Chương 1

Thục Uyên lay người ông Phúc thật mạnh:
– Ba ơi! Cứu con đi ba!
Ông Phúc thản nhiên bưng tách trà uống từng ngụm nhỏ, ông hỏi:
– Con có làm sao đâu mà bảo ba cứu?
Thục Uyên càng lay mạnh hơn:
– Trời ơi! Đại họa đến nơi rồi mà ba còn bảo không sao. Bà nội sắp đem con lên “đoạn đầu đài” rồi ba ơi.
Ông Phúc suýt sặc khi Thục Uyên vừa dứt lời:
– Con bảo sao?
Thục Uyên chưa kịp đáp thì Thành Lộc ngồi gần đó chen vô:
– Chị Hai nói quá đó ba! Bà nội chỉ bảo chị Hai chuẩn bị để tuần tới người ta đến coi mắt coi mũi gì đó thôi, chứ có làm gì chỉ đâu.
Thục Uyên quay phắt lại nhìn em:
– Em im đi, con nít con nôi biết gì mà nói!
Thành Lộc xụ mặt ngồi im. Lớn hơn người ta có hai tuổi mà lúc nào cũng lớn lối. Thiệt tình!
Ông Phúc đặt tách trà xuống bàn:
– Sao ba không nghe nội nói gì cả?
Thục Uyên giãy nảy:
– Chờ nội nói thì lúa đời con rồi còn gì. Ba ơi! Ba cứu con lần này đi ba! Lâu nay, nhất nhất cái gì con cũng nghe nội. Nhưng lần này trời có đánh thì con chịu chứ con không nghe lời nội nữa đâu.
– Được rồi, không việc gì phải cuống lên như thế. Giờ con muốn ba cứu con bằng cách nào đây?
Thục Uyên buông gọn:
– Ba cho con vào Sài Gòn học nghen ba?
Ông Phúc giật mình:
– Bớt giỡn đi con gái, mới sáng sớm ba không thích đùa đâu. Đùa như thế, ba ăn sáng chẳng ngon chút nào.
– Con nói thật chứ không đùa! Ba đồng ý nghen ba!
– Ba nghĩ con quên ý tưởng đó đi. Con gái một thân một mình, ba không muốn cho con đi xa. Hơn nữa, mẹ con mà nghe được sẽ xỉu cho xem.
Thục Uyên nài nỉ:
– Con vô đó đâu có một,mình, còn chú Hải trong đó nữa chi. Với lại, thiên hạ đi hà rầm mà có sao đâu. Ba ừ đi ba!
– Gì mà mới sáng sớm đã bắt ba ừ với gật vậy, Thục Uyên?
Tiếng bà Ngọc vang lên làm Thục Uyên giật mình quay lại:
– Mẹ làm con giật cả mình, cứ tưởng là nội:
Bà Ngọc thong thả ngồi xuống ghế:
– Con chưa trả lời câu hỏi của mẹ.
Thục Uyên vò vò chéo áo:
– Con xin ba vào Sài Gòn học.
Bà Ngọc ngồi lặng một lúc lâu rồi hỏi:
– Mẹ có thể biết lý do vì sao không? Ở đây đâu có thiếu trường học đại học.
– Con... ba nói giùm con đi ba!
Bà Ngọc nghiêm giọng:
– Mẹ muốn con trình bày rõ ràng lý do. Nếu là lý do chính đáng thì mẹ chấp nhận. Còn không thì tốt nhất ngay từ bây giờ con hãy quên ý định vào Sài Gòn học đi.
Hết cách, Thục Uyên đành nói thật lý do. Nhìn đôi lông mày của mẹ cau tít, Thục Uyên điếng hồn chẳng dám nhìn lên. Bưng tách trà thong thả nhấp từng ngụng nhỏ, bà Ngọc hỏi:
– Vậy mẹ hỏi con, con nghe lời nội học nấu ăn có hại gì cho con không?
– Dạ không!
– Thế con nghe lời nội đi học đàn có hại gì cho con không?
– Dạ không!
– Thế...
– Thôi mẹ đừng có nói nữa! - Thục Uyên ngắt lời - Chuyện đó với chuyện này là hai chuyện khác nhau, sao mẹ có thể đem nhập vào được. Nói tóm lại, giờ hoặc là mẹ chợ con đi học, hoặc là con đi... bụi, chứ nhất định con không nghe lời nội nữa đâu.
