goài bến cảng, mặt trời chiếu gay gắt. Mô tô, xe tải, xe buýt, xe ô tô riêng và xe thuê, chảy ngược xuôi như nước trên đường phố lớn đông đúc, gã tài xế nào cũng bóp còi inh ỏi ; những chiếc xe kéo luồn lách thoăn thoắt giữa đám đông, đám phu khuân vác hổn hển lấy hơi la hét nhau, những người phụ khuân những kiện hàng nặng, đi lắc lư chầm chậm, miệng quát tháo khách qua lại nhường đường cho mình; mấy gã bán hàng rong rao ơi ới. Xingapo là nơi gặp gỡ của hàng trăm dân tộc: người thuộc đủ màu da, người Tamin da sạm đen, người Tàu da vàng, cả người Mã Lai da nâu, người Acmêni, Do Thái và Bănggan nữa. Họ gọi nhau, giọng khàn khàn. Nhưng trong văn phòng của các ông Riply Gioix và Naylo rất mát mẻ dễ chịu. Từ ngoài phố bụi bặm, chói chang và ồn ào không ngớt, khi vào đây thấy tôi tối và yên tĩnh dễ chịu. Gioix ngồi bên bàn trong phòng riêng, chiếc quạt máy quạt thốc phía trước mặt. Anh ngả người ra sau, hai khuỷu tay đặt trên hai tay ghế, đầu ngón tay xòe rộng của hai bàn tay đặt chum vào nhau. Anh nhìn đăm đăm vào mấy tập “Công báo luật” đã nhàu nát xếp trên chiếc giá sách đặt trước mặt. Trên mặt tủ, vài chiếc hộp thiếc hình vuông sơn đen bóng, đề tên tuổi khách hàng. Có tiếng gõ cửa:
_ Mời vào!
Tay thư ký người Hoa, mặc chiếc quần vải bông dày dặn hết sức chỉnh tề, mở cửa phòng.
_ Thưa ông, ông Crôxbiê đã có mặt ạ.
Hắn nói tiếng Anh rất hay, trọng âm từng từ đâu vào đấy. Gioix thường kinh ngạc trước vốn từ vựng phong phú của hắn. Uông Chí Sinh là người Quảng Đông đã theo học luật ở Gray’s Inn. Hắn vào đây làm một hai năm với công ty Riply Gioix và Naylo để chuẩn bị mở hãng luật riêng. Hắn cần cù, sốt sắng, tính nết đứng đắn.
_ Mời ông ấy vào – Gioix đáp.
Anh đứng dậy bắt tay khách, mời khách ngồi. Lúc đó ánh sáng hắt trên người anh, còn khuôn mặt anh vẫn khuất trong vùng tối. Bản tính Gioix vốn ít nói, lúc này anh chỉ im lặng, nhìn Rôbớt Crôxbiê một phút, không nói một lời. Crôxbiê là một anh chàng to béo, cao dễ hơn thước tám, đôi vai rộng, người vạm vỡ, khỏe mạnh. Anh ta là một chủ đồn điền cao su, cơ thể rắn chắc đó phải thường xuyên cuốc bộ khắp đồn điền và do những buổi chơi quần vợt, muốn giải trí cho thoải mái sau một ngày làm việc. Nắng gió làm da anh ta đen sạm. Đôi bàn tay lông lá và đôi chân đi bốt xấu xí đều to bè bè. Gioix chợt nghĩ: quả đấm to tướng kia thừa sức quại chết một anh chàng Tamin mảnh khảnh. Nhưng trong đôi mắt xanh biếc của anh ta không hề ánh một tia hùng tợn; đôi mắt đáng tin và dịu dàng; khuôn mặt to, không có nét gì đặc biệt, nom cởi mở, bộc trực và chân thật. Lúc này khuôn mặt ấy đượm một nỗi đau khổ sâu sắc. Nó hốc hao, phờ phạc.
_ Nom anh như thể đã mất ngủ mấy đêm liền – Gioix bảo.
_ Quả là thế.
Bây giờ Gioix mới để ý tới chiếc mũ phớt cũ kỹ rộng vành mà Crôxbiê đặt trên bàn; rồi anh đưa mắt liếc nhìn quần soóc ka-ki mà Crôxbiê đang mặc, để lộ hai bắp đùi lông đỏ quạch; chiếc áo quần vợt để phanh cổ, không có ca-vát, và chiếc áo vét- tông ka-ki cáu bẩn, cổ tay áo vén lên. Nom như anh vừa qua một chuyến lặn lội lâu ngày trong đám cây cao su vậy. Gioix thoáng cau mày.
_ Anh phải bình tĩnh. Đừng quản trị - Gioix nói.
_ Ồ, tôi rất tỉnh táo mà.
_ Hôm nay anh đã gặp chị ấy chưa?
_ Chưa, chiều nay tôi mới được gặp. Hẳn anh biết đấy, thật là một mối hổ nhục đáng nguyền rủa, việc chúng bắt giam vợ tôi ấy mà.
_ Tôi cho rằng họ phải làm như vậy – Gioix bình tĩnh đáp, giọng nhẹ nhàng.
_ Tôi thì nghĩ chúng phải thả cô ấy ra với điều kiện nộp tiền bảo lãnh.
_ Đây là một tội trạng rất nghiêm trọng.
_ Thực ghê tởm. Vợ tôi chỉ làm những điều mà bất kỳ người đàn bà đứng đắn nào cũng sẽ làm nếu ở vào cảnh ngộ của cô ấy. Có điều trong mười người, tới chín người không có gan làm, Lexliê là người phụ nữ tốt nhất trên thế gian này. Cô ấy hiền như bụt, chẳng hại ai bao giờ. Hừ, tổ cha chúng nó. Anh ạ, tôi đã lấy cô ấy ngót mười hai năm rồi, lẽ nào tôi không hiểu cô ấy? Thề có Chúa, nếu tôi tóm cổ được thằng khốn kiếp nọ, tôi sẽ vặn cổ nó và sẽ giết chết nó không chút lưỡng lự. Đến anh cũng phải hành động vậy thôi.
_ Này anh bạn thân mến, ai ai cũng ủng hộ anh. Không có kẻ nào nói lấy một câu khen gã Hămmôn hết. Bọn tôi sẽ gỡ cho chị ấy. Tôi không tin rằng các ngài hội thẩm lẫn ông thẩm phán trước khi vào phiên tòa mà lại không sẵn có quyết định tuyên án vô tội.
_ Tất cả chỉ là một trò hề, - Crôxbiê giận dữ đáp. – Trước hết, lẽ ra không bao giờ chúng được bắt giam cô ta, nhất là sau tất cả những điều cô gái đáng thương đó đã phải chịu đựng, chúng còn bắt cô ta chịu cực hình trước vành móng ngựa nữa. Từ ngày tôi tới Xingapo đến nay, tôi không hề gặp một ai, dù là đàn ông hay đàn bà lại không bày tỏ với tôi rằng hành động của Lexliê hoàn toàn có lý do chính đáng. Tôi nghĩ việc bắt giam cô ấy suốt mấy tuần qua cũng thật tệ quá rồi.
_ Luật pháp là luật pháp. Xét cho cùng, chính chị ấy đã thú nhận rằng mình có giết gã ta cơ mà. Thực khủng khiếp, và tôi rất tiếc cho cả anh lẫn chị ấy.
_ Tôi bất cần, - Crôxbiê ngắt lời.
_ Nhưng sự việc vẫn là có tội giết người, và ở xã hội văn minh thì phải ra tòa là điều không thể tránh được.
_ Chẳng lẽ giết loài sâu bọ độc hại mà là lại coi là tội giết người ư? Cô ấy giết nó cũng như cô ấy buộc phải giết một con chó dại vậy.
Gioix ngả lưng trên ghế, một lần nữa lại chum mười đầu ngón tay vào nhau làm thành cái hình nho nhỏ như bộ khung mái nhà. Anh im lặng giây lát.
_ Tôi chỉ muốn làm tròn bổn phận cố vấn pháp luật của anh, - cuối cùng anh nói, giọng đều đều, nhìn người khách hàng của mình bằng đôi mắt nâu lạnh – Tôi quên chưa nói với anh rằng còn một điều khiến tôi hơi áy náy. Nếu chị ấy chỉ bắn gã Hămmôn một lần thì mọi chuyện sẽ êm thấm cả. Nhưng bất hạnh thay, chị ấy nổ sáu phát súng.
_ Lời thanh minh của cô ấy vô cùng đơn giản. Trong trường hợp đó, bất kỳ ai cũng phải hành động như vậy.
_ Tôi dám chắc thế, và đương nhiên tôi cho rằng lời thanh minh trên là rất xác đáng. Nhưng không thể bỏ qua được các tình tiết. Cách tốt nhất là hãy đặt anh vào địa vị của người khác. Tôi phải thừa nhận rằng nếu tôi làm công tố viên phụng sự Đức Vua thì tôi cũng phải hướng sự điều tra vào điểm ấy.
_ Anh bạn thân mến ạ, thật là vớ vẩn hết sức, Gioix đưa cái nhìn sắc sang Rôbớt Crôxbiê. Một nụ cười thoáng hiện trên đôi môi đẹp đẽ cân đối của anh. Crôxbiê là một anh chàng tốt bụng đấy, nhưng thực khó lòng coi anh ta là người thông minh được.
_ Tôi dám chắc điều ấy chẳng có gì quan trọng. – viên luật sư trả lời. Tôi chỉ nghĩ đó là một điểm đáng nêu mà thôi. Kể từ giờ, anh không phải chờ đợi lâu lắm đâu, và một khi mọi chuyện đã qua đi, tôi khuyên anh nên cùng chị ấy đi nơi nào khác thì hơn, và hãy cố quên hết thảy. Thậm chí, dù chúng ta có chắc mười mươi là trắng án, thì một vụ án như vậy cũng là việc đáng buồn, mà anh chị đều muốn được yên thân.
Lần đầu tiên Croxbiê mỉm cười, nụ cười ấy khiến khuôn mặt thay đổi lạ lùng. Bạn sẽ quên ngay vẻ thô kệch khi nãy và chỉ còn thấy những nét tốt đẹp trong tâm hồn anh.
_ Thiết tưởng tôi còn mong mỏi điều ấy hơn cả Lexliê nữa kia. Cô ấy đã chịu đựng một cách kỳ diệu. Thề có Chúa, đấy là một người đàn bà nhỏ bé mà can trường đấy anh ạ.
_ Vâng, tính tự chủ của chị ấy đã gây cho tôi một ấn tượng rất sâu sắc. Tôi không ngờ rằng chị ấy lại có khả năng quyết đoán đến vậy.
Với tư cách là luật sư của nàng, anh có bổn phận phải tiếp xúc nhiều với Crôxbiê kể từ lúc nàng bị bắt. Mặc dù đã dàn xếp hết sức cho nàng, nhưng rốt cuộc nàng vẫn bị giam ngục, đợi xử án bởi tội giết người, và nếu nàng có bị suy sụp tinh thần thì cũng chẳng phải điều đáng lạ. Nhưng nàng có vẻ thanh thản chịu đựng mọi thử thách. Nàng ham đọc sách báo, tập thể dục nhiều và được phép của nhà chức trách nàng làm đăng ten gối, nó vốn là thứ tiêu khiển của nàng trong cả chuỗi giờ nhàn hạ. Khi Gioix tới gặp, anh thấy nàng gọn gàng tươi tắn trong chiếc áo dài giản dị còn mới tinh, tóc chải cẩn thận, móng tay hết sức trau chuốt. Nàng có một phong thái rất đường hoàng. Thậm chí nàng còn tỏ ý giễu cợt những nỗi phiền phức nho nhỏ trong hoàn cảnh của mình. Có một cái gì thản nhiên ở giọng điệu khi nàng nói về tấn bi kịch đó, nó khiến Gioix nghĩ rằng chỉ có một nền giáo dục tốt mới làm nàng khỏi cảm thấy tủi hổ trong tình cảnh vô cùng đáng buồn ấy. Anh càng kinh ngạc vì anh không ngờ rằng nàng còn có tài hài hước.
Anh đã gặp nàng đôi ba bận trong mấy năm gần đây. Những lần sang Xingapo chơi, nàng thường tới dùng cơm với vợ chồng anh, đôi khi nàng còn nghỉ cuối tuần tại ngôi nhà nghỉ của anh xây bên bờ biển nữa. Vợ anh cũng đi nghỉ nửa tháng tại điền trang của nàng, và có gặp gã Giêfry Hămmôn vài lần. Hai cặp vợ chồng ấy đã trở thành tri kỷ, nếu không thì cũng là sự giao hảo hết sức thân mật, bởi thế Rôbớt Crôxbiê đã lập tức tới Xingapo ngay sau thảm họa và khẩn khoản nhờ Gioix đích thân che chở cho người vợ bất hạnh của mình.
