Tôi không hư cấu câu chuyện này thành tiểu thuyết, bởi chính bản thân nó cũng đủ làm nên những bi kịch của ngôi làng này. Ở đó, người gánh chịu nặng nề là các em tôi, bạn bè tôi đã được sinh ra và lớn lên, là những người mẹ, người chị ngày ngày phải cắm mặt vào đất nhẫn nhịn, bị dẫm nát tuổi thanh xuân. Tôi kể hoàn toàn những sự thật về những gì tôi đã thấy, đã hứng chịu bằng cách liệt kê. Tôi bất lực trước những nổi đau, nỗi đau thể xác chỉ là một ngày một bữa, nhưng nỗi đau tinh thần giằng xé, đè nặng lên những con người ấy, mà có người đã chết vì uất ức phải tự tử, có kẻ tù tội. Họ cam chịu với trò đùa số phận và hoạch định cuộc đời mình theo lời phán của những ông thầy tướng số. Hạnh phúc là một từ xa xỉ đối với họ.
 
1.
Đứng ở đồi thông đầu làng sẽ nhìn thấy rõ con đường đất uốn quanh dẫn vào một ngôi làng nằm lọt thỏm giữa những màu xanh bát ngát của cây rừng. Ở đó, có khoảng một trăm ngôi nhà, có một ngôi trường cấp một với 6 phòng học, có một cái chợ, nhóm hàng ngày vào buổi sáng sớm, có vài tiệm tạp hóa. Như bao nhiêu ngôi làng khác của Tây Nguyên, nghề nghiệp chính của họ vẫn là nương rẫy, là cà phê, cao su...
Nhà Duy có bốn anh em, nhưng chỉ có hai mẫu rẫy cà phê, tiền thu không đủ trang trải chi phí cho anh em Duy đi học, mẹ phải nấu thêm lò rượu. Từ đó, làng này thêm một nghề nữa là nghề nấu rượu và nuôi heo. Nấu rượu thì tất nhiên sẽ có nuôi heo, vì bã hèm khi đã cất rượu xong thì trộn cho heo ăn, chúng ăn thứ đó rất bổ và nhanh lớn, không phải tốn thức ăn cho heo nên thường lãi khá cao. Nhờ đó mà gia đình Duy khấm khá dần, mẹ không phải cằn nhằn chạy vạy từng bữa cơm hàng ngày nữa, anh em Duy dễ dàng có áo mới mặc đến trường.
Đầu ra chủ yếu của lò rượu nhà Duy là các tiệm tạp hóa trong làng, từ ngày nhà Duy nấu, các dì chủ các tiệm này không phải cực khổ sang các làng khác hoặc vào thị trấn để lấy rượu về bán. Những tháng cần phải chi tiên nhiều, mỗi ngày má phải dậy đốt lò sớm hơn, để kịp thời gian nấu hai nồi rượu, để số lượng rượu mỗi ngày được tăng gấp đôi, ba đem hàng đến những buôn khác của dân tộc để bán. Duy cũng thường được ba đèo trên chiếc xe đạp để vào buôn với mình, từ đó Duy cũng biết người dân tộc cũng thân thiện không đến nỗi độc ác hay man rợ như cái vẻ bề ngoài họ thể hiện và nghe người lớn kể, mà thật ra hồi ấy bọn nhóc con của Duy nghịch ngợm đủ trò, người lớn chỉ bày ra để kể thì ít mà hù thì nhiều. Đứa nào nghịch thì bị nhát là đem cho dân tộc, đứa nào đen đúa xấu xí quá bị ghẹo là con của dân tộc thế nào cũng lăn ra mà khóc bù lu bù loa.
Năm đó Duy chín tuổi. Cái tuổi thấy cuộc đời qua những trò chơi, thấy ngôi làng của mình từ trên đồi thông đầu làng. Hồi ấy, làng Duy chưa có điện. Ngọn đen dầu tù mù, đường đen kịt. Duy là con trai nhưng là đứa sợ ma nhất làng, sợ hơn cả con gái, nên nó thường là đích ngắm của bọn con nít trong xóm mỗi khi đêm về, nhất là những đêm trăng còn khuyết, ánh sáng lờ mờ không nhận ra rõ hình người. Duy không hiểu vì sao mình sợ ma, có lẽ nó bắt đầu từ những câu chuyện của ba, những câu chuyện rùng mình mà ba hay kể vào ban đêm cho những người bạn của mình, nó ngồi kế bên nghe lén. Hồi Duy chín tuổi, xung quanh làng của Duy còn nhiều rừng rậm, chuyện về ma lai rút ruột đi ăn thịt người vào ban đêm làm cho nó luôn sợ hãi. Nó tưởng tượng ra những chiếc đầu người mang theo nào là ruột gan phèo phổi bay lửng lờ trên những ngọn cây, những con ma lai đó hút máu người nào thì người bị hút máu đó không chết nhưng cũng biến thành ma lai như nó. Những con ma lai này ban ngày là một người bình thường như bao người khác, chỉ thành ma vào ban đêm. Nếu người trong gia đình phát hiện ai đó trong nhà mình là ma lai thì canh lúc nó rút ruột đi ăn ban đêm, lật nghiêng cái mình nó lại để nó không thể nhập vào xác, nó than khóc ngoài cửa và mặt trời lên sẽ chết. Không biết chuyện này bắt đầu từ cái gì, từ ai, nhưng qua mỗi người kể nó ly kì một kiểu khác nhau.
Trước cổng nhà Duy có cây gòn, loại cây mà người ta lấy ruột của trái nó ra làm gối ngủ. Lúc nhỏ, tụi nó hay chẻ trái gòn ra và cho bông bay tứ tung trong gió, thích thú. Rồi từ ngày nó nghe người ta kể ma hay ở trên ngọn các loại cây cao như cây gòn, thì ban đêm nó đóng chặt luôn cửa trước để mắt không nhìn ra hướng ngõ nữa. Đồn rằng trên những chạc ba của các cây cổ thụ, thường có những oan hồn của phụ nữ ru con, họ chết do bị ruồng bỏ rồi tự tử, hoặc bị đánh đập cho tới chết, đều là những người sống quanh đó. Có người bạn của ba khẳng định chắc nịch là bà Tư bán tạp hóa kể lại rằng chính bà đã thất kinh hồn vía khi tờ mờ sáng đi chợ, đến cây cổ thụ đầu làng, có người phụ nữ gửi tiền nhờ mua dùm hộp sữa cho con và xị rượu đế cho chồng. Nhưng đến chợ thì bà mói tá hỏa khi nhận ra tiền trên tay mình là tiền...âm phủ. Khi bà về ngang đầu làng thì không thấy ai, cũng không thấy ngôi nhà nào như lúc sáng, rồi nghe có người bảo nửa đêm thường nghe tiếng trẻ con khóc và tiếng ru con phát ra từ gốc cây.
Duy tin những điều đó vì khi mặt trời bắt đầu lặn, thì những cành cây bên ngoài đong đưa như những cánh tay đưa võng cho trẻ con.
