Mấy ông bạn già vỗ vai cười khà khà trong men say, tự dưng ông muốn khóc, xúc động giống như cái buổi chia tay anh em trong đơn vị về nông trường này. Ngày mai ông về hưu. Đáng ra ông cũng còn đủ sức để làm chừng vài ba năm nữa, nhưng ông thấy mình mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi. Về nhà, trồn kiểng nuôi chim, chiều chiều đánh ván cờ cùng các ông bạn già, rồi ngày cũng qua ngày. Chẳng mấy lúc nữa đâu, ông sẽ xa vĩnh viễn thế giới này, xa một cuộc đời nhọc nhằn và đắng cay. Từng bị đeo cùm đeo gông chịu tra tấn trong nhà tù Mỹ Ngụy, rồi về nông trường, mệt mỏi với những bài toán kinh doanh sản xuất, mệt mỏi với nền kinh tế thị trường… Tới ngày về hưu, không có gì trong tay ngoài chút luyến lưu của đồng nghiệp, ngoài ánh mắt vì nể của một số cán bộ trẻ, một số thôi, còn một số thì dường như hả hê với quyết định này, vì họ chờ đợi ông trả cái ghế phó giám đốc này lại cho nông trường, để họ có cơ hội mà giành giật nhau, mà cấu xé lẫn nhau. Thậm chí giết nhau chỉ vì một chiếc ghế. Nhưng … đời mà!
Ông năm mươi tám tuổi, cái tuổi đã bắt đầu phải cậy đến con, đến cháu. Ông có bốn đứa con, ba trai một gái, chúng đã có gia đình, được học hành và thành đạt. Nhưng chúng không sống cùng ông. Chúng đã bỏ ông gần hai mươi năm nay, từ ngày đứa con gái út chưa đủ tuổi đến trường. Lý do đơn giản là cái chân bảo bệ nông trường ngày ấy ông không kiếm nổi tiền để cho gia đình với sáu miệng ăn này được sung túc. Bà bỏ ông và đưa hết những đứa con thân yêu của ông vào Sài Gòn sinh sống. Gần hai mươi năm, sáu bảy lần lặn lội vào Nam thăm con, nhưng chưa một lần ông nghe được lời hỏi thăm tình cảm nào của những đứa con mang dòng máu của ông, những đứa con mà ông nặng lòng thương nhớ. Có lẽ mẹ chúng đã vẽ trong chúng hình ảnh một người cha qua xấu xa nên chúng không dám nhìn nhận. Nghèo cũng là một cái tội lớn mà ông đã phải trả giá quá đắt khi nhận lấy nó.
Ngày đầu về hưu, Ông dự định sẽ dung hết số tiền tích cóp được quay vào Nam, sống một nơi nào đó cũng được, để gần các con, để gần người vợ mà sau bao nhiêu năm ông vẫn không nguôi thương nhớ. Dẫu rằng không ai mặn mà với ông, nhưng ông không muốn cái khoảng cách địa lý ấy ngăn bước chân tuổi già của mình.
Ông đang sống trong một ngôi nhà nhỏ, nằm lọt thỏm trong một khu vườn rộng mênh mông ở ngoại ô Hà Nội. Ông sống cô đơn từ ngày còn là bảo vệ cho nông trường Đinh Xuân cho đến ngày là một phó giám đốc. Ông biết mình không thể nhanh nhạy bằng lớp trẻ khi quản lý nên ông chỉ giữ chức ấy trong ba năm, rồi xin về hưu sớm. Có người độc mồm còn bảo với cái chức ấy thì ngần ấy thời gian ông cũng đủ vốn mà an hưởng nốt những ngày của cuộc đời còn lại. Nhưng ông chẳng có gì ngoài đôi vẹt và một số cây kiểng mà anh em cùng đơn vị lâu ngày gặp lại đã tặng cho ông.
Có lần ông ốm, sốt mê man đến mấy ngày liền mà không ai biết, có những lúc ông tưởng mình đã đi rồi, đi trong chính sự cô đơn và thất vọng, nhưng trời không thương, cứ bắt ông sống. Sống như người đã chết…
Cái tin dự án đường cao tốc Láng Hòa Lạc đi qua, nhà ông trở thành nhà mặt tiền, bỗng chốc được định giá bằng “tấc đất tấc vàng”, ông không hiểu vì sao? Có nhiều người đến hỏi mua căn nhà ấy của ông, có người còn năn nỉ ông cắt một mảnh nhỏ ở góc vườn thôi, bán cho họ cũng được. Ông nghĩ lạ, có bao giờ ông bán nhà đâu cơ chứ? Đi làm hai mươi mấy năm, có nằm mơ ông cũng không nghĩ mình đang sở hữu một tài sản có giá hàng tỷ đồng. Mà nếu căn nhà ông đang ở có đáng giá đến thế thì ông cũng không bán nó, đó là ngôi từ đường từ tổ tiên ông để lại, bàn thờ cha mẹ, tổ tiên còn đó, bán đi rồi về thế giới bên kia ăn nói thế nào với họ?. Ông còn một người em trai, cũng đi kinh tế mới từ những năm tám mươi, cũng không liên lạc gì cho ông, sống chết thế nào ông cũng chẳng biết, mà ông cũng không có hơi sức đâu mà đi tìm. ruột rà máu mủ mà không muốn quan tâm đến nhau thì thôi, ông cũng không cần biết, sống được đến tuổi này cũng là cái phúc cho đời ông rồi.
Ông định ở lại ngôi nhà này cho đến hết năm nay, rồi khóa trái cánh cổng này lại, sẽ vào Nam, thuyết phục bà và các con về Hà Nội hoặc ông sẽ ở lại hẳn trong Nam nếu các con và vợ ông đồng ý. Nhà ngoài ấy bán cũng được, bán rồi chia đều cho bọn nó, lấy vốn mà làm ăn, chắc cũng không ai trách mình ở cái tuổi này mà phải ở một mình thu thủi để giữ từ đường, có chăng là trách ông không đủ bản lĩnh để có thế hệ thừa kế, thế hệ biết sống và nhớ về nguồn cội của mình.
Ông nhớ hôm ấy là chủ nhật, một ngày chủ nhật lạ lùng nhất trong đời mà ông từng gặp, một ngày mà ông không biết nên vui hay buồn. Cảm giác sung sướng, lo sợ, khó hiểu cứ bám víu lấy ông. Sáng, ông nhận được điện thoại của người em trai mà ông coi như mất tích hai chục năm nay, giờ gọi về hỏi thăm ông có khỏe không? Và có còn nhớ gì về những kỷ niệm ngày xưa đã tranh tranh nhau để được đi bộ đội, hỏi ông có nhớ ngày xưa còn ăn khoai độn gạo hẩm, những ngày phải ăn lá cây rừng thay cơm, những cơn sốt rét… Ông cười ha hả “Cái thằng này, mày gọi cho anh mày sau mấy chục năm để nói những điều đó à? Mày không nghĩ anh mày đã chết rồi sao?”, hờn lẫy thế thôi chứ ông đang vui, đang sung sướng muốn điên lên, thế ra vẫn còn có người trong họ hàng này nhớ đến ông kia đấy, “một giọt máu đào hơn ao nước lã” mà, người xưa có nói sai bao giờ đâu!
Niềm vui của ông chưa kịp dứt thì chuông điện thoại lại vang lên “bố à? Con đi công tác Hà Nội, có quà cho bố, con ghé vào chiều nay ở với bố một đêm nhé!”, ôi thằng con trai cả của ông, gần bốn mươi tuổi đầu mới gọi được tiếng bố thân mật đến thế kia đấy. Gác điện thoại, tự dưng ông muốn bật khóc, rồi ông khóc ngon lành và hồn nhiên như một đứa trẻ. Và ông thấy nước mắt mình vẫn còn nhiều lắm để khóc cho những yêu thương.
Tối hôm ấy, hai cha con khề khà với nhau ngần hết két bia. Nhưng ông chẳng thấy say, ông thấy mình tỉnh lắm, càng uống càng tỉnh. Vì tỉnh nên ông mới biết được  rằng vợ ông vẫn rất khỏe, vẫn sống cùng các con mà không đi lấy chồng khác, ông biết được thằng hai, thằng ba đều là kỹ sư và đã là các trưởng phòng cho các công ty lớn. Con gái út ông vừa tốt nghiệp đại học, có người đến dạm hỏi, nhưng nó chưa chịu. Nghe đến đấy ông sướng muốn điên lên, ôi, hóa ra có ai quên ông đâu, có ai bỏ mặc ông đâu, nhất là bây giờ, thằng con cả của ông đang say bí tỉ, nằm bẹp ngủ li bì trên chiếc chiếu trải giữa sân, rất thật, hiện hữu bằng xương bằng thịt ngay trước mắt ông. Ông thấy mình trẻ lại hàng chục tuổi, những nếp nhăn trên trán, trên mắt biến đâu mất hết, ông lại tràn trề niềm tin và muốn làm việc. Ông phải vào Nam, sẽ sống cùng các con, cùng gia đình của ông, với người vợ mà ông đã nhớ thương đằng đẵng bao nhiêu năm trời.
Đêm ấy ông thức trắng để suy nghĩ, ông cố thức để biết tất cả những gì diễn ra không phải là mơ. Hôm sau, ông nói với con cả ông cái điều đêm qua ông đã nghĩ, ông định sẽ bán căn nhà này rồi vào Nam sống cùng các con. Nhưng con trai ông cản “bây giờ giá đang lên, từ từ bán bố ạ, khi nào nó chững lại đã!”. Ông như đứa trẻ sắp được về nhà mới, không cần so đo tính toán nghĩ suy, ông mừng một cách hồn nhiên và tươi trẻ.
