Vào một đêm không trăng không sao, nằm giữa núi rừng mông quạnh, tôi đã được nghe một câu chuyện tình hết sức bi hài sau đây của một chàng gù.
 
Tôi là một người bất hạnh!
Cái ý tưởng đó luôn ám ảnh trong tôi làm cho tôi luôn đau đớn dằn vặt bản thân mình. Tôi nhận ra sự thiệt thòi quá lớn lao này từ lúc còn rất nhỏ, khi thấy mình chẳng giống ai: Một cái lưng gù cộng với một cơ thể ốm yếu. Tạo hóa đã không công bằng với tôi thì còn hy vọng gì nữa ở sự công bằng ở người đời. Người ta thường đem tôi ra làm trò cười. Bọn thanh niên trong làng không muốn tôi đi theo chúng vì sợ xấu lây. Các đám cưới không muốn tôi có mặt, mặc dù tôi vẫn muốn tới để cho họ sai vặt. Bà con cật ruột cũng không muốn thừa nhận tôi là họ hàng với họ, mặc dù tôi đối xử tốt với tất cả mọi người. Làm nghề nông, người ta coi trọng sức khỏe, bởi vậy xóm làng côi tôi là một kẻ hết sức thừa thãi. Cày ruộng, tôi phải nhờ ông già; bê phân chuồng đi bón, tôi phải nhờ bọn con nít. Những cô gái măng tơ tỏ vẻ thương hại nên đẩy tôi ra để gánh dùm tôi gánh lúa nặng như chì. Bà mẹ già của tôi thì giật lấy chiếc rìu để bửa củi thay tôi cho khỏi chướng mắt. Chao ôi, tôi phải sống làm sao trên cõi đời với cái thân hình tàn tạ này!.
 
Nhưng trớ trêu thay, tạo hóa lại ban cho tôi một thứ mà lẽ ra nó không phải là đặc sản của đàn ông. Thời còn nhỏ, mỗi khi thấy ai nhìn khuôn mặt mình chăm chăm, tôi chỉ buồn vì cho rằng họ đang nghĩ đến cái lưng tệ hại của mình. Nhưng lớn lên, tôi mới biết là đám đàn bà thích ngắm khuôn mặt của tôi và thỉnh thoảng có người còn tặc lưỡi một cái tỏ ý tiêng tiếc. Lắm lúc, tôi cũng đăm đăm nhìn lại họ nhưng chỉ đụng phải cái gườm có ý răn đe: Này, không phải người ta ngắm mình là yêu mình đâu nhé! Tôi rụt mắt lại và phủ lên mặt mình một tấm màn đen buồn thảm.
 
Trong làng tôi có một cô gái hơi lỡ thì, đó là Bé Bự. Lý do chính đáng cho cái tội lỡ thì đó là: Cô ta bị liệt hai chân từ nhỏ, bởi vậy, suốt ngày chỉ ngồi ở ngoài ngõ để bán me, ổi, xoài… cho những người siêng làm việc bằng miệng hơn là bộ óc. Vì lẽ đó cô ta có cái may mắn là được ngắm khá nhiều người đàn ông và tính mộng tưởng cũng phong phú hơn các bạn gái khác. Về nhan sắc, Còm tôi chấm Bé Bự được 6 điểm nhưng thị trường yêu đương của cô nàng vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy tôi ra quyết định chọn nàng làm đối tác đầu tư của mình. Để chiếm lĩnh được con tim Bé Bự, tôi phải bỏ vốn ra để ăn thật nhiều me, xoài… của nàng. Mặc dù sau mỗi lần ở quán nàng ra về, tôi phải tốn thêm tiền đi mua thuốc chống tiêu chảy. Và mỗi khi nỗi buồn khó nói tạm ngưng, tôi lại tiếp tục lân la tới quán nàng. Một đêm nọ, nhân lúc Bé Bự đang chăm chắm nhìn tôi ăn, đột nhiên tôi cầu khẩn:
- Này, Bự … có … yêu tui không?
- Trời đất! Yêu ông hả? Bớ làng nước ơi! Ới thím Ba, ới bà Năm ơi, lại mà coi nè. Chẳng lẽ tui xấu lắm hay sao mà ông Còm đòi yêu tui thế này. Đừng mơ tưởng nhen con. Tui đây cũng có nhiều người danh giá theo đuổi mà tui còn chưa chịu đó. Cái thằng Cheo (cụt tay – tôi chú thích) ở trên xóm Thượng nhà giàu có hỏi cưới mà tôi còn chưa chịu. Cái thằng Sóc (cụt chân – tôi chú thích) ở xóm Suối đẹp trai, ban đêm lén vô nhà tôi tôi bỏ thư tỏ tình vào cửa sổ mà tôi còn chưa thèm viết thư lại… Ờ, có chú Thừa làm chứng nè, có phải chú thấy thằng Sóc lẻn vô nhà cháu tối hôm kia không chú?
- Nhưng chuyện gì đấy, mất trộm à?
- Không, cái thằng Gù này…
 