Đến khi Duy mười chín tuổi, Duy mới hiểu được những câu chuyện người ta hay kể cho nhau ngày xưa chỉ để giải khuây trong lúc rỗi rãi, mà không có chuyện nào hấp dẫn bằng chuyện ấy cả. Không hề có con ma lai nào, cũng như không thể có oan hồn nào hiện về thành người nữa. Tất cả chỉ là thêu dệt nhưng làm cả quãng đời tuổi thơ Duy là sự hãi hùng bóng đêm. Thậm chí, khi ngủ chung với em trai mình, thỉnh thoảng nửa đêm nó quay sang sờ xem em mình có còn đầy đủ đầu mình tay chân không? Hay đã "rút ruột" đi ăn đêm rồi?
Hồi ấy, mẹ thường có việc phải ra ngoài vào ban đêm, vì ban ngày lo việc trong nhà tối mặt tối mũi, đêm mẹ đến nhà bà Tư kêu chở gạo qua, mua men, hoặc mua bất cứ gì mà ban ngày mẹ thấy thiếu không còn để làm. Trời tối như mực, mẹ hay kêu Duy đi cùng. Duy cầm đèn pin soi đường, không bao giờ Duy dám đi tụt lại đàng sau mẹ, vì sợ có ai đó níu từ phía sau.
Tối nay, Duy theo mẹ sang nhà dì Tư mua dầu thắp. Cầm chiếc đen pin soi thẳng con đường mòn, mẹ vừa đi vừa cầm cây khua hai bên vệ cỏ cho rắn rít đi hết. Bỗng chiếc đèn pin pha lướt qua một vật gì chuyển động, bò lồm cồm trước mặt, nó hét lên, đánh rơi cây đèn pin và níu lấy chân mẹ. Mẹ lượm đen pin lên vào soi kỹ vào vật đang chắn ngang đường đi thì thấy ông Thạch, ba của Như. Ông say khướt đang lếch về nhà.
 
2.
Trong làng có Như con của ông Thạch là thân với Duy nhất, nó cùng học lớp với Duy từ lúc mẫu giáo, nó là con gái nhưng lại không sợ ma, nó là đứa thường vạch mặt chỉ tên đứa nào dám làm ma nhát Duy. Duy thấy phục con Như lắm, riêng về lĩnh vực này thì Như là một anh hùng trong mắt nó.
Có lần Duy hỏi:
- Như không tin có ma à?
- Không biết, nhưng làng mình thì không có
- Sao Như chắc vậy được?
- Chắc! Vì nếu có đã bắt ba Như đi rồi. Có ngày nào ba Như về nhà trước mười giờ tối đâu.
Mà cũng phải, ngày nào ba Như cũng khật khà khật khưỡng đi về lúc nửa đêm, té lăn lóc ngoài đường, có lúc nằm ngủ luôn, rôi tỉnh dậy đi tiếp, có ma nào bắt đâu. Duy nghe tiếng Như cười chua chát:
- Ông ấy cũng có một con ma theo bảo vệ và dẫn đường rồi, nên không có ma nào dám bắt, Duy biết ma gì không? Ma men đó.
Duy nhớ đến những lần Như đi học bầm một bên mắt, hay tay chân bầm tím, tứa máu. Hỏi tại sao thì Như chỉ trả lơi tỉnh queo "ma bắt". Lúc chín tuổi, tất nhiên Duy tin thật, nhưng mười chín tuổi thì Duy biết quá rõ, tuổi thơ của Như đã bị con "ma men" ám ảnh, trực tiếp trên cơ thể này, chứ không phải trong tâm trí trẻ con của Duy nữa. Sau này Duy mới hiểu vì sao Như hay bảo Duy rằng "không có con ma nào mình không nhìn thấy nó mà đáng sợ cả!".
Có lần Như bảo phải chi đừng có ai nấu rượu, đừng ai bán rượu thì nhà nó đâu có khổ vầy. Duy chạnh lòng, đâu phải lỗi ở gia đình Duy, những gia đình nấu rượu, nhà Duy nấu rượu nhưng ba Duy đâu có uống, thỉnh thoảng ông chỉ uống một tí, có bao giờ say mèm như thế đâu? Nếu nhà Duy không nấu, những người như ba Như cũng sẽ có rượu uống, bằng chứng là mấy dì bán tạp hoá lại phải vào tận thị trấn hoặc qua làng khác mà mua về bán.
Nhà ông Thạch có đến 8 người con, 3 trai và 5 gái. Sau này, tất cả những nghiên cứu khoa học cho rằng rượu bia có tác hại đến sức khoẻ con người trong đó có chuyện dẫn đến vô sinh, Duy đều bác bỏ. Bằng chứng là ông ấy uống rượu trong suốt từ năm 20 tuổi đến giờ, 8 đứa con ra đời không thể nói ông ấy vô sinh. Còn chuyện vợ ông ngoại tình có con với người khác càng không. Vợ ông là người đàn bà nhẫn nhịn, cắm mặt vào đất, bàn tay bàn chân tứa máu để có tiền cho 10 miệng ăn và một miệng nhậu. Cả đời người không có chút thời gian rảnh rỗi cho riêng mình, chưa có ngày nào mặc trên mình bộ quần áo mới thì làm sao ngoại tình được. Vợ ông cũng như những người đàn bà của làng này, có ai hư thân hay đua đòi. Có lúc Duy nghĩ những người như mẹ của Như phải chi biết sống cho mình thì đỡ bi kịch hơn không?
Như là đứa con thứ tư trong nhà, trên Như có hai anh và một chị. Năm Như mười lăm tuổi, hai người anh của Như đều đi làm ăn xa, chị Như đã lấy chồng. Như cũng mong đến ngày mình đủ mười tám tuổi, như tất cả các thành viên khác của gia đình, mong đủ tuổi để ra đi, xa ngôi nhà "ma ám" này.
Như may mắn hơn những anh chị của mình là được học hết cấp ba và đậu cả đại học.
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển đại học, Như mừng rơn đem sang khoe với Duy, ngay lúc Duy nhận được tin mình trượt đại học. Như an ủi Duy:
- Duy rớt thì năm sau thi lại, mình phải đậu để rơi xa ngôi nhà của mình, tờ giấy báo trúng tuyển này đã giúp mình bay đi, bay đi Duy biết không? Mừng cho mình đi, còn Duy, Duy không cần đến nó bằng mình đâu, vì Duy có một gia đình hạnh phúc.
Như nói, không cho Duy nói, Duy cũng không có quyền buồn trong lúc này. Vì niềm vui của Như lấn át hết rồi, một niềm vui hồn nhiên còn sót lại sau một tuổi thơ gian truân.
Nhà Như còn lại sáu người, ba mẹ và bốn đứa nhỏ, bốn đứa chưa đủ tuổi để bay như anh chị nó. Nhưng đến một ngày chúng cũng sẽ đi, chỉ còn mẹ Như ở lại, người đàn bà mấy mươi năm ban ngày sống bán thân mình cho rẫy rừng, cho cơm áo, ban đêm chịu những đòn roi của người chồng độc ác.