– Con... Thôi được, mẹ sẽ thuyết phục bà cho con đi học. Nhưng mẹ có điều kiện cho con. Suy nghĩ cho kỹ rồi hãy quyết định. Cố hết sức nhét cái valy to quá khổ của mình vào gầm ghế. Thục Uyên quẹt mồ hôi trán:
– Mệt quá đi mất? Biết thế mình đã không tự ái, để tài xế đưa đi có phải hơn không. Thiệt là trăm sự chỉ tại cái thằng Lộc mà ra.
Ngồi phịch xuống cái ghế ghi số đúng với vé xe Thục Uyên thỏ nhẹ. Sau bao đêm trằn trọc với điều kiện của mẹ cô đã quyết chí ra đi với lời hứa bốn năm theo học đại học đều phải đạt điểm tuyệt đối, không được phép nợ lại môn nào, không được quậy phá (cái này thì hơi quá đáng làm như Thục Uyên này là... khỉ hổng bằng) và những điều khoản linh tinh đi kèm, nếu vi phạm cái gì thì ngay lập tức bị “gô cổ” lôi về quê và gả chồng không thương tiếc. Bao nhiêu là điều khoản linh tinh, mẹ ghi một tờ giấy dài còn hơn cá sớ Táo Quân, có trời mơi biết trong bốn năm đó Thục Uyên cô tránh được không.
Thôi thì một liều ba liều bảy cũng liều, trước mắt cứ tránh được ngày nào hay ngày đó. Mới ngồi chưa ấm chỗ thì cái “lướt nh tài hoa” reo vang trong chiếc ba lô hình con cóc đeo phía sau lưng. Thục Uyên làu bàu trướt khi mở máy:
– Lại bắt đầu chiến dịch kiểm soát từ xa đây!
– Lẩm bẩm gì đó nhóc con?
Tiếng ông Phúc vang trong máy. Thục Uyên reo nhỏ:
– Là ba hả? Con tưởng mẹ. Ba đang ở cơ quan à? Hỏi thừa rồi đó con gái! Số máy cơ quan của ba trên màn hình điện thoại con đấy thôi.
– Con có nhìn đâu mà biết.
– Xe sắp chạy chưa con?
– Dạ, sắp rồi ba.
– Ba đã gọi điện nhờ chú Hải ra đón con rồi. Trên đường đi, con nhớ đừng tắt máy nhé.
– Vâng! Ba là ông ba tuyệt vời của mọi thời đại đấy. Con thương ba lắm.
– Ba cũng rất thương con. Giữ gìn sức khỏe và học cho tốt con nhé.
– Vâng. Con chúc ba khỏe. Con đi nha ba?
Chiếc xe từ từ chuyển bánh rời khỏi bến mang theo cô học trò Tôn Nữ Thục Uyên rời xa đất cố đô, nơi có những đền đài lăng tẩm, nơi mà mỗi khi mùa mưa về thì mưa cứ kéo dài ngày này qua ngày khác làm se thắt lòng người.
Sài Gòn.
Ồn ào và khói bụi, hình như đó là nét đặc trưng của thành phố này. Bước xuống xe Thục Uyên khẽ nhăn mặt. Ồn ào và xô bồ thế này thì biết tìm chú Hải ở đâu. Đang kéo chiếc valy to tướng của mình xuống thì có tiếng reo nhỏ phía sau lưng.
– Uyên! Thục Uyên, cháu phải không?
Thục Uyên quay lại và reo lên mừng rỡ:
– A, chú Út! Cô cả thím Út nữa! Sao chú thím biết con đi xe này mà ra đón hay thế?
– Ba con gọi điện nói cả số xe cho chú biết. Chú thím ra từ năm giờ sáng đến giờ đấy Thục Uyên làu bàu:
– Ba kỳ ghê! Con biết nhà chú thím mà, để con đi xe ôm hay taxi đến cũng được mà.
Đỡ cái ba lô phía sau cho cô, bà Phượng mắng yêu cô cháu gái:
– Có cháu mới kỳ, nhà có xe không chịu, để tài xế đưa đi, lại đi xe đò cho khổ. Tội đó thím còn chưa tính ở đó mà kỳ với cọ.
Ôm lấy tay bà, Thục Uyên nhõng nhẽo:
– Thôi mà má Phượng! Con bị quản thúc bao nhiêu năm rồi. Lần này có dịp, má phải để con tự do một tí chứ.
Bà Phượng véo mũi cô:
– Chỉ được cái dẻo mồm, nhõng nhẽo là giỏi thôi. Mau ra xe về nghỉ ngơi, mệt lắm hả con?