Câu chuyện nàng kể cho anh hôm đầu gặp anh nàng vẫn không thay đổi từng chi tiết nhỏ nhất. Bấy giờ nàng kể nó một cách bình tĩnh, ấy là mới chỉ ít giờ sau khi tấn bi kịch ấy xảy ra, cũng như nàng đang kể nó lúc này vậy. Nàng nói năng mạch lạc, bằng giọng đều đều, điềm đạm, dấu hiệu bối rối duy nhất là khi tả lại một hai tình tiết của câu chuyện, mà lúc đó hai gò má nàng thoáng ửng hồng. Nàng thuộc hạng đàn bà ít ai ngờ là lại dám hành động như vậy. Nàng khoảng ngoài ba mươi tuổi, dáng người mảnh dẻ tầm thước, nom có duyên hơn là xinh xắn. Cổ tay cổ chân của nàng vô cùng thon thả, nhưng nàng gầy đến nỗi ta có thể nom rõ những đốt xương trên hai bàn tay nàng qua làn da trắng, các tĩnh mạch to, xanh. Khuôn mặt nàng thiếu đi khí sắc, hơi tai tái, đôi môi nhợt nhạt. Thực khó phân biệt nổi màu sắc của đôi mắt nàng. Nàng có mái tóc màu nâu sáng đầy đặn, quăn tự nhiên, với loại tóc chỉ cần sửa sang chút ít hẳn sẽ đẹp lắm, nhưng ta khó lòng hình dung nổi người như Lexliê lại nghĩ đến việc cầu viện mỹ trang. Nàng là một người đàn bà khiêm nhường, dịu dàng, kín đáo. Phong độ của nàng đầy quyến rũ, và nếu như nàng ít được mọi người để ý thì chỉ bởi nàng có phần nhút nhát. Điều này thiết tưởng cũng dễ hiểu, bởi lẽ cuộc đời người chủ đồn điền vốn vẫn cô đơn. Trong nhà riêng, với những người biết nàng thì nàng có sức hấp dẫn của phong thái trầm lặng.
Vợ của Gioix, sau hai tuần đến nghỉ tại trang ấp của nàng đã kể lại với chồng rằng Lexliê quả là một bà chủ hết sức dễ thương. Theo lời chị, Lexliê có những đức tính tốt đẹp hơn người ta vẫn tưởng nhiều; và càng hiểu nàng, ta càng ngạc nhiên không rõ làm cách nào mà nàng có thể đọc rộng biết nhiều và lịch lãm đến thế.
Không ai có thể ngờ rằng một người phụ nữ như nàng lại phạm tội giết người.
Gioix cố lựa lời an ủi Crôxbiê và một lần nữa, khi chỉ còn một mình trong phòng làm việc, anh lật xem lại hồ sơ vụ án. Nhưng chẳng qua chỉ là một hành động máy móc, bởi vì từng chi tiết của nó đối với anh đã quá quen thuộc rồi.
Trong mấy ngày qua vụ án này đã làm náo động dư luận xã hội, nó được bàn cãi ở các câu lạc bộ, tại các bàn ăn và khắp nơi… từ Xingapo tới Pênang. Những sự kiện do Crôxbiê trình bày thật đơn giản. Chồng nàng có việc phải sang Xingapo và đêm hôm ấy ở nhà có mỗi mình nàng. Nàng ngồi ăn một mình, lúc đó đã muộn, khoảng chín giờ kém mười lăm, cơm nước xong xuôi nàng sang ngồi ở phòng khách thêu đăng ten. Phòng này trông ra thềm hiên. Trong ngôi nhà gỗ một tầng không một bóng người, vì bọn gia nhân đã về khu nhà của chúng ở phía sau dinh thự. Nàng ngạc nhiên khi nghe tiếng chân người trên con đường hẹp trải sỏi ngoài vườn, tiếng chân đi giày ống, có lẽ là của một người da trắng chứ không phải của dân địa phương, vì trước đó nàng không nghe thấy tiếng động cơ. Nàng không sao hình dung nổi vào lúc đêm hôm khuya khoắt này lại có thể có người tới tìm mình. Ai đó đang bước trên mấy bậc thang dẫn lên nhà, hắn đi dọc thềm hiên rồi xuất hiện trước cửa phòng nàng ngồi. Thoạt tiên nàng chưa nhận ra khách là ai. Nàng ngồi bên cây đèn bàn có chao; còn hắn đứng quay lưng về phía bóng tối.
_ Tôi có thể vào được chứ? – hắn nói.
Thậm chí nàng cũng không nhận ra nổi giọng nói ấy.
_ Ai đấy?
Nàng đeo kính trong lúc làm việc, lúc này vừa cất tiếng nói nàng vừa bỏ kính ra.
_ Giêfry Hămmôn.
_ Ồ. Mời anh vào xơi nước.
Nàng đứng dậy thân mật bắt tay hắn. Nàng hơi ngạc nhiên khi thấy hắn, vì mặc dầu hắn là láng giềng thực, nhưng gần đây cả hai vợ chồng nàng không thân tình với hắn lắm và mấy tuần nay nàng không gặp hắn. Hiện hắn đang giữ chân quản lý cho một đồn điền cao su cách trang trại vợ chồng nàng ngót tám dặm, và nàng thắc mắc không rõ cớ sao hắn lại chọn lúc khuya khoắt thế này mà tới thăm nhà mình.
_ Anh Rôbớt vắng nhà, - nàng bảo -. Anh ấy phải đi Xingapo tối nay.
Có thể hắn nghĩ rằng phải có vài lời thanh minh che việc thăm hỏi, nên hắn nói:
_ Thật đáng tiếc. Đêm nay tôi cảm thấy cô đơn quá, bởi vậy tôi định tới đây thăm chị, tiện thể xem chị hiện nay sinh sống ra sao.
_ Lạ nhỉ, anh tới đây bằng gì? Tôi không nghe thấy tiếng xe.
_ Tôi đỗ xe tít phía cuối đường. Tôi nghĩ có lẽ anh chị đã lên giường và ngủ rồi.
Quả là thường lệ vẫn thế. Chàng điển chủ này có thói quen trời vừa rạng đã thức giấc để điểm danh thợ, và lúc cơm nước xong xuôi là chàng khoan khoái lên giường nằm. Quả thực, ngày hôm sau người ta tìm thấy xe ô tô của Hămmôn đỗ cách ngôi nhà gỗ một phần tư dặm.
Từ hôm Rôbớt đi vắng, trong phòng không để một chai uýt-ki hay xô-đa nào. Lexliê chẳng nỡ gọi gã hầu vì có thể nó đang ngủ, mà nàng tự tay đi lấy. Vị khách của nàng khuấy đồ uống và nhồi tẩu thuốc.
Giêfry Hămmôn có khá nhiều bạn bè ở thuộc địa. Hắn đã gần bốn mươi, nhưng nom hắn như một chàng trai đang độ lớn. Khi chiến tranh bùng nổ, hắn là một trong những người lính tình nguyện đầu tiên và đã chiến đấu rất dũng cảm. hai năm sau, một vết thương ở đầu gối làm hắn phải rời quân ngũ. Hắn đành trở lại Liên bang Mã Lai với Huân chương Chiến công hạng nhất và Huân chương Chữ thập. Hắn là một trong những tay chơi bi-a thạo nhất ở thuộc địa. Hắn đã từng là một tay khiêu vũ trứ danh và đấu thủ ten-nit tuyệt xảo, giờ đây với bên đầu gối cứng đờ ấy, hắn không còn khả năng khiêu vũ và chơi ten-nít lừng lẫy như thuở nào, nhưng hắn vẫn có tài chiếm cảm tình của mọi người và được khối kẻ yêu mến. Hắn đẹp trai, dong dỏng cao, đôi mắt xanh đầy sức quyến rũ, cái đầu đẹp đẽ cân đối với mái tóc quăn đen nhán… Những kẻ thạo đời thường bảo rằng hắn chỉ có một nhược điểm duy nhất là chết mê chết mệt vì gái, và sau tai ương ấy, ai nấy đều lắc đầu cả quyết rằng họ vốn vẫn biết rồi thể nào hắn cũng lại mắc cái điều khốn khổ khốn nạn ấy.
Hắn bắt đầu kể với Lexliê về vài chuyện vặt quanh vùng, những cuộc thi đấu sắp tới ở Xingapo, giá cao su và việc hắn trổ tài giết con hổ vẫn thấy lảng vảng quanh vùng dạo gần đây. Nàng áy náy lo không móc kịp tấm đăng ten, nàng muốn gửi nó về nhà đúng dịp sinh nhật mẹ, bởi thế nàng lại đeo kính vào, kéo chiếc bàn nhỏ trên đặt chiếc gối lại gần chỗ mình ngồi.
_ Tôi mong chị đừng nên dùng mục kỉnh gọng sưng to tướng ấy. Tôi quả không hiểu nổi tại sao một phụ nữ xinh xắn lại cứ tìm mọi cách để dung nhan mình tầm thường đi
Nàng hơi sửng sốt trước nhận xét đó. Trước kia chưa lần nào thấy hắn nói giọng đó với nàng. Nàng nghĩ tốt nhất là gác ngoài tai lời khuyên của hắn.
_ Anh biết đấy, chưa bao giờ tôi tự coi mình là người có nhan sắc hết, và nếu anh muốn tôi nói thẳng, tôi xin cả quyết với anh rằng tôi không hề bận tâm với việc anh nghĩ dung nhan tôi tầm thường hay không.
_ Tôi đâu dám nghĩ chị tầm thường. Tôi luôn cho rằng chị là người phụ nữ vô cùng xinh xắn.
_ Anh nói bùi tai thật, - nàng trả lời một cách mỉa mai,  - Nhưng trong trường hợp này tôi coi anh mới chỉ đạt đến mức khôn lỏi thôi.
Hắn cười khoái trá. Hắn bỏ ghế đứng dậy, tới ngồi xuống chiếc ghế khác cạnh nàng. Hắn lại nói:
_ Chị cũng không thể không công nhận rằng chị có đôi bàn tay đẹp nhất đời.
Hắn phác một cử chỉ như định cầm tay nàng. Nàng tát nhẹ hắn.
_ Đừng có dại. Hãy trở lại ghế cũ mà ngồi chuyện trò cho đứng đắn, nếu không tôi sẽ đuổi anh về đấy.
Hắn vẫn không nhúc nhích.
_ Lẽ nào chị không hiểu rằng tôi rất thiết tha yêu chị?
Thái độ nàng hết sức lạnh lùng.
_ Không. Tôi không mảy may tin điều đó, nếu có như thế đi nữa tôi cũng không muốn anh nói ra
Nàng hết sức ngạc nhiên trước điều hắn vừa nói, bởi vì trong suốt bảy năm trời quen hắn, chưa bao giờ thấy hắn tỏ vẻ chú ý đặc biệt tới nàng. Khi hắn từ chiến trường trở về, hai bên biết nhau đã nhiều nên có một lần hắn bị ốm. Rôbớt đã phóng ngay tới và đánh xe ôtô riêng chở hắn về nhà vợ chồng anh. Hắn đã ở với họ nửa tháng. Nhưng sở thích của hai bên không giống nhau, nên sự quen biết ấy chẳng bao giờ chín thành tình bạn. Mấy năm gần đây họ càng ít gặp hắn. Thỉnh thoảng họ cũng thấy hắn tới chơi ten-nít hoặc gặp hắn tại các buổi tiệc tùng do một điền chủ tổ chức, nhưng thường thường phải hàng tháng họ mới thấy mặt hắn
Bấy giờ hắn lại nốc tiếp một cốc uýt-ki pha xô-đa, Lexliê băn khoăn không biết trước kia hắn có hay nốc rượu không. Ở hắn có một cái gì rất kỳ quặc, nó khiến nàng hơi khó chịu. Nàng quan sát hắn, không đồng tình với cung cách của hắn.
_ Ở vào địa vị anh, tôi sẽ không nốc thêm nữa đâu, - nàng bảo, giọng vẫn còn vui vẻ.
Hắn tợp cạn cốc rượu rồi đặt chiếc cốc xuống.
_ Thế chị cho rằng tôi say nên mới ăn nói với chị như vậy? – Hắn thô lỗ hỏi.
_ Thì đấy chẳng phải là sự giải thích rõ ràng nhất rồi sao?
_ Ồ, không đúng tí nào. Anh yêu em ngay từ buổi đầu biết em. Suốt bao năm qua anh đã phải giữ mồm giữ miệng nên giờ đây nó mới bật ra. Anh yêu em, anh yêu em, anh yêu em.
Nàng đứng dậy xếp chiếc gối sang bên.
_ Chúc anh ngủ ngon.
_ Anh đã về bây giờ đâu.