Ông đánh bà với bất cứ lý do gì, thậm chí những đứa con đi xa điện thoại về hỏi thăm bà mà không gọi cho ông, ông cũng đánh bà, lúc đánh thì luôn miệng hỏi:
- Nhà này mày là chủ hay tao là chủ?
- Mẹ con mày mưu mô lấy cái gì trong nhà này đi hết phải không?
- Lúc nào cũng mẹ con mày với nhau thôi, tao không là gì hết hả? hả? hả?
Sau đó là tiếng roi quất, tiếng đấm đá bịch bịch hự hự, tiếng bát chén vỡ tang hoang, tiếng long bong của nồi niêu xoong chảo, tiếng khóc thét của những đứa trẻ. Khi những đứa nhỏ này đủ lớn, đủ lớn để chấp nhận những chuyện này là chuyện bình thường của gia đình thì chúng không khóc nữa, chúng trân trân đứng nhìn, nhìn hiên ngang.
Rồi cũng có một ngày, thằng con trai nhỏ nhất trong nhà đủ mười tám tuổi, ngày cha nó say lướt khướt về nhà, cất giọng lè nhè:
- Bà à, mẹ tụi bây đâu, chết hết rồi à...
Thì nó không cho phép mẹ cho nó đỡ ba nó vào nhà nữa, nó bắt mẹ ngồi im. Tự nó ra đưa ông vào. Ông hất nó ra, nhưng làm sao sức của một ông già say xỉn bằng sức của một thanh niên mười tám. Nó khóa trái hai tay cha nó lại, cột luôn hai chân, rồi bế cha nó quăng lên giường. Ông chửi:
- Mày dám trói cha mày à, ngon ha, con bất hiếu, bất hiếu.
Nó câm lặng không nói gì, bảo mẹ nếu thấy điếc tai quá thì nhét nùi giẻ vào miệng ông ấy là xong. Người mẹ trừng trừng nhìn con rồi khóc:
- Con làm thế với cha con à? Được à con?
- Mẹ làm sao vậy? Mấy chục năm mẹ chịu hành hạ chưa đủ hay sao? Ngưng một đêm không được hả mẹ? Đêm nay thôi, ngày mai khi con đi rồi, mẹ hãy thả ông ấy ra.
- Con à, mày học cái thói đánh lại cha từ khi nào thế hả?
- Ông ấy không xứng đáng là cha con, mẹ để con yên. Mai con sẽ đi, như anh chị của con. Đi và không bao giờ về nữa! Mẹ biết không? - Nó hét lên, hét lớn hơn cả cha nó. Mấy đứa nhỏ lại khóc ré lên. Mẹ nó gục mặt xuống bàn, khóc tức tưởi.
Duy viết thư cho Như kể chuyện ở nhà. Như bảo lần sau những chuyện ấy Duy đừng kể nữa, Như quen rồi, ngày nào mà Như chả thấy. Như bảo nếu có kể, Duy kể về đồi thông đi, dạo này đứng từ đồi thông, Duy có thấy làng mình khác đi không?
Duy chẳng thấy nó khác đi tí nào hết, vẫn thế, vẫn chừng trăm nóc nhà, vẫn một ngôi trường cấp một và một cái chợ. Chiều chiều khói vẫn tỏa trên những nóc nhà, quyện trong sương và trong những tán cây rừng. Rừng vẫn xanh, làng vẫn nghèo như thế. Không khác gì. Chỉ có vào một ngày...
 
 
 
3.
Bà Năm, nhà ở đầu làng, ngôi nhà rộn ràng người ra vào bỗng vắng như nhà từ đường ngay sau ngày anh Minh, con bà Năm chết.
Anh Minh chết vì tai nạn giao thông! Tin này làm nhốn nháo cả làng. Ai cũng thương cảm rằng cái thằng đó hiền lành, chịu làm ăn, vợ đẹp con ngoan, sao lại chết trẻ? Chết oan? Ngàn đổ xuống như cây chuối trong bão, đứa con khát sữa ngằn ngặt khóc trong tay.
Bà Năm có chồng là lính ngụy bị bắn chết năm 1974, lúc đó anh Minh con bà tròn hai tuổi. Bà sống bằng đủ thứ nghề, rồi lưu lạc về ngôi làng này đâu khoảng năm tám lăm, năm đó Duy được mười hay mười một tuổi, Duy nhớ không rõ lắm. 
Khi anh Minh hai mươi lăm tuổi thì anh cưới vợ, vợ anh là Ngàn, là một trong những đứa bạn của Duy, năm ấy Ngàn cũng hăm ba. Ở cái làng heo hút này mà ở tuổi Ngàn thì cũng đã thuộc gái lỡ thì. Ngàn xinh, hiền lành nhưng chỉ có mỗi tội là Ngàn tuổi dần. Theo mấy thầy tướng số thì con gái tuổi dần có số "sát chồng", nên quen mấy người đều bị gia đình người ta phản đối, cho tới khi quen anh Minh. Bà Năm cũng phản đối dữ lắm, nhưng anh Minh yêu Ngàn và không tin vào những điều mê tín dị đoan nên anh quyết cưới. Ai ngờ vận đen lại vướng vào Ngàn, anh Minh có tật hay nhậu bù khú với bạn bè sau giờ làm việc, Ngàn khuyên can mãi mà không được. Rồi hôm ấy chỉ vì quá chén, anh chạy xe về nhà, qua đường mà không bật đèn ra hiệu, một chiếc xe chạy cùng chiều đâm sầm vào anh từ phía sau, anh chết ngay tại chỗ. 
Đứa con mới được hai tháng tuổi, khóc ngằn ngặt đòi sữa, Ngàn rũ người bên quan tài chồng. Anh Minh chết, mẹ chồng đổ tội cho Ngàn, vì Ngàn tuổi dần.
Nhưng có một điều sao không ai chịu hiểu là anh đã say xỉn khi lái xe và chạy sai luật giao thông? Ở cái làng này, luật giao thông là một thứ gi đó của chính phủ, của nhà nước chứ không liên quan đến họ. Cuộc đơi họ gần với những ông thầy tướng số hơn.
Sau đám tang chưa tròn một tuần, Ngàn bị bà Năm đuổi thẳng về nhà mẹ ruột sống. Vì tội đã dám dụ dỗ và giết con trai bà, bà đã dùng tất cả những từ ngữ nặng nề để đay nghiến Ngàn.
Ngàn không còn cách nào khác, mẹ ruột Ngàn cũng giận dữ trước những gì mà gia đình chồng của con gái bà đối xử tệ bạc với nó. Hơn ai hết, bà nghĩ rằng mẹ chồng Ngàn phải hiểu nỗi đau mất chồng lớn như thế nào, đàng này lại giáng thêm xuống con gái bà một nỗi đau, một nỗi nhục không gì bù đắp nổi.