Ả quay lại thì Gù tôi đã biến mất khi nào.
- Trời đất ơi, ăn cả rổ ổi của người ta mà không trả tiền. Ới cái thằng Gù ăn cắp…
Nhưng tôi chưa chạy hẳn mà nấp vào bụi rậm mà nghe nốt những lời sau đây từ mẹ Bé Bự:
- Mày có định yêu thằng Gù không hả? Mày mà lấy nó thì hai đứa sẽ làm gì để ăn? Tao nói rồi, tìm một người đàn ông góa vợ cũng được, cùng lắm thì một thằng cụt tay cũng được, miễn là…
 
Tới đây tôi không nghe rõ lắm vì bà ta vặn Volum của mình nhỏ lại. Vả lại tiếng loa truyền thanh xã đang phát quá to bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”. Tôi thất thỉu bước đi với chân nam đá chân chiêu, nhiều lần suýt đâm đầu vào bụi tre…
 
Câu chuyện đó làm cho cả làng được một trận cười no nê. Nhưng rồi nhiều người cũng thương tình nên tỏ ý giúp tôi. Thím Ba mở chiến dịch vận động Bé Bự cần phải xem xét lại bản thân mình. Còn những thanh niên khá uyên thâm về môn “Tán gái học” thì làm tham mưu cho tôi. Rằng “nhất cự ly, nhì cường độ”, mình đã có ưu thế về cự ly thì phải gia tăng cường độ mới được. Rằng muốn chiến thắng bọn con gái cần phải “lỳ” và “chai mặt”. Tôi nói thực lòng là ngại gặp Bé Bự thì chúng khuyên: Bọn con gái đứa nào cũng nói không là có, ngoài miệng nói không yêu nhưng trong bụng thì yêu. Và để thuyết phục tôi, chúng chứng minh bằng cả một “kho tàng tán gái yếu lược” mà chúng sưu tầm được. Chúng còn khuyên đừng bộp chộp, phải tiến từ từ từng bước, “đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan”, ông cha ta bảo thế. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi bỏ chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” và thay vào chiến thuật “đánh chắc thắng chắc” như những đồng đội của cha tôi đã sử dụng trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.
Một đêm nọ, bọn con trai cùng tôi đến quán Bé Bự. Sau đó chúng rút lui rất êm. Một hồi lâu tôi mới ngập ngừng: “Xin lỗi Bự chuyện hôm trước nhen”. Bự lúng liếng ngước nhìn tôi một cái: “Có gì mà xin lỗi”. Thế là đám mây đen trong đầu tôi đã bị quét sạch. Hôm nay, tôi định chỉ nói chuyện với Bự về một đề tài duy nhất: Ổi. Nhưng trời xui đất khiến gì, bỗng nhiên tôi rẽ sang vấn đề chính:
- Bự định kén chọn một người chồng như thế nào? – Tôi rất tâm đắc với từ “kén chọn”. Thấy Bự lặng im, tôi tiếp: - “Chúng ta sẽ là một cặp rất xứng đôi. Em ngồi ở nhà buôn bán lặt vặt và đan lát, anh làm ruộng và lượm củi đem bán. Chúng mình sẽ nuôi một đàn gà để làm vốn, nhận dăm ba sào ruộng của hợp tác xã để làm, rồi…” – Thấy Bé Bự nhếch mép một cái rồi xị mặt xuống, tôi gần hết kiên nhẫn: - “Nói đi Bự, bao giờ sẽ lấy chồng?”.
 
Dường như không thể chịu đựng được nữa, cô ta ngước lên, mở to mắt để phóng tia lửa điện vào mặt tôi, dằn giọng:
- Anh hỏi để làm gì? Anh tưởng tôi ế chồng chắc? Xin nói cho anh rõ là tháng sau tôi sẽ lấy chồng. Cái anh Cheo ở xóm Thượng ấy, anh biết không?
 