Cuối cùng, nàng bắt đầu nổi cáu:
_ Này, đồ ngốc đáng thương hại, lẽ nào ông không hiểu rằng tôi không hề yêu ai khác ngoài Rôbớt, và ngay cả nếu như tôi không yêu Rôbớt thì ông là kẻ cuối cùng được tôi đoái hoài tới mà thôi.
_ Anh cần gì điều ấy? Rôbớt vắng nhà cơ mà.
_ Nếu ông không cút ngay tức khắc, tôi sẽ kêu bọn gia nhân tới để chúng nó tống cổ ông đi.
_ Chúng không nghe thấy đâu.
Lúc này nàng vô cùng giận đữ. Nàng định ra ngoài hiên, vì ở ngoài ấy chắc chắn bọn gia nhân sẽ nghe ra tiếng nàng, nhưng hắn đã giữ chặt tay nàng.
_ Buông tôi ra, - nàng tức giận kêu lên.
_ Chóng thôi mà. Thế là anh đã giữ được em rồi.
Nàng mở miệng, cất tiếng kêu: “ Gia nhân, gia nhân” nưhng nhanh như chớp hắn đã đưa tay bịt lấy miệng nàng. Rồi trước khi nàng kịp hiểu hắn muốn gì, hắn đã xiết chặt nàng trong hai cánh tay, hôn nàng cuồng nhiệt. Nàng cố vùng vẫy, quay đôi môi ra khỏi cái miệng hừng hực của hắn.
_ Không, không – nàng kêu to. – Buông tôi ra, tôi không muốn.
Nàng đăm rối trí trước những điều xảy ra lúc bấy giờ. Tất cả những gì hắn đã nói trước đó nàng đều nhớ rõ mồn một, nhưng từ giây phút này mỗi câu nói của hắn cứ dội vào bên tai nàng qua một màn sương hãi hùng và kinh sợ. Hình như hắn cầu xin tình yêu của nàng, quả quyết rằng hắn đã say mê nàng đến điên cuồng. Trong khi đó hắn ghì chặt lấy nàng. Nàng tuyệt vọng, vì hắn là một gã đàn ông khỏe mạnh, lực lưỡng, còn hai cánh tay nàng bị kẹp cứng hai bên sườn; nàng chống cự một cách vô vọng và cảm thấy mình mỗi lúc mỗi kiệt sức ; nàng sợ rằng mình sắp ngất xỉu và hơi thở nóng hổi của hắn phả trên mặt khiến nàng càng thấy run rẩy ghê sợ hơn. Hắn hôn lên miệng, lên mắt, lên má, lên mái tóc của nàng. Sức ép của hai cánh tay hắn tưởng làm nàng chết được. Hắn nhấc bổng nàng lên. Nàng dùng hết sức đẩy hắn ra, nhưng chỉ càng làm hắn ghì chặt nàng hơn. Hắn đã bế được nàng. Giờ thì hắn không nói một lời, nhưng nàng thấy khuôn mặt hắn tái nhợt, còn đôi mắt hắn thì đỏ ngầu vì thèm muốn. Hắn bế nàng vào phòng ngủ. Hắn không còn là một con người có lý trí nữa mà hoàn toàn là một kẻ man rợ. Đang bước vội bỗng hắn va phải cái bàn bên lối đi. Đầu gối đau nhói khiến chân hắn khựng lại, vì vướng người đàn bà trên tay nên hắn quỵ xuống. Nhanh như chớp nàng vùng ra khỏi tay hắn. Nàng chạy quanh chiếc ghế xô-pha. Hắn nhổm dậy ngay lập tức, lao người về phía nàng. Trên mặt bàn có một khẩu súng lục. Nàng không phải là người yếu bóng vía, nhưng Rôbớt đêm ấy vắng nhà nên nàng tính mang theo nó vào phòng mình khi nàng sắp lên giường. Bởi thế khẩu súng mới ở chỗ đó. Giờ đây nàng kinh hoàng vì sợ hãi. Nàng không hiểu mình vừa làm gì. Nàng nghe có một tiếng nổ. Rồi nàng thấy gã Hămmôn loạng choạng. Hắn kêu lên một tiếng. Hắn còn nói đôi câu nữa, nhưng nàng nào có hiểu. Hắn lảo đảo bước khỏi phòng, ra ngoài hiên. Lúc ấy nàng như điên cuồng, không kiềm chế nổi mình nữa, nàng lao theo hắn, vâng, đúng là thế, nàng đã lao ra theo hắn, mặc dầu nàng không hề nhớ chút nào về việc ấy. Nàng lao theo hắn, bắn vô hồi kỳ trận, phát nọ tiếp phát kia, tới khi nổ hết sáu viên đạn. Hămmôn gục xuống nền hiên. Hắn rúm ró trong vũng máu hồng.
Bọn gia nhân giật mình khi nghe tiếng súng nổ, chúng ào tới và thấy nàng đứng bên thi hài Hămmôn, khẩu súng vẫn trong tay, còn Hămmôn đã tắt thở. Nàng nhìn chúng giây lát, không nói. Chúng kinh hoàng  đứng túm tụm vào nhau. Nàng buông khẩu súng lục khỏi tay, vẫn không nói một lời, rồi đi vào phòng khách. Chúng thấy nàng bước vào phòng ngủ của mình, khóa trái cửa lại. Không đứa nào dám động tới xác chết, mà chỉ nhìn bằng những đôi mắt sợ hãi, thì thầm với nhau, vẻ kích động ra mặt. Lão quản gia trấn tĩnh lại ; lão đã sống với họ nhiều năm, lão là người Trung Hoa, tính tình điềm đạm. Rôbớt sang Xingapo bằng xe mô tô, chiếc ô tô vẫn để trong nhà xe. Lão sai gia nhân đánh xe ra, bảo phải tới gặp ngay viên phó cảnh sát trưởng địa phương để trình bày với ông ta việc này. Đoạn, lão cúi nhặt khẩu súng lục, đút vào túi. Viên phó cảnh sát trưởng địa phương tên là Uythơ, sống ngoại ô thị trấn gần nhất cách đây khoảng ba mươi nhăm dặm. Một tiếng rưỡi sau chiếc xe đưa họ tới nhà anh ta. Mọi người đã ngủ cả, và họ đã đánh thức đám gia nhân dậy. Lát sau Uythơ bước ra, họ nói với anh ta là mục đích đến đây. Lão quản gia trình khẩu súng làm bằng chứng cho điều mình vừa khai. Viên phó cảnh sát trưởng vội vào phòng riêng mặc quần áo, gọi lấy xe, và chỉ ít phút sau đã phóng theo họ trên con đường vắng. Khi anh ta tới ngôi nhà gỗ của Crôxbiê thì vừa rạng sáng. Uythơ bước vội qua mấy bậc thang dẫn lên hiên, và đứng sững lại khi thấy tử thi của Hămmôn nằm nơi hắn đã gục xuống. Anh ta chạm nhẹ lên mặt nạn nhân. Khuôn mặt lạnh ngắt.
_ Can phạm đâu rồi? – Anh ta hỏi lão quản gia.
Lão người Hoa chỉ vào phòng ngủ. Uythơ tiến lại gõ cửa. Không có tiếng đáp. Anh ta lại gõ tiếp.
_ Bà Crôxbiê, - anh gọi.
_ Ai đấy?
_ Uythơ đây.
Giây lát lưỡng lự. Rồi cửa phòng được mở khóa và từ từ mở ra. Lexliê đang đứng trước mặt anh ta. Nàng không lên giường, trên mình vẫn khoác chiếc áo dài kiểu rộng nàng mặc lúc dùng bữa. Nàng đứng đó, im lặng nhìn viên phó cảnh sát trưởng.
_ Gã quản gia của bà tới tìm tôi. Về việc Hămmôn. Bà đã làm gì vậy?
_ Hắn cố tình cưỡng hiếp tôi, còn tôi đã bắn hắn.
_ Lạy chúa. Tôi khuyên bà tốt hơn hết hãy ra khỏi đây. Bà phải khai thực rõ ràng cho tôi hay những điều vừa xảy ra.
_ Bây giờ thì chưa được. Tôi không đủ sức. Ông hãy thư thư cho tôi. Xin ông cho gọi giúp chồng tôi về đã.
Uythơ còn là một thanh niên, anh ta quả không rõ cụ thể phải xử sự ra sao trong một tình trạng gay cấn vượt quá bổn phận của mình như thế này. Lexliê từ chối không chịu khai bất kỳ điều nào cho tới khi Rôbớt trở về. Rồi nàng kể lại chuyện trên cho hai người đàn ông ấy nghe, và từ đấy trở đi, mặc dù nàng phải nhắc đi nhắc lại sự việc đó, nhưng không lần nào nàng nói trệch đi một câu.
Điểm khiến Gioix nghĩ đi nghĩ lại là chi tiết bắn súng. Với tư cách luật sư, anh rất áy náy ở chỗ Lexliê đã bắn không phải chỉ một lần mà những sáu lần, và cuộc khảm nghiệm tử thi cho thấy bốn phát đã kề sát người hắn khi bắn. Nó gợi cho người ta ý nghĩ là khi hắn đã gục xuống rồi nàng còn đứng bên trên hắn và nã trọn số đạn trong khẩu súng vào hắn. Nàng thú nhận rằng trí nhớ của nàng, vẫn nhớ chính xác mọi chi tiết trước đó, đến đấy lại không tuân theo nàng nữa. Đầu óc nàng trống rỗng. Nó ngụ ý một cơn giận dữ không sao kiềm chế nổi ; nhưng một cơn giận dữ không sao kiềm chế nổi là điều ít ai nghĩ ở người đàn bà trầm tĩnh và e lệ này. Gioix quen biết nàng đã lâu, và anh luôn nghĩ nàng là một người không biểu lộ cảm xúc ; trong mấy tuần sau hôm xảy ra tấn thảm kịch ấy, sự điềm tĩnh của nàng thật đáng kinh ngạc.
Gioix nhún vai.
_ Vấn đề là ở chỗ, - anh ngẫm nghĩ, - người ta không bao giờ có thể biết hết những khả năng hành động tàn bạo tiềm ẩn ngay cả trong những bậc mệnh phu đáng kính nhất.
Một tiếng gõ cửa.
_ Mời vào.
Tay thư ký người Hoa bước vào, khép cánh cửa sau lưng lại. Hắn khép nó một cách nhẹ nhàng, thong thả, nhưng dứt khoát, rồi tiến tới bên bàn Gioix đang ngồi.
_ Thưa ông, tôi có vài lời muốn thưa riêng, liệu có làm phiền ông không ạ. – Gã người Hoa nói.
Tính đúng mực hết sức tinh tế của tay thư ký luôn khiến Gioix thích thú, anh mỉm cười.
_ Có gì đâu mà ngại, anh Chi Sinh.
_ Vấn đề tôi muốn thưa cùng ông, thưa ông, là hết sức tế nhị và bí mật.
_ Anh bắt đầu ngay đi.
Gioix bắt gặp cặp mắt sắc sảo của tay thư ký. Như mọi ngày, hôm ấy Uông Chí Sinh mặc bộ quần áo sang trọng nhất kiểu địa phương. Hắn đi đôi giày da thuộc, và đôi bít tất lụa sặc sỡ. Một hạt ngọc trai và chiếc ghim màu ngọc đỏ đính trên chiếc ca-vát đen, còn ngón thứ tư bàn tay trái đeo nhẫn kim cương lóng lánh. Bên mép túi chiếc áo khoác trắng ôm vừa khít người của hắn lấp ló cái bút máy và bút chì mạ vàng. Hắn đeo đồng hồ vàng và trên sống mũi hắn lơ lửng chiếc kính kẹp mũi. Hắn khẽ húng hắng ho.
_ Thưa ông, chuyện này có liên quan đến vụ án của Rôbớt Crôxbiê.
_ Vậy hả?
_ Có một tình huống tôi mới biết, dạ thưa ông, theo tôi thì dường như nó có thể làm thay đổi cục diện vụ án.
_ Tình huống nào?
_ Dạ thưa ông, tôi được biết hiện có một bức thư của chính bị cáo gửi cho kẻ bất hạnh trong tấn thảm kịch này.
_ Tôi chẳng thấy có gì đáng phải ngạc nhiên. Trong suốt bảy năm qua tôi tin rằng bà Crôxbiê vẫn thường có dịp thư từ cho Hămmôn.
Gioix đánh giá cao trí thông minh của tay thư ký của anh, và những lời anh vừa nói chỉ nhằm che đậy ý nghĩ của mình mà thôi.
_ Có thể như vậy lắm, thưa ông. Hẳn bà Crôxibê vẫn thường xuyên trao đổi với nạn nhân, mời hắn tới ăn cơm chẳng hạn, hoặc đề nghị hắn lại chơi dăm ván ten-nít. Thoạt đầu tôi cũng nghĩ vậy khi vấn đề đó được bảo cho tôi. Nhưng đằng này bức thư lại được viết vào đúng cái ngày Hămmôn chết.