Ông vội vàng từ giã hàng xóm bạn bè, từ giã những cây kiểng ông nâng niu, ông đem những chiếc lồng chim mỗi sáng hót líu lo cho ông nghe và gửi nó cho một chủ nhà hang bán chim kiểng. Ông nói gửi để đỡ buồn khi xa chúng thôi, chứ ông có về đây nữa đâu mà lấy? Ông thắp nén hương xin ông bà tổ tiên xá tội, ông hứa sẽ quay về để đưa họ đi theo ông khi ông đã ổn định và tìm được một nơi cho tổ tiên và cho cả ông của ngày về bên kia thế giới nữa. Cái tuổi của ông người ta sợ chết nhưng vẫn cứ chuẩn bị cho ngày ấy thật chu đáo, chẳng hiểu vì sao?
Đặt chân xuống sài Gòn, ông thấy mình khác lắm, vì khi đi, ông mang theo tràn trề niềm tin cho ngày sum họp. Gặp bà, tuổi già héo hắt theo theo tháng, ông thấy thương quá. Nhưng đáp lại sự niềm nở của ông là câu chào nguội lạnh của bà, câu chào mà ông đã nghe trong những lần lặn lội vào Nam thăm con. Bà vẫn thế, không có gì thay đổi. Ngôi nhà vẫn như xưa, nhỏ nhưng gọn gàng. Ở Sài Gòn sở hữu được ngôi nhà thế này cũng thuộc loại giàu có rồi. Ngôi nhà này không có chỗ cho ông, nên ông phải thuê một căn phòng nhỏ ở nhà kế bên mà ở. Ông thấy mình bị hẫng và rơi xuống một cái thật mạnh. Chới với không nơi bám víu sau thời gian tưởng mình đã tìm được phút giây đoàn tụ.
Các con ông thì lại tỏ ra niềm nở và cố tìm cách thân thiện với ông, dù đôi khi ông cũng nhận ra đó là sự cố gắng rất mệt mỏi của chúng, bởi trong tâm chúng vẫn chưa coi ông là người cha già tội nghiệp của mình. Ông ngồi bên các con, nghe chúng nói về những dự tính trong tương lai, đứa nào cũng có những dự án lớn, có thể làm ra tiền tỷ nhưng bây giờ chưa có vốn. Ông thấy tuổi trẻ của chúng thật biết nhìn xa, biết làm giàu và muốn làm giàu thật nhanh. Ừ, trẻ thì phải thế!
Ông sống trong phòng trọ chật chội và nóng bức, không có cây kiểng, không có chim chóc, không có bạn bè để cùng chơi cờ, giấc mơ đoàn viên cũng tan thành mây khói khi nhìn ánh mắt lạnh lùng của bà. Ông có lỗi gì kia chứ? Chỉ có đứa con gái, tới bữa mang thức ăn đến cho ông rồi cũng bận bịu chuyện làm ăn, chuyện bạn bè… Không đứa nào cho ông một tình thương đúng nghĩa.
Nhưng dẫu sao cũng còn được nhìn thấy chúng, nhìn từng bước đi lên của chúng, nhìn tấm lưng của bà ngày ngày quét nhà, quét sân. Được nhìn những người trong gia đình để ông biết dù mình có về thế giới bên kia cũng không còn cô đơn vì ông vẫn còn có con dâu, con rể, con gái, con trai… Ngày mai đây, cái ngày mà ông bán căn nhà ở ngoại ô Hà Nội, ông cầm tiền chia cho từng đứa, chúng sẽ cầm nắm tiền từ ngôi nhà có linh vị của tổ tiên, chúng sẽ thực hiện những dự định của chúng. Và ông, ông sẽ trở thành người không còn gì, ông không còn một sức nặng nào nữa để níu kéo những nụ cười của chúng dành cho mình, ông không có lý do gì để chúng yêu cầu ông về sống cho gần nhau. Ông trở về ông của ngày xưa, cái ngày bà bỏ ông ra đi vì ông không lo được cho mẹ con bà. 
Cuộc sống đã dạy cho các con ông thế, ông còn biết làm gì hơn, mình gần đất xa trời rồi, tài sản lại là của chúng nó thôi. Ông đã không nuôi dạy chúng, thì ông cũng không có quyền đòi hỏi sự yêu thương. Ông cay đắng nghĩ và hai giọt nước mắt lăn trên đôi gò má nhăn nheo. Ông run run cầm giấy và viết “Cộng hòa xã hội …Bản di chúc…”.
TPHCM, 2006
Nguyễn Anh Đào 
 

Xem Tiếp: ----