Chương 1
LOẠI HOA TÍM

"Hỡi ôi, tình nghĩa phu thê dù có nặng, thiếp cũng nào dám đâu cản bước chân chàng. Chàng ra đi để trả nợ núi sông. Thiếp ở lại nuôi con chờ ngày chiến thắng.
Nhưng trên bước đường chông gai tên đạn, thiếp xin ai bảo trọng tấm thân… vàng..."
- Từng, tưng tưng tứng tưng tứng tưng từng...
Tôi lẩm nhẩm miệng hát theo tiếng đờn của bác Bảy Viễn ở đằng sau tấm màn màu xám. Vở tuồng quen thuộc đến buồn ngủ. Bác Bảy Viễn có thể vừa đờn vừa ngủ mà không sợ lộn nhịp. Ngoài sân khấu, ba tôi và mẹ tôi đang diễn tả vai trò hai vợ chồng trong giờ phút biệt ly. Nước mắt mẹ tôi chảy ra long lanh trong ánh sáng trắng loát của ngọn đèn măng sông sáng rỡ. Bên cạnh tôi, trên chiếc ghế tạm làm bằng hai cục gạch hầm đỏ ối, bác Tư Tình đang săm soi lại lần cuối bộ râu chổi xề trong vai Hung Nô. Đặt chiếc gương lớn đã bể mất một góc lên thành rương, bác Tư Tình trợn mắt dọa mấy đứa nhỏ đang vạch chiếu tò mò nhìn bác hóa trang. Mấy đứa con gái bỏ chạy như vịt. Mấy đứa con trai dạn hơn, cười toe với bác, chúng la:
- Tướng cướp tụi bây ơi.
Bác Tư Tình đứng dậy phủi đít vạch cánh gà nhìn ra sân khấu:
- Hết bài này tới tui phải hông?
Bác Bảy Viễn gật đầu, nhắc:
- Ờ, mà cha nhớ thay đồ đi cha nội. Hồi nãy đóng vai trung thần, bây giờ vai rợ Hung Nô phải đổi áo đi chớ.
Đoàn hát của ba má tôi chỉ có vỏn vẹn chừng đó người, chồng chất trên một chiếc xe lam cũ rích. Ba má tôi là đào kép rường cột của đoàn, vừa là sáng lập viên, vừa kiêm soạn giả của những vở tuồng mà đoàn trình diễn. Nói là soạn giả cũng quá đáng, bởi hầu hết những vở tuồng ấy đều lấy từ những vở tuồng đem in thành tập nhỏ lớn hơn bàn tay bán phổ biến cho dân chúng của các soạn giả cải lương nổi tiếng ở Sài Gòn. Ba tôi mua về bỏ bớt một vài ba vai, thu ngắn vở tuồng để đoàn hát nghèo của chúng tôi có thể diễn được cho các bà con ở vùng quê xem. Phải nói là đoàn hát Hưng Liên, tên ghép của ba tôi và má tôi, là đoàn hát nghèo nàn nhất nước, và nhất thế giới nữa. Gia tài của chúng tôi chỉ có chiếc xe lam cà rịch cà tang là đáng giá còn ngoài ra là mấy rương quần áo đồ tuồng cũ nát, mục rách. Không có phông cảnh, không cả đèn màu, chúng tôi trình diễn dưới ánh sáng trơ trẽn của cái đèn măng sông hoặc cây đèn dầu khơi ngọn. Mỗi một diễn viên, gọi là diễn viên cho oai đấy, có thể đóng hai ba vai cùng một lúc. Và ba tôi khéo léo xào xáo để người này có thì giờ trút bỏ lớp hóa trang cũ mà thay bằng lớp hóa trang trong một vai khác. Ít khi hai vai cùng một người đóng mà chạm mặt nhau. Như bác Tư Tình vừa đóng vai trung thần, vừa đóng vai rợ Hung Nô, vừa đóng vai người đàn ông ăn chơi trong thời buổi loạn lạc. Cũng bởi vì đóng nhiều vai quá nên đôi khi có nhiều chuyện buồn cười xảy ra, như vụ hát tuồng cách đây hai tháng. Bác Tư Tình sau khi đóng xong vai chàng thư sinh, vội vàng vào trong hóa trang kẻ mặt để đóng vai một vị quan võ. Khổ nỗi lúc vừa hóa trang xong, bác bị đau bụng cuống cuồng chạy ra đồng cách nơi hát cả trăm thước. Lúc trở vào vừa lúc phải ra tuồng. Bị hối thúc, bác quýnh cả lên chỉ kịp khoác vào người chiếc áo thụng, cột túm hai ống quần rồi tất tả bước ra cất giọng rổn rảng. Đến đoạn vị quan bị nhà vua áp chế, tức tối dùng gươm tự vẫn. Bác làm một cử chỉ giận dữ, kèm theo câu hát là cử động rút gươm ngạo nghễ cùng tiếng hét phẫn uất. Gươm vừa rút ra là khán giả cười lăn lộn, cười quên thôi, cười vỡ cả đình. Bác Tư Tình quên đeo gươm. Vật rút ra là chiếc quạt thư sinh mà bác giắt trong cạp quần của vai trò trước.
Tuy đoàn hát của chúng tôi lèm nhèm như vậy, nhưng dân chúng đến xem phần đông đều dễ dãi. Họ sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm kỹ thuật mà chúng tôi không làm thế nào để thực hiện nổi.
A, tôi quên kể đến vai trò của tôi trong đoàn hát. Mặc dù mới được mười tuổi đầu nhưng tôi rành hầu hết các bản ca. Công việc của tôi mỗi đêm là nấu một nồi cháo loãng để cả đoàn ăn khuya sau khi vãn hát. Sau đó, tôi ra ngồi ở cánh gà nhìn xuống đám khán giả lố nhố, vừa đàn ông, vừa đàn bà, vừa con nít. Con nít thì nói la om sòm, nhiều đứa khóc lóc inh tai át cả lời hát trên sân khấu. Người lớn, kẻ hút thuốc, kẻ ăn trầu, vừa ăn quà, vừa nghe hát. Trông cũng vui mắt và đỡ buồn ngủ đấy chứ. Thỉnh thoảng, ba tôi cũng cho tôi đóng những vai con trẻ. Tôi nắm tay mẹ tôi bước ra sân khấu nói một vài câu ngắn, đôi khi hát một vài câu theo điệu Lý con sáo. Nhưng chính cũng vì vậy mà tôi bất mãn lắm lắm. Tôi cá là tôi có thể hát được đủ loại bài ca cơ mà. Bác Bảy Viễn dạy tôi hát rập theo tiếng đờn của bác. Tôi đã ca được cả Vọng cổ, cả xàng xê. Ấy thế mà ba tôi cứ ngại tôi không hát được. Tôi có nũng nịu hoặc vờ dỗi trách hờn ba mẹ, thì hai người chỉ cười bảo tôi chờ vài năm nữa. Vài năm nữa, ngày tháng đối với tôi dài quá sức. Trong khi đó, ba tôi cứ bắt tôi phải học chữ mãi. Lạ lùng là học ca không thấy ớn, mà mau thuộc, trong khi học chữ thật chán như cơm nếp. Mỗi buổi sáng, trước khi tập tuồng, hay soạn tuồng, ba tôi bắt tôi mở cuốn tập dạy tôi làm tính, làm toán. Kể ra khi học tôi được thấy nhiều cái lạ. Nhất là trong quyển tập đọc. Tôi đọc thấy những thành phố lớn, nhà lầu hai ba chục tầng, xe hơi, xe gắn máy rộn rịp. Những lần ấy, học xong, xếp sách lại là tôi bắt đầu tra gạn cha tôi:
- Xe hơi có đẹp như xe chở rau của ông nào quen với ba đó không hở ba?
- Đẹp hơn nhiều chớ.
- Đẹp là đẹp làm sao ba?
- Đẹp lắm.
Tôi xoay sang câu khác:
- Sao ba mẹ không về chỗ nào có xe hơi, mình hát chắc được nhiều tiền lắm ba há!
Mẹ tôi ngồi vá mấy bộ đồ rách, lên tiếng bực bội:
- Về tỉnh có mà bưng chén đi ăn xin.
- Sao vậy mẹ?
Ba tôi lắc đầu:
- Thôi, đừng có hỏi tào lao, lộn xộn. Còn nhỏ, hỉ mũi chưa sạch mà bày đặt. Để ba đọc lại tuồng tối diễn cho bà con lấy tiền. Chạy đi kêu bác Bảy Viễn cho ba. Lại kiếm chỗ uống rượu rồi.
Mặc dù ấm ức nhưng tôi không dám cải lời, vội vã đứng dậy. Bác Bảy Viễn là ông vua uống rượu. Có rượu bác đờn hay. Không rượu bác như người mất hồn. Mà uống rượu nhiều quá thì bác không thể cầm đàn lên nổi. Ba tôi than phiền bác luôn. Có đồng nào bác đem mua rượu tất. Ba tôi có nói đến, bác lại bảo bác đâu cần ăn cơm. Bác uống rượu thế cơm. Tôi nghĩ chắc bao tử bác là một cái bình đựng rượu rỗng đáy. Được cái khi nào có tiền, nghĩa là đêm hát trước chúng tôi có đông khán giả, bác đi uống rượu rồi mua về cho tôi một chéo tay khô cá sặc thơm nức, nhai nhai béo đáo để. Ngón đờn của bác tôi nghe thì tuyệt lắm. Bởi khi bác đờn, đem so với bác Tư Tình thỉnh thoảng cũng đờn chơi vài bản, thì thấy tiếng đờn của bác Tư nó làm sao ấy. Lục cục lạc cạc thế nào ấy. Mẹ tôi bảo ngày xưa, bác cũng là một nhạc sĩ có ngón đờn có hạng lắm ở Sài Gòn, nhưng càng về già, bác càng sinh tật uống rượu dữ, bỏ bê công việc. Có đêm đang đánh đờn cho diễn viên hát, nửa chừng rượu vật bác nằm ngay đơ. Các đoàn hát thấy vậy chạy mặt hết. Bác đâm ra cùng quẫn, chán đời, ra bờ sông Sài Gòn tự tử. May gặp ba tôi khuyên giải và đưa bác về lập cái đoàn hát nhỏ lây lất với nhau. Nhưng từ khi tôi biết chuyện đến nay, bác có uống rượu say sưa lăn trời đổ đất thật đấy, nhưng chưa bao giờ tôi thấy bác bỏ dở nửa chừng lần nào. Có lẽ bác ý thức được trách nhiệm của mình chỉ có một mình đờn cho mọi người hát, một mình bác là một dàn đờn. Tay bác đờn, thì chân bác gõ nhịp. Nếu bác ngừng kể như xong đời.
- Hiệp, Hiệp, kéo màn, vãn hát mà. Kéo lẹ lên.
Tôi giật mình, hai bàn tay phản xạ chạy mau hơn ý nghĩ kéo vội bức màn. Một tràng vỗ tay rời rạc nổi lên. Tiếng chân người, tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng la, tiếng khóc ồn ào.
- Chèn ơi, có buồn ngủ thì chui vô xe mà ngủ, chớ mầy cứ ngồi mà ngơ ngơ ngẩn ngẩn vậy.
- Tui ngồi tui suy nghĩ chớ bộ. Cái điệu này ngó bác Bảy nói tui thức khuya dở phải hông. Còn lâu à.
- Ừa, mầy thức khuya tài lắm, đêm nào mẹ mầy cũng na mầy tới chỗ ngủ muốn rã tay.
Tôi cãi lại:
- Hông biết ai na ai đó à. Bữa trước, cái bữa…
Bác Bảy xua tay:
- Thôi, thôi, tao chịu thua cái miệng của mầy rồi. Xí xọn.
- Cái gì vậy bác Bảy?
Ba mẹ tôi đã ra khỏi sân khấu, trên nét mặt của hai người, tôi đọc thấy những nếp nhăn mệt mỏi. Tôi chạy lại ôm lấy tay mẹ.
- Cho con ăn cháu mẹ nghe.
Mẹ tôi cười:
- Ủa, nhà bếp có quyền ăn trước mà.