Thục Uyên cười toe:
– Không mệt một chút nào, sức trẻ mà má!
Ông Hải bây giờ mới lên tiếng:
– Hai thím cháu có chịu về không thì bảo này?
– Về chứ ở đây làm gì. Ra nhanh! Không thôi, thằng Khang nó ngồi nãy giờ trong xe, chắc mặt nó bây giờ chắc khó coi lắm đó.
– Ô la la! Có cả Phú Khang đi đón con nữa à? Hóa ra hôm nay con là nhân vật đặc biệt rồi. Chắc là hắn ra trường rồi phải không thím?
– Ừ, hắn ra trường được hai năm, giờ đang làm trợ lý cho ba hắn.
Thục Uyên líu lo:
– Nhớ hồi nhỏ đi chơi với nhau, hắn chọc con mãi. Không biết phải làm sao, con liền méc thím, thế là hắn bị mấy cây vào mông.
Năm năm rồi con không gặp hắn, không biết hắn còn nhớ “thù xưa” không?
– Đương nhiên là không rồi, vì hắn đâu có nhỏ mọn như bà chị hắn đâu.
Thục Uyên giật mình nhìn lại nơi phát ra tiếng nói cô kêu lên:
– Phú Khang! Sao chừ mi cao lớn dữ rứa? Quả thật, Phú Khang bây giờ so với năm năm trước thật khác xa. Giờ anh cao lớn khỏe mạnh lại rất điển trai.
Đáp lại câu nói của Thục Uyên là Phú Khang nhìn từ đầu đến chân Thục Uyên rồi phán:
– Chà! Không ngờ bà chị mít ướt năm nào giờ lại xinh như thế.
Thục Uyên hỉnh mũi:
– Đương nhiên rồi, hoa hậu đất cố đô mà lị!
– Trời trời! Mới nghe người ta khen nịnh một câu thì phồng mũi lên rồi. Cần “tui” cho mượn gương không, mũi bà chí ít lắm cũng bằng quả cà chua rồi đấy.
– À, thì ra mi vẫn chứng nào tật nấy! Thật là “sông núi dễ dời, bán tính khó đổi”. Nhưng lần này ta khỏi nhờ thím, tự tay ta có thể xử mi ngon lành.
Nói dứt lời, Thục Uyên rượt Phú Khang chạy lòng vòng quanh xe, miệng la chí chóe. Ông Hải quay sang bà Phượng, lắc đầu:
– Rồi đây hai đứa nó giành ăn cãi nhau ầm ĩ, em tha hồ mà làm “trọng tài”.
nhé.
Bà Phượng nắm tay Thục Uyên lôi tuột lên lầu:
– Con lên đây, thím đã chuẩn bị phòng cho rồi, con xem có thích không!
Đó là một căn phòng rộng với đầy đủ tiện nghi một cái giường Hồng Kông thật đẹp. Bàn học, kệ để sách vở, kế bên là một dàn máy vi tính mới toanh. Góc phòng còn thêm một cái tủ lạnh nhỏ. Phóc một cái, Thục Uyên đã tót lên giường. Cô nheo mắt:
– Con phải trả bao nhiêu tiền cho căn phòng đạt tiêu chuẩn như phòng trongkhách sạn năm sao này đây.
Bà Phượng lườm yêu cô cháu gái xinh xắn dễ thương mà bà xem như con ruột. Cười cười bà nói:
– Thím tính rẻ lắm, con cứ ở đây cho đến lúc con lấy chồng để về Huế nữa là được.
Thục Uyên nhăn mũi:
– Liệu thím có chịu nổi tính nghịch phá của con không mà giành con với ba mẹ con vậy.
– Con nghịch bao nhiêu thím cũng chịu được.
Không biết nói sao Thục Uyên nhủi vào lòng bà:
– Ôi, má Phượng! Con thương má lắm. Bà Phượng vuốt ve mái tóc dài óng mượt của cô cháu gái mà bà thương như con đẻ. Bà luôn mong ước có một cô con gái. Nhưng sau khi sinh Phú Khang, sức khỏe của bà không cho phép bà sinh nữa. Dòng họ Tôn Thất, ai cũng sinh con trai cả. Chỉ mỗi gia đình anh cả của chồng bà là sinh được con trai lẫn con gái. Điều mà thiên hạ vẫn đùa rằng “cá nếp lẫn tẻ”.