Xin độc giả hãy thông cảm, đừng bắt tôi phải tiếp tục kể lại những dòng đầy nước mắt này.
 
Bây giờ tôi đã ngoài 30 tuổi rồi. Ở quê tôi, nhiều thằng con trai lấy vợ từ tuổi 16. Trong làng, mấy cô đào tơ mơn mởn đã bắt đầu gọi tôi là chú. Trong số đó có những cô là con của các bạn gái cùng lứa với tôi ngày xưa. Và trong số những cô bạn từng chơi chung với tôi thuở nhỏ đã có người lên chức bà ngoại. Tôi phải cố kiếm vợ mới được, nhưng đào đâu ra vợ bây giờ. Mẹ tôi trước đây vẫn tin lời của các thầy bói rằng: tôi sẽ có một cuộc sống gia đình hạnh phúc, vợ hiền con thảo. Nhưng bây giờ thì mọi hy vọng của bà đã tắt ngấm.
- Con phải tìm vợ đi chứ, sao suốt cả ngày chỉ lẩn quẩn ở xó nhà thế? Mẹ đã già rồi mà chỉ có mình con. Làm sao có cháu nối dõi tông đường bây giờ?
 
Và bà khóc. Những giọt nước mắt hiếm hoi cứ như được nặn ra từng giọt từ đôi mắt mờ đục lăn xuống gò má nhăn nheo của bà. Tôi quay mặt đi, lặng lẽ chùi nước mắt, và ngồi trầm tư hàng giờ nhìn bóng nắng xế chiều đang ngã dần xuống thềm nhà. Nhìn màu nắng vàng vọt, tôi liên tưởng đến thứ chất độc màu da cam mà máy bay đã thả xuống vùng rừng núi quê tôi thời chiến tranh. Cũng vì nó mà cha tôi đã sống hết sức khổ sở những ngày cuối đời.
 
Một hôm, tôi cắt cỏ cho bò ở phía sau trường làng. Vừa làm vừa lắng nghe giọng giảng bài lanh lảnh vang ra từ phòng học. Cô giáo Minh… Trời ơi, thế mà lâu nay mình không để ý tới cô gái lỡ thì này… Bỗng nhiên, tôi vẩn vơ, bỗng nhiên tôi thấy yêu mái trường này… Bỗng nhiên… “rẹt”. Cái lưỡi liềm đã cắt phải tay tôi rồi. Máu! Cô giáo Minh chạy ra, lấy mạng nhện rịt vào tay tôi để cầm máu. Suốt đêm đó, tôi mất ngủ để tìm lời giải đáp cho nụ cười và ánh mắt khó hiểu của cô ra lúc tôi ra về. Đến nửa đêm, tôi chợt run lên khi nhận ra điều này nữa: bàn tay cô giáo Minh đã chạm nhiều lần vào tay tôi. Lại trăn trở. Lạnh!
 
Tôi xin phép được cắt bỏ những công đoạn mà tôi đã thực hiện để tán cô giáo Minh. Chỉ xin quý vị biết cho một điều là: Lần này, tôi tỏ ra là một tay tán gái khá sành sỏi, điêu luyện (sau này, tôi có truyền đạt lại kinh nghiệm cho lớp trẻ). Cô giáo Minh là người có học thức nên không ăn nói chỏng lỏn như ả Bự. Phải nói, nàng là người có đôi tai tốt. Trên cõi đời này chỉ có duy nhất mình nàng là biết lắng nghe tôi nói. Thỉnh thoảng, nàng cũng tranh luận một cách rất lịch sự về những vấn đề như: Tào Tháo có những ưu điểm gì? Loài người liệu có đương đầu với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ III hay không? Tôi và Minh cũng có điểm giống nhau là không bao giờ xem các bộ phim hoặc tiểu thuyết mà nhân vật chính là các chàng và nàng đài trang quý các chỉ biết đi nhà hàng, du lịch, hôn nhau, hiểu lầm nhau, xỉu… rồi đi bệnh viện… rồi cưới nhau… Thú thật, khi phải xem những cảnh đó tôi tức anh ách vì mình không được như người ta.
 
