ở ta, thiểu số gần như đồng nghĩa với sai mới lạ chứ. Cái nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số nếu như bầu chọn thì đã đi một nhẽ, bởi đấy là sự lựa chọn. Còn tranh luận để tìm ra lẽ phải thì… Bà Trân nhìn người học trò cũ, biết anh đang chia sẽ với mình. Bà hỏi tiếp:
- Tổng Bí thư mời gặp, chắc là chuyện vui phải không?
- Thưa cô vâng ạ. Chắc là em được thực hiện việc đang thí điểm ạ!
- Chúc mừng ông. Thôi, về với cô ấy đi!