Bà Năm sống một mình, trơ trọi, bà làm bạn với rượu. Bà không còn bước ra khỏi nhà nữa. Bà bảo bà uống cho đến chết thì thôi, nhưng uống rượu dễ gì chết nhanh như thuốc độc được. Nên bà vẫn sống, sống dày vò và khổ sở trong sự cô đơn, những người xung quanh không ai dám đến gần bà.
Rồi không lâu sau, Ngàn lại mặc thêm một lần áo tang nữa, áo tang cho mẹ chồng. Bà Năm chết cong queo dưới đất, xung quanh là chai rượu và ngổn ngang chén bát. Người ta phải mua gần hai mươi lít rượu để tắm cho chân tay bà duỗi thẳng ra.
Rượu, lại rượu. Như hỏi Duy có khi nào mai đây Duy cũng là một người đàn ông nghiện rượu, lại đánh đập vợ con và sống hiến xác cho ma men? Duy nghe xót lòng, niềm tin của Như mất hẳn vào những người đàn ông, cho nên tuổi này Như vẫn sống như thế, không yêu ai cả, không dám tin tưởng trao cuộc đời mình cho ai.
Có lần mẹ Như đã khuyên "con à, chuyện lập gia đình theo một quy luật tự nhiên, con không thể sống khác được, sự lựa chọn của con người chỉ có giới hạn, còn số phận mình do ông trời quyết định". Như không thể sống như mẹ, Như phải sống khác, những người đàn ông trong làng Như phải khác. Như hỏi Duy có cách nào đưa cái "văn hóa" trong chuyện uống rượu này về ngôi làng mình không? Để họ biết sống cho người khác, biết dừng lại đúng lúc và chừng mực trong bàn nhậu. Nhưng Duy biết bắt đầu từ đâu? Từ đâu hả Như?
Duy nhớ ông nội quá, ông hiền lành, phúc hậu. Ông cũng rất thích uống rượu, ông uống không nhiều, mỗi chiều ông chỉ uống một ly nho nhỏ để ăn cơm cho ngon miệng. Hôm nào ông thèm, uống đến ly thứ ba là ông say. Khi ông say, ông ôm hết nhưng đứa cháu mà hôn, ông lấy kẹo cho ăn, thậm chí bạn của Duy hay em Duy tới chơi ông cũng nựng nịu như cháu ông vậy. Duy rất thích lúc ông say, nhưng ông bị huyết áp nên bác sĩ không cho uống nhiều nữa. Vì thế mỗi chiều ba chỉ cho uống một ly nhỏ thôi và dặn anh em Duy đừng để ông nội uống ly thứ hai. Nhưng thỉnh thoảng anh em Duy ham chơi, thế nào ông cũng rót ly thứ hai thứ ba. Rồi thế nào anh em Duy cũng nghe lại cái điệp khúc "cha à, con không tiếc một ly rượu nhưng bác sĩ không cho cha uống nhiều, cha uống một ly là vừa rồi đừng uống thêm nữa". Ông gật đâu, hiền lành, như biết lỗi...
Rồi ông mất.
Sau này cha Duy cũng vậy, chiều chiều là uống một ly nhỏ trước bữa ăn. Má hay ghẹo ba "mai mốt già như ông nội, thằng Duy chiều chiều cũng dặn con tụi nó canh chừng đừng để ông nội rót ly thứ hai, rồi nó nói y chang mấy câu anh nói với ông nội tụi nó". Ba lại cười, cái cười hiền lành của ông nội.
Chiều chiều, Duy lên đồi thông, nhìn uống làng xem có gì mới không để kể cho Như nghe. "Cuộc sống ở đó vẫn tiếp diễn như mọi ngày. Như biết không, Duy thấy nhớ Như lắm, tuổi thơ bọn mình trôi qua ở đây, những ký ức còn lại là sự hãi hùng và nỗi đau thân xác. Đôi khi Duy lo sợ cho Như, liệu quê người có dung dưỡng cho Như không? Liệu sau khi không còn miềm tin vào ai Như có sống được với cộng đồng xung quanh không?
Khi đến tuổi này, Duy mới nhận ra hình như trái tim của Duy đã gửi đi tận phương trời nào rồi? Hạnh phúc của Như, nỗi đau của Như lúc nào cũng làm tim Duy nhói lên một nỗi niềm khó tả. Duy làm gì đây, làm gì để đưa Như về gần hơn? trong khi trách nhiệm gia đình không cho phép Duy ra đi thì Như đã bỏ nơi này như chạy trốn. Chạy trốn một cuộc đời nghiệt ngã, Như ơi.
 
4.
Chiều nay, lúc đang thơ thẩn đi về phía đầu làng, Duy thấy nhiều người hớt hơ hớt hải chạy vào chạy ra nhà Tư Quắn. Duy dừng lại nghe ngóng và hỏi thăm thì người ta bảo ông Tư Quắn đã giết chết vợ ông rồi, đang nằm trong vũng máu trong nhà. Người đã đã gọi công an, còn ông đã bỏ trốn đâu đó.
Một cảnh tượng hãi hùng đang hiện ra trước mắt Duy, bà Tư Quắn đang nằm trên vũng máu dưới sàn nhà, một chân nằm dưới đất, chân còn lại vắt trên giường. Gương mặt không còn nhận ra bà nữa, hai đường chém ngang mặt, một con mắt bị rơi ra ngoài, đầu bị chẻ ngang một đường giữa trán. Chứng tỏ ông Tư đã cố ý giết bà chứ không phải là những trận đòn trong lúc ông say như trước đây nữa. Trên bàn thờ, di ảnh đứa con gái nhìn xuống gia đình với ánh mắt thất thần, vô hồn, vô cảm. Nó nhìn mẹ một cách bình thản, có lẽ nó đã mong có ngày này lắm, để nổi đau mẹ không phải chịu dai dẳng nữa.
Ông an xã đến, lập biên bản, chụp hình, vẽ vẽ gì xuống nền nhà rồi đi, yêu cầu người nhà mai táng nạn nhân. Hai đứa con trai, cháu nội còn bi bô và đứa con dâu chân đứng như chôn trước thi hài của mẹ.
Ông Tư Quắn nổi tiếng là người sành nhậu ở làng, ông có thể ăn thịt cầy và đi săn bất cứ con thú nào trong rừng về nhậu. Nhưng trong làng không ai dám ngồi nhậu với ông. Vì ngồi chung, thế nào tới khi tàn cuộc thì cũng xuất hiện dao búa và đánh nhau. Vì thế, ông nhậu một mình hoặc sang các làng khác nhậu. Ông nhậu không nhiều, chừng một lần một tuần. Nhưng khi uống xong thì vợ con ông phải cuốn chiếu mềm mùng trốn ra rẫy ngủ. Ngủ lăn lết dưới đất, ngủ trong sương lạnh buốt. Nếu để ông nhìn thấy ai trong nhà thế nào ông cũng hành hạ dã man, ông bắt quỳ sắp hàng trước mặt ông và ông đánh. Ông tát trên mặt, đấm trên ngực hay đạp từ phía sau cho chúi nhụi. Không ai được khóc, nếu khóc ông sẽ cột dây vào chân và treo ngược lên xà nhà, hàng xóm không cứu kịp là chết.