– Nhưng má Phượng nè... - Thục Uyên ngọ nguậy lên tiếng:
– Gì hả con?
Thục Uyên ngập ngừng:
– Con định xin má cho con vào... ký túc xá ở.
Bà Phượng nhỏm dậy rắn giọng:
– Không bao giờ! Con hãy quên cái ý tưởng ngông cuồng đó đi!
Thục Uyên gãi tai:
– Ngông đâu mà ngông, là con nói thật đó!
Bà Phượng lừ mắt:
– Thật giả cái gì! Má không thấy ai như con cả, có nhà cửa đàng hoàng không ở, lại đòi vô ký túc xá. Ở trong đó xô bồ phức tạp lắm, con biết không.
– Chính vì nó xô bồ phức tạp mới giúp con trưởng thành hơn chứ má.
Bà Phượng gạt phắt:
– Không có trưởng thành trưởng thiết gì cả! Nói tóm lại một câu là con phải ở nhà, không được phép đi đâu cả.
– Má...
– Gì mà má tía đó nhóc con?
Ông Hải từ ngoài cửa bước lên tiếng hỏi. Thục Uyên chưa kịp trả lời thì bà Phượng đã sụt sịt lên tiếng:
– Đó, anh xem, hết con rồi đến cháu, đứa nào cũng muốn bỏ em mà đi cả.
Xoa nhẹ vai bà, ông ngạc nhiên:
– Đi? Mà đi đâu?
Bà Phượng vùng vằng:
– Đó anh hỏi nó xem, nó đòi vô ký túc xá ở kìa.
Ông Hải giật mình:
– Cái gì! Nhóc con bớt giỡn đi nha, có muốn chú mách mẹ cháu không?
– Chú...
– Im! Chú chú cái gì! Lo tắm rửa đi rồi ăn cơm. Con mà còn lên tiếng nữa là chú dùng roi mây đét vào mông bi giờ.
Thục Uyên tiu nghỉu như mào bị cắt tai. Thế mới nói cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Buổi chiều đang nằm dài trên giường rầu rĩ thì Phú Khang xuất hiện. Nhìn hắn cứ ló hụt ngoài cửa, sẵn đang bực mình Thục Uyên vớ lấy cái gối ném vèo ra. Phú Khang chụp lấy la lên:
– Ê, tui phản đối chủ nghĩa bạo lực ghen!
Thục Uyên bật người dậy trợn mắt:
– Ê a cái gì! Tội mi cứ lấp ló ở cửa, vớ phải cục đá ta cũng ném nữa là.
Phú Khang sà xuống bẽn giường, cười toe:
– Tại tui tưởng bà ngủ.
– Ngủ cái đầu mi! Mặt trời sắp lặn còn ngủ nghê gì nữa.
Phú Khang rủ rê:
– Vậy bà đi chơi không, tui chở đi.
– Đi chơi ở đâu giờ này?
Phú Khang sôi nổi:
– Giờ tui tính thế này. Bà thay đồ đến sân tennis đánh một lúc rồi về, tắm rửa ăn cơm xong, tui sẽ chở bà đi lòng vòng uốn cà phê.
Nghe hấp dẫn đấy! Nhưng tui không mang đồ thể thao theo, không lẽ tui bận quá Jeans áo pull đến sân tennis?
Phú Khang thở phào:
– Tưởng gì! Tui chở bà đi sắm là ổn chứ gì.
Hai người rời khỏi nhà bằng chiếc SH cáu cạnh của Phú Khang. Ghé vào shop bán dụng cụ thể thao, Thục Uyên chọn một bộ màu trắng. Lúc đến sân, Phú Khang nheo mắt nhìn Thục Uyên:
– Tui quên hỏi bà có biết đánh tennis không?
Thục Uyên vênh mặt:
– Chỉ thua tuyển thủ quốc gia thôi.
Phú Khang nhăn mày:
– Bà không thể khiêm tốn một thút được sao?
– Mi nói vậy là sao?
Phú Khang làu bàu:
– Còn sao nữa, lân trước khen bà đẹp thì bà bảo là hoa hậu đất cố đô. Lần này hỏi bà có biết đánh tennis không thì bà bảo là chỉ thua tuyển thủ quốc gia.
Hình như trong đầu bà chắng có chút khái niệm nào về sự khiêm tốn cả.
Thục Uyên lườm Phú Khang một cái dài ngoằng rồi nói:
– Thực tế là vậy mà.
Và quả thật Thục Uyên nói không ngoa cô đánh rất giỏi, tuy thể lực không bằng Phú Khang nhưng cô có thể cầm cự với anh nhờ tốc độ.
Vớ cái khăn lau những giọt mồ hôi trên cổ, Thục Uyên nói:
– Nghỉ thôi! Lâu rồi không đánh, giờ đánh lại mệt quá.
Phú Khang cũng thở dốc:
– Ờ, nghỉ tí rồi về. Mệt quá...
Buổi tối, cả nhà ăn cơm xong. Phụ chị Mười dọn dẹp chén bát, Thục Uyên lại dán mắt vào màn hình tivi xem chú Lùn Hugô thì Phú Khang khều nhẹ vai:
– Ê, thay đồ rồi đi chơi chứ!
Thục Uyên đáp mà mắt cứ dán vào tivi – Ờ để xem hết cái này rồi đi.
Phú Khang đẩy vai cô:
– Thôi đi, to đầu lớn xác rồi mà còn mê ba cái trò dành cho con nít. Mau đi thay đồ đi bà chị:
Để không phải mang tiếng là con nít. Thục Uyên đành miễn cưỡng đứng lên, tuy trong lòng có chút ấm ức vì game đang tới hồi gây cấn.
Nơi họ đến là một quán bar lớn nhất nhì thành phố. Phú Khang cho xe vào bãi nói:
– Đây là trong những quán bar nổi tiếng ở thành phố đấy.
Thục Uyên bĩu nhẹ môi nói:
– Nổi tiếng nhờ gái nhảy đẹp và thức uống ngon.
Phú Khang nhún vai cười:
– Có lẽ là cả hai.
Hai người len lỏi đến gần quầy bar, ngồi chưa ấm chỗ thì gần đó xảy ra chuyện ẩu đả. Phú Khang dợm đứng lên thì bị Thục Uyên giữ lại:
– Mặc kệ họ!
– Nhưng...
Thục Uyên điềm đạm:
– Có nhiều cách giải quyết vấn đề mà không phải dùng nấm đấm. Chúng ta về thôi.
Hai người vừa lấy xe ra khỏi bãi thì cảnh sát cũngvừa đến. Phú Khang nhìn Thục Uyên – Là chị gọi phải không?
Thục Uyên giục!
– Đi thôi, phần còn lại để họ lo.
Phú Khang lên xe đề máy, trước khi xe chạy anh nói:
– Chắc gì họ đã giải quyết được.
Nhưng ít ra khi có họ thì chỉ có bấy nhiêu người đó choảng nhau, còn nếu chúng ta xông vào can thiệp thì cả cái bar sang trọng đó sẽ thành bãi chiến trường ngay.
– Vậy lúc ở Huế, chị cũng hay đi lắm à?
– Không đi đâu cả. Chỗ của ta đến là nhà sách, câu lạc bộ thể thao. Mấy cái quán bar xô bồ phức tạp này không có chỗ cho ta. Hơn nữa, mi cũng biết “lão phật gia” rất chi là khó tính. Ta mà vào mấy chỗ như vậy, mi nghĩ ta còn sống nổi đến hôm nay không.
Phú Khang nhăn mày:
– Chị có nói quá không! Mọi lần em vào thấy nội cũng dễ chịu lắm mà.
– Thì đúng rồi, nội chỉ dễ chịu với đám cháu trai mà theo nội thì “chẳng có gì để mất”. Còn cháu gái thì...
Thục Uyên thở dài đánh thượt - Nội quản còn hơn là người ta quản tù binh.
Phú Khang quay nhìn Thục Uyên:
– Có một chuyện em quên nói. Nếu về mẹ em có hỏi đi đâu về thì chị đừng nói là đến quán bar nghen.
Thục Uyên nhướng mắt:
– Sao? Cậu cả mà cũng biết sợ à?
– Với em thì không sao, nhưng với chị thì gay đấy. Nếu mẹ em biết được thì lần sau đừng hòng mẹ em cho chị đi với em. Mà em thì không muốn giấu bà chị xinh đẹp của mình ở nhà.
Thục Uyên hỉnh mũi:
– Cuối cùng rồi mi cũng thừa nhận là ta xinh đẹp.
Phú Khang nhăn mày:
– Thế mới nói bà chị không biết khái niệm khiêm tốn là gì.
– Nhưng sự thật là vậy mà.
Phú Khang phì cười. Thật hết nói nổi bà chị của anh.