Nhưng có một điều nghịch lý về mặt thể xác là: Minh có những cái mà tôi không có và ngược lại. Cái cần thiết nhất của một người đàn bà là nhan sắc thì cô ta lại không có. Thay vào đó là một thân hình lực lưỡng như hộ pháp, mà cái đó đúng ra là tôi rất cần. Về chiều cao tôi chỉ đứng tới vai nàng. Về trọng lượng, tôi chỉ nặng bằng một nửa của nàng. Bởi ngoại hình có sự khập khiễng như vậy nên chúng tôi không bao giờ đi sóng đôi với nhau.
 
Cả làng được dịp nhao lên vì chướng kiến hai con người trái quy luật tiến hóa đang lắp ghép với nhau. Nhiều thằng đàn ông (từ 20 đến 40 tuổi) lấy làm tiếc: “Không ngờ thằng Gù lại lấy được cô giáo Minh, đúng là mèo mù vớ cá rán”, “Sao bảo mày tán mày không tán?”, “Tại hồi trước tao ngại cô ta có trình độ, còn tao thì …”, “Mày không biết chữ chứ những chuyện khác thì mày hơn thằng Gù xa”. Bọn chúng phá lên cười và đệm vào lời bình phẩm của mình vô số từ tục tĩu…
 
Còn bọn đàn bà, bụng dạ của họ sâu như biển cả nên không thể thăm dò được. Nhưng theo lời của Thím Ba (thông tấn xã của làng) thì Bé Bự (vẫn chưa có chồng vì phía nhà trai không chịu) đã phát biểu như sau: “Cái bà Minh ấy xấu như ma. Cái mũi thì tẹt lét, con mắt thì ti hí, cái mặt thì chành bành… Tưởng ở góa suốt đời chứ, ai ngờ… mèo mù vớ cá rán…”.
 
Ngày tết, đàn ông người ta chở vợ tới thăm nhà họ hàng. Nếu đi gần thì vợ chồng sánh bước bên nhau rất xứng đôi. Sáng mồng một, chúng tôi về thăm phía vợ, tôi để Minh đi trước, còn tôi chờ 15 phút sau mới đi theo. Ông cha vợ ngạc nhiên: “Ua, chồng đâu mà con về một mình?”. Minh đáp: “Anh ấy đang bận cúng kính rồi về sau”. Cha vợ tôi lầm bầm: “Đồ điên!”. Chiều, đi thăm họ hàng bên tôi. Minh đi sau, tôi đi trước, vừa vào tới ngõ, bà con đã nhao nhao hỏi: “Ủa, vợ mày đâu mà đi một mình?”, “Vợ mày đâu, cho tao xem mặt chút đi, Còm?”.
 
Trong bộ com lê xúng xính, Gù tôi long trọng báo cho bà con làng xóm và quý độc giả biết một tin tức thế này: là vợ tôi đã mang bầu. Đêm đêm, dưới ngàn sao lấp lánh như cổ tích, vợ chồng tôi vẫn thường bàn về đứa con tương lai của mình. Nàng đưa ra một giả thiết: Đứa bé sẽ có một khuôn mặt đẹp như cha và một thân hình cao to như mẹ. Tôi vặn óc tìm trong kho tàng tục ngữ xem thử ông bà ngày xưa có dặn dò gì về điều này: “Rau nào sâu nấy” “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”, “Con gái nhờ phước cha, con trai nhờ phước mẹ”… Và tôi suy nghĩ nhiều nhất là câu này “Mẹ cho da cha cho xương”. Nếu câu này đúng thì có nghĩa là đứa con tôi sẽ có một làn da đen nhám xù xì như mẹ và tay chân nhỏ thó như cha (lạy trời, đừng có thêm cái lưng gù!). Điều này có thể xảy ra lắm vì theo kinh nghuệm của đời tôi: Cái rủi bao giờ cũng nhiều hơn cái may.
 
Rằm tháng giêng, tôi bày lễ cúng kính đàng hoàng. Và lần đầu tiên trong đời, tôi thắp nhang cầu nguyện: “Nam mô A di đà Phật! Con tên là Lỗ Như Còm, 32 tuổi, quê quán: Hạnh Nhơn thôn, Phước Lộc xã, An Bình huyện, Phúc Yên tỉnh, Việt Nam quốc. Xin trời phật ban cho con gặp nhiều may mắn trên đường đời. Trước hết là sao cho đứa con đầu lòng được mẹ tròn con vuông. Sau đó là cầu xin cho đứa bé đừng giống cha và cũng đừng giống mẹ nó. Mong trời Phật thương tình cho vợ chồng con được thỏa nguyện. Con xin thành thật đội ơn. Nam mô!...”

Xem Tiếp: ----