Thuý, con gái ông, năm mười sáu tuổi, nó cầm dao dọa sẽ giết ông nếu ông dám hành hạ mẹ con nó nữa. Ông đã tát nó bạt tai, chúi nhủi. Trong lúc ông sơ ý, nó chém đứt ngón tay út của ông. Rồi bỏ chạy. Nó chạy hoài chạy hoài, ba ngày sau, người ta phát hiện xác nó trong một cái giếng trong rẫy của ai đó ở cuối làng. Lúc đem cái xác trương phình của nó về, ông Tư đứng chết trân, ông nhìn nó rồi nhìn xuống ngón tay vừa bị chém đứt của mình.
Bất giác, Duy nhớ đến Chí Phèo, Chí Phèo uống rựơu, nhưng suốt cuộc đời mình, hắn chỉ rạch mặt ăn vạ và chửi. Hắn giết Bá Kiến, vì Bá Kiến là tên đáng chết, là tên đẩy hắn vào con đường cùng. Ngoài ra hắn cũng yêu, có một tình yêu và không hại ai cả.
Còn ở đây, Ông Tư Quắn lại hại chính người vợ ông và những đứa con do ông sinh ra. Hổ còn không ăn thịt con. Vậy ông là gì?
Duy nhìn con người ấy một cách khinh bỉ. Những con ma của tuổi thơ Duy không đáng sợ bằng con người này. Như đã nói đúng "không có con ma nào mình không nhìn thấy mà đáng sợ cả".
Những tưởng sau cái chết tức tưởi của con gái, ông tu tâm lại, ai ngờ ông còn độc ác hơn, tàn nhẫn hơn gấp bội lần. Vì ông bảo chúng đã dám chống lại ông, ông sẽ giết hết, giết chết sạch những đứa còn lại, để không đứa nào chống lại ông nữa
Vợ và hai đứa con trai còn lại sống vất vơ vất vưởng ngoài đường, không ai dám đưa vào nhà mình trú ngụ. Nếu ông biết, ông đặt thuốc nổ ngoài cổng và hăm làm nổ tung cả làng.
Năm thằng Hoà hai mươi tuổi, sau hai năm kể từ ngày con Thuý em nó chết, thằng Hoà có vợ. Nhưng nó không biết gia đình nó sẽ đi hỏi vợ cho nó bằng cách nào. Cha nó làm cái gia đình tan nát từ lâu rồi. Đó là địa ngục của nó chứ không phải gia đình.
Thằng Hiệp, em trai út bỏ học, tụ tập chơi với bạn bè hư. Mà dù bạn bè nó có hư hay quậy phá thì không bằng một góc sự tàn nhẫn của cha nó kia mà. Rồi một hôm, cha nó lè nhè đi về, lớn tiếng trước cổng nhà. thì có chừng sáu, bảy đứa choai choai tay cầm gậy đứng trước cửa nhà và đánh ông tới tấp. Ông nhìn thấy chẳng đứa nào quen, chúng đánh gãy hai chân ông và doạ, nếu còn đánh ai nữa, dù là người trong gia đình ông sẽ bị chúng giết chết
Đám hỏi vợ cho thằng Hoà, mỗi mình má nó đại diện, vì ba nó không đi lại được. Đó là lý do tốt nhất để ba nó không có mặt mà không ai trách cứ gì. Vì nó sợ, khi tiệc hỏi do nhà gái đãi chưa tàn cha nó lại tay dao tay búa làm nhốn nháo cả dòng họ người ta. Mất mặt nó, mà có thể nó mất luôn vợ, cô gái rất ngoan hiền mà nó muốn hi sinh cả cuộc đời mình vì cô ấy. Mình sẽ không bao giờ sống như cha. Em sẽ hiểu khi về làm vợ mình. Còn bây giờ nó rất lo, nếu người ta biết được cha nó như thế nào, họ sẽ từ hôn ngay, vì quan niệm "cha nào con nấy".
Hai mẹ con lén cha nó bán một mẫu rẫy cà phê trong làng. Nó ra mua lại một mẫu rẫy khác ở tận Gia Lai. Mẹ nó bán cà phê thu được mùa trước, cho nó cất nhà.
Đám cưới xong, hai vợ chồng ra riêng, ra tận Gia Lai ở nhà mới, đi như chạy trốn, không giám nói với ông tiếng nào.
Cơn cuồng nộ của ông càng dâng cao khi tất cả các thành viên trong gia đình đều làm việc sau lưng ông. Ông giải quyết sự cuồng nộ ấy bằng những trận đòn chí tử trên cơ thể vợ ông.
Buộc thằng con trai út của ông phải nhờ đến bạn đánh cho ông gãy chân lần nữa. Gia đình ông luôn luôn hành xử theo luật rừng, không tình nghĩa, không đạo lý, người nào mạnh người ấy thắng không kể cha con.
Đến khi ông gãy chân lần thứ tư thì ông phát hiện ra những việc làm đó là của thằng con trai út ông. Việc đó đã đưa đến kết quả ngày hôm nay, người vợ xấu số của ông đã chết dưới tay ông. Vì như lời ông là "chúng" dám chống lại ông.
Thằng con út quỳ sụp xuống thi thể mẹ "phải chi hồi ấy con đánh ông ấy bể đầu thì đâu có cơ sự này, con chỉ nghĩ là gãy chân thôi cũng làm ông ấy sợ rồi, mẹ ơi ".
Đám tang bà tư Quắn, đám bạn thằng út ở đâu kéo về chừng hai chục đứa, đứng gác quanh nhà để canh chừng ông có thể quay về. Trong cơn giận hừng hực của bọn chúng, ông Tư quay về lúc này ông sẽ không còn đường sống. Vài anh công an xã sẽ không làm bọn trẻ này nao núng, nhất là những anh công an chờ có tiền lót tay mới làm việc.
Duy lại viết thư kể cho Như nghe, dù đã cố gắng lắm, muốn kể cho Như những chuyện vui, những chuyện không liên quan gì đến rượu, nhưng ngôi làng nhỏ này, những chuyện tốt đẹp thì có ai biết đâu, những tấm gương sáng là những người siêng năng cần mẫn sáng vác cuốc ra đồng, chiều vác về. Những chuyện tày trời như thế mới làm xôn xao, nó làm Duy bức bối, và muốn Như nghe. Dù Duy biết, khi kể những chuyện này, Như sẽ sợ hãi chính quê hương mình, Như sẽ xa Duy nhiều hơn.
Tính đúng vào cái hôm đám tang bà Tư Quắn thì Duy tròn hai bảy. Nghĩa là Như xa nhà chín năm. Một tuần sau đó, Duy nhận được thư Như và lời chúc mừng sinh nhật. Cộng thêm một tin làm Duy ngỡ ngàng rằng Như có người yêu.
 
5.
Tất nhiên việc Như có người yêu không có gì lạ với Duy cả, Như có phải là trẻ con đâu, cũng sắp hai bảy rồi. Như sống ở thành phố, đông đúc, ồn ào. Không lẽ trong những ồn ào đó, chín năm trời Như không tìm ra một bờ vai cho riêng mình? Trước đây, Duy luôn nghĩ rằng niềm tin của Như vào đàn ông ít lắm, Như mạnh mẽ, nên sẽ không tìm một nơi nào để tựa vào. Nhưng Duy chưa kịp hiểu rằng, sống ở xứ người, dẫu niềm tin có cạn kiệt vào lòng người dành cho nhau, Như buộc mình phải bám víu, phải tin vào một điều gì đó, một ai đó để tìm sức lực mà đứng lên sau những mệt mỏi tưởng chừng có thể buông xuôi. Những dòng thư của Duy không đủ cho Như bám vào, chính những dòng thư đó cũng chưa cho Như trọn vẹn niềm tin vào những gì tốt đẹp ở ngày mai.
Nên Như bảo, nếu lỡ yêu Như rôi, Duy hãy quên đi, quên những gì tốt đẹp thì nhẹ nhàng lắm, nó không như những con ma và những trận đòn đã khắc sâu một thời thơ ấu. Nên đừng chờ đợi Như, con đường Như đi không thể nào dẫm lên dấu chân của mẹ, dẫm lên những rẫy cà phê của ngôi làng mà Duy đã dính chặt vào nó, dẫu Như rất tin rằng Duy là người đàn ông tốt, mẫu mực, không giống cha Như.
Như cũng tuổi dần, nếu về ngôi làng này, số phận Như sẽ như Ngàn, sẽ bị gán cho những điều độc ác nghiệt ngã. Nào ai biết trước được những rủi may của cuộc sống?
Duy hiểu, những người đàn bà ở ngôi làng này, tất cả đều tin vào lời một ông thầy tướng số. Cất nhà xem thầy, cưới gả xem thầy, thậm chí cất cái... chuồng heo cũng xem thầy. Mẹ Duy cũng không phải ngoại lệ. Nên cái tuổi dần của Như sẽ bị ông thầy ấy cản không cho bước chân về nhà Duy, giống ngày xưa ông ấy đã cản Ngàn về làm dâu bà Năm.
Như nói ở thành phố, người ta sống thực tế và hiện đại hơn, cưới gả gì cũng không xem thầy nữa, người ta chỉ xem vào cuốn lịch ngày ấy có phải hẹn đối tác nào không? chỉ thế thôi. Nên những nhà hàng tiệc cưới thường rình rang vào chiều thứ bảy và chủ nhật, chỉ có những ngày ấy khách mới rảnh rang mà đi dự tiệc. Không như ở quê mình, đi xem thầy, thầy bảo hai cái tuổi ấy phải rước dâu lúc năm giờ sáng, vậy cũng cố mà nghe theo, đánh thức họ hàng dậy từ nửa đêm. Như cười, chẳng biết như vậy để làm gì, những cái đám cưới như thế rồi về sống cùng nhau cũng đánh nhau ầm ầm, trong nhà hục hặc chuyện mẹ chồng con dâu, êm đẹp gì đâu! Duy cũng biết, Duy chứng kiến nhiều lắm, thấy rồi chỉ lắc đầu, rõ là những trò ngớ ngẩn. Cái ông thầy tướng số ấy quả là có sức mạnh ghê gớm khi "phán" và sai khiến biết bao nhiêu con người đang hộc tốc làm theo ý mình. Biết đâu vào cái giờ mà hàng chục người thức dậy để làm cái việc ông cho là tốt, thì chính ông, ông lại trằn trọc suy nghĩ không biết thức dậy, ngày mai đời mình sẽ ra sao?
Cũng vì thế mà Như chọn người đàn ông này, người ấy tên Quân. Là một trưởng phong trong công ty Như làm việc, không đẹp trai hào hao phong nhã, nhưng nhiệt tinh và hoà đồng với xung quanh, sống được lòng mọi người. Như yêu Quân vì những thứ đơn giản ấy, vì cảm thấy anh rất đáng tin.
Còn Quân yêu Như ở điểm nào? Như bảo Quân yêu Như vì Như là người lạnh lùng và bất cần, lúc nào cũng tỏ ra như thế, nên anh quyết chinh phục. Và đó là tình yêu của anh.
Duy ngẩn người, hóa ra tình yêu của họ cũng giản đơn như thế, chông chênh như thế!
Tết năm ấy, sau chín cái tết xa quê, Như về làng, có cả Quân.
Không có gì thay đổi nơi ngôi làng này, em Như đã xa nhà gần hết, mẹ Như già đến héo hắt, cha vẫn không bỏ được rượu. Ông đã nghiện từ lâu rồi, chỉ có điều sức ông không còn đi đây đi đó bù khú nữa mà uống ngay tại nhà, ông khát là ông uống rượu, uống như người ta uống nước, nên chẳng khi nào tỉnh.
Khi Như và Quân vào nhà thì gặp cha Như ngay cửa, ông lè nhè nhìn Quân:
- Bọn mày là đứa nào? Vào đây làm gì?
- Ba, đây là anh Quân, bạn trai con!
- Bạn trai à? Mày bỏ nhà đi theo trai giờ vác cái mặt về nhà à? Thằng kia, mày làm gì con gái tao rồi hả?
- Từ xưa giờ con có là con gái ba đâu mà giờ ba nói với anh ấy như vậy?
Dù mẹ Như có ra can ngăn, ông cũng chẳng tiếc lời mắng nhiếc. Như mặc kệ và kéo Quân vào nhà. Bảo Quân coi như không có ông. Nhưng làm sao Quân mặc kệ được, khi nhìn thấy tất cả những gì xảy ra quanh Như.
Ở nhà Như được ba hôm thì Quân xin phép về thành phố trước, Quân không thể ở lại khi vì anh mà chén bát trong nhà liên tục vỡ tan tành, anh không chịu nổi những lời mắng nhiếc của ba Như, anh chưa bao giờ phải sống và nghe những lời như thế. Anh bảo Như vào thành phố rồi mình gặp lại nhau, mình tính cách khác.
Cách khác của Quân chỉ là một tin nhắn, nhắn chỉ sau đó hai hôm, khi Như chưa kịp vào lại thành phố cùng anh. "Anh nghĩ chúng ta khó mà hòa hợp nhau khi gia đình em và gia đình anh quá khác biệt".
Như cười trừ, không nhắn lại. Rồi hỏi Duy "thế này thì Duy bảo Như tin được ai, tin vào cái gì?"
Chiều mồng năm tết. Duy đưa Như lên đồi thông đầu làng.
- Duy biết không? Như thèm ngửi mùi lá thông, thèm được nằm trên lớp lá thông êm và sạch thế này. Như thèm tất cả những gì thuộc về ngôi làng này, từ khí hậu, đến mùi khói chiều, đến sương sớm, thèm tất cả, chỉ trừ gia đình. Mà không! Trong gia đình, Như cũng yêu hết mọi người, chỉ trừ ba Như thôi. Như không biết có bao giờ Như tha thứ nổi cho ông không?
Duy nắm lấy bàn tay Như, bàn tay nay ngày xưa đã kéo Duy chạy khỏi lũ bạn làm ma nhát Duy, bàn tay ngày xưa từng níu áo Duy đi chậm lại để lâu đến nhà. Nó gần lắm, thân lắm. Như để yên bàn tay trong tay Duy, giữ chút hơi ấm cho nhau trong một chiều sương lạnh. Cái nắm tay như sẻ chia, là sự thông hiểu. Duy biết mình không nên nói gì cả, lời nói của Duy sẽ trở thành vô nghĩa nếu chỉ là những lời khuyên sáo rỗng. Rồi Như khóc.
- Cứ tưởng anh Quân là người mình tin được, lúc mới quen, anh ấy vưng chải lắm, tưởng không gì làm ảnh đổ cả. Vậy mà, đứng trước nổi đau của gia đình Như, anh ấy phủi hết những kỷ niệm đẹp của hai đứa. Có lẽ anh ấy xem thường gia đình Như lắm, Duy ạ! Ở thành phố chẳng có gia đình nào như thế cả!
Rõ ràng Duy thấy tình yêu của Quân dành cho Như ít quá, ích kỷ và nhỏ nhen quá, chỉ một chút thôi mà không chiến thắng được cái tôi, cái tự kiẹu trong lòng mình. Đáng lý anh phải biết chia sẻ và cảm thông cho Như, anh phải biết trong cái vẻ bất cần đời của Như kia là sự cô đơn khủng khiếp, là cái vỏ bọc xù xì đang chứa một trái tim yếu đuối, sao anh chỉ hiểu quá giản đơn, anh tưởng Như quá đủ đầy nên bất cần đời hay sao? Nông cạn quá Quân ơi!
Như tựa đầu lên vai Duy, tựa một cách tự nhiên và bình yên. Như cũng đang tìm nơi để bấu víu, sau nhưng mệt mỏi tìm kiếm của đời mình. Ở cái tuổi lỡ thì con gái, Như thấy mình quá chênh chao.
Duy choàng tay qua vai Như, để kéo Như về gần hơn nữa, để Như khóc, khóc sau chín năm xa nhau, sau chín năm chạy trốn, sau chín năm hi vọng nhưng không có sự đổi thay. Duy vẫn đang cố gắng làm cho Như tin rằng cuộc sống còn nhiều lắm những người đáng tin cậy. Duy muốn làm điểm tựa cho Như suốt cuộc đời này.
Nhưng có phải cuộc sống lúc nào muốn cũng được đâu, Duy muốn nhưng Như không muốn, vì lúc nào Như cũng muốn thoát khỏi cái làng nhỏ bé này. Dẫu khi xa, Như nhớ mùi khói chiều, mùi sương sớm, mùi lá thông... Vì khi sống, Như buộc phải đối mặt với những nổi đau của mẹ, như không còn đủ can đảm để nhìn mẹ héo hắt từng ngày trôi qua như thế nữa.
Rồi Như đi. Cầu nối giữa hai người chỉ là những bức thư, kể về những chuyện xảy ra trong làng. Duy như một ký giả, viết hết lại những gì xung quanh, để gửi cho Như.
Ba tháng sau kể từ ngày Như đi thì thằng Ninh, em trai Như bị bắt. Vì tội giết người. Cùng bị bắt với nó có thằng Hiệp con ông Tư Quắn và mấy đứa khác nữa.
 
6.
Thằng Ninh đi bụi ngay sau cái hôm nó trói cha nó rồi quăng lên giường, không mở trói cho đến hết đêm. Nó không biết rằng sáng hôm sau, khi nó đi rồi, mẹ nó vừa khóc vừa cởi trói cho cha, thì cha nó đã đánh mẹ nó ngã chúi nhụi với lời mắng nhiếc là bà đã dạy con thế đó hả? dạy thế hay sao? sao không dạy nó giết tôi đi?
Nó đi với thằng Hiệp con ông Tư Quắn, chính nó đã tham gia vào vụ mấy lần đánh ông Tư Quắn gãy chân. Nó cũng tính, lúc nào thấy cần thiết, nó cũng làm thế đối với cha mình. Nhưng nghĩ, dù sao ông cũng chưa ác bằng cha thằng Hiệp. Nên thôi.
Như biết tính thằng Ninh, nó là đứa không giống hai người anh, không cam chịu, nó phản kháng bằng cách rất cực đoan. Mới học lớp tám đã bỏ, không chịu đến trường nữa, nhà trường gửi giấy mời phụ huynh nó xé bỏ ngay trước mặt thầy hiệu trưởng, thầy đã tát cho nó bạt tai. Nó hầm hầm chỉ vào mặt thầy "thầy ra đường nhớ ngó trước ngó sau!" rồi bỏ đi, nghe sau lưng vọng theo "đồ mất dạy", nó nhếch mép cười, có ai dạy tôi đâu mà mất!
Nó sống ngoài thị trấn cùng với nhóm bạn bụi đời, đêm đêm đam mã tấu, dao găm, dao bấm múa sáng loáng đường quốc lộ làm kinh hãi người đi đường. Buồn buồn thì...chém ai đó chơi, nhìn thấy ai đi đường có cái mặt nghênh nghênh tỏ ra không sợ ai thì tụi nó chém cho vài nhát. Quốc lộ dần dân trở thành con đường dành cho xe ô tô đi qua, không một ai dám ra đường vào ban đêm, học sinh cũng không dám đi học thêm nữa. Ban đêm, thị trấn chịu sự "thống trị" hoàn toàn của bọn cướp nhí này. Công an ở thị trấn chẳng làm được gì bọn chúng. Mà chẳng riêng gì công an thị trấn, cả cái huyện này, chẳng có anh công an nào làm việc đúng chức trách của mình cả, dân kêu cứu bằng điện thoại thì không nghe, chờ dân lên tận nơi, trao phong bì tận tay mới gật đầu làm vài việc lấy lệ thôi. Vì vậy nên giang hồ mới lộng hành.
Hàng tháng, thuế vụ đến thu thuế, Duy bực bội hỏi thuế mấy anh dùng để làm gì? chúng tôi nuôi các anh mà đến một nhóm nhóc con như thế lộng hành ngoài phố các anh cũng chịu thua, cũng chẳng màng ngó tới? Nói xong thì thấy cũng chẳng được gì, nói cho đỡ tức, vậy thôi. Mẹ Duy la, sao nói năng lung tung lần sau tụi nó lại làm khó dễ chuyện buôn bán của mình.
Từ ngày nhà Duy thuê một căn nhà ngoài thị trấn để buôn bán, ba Duy không còn nấu rượu nữa, chuyển sang trồng cây kiểng và mua bán chậu hoa, hình như ba già rồi, cái lam lũ tất bật của ngày xưa dần dần mất đi, thay vào đó là sự thư thái của tuổi già, khi mà mức sống được cải thiện dần, thì điều đó tốt hơn cho những người nông dân như ở quê Duy.
Có lần Duy gặp thằng Ninh, bảo chị Như hỏi thăm em, nó ngồi thật lâu, rồi sực nhớ điều gì, nó bảo "anh nói với chỉ là nếu chỉ có lấy chồng, em cho tiên mướn một ông già nao đó làm cha đứng ra làm lễ cho chỉ, đừng để cha em đứng trước hai họ làm việc đó, nhục lắm, chắc gì ổng nói ra câu nào cho có ngô có khoai". Cặp mắt thằng Ninh lúc đó trừng trừng sự căm hận, sự già đời trong một con người háo thắng bùng dậy dữ dội.
Lúc ấy, Duy không dám nói câu này cho Như nghe, nên Như mới đưa Quân về nhà, nên Như mới khóc trên vai Duy chiều hôm ấy. Những giọt nước mắt còn nóng hổi trên vai Duy.
Trong máu của cha Như có con "ma men" thống trị, nên chuyện phải thay đổi và làm lại cuộc đời như nhiều người khác là điều rất khó làm. Như biết điều đó, nhưng Như cố gắng hi vọng, vi dẫu sao, một lễ cưới vẫn cần có đủ cha lẫn mẹ.
Thằng Ninh thì bất cần, bạn bè có thân hơn gia đình, đường phố là nhà. Nó không cần ai torng gia đình ấy, nhưng ai cần đến nó, nó sẽ làm hết mình. Nó sòng phẳng một cách lạnh lùng. Cũng đúng thôi, gần hai mươi năm tuổi thơ của nó, có ngày nào nó được dạy là phải sống yêu thương? Sách vở trên trường không vào được đầu nó, vì tình cha con, tình vợ chồng, cha nó đã thể hiện bằng đòn roi.
Vào cái đêm ông tư Quắn, cha thằng Hiệp về nha, ông lén lút chui từ cửa sau. Tụi nó đang nhậu trong nhà, ngôi nhà ấy bây giờ là của bọn nó, là chỗ ngủ qua đêm của băng nhóm này. Ông Tư tìm lục cơm nguội dưới bếp, không may bị rơi cái nắp nồi. Tụi nó xuống xem, ông vội vàng bỏ chạy, tụi nó rượt theo nhưng trời tối mà đứa nào cũng ngà ngà say nên chỉ rượt một đoạn rôi nó quay về, ngôi nhậu tiếp.
Đến khi không con rượu và mồi nữa chúng kéo nhau ra thị trấn "làm ăn", cuộc sống của chúng, giang sơn của chúng là ở đó. Hôm ấy, tụi nó a thì gặp một nhóm thanh niên chừng 5, 7 đứa chạy xe máy rê rề ngoài đường, có lẽ tụi này từ nơi khác đến nên không biết ở đây có một băng cướp nhí thường ra tay rất dã man. Tụi thằng Ninh ao ra gây sự, mấy đứa kia thất thế, bỏ chạy, nhưng có 3 đứa không thoát được, đã bị tụi nó chém cho tới chết. Bỏ xác ba nạn nhân nằm đó chúng lấy xe và tất cả tư rang đem đi tìm chỗ nhậu tiếp.
Ngay đêm hôm sau, khi chúng chuẩn bị "xuất quân" thì công an tỉnh đã mai phục trước, bắt gọn nguyên nhóm.
Nếu công an huyện và công an thị trấn có trách nhiệm thì tụi nó đã bị bắt ngay hôm gây án chứ không đợi đến hôm sau, vi tụi nó đâu có trốn, vẫn nhởn nhơ ngoài đường phố thế thôi. Nghe đâu sau đó, một số công an cấp huyện trở xuống bị cách chức. Xóm làng như mở cờ, vui như hội. Chỉ có mẹ Như là héo hắt thêm.
Người ta nói tội của thằng Ninh nhẹ cũng 20 năm vì đó là tội giết người cướp của. Cũng may nó không phải là chủ mưu, chủ mưu như thằng Hiệp sẽ lãnh án tử hình.
Giá như bọn chúng có những ngươi cha tốt, những người cha không uống rượu, không vũ phu, lo làm ăn thì chúng đã không hận đời, không chém những nháat dao lạnh lùng vào người khác. Chính cha chúng đã đánh, giết những người trong gia đình không thương tiếc, kể gì người dưng, vài người dưng chết dưới tay bọn nó thì có sao đâu?
Chính bọn nó đã nói như hế tong phiên xử, nói tước tòa. Thằng Hiệp nói nếu ngày xưa, mấy lần cha nó đánh mẹ nó, mấy chú công an chịu đến cứu thi nó đs4 bình an, nó không phải khổ sở nghĩ cách tự cứu mình rồi gây ra thảm họa như bây giờ. Các anh công an xung quanh đứng im lặng, dửng dưng, ừ, ngày xưa, nó có gọi cho mình đâu.
Duy đứng phía sau, nhin thằng Ninh nhỏ thó đứng trước vành móng ngựa, mà lòng đau như cắt, cũng may Như không về, Như không thấy cảnh này, gia đình Như cũng không ai đến. Mẹ Như đã lên cơn sốt từ tối hôm qua, đến sáng nay vẫn không nhấc đầu lên nổi. Bà đang gọi mấy đứa nhỏ đưa mẹ lên tòa, mẹ muốn gặp thăng Ninh, mẹ muốn gặp nó coi nó có bị người ta đánh nhiều không? Ninh ơi!...
Thằng Hiệp bị án tử hình, thằng Ninh án chung thân, án tuyên nặng nề, dưới hàng ghế phía sau có những tiếng thở phào xen lẫn tiếng khóc. Thằng Hiệp không biết ngay sau hôm nó bị bắt, cha nó trở vê, sống đàng hoàng trong ngôi nhà ấy, mà không thấy anh công an nào đến trói bắt ông đi.
7.
Dù ông Tư Quắn không bị pháp luật trừng trị, thì những bóng ma của vợ ông, của các con ông cứ lẩn quẩn mãi. Đâu chừng nửa tháng kể từ ngày thằng Hiệp bị tuyên án tử hình, ông cũng kết thúc đời mình bằng chai thuốc diệt cỏ.
Cha Như cũng bừng tỉnh sau mấy mươi năm, ông chặt phăng hai ngón tay thề sẽ cai rượu.
Như hỏi Duy có thể tin điều này được không?
Cuộc sống vẫn tiếp diễn nơi ngôi làng nhỏ ven đồi ấy, vẫn có những người phụ nữ chịu thương chịu khó, vẫn có những người đàn ông biết yêu thương vợ con, cũng có những người đã, đang và sẽ bị "ma men" dẫn lối đi về. Đó là cuộc sống, Như à, ai trở về thì hãy đón nhận, cho người khác một cơ hội nghĩa là cho mình một cơ hội.
Như hiểu, Như vẫn thèm được nằm trên lá thông, thèm đươc ngửi mùi khói làng. Và cũng nhớ lắm bờ vai vững chải của người đàn ông đang chờ đợi Như nơi ngôi làng này.
 
TPHCM, Tháng 4/2008
Nguyễn Anh Đào

Xem Tiếp: ----