Gioix không chớp mắt. Anh vẫn nhìn Uông Chí Sinh, mỉm cười và hỏi một cách thích thú sự việc hắn vừa nói cùng mình.
_ Ai bảo mà anh biết?
_ Thưa ông, một người bạn của tôi cho tôi hay trường hợp trên.
Gioix không dại gì mà gặng hỏi.
_ Thưa ông, chắc chắn ông còn nhớ câu bà Crôxbiê đã tuyên bố: Trước cái đêm bất hạnh ấy mấy tuần liền, bà ta vẫn không hề có sự giao thiệp nào với kẻ xấu số đó.
_ Anh có cầm bức thư ấy không?
_ Dạ không, thưa ông.
_ Thế nội dung bức thư ra sao?
_ Ông bạn tôi chỉ đưa tôi một bản sao. Ông có muốn tự đọc nó không ạ.
_ Có.
Uông Chí Sinh lấy từ túi trong áo ra một chiếc ví to. Ví đựng đầy giấy tờ, tập đô la Xingapo và mấy tờ quảng cáo cho thuốc lá. Từ mớ giấy đó hắn rút ra một tờ giấy viết thư xé nửa, đặt nó trước mặt Gioix. Bức thư như sau:
Đêm nay R. sẽ vắng nhà. Em rất cần gặp anh. Em chờ anh vào lúc mười một giờ. Em đang tuyệt vọng, nếu anh không lại, em sẽ không chịu trách nhiệm về hậu quả. Đừng đánh xe đến tận nhà. – L.
Bức thư viết tay, lối chữ của những người Trung Hoa được dạy ở các trường nước ngoài. Nét chữ tỏ ra thiếu cá tính, nó tương phản một cách kỳ quặc với những lời lẽ đáng ngại ghi trong thư.
_ Căn cứ vào đâu mà anh nghĩ rằng bức thư này được bà Crôxbiê viết?
_ Tôi có đầy đủ cơ sở để tin cậy người thông báo cho tôi. Vấn đề này có thể đem nhiều hiểm chứng rất dễ dàng. Chẳng nghi ngờ gì nữa, bà Crôxbiê sẽ có khả năng nói ngay cho ông biết có phải chính bà ta đã viết một bức thư như vậy hay không.
Ngay từ lúc bắt đầu câu chuyện, Gioix không hề rời mắt quan sát vẻ mặ đứng đắn của viên thư ký của mình. Vậy mà lúc này anh tự hỏi có phải anh thoáng bắt gặp một biểu hiện giễu cợt nhè nhẹ trên đó không:
_ Thật không thể tưởng tượng được rằng bà Crôxbiê lại có thể viết bức thư ấy. – Gioix bảo.
_ Thưa ông, nếu đấy là ý kiến của ông thì vấn đề đến đây dĩ nhiên là chấm dứt. Người bạn ấy báo cho tôi hay vấn đề trên chỉ vì anh ta biết tôi làm việc trong văn phòng của ông, và có lẽ ông muốn biết về sự tồn tại của bức thư này trước khi nó được thông báo cho ngài Phó công tố Nhà nước.
_ Ai cầm nguyên bản thư? – Gioix hỏi dồn.
Uông Chí Sinh không tỏ ra một dấu hiệu nào là hắn hiểu rằng trong cách hỏi đã có sự thay đổi về thái độ.
_ Hẳn ông còn nhớ, thưa ông, là sau cái chết của ông Hămmôn, người ta đã khám phá được rằng ông ta từng có quan hệ với một người đàn bà Trung Hoa. Bức thư này hiện nay do cô ta giữ.
Đấy là một trong những điều đã khiến công chúng căm ghét Hămmôn một cách dữ dội nhất. Người ta được biết, mấy tháng trước đấy hắn đã bao một ả người Hoa trong nhà.
Mấy phút liền không ai nói một lời. Mọi điều đã được nói hết và hai người hoàn toàn hiểu rõ bụng dạ nhau.
_ Tôi cảm ơn anh, anh Chí Sinh. Tôi sẽ xem xét kỹ vấn đề này.
_ Thế thì tốt quá, thưa ông. Ông có muốn tôi báo lại kết quả này cho bạn tôi không ạ?
_ Tôi dám nói điều đó rất có ích, nếu anh tiếp tục quan hệ với anh ta, - Gioix đáp vẻ nghiêm nghị.
_ Dạ vâng, thưa ông.
Tay thư ký lặng lẽ rời khỏi phòng, cẩn thận khép cửa lại, mặc Gioix ngồi ngẫm nghĩ, Anh nhìn chằm chằm vào bản sao bức thư, nét chữ gọn gàng, lối viết thiếu cá tính ở bức thư của Lexbiê. Bao nỗi ngờ mơ hồ cứ ám ảnh anh. Chúng làm anh rối trí đến mức anh phải gắng xua đuổi chúng khỏi tâm trí mình. Chắc chắn phải có một cách giải thích được tức khắc, nhưng, lạy trời, mấu chốt chính là ở lời giải thích. Anh đứng dậy, bỏ bức thư vào túi, với chiếc mũ cái. Khi anh bức ra, Uông Chí Sinh đang cặm cụi viết lách bên bàn.
_ Chí Sinh này, tôi ra ngoài phố ít phút nhé.
_ Thưa ông, ông đã hẹn ông Gióocgiơ Rít tới đây lúc mười hai giờ trưa. Vậy tôi phải thưa ông đi đâu ạ?
Gioix cười nhạt với hắn.
_ Anh có thể bảo rằng anh không rõ.
Nhưng anh thừa hiểu Uông Chí Sinh đã nhận ra rằng anh tới trại giam. Mặc dầu vụ phạm tội này xảy ra ở bên Bêlanđa, và việc xét xử đã đưcợ ấn định ở Bêlanđa trong một nhà tù như vậy thật bất tiện, nên bà Crôxbiê được chở tới Xingapo.
Khi được dẫn vào căn phòng anh đợi, nàng đưa bàn tay mảnh dẻ, đẹp đẽ cho anh bắt, và mỉm một nụ cười tươi. Nàng vẫn ăn mặc giản dị gọn gàng như mọi khi, mái tóc sáng, dày dặn của nàng phải chảy rất cẩn thận.
_ Tôi không ngờ lại được gặp anh sáng nay, - nàng nói một cách duyên dáng.
Giả ở nhà nàng, chắc rằng Gioix đã nghe tiếng nàng gọi gia nhân và sai gã mang hầu khách một ly rượu gia.
_ Chị khỏe không?
_ Tôi rất khỏe, cảm ơn anh – Một ánh thích thú chợt lóe trong đôi mắt nàng. – Đây quả là một nơi tuyệt diệu để nghỉ ngơi.
Người phục vụ cáo lui, còn lại mình họ.
_ Anh ngồi xuống đã, Lexliê mời.
Anh kéo một chiếc ghế. Quả thực anh không biết mở đầu câu chuyện ra sao. Nom nàng lạnh lùng đến nỗi thật khó lòng anh có thể nói với nàng những điều định nói. Mặc dầu không xinh đẹp, nhưng ở vẻ ngoài của nàng có một cái gì rất dễ khiến ta cảm mến. Nàng có một phong độ thanh lịch, nhưng đó là vẻ thanh lịch của một nền giáo dục lành mạnh, ở nó không bợn chút xảo trá của tầng lớp thượng lưu. Chỉ cần nhìn nàng ta cũng đủ hiểu nàng thuộc loại người nào và hoàn cảnh nàng đang sống. Hình dáng mảnh dẻ của nàng khiến nàng có một vẻ tao nhã đặt biệt. Thực khó gợn lên trong đầu ta những ý kiến cho rằng nàng là kẻ thô bạo.
_ Tôi đang mong gặp Rôbớt chiều này, - nàng nói bằng giọng từ tốn rất dễ ưa của nàng. ( Vui thích biết bao khi được nghe nàng nói, giọng nói và âm điệu ấy là nét đặc biệt của những người thuộc tầng lớp nàng). – Tội nghiệp, đây là một thử thách lớn đối với cân não của anh ấy. Tôi vô cùng biết ơn nếu ít ngày tới mọi chuyện sẽ qua đi.
_ Chỉ còn năm ngày nữa thôi.
_ Tôi biết. Sáng sáng khi thức dậy tôi thường thầm nhủ rằng: “ Bớt được một ngày”. – Nàng lại mỉm cười, - Như thuở còn cấp sách tới trường, tôi vẫn mong ngày nghỉ tới gần.
_ Tiện đây xin hỏi, liệu tôi có quyền nghĩ rằng trước thảm họa vừa rồi dăm tuần, chị không hề có liên lạc gì với Hămmôn chứ?
_ Tôi xin hoàn toàn xác nhận điều đó. Chúng tôi gặp nhau lần cuối cùng tại buổi chơi quần vợt ở nhà Mác Pharen. Tôi còn nhớ tôi chỉ nói với hắn dăm ba câu. Anh cũng rõ đấy, nhà họ có hai sân chơi và chúng tôi không chơi chung một ván.
_ Chị cũng không viết gì cho hắn chứ?
_ Ồ, không.
_ Chị có cam đoan như vậy không?
_ Chà, xin cam đoan, - nàng đáp, hơi mỉm cười. – Tôi chẳng có gì để viết cho hắn hết, ngoài việc mời hắn dùng cơm, chơi dăm ba ván quần vợt nhưng đã mấy tháng rồi tôi không ăn uống chơi bời gì cả.
_ Một dạo chị vẫn chuyện trò thân mật vui vẻ với hắn cơ mà? Điều gì khiến chị không hỏi han hắn nữa?
Lexliê khẽ nhún đôi vai mảnh dẻ.
_ Hắn là một kẻ làm người ta phát ngán lên được. Chúng tôi không cùng chung bất kỳ sở thích nào hết. Tuy vậy khi hắn ốm, anh Rôbớt và tôi đã làm hết thảy những gì có thể làm được cho hắn, mấy năm cuối hắn đã hoàn toàn bình phục và được nhiều người mộ danh. Ngày nào người ta cũng mời mọc hắn, vậy phải chào mời hắn làm gì cho mệt.
_ Chị có dám cam đoan câu chuyện chỉ có vậy không?
Lexliê lưỡng lự giây lát.
_ Vâng, tôi chỉ có thể kể với anh như thế. Chúng tôi còn nghe đồn hắn hiện đang ăn ở với một ả người Hoa, và Rôbớt bảo anh ấy không muốn để hắn trú trong nhà mình nữa. Chính tôi đã tận mắt thấy ả ta mà.
Gioix ngồi trong chiếc ghế bành có lưng tựa thẳng đứng, tay chống cằm, đôi mắt của anh như dán chặt vào Lexliê. Phải chăng vừa rồi là nỗi huyền hoặc của anh, vì khi nàng đưa ra nhận xét trên, đột nhiên hai con ngươi đen nháy của nàng ánh màu đỏ đục, trong một khoảnh khắc? Ấn tượng thực đáng sửng sốt. Gioix thay đổi tư thế ngồi, chum mười đầu ngón tay vào nhau. Anh nói rất chậm rãi, cân nhắc từng từ.
_ Tôi thấy cần phải báo để chị hay rằng, hiện có một bức thư do chị viết gửi Giêfry Hămmôn.
Anh quan sát nàng riết rông hơn. Nàng không cử động, mặt không hề biến sắc, và nàng cân nhắc hồi lâu mới trả lời.
_ Trước kia tôi vẫn có việc phải viết ít dòng hỏi hắn cái này cái khác, hoặc nhờ hắn kiếm dùm tôi mấy thứ hàng mỗi khi tôi biết hắn sắp đi Xingapo.
_ Nhưng bức thư này lại mời hắn đến gặp chị với cái cớ là Rôbớt đi sắp đi Xingapo.
_ Không đời nào có chuyện ấy. Tôi chưa hề viết bất kỳ điều gì đại loại như vậy.
_ Tốt hơn cả mời chị tự đọc lấy.
Anh rút bức thư trong túi ra, đưa nó cho nàng. Nàng nhìn lướt qua, mỉm cười khinh bỉ, rồi trả lại anh.
_ Đây không phải nét chữ của tôi.
_ Tôi biết nó chỉ là một bản sao y bản gốc.
Nàng đọc lại những dòng trên, và khi nàng đọc, một sự thay đổi khủng khiếp bỗng diễn ra trên nét mặt nàng. Khuôn mặt vốn thiếu khí sắc của nàng nom càng khủng khiếp hơn. Nó chuyển sang xanh xám. Phần thịt dường như đột nhiên biến mất và làn da của nàng bị kéo căng sát vào xương. Đôi môi của nàng trễ xuống, lội ra hai hàm răng, đến nỗi vẻ ngoài của nàng rúm ró hẳn lại. Nàng nhìn Gioix chằm chằm bằng cặp mắt thảng thốt ở trong hốc. Bấy giờ anh tưởng mình đang nhìn một chiếc đầu lâu lắp bắp nói.