Bác Tư Tình vãn tuồng trước, đang khệ nệ mang nồi cháo đến. Bác nghe thế vội nheo mắt nhìn tôi trêu:
- Nồi cháo hổm rày lưng ăn hổng đủ. Mầy ăn vụng hở Hiệp?
Tôi nóng mặt lên trong khi bác Bảy Viễn cười hăng hắc thích thú. Tôi dậm chân, nước mắt doanh tròng:
- Mẹ…
Mẹ tôi cả cười cúi xuống xoa đầu tôi. Người múc một bát cháo lớn, đưa tôi cái muỗng rồi nói:
- Công con nấu cháo ai mà không biết. Có ăn trước cũng được.
Tôi dùng dằng:
- Không mà, con đâu có ăn trước.
- Có tịch giật mình rồi.
Tôi chạy lại, nhảy bổ lên trên bác Tư Tình đấm vào lưng thùm thụp. Bác la lên:
- Trời ơi, nó giết tui, nó giết tui. Hỡi ơi, còn gì tấm thân già này nữa. Em Lan ui, ở lại, anh đi…
Bác nói lối một câu vọng cổ, tôi buồn cười quên cả giận.
Cả đoàn năm người kể cả tôi ngồi quây quần chung quanh nồi cháo loãng bốc khói trên chiếc chiếu rách trải trên nền đất nện.
- Sáng mai mình nghỉ buổi sáng cho khỏe. Trưa ăn cơm xong lên đường. Tôi hỏi chỗ rồi. Xã trên đi xe của mình mất có khoảng hai tiếng đồng hồ. Đi ghe gần hơn mất độ một tiếng. Kẹt cái xe, chớ miệt này đi ghe sướng nhứt.
Tôi ngẩng đầu lên ngạc nhiên, hỏi trong lúc miệng lúng búng đầy cháo:
- Mai đi rồi. Con thấy còn nhiều người coi hát lắm mà.
Bác Bảy Viễn cười lạt:
- Ai đâu mà nhiều. Loe hoe mấy mạng người lớn, còn con nít choi choi không. Tụi nó đào đâu ra tiền để coi hát. Coi cọp thì có. Ế quá, thôi cũng làm lơ cho tui nó coi cho có vẻ xôm tụ hát mới có hứng. Không có tụi nó ai làm quân lính. Mầy ngủ gục biết gì.
Bác quay sang ba tôi hỏi tiếp:
- Nhưng xóm này coi thu cũng được đó chớ?
Mẹ tôi thở dài:
- Thì cũng cháo rau qua ngày. Đắp đổi cũng xong.
Bác Tư Tình ăn xong, đẩy cái bát dơ sang một bên, rít một hơi thuốc trầm ngâm:
- Kiếp tằm thì phải nhả tơ chớ biết làm sao. Đôi lúc cũng muốn về Sài Gòn đổi nghề, nhưng…
Mẹ tôi trả lời, giọng buồn so:
- Nghề gì cũng chết đói bác ơi, không nhà, không cửa, tứ cố vô thân. Có xin vô làm mấy gánh lớn thì cũng làm công cho người ta, bị trên chèn dưới ép. Đó là nói cái hồi vợ chồng tui còn trẻ mà đã vậy đó. Chớ bây giờ thì hơi tàn rồi. Bây giờ thì thiên hạ chỉ cần những người trẻ trung, vừa hát vừa nhảy choai choai chớ tụi mình dở người dở ngợm, khó lắm.
Ba tôi cũng tiếp:
- Thiệt tình, tui không thích làm công cho người ta anh Bảy, anh Tư à. Cái máu của tui là máu nóng, máu thích giang hồ, không muốn bị cột chân cột cẳng. Cái khó nếu mình trở về Sài Gòn hoặc tỉnh lớn là ở chỗ đó. Cái xe lam này, mấy rương đồ này, xóm làng, đình, trường này ngó quen thân mà dễ chịu. Mấy cái đó dính liền tui như vợ với con. Thôi thì cứ kiếm ăn như bây giờ mà có tự do. Đó anh Bảy thấy không, anh thích uống rượu là mình uống, thích hát là hát, đau thì nghỉ, không lo không sợ. Còn anh Tư, muốn cương tuồng là cương. Hổng ai phạt anh, hoặc cúp tiền ăn, tiền cháo nào ráo trọi. Đói cùng đói, no cùng no. Phải không anh Tư, phải không anh Bảy.
Bác Tư Tình, bác Bảy Viễn nhìn ba tôi gật đầu cười:
- Vì vậy tụi tui mới đi theo anh chớ.
Mẹ tôi quay lại hỏi ba tôi:
- Xóm trên có đông không anh?
- Xóm trên là xóm nào?
- Xóm mà ngày mai mình dọn qua đó.
- Nghe nói cỡ vài trăm nóc nhà. Cũng được. Chớ có khi mình hát ở mấy xóm chỉ lèo tèo chục nhà đó thì sao.
Bác Tư Tình gục gặc đầu:
- Kể ra cũng lắm nỗi thăng trầm anh Bảy hả!
Bác Bảy cười nhìn tôi, lúc đó đang gà gật tựa đầu vào gối mẹ:
- Cái thời vượng nhứt là thời thằng Hiệp mới sinh ra đó. Ôi, nghĩ lại mà bắt ham. Bà con chòm xóm xúm coi hát không biết mệt. Mình xuống câu vọng cổ hoặc câu xề nào là bà con vỗ tay nườm nượp, liệng bạc giấy lên thưởng tứ tung. Sướng ghê.
- Chẳng bù cho bây chừ. Cái thời gạo châu củi quế, chiến tranh mà, sống đến bây giờ được là vững lắm rồi.
Mẹ tôi vuốt tóc tôi, giọng bà vương một chút gì vừa vui, vừa tiếc, vừa nhớ:
- Tui thì nhớ hoài cái xã Tam Hiệp.
Ba tôi cũng cười, giọng người bỗng dưng sảng khoái lạ thường:
- Hồi má thằng Hiệp đẻ thằng Hiệp đó mà.
Bác Bảy cười nhẹ:
- Chính tui chạy đi kêu mụ chớ ai. Thiệt cái xóm gì đâu mà tốt bụng không bằng.
Xã Tam Hiệp. Đấy là tên một cái xã mà tôi được nghe nhắc lại nhiều lần đến thuộc lòng. Sở dĩ ba má tôi và các bác Bảy, bác Tư ai ai cũng chú ý đến cái xã có cái tên Tam Hiệp là bởi nhiều lý do. Trước hết Hiệp tên tôi, chính là lấy từ cái chữ sau của tên Tam Hiệp. Điều đó chứng tỏ sự liên lạc mật thiết giữa xã Tam Hiệp và đoàn hát của chúng tôi. Số là thuở ba tôi và má tôi mới lấy nhau, hai người lập nên đoàn hát nhỏ này và đi lưu diễn cùng các xã thôn ấp xa xôi. Thời ấy việc đi lại dễ dàng hơn bây giờ nhiều vì an ninh được bảo đảm hoàn toàn. Lại nữa, gặp thời buổi sung túc, ba má tôi cùng hai bác Tư, bác Bảy đủ sống với số tiền thu được sau mỗi buổi hát. Đồng bào thôn ấp hồi đó thích xem hát, xem cải lương vô cùng. Vì vậy đoàn hát của ba má tôi đi đến thôn ấp nào, dân chúng cũng ủng hộ đông đảo. Được mấy năm sung sướng như thế, cả đoàn dành tiền mua được chiếc xe lam cũ để chuyên chở cho nhanh và để giờ giấc di chuyển được tự do hơn. Có chiếc xe lam cũng đỡ lắm chớ. Thứ nhất, nó đỡ được tay chân khỏi mang vác đồ đoàn, thứ hai nó có thể làm chỗ ngủ tạm cho vài người trong đoàn trên đường lưu diễn. Chiếc xe lam được tậu vào lúc má tôi bắt đầu mang thai đứa con đầu tiên, chính là tôi bây giờ. Không có gì khác lạ xảy ra nếu sáu bảy tháng sau đó, bụng của má tôi không to lên như mọi người đàn bà có thai khác. Bởi cái sự bình thường đó đã làm hại đoàn hát. Với cái thai lớn đó, má tôi hết còn giấu giếm gì được, dù là bộ đồ rộng thùng thình của bà hoàng hậu. Chả lẽ má tôi đóng vai cô thôn nữ mà lại có cái bụng to vượt mặt hay sao. Kẹt nhất là cả đoàn chỉ có mỗi má tôi là nữ. Không còn ai có thể thế chỗ má tôi được. Có lần ba tôi hóa trang đóng vai một công chúa, nhưng đám khán giả nhà quê tinh mắt ở dưới đã khám phá được, thế là một tràng la ó diễn ra khiến không ai có thể cất tiếng hát được. Bác Bảy đành ra sân khấu xin lỗi và trả tiền lại cho khán giả.
Thời kỳ đó là thời kỳ xám của đoàn hát. Bao nhiêu tiền dành dụm đều tiêu sạch. Ba tôi lo lắng vô cùng vì không kiếm được tiền để lo cho má tôi sanh nở. Đoàn hát không dám diễn tuồng nữa. Bác Tư và ba tôi bèn đổi ra cách khác, hoặc độc diễn cải lương, nghĩa là ca vọng cổ không thôi như người ta hát tân nhạc vậy. Hoặc là soạn vở kịch ngăn ngắn chỉ có hai người diễn chọc cười. Diễn xong, cầm mũ rảo quanh đám khán giả để mong họ ủng hộ chút tiền.
Cứ thế, chiếc xe lam di chuyển lần lần đến một xã lạ thưa người. Đất đai tương đối trù phú, những con rạch nước xám đục nổi bùn chằng chịt. Đấy là xã Tam Hiệp. Khi đến nơi, nhìn những mái nhà lá thưa thớt, đoàn hát thất vọng. Ở những nơi đông đảo gấp ba gấp bốn ở đây mà đoàn cũng không thu được tiền huống hồ cái xóm bé nhỏ và trầm lặng này. Mà quả thật vậy, buổi hát đầu tiên của chúng tôi chỉ lèo tèo dăm ba khán giả. Không đủ để mua gạo nấu một nồi cháo loãng. Nhưng trong phút túng cùng, không ai dám chê tiền dù chỉ một đồng. Cả đoàn ra công diễn tuồng. Để có vai nữ, ba tôi biến cải nhân vật trong tuồng là người đàn bà mang thai. Song vì vậy mà tai nạn xảy ra. Má tôi ngất xỉu trên sân khấu vì quá mệt nhọc. Trò đời Tái ông mất ngựa quả thật không ngoa. Tình trạng bi đát của ba mẹ tôi cùng đoàn hát đã giúp khám phá được tấm lòng thương yêu đùm bọc đồng bào của những người dân quê Tam Hiệp. Đám khán giả ít oi kia không đòi lại tiền vì vở tuồng không trọn như những khán giả nơi khác, mà họ xúm lại tìm cách cứu tỉnh mẹ tôi. Một người chạy vụt đi. Rồi tiếng mõ lốc cốc. Không đầy nửa giờ sau, hầu như cả làng đều xúm tới. Một ông lang ta và một bà mụ được mời đến. Bà mụ bắt mạch, rờ bụng và đoán chắc mẹ tôi sẽ sanh trong vòng đêm nay.
Một gia đình nông dân gần đó mời cả đoàn hát nghỉ đêm tại nhà họ và chờ giờ mẹ tôi sanh. Đêm đó, tôi mở mắt chào đời không phải trên chiếc xe lam như ba tôi thường nghĩ mà trong một mái nhà ấm áp. Bà mụ đã không lấy một cắc bạc nào. Ông lang ta cắt biếu mẹ tôi hai thang thuốc cùng cho nghệ, gừng. Sáng tinh sương hôm sau, một dân làng ghé ngang qua biếu mẹ tôi nửa chục trứng gà. Cả ngày, hết người này đến, lại người khác đến, người cho cái áo nhỏ, kẻ cho cái quần, kẻ cho tô cháo, trách cá kho tiêu mặn, chai nước mắm, một ít gạo đỏ. Tôi ra đời trong hơi ấm của cả vật chất lẫn tinh thần. Mẹ tôi, ba tôi chỉ biết rơm rớm nước mắt để cám ơn mọi người. Tối hôm đó, người cùng bác Tư, bác Bảy hát tặng bà con cô bác xã Tam Hiệp những bài vọng cổ mùi mẫn, các điệu hát hay khác. Mẹ tôi nhắc lại là chưa bao giờ bà nghe ba tôi cùng bác Tư, bác Bảy hát hay như vậy.
Chúng tôi nấn ná trong làng được hơn một tháng, thì từ giã. Giá như ba tôi và đoàn hát cứ ở lại vài tháng nữa cũng được. Nhưng ba tôi là một người tự trọng. Ông bảo không nên lạm dụng lòng tốt của người ta quá đáng. Nhưng lòng tốt của người dân xã Tam Hiệp quả không phải dễ quên. Đó là hành trang tinh thần mà mọi người trong đoàn hát đã mang theo suốt chục năm trời lưu diễn. Mỗi khi đói khó, kiếm ăn chật vật, chúng tôi lại nhớ về xã Tam Hiệp để ngầm an ủi mình. Cái tên Hiệp dính vào đời tôi là một hãnh diện và biết ơn.
Mẹ tôi đã thổi tắt chiếc đèn dầu từ lúc nào. Tôi không biết câu chuyện giữa ba mẹ tôi và bác Tư, bác Bảy về các xã ấp mà đoàn hát tôi sắp sửa dọn đến ra sao, bởi đầu óc tôi cứ nghĩ mãi về cái xã Tam Hiệp tuyệt vời.
Hình như làng xóm đã ngủ yên cả. Gió thốc bốn phía vào gian đình trống nghe lành lạnh. Những chiếc chiếu mỏng dùng làm buồng hóa trang, thay quần áo được hạ xuống trải la liệt trên nền đất. Ba tôi nói giọng ngái ngủ sau một cơn ngáp dài:
- Thôi đi ngủ chớ, để sáng còn dậy kịp.
Bác Tư, bác Bảy hình như cũng buồn ngủ lắm rồi. Cứ thế bác lăn queo trên chiếu, với tay lấy chiếc rương để gối đầu. Và khi mẹ tôi đỡ tôi lên xe lam, tôi đã nghe tiếng bác ngái rõ to như nhịp cưa gỗ.
Tôi nằm day lưng về phía lòng mẹ. Ánh sáng trăng loáng như sữa tràn vào lòng me, nhuộm trắng cả một phần tóc mẹ. Một chéo lá dừa đung đưa cái bóng đậm trên nền trắng đó. Tôi đưa tay nghịch với cái bóng dừa cùng bóng tay mình, đồng thời lắng nghe những âm thanh vọng lại trong cái khoảnh khắc tịch mịch của một đêm trăng nhà quê. Những âm thanh quen thuộc gồm hàng trăm tiếng kêu của các loại sinh vật từ lòng đất đưa lên, trên ngọn dừa đưa xuống, và cả tít trên bầu trời đêm thăm thẳm với hàng hà sa số ngôi sao sáng rỡ.

*

Khi tôi thức giấc, thì xe đang di chuyển ra khỏi xã. Ánh nắng ban mai làm cay nồng hai mắt. Trên đầu tôi là hai bàn chân lỏng khỏng của bác Tư Tình đong đưa theo nhịp lúc lắc của chiếc xe. Bác Bảy ngồi cạnh tôi ngủ gà ngủ gật. Mẹ tôi thì đang bận chuyện trò với ba tôi lái xe ở phía trước. Chiếc xe kêu rêu từng tiếng lọc cọc xóc xách trên những mô đất gập ghềnh. Tôi kêu nhỏ:
- Mẹ.
Bác Bảy tỉnh ngủ nhìn tôi cười:
- A, đã ngủ dậy. Chết cha, hết phần ăn sáng rồi.
Tôi nghe hết phần sáng, lòng mất vui. Lệ thường của đoàn hát là vậy. Nồi cháo nấu buổi sáng không khi nào đủ cho mọi người. Nên kẻ nào vắng mặt trong bữa ăn thì chắc sẽ không còn phần. Nhưng tôi thì khác chớ. Tôi có mẹ tôi. Tôi kéo giật tà áo bà gọi nhỏ:
- Mẹ!
Mẹ tôi quay lại cười cười. Bà lấy từ trong cái bị nhỏ ra một trái bắp nấu đã nguội, đưa cho tôi, rồi lại quay sang ba tôi nối tiếp câu chuyện bỏ dở và chắc là quan trọng lắm.
Lúc bụng no, tôi mới bò ra gần chỗ bác Bảy ngồi để ngắm cảnh. Con đường nhỏ men theo dòng rạch được ngăn bờ bởi những đám dừa nước lau lách rậm rì. Bên kia là những cánh đồng lúa xanh màu. Lúa đã qua khỏi thời kỳ mạ non. Màu xanh đậm hơn và mạnh mẽ hơn vương vương trong gió. Trời trong xanh. Xa tít tận chân trời vẫn là màu xanh mát. Nắng sưởi làn da tôi ấm nồng lên. Những mạch máu căng đầy. Tôi say say ngửi thở mùi hương của cây cỏ ướt đang bốc hơi trong nắng ban mai.
- Đoàn người tưng bừng về trong cơn gió, hồn như đám mây trắng lửng lơ, giang hồ không bờ không bến đẹp như kiếp bô hê miên.
Tiếng hát của bác Bảy vang vang từ trên trần xe, tỏa ra bừng bừng hăng hái. Tôi bỗng nhiên hát theo, rập ràng:
- Ánh dương lên, một đoàn thanh niên, giục nhau đi từ khi nắng sớm...
Tiếng hát to, mạnh của chúng tôi làm ngạc nhiên cả đàn bò đang ăn cỏ bên kia đường. Chúng dừng ăn, ngẩng đầu, nghiêng một tai lắng nghe. Một con trong đàn cất tiếng kêu theo, giọng ồm ồm. Tôi cười vang. Mẹ tôi nhìn tôi cười:
- Cha, sáng nay cu cậu khỏi học nên cười hoài. Sướng há.
Tôi đỏ mặt nhìn mẹ:
- Con thích xe cứ đi hoài à.
- Đi hoài có mà cạp đất mà ăn. Chú mầy lãng xẹt hà.
Tôi nguýt bác Tư một cái rõ dài. Bác tưởng tôi không biết gì hết. Nhưng mà tôi đã nói thật lòng tôi mà. Đúng vậy, tự nhiên tôi thấy thích thú trong việc di chuyển qua những chặng đường dài. Từng làng xóm, từng con đường, cái gì cũng mới cũng lạ, cũng gợi trong tôi óc tò mò.
Cứ như thế tháng này sang tháng khác, đoàn hát tí hon của ba má tôi đã len lỏi qua không biết bao nhiêu là thôn xã, ấp. Trong những năm tháng đó, đời thơ ấu của tôi thênh thang những mộng ước, đầy ắp những giấc mơ thật đẹp. Có một buổi sáng hồng, có những buổi chiều êm êm, có những đêm trăng sáng, có những rừng dừa, những vườn cây, những con sông, những con rạch, những ruộng lúa. Có nơi chúng tôi đã đi qua hai ba lần, có nơi chúng tôi trở lại rồi không ghé qua nữa. Nhưng mỗi một nơi dù đã đến trước kia rồi hay chưa bao giờ biết, lòng tôi, óc tôi cũng tìm được cái mới lạ. Tôi khao khát, tôi quen thuộc với sự thay đổi, với những chuyến di chuyển. Và vì vậy, tôi không chịu được khi phải ở lâu một nơi nào. Dù nơi đó nuôi sống chúng tôi đầy đủ. Mà đâu phải chỉ riêng tôi. Ai cũng vậy, ba tôi, mẹ tôi, bác Tư Tình, bác Bảy Viễn, người nào cũng nôn nao, háo hức được đi. Cứ ở mãi một nơi là chôn chân, khó chịu. Riêng mẹ tôi thì hơi đặc biệt một chút. Thỉnh thoảng, tôi nghe mẹ tôi nhắc nhở đến một mái nhà, một mảnh vườn. Điều đó hình như là niềm mơ ước sâu kín nhất của người. Thế nhưng, trước mặt ba tôi, mẹ tôi không bao giờ tỏ ý muốn dừng chân ở một nơi nào. Chỉ khi nào trên con đường di chuyển đi ngang qua một ngôi nhà xinh xắn, bà chép miệng bảo: giá như mình có một ngôi nhà như vậy. Những lúc đó, tôi thấy mắt ba tôi nheo lại, trán người hằn một vết nhăn. Thế thôi. Thật tình tôi cũng không biết gì hơn nếu không có một đêm nọ. Vâng, đêm đó, trời sáng trăng. Chúng tôi nghỉ hát vì không có khách. Ai cũng ngủ sớm. Nửa đêm tôi chợt tỉnh giấc vì không cảm thấy có mẹ bên cạnh. Tôi đưa mắt tìm kiếm. Mẹ tôi không ngủ, người ngồi bất động. Và ba tôi đang nói:
- Anh biết em từ lâu vẫn mong mỏi một cuộc sống gia đình đầm ấm hơn là trên chiếc xe lam, ngủ đình ngủ chợ. Nhưng anh không đủ khả năng để tạo dựng cho chúng ta một ngôi nhà. Anh cố gắng để dành tiền, mình về quê mua nhà để sẵn, chớ nghề này rồi cũng có lúc phải nghỉ. Khi già làm sao sống được.
Mẹ tôi trả lời giọng đầy nước mắt:
- Em đâu có muốn làm khổ anh. Nhưng khi nhìn thằng Hiệp đã lớn, mà không được đến trường học hành đàng hoàng em buồn lắm. Nhất là khi đau ốm, em lo. Chớ em theo anh đi đâu mà không được, sá gì nhà với cửa.
- Anh ráng lo cho nó ăn học với người ta, nhưng ngặt…
Ba tôi thở dài:
- Ngặt là cuộc sống tụi mình trôi nổi quá thì làm sao định cư được.
- Kiếp tằm thì phải nhả tơ. Anh đừng lo cho em.
Ba tôi nắm lấy tay má tôi, người nói thật khẽ. Tôi phải nhỏm dậy mới nghe rõ. Tôi biết ngồi nghe lén là xấu lắm. Nhưng tôi nôn nao sợ ba tôi quyết định bắt ở một chỗ thì… Tôi phải đến lớp học. Tôi phải ngồi hàng giờ trong ngôi nhà, im lặng nghe ông giáo giảng bài với cái roi mây nhịp nhịp trên tay sẵn sàng quật vào mông những đứa lắm chuyện, lười biếng. Tôi đâu còn được thả rểu qua những cánh đồng mênh mông như bây giờ. Tôi đâu còn được nghe tiếng hát, tiếng đàn, tiếng la, tiếng cười, bầu không khí rộn rịp của mỗi đêm hát. Ối thôi! Tôi không chịu được đâu.
- Là chủ gia đình anh phải lo chu tất mọi việc chớ. Để anh liệu.
- Thôi, em biết mỗi lần anh lo liệu ra làm sao rồi... Anh đâu có ở nhà được. Ở đâu năm bảy ngày là ngứa ngáy tay chân, thấy tù túng liền.
Mẹ tôi nói đúng quá. Và ba tôi không nói gì nữa. Người chỉ thở dài. Cả hai cùng im lặng. Lúc đó, tôi ngồi dậy, rón rén lại gần ba mẹ, choàng tay trên lưng hai người nói:
- Con cũng không thích ở một chỗ để đi học đâu. Ba dạy con nghen ba. Con học với ba thôi. Mình học trên xe lam ba nghe.
Ba mẹ tôi giật mình quay lại, mẹ tôi ngẩn người một giây rồi ôm lấy tôi, mắng yêu:
- Thằng này rồi cũng giống ba nó như khuôn. Cái máu giang hồ không hết được.
Ba tôi cười xòa, đưa tay vuốt tóc tôi. Từ đó, tôi không còn nghe má tôi nói chuyện với ba tôi về vấn đề định cư một lần nào nữa. Cuộc sống của chúng tôi cứ thế tiếp tục. Khi thì vui, khi thì buồn, khi gặp lo, khi sung sướng. Nhưng đâu phải dòng đời khi nào cũng xuôi chèo mát mái như lòng mọi người đều mong ước. Chiến tranh càng ngày càng lan rộng. Nhiều thôn xóm nhỏ bé, heo hút đã trở nên vắng vẻ hoàn toàn. Từ nơi này sang nơi khác, chúng tôi đôi khi gặp phải những quang cảnh hoang tàn đổ nát. Chiến tranh đã viếng nơi này trước khi chúng tôi đặt chân đến. Những người dân sống sót lặng lẽ âm thầm. Đâu còn ai đủ sức để nghe chúng tôi ca hát. Hơn thế nữa, đến đêm không còn ai dám ra khỏi nhà. Chúng tôi đành kéo màn vào lúc xế chiều. Lũ trẻ nhỏ cũng biến đâu mất. Tôi không còn được nhìn thấy những gương mặt say mê, những đôi mắt khâm phục kéo hở bức màn chiếu che buồng hóa trang. Cũng vì vậy, cuộc sống vật chất của đoàn hát chúng tôi vô cùng thiếu thốn. Chúng tôi chịu đựng bao cực khổ. Nhiều ngày chúng tôi nhịn cả cháo lót lòng buổi sáng. Đôi khi nhịn cả cơm tối để lấy tiền mua xăng chạy xe. Những lít xăng bán lén lút của những người chợ đen len lỏi được cả những vùng không an ninh lắm. Vào thời gian này, chúng tôi không thể nào quên được những giây phút hồi hộp, bấp bênh và có lần xem ra nhục nhã nữa. Vì không kiếm đủ tiền để mua lương thực nên ba tôi và hai bác Tư, bác Bảy thường tổ chức những buổi câu cá, tát đìa ở những nơi vắng, hoặc ruộng bỏ. Tuy nhiên, đâu phải nơi nào chúng tôi cũng kiếm được thực phẩm tươi một cách dễ dàng. Đôi lần ba tôi đã lợi dụng buổi trưa vắng người, thắt những dây thòng lọng thả nằm trên mặt đất. Một nhúm gạo, hoặc ngô ở giữa. Khoảng một giờ, đôi khi nửa tiếng sau, chúng tôi đã đánh được mấy con gà hoặc mấy con vịt đi lạc.
Công việc giật chân gà, chân vịt là một điều thích thú đối với cái tuổi ham chơi của tôi. Do đó, không bao lâu tôi cũng tinh khôn và giăng bẫy tài tình. Tôi biết thắt một cái nút thế nào để dễ giật. Tôi rành những nơi, những bụi nào kín đáo và dễ ngụy trang cho sợi dây lộ liễu làm các con vật ngon lành kia sợ hãi. Vì những cách sinh sống như thế tôi trở nên một đứa trẻ nhanh nhẹn, tinh ranh, đáo để hơn những đứa cùng tuổi. Những công việc trên lại hấp dẫn tính ham hoạt động của tôi. Tôi xem tất cả những gì tôi làm đều thông thường, không có gì đáng trách, đáng suy nghĩ. Tôi còn nhớ rõ, những lần dừng chân ở các vùng tương đối trù phú, ba tôi thường tổ chức những buổi "đi chợ đêm", đó là cái tên ba tôi đặt ra mỗi lần kêu tôi hoặc bác Tư, bác Bảy đi theo.
Chúng tôi bắt đầu những buổi đi chợ đêm khi trời đã khuya, mọi nơi im vắng hoàn toàn. Làng xóm đã ngủ hết. Thường chúng tôi đi từng đợt hai người. Một người đào xới và một người mang giỏ. Chúng tôi vượt qua hàng rào của một khu vườn mà ba tôi đã để ý đến vào lúc ban ngày. Phần lớn đều là những vườn trồng khoai lang, củ đậu, hay bắp cải. Sau khi vượt hàng rào, chúng tôi bò sát đất. Ba tôi bò trước, tôi bò sau. Trườn mình giữa đám cây lá xum xuê. Ba tôi lắng im một phút để nghe ngóng, rồi mới bắt đầu đào xới. Với những bắp cải, ba tôi không lấy nguyên mà chỉ tỉa mỗi bắp một ít. Cải ta cũng vậy. Su trái thì chỉ hái những trái vừa chín và hái đủ ăn một hai ngày thôi. Riêng kỹ thuật đào khoai hoặc củ đậu của ba tôi làm tôi phục nhất. Một nhát dao thọc sâu vào lườn đất cát, lúc rút ra, ba tôi đã lấy nguyên một cụm khoai mà những dây khoai phía trên vẫn xanh nguyên. Tôi theo dõi hành động của ba tôi, muốn bắt chước, nhưng bao giờ ba tôi cũng không cho phép tôi xía vào. Vì vậy, trong lúc đó tôi chỉ làm mỗi một chuyện là báo động cho ba tôi biết bao tải đã đầy và quay lưng bò nhanh ra khỏi vườn.
Thật tình, ba tôi không được vui lắm sau mỗi lần đi chợ đêm. Người chỉ cười được một chút khi thấy tôi sì sụp ngốn ngấu những món ăn ngon lành, hay những lít xăng mua từ số tiền kiếm được do việc bán bớt những đồ lấy được. Tôi không thắc mắc nhiều. Mặc dù biết rằng, những đồ ba tôi lấy không phải của gia đình tôi. Và nhất là những chuyện đi chợ đêm của bác Tư Tình hay bác Bảy Viễn thường bị ba tôi trách móc là đã lạm dụng quá nhiều. Như vậy đi chợ đêm chưa chắc là điều tốt. Nhưng tốt hay xấu tôi đâu cần biết tới. Chỉ biết sau những buổi đi chợ đêm, cả đoàn hát được ăn ngon hai ba ngày liên tiếp. Và tôi thích đi chợ đêm hoài để mãi mãi được ăn ngon.

*

Những con đường tráng nhựa rộng lớn khác biệt con đường đất gồ ghề, lồi lõm. Những dãy nhà quét vôi trắng xóa, khang trang. Có cái cao hai ba tầng như hình vẽ trong sách. Những chiếc xe gắn máy chạy nhanh. Những đứa trẻ quần áo chỉnh tề, sang trọng. Thị tứ tấp nập người mua bán. Trừ những lều chợ cũng bằng phên tre là quen thuộc, còn tất tất đều lạ mắt, rầm rộ. Những cánh đồng lúa xanh đã khuất bóng ở dãy nhà san sát đầu kia. Mặt trời buổi chiều đã khuất đâu đó. Ánh nắng rải trên mặt, trên nóc ngôi nhà lầu cao màu vàng nhợt nhạt.
Tôi như ngây ngây trước quang cảnh lạ mắt đó. Chiếc xe lam cũ kỹ của chúng tôi trông nghèo nàn già cỗi cạnh những chiếc xe lam khác đậu ngang dọc ở bên chợ. Nước sơn đã tróc, vài chỗ sét rỉ, móp mép. Đất đỏ, bùn đen bết bát trên thành xe, nhất là trên vành bánh xe càng trông càng bẩn. Bảng hiệu Hưng Liên mà ba tôi kẻ bằng nước sơn màu đỏ đã phai màu, đứng gần mới đọc được. Còn những chữ nhỏ hơn để tên các đào kép chính trong đoàn ca kịch Hưng Liên đã phai mất từ lúc nào. Mẹ tôi đã rảo vào trong chợ để tiêu nốt số tiền còn lại ít ỏi cho bữa cơm tối. Ba tôi dặn bác Tư và bác Bảy về những việc phải làm đêm nay. Tôi rỗi rãi nhất, xuống xe, đi loanh quanh ngắm chợ. Vài đứa bé ăn mặc lam lũ, vai mang thùng lớn lởn vởn quanh xe của chúng tôi nhìn ngắm với vẻ ngạc nhiên.
- Hiệp, đừng có đi đâu xa nghe, mẹ mìn bắt cóc đó.
- Dạ.
Đây là câu dặn dò đầu tiên của ba tôi với tôi về những bàn chân thích chạy biến của tôi. Ở cái chỗ đông người, ba tôi cẩn thận là phải. Chúng tôi đã rời làng xã để ra quận. Ba tôi hy vọng là dân chúng bình dân ở đây sẽ có tiền và có đủ tinh thần để nghe hát. Ít ra, chúng tôi cũng kiếm được cơm cháu sống qua ngày. Chớ ở trong các xã xa, ba tôi chịu. Buổi tối, đâu còn ai dám ra đường, hát xướng cũng không ai thèm xem. Chưa bao giờ chúng tôi dám ra những nơi đông đảo, thị tứ để phô trương đoàn hát của mình, một nhóm người hát dạo thì đúng hơn. Bác Tư đã rời ba tôi để lên xe lục kiếm một vật gì đó. Tôi lò dò đến gần hỏi bác:
- Bác Tư à, tối nay mình hát ở đâu há.
- Ở trong kia.
- Trong kia là ở đâu chớ bác nói vậy ai mà hiểu được.
- Chút nữa rồi biết. Con nít đừng có lộn xộn, để người lớn bàn chuyện.
Bác Tư đã lấy được cuốn tuồng hát. Bác bỏ tôi đứng bực tức vì óc tò mò chưa được thỏa mãn.
Cho đến lúc má tôi từ chợ đi ra thì cái nhóm ba người ba tôi, bác Tư, bác Bảy mới chấm dứt "cuộc họp". Nhưng cũng không để trễ một giây phút nào, ba tôi ra hiệu cho mọi người lên xe hết. Mẹ tôi trao cho tôi một trái chuối chiên nóng hổi. Mải ăn ngon, khi nhìn lên thì ngạc nhiên xiết bao, xe của chúng tôi đã chạy ra khoảng đồng trống. Hai bên gió mát rượi. Và đằng mãi xa, mặt trời đỏ như một cái mâm đồng chói lọi. Tôi hỏi, ngạc nhiên:
- Mình vô xã lại hả mẹ?
Bác Tư trả lời:
- Vô xã làm cái gì ở trỏng?
- Sao mình không hát ở chợ?
Bác Tư cười khẩy:
- Ma nó thèm coi tao với ba mầy hát cải lương. Ở đó họ coi Bạch Tuyết, Hùng Cường, Phượng Liên, Thanh Nga, chớ coi gì Tư Tình, Bảy Viễn, Thành Hưng, Kim Liên.
Mẹ tôi làm thinh thở dài. Bác Tư cũng im luôn. Tôi cũng không dám hỏi trước vẻ mặt khép kín của mọi người. Ba tôi rẽ xe theo một con lộ nhỏ men hai bờ ruộng thấp. Những lũy tre tàng cây xanh um đàng trước mặt. Lúa xanh rờn uốn éo trong gió chiều. Mùi lúa thơm thơm quen thuộc. Một vài ngôi nhà sạch sẽ khang trang ở đầu xã. Rồi những dãy nhà kế tiếp nhau mà không thưa thớt. Nhìn hàng lô con nít rong chơi hai bên đường, mẹ tôi chép miệng:
- Cứ nội cái tụi loi choi này coi cũng được bộn bạc.
- Xã này chắc làm ăn được.
Ba tôi nói vọng về phía sau:
- Xã nào gần quận cũng giàu có lây. Để kiếm chỗ đất trống. Thằng Hiệp đâu, lấy cái trống vỗ vỗ để người ta chú ý.
Mẹ tôi vội vã lôi chiếc trống nhỏ ra. Tôi lấy hai cái que bắt đầu vỗ thùng thùng. Trong khi ba tôi cho xe đi thật chậm, những người đứng trước cửa nhà lạ lùng nhìn. Một đám học trò, tay còn xách cặp la lên:
- Đoàn cải lương tụi bây ơi.
Nhiều đứa trẻ đang chơi ở trong sân, nghe la, vội chạy ra nhìn một thoáng. Một đứa chạy theo reo inh ỏi, hai đứa chạy theo rồi một lũ con nít nhao nhao chạy theo. Tiếng trống của đoàn càng lúc càng giòn. Một đứa trẻ, vai tòn ten cái cặp sách bám được vào thành sau xe đang cố đặt chân lên tấm ván hờ nhô ra đằng cuối. Mẹ tôi la lên:
- Đừng chạy theo xe, xe cán giập ruột đó.
Nhưng đứa trẻ không nghe, miệng vẫn cười toe toét. Nó đã đu được cả hai chân. Và đang thả một tay vẫy vẫy, tụi trẻ con chạy theo. Một vài đứa khác muốn bắt chước. Ba tôi cho xe chạy nhanh hơn để vượt tụi nhỏ. Chúng vừa chạy vừa la. Riêng tôi lòng phấn khởi vui vui, đập trống liên hồi. Một đám đất trống, bãi cỏ tươi xanh nằm cạnh miếng ruộng tiếp giáp những đám ruộng khác. Ba tôi cho xe vòng một vòng rộng để kiếm chỗ tốt. Xe vừa đậu lại, tụi trẻ con cũng theo kịp. Chúng vòng quanh chiếc xe, tò mò nhìn chúng tôi, ngắm nghía những rương đựng đồ tuồng, phấn son, những tấm phông đơn sơ bạc phếch mắc trên mui xe. Vài đứa lẩm nhẩm đánh vần, cố đọc cho ra những nét chữ mờ ở hông xe.
- Đoàn Hưng Liên tụi bây ơi.
Một đứa nhòm vào xe hỏi tôi:
- Có Thành Được, Út Bạch Lan hông hả nhỏ? Mầy đóng vai nào?
Bác Bảy xua xua tụi nhỏ để lấy chỗ bước xuống xe.
- Đứng xa xa ra mấy em, để làm sân khấu tối coi.
Tôi bước xuống xe, phụ bác Bẩy vác mấy cái rương nặng chịch xuống xe. Đứa nhỏ lúc nãy bu cứng vào thành xe vứt cặp khênh hộ. Không thấy bác Bảy nói gì, vài đứa khác cũng bắt chước vứt cặp chạy lại.
Ba tôi khênh nốt mấy tấm phông vải xuống, vừa thở vừa nói với tụi nhỏ:
- Mấy cháu về nhà ăn cơm cho sớm rồi bảy giờ thưa với ba má lại đây xem cải lương. Mấy chú diễn tuồng "Nợ nước thù nhà". Hay lắm. Nghe!
Tụi nhỏ chộn rộn một phút. Có đứa bỏ về, có đứa đứng lại. Một đứa chỉ vào tôi hỏi:
- Chú, chú, anh này ảnh có ca cải lương hông chú?
Mẹ tôi cười xòa:
- Ừa, chút nữa coi thì biết. Về ăn cơm sớm đi. Nhớ rủ bạn bè tới coi nghe.
Tụi nhỏ bỏ chạy về nhà. Một lát sau, bãi cỏ trống chỉ còn lại chúng tôi. Bác Tư nói:
- Chèn ơi, không đình, hát trống không vậy há?
Ba tôi cười:
- Hát đây rồi mình thu tiền ai đứng coi, có nhiều lấy nhiều, có ít lấy ít. Nhưng, cái điệu nầy, ngó bộ mình được bộn bạc đây. Đỡ khổ.
Tôi nói với:
- Có tiền, mai ba cho con tô hủ tiếu nghe ba.
Ba tôi gật đầu:
- Được nhiều tiền, mai mua con gà cúng tổ.
Vài ba người làm ruộng trở về tò mò đưa mắt nhìn chúng tôi.
Gặp ai ba tôi cũng mời đến xem diễn tuồng. Gặp vài người vui tính ba tôi còn vời lại nói chuyện trong lúc bác Tư, bác Bảy dựng mấy cây cột treo mấy tấm phông. Chúng tôi dựng sân khấu trong sự thiếu thốn mọi bề. Nhưng những gánh hát dạo như chúng tôi phải biết biến ứng tùy theo hoàn cảnh. Gặp phải đình làng hoặc phòng khánh tiết của xã, chúng tôi cũng cực nhọc như giăng những phông màn ở giữa đồng trống. Cái xe được dùng làm hậu trường sân khấu. Ba cái cột đóng ba góc, cái xe trở thành cái cột thứ tư nằm về phía đầu gió. Những sợi dây vắt ngang chắc chắn treo tấm màn vải nu đã vá nhiều chỗ. Mấy cái phông sơ sài dựng được nhờ những nhánh chĩa. Chiếc đèn măng sông được bơm sáng treo lửng lơ. Vậy là xong. Bác Bảy thử lại dây đờn. Chúng tôi bắt đầu sửa soạn hóa trang. Hôm nay diễn tuồng xã hội nên hóa trang không tốn công và cực khổ nhiều. Tôi mặc chiếc áo cánh nâu, cái quần hai màu sửa soạn để đóng vai người con của chinh phụ. Tôi lóng ngóng qua lại chờ đám khán cả đầu tiên đến. Một cô bé bế em, tay kia bưng chén cơm vừa đút vừa dỗ là vị khán giả đến sớm nhất. Khi vầng trăng lưỡi liềm đến ngang đỉnh đầu thì trước sân khấu đã rộn rịp trẻ nhỏ. Chúng chạy đùa la hét giỡn hớt. Tôi có phận sự giữ không cho chúng lên sân khấu và gõ vào thành xe. Vài đứa nhìn nét mặt trát đầy son phấn của tôi với vẻ khâm phục và ao ước. Trong thoáng chốc, thấy mình lớn lên, hãnh diện.
Vài ba người lớn đã lục tục kéo đến. Đầu tiên là các bà già, rồi mới đến đàn ông, những người ở quanh xóm gần nơi chúng tôi dựng sân khấu. Họ ăn trầu, nói chuyện om sòm. Mẹ tôi đã hóa trang xong. Bà vòng ra đứng cạnh tôi nhìn xung quanh, lẩm bẩm một mình.
- Đông quá. Liệu cũng được bạc ngàn đấy. Mỗi người chừng bốn năm chục, trẻ con mười, mười lăm đồng.
Mà đông thật. Trẻ con bao quanh sân khấu. Người lớn mé ngoài. Có người ngồi sụp xuống cỏ. Có người mang theo cả ghế ngồi. Tôi cũng thấy lòng mừng mừng, vui vui. Sau ngót hai ba tháng nghỉ hát hoặc họa hoằn vài người đến xem vội vã, hôm nay, tôi mới được nhìn lại quang cảnh nô nức quen thuộc. Tiếng đờn của bác Bảy Viễn bắt đầu báo hiệu màn sắp mở. Người lớn ngóng nghe giữa tiếng ồn ào của bầy trẻ nhỏ. Chắc ba tôi sắp sửa ra sân khấu nói vài lời phi lộ. Hồi trước, thường thường trước khi vô tuồng, ba tôi thường đứng ra giới thiệu đào kép, tên vở tuồng, tóm tắt sơ lược câu chuyện trừ cái đoạn kết. Còn hồi này, hát giữa đồng trống, ngoài trời, ngoài những chi tiết thường lệ trên, ba tôi còn thêm vào mục quyên tiền trước khi vở hát bắt đầu để thay thế vé mua. Bao giờ ông cũng định giá tối đa, và giá tối thiểu, rồi kết luận bằng một câu: tùy hảo tâm của bà con cô bác. Thật tình ba tôi có nói cũng bằng thừa vì người coi hát nào cũng cho một số tiền tối thiểu, lòng hảo tâm của họ đã bị hạn chế, bởi đời sống chật vật khó khăn hiện nay, chứ không như hồi xưa. Ba tôi kể lại khi người còn nhỏ, những gánh hát còn được người ta say sưa xem, mỗi lần đào kép xuống một câu vọng cổ hoặc dứt một bài Lý con sáo là tiền thưởng từ dưới sân khấu bay lên như bươm bướm. Thời ấy hết rồi, xa rồi.
Một tiếng trống ra hiệu nhỏ. Tôi kéo màn. Ba tôi bước ra sân khấu trong lớp hoá trang người chinh phu. Ông cúi đầu chào mọi người:
- Kính thưa bà con cô bác...
Đám khán giả vẫn ồn ào. Có vài tiếng chửi thề, la lối của mấy gã thanh niên nóng tính.
- … bà con muốn cho bao nhiêu cũng được, tùy lòng hảo tâm của quý bà con cô bác. Kính chào quý vị.
Tiếng vỗ tay lẻ tẻ. Tôi kéo màn. Mẹ tôi dúi cho tôi cái rổ để đựng tiền. Tôi mang rổ vòng ra phía bìa ngoài vì nơi đó có nhiều người lớn. Tiếng trống dập dồn thúc giục. Chắc là do bác Tư Tình đánh. Tôi tiến đến một bà già đang nhai trầu và chìa rổ dọn một gương mặt tươi cười. Bà ngần ngừ trong một giây rồi móc túi bỏ vào rổ một đồng ken hai chục Tôi đi gần đến những người đàn ông...
- Ti vi có cải lương tụi bây ơi.
Tôi khựng lại. Một đứa nhỏ trạc bằng tuổi tôi đang kêu bạn.
Cả đám người quay lại. Có mấy người hỏi to:
- Mở ti vi rồi hả. Ti vi sửa rồi à?
- Tuồng gì vậy? Gánh nào?
- Cải lương có Bạch Tuyết, Hùng Cường...
Mấy đứa nhỏ đứng dậy la lên:
- Dạ lý hương tụi bây ơi. Bạch Tuyết, Hùng Cường, có đánh kiếm nữa.
Hai đứa, rồi ba đứa, rồi một rừng người đứng dậy, chúng đổ xô chạy về phía trụ sở xã. Người lớn ngồi ngại ngùng nhìn nhau. Có mấy bà đứng dậy, cuối cùng họ cũng kéo nhau theo mấy đứa nhỏ. Kể cả những người đã mang ghế đến, bây giờ họ cũng mang ghế đến chỗ đặt ti vi chung cho xã. Chiếc rổ quyên tiền của tôi sững sờ trong tay. Tôi ngơ ngác nhìn theo đám đông kéo nhau đi. Những tiếng la xa dần, và vọng lại đâu đó những tràng cười nói. Bãi cỏ nát rộng trống. Chỉ còn bà già trót bỏ tiền vào rổ còn ngập ngừng ở lại với đứa cháu nhỏ. Đứa cháu lúc lắc tay bà đòi:
- Bà... coi ti vi đi bà. Coi Bạch Tuyết, Hùng Cường bà.
Bà già ý hẳn tiếc hai mươi đồng mà cũng chẳng nhẽ lấy lại nên ngần ngừ:
- Ừa...
Ba tôi đã đến sau lưng tôi. Tôi quay lại. Tiếng đàn của bác Bảy Viễn đã im bặt. Bác Tư Tình trong lốt hóa trang, bộ râu chổi xể chiếm gần hết gương mặt đang đứng ngó sửng ba tôi. Trên sân khấu, tấm màn được khoát ra. Mẹ tôi ngồi ôm mặt bất động. Lòng uất ức, tôi ngã đầu vào lòng ba tôi mặc cho nước mắt tuôn trào.
- Bị cái ti vi diễn tuồng hay chớ tụi tui cũng muốn coi lắm chớ. Thôi chú chờ ngày mai đi. Mai ti vi không có cải lương chắc có người coi.
- Tụi cháu xui quá bác ơi.
Ba tôi nói giọng run run vì nghẹn ngào, buồn bực.
- Chắc cái mửng này hổng có hát hò gì được. Thôi tui về. Mấy chục bạc cho cháu nhỏ nó uống nước. Tội nghiệp…
Bà cụ bỏ đi. Ba tôi vuốt lưng tôi nhè nhẹ. Người nói nhỏ như tự nói với mình:
- Cái số trời bắt cực, không tránh được. Thôi, cũng đành...
Ba tôi dìu tôi ra xa. Bác Tư Tình ngồi bó gối. Bác Bảy dựng cây đàn thẫn thờ. Mẹ tôi đã ra ngồi sau xe từ hồi nào. Tôi nghe tiếng mẹ tôi nấc nhè nhẹ.
- Thôi em ạ. Đừng buồn để ngày mai mình kiếm cách... Lo chi, trời sanh voi sanh cỏ mà...
Ba tôi bỏ ra phía trước, người gỡ mấy tấm phông, thổi tắt cây đèn măng sông, nói với bác Bảy và bác Tư, giọng uể oải chán chường:
- Anh Bảy với anh Tư phụ tui dẹp mấy cái này. Mai hãy hay.
Đêm đó, chúng tôi không có nồi cháo khuya như mọi khi. Tôi gối đầu trên vai mẹ, lòng bồn chồn không ngủ được. Tô hủ tiếu. Con gà thịt vàng lườm mới đây còn là giấc mơ sắp thành sự thật. Tôi đã ngửi thấy mùi cay của tiêu, mùi thơm của thịt, vị ngậy của nước dùng. Ấy thế mà giấc mơ đã chóng tan. Bụng lép xẹp. Con gà luộc xa vời với những sợi hủ tiếu trắng phau không tưởng.
Trong đêm khuya.
Nghe gió lạnh sẽ lùa qua hiên...
Giọng bác Tư Tình buồn bã như tiếng than van cất lên trong đêm vắng vẻ. Sao trên trời rung rung. Mặt trăng đang ở về phương tây trải ánh sáng nhẹ nhẹ mơ hồ như có khói.
Tiếng đàn của bác Bảy Viễn cũng hòa theo. Nửa chừng, bác bắc qua bản Nam Ai não nuột. Bác Tư không hát nữa, chỉ còn tiếng đàn của bác Bảy buồn như giọt mưa khuya. Tiếng đàn theo gió chảy loãng ra trong không gian tràn vào lòng người man mác. Tôi ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy thật trễ. Nắng đã lên cao, trời xanh mát dịu như một dải lụa mềm. Mẹ tôi và ba tôi đã đi đâu mất. Bác Tư Tình, bác Bảy Viễn đang rửa chân bên cái lạch nước nhỏ để dẫn nước vào ruộng. Tôi lười biếng chưa muốn dậy. Tấm mền nâu mỏng ươm hơi hâm hấp nóng. Tôi đẩy mền sang một bên. Cơn gió nhẹ vờn trên mấy ngọn lúa non bò vào xe mơn man trên da tôi thoải mái. Tôi trở mình. Một cảm giác nôn nao trống rỗng, lúc đầu hiện diện nhẹ nhàng, nhưng sau đó trở nên khó chịu lạ lùng. Bụng đang nôn nao bỗng cồn cào. Không muốn nằm nướng thêm nữa. Tôi trỗi dậy trong tư thế ngẩn ngơ vì thấy thiêu thiếu một cái gì. Tôi bước xuống xe. Bước chân say say như người mơ ngủ. Tôi kêu nhỏ một tiếng trong cổ họng. Lạ thật. Đâu phải tôi đau. Không, tôi đâu có đau ở đâu đâu. Thế sao tôi vẫn cảm thấy khó chịu quá đi mất.
- Kem cây đây... Kem cây đây...
Bụng tôi nhói đau, một chút nước miếng tràn ra qua kẽ răng. Tôi nhớ ra rồi. Tôi chưa ăn sáng, tôi bị đói bụng. Hồi hôm qua tôi chỉ được ăn có hơn một chén cơm đầy. Tưởng rằng tôi có cháo khuya như thường lệ. Ấy mà không. Cho nên bây giờ tôi đói muốn xỉu. Tôi thấy thèm một khúc bánh mì thịt. Những miếng thịt đùi đỏ hồng cuộn cứng. Những sợi cải nhỏ trắng phau, chua chua kèm miếng dưa leo xanh mát. Thèm bánh mì xong, tôi lại thèm tô hủ tiếu mơ ước bấy ngày nay.
- Sáng nay hổng có cái gì ăn nên thằng Hiệp ngó bộ muốn xỉu.
Tôi ủ rủ như con gà bị nước:
- Mẹ có để cái gì cho tui không bác Bảy?
- Có để cái roi.
Tôi thấy tức tức ở ngực. Nước mắt muốn ứa ra.
- Bộ hổng có gì ăn sáng thiệt hả bác Tư?
- Thôi, ráng nhịn đến bữa trưa luôn. Tiền đâu mà ăn sáng? Để gạo nấu trưa chớ! Cái đoàn hát mình đến cái thời kỳ mạt vận rồi.
Nói xong câu đó, bác đổi giọng ngâm i ỉ:
Anh hùng mạt vận lạc đường gươm,
Ngựa chết yên cương cũng não nùng,
Tiếng thét vang xưa hề đã mất, ……
- Thôi bỏ đi, buồn thấy mồ mà còn ngâm với nga.
Bác Bảy gắt nhẹ rồi kiếm một chỗ trên bờ cỏ ngồi bó gối. Tôi không dám hỏi câu nào nữa mặc dù bụng càng lúc càng cồn cào khó chịu.
- Hiệp, cho mày gói đậu phọng ăn đỡ nè. Của tao để dành nhậu đó mậy.
Tôi đỡ lấy gói đậu một cách miễn cưỡng. Tôi không thích đậu mà chỉ thích cái gì mặn mặn thôi.
- Má mầy về kìa Hiệp.
Tôi mừng rỡ phóc xuống xe, chạy ra đường. Má tôi xách đầy một gói đồ ăn. Tôi thấy có cá khô nhỏ, có gạo, có muối, có nước mắm. Thứ gì cũng nhiều quá. Mẹ tôi xách cả hai tay. Tay kia tôi thấy có một trái bắp nóng. Cái bụng thấy đồ ăn càng đòi hỏi dữ. Tôi nói với mẹ, nũng nịu:
- Con đói muốn chết, mẹ à...
Mẹ tôi đưa trái bắp cho tôi. Nhưng mặt bà không vui như thường ngày. Tôi mải ăn quên không hỏi tại sao mà mua đồ ăn nhiều như vậy? Và ba tôi đi đâu mất dạng từ sáng đến giờ? Buổi ăn trưa ba tôi cũng không về. Câu hỏi được đặt ra và má tôi giải thích. Thì ra lúc sáng tinh mơ, ba tôi gặp một người bạn chạy xe vận tải ngang qua. Trông thấy ba tôi, anh ta mừng lắm vội mời ba tôi đi ăn, đi uống. Ngoài ra còn gởi cho tôi năm trăm đồng. Chả là vì hồi ba má tôi mới lấy nhau, ba má tôi đã giúp đỡ anh ta rất nhiều. Tên anh ta là Thuận. Mẹ tôi nhân lúc túng cùng không từ chối được, và bà đã lấy tiền đó để mua thực phẩm cho cả đoàn. Bác Bảy và bác Tư cứ tấm tắc khen mãi con người tốt bụng. Khen đã, bác lại cảm ơn trời cao có mắt, tổ đãi con cháu cải lương. Trời sanh voi sanh cỏ. Bữa cơm đã xong, ba tôi vẫn chưa về. Mãi đến khoảng bốn giờ chiều ba tôi mới về kéo theo ông bạn cũ: ông Thuận. Cả hai đi trên chiếc xe vận tải to lớn có mui vòm kín. Ba tôi và ông Thuận còn tiếp tục nói chuyện một hồi lâu rồi mới chia tay. Lúc ấy trời đã dịu nắng. Một vài đứa trẻ bắt đầu bồng em thơ thẩn đến gần chúng tôi. Ba tôi xua chúng đi và bảo hôm nay không có hát xướng gì cả. Bác Bảy ngạc nhiên hỏi chuyện:
- Ủa, thiệt hả anh Hưng? Hổng hát lấy gì ăn cơm?
Giọng ba tôi trầm ngâm:
- Ở miền này, có hát cũng không kiếm đủ tiền ăn cháo đâu anh Bảy à. Nhưng thôi, để ăn cơm xong tui nói chuyện cho nghe. Tôi đã tính rồi. Đã ngót thì phải nghét.
Thế rồi ba tôi trầm ngâm, không nói thêm gì nữa. Bữa cơm diễn ra trong im lặng. Không ai nói với ai câu nào dầu bữa cơm hôm nay khá ngon. Có cá khô chiên, có canh mồng tơi, có rau muống xào mỡ. Chưa có bữa cơm nào tươm tất kể cả nửa năm nay. Tôi cắm cúi ăn lấy ăn để vì chỉ sợ hết phần. Nồi cơm trở nên quá bé. Đồ ăn thì sao mau vơi thế. Đến chén cơm cuối cùng, chén cơm ráng tôi mới nhai kỹ, chậm rãi, mới nghĩ đến bài học vệ sinh khi ăn uống mà ba tôi đã dạy cho tôi.
- Anh nè, anh Thuận ảnh bàn chuyện đó, anh hỏi ý kiến anh Bảy và anh Tư đi. Bề gì cũng cùng sống cùng chết với nhau mà.
Bác Bảy lia đũa đánh soạt một tiếng xuống mâm:
- Có chuyện gì anh Hưng cứ nói, mình thông cảm nhau quá mà. Khó khăn thì ai mà chẳng gặp lúc khó khăn. Đừng ngại gì hết, tui nói thiệt chớ anh đi đâu là tui theo đó. Có cơm thì ăn cơm, có cháo thì ăn cháo. Cùng lắm thì nhịn. Mà trời có mắt đâu để mình phải chết đói. Trừ ra cái số chết vậy thì không nói.
Bác Tư cũng tiếp theo:
- Anh Bảy nói trúng ý tui đó. Thiệt đến lúc mình phải tính cùng lắm là bỏ nghề làm việc khác chớ. Trừ phi vợ chồng anh Hưng bỏ tụi tui chớ tụi tui nhứt quyết theo vợ chồng anh.
Ba tôi cười xòa, giọng vui:
- Cha chuyện gì mà hai người nói nghe bắt ghê. Bỏ với không bỏ. Tui nói đây là nói đến chương trình làm việc sắp tới của mình.
- Anh nói quách chuyện đó ra cho rồi chớ anh Bảy với anh Tư sốt ruột lắm đó.
- Đây chuyện như thế này. Anh Tư, anh Bảy biết đó, suốt cả nửa năm nay, mình không thu được xuất hát nào cho ra hồn nữa. Chỗ mình hát được là ở làng xã nhỏ, thì bây giờ súng đạn dài dài, đêm thì sợ sệt ai còn bụng dạ nào mà coi hát. Rủi thình lình có chuyện gì thì sao. Còn ở những vùng an ninh như ở đây, thì mình cùng đành chịu. Mấy đoàn hát cỡ trung trung cũng thường mò xuống quận, mà đây ra quận thì nhiều nhít gì, cỡ mười đồng xe lam là tới nơi. Lại còn chỗ nào cũng có ti vi truyền hình, thiên hạ coi ở đó chớ công đâu ngồi ở đồng không, tốn tiền còn phơi sương.
- Tựu trung lại là ở đây hết chỗ làm ăn.
- Cả miền Nam này không có chỗ cho cái đoàn hát cà rịch cà tang của mình đâu. Bây giờ chỉ có một nước...
Bác Bảy cướp lời:
- Cái điệu này là anh định đi Trung phải không?
Ba tôi gật đầu:
- Đi Trung mới sống nổi, chớ ở đây kẹt lắm. Tui hỏi anh Thuận, anh Thuận cũng đồng ý như vậy còn khuyến khích mình nữa. Ngày mốt đây, xe vận tải của ảnh chở hàng đi Trung. Ảnh cho mình quá giang. Khi nào muốn về Sài Gòn lại, ảnh sẽ đưa mình về, bị anh chở hàng đi ra đi vô hoài.
Tôi ngẩn ngơ nghe ba tôi nói. Đi Trung. Trung là gì, ở đâu. Tôi nghe như một miền nào xa xôi lạ hoắc. Lại được đi xe to. Ơ thế còn xe của chúng tôi thì để đâu. Tôi buột miệng chen lời:
- Ủa vậy cái xe của mình cũng đi luôn hả ba. Ba khiêng bỏ lên mui xe bác Thuận như chở hàng vậy phải không ba? Mà đi Trung là đi tận đâu vậy ba?
Mẹ tôi nạt ngang:
- Để cho ba nói chuyện. Con nít cứ xen vô chuyện người lớn hoài.
Tôi ngồi im thin thít.
- Ừa, còn cái xe làm sao anh Hưng? Lại tiền đâu mà đi Trung, tiền ăn, tiền này tiền nọ.
Ba tôi chậm rãi:
- Tôi tính hết trơn hết trọi rồi. Các anh đừng lo. Cái xe mình hết dùng được, bề nào cũng đi xa. Tui nhận lời bán cho một tiệm buôn các chú do anh Thuận giới thiệu. Họ nhận mua còn đòi coi xe mới trả tiền. Tiền đó ra Trung mình lo việc chuyên chở về làng làm ăn. Nghe anh Thuận nói ở ngoài đó, quận thường thường trung trung thích coi cải lương lắm. Mấy đại ban đâu có đi xa, có ra Trung thì tiền vé cũng mắc, nên coi mòi mình có ăn lắm. Với lại ti vi ở ngoải cũng không nhiều như trong này.
Bác Bảy trầm ngâm:
- Anh liệu có đi được không, xa quá, lạ nước lạ cái.
Ba tôi cười buồn:
- Chớ bộ ngày xưa anh không đi Trung sao? Mấy lần rồi?
- Có đi Huế, đi Qui Nhơn. Nhưng ở tỉnh. Mà lúc trước khác, bây giờ khác.
Ba tôi trấn an mọi người:
- Tôi hỏi kỹ anh Thuận tình thế rồi. Chuyện đến như bây giờ. Ở đây cũng không làm ăn nên nổi. Mình liều một phen. May ra có tiền về lại xứ sở mở tiệm buôn bán dưỡng già, chớ ngó bộ tụi mình già cả hết rồi.
- Đi hết mấy ngày đường hả anh Hưng?
- Nghe nói độ một tuần. Cứ một tháng xe anh Thuận ra vô một lần. Đừng lo, có chuyện gì mình lại quá giang xe trở về. Thôi, bây giờ mình sửa soạn đồ đạc lần lần, gói lại cho kỹ càng, nhất là mấy tấm phông cảnh. Ngày mai, có người tới mua xe. Giá được xong xuôi, mình lên xe vận tải của anh Thuận ở chờ mốt đi sớm.
Thế là buổi họp tan. Tối hôm đó, tôi nằm tưởng đến chuyến đi sắp đến với bao nôn nao. Tôi tưởng tượng, cố tưởng tượng. Nhưng trí óc nhỏ bé của tôi chỉ nghĩ được những đống rơm, những cánh đồng xanh mát. Điều quyến rũ tôi nhất là được nằm trên chiếc xe to lớn, khỏi phải làm gì cả và có đầy đủ thức ăn. Thế nào bác Thuận lại chả dành cho tôi một cái bánh hoặc một thỏi kẹo nhỉ?

*

Chuyến đi dài thoáng qua như giấc mộng. Những cảnh sắc mới, những địa thế mới mở ra trước mắt tôi. Cái gì cũng khác cũng lạ không giống như quang cảnh miền quê của miền Nam. Tôi biết thế nào là miền Trung. Chuyến xe đã chở đoàn hát chúng tôi nuốt biết bao cây số đường. Mỗi cảnh mỗi miền ba tôi đều chỉ dẫn cho tôi từng ly từng chút theo sức hiểu biết của người. Tôi như lớn lên, lòng như trải ra để đón nhận. Mặc dù gương mặt mẹ tôi luôn luôn ưu tư, mặc cho bác Tư, bác Bảy thỉnh thoảng ngân nga câu vọng cổ hoài tình buồn não nuột. Miền Trung, là lúa không xanh thẫm, là đất không ướt nước, là núi, là rừng, là đèo, là những món ăn mặn chát muối, là những món ăn ngọt như mía, tanh cá biển, là những người dân nghèo nàn, có giọng nói lạ lùng. Chiếc xe lớn của bác Thuận thả chúng tôi giữa những chiếc xe hàng chở khách nhỏ. Và không để mất một giây nào, ba tôi lại ra hiệu cho mọi người làm một chuyến đi khác nữa, lần này những cây kẹo của bác Thuận đã ra vời tôi rồi.
Chúng tôi đến nơi đã định vào lúc giữa trưa. Nắng cháy cây cháy cỏ. Nắng bỏng rát như muốn đốt vàng mái tóc hôi nắng của tôi, như muốn làm bỏng hai bàn chân trần không thích mang dép của tôi. Mẹ tôi kêu lên:
- Chèn ơi, cái xứ nóng gì mà nóng muốn thấy tía luôn.
Buổi trưa, cái quận nhỏ nơi chúng tôi đến im lìm. Đồ đạc cồng kềnh. Ba tôi sắp tôi đứng lại giữ đồ còn chia phiên cho mọi người làm việc. Mẹ tôi phải chạy vào chợ mua một ít rau cải để ăn trưa lấy sức. Bác Tư, bác Bảy kiếm một chỗ trống ở quận để dọn sân khấu. Ba tôi đi đến chi hành chánh để xin phép được trình diễn ở quận.
Mọi việc liên tiếp xảy đến như một cái thoi cửi. Tôi ngẩn ngơ xoay vòng theo cái đà làm việc của mọi người. Được sự hứa hẹn giúp đỡ, ngoài ra, chúng tôi còn được phép hát tại nhà hội họp của quận. Ngần ấy làm ba tôi và mọi người phấn khởi, nôn nao. Mẹ tôi cứ soạn sửa mãi những bộ đồ hát đã bị mốc bởi lâu ngày không dùng đến. Ba tôi trích ra một ít tiền để mua sơn màu làm lại những tấm phông đã bạc phếch. Bác Tư, bác Bảy dượt lại những đoạn hát khá, những bài vọng cổ cho thật mùi. Lần đầu tiên ra mắt bà con, mình phải hát hay để bù lại chỗ thiếu đào kép. Ba tôi nói vậy. Người có vẻ hơi lo âu vì trang phục và phông cảnh, màn không đủ để che lấp cho kín sân khấu bởi nhà hội họp cũng khá rộng. Mà thật thế, những tấm phông của chúng tôi đặt lên trông buồn cười, nó thiếu cả bề cao lẫn bề rộng. Sân khấu của chúng tôi chỉ đặc dụng ở ngoài trời.
Nhưng nhờ tính biết thích ứng và tháo vát của mọi người, cùng sự giúp đỡ, chúng tôi có được một bức màn trắng để lót phông cho sân khấu. Ba tôi dùng sơn màu phết vội vài mảng xanh trắng làm tạo nên bầu trời mùa hạ. Một chút xanh lá cây ở góc tạo nên cây cỏ cho sân khấu. Thế là tạm xong.
Suốt mấy tháng nay, bây giờ là lần đầu tiên, chúng tôi lôi ra cuộn biên lai cũ làm vé hát. Và cũng lần đầu tôi nhìn thấy những thúng hàng quà đủ loại dưới ánh đèn. Người lớn, con nít, phần đông là giới lao động làm ruộng, chen lấn, vào ngồi trên những chiếc ghế dài. Những gương mặt nghếch lên nhìn cái sân khấu nghèo nàn của chúng tôi. Cũng may, quận miền Trung cũng nghèo nàn, bé nhỏ, dân chúng cũng lam lũ và đoàn hát dạo của chúng tôi trở thành anh chột trong thế giới người mù.
Những giọng nói trọ trẹ khó nghe, nhưng lại nghe được rất thành thạo những giọng hát câu hò của chúng tôi. Buổi hát đầu tiên đầy khích lệ. Cả đoàn ra công trình diễn thật xuất sắc. Ba tôi cố gắng tận dụng những tiểu xảo của người trong việc đổi vai nhanh chóng.
Cuối cùng, khi màn hạ xuống. Chúng tôi thở phào trút tất cả mệt nhọc nhưng lòng thì khoan khoái hân hoan. Tôi giúp má tôi cởi chiếc áo hoàng hậu lấp lánh kim tuyến. Vài đứa trẻ còn luyến tiếc ngóc đầu nhìn vào, chọc ghẹo tôi:
- Ơ, cái anh nớ, Hoàng Tử con nít…
Buổi cháo khuya vui vẻ không khi nào bằng. Bà hàng quà muộn còn trong rổ hai trái ổi xanh. Tôi nhìn thèm rỏ dãi. Mẹ tôi mua rẻ cả hai rồi trao cho tôi. Tôi chỉ ăn được nửa chén cháo. Còn để bụng nhá ổi.
Nửa đêm hôm đó, tôi đau bụng quá sức. Trái ổi hành tôi. Mẹ tôi nói vậy. Bà lấy một ít rượu gừng đánh gió và dầu lửa thoa trước bụng cho tôi. Nhưng cơn đau vẫn không dứt. Đến khi cơn đau chỉ còn là những cơn quặn liên tiếp tôi buồn đi cầu không nín được. Bác Tư ngồi dậy dắt tôi đi về phía sau, cách một dãy nhà đến một cánh đồng trống với những bụi nhỏ kín đáo. Đã quen với lối đi như thế này tôi không sợ hãi gì cả. Bác Tư để tôi đó và trở về tiếp tục giấc ngủ.
Sau khi những chất ứ đọng trong bụng được tống ra hết. Cơn đau bụng cũng chấm dứt. Tôi khoan khoái bước từng bước nhỏ trở về nhà. Cảnh tượng buổi chiều, và những điều vui suốt ngày nay vẫn còn làm tôi khoan khoái. Tôi lại nhớ đến tô hủ tiếu và băn khoăn không biết ở đây có bán hủ tiếu không.
- Vút… ầm...
Trong giây thảng thốt cuối cùng, tôi chỉ ghi nhận được một vệt sáng lửa kèm theo tiếng rít khủng khiếp, rồi đến tiếng nổ kinh hồn đến tức ngực. Chân tôi không vững, mắt tối đen. Tôi như bị hỏng chân nhẹ hều trong bầu không khí ngạt ngụa, nhức nhối, đinh tai và không biết gì nữa. Khi tỉnh lại tôi mơ hồ thấy mình nằm cạnh nhiều người trong bầu trời tối đen như căn phòng kín. Mặt đất ẩm thấp mùi cỏ mùi đất. Tôi quờ quạng:
- Mẹ… mẹ...
Có tiếng nói, giọng đàn bà, không phải tiếng mẹ tôi:
- Thằng nhỏ tỉnh dậy rồi, chắc bị tức ngực. Ông ra coi thử, ngó bộ im rồi.
- Khoan đã, để coi có chi không, ra bây chừ dễ sợ lắm. Rủi mô không biết, mắc công...
Cả hai giọng đều không phải giọng nói quen thân của ba của mẹ. Tôi chợt thấy sợ hãi vô cùng. Nước mắt ứa ra. Tôi nhỏm đứng dậy:
- Ba ơi… Bác Tư... Bác Bảy...
Có cánh tay mạnh mẽ lôi tôi nằm xuống:
- Để yên đã rồi bác cho lên.
Cùng lúc đó, tiếng chân người chạy rầm rập, rồi có ánh sáng đỏ lửa hắt vào hầm. Tiếng người đàn bà kêu thảng thốt:
- Chết cháy nhà, ra đi ông...
Bà bò ra trước. Người đàn ông lôi tôi ra theo. Ngôi nhà bà không cháy, nhưng cách đó một khoảng, lửa bốc cháy. Tôi vẫn còn ngẩn ngơ trong cơn khiếp sợ đến cứng người. Lúc bây giờ, người chạy kẻ la đã tấp nập cả khoảng đường, áng cả tầm mắt. Hai vợ chồng lạ còn dắc tay tôi hỏi vọng ra đám người chạy qua:
- Trúng mô đó hả chị Tám? Răng gan quá, không biết có chữa tắt được không? Mụ vô lo coi đồ đạc đi. Nhà cháy đến nơi chạy không kịp đó. Để tui lấy gàu đi chữa với người ta.
- Cháy ở nhà họp ông Thân ơi. Tội nghiệp, có cả đoàn hát hồi chiều ngủ ở đó mà.
Tôi rụng rời cả tay chân. Trời ơi! Ba tôi, mẹ tôi, bác Tư, bác Bảy. Tôi hét lên một tiếng xô nhào mọi người chạy lại. Ông Thân chạy theo. Mọi người đứng nhìn ngơ ngác:
- Ủa con ai đó tề? Con ai đó chị Thân?
- Tui đâu có biết. Hồi hôm lúc chạy ra hầm, thấy thằng nhỏ bị văng ở miệng hầm, ông nhà tôi bèn kéo xuống hầm. Cha! Rớt trúng nhà họp. Có trái nào rớt trúng ở mô nữa không biết. Thiệt là tai họa.
Tôi cắm đầu chạy miết. Những bước chân cứ chồng chất lên nhau, vướng víu nhau. Bước chân run. Bước chân tê dại. Tôi vấp ngã cả chục lần. Trước mặt là đám cháy. Thật tình đám cháy không lớn lắm chỉ bừng bừng lên không quá đầu đám người đang lố nhố vây quanh. Tôi cầu mong ba mẹ không hề gì. Tôi cầu mong thấy bóng dáng ba mẹ đang đứng, đang tìm tôi, đang cười mừng nhìn tôi chạy đến. Những gương mặt lạ ửng bên ánh lửa hồng xa lạ quá. Tôi đâm nhào vào hàng rào. Bước chân tôi lúc đó mới ngưng lại. Những rương đồ tung tóe ở trên nền nhà. Căn nhà sụp nát lồ lộ. Tôi kêu lên nghẹn tiếng:
- Ba ơi, mẹ ơi… Ba ơi... Mẹ ơi... Ba mẹ ơi...
Một người nắm chặt lấy vai tôi giữ cho tôi khỏi xông vào chỗ cháy. Có giọng vỗ về:
- Đừng khóc con, chắc không bị chi mô.
Một bóng người loáng trước mặt tôi.
- Em này là ai đây?
- Dạ thưa ông, thằng nhỏ này là con của cặp đào kép đoàn cải lương mới tới đó…
Người đàn ông chắc lưỡi:
- Tội nghiệp... Còn... Thôi, bác đưa đứa nhỏ ra phía đầu kia đi, tránh cho nó khỏi xúc động.
Linh cảm một cái gì lớn lao, thiêng liêng vừa mất. Tôi nhất định không đi, trì kéo lại. Vừa lúc đó, hai người đang khênh một bóng đen từ trong ngôi nhà họp chạy ra:
- Tránh chỗ, tránh chỗ, người chết.
Đám đông giạt ra. Tôi thừa cơ hội chạy vụt đến. Cái xác cháy đen. Nhưng ánh lửa hắt lên gương mặt còn toàn vẹn của xác chết đủ để tôi hãi hùng đến gần ngất đi. Ba tôi. Đôi mắt người mở trừng trừng. Tôi ôm mặt, nước mắt chảy như suối dù tôi không còn biết là mình đang khóc. Một xác nữa, rồi một xác nữa. Không phải mẹ tôi. Còn mẹ tôi, mẹ tôi. Tôi la lên, tôi giẫy chân giẫy tay trong vòng tay chặt cứng như hai cái gọng sắt của ông Thân. Tôi lăn lộn vùng vẫy rũ rượi, đến hết hơi, đến khan cổ, đến ngừng tiếng. Công việc cứu cấp vẫn còn tiếp tục:
- Tránh xa, đem đến bệnh xá ngay, có người bị thương còn sống.
- Mẹ... Mẹ... Tôi la lên, chòi đạp.
Ông Thân bế bổng tôi lên tay chạy theo người bị thương.
Mái tóc dài rối tung. Đúng là mẹ tôi rồi. Mẹ tôi còn sống.
Ông Thân vỗ về:
- Để bác bồng con đi theo. Đừng có đạp. Chắc không có bề gì mô. Để họ đưa cho y tá băng bó.
Tôi ngóng theo chiếc băng ca, trên đó mẹ tôi im lìm bất động. Trong rừng tiếng la ồn ào, tôi nghe như có tiếng rên đau đớn của mẹ. Tiếng rên xoáy vào trong tim, trong óc. Xé rách ruột gan tôi trong nỗi đau không có lời nào bày tỏ nổi. Trước bệnh xá đã có một đám người tụ tập sẵn. Bầu trời vẫn còn mờ mịt trong ánh sáng nhẹ nhàng của vầng trăng bạc trắng lưỡi liềm. Cái bóng sáng hắt lên mái tóc, vầng trán bóng lưỡng mồ hôi của mấy người cứu cấp. Chiếc băng ca chở mẹ tôi mất hút trong bệnh xá nhỏ bé. Ông Thân đặt tôi xuống. Lợi dụng mọi người đang lăng xăng tôi chạy vụt vào. Ánh đèn điện sáng làm tôi khựng lại. Người y tá không kịp mặc áo đang loay hoay bên tủ thuốc. Chỉ có một người y tá độc nhất. Tôi chạy vội đến bên mẹ. Bà đang chìm trong sự đau đớn của những vết thương bết máu. Máu đất bê bết. Tôi không dằn được kêu lên:
- Mẹ ơi... Mẹ đừng bỏ con nghe mẹ!...
- Trời ơi, ai cho thằng nhỏ này vào đây? Để người ta làm việc chớ.
Người y tá giận dữ lôi tôi ra. Tôi cố bám lấy chân giường chặt cứng. Đôi mắt mẹ tôi rung động he hé. Tôi la lên:
- Mẹ tôi tỉnh lại ông. Tôi lạy ông mà. Mẹ tôi... Con lạy ông cho con ở lại đây với mẹ con mà…
Tôi khóc to, giọng nói líu ríu trong lưỡi chìm trong tiếng khóc. Người y tá chừng như mủi lòng không lôi tôi nữa. Vừa lúc đó, sau một tiếng rên lớn, mẹ tôi kêu nhỏ:
- Hiệp ơi!... Hiệp, con đâu rồi, Hiệp?…
Tôi la lên, vừa la vừa khóc:
- Mẹ… Con đây mẹ… Mẹ đừng bỏ con nghe mẹ...
Mẹ tôi không trả lời nữa. Bà chìm ngất đi, không biết gì nữa. Người y tá nắm lấy tay tôi dịu dàng:
- Để bác làm việc, chữa chạy cho bà. Chớ cậu cứ bíu lấy làm sao. Để bà ấy mất máu nhiều nguy hiểm lắm. Đi ra ngoài độ nửa tiếng nữa thì bác cho vô.
Tôi quay lại năn nỉ:
- Con lạy bác, bác cứu sống mẹ con với… Mẹ...
Tôi thụt lùi ra cửa. Ông bà Thân đã chực sẵn, lôi tay tôi hỏi dồn:
- Mẹ cháu tỉnh chưa?
Tôi lắc đầu khóc nức lên. Bà Thân dịu dàng:
- Ra đây cháu, để chút nữa rồi vô. Chắc không hề chi mô. Tội nghiệp, mới từng ấy tuổi đầu.
Có tiếng người nói:
- Còn nhỏ độ mười hai, mười ba tuổi chứ mấy. Nếu con chị mà còn sống chắc bây chừ hắn cũng lớn như rứa đó.
Bà Thân gục đầu buồn bã:
- Ừa, răng mà thằng nhỏ này hắn giống con tui ghê. Ngó bắt thương…
Tôi đứng đó. Không nghe, không thấy gì hết. Tôi chỉ nghĩ đến một điều là mẹ tôi không chết. Người ta sẽ cứu sống mẹ tôi. Còn ba tôi, bác Tư, bác Bảy… Những người đó không còn nữa. Những điều đó quá sức chịu đựng của tôi. Tôi quỵ hẳn xuống và ngất lịm...
Tôi tỉnh dậy sau đó, chắc không lâu lắm, bởi mọi người vẫn còn đứng ở phía trước cửa bệnh xá bàn tán. Ông bà Thân đứng nhìn tôi ái ngại.
- Thằng Hiệp... Hiệp ơi... Con ở đâu...
Tôi chạy bổ vào. Mẹ tôi đã tỉnh lại. Tôi quỳ gối để được nhìn sát vào mặt mẹ. Đôi mắt trắng lờ đờ của mẹ tôi nhìn quanh tìm kiếm. Tôi sờ vào mắt người để người biết có tôi bên cạnh và nói:
- Con, con đây mẹ. Mẹ...
Tôi lại bật khóc... Lòng quặn thắt, uất nghẹn.
- Anh Hưng ơi, anh đâu rồi...
Mẹ tôi kêu to, quờ quạng. Người y tá giữ tay mẹ tôi lại để bình nước biển không chao đổ:
- Bà cố nằm yên. Ông nhà và con bà không sao cả.
Mẹ tôi nằm yên. Mắt bà đã nhìn thấy được tôi. Gương mặt mẹ tôi tươi tỉnh, hy vọng hơn. Bà nhìn tôi chăm chú, miệng gần như mỉm cười, như muốn nuốt trọn hình ảnh của con mình vào lòng mắt.
- Ba con đâu Hiệp... Anh đâu rồi...
Câu hỏi nhắc đến ba tôi. Nước mắt tôi chảy dài. Tôi nấc lên. Mẹ tôi ngạc nhiên. Nhưng chỉ một thoáng. Bà linh cảm như có chuyện gì không hay xảy đến cho chồng, bà hốt hoảng:
- Chồng tôi chết rồi hả… Anh Hưng chết rồi hả… Ba con chết rồi hả...?
Miệng mẹ tôi há hốc để thở. Tôi không nít được vùi mặt khóc to. Không ai nói gì. Bệnh xá yên lặng chỉ còn tiếng khóc của tôi vang vang giữa bốn bức tường vôi trắng toát.
Được một lát sau, tôi thấy gương mặt mẹ tôi đã bình tĩnh trở lại. Trên đôi mắt thất thần của người, hai hàng nước mắt lặng lẽ chảy dài. Mẹ tôi âu yếm nhìn từ chân đến đầu tôi. Trước cử chỉ bi thảm đó, tôi lại khóc òa lên. Cả những người chung quanh cũng sụt sùi rơi lệ. Tôi muốn gào thét nhưng thật kinh khủng, tiếng hét của tôi uất nghẹn trong lồng ngực. Tôi gạt nước mắt để được nhìn thấy mẹ. Để không có cảm tưởng là mất mẹ. Ấy nhưng nước mắt cứ tràn bọc đầy hai mắt. Khối bông trắng trước mặt tôi mập mờ.
Mẹ tôi lại rên lên vì đau đớn. Máu từ vết thương rịn ra ướt đỏ. Những vết phỏng nhẹ trên cánh tay, trên má bây giờ đỏ ửng dưới ánh đèn. Người y tá nhìn ra ngoài trời bảo:
- Chắc phải đưa bà nầy lên bệnh viện tỉnh, chớ đây e bộ...
- Để tôi đi lấy xe…
Mẹ tôi hình như nghe được những câu bàn tán ấy. Bà nhìn tôi, nước mắt lại ứa ra, thều thào:
- Tôi không đi đâu hết... Làm ơn cho tôi… con tôi… Hiệp… Mẹ…
Mẹ tôi nói không ra hơi. Tôi quỳ sát áp má vào mặt mẹ. Nước mắt tôi và nước mắt mẹ tôi hòa trộn với nhau. Tôi nghe hơi thở bà yếu ớt nóng hổi. Mẹ tôi thầm thì bên tai tôi:
- Mẹ... Mẹ thương con… Hiệp ơi… Mẹ chết… chết...
Mẹ tôi im lặng, không nói gì nữa. Trong khoảnh khắc mơ hồ, tôi không cảm thấy hơi thở của mẹ phà trên mặt nữa. Hình như có một tiếng nấc nhẹ. Tôi lắng nghe. Bật người dậy, kinh hoàng thét lên từ vô thức:
- Mẹ ơi... Mẹ... Mẹ bỏ con.
Mắt mẹ tôi đã nhắm lại. Trên mi hai giọt nước mắt còn long lanh. Tôi nhìn kỹ. Gió tốc bay mép băng phơ phất như hơi thở. Người y tá để tay lên mũi mẹ tôi. Sợi tóc lặng yên trước mũi. Ông ta thở hắt một tiếng:
- Bà ấy đi rồi...
Đầu tôi choáng váng điên cuồng. Tôi ngất xỉu...