Mới sáng tinh mơ, bà Cầm đã thét gọi:
– Nguyên, Vũ Nguyên, HoàngVũ Nguyên!
Tức thì một chàng trai đầu bù tóc rối, mắt nhắm mắt mở tuôn xuống cầu thang:
– Dạ, mẹ gọi con ạ!
Bà Cầm ném xấp báo xuống trước mặt anh, giọng rít lên đầy giận dữ.
– Đấy con xem đi, đẹp mặt chưa! Đường đường là một tổng giám đốc tập đoàn thương mại lớn nhất nước mà đi uống rượu, giành gái, đánh nhau, đẹp mặt chưa?
Vũ Nguyên cầm sấp báo trên tay, đám phóng viên này công nhận là lanh tay lẹ mắt thật, họ gọi anh nào là “đại công tử họ Hoàng”, “ông Hoàng của các quán bar”, rồi thì “đại thiếu gia” ôi thôi đủ cả. Riêng Thời báo Kinh thế thì chạy một hàng tít lớn ô trang bìa “Tập đoàn thương mại Hoàng Vũ có thật là tập đoàn lớn nhất nước hay chỉ là một thùng rỗng kêu to”.
Vũ Nguyên buông người xuống ghế giọng thản nhiên:
– Ôi, chỉ là những tin vịt của mấy tờ báo lá cải, mẹ quan tâm làm gì.
Bà Cầm đập tay xuống bàn ly tách nẩy lên khua rổn rảng:
– Con còn nói không, tập đoàn “Hoàng Vũ” bao nhiêu năm danh tiếng lẫy lừng. Con thử nhìn lại xem, từ ngày con lên nắm quyền điều hành thì bao nhiêu tai tiếng xảy ra uy tín của tập đoàn vì thế mà cũng giảm sút theo.
– Mẹ à! Con sống cho con chứ không sống vì dư luận. Dư luận không cho con cơm ăn áo mặc ngày nào thì tại sao con phải quan tâm nhỉ?
Bà Cầm giận run:
– Con còn dám nói như vậy sao. Ngày trước, ba con lo làm ăn chí thú chứ không như con bây giờ. Nếu ngày trước, ba con mà như con thì có đem tới hai mươi xe vàng chắc gì mẹ đã đồng ý lấy ông ấy. Còn con, mẹ cho con biết nếu con cứ sống như vậy thì mẹ lập tức thay tổng giám đốc mới, toàn bộ tài sản mà bao nhiêu năm qua ba mẹ gầy dựng sẽ đem làm từ thiện.
Sẵn chiếc kéo trên bàn, bà Cầm chụp lấy rồi nắm đầu Vũ Nguyên, bà Cầm đưa kéo lên khiến Vũ Nguyên la chói lói:
– Mẹ! Mẹ làm gì vậy? Nội ơi, nội cứu con!
Gì mà mới sáng sớm đã la om sòm vậy thằng quỷ con?
Tếng bà Kim vang lên phía cầu thang.
Vũ Nguyên càng la lớn:
– Nội mau cứu con đi, mẹ muốn cạo đầu con kìa!
Bà Kim điềm đạm lên tiếng:
– Má thằng Nguyên bình tĩnh lại đi, chuyện đâu còn có đó làm thế không hay.
Bà Cầm vẫn không nhân nhượng:
– Mỗi lần con dạy nó là má bênh, riết rồi nó sinh hư, sự nghiệp bao đời họ Hoàng gầy dựng sắp phá sản vì nó rồi má biết không?
Bà Kim ngắc ngứ:
– Thì... thì... má thấy nó ngoan lắm mà.
– Đến giờ phút này mà má còn bênh vựe cho nó. Từ nay, con mặc kệ. Má cứ lột da sống đời mà bao che cho nó.
Nói xong, bà Cầm lảo đảo té ngồi xuống ghế. Vũ Nguyên hoảng hồn đưa tay đỡ bà:
– Kìa mẹ! Mẹ không sao chứ?
Bà Cầm gạt tay anh:
– Anh tránh ra, tôi không có đứa con bất hiếu như anh.
Bà Kim đẩy chén trà về phía bà Cầm:
– Má thằng Nguyên bình tĩnh nghe nói mấy lời được không?
Thấy bà Cầm không phản ứng gì bà Kim điềm đạm cất tiếng:
– Má thấy con lo cho thằng Nguyên thế là đủ rồi. Giờ nó đã đủ lông đủ cánh, hãy để nó tự lực cánh sinh, tự chịu trách nhiệm về những việc nó làm, khôn thì nhờ, dại thì nó chịu. Má thừa nhận là má sai trong cách giáo dục nó. Nhưng hãy hiểu cho má, họ Hoàng nhà ta chỉ có nó là nổi trội về mọi mặt... - bà cười tủm tỉm tiếp lời cả khoản ăn chơi.
Vũ Nguyên lúng túng trong miệng:
– Vậy mà nội nói giúp con. Nội hại con thì có.
Bà Kim lừ mắt nhìn anh rồi nói tiếp:
– Giờ má cũng già rồi, má hứa với con từ nay nó làm gì mặc xác nó, má không can thiệp. Sức khỏe con không tốt, má nghĩ con cũng không nên quản chuyện của nó làm gì. Tội nó làm nó chịu, lớn rồi chứ có bé bỏng gì đâu. Nghe má lần này đi, má thằng Nguyên!
Bà Cẩm nhìn bà Kim, cất giọng mệt mỏi:
– Con xin lỗi má, lúc nãy con quá lời. Từ nay con sẽ nghe má. Nó làm gì mặc xác nó, con sẽ không quản nữa. Con hơi mệt, xin phép má, con về phòng.
Bà Kim nhìn con dâu dịu dàng:
– Con mệt cứ đi nghỉ đi. Má nhờ tụi nhỏ ép cho con ly nước trái cây.
– Con cám ơn má.
Bà Cầm vừa khuất dạng ở cầu thang thì Vũ Nguyên sờ đầu tóc kêu lên thống thiết:
– Trời ơi! Nội, nội xem còn gì là đầu tóc phong trần, nghệ sĩ lãng tử của con.
Bà Kim nghiêm mặt:
– Con còn than thở cái gì, tội con còn chưa tính.
Vũ Nguyên vô tư:
– Tội... con có tội gì đâu.
– Con... thiệt con làm ta tức chết đi thôi Vũ Nguyên cười hì hì:
– Nội đừng giận mà, con biết tội của con rồi.
Bà Kim nhìn anh nghiêm nghị:
– Nội muốn nói chuyện lần này thật nghiêm túc với con. Con lớn rồi phải biết nghĩ chứ. Bao nhiêu công sức họ Hoàng bỏ ra mới được như hôm nay.
Không lẽ con muốn thành quả này bị hủy hoại trong tay con. Ba con mất sớm, mọi gánh nặng gia đình nặng lên vai mẹ con, vừa nuôi con vừa chèo chống công ty cho khỏi bị phá sản. Các con chằng giúp đỡ được gì mà còn quậy phá. Để có được vị trí như ngày hôm nay, mẹ phải đổ hết bao mồ hôi nước mắt. Con không thấy tóc mẹ con đã điểm bạc rồi sao. Những gì cần nói nội đã nói hết, nghĩ gì là tùy con. Từ nay con muốn làm gì thì làm, việc của con, nội không dám quản nữa.
Nói xong, bà Kim đứng dậy bỏ đi. Còn lại một mìnhVũ Nguyên ngồi thừ người trên ghế. Quả thật gần đây sức khỏe mẹ anh có kém đi rất nhiều. Anh thật chẳng ra gì, khi để mẹ anh đã bạc đầu mà vẫn còn phải lo lắng cho anh.
Thành Nam cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn Vũ Nguyên làm anh phát cáu:
– Bộ mặt tao dính lọ hay sao mà mày soi kỹ thế thằng quỷ!
– Không trông mày lạ quá, mái tóc dài nghệ sĩ của mày đâu rồi? Mày làm tao suýt nữa nhận không ra:
Vũ Nguyên bật quẹt mồi thuốc giọng anh chán nản:
– Thôi, mày đừng có khơi lại vết thương lòng của tao chứ.
– Sao thế Nguyên thiếu gia?
Vũ Nguyên không trả lời mà hỏi lại:
– Mày có xem vụ rùm beng trên báo chí vừa rồi không?
– Có mà sao?
– Nguyân nhân cũng từ đó mà ra đấy.
– Mày nói rõ ra xem nào, cứ dài dòng văn tự cho tốn... hơi.
Vũ Nguyên thở ra cái khì đáp:
– Thì tại cái vụ lộn xộn đó nên “mẫu hậu” tao bực mình, nên sau khi thuyết giáo một lần liền vớ lấy cái kéo, “xoẹt” một phát mái tóc dài nghệ sĩ của tao thế là đi tong.
Thành Nam cười rung cả ghế:
– Ăn chơi đến độ bị cạo đầu thì đúng là chỉ có Nguyên thiếu gia thôi.
Vũ Nguyên trợn mắt cãi:
– Mắt mày có bị lác không đó, tao cạo đầu hồi nào? Đây là đầu đinh ba phân “moden” mới nhất đó mày.
Thành Nam vẫn chưa nín cười:
– Giống như quả sầu riêng Long Thành, nhìn lởm chởm thấy ớn.
Vũ Nguyên đá mạnh vào chân ghế:
– Ê! Thằng quỷ tao mời mày đến đây uống cà phê chứ không phải để mày cười trên sự đau khổ của tao đâu.
Thành Nam sửa lại thế ngồi nói:
– Được rồi. Vì ly cà phê trị giá năm ngàn, tao sẵn sàng nghe mày nói trong...
năm phút.
Vũ Nguyên dứ nắm đấm trước mặt bạn:
– Mày...
Thành Nam thản nhiên nhìn đồng hồ:
– Đã hết mười lăm giây.
Vũ Nguyên đành thu nắm đấm nói:
– Dạ thưa “anh Hai”! Việc “em” mời anh Hai về làm việc cho công ty em, anh nghĩ thế nào, xin anh nói cho em được rõ.
Thành Nam phì cười:
– Mày đúng là thằng bạn quỷ sứ của tao. Nhưng Nguyên này, chắc tao không thể nhận lời đề nghị của mày được.
Vũ Nguyên hơi nhổm người trên ghế:
– Tại sao?
Thành Nam vò vò đầu:
– Ừm... biết nói sao bây giờ nhỉ? Đại thể là...
Thành Nam ngập ngừng nêu lý do. Nghe xong, Vũ Nguyên ta thán:
– Hiểu rồi chỉ vì một ánh mắt của “giai nhân" mà mày từ chối giúp đỡ bạn bè.
– Tao...
Vũ Nguyên ngắt lời:
– Thôi bỏ đi, mày không muốn, tao cũng không ép mày. Nhưng mày lấy gì chắc chắn là cô bé đó học Kinh tế, mà nếu có học Kinh tế đi chăng nữa thì làm sao mày tiếp cận được người ta?
Thành Nam gật đầu giọng đầy sôi nổi:
– Tao chắc chắn là cô bé học Kinh tế mà. Chỉ cần học Kinh tế thì tao sẽ có cách tiếp cận được.
Vũ Nguyên lắc đầu:
– Xem ra thần ái tình đã đánh mày một đòn chí tử rồi. Tội cho mày quá. Xem gương tao đây nè, con gái cứ sắp hàng dài mà chạy theo.
ThànhNam rùn vai:
– Thôi, tao không học tập mày được đâu, thất đức lắm.
– Sao thất đức, mày nói tao nghe thử coi?
– Mày hành hạ bao trái tim con gái người ta rồi. Vậy mà không cho là thất đức hay sao? Có tiếp tục thế hoài có ngày bị quả báo đó thằng bạn đa tình à.
– Thôi, không nói với mày nữa, tao có hẹn phải đi trước đây.
– Lại một em ngây thơ nào đó lọt bẫy nữa chứ gì?
– Mày nghĩ sao thì nó là như vầy. Cuối cùng tao vẫn nói một câu. Khi nào mày nghĩ lại hãy đến tìm tao. Công ty tao lúc nào cũng mở rộng cửa đón mày.
Chiếc ghế và vị trí đó ngoài mày ra, tao sẽ không để ai ngồi vào đấy.
Thành Nam bắt tay bạn:
– Cám ơn mày. Lúc nào mày cũng là bạn tốt của tao cả.
Vũ Nguyên vỗ vai anh.
– Khi nào tìm được người trong mộng thì cho tao thấy mặt để coi cô bé xinh cỡ nào mà làm anh Nam “thầy tu” của tôi phải ngẩn ngơ thế không biết.
Thành Nam gầm gừ nho nhỏ:
– Biến đi thằng quỷ sống, vừa mới cảm ơn xong đã muốn tống cho mày một đấm. Nhiều lúc tao tự hỏi tại sao có thằng bạn ba trợn như mày nhỉ?
Vũ Nguyên bật một tràng cười sảng khoái trước khi bỏ đi. Thành Nam đứng nhìn theo và giật mình nhớ ra “Nguyên thiếu gia” lại để mình trả tiền nước uống nữa rồi!