_ Thế này là thế nào? – Nàng thì thầm.
Miệng nàng khô đến nỗi nàng chỉ thốt nổi một âm thanh khàn khàn. Đấy hầu như không phải là tiếng người nữa.
_ Xin đề nghị tự nói ra điều đó thì hơn, - Gioix đáp.
_ Tôi không viết nó. Xin thề tôi không viết bức thư ấy.
_ Chị hãy nói cho thận trọng. Nếu bản gốc đúng là nét chữ của chị thì lúc đó chị sẽ hết đường chối cãi đấy.
_ Chắc chắn có một sự giả mạo.
_ Kể cũng khó lòng chứng minh nổi điều đó. Nhưng để chứng minh rằng bức thư có thật thì không gì dễ bằng.
Một cơn rùng mình truyền khắp cơ thể vốn gầy yếu của nàng. Từng giọt mồ hôi lớn vã trên trán. Nàng rút khăn tay từ trong xắc ra lau hai lòng bàn tay. Nàng nhìn qua bức thư lần nữa rồi liếc trộm Gioix.
_ Thư không đề ngày tháng. Nếu quả tôi viết nó và không nhớ gì tới nó nữa, thì rất có thể bức thư này đã viết cách đây vài năm rồi. Nếu anh để từ từ, tôi sẽ gắng hết sức nhớ lại trường hợp này.
_ Tôi cũng đã nhận thấy rằng thư không đề ngày tháng. Nhưng nếu bức thư này lọt vao tay bên nguyên, chắc chắn người ta sẽ thẩm vấn bọn gia nhân. Và chẳng  sớm thì muộn họ sẽ khám phá ra kẻ nào đã trao bức thư này cho Hămmôn vào ngày hắn bị sát hại.
Bà Crôxbiê xiết chặt hai bàn tay một cách dữ dội và lảo đảo trên ghế đến nỗi anh tưởng là sắp ngất.
_ Xin thề với anh rằng tôi không viết bức thư ấy.
Gioix im lặng giây lát. Anh thôi không quan sát khuôn mặt quẫn trí của Lexliê nữa mà cúi nhìn sàn nhà. Anh ngẫm nghĩ.
_ Trong những trường hợp như thế này, chúng ta không cần thiết phải đưa vấn đề đi xa hơn nữa, - cuối cùng anh chậm rãi nói để phá vỡ sự im lặng. – Nếu người có quyền sở hữu bức thư này bỗng thấy hứng muốn trao nó cho bên nguyên thì chị phải dè chừng.
Nhưng lời vừa rồi tỏ ra rằng anh chẳng còn gì hơn để nói với nàng nhưng anh không nhúc nhích muốn ra về. Anh chờ đợi. Anh cảm thấy phải chờ đợi lâu lắm thì phải. Tuy không nhìn Lexliê, nhưng anh thừa biết nàng vẫn ngồi im phăng phắc. Nàng cũng chẳng nói một lời. Sau cùng, chính anh là người lên tiếng.
_ Nếu chị thấy không cần nói gì hơn với tôi, tôi nghĩ đã đến lúc phải trở về sở làm việc.
_ Vì lẽ gì mà bất kể kẻ nào khi đọc bức thư ấy cũng sẵn sàng nghĩ rằng nó có một hàm ý nào đó?
_ Người đọc sẽ hiểu ra là chị đã nói dối có tính toán. – Gioix trả lời sắc sảo.
_ Nói dối khi nào?
_ Thì chính chị đã tuyên bố một cách dứt khoát rằng ít nhất ba tháng gần đây chị không hề có sự liên lạc nào với Hămmôn đấy thôi.
_ Toàn bộ sự việc này đã gây cho tôi một cơn choáng váng dữ dội. Những sự kiện xảy ra trong cái đêm bất hạnh ấy khác nào một cơn ác mộng. Chẳng có gì đáng lạ lùng, nếu tôi đã quên mất một chi tiết.
_ Thật bất hạnh thay vì trong khi chị hồi tưởng lại một cách cực kỳ chính xác cuộc gặp gỡ của chị với Hămmôn, thì chị lại quên bẵng một điều rất quan trọng là hắn đã tới thăm chị tại ngôi nhà gỗ theo ý nguyện của chị vào chính cái đêm hắn chết…
_ Tôi không quên đâu. Sau những điều vừa xảy ra tôi lấy làm ghê sợ phải nhắc đến nó. Tôi nghĩ hẳn không một ai trong các anh tin câu chuyện tôi kể nếu tôi nhận rằng hắn tới do lời mời của tôi. Tôi dám chắc đấy là sự xuẩn ngốc của tôi. Sau lần trót khai mình không hề liên lạc với Hămmôn, tôi đành phải bám mãi vào lời khai ấy.
Bây giờ Lexliê đã lấy lại được vẻ điềm tĩnh đáng phục của nàng. Nàng bắt gặp cái nình thán phục của Gioix.
Vẻ dịu dàng của nàng có tài vô hiệu hóa đối thủ.
_ Rồi chị sẽ bị buộc phải giải thích tại sao chị lại mời Hămmôn tới chơi vào đúng cái đêm anh Rôbớt vắng nhà.
Nàng đưa mắt nhìn viên luật sư. Anh đã phạm sai lầm trong việc đánh giá thấp đôi mắt ấy, một đôi mắt khá đẹp, nhất là lúc này nếu anh không nhầm thì chúng rực rỡ lên khi long lanh lệ. Giọng nàng hơi run run.
_ Tôi muốn dành cho anh Rôbớt một sự bất ngờ. Ngày sinh của anh ấy vào tháng tới. Tôi biết anh ấy vẫn thèm một khẩu súng lục mới mà anh rõ đấy, tôi hết sức ngớ ngẩn trước các trò thể thao. Tôi định bảo Giêfry chuyện này. Tôi tính nhờ hắn giảng giải việc súng ống giúp tôi.
_ Có thể lời lẽ trong thư không được sáng sủa lắm so với sự hồi tưởng của chị. Chị có muốn xem lại bức thư không?
_ Không, tôi không muốn, - nàng vội đáp.
_ Chị có cho rằng đây là kiểu thư mà một người đàn bà viết cho một người quen sơ sơ chỉ để hỏi ý kiến hắn về việc mua súng hay không?
_ Tôi công nhận lời lẽ có phần nào ngông cuồng và ủy mị. Anh biết đấy, tôi đôi khi cũng có những biểu hiện như thế. Tôi hoàn toàn sẵn sàng thừa nhận rằng như thế thật ngớ ngẩn – nàng mỉm cười. – Vả lại, Giêfry Hămmôn đâu có phải là người quen sơ sơ. Khi hắn ốm, tôi đã chăm sóc hắn chẳng khác nào một người mẹ. Tôi mời hắn tới vào lúc Rôbớt đi vắng, bởi vì anh Rôbớt không thích hắn tới nhà.
Gioix mệt mỏi vì ngồi quá lâu một chỗ. Anh đứng dậy đi đi lại lại từ đầu tới cuối phòng, cân nhắc từng lời sắp nói ; rồi anh dựa vào lưng ghế anh ngồi khi nãy.
_ Chị Lêxbiê ạ, tôi muốn hết sức nghiêm túc nói chuyện với chị. Vụ án này tương đối êm thấm. Chỉ có một điều mà tôi đòi hỏi được giải thích: trong chừng mực tôi có thể xét đoán, chị đã bắn ít nhất là bốn phát súng vào người Hămmôn khi hắn đã ngã gục dưới nền nhà. Thật khó mà lường nổi rằng một người phụ nữ mảnh mai, nhút nhát và vốn điềm đạm với bản chất dịu dàng tao nhã như thế lại có thể buông mình vào một cơn cuồng nộ không gì kiềm chế được. Tuy vậy, điều đó vẫ dễ chấp nhận. Mặc dầu gã Giêfry Hămmôn được nhiều kẻ quý mến và đánh giá cao, tôi vẫn chuẩn bị để chứng minh rằng hắn thuộc hạng người đã phạm phải tội ác mà chị đã nêu, nhằm biện hộ cho hành động của chị. Sau khi hắn chết, người ta đã khám phá ra rằng hắn đã từng ăn ở với một phụ nữ người Hoa, điều này đã tạo cho chúng tôi một số lợi thế nhất định để tiến hành công việc. Nó đã xóa sạch mọi mối thương cảm mà có thể người ta đã dành cho hắn. Chúng tôi đã quyết định lợi dụng sự dà bỉu về mối quan hệ ấy nhằm xóa bỏ hình ảnh hắn trong tâm trí những người đứng đắn. Sáng nay tôi đã nói với chồng chị không phải để động viên suông anh ấy. Tôi tin là các vị hội thẩm sẽ tha bổng chị.
Hai người nhìn thẳng vào mặt nhau. Lexliê vẫn im phăng phắc. Nàng giống như một con chim nhỏ bị tê liệt trước sức thôi miên của con rắn. Anh tiếp tục, vẫn bằng giọng nói trầm trầm.
_ Nhưng bức thư này lại làm thay đổi hoàn toàn cục diện vụ án. Tôi là cố vấn pháp lý của chị. Trước tòa, tôi sẽ là người đại diện cho chị. Tôi đã nắm được câu chuyện như chị vừa kể cho tôi, và tôi sẽ tiến hành bào chữa cho chị phù hợp với khuôn khổ pháp lý. Tôi có thể tin hoặc không tin lời chị. Nhưng nhiệm vụ của luật sư là phải thuyết phục được tòa rằng, chứng cớ đưa ra không đủ thuyết phục để tuyên án phạm tội, còn bất kể ý kiến riêng nào mà anh ta có thể có về tính vô tội hoặc có tội của thân chủ anh ta, hoàn toàn nằm ngoài vấn đề.
Anh kinh ngạc khi thấy đôi mắt của Lêxliê thoáng một ánh cười cợt. Bị chạm tự ái, anh nói tiếp có phần khô khan.
_ Sao chị không tiếp tục chối việc, do chị khẩn nài nên Hămmôn mới tới nhà chị và thậm chí tôi có thể nói, đấy còn là một sự mời mọc cuồng loạn nữa?
Bà Crôxbiê hơi lưỡng lự, dường như để cân nhắc.
_ Họ có khả năng chứng minh lá thư này đã được một tên gia nhân mang tới nhà hắn. Tên đó đi bằng xe đạp.
_ Chị đang nghĩ rằng những người khác ngu ngốc hơn chị. Bức thư chắc chắn sẽ làm mọi người phải ngờ vực ấy, may thay tôi chưa nói một ai hay hết. Tôi không thể nói với chị những điều cá nhân tôi nghĩ khi thấy bản sao bức thư ấy. Tôi không mong chị nói với tôi điều nào khác ngoài những điều cần thiết để bảo toàn tính mạng cho chị.
Lexliê kêu ré lên. Nàng chồm dậy, tái nhợt vì sợ hãi.
_ Anh không nghĩ rằng họ sẽ treo cổ tôi chứ?
_ Nếu họ đi đến kết luận rằng chị đã giết Hămmôn khong phải để tự vệ thì lúc đó các ngài hội thẩm sẽ có bổn phận tuyên án về tội trạng. Tội ấy là tội giết người. Còn nhiệm vụ của thẩm phán là tuyên bố chị bị tử hình.
_ Nhưng liệu họ có thể chứng minh được những gì? – nàng thở hổn hển.
_ Tôi không hiểu liệu họ có thể chứng minh được những gì. Chị rõ đấy. Quả là tôi không muốn hiểu nữa. Nhưng nếu sự ngờ vực của họ bị khuyấy động, nếu họ tiến hành thẩm tra và nếu những người dân địa phương bị hỏi cung, thì chuyện gì mà họ chẳng có thể khám phá ra?
Đột nhiên nàng sụn xuống. Nàng ngã vật ra sàn trước khi anh kịp đỡ lấy nàng. Nàng ngất đi. Anh nhìn quanh phòng tìm nước, nhưng không thấy, mà anh thì không muốn mình bị làm phiền. Anh duỗi thẳng chân tay nàng trên sàn rồi quỳ bên cạnh đợi nàng hồi tỉnh. Khi nàng mở mắt, anh lại thấy bối rối trước nỗi sợ hãi khủng khiếp mà anh bắt gặp trong mắt nàng.
_ Cứ nằm yên – anh nói – Chỉ ít phút nữa chị sẽ thấy dễ chịu hơn.
_ Xin anh đừng để họ treo cổ tôi, - nàng thì thào.
Nàng bắt đầu khóc lóc một cách cuồng dại, trong khi đó anh vẫn khe khẽ an ủi nàng.
_ Cầu chúa giúp chị bình tâm.
_ Cho tôi nghỉ thêm ít phút nữa đã.
Lòng can đảm của nàng thực đáng kinh ngạc. Anh có thể thấy rõ sự cố gắng đó khi nàng cố trấn tĩnh lại, và một lần nữa nàng tỏ ra điềm tĩnh hơn.
_ Anh giúp tôi đứng dậy nào.
Anh đưa tay nâng nàng dậy. Vừa đỡ tay nàng, anh vừa dìu nàng tới chiếc ghế. Nàng mệt nhọc ngồi xuống.
_ Để tôi yên dăm ba phút.
_ Được.
Cuối cùng nàng nói với anh những điều anh không hề lường tới. Nàng khẽ thở dài.
_ Tôi e rằng mình đã gây ra nhiều chuyện rắc rối. – nàng bảo.
Anh im lặng không đáp.
_ Chẳng lẽ không có khả năng lấy lại bức thư đó ư? – Cuối cùng nàng lên tiếng hỏi.
_ Tôi cho rằng việc đó chẳng có ý nghĩa gì hết, nếu như kẻ có quyền sở hữu bức thư này không bằng lòng bán lại nó.
_ Kẻ nào hiện nắm bức thư?
_ Chính ả người Hoa đã ăn ở tại nhà của Hămmôn.
Một đóm đỏ thoáng hiện trên gò má Lexliê.
_ Hẳn ả ta muốn một món tiền sộp.
_ Tôi hình dung rằng cô ta có một ý nghĩ hết sức sắc sảo về giá trị bức thư. Tôi không tin có thể lấy lại được bức thư trừ khi phải mất một món tiền rất lớn.
_ Anh nỡ bỏ mặc tôi bị treo cổ sao?
_ Thế chị tưởng muốn chiếm được cái bằng chứng bất hạnh và hiển nhiên kia là chuyện thật đơn giản à? Nó hoàn toàn khác với việc mua chuộc một nhân chứng. Chị không có quyền đưa ra bất kỳ kiểu gợi ý nào như vậy đối với tôi.
_ Thế thì chuyện gì sẽ giáng xuống đời tôi?
_ Công lý sẽ có cách giải quyết của nó.
Mặt nàng càng tái nhợt. Một thoáng rùng mình truyền khắp cơ thể nàng.
_ Tôi xin đặt cả cuộc đời tôi trong tay anh. Dĩ nhiên tôi không có quyền đòi hỏi anh làm những chuyện không chính đáng.
Gioix không ngờ đến những quãng ngập ngừng trong giọng nói mà thói quen kìm lại của nàng tạo một vẻ xúc động đặc biệt. Nàng nhìn anh bằng đôi mắt sợ sệt, khiến anh nghĩ nếu mình nỡ chối từ lời thỉnh cầu của đôi mắt ấy, chắc chắn nó sẽ ám ảnh anh mãi trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. Vả lại, chẳng cách nào có thể giúp gã Hămmôn xấu số kia sống lại nữa. Anh tự hỏi đâu là sự giải thích chân thật về bức thư kia. Thật không công bằng nếu chỉ căn cứ vào bức thư ấy đã vội kết luận rằng nàng là kẻ giết Hămmôn, mặc dù không hề có sự chòng ghẹo nào. Anh đã sống ở phương Đông khá lâu, và ý thức của anh về danh dự nghề nghiệp có thể không còn sâu sắc như hai mươi năm về trước. Anh cúi nhìn sàn nhà. Anh sắp phải làm những điều mà anh thừa biết rằng khó lòng bào chữa được, cổ họng anh như tắt lại, và anh cảm thấy một nỗi bực tức không rõ rệt đối với Lexliê. Nó làm anh hơi lúng túng khi lên tiếng.
_ Tôi không hiểu tường tận hoàn cảnh kinh tế chồng chị hiện nay ra sao?
Mặt nàng đỏ bừng, nàng liếc nhanh sang anh.
_ Nhà tôi có vài cổ phần lớn về thiếc và một cổ phần nhỏ tại mấy đồn điền cao su. Tôi cho rằng anh ấy có thể rút được tiền về.
_ Anh ấy phải rõ việc ấy nhằm để làm gì.
Nàng im lặng giây lát, dường như để suy nghĩ.
_ Anh ấy vẫn yêu tôi. Chắc chắn anh ấy sẽ trả mọi giá để cứu tôi. Nhưng có thực cần thiết để nhà tôi thấy bức thư này không?
Gioix thoáng cau mày, và lập tức nàng nhận thấy. Nàng lại tiếp tục nói:
_ Rôbớt là một người bạn cũ của anh. Tôi không yêu cầu anh làm điều gì quá sức cả, tôi chỉ đề nghị anh cứu con người giản dị, tốt bụng ấy, con người chưa làm hại người khác bao giờ, khỏi phải chịu những nỗi đau khổ có thể được
Gioix không đáp. Anh đứng dậy bước tới, và với vẻ duyên dáng bẩm sinh, nàng chìa tay ra. Quá xúc động trước câu chuyện vừa rồi nên nom nàng thật phờ phạc, nhưgn trước anh, nàng đã tỏ ra can đảm với một phong độ lịch sự.
_ Anh đã vất vả đảm nhận toàn bộ sự việc phiền toái này của tôi là quí hóa. Tôi quả không biết diễn tả lòng biết ơn anh như thế nào.
Gioix quay về văn phòng. Anh ngồi trong phòng riêng, im lặng hoàn toàn, cố thử không làm một việc gì và suy tính. Rồi nhiều ý nghĩ kỳ quặc chợt lóe trong trí tưởng tượng của anh. Anh hơi rùng mình. Cuối cùng có tiếng gõ cửa dè dặt mà anh đang ngóng chờ. Uông Chí Sinh bước vào.
_ Thưa ông, tôi vừa đi ăn trưa về.
_ Tốt lắm.
_ Thưa ông, trước khi tôi về không rõ ông còn cần cái gì nữa không ạ?
_ Tôi cho rằng không cần. Này, anh đã hẹn gặp với ông Rít chưa đấy?
_ Dạ đã, thưa ông. Ông ấy sẽ tới vào ba giờ chiều.
_ Tốt.
Uông Chí Sinh quay mình, bước ra cửa, và đặt những ngón tay thon dài lên vặn. Rồi như thể sực nghĩ ra, hắn quay lại.
_ Ông có điều gì muốn nhắn bạn tôi không ạ?
Mặc dù Uông Chí Sinh nói tiếng Anh tuyệt là thế, hắn vẫn thường vất vả với chữ B, và hắn phát âm nó thàng “ông pạn”.
_ Bạn nào?
_ Dạ về bức thư mà bà Crôxbiê viết cho ông Hămmôn đã quá cố, thưa ông.
_ Ừ nhỉ! Tôi quên khuấy mất việc ấy! Tôi đã kể chuyện này với bà Crôxbiê, nhưng bà ấy bảo không hề viết bất kỳ điều gì đại loại như vậy. Rõ ràng đây là một sự giả mạo.
Gioix lấy bản sao bức thư từ trong túi ra, đưa nó cho Uông Chí Sinh. Hắn giải bộ không để ý tới cử chỉ ấy.
_ Trường hợp này, thưa ông, tôi cho rằng chắc chắn sẽ không có sự phản đối nào nếu “ông pạn” của tôi chuyển bức thư đó cho ông Phó công tố Nhà nước.
_ Không. Tôi thấy bạn của anh có làm như vậy cũng chẳng được cái gì.
_ Thưa ông, thế mà “ông pạn” tôi lại nghĩ rằng bổn phận của ôngấy là phải vì lợi ích của công lý.
_ Anh Chí Sinh, trên thế gian này tôi sẽ là người cuối cùng gây trở ngại cho bất kỳ người nào muốn làm bổn phận của mình.
Đôi mắt của viên luật sự và gã thư ký người Hoa bắt gặp nhau. Trên đôi môi hai người không có bóng dáng một nụ cười nào, nhưng họ hoàn toàn hiểu nhau.
_ Tôi rõ lắm, thưa ông. Uông Chí Sinh nói. – Nhưng qua việc nghiên cứu của tôi về vụ Crôxbiê, tôi đã đi đến nhận xét rằng một bức thư kiểu như vậy tất sẽ gây tổn hại cho thân chủ của chúng ta.
_ Chí Sinh, tôi vẫn thường đánh giá rất cao sự nhạy bén về luật pháp của anh.
_ Thưa ông, tôi thiển nghĩ là nếu như tôi thuyết phục được “ông pạn” của tôi bảo người đàn bà Trung Hoa có bức thư ấy trao nó cho chúng ta, thì chắc chắn sẽ bớt được rất nhiều công sức vất vả.
Gioix vẩn vơ cúi nhìn tờ giấy thấm.
_ Tôi giả thiết bạn anh là một tay nhà buôn chẳng hạn. Vậy anh nghĩ với điều kiện nào hắn sẽ chịu từ bỏ bức thư ấy?
_ Hắn nào có cầm thư. Chính người đàn bà Trung Hoa mới là kẻ cầm thư. Hắn chỉ là họ hàng với người đàn bà Trung Hoa nọ. Cô ta là một mụ đàn bà khờ khạo, cô ta không hiểu giá trị của bức thư trong tay khi tay “pạn” của tôi nói cho cô ta biết.
_ Hắn định đặt giá bức thư bao nhiêu?
_ Mười nghìn đô la, thưa ông.
_ Lạy Chúa lòng lành! Anh thử tính bà Crôxbiê có thể kiếm đâu ra mười nghìn đô la trên đời này bây giờ. Tôi báo để anh hay, bức thư ấy là giả mạo.
Vừa nói anh vừa ngước nhìn Uông Chí Sinh. Tay thư ký không hề bối rối trước cơn bột phát. Hắn vẫn đứng cạnh mép bàn, vẻ lễ phép, lạnh lùng và chăm chú quan sát.
_ Ông Crôxbiê nắm một phần tám cổ phần ở đồn điền cao su Bêlang và một phần sáu cổ phần ở đồn điền cao su sông Xêlantan. Tôi có một ông “pạn” sẵn lòng cho ông ấy vay số tiền trên bằng cách lấy gia sản của ông ấy làm vật bảo đảm.
_ Anh quả là người quen biết rộng đấy, anh Chí Sinh ạ.
_ Có thế thực, thưa ông.
_ Hừ, anh hãy bảo chúng chết tiệt đi cho rảnh. Ngoài năm nghìn đô la ra, tôi nhất định không bao giờ khuyên bà Crôxbiê bỏ thêm một xu nào nữa để đổi lấy một bức thư rất dễ giải thích ấy.
_ Người đàn bà Trung Hoa nọ thực ra chẳng muốn bán bức thư ấy đâu ông ạ. Ông “pạn” của tôi đã tốn rất nhiều thì giờ để thuyết phục cô ta. Thật khó mà ướm hỏi cô ấy, nếu không đủ số tiền vừa nói.
Gioix nhìn thẳng vào Uông Chí Sinh ít nhất tới ba phút đồng hồ. Tay thư ký chịu đựng cái nhìn chăm chú không lúng túng. Hắn đứng với một dáng điệu kính cẩn, mắt nhìn xuống đất. Gioix đã hiểu rõ chân tướng của hắn. Thằng vô lại Chí Sinh này quả là một tay thông minh, anh nghĩ. Không hiểu hắn kiếm chác được bao nhiêu trong số ấy.
_ Mười nghìn đô la là một món tiền rất lớn.
_ Chắc chắn ông Crôxbiê sẽ trả món tiền ấy, còn hơn nhìn vợ mình bị treo cổ, thưa ông.
Gioix lại ngập ngừng. Liệu tay Chí Sinh ngày có biết thêm chuyện gì hơn những điều hắn vừa nói không? Hẳn hắn phải vững tin vào lý lẽ của hắn lắm, nếu không, rõ ràng hắn đã chẳng dám mặc cả như vậy. Món tiền này chắc đã được ấn định từ trước, bởi vì dù kẻ cầm trịch vụ này là ai, hắn cũng thừa hiểu đây là món tiền lớn nhất mà Rôbớt Crôxbiê có thể thu góp được.
_ Hiện giờ người đàn bà Trung Hoa ấy ở đâu? – Gioix hỏi.
_ Cô ta ở tại nhà ông “pạn” của tôi, thưa ông.
_ Cô ta sẽ tới đây chứ?
_ Thưa ông, tôi nghĩ nếu ông lại đằng cô ấy thì tiện hơn. Tối nay tôi có thể dẫn ông tới ngôi nhà đó, và cô ấy sẽ trao ông bức thư. Cô ấy là một người đàn bà rất tối dạ, cô ấy không hiểu cả đến séc nữa kia ông ạ.
_ Tôi không nghĩ tới việc đưa séc cho cô ả. Tôi sẽ mang theo tiền mặt.
_ Chắc chắn chỉ tổ phí phạm thời gian vàng bạc, nếu mang không đủ mười nghìn đô la, thưa ông.
_ Tôi hoàn toàn hiểu.
_ Khi ăn cơm trưa xong, tôi sẽ tới báo cho ông “pạn” tôi ngay, thưa ông.
_ Hay lắm. Tốt hơn hết hãy gặp tôi trước cửa câu lạc bộ vào mười giờ tối nay.
_ Rất hân hạnh, thưa ông, - Uông Chí Sinh đáp.
Hắn khẽ cúi chào Gioix rồi ra khỏi phòng. Gioix cũng ra ngoài phố dùng cơm trưa. Anh tới câu lạc bộ và ở đấy, đúng như anh đang mong mỏi, anh thấy Rôbớt Crôxbiê. Anh ta đang ngồi bên một cái bàn đông người, khi qua chỗ anh ta để kiếm chỗ ngồi, Gioix đặt nhẹ tay lên vai anh ta.
_ Tôi muốn được nói đôi lời với anh trước lúc anh ra về.
_ Xin cứ tự nhiên. Lúc nào nói được anh cứ cho tôi hay.
Gioix tìm cách giữ anh ta lại. Anh chơi một ván bài brít-giơ sau bữa trưa cốt để qua thời gian cho đến lúc câu lạc bộ đã vắng người. Anh không muốn gặp Crôxbiê tại văn phòng của mình để bàn vấn đề đặc biệt này. Ngay lúc đó Crôxbiê bước vào phòng chơi bạc, đứng xem tới khi ván bài kết thúc. Mấy con bạc khác đi làm các công chuyện của họ, chỉ còn riêng hai người với nhau.
_ Một điều rất không may vừa xảy ra, ông bạn thân mến ạ. – Gioix nói bằng một giọng anh cố giữ cho thật thản nhiên. – Hình như vợ anh có gửi một bức thư cho Hămmôn, mời hắn tới ngôi nhà gỗ vào đúng đêm hắn bị giết thì phải.
_ Làm gì có chuyện ấy, - Crôxbiê kêu lên. – Nhà tôi vẫn thường tuyên bố rằng, cô ấy không hề có sự trao đổi nào với gã Hămmôn hết. Theo chỗ tôi được biết, thì từ hai tháng nay cô ấy không gặp hắn.
_ Sự thật là bức thư vãn còn kia. Hiện nó nằm trong tay ả người Hoa mà gã Hămmôn chung  chạ. Vợ anh muốn tặng anh một món quà vào ngày sinh của anh và chị ấy định nhờ gã Hămmôn giúp chị ấy. Trong trạng thái bị kích động mạnh mà chị ấy vừa thoát khỏi sau thảm họa trên, chị ấy đã quên khuấy điều này, nên chị ấy cứ một mực chối không nhận có bất kỳ sự giao thiệp nào với gã Hămmôn, chị ấy sợ không dám nhận là đã quên một chi tiết. Tất nhiên, chuyện này rủi ro quá đi rồi, nhưng tôi dám nói rằng nó cũng không phải là kỳ quặc.
Crôxbiê không nói. Khuôn mặt đỏ gay to bè của anh biểu lộ một nỗi hoang mang cực độ, và lập tức Gioix thấy nhẹ lòng, đồng thời cũng cáu tiết trước vẻ chậm tiêu của anh ta. Anh ta là một người tối dạ, mà Gioix thì không thể kiên nhẫn nổi với sự tối dạ. Nhưng nỗi đau buồn của anh ta từ ngày tai họa nọ xảy ra đã đụng tới chỗ mềm yếu nhất trong trái tim viên luật sư; và vợ Crôxbiê đã nói đúng khi cô yêu cầu anh giúp đỡ nàng, không chỉ vì nàng mà còn vì chồng nàng nữa.
_ Tôi nghĩ chẳng cần thiết phải nói với anh rằng chắc chắn chuyện này sẽ vô cùng rầy rà, nếu nguyên bản bức thư đó nằm trong tay bên khởi tố. Vợ anh đã nói dối và chị ấy sẽ phải giải thích về sự dối trá này. Sự việc có thể thay đổi ít nhiều, nếu gã Hămmôn nọ không phải là khách không mời đường đột xông vào mà đến nhà anh do có lời mời. Điều đó càng dễ khiến các vị hội thẩm phần nào phải do dự.
Gioix lưỡng lự. Lúc này anh đang phải đương đầu với quyết định của chính mình. Nếu có thời gian để hài hước, có thể anh đã mỉm cười với ý nghĩ anh đã bước một bước táo bạo như vậy, còn người đàn ông mà vì anh ta đã bước cái bước ấy lại không hề có chút khái niệm cỏn con nào về tính chất nghiêm trọng của nó. Cho rằng anh ta có ngẫm nghĩ tới vấn đề trên chăng nữa, biết đâu anh ta chẳng hình dung rằng những việc Gioix đang làm cũng chỉ là những việc thông thường mà bất kỳ tay luật sư nào phải ra tay lúc hành nghề.
_ Rôbớt thân mến này, nên nhớ anh không chỉ là khách hàng mà còn là bạn của tôi nữa. Tôi cho rằng chúng ta phải nắm bằng được bức thư ấy. Như vậy sẽ phải tốn một món tiền rất lớn. Nếu không cần đến một món tiền như thế thì tôi đã chẳng phải cho anh hay làm gì.
_ Bao nhiêu?
_ Mười nghìn đô la.
_ Một món tiền thật khủng khiếp. Với nạn sụt giá bất thình lình vừa rồi, lại thêm hết chuyện này chuyện khác, tất cả gia sản nhà tôi cũng chỉ còn đúng chừng ấy mà thôi.
_ Anh có thể thu đủ số tiền ấy ngay được không?
_ Tôi cho rằng được. Lão Sacli Mêđâudơ chắc sẽ bằng lòng cho tôi rút số tiền đó bằng cách cược mấy cổ phần thiếc và hai đồn điền mà tôi có cổ phần trong đó.
_ Anh bằng lòng vậy chứ?
_ Có thật cần thiết lắm không?
_ Nếu anh muốn vợ anh được trắng án.
Crôxbiê đỏ bừng mặt. Miệng anh lệch hẳn một bên nom rất lạ kỳ.
_ Nhưng…- anh không nói nổi một lời, khuôn mặt anh lúc này đỏ tía. – Nhưng tôi vẫn chưa hiểu. Nhà tôi có thể thanh minh được. Chắc anh không có ý nói rằng họ đã khám phá ra tội lỗi của cô ấy chứ? Họ không có quyền treo cổ cô ấy chỉ vì đã bớt cho thể gian này một tên vô lại độc hại.
_ Dĩ nhiên họ không được phép treo cổ chị ấy. Họ chỉ có quyền xác minh và tuyên bố chị ấy phạm tội ngộ sát. Biết đâu vài ba năm sau chị ấy chẳng được tha.
Crôxbiê bật dậy, khuôn mặt đỏ gay của anh dại bân đi vì hãi hùng.
_ Ba năm?
Một cái gì đó hình như rạng ra trong sự nhận thức vốn dĩ chậm chạp của anh. Đầu óc anh đang mù mịt đột nhiên có ánh chớp lóe lên, và mặc dầu sự tăm tối kế đó lại thăm thẳm mịt mùng, nhưng đã có kia hồi ức về một cái gì không nhìn thấy nhưng vừa được nhận ra. Gioix nhìn đôi bàn tay đỏ sạm, to bè của Crôxbiê, nom thô kệch và sần sùi vì phải làm đủ mọi việc, lúc này đang run bần bật
_ Cô ấy muốn tặng tôi món quà gì vậy?
_ Chị ấy bảo chị ấy muốn tặng anh một khẩu súng mới.
Một lần nữa khuôn mặt to tướng ấy đỏ sẫm hơn.
_ Bao giờ anh mới cần đủ món tiền trên?
Giây phút ấy trong giọng nói của anh ta có một vẻ thật kỳ quặc. Tưởng chừng anh ta vừa lên tiếng thì có hai bàn tay vô hình chẹn ngang cổ họng mình vậy.
_ Quãng mười giờ tối nay. Tôi nghĩ anh nên mang tiền lại văn phòng tôi vào lúc sáu giờ chiều.
_ Mụ đàn bà cũng tới chỗ anh à?
_ Không, tôi định lại đằng ả.
_ Tôi sẽ mang tiền tới và sẽ đi cùng anh.
Gioix nhìn thẳng vào anh ta một cách sắc sảo.
_ Anh cho rằng anh nhất thiết phải làm thế phải không? Theo tôi, tốt hơn cả anh hãy để mình tôi giải quyết vấn đề này.
_ Tiền của tôi, đúng không nào? Tôi phải được đi cùng chứ.
Gioix nhún vai. Họ đứng dậy bắt tay nhau. Gioix nhìn anh ta một cách tò mò.
Đúng mười già hai người gặp nhau trong câu lạc bộ vắng người.
_ Mọi việc ổn cả chứ? – Gioix hỏi.
_ Vâng, tôi mang tiền trong túi đây.
_ Ta đi nào.
Họ xuống thềm. Chiếc xe ô tô con của Gioix đang chờ họ ngoài quảng trường, giờ này rất yên tĩnh, và khi họ vừa tới chỗ chiếc xe. Uông Chí Sinh từ trong bóng tối của một ngôi nhà bước vội ra. Hắn ngồi bên gã tài xế, dặn gã hướng đi. Xe đưa họ qua khách sạn Châu Âu, rẽ qua Doanh trại Thủy binh rồi tiến tới Đại lộ Victoria. Ở khu này cửa hàng cửa hiệu của Hoa kiều vẫn còn mở, bọn người ăn không ngồi rồi đang thơ thẩn dạo chơi, và dưới lòng đường xe xích lô, xe máy, xe ngựa tạo nên một cảnh tượng nhộn nhịp. Chợt xe của họ dừng bánh. Chí Sinh ngoái lại sau.
_ Thưa các ông, tôi nghĩ chúng ta xuống đây thì tiện hơn, - hắn nói.
Họ xuống xe và hắn đi tiếp. Hai người theo sau hắn vài bước. Rồi hắn bảo họ dừng chân.
_ Xin đợi ở đây, thưa hai ông. Để tôi vào bảo ông “pạn” của tôi.
Hắn bước vào một cửa hiệu mở thông ra mặt đường, có ba bốn tay Hoa kiều đang đứng sau quầy thu tiền. Đấy là một trong những cửa hiệu kỳ lạ, chẳng thấy bày cái gì, không hiểu họ bán cái gì ở đó. Họ thấy Chí Sinh nói với một thằng cha béo mập, mặc bộ quần áo may bằng vải bông dày dặn, chiếc dây chuyền vàng to bản lủng lẳng trước ngực ; thằng cha nó đảo nhanh mắt vào bóng đêm. Gã đưa Chí Sinh chiếc chìa khóa, Chí Sinh bèn bước ra ngoài. Hắn gật đầu ra hiệu cho hai người đàn ông đang đứng đợi rồi tọt vào một lối đi cạnh cửa hiệu. Họ đi theo sau hắn và nhận thấy mình đang ở bên chân cầu thang.
_ Các người đợi cho một phút để tôi đánh diêm, - hắn nói, luôn tỏ ra tháo vát. – Xin mời các ngài lên gác.
Hắn cầm que diêm Nhật đi trước họ, nó vừa đủ để xua tan bóng tối, còn họ dò dẫm bước sau hắn. Lên tới tầng hai hắn mở khóa cửa và bước vào, thắp cây đèn cầy hơi.
_ Xin mời vào, - hắn bảo.
Đấy là một căn phòng nhỏ vuông vắn có độc một cửa sổ, đồ đạc chỉ gồm hai chiếc giường kiểu Tàu thấp rải chiếu. Phía góc phòng kê một rương lớn với chiếc phong sặc sụa mùi hăng hăng, lờm lợm của chất ma túy. Họ ngồi xuống, Uông Chí Sinh đưa thuốc lá mời hai người. Lát sau, thằng cha Hoa kiều mập ụ mà họ đã gặp sau quầy thu tiền mở cửa phòng. Hắn chúc họ một buổi tối tốt lành bằng thứ tiếng Anh rất trơn tru, rồi ngồi xuống cạnh gã đồng hương của hắn.
_ Người đàn bà Trung Hoa ấy sắp tới, - Uông Chí Sinh lên tiếng.
Một tên gia nhân từ dưới cửa hàng bưng lên khay bày ấm chén trà, gã Hoa kiều rót mời họ mỗi người một chén. Crôxbiê và Gioix vẫn lặng thinh. Cuối cùng từ ngoài phòng có tiếng nói vọng vào ; người đó gọi bằng giọng trầm trầm ; tay Hoa kiều tiến lại phía cửa. Hắn mở cửa nói dăm câu rồi dẫn một người đàn bà vào. Gioix đưa mắt nhìn mụ. Anh đã nghe kể nhiều về mụ ta từ ngày gã Hămmôn chết, nhưng chưa lần nào anh gặp mụ. Mụ có dáng người chắc mập, chẳng còn trẻ trung gì, khuôn mặt bơ phờ bự son phấn, lông mày mụ chỉ là hai đường kẻ mảnh đen nhánh. Tuy vậy, mụ vẫn gây cho ta ấn tượng về một người đàn bà có cá tính độc đáo. Mụ mặc chiếc áo vét xanh nhạt và chiếc váy trắng, lối ăn bận của mụ chẳng ra Tây cũng chẳng ra Tàu, chân mụ xỏ đôi dép lụa Tàu xinh xắn. Cổ mụ lủng lẳng sợi dây chuyền nặng chịch bằng vàng, hai cổ tay cũng đeo mấy đôi vòng vàng, đôi hoa tai vàng và trên mái tóc đen có cài thêm dăm chiếc kim vàng tinh xảo. Mụ chậm rãi bước vào, với kiểu cách của một người đàn bà tự tin ở mình, nhưng dáng đi hơi nặng nề, và ngồi xuống chiếc giường cạnh Uông Chí Sinh. Hắn nói gì với mụ, mụ vừa khẽ gật đầu vừa nhìn không chút bối rối hai người đàn ông da trắng.
_ Bà ta giữ bức thư phải không? – Gioix hỏi.
_ Dạ phải, thưa ông.
Crôxbiê không nói, anh lôi ra một cuộn gồm những tờ năm trăm đô la. Anh để riêng ra hai mươi tờ, rồi đưa cả cho Chí Sinh.
_ Anh thử đếm xem có đủ không.
Tay thư ký đếm lại tiền, xong hắn trao chúng cho thằng cha Hoa kiều mập mạp.
_ Đủ cả, thưa ông.
Thằng cha Hoa kiều đếm lại lần nữa rồi nhét tiền vào túi áo. Hắn nhắc mụ đàn bà, mụ rút trong ngực áo ra một bức thư. Mụ đưa nó cho Chí Sinh lúc đó đang rướn mắt nhìn.
_ Đây mới là bản gốc, thưa ông – hắn bảo, và đang định trao cho Gioix thì Crôxbiê đã giật lấy nó trên tay hắn.
_ Để tôi xem đã, - anh ta nói.
Gioix nhìn anh ta đọc rồi đưa tay về phía bức thư.
_ Anh để tôi giữ cho thì tốt hơn.
Crôxbiê gấp bức thư hết sức cẩn thận rồi cho vào túi.
_ Không được, tôi phải giữ nó. Nó là tất cả tiền bạc của tôi.
Gioix không đáp. Ba tay Hoa kiều đứng nhìn cuộc trao đổi ngắn ngủi, không hiểu chúng nghĩ gì trước cảnh tượng ấy, hoặc chúng có nghĩ hay không thì không thể biết được qua vẻ mặt trơ như đá của chúng. Gioix đứng dậy. Uông Chí Sinh hỏi:
_ Tối nay ông có cần sai bảo gì tôi nữa không ạ?
_ Không.
Anh thừa hiểu tay thư ký, muốn ở lại để nhận phần tiền đã thỏa thuận từ trước của hắn, anh quay sang Crôxibê: “ Anh xong chưa? “.
Crôxbiê không trả lời, đứng dậy. Thằng cha Hoa kiều tiến lại cảnh cửa, mở cho họ. Chí Sinh tìm một mẩu nến, hắn thắp nến dẫn họ xuống, còn hai gã người Hoa kèm họ ra tận ngoài phố. Chúng để mặc mụ đàn bà ngồi im lặng hút thuốc trên giường. Vừa ra tới phố, bọn Hoa kiều bỏ mặc hai người rồi lại lên gác.
_ Anh định làm gì với bức thư ấy thế? – Gioix hỏi.
_ Cứ giữ lấy đã.
Họ đến chỗ chiếc xe vẫn đỗ đợi họ. Gioix mời bạn lên xe về cùng, Crôxbiê lắc đầu.
_ Tôi muốn đi dạo bộ. – Anh ta lưỡng lự giây phút và đã định cất bước. – Vào cái đêm gã Hămmôn chết, tôi sang Xingapo một phần cũng để mua một khẩu súng lục mới của một tay tôi quen muốn nhượng lại. Thôi chúc anh ngủ ngon.
Anh ta nhanh chóng biến mất trong màn đêm.
Gioix hoàn toàn có lý trước phiên tòa. Các vị hội thẩm có mặt ở tòa đều nhất trí quyết định tha bổng cho bà Crôxbiê. Nhân danh mình, nàng đưa ra những bằng chứng rất hiển nhiên. Nàng kể lại chuyện mình một cách giản dị và thẳng thắn. Ông Phó công tố là người tử tế và thật dễ hiểu khi thấy ông ta không quá tỏ vẻ vồn vã trong lúc thi hành phận sự của mình. Ông chỉ hỏi những câu hỏi thật cần thiết với một thái độ thật ra cũng có thể coi như một bài phát biểu của bên bị, và các vị hội thẩm chỉ mất chưa đến năm phút đã cân nhắc xong lời tuyên án của họ. Thật không sao ngăn nổi cơn bùng nổ ghê gớm của những trang vỗ tay hoan nghênh của đám đông đứng chật ních trong phòng xử. Viên quan tòa chúc mừng bà Crôxbiê và thế là nàng là một người đàn bà tự do.
Tưởng không ai biểu lộ sự phản đối dữ dội trước hành vi của gã Hămmôn hơn vợ Gioix ; nàng là một người phụ nữ luôn trung thành với các bạn mình, và lúc vụ án vừa kết thúc, nàng đã cố nài nỉ vợ chồng Crôxbiê ở lại chơi cùng gia đình nàng tới khi nào vợ chồng họ có thể thu xếp mọi việc để lên đường ; cũng như mọi người, nàng không mảy may nghi ngờ kết quả vụ án. Vội quay trở lại ngôi nhà gỗ nơi đã xảy ra thảm họa khủng khiếp kể trên là điều không ai làm đối với nàng Lexliê can đảm, đáng yêu và đáng thương ấy. Phiên tòa bế mạc lúc mười hai giờ ba mươi. Khi mọi người về tới ngôi nhà của Gioix, một bữa cơm trưa rất thịnh soạn đã dọn sẵn chờ họ. Cốc-tây được bày biện từ trước, hầm rượu quí đáng giá bạc triệu của Gioix vốn vẫn nổi tiếng khắp các bang ở Mã Lai, giờ đây phu nhân Gioix đem uống mừng sức khỏe Lexliê. Chị là một phụ nữ hoạt bát, bay chuyện, và lúc này chị đang hết sức phấn chấn. Thật may, vì những người còn lại đều im lặng. Chị chẳng ngạc nhiên, vì chồng chị vốn không ưa nhiều lời, còn hai người kia đương nhiên đã mệt lử sau cơn căng thẳng kéo dài mà họ vừa chịu đựng. Trong lúc ăn, chị đã biểu diễn một vở độc thoại tươi vui và rất sinh động. Rồi đến tuần cà phê.
_ Thôi nào, các bạn, - chị nói với một dáng điệu hớn hở, vui tươi riêng của chị, - Anh chị phải đi nghỉ đi, sau giờ uống trà chiều tôi sẽ sai đánh xe mời anh chị ra chơi biển.
Hãn hữu lắm Gioix mới dùng cơm nhà, dĩ nhiên bây giờ anh định về ngay văn phòng.
_ Tôi e rằng tôi không thể đi được đâu, chị Gioix ạ, - Crôxbiê bảo, - Tôi có việc phải về đồn điền gấp.
_ Nhưng không phải hôm nay chứ? – Vợ Gioix kêu lên.
_ Dạ, ngay bây giờ. Tôi có rất nhiều việc cần kịp. Bỏ bê lâu quá. Nhưng tôi sẽ hết sức biết ơn nếu chị giữ Lexliê lại, tới khi chúng tôi quyết định nên làm gì.
Phu nhân Gioix định lên tiếng khiển trách, nhưng chồng chị vội ngăn lại.
_ Nếu anh ấy phải về thì ta cứ để anh ấy về, mọi chuyện thế là xong xuôi.
Trong giọng nói của vị luật sư có một cái gì khiến chị phải đưa nhanh mắt nhìn anh. Chị cố kìm không nói, một phút im lặng trôi qua. Rồi Crôxbiê lên tiếng:
_ Anh chị thứ lỗi cho, tôi xin khởi hành ngay để có thể về kịp trước lúc trời tối. – Anh đứng dậy, bước khỏi bàn. – Em ra tiễn anh chứ. Lexliê?
_ Dĩ nhiên rồi, anh ạ.
Họ cùng nhau ra khỏi phòng ăn.
_ Em cho rằng anh ấy hơi thiếu quan tâm đấy. – phu nhân Gioix nói. – Lẽ ra anh ấy phải hiểu lúc này chị Lexliê rất muốn được ở bên anh ấy chứ.
_ Anh chắc anh ấy sẽ không bỏ về nếu công việc chưa đến nỗi khẩn cấp lắm.
_ Thôi được, em phải vào xem phòng cho chị Lexliê đã sửa soạn xong chưa. Chị ấy muốn được nghỉ ngơi thoải mái và dĩ nhiên, phải được giải trí cho khuây khỏa nữa chứ.
Phu nhân Gioix ra khỏi phòng, Giõi lại ngồi xuống. Lát sau anh nghe tiếng Crôxbiê đang khởi động máy chiếc ô tô và rồi có tiếng xe nghiến xào xạc trên con đường nhỏ rải sỏi ngoài vườn. Anh đứng dậy bước sang phòng khách. Phu nhân Crôxbiê đang đứng giữa phòng, mắt nhìn khoảng không trước mặt, trong tay nàng là một bức thư mở ngỏ. Anh nhận ngay ra bức thư ấy. Nàng đưa mắt nhìn anh khi anh bước vào và anh nhận thấy nàng nhợt nhạt như người chết vậy.
_ Anh ấy đã biết cả rồi, - nàng thì thầm.
Gioix bước tới, giật bức thư khỏi tay nàng. Anh đánh diêm đốt tờ giấy. Nàng nhìn nó bùng cháy. Lúc không thể cầm nó trong tay lâu hơn nữa, anh thả nó xuống nền sàn lát gạch đá hoa, và hai người cùng nhìn tờ giấy uốn quăn cháy đen. Sau đó anh lấy mũi giày di nó thành tro vụn.
_ Anh ấy biết những gì vậy?
Nàng nhìn chằm chằm rất lâu, lâu lắm, và đôi mắt nàng bỗng lạ hẳn đi. Đó là sự khinh bỉ hay nỗi tuyệt vọng? Gioix chịu không thể trả lời nổi.
_ Anh ấy đã biết rằng Giêfry là tình nhân của tôi.
Gioix không ngạc nhiên, cũng không thốt nổi một lời.
_ Hắn vốn là tình nhân của tôi từ nhiều năm nay. Hắn trở thành tình nhân của tôi hầu như ngay sau khi hắn từ mặt trận trở về. Chúng tôi đều thừa hiểu mình phải cẩn thận như thế nào. Khi chúng tôi đã trở thành tình nhân của nhau, tôi giả bộ chán ngấy hắn, và hắn ít lại chơi những lúc Rôbớt có mặt ở nhà. Tôi thường đánh xe tới một nơi mà chúng tôi đều biết để hắn gặp tôi, mỗi tuần độ hai ba lần. Và những bận Rôbớt sang bên Xingapo, hắn vẫn mò tới ngôi nhà gỗ lúc đó đã khuya, khi ấy bọn gia nhân đã về ngủ. Suốt thời gian ấy cúng tôi được gặp nhau luôn, và không một ai mảy may ngờ tới chuyện này. Rồi về sau, vào năm ngoái, hắn bắt đầu thay lòng đổi dạ. Tôi không biết do đâu. Tôi không thể tin răng hắn không còn thiết tha với tôi nữa. Hắn luôn chối cãi điều đó. Còn tôi phát điên lên. Tôi đã mắng nhiếc hắn. Đôi lúc tôi nghĩ hắn bắn thù ghét tôi lắm. Ôi, nếu như anh hiểu được những nỗi đau đớn mà tôi đã phải chịu đựng. Tôi như bị lạc xuống ngục tối. Tôi đã rõ hắn chẳng cần tôi nữa, mà tôi lại không thể từ bỏ hắn được. Đau đớn! Đau đớn thay! Tôi đã yêu hắn. Tôi cũng đã hiến dâng cho hắn hết thảy. Hắn là tất cả cuộc đời của tôi. Rồi tôi nghe hắn đang tắng tịu với một mụ người Hoa. Tôi không thể tin nổi chuyện đó. Và tôi nhất định không chịu tin. Cuối cùng tôi thấy mụ, tôi đã tận mắt nhìn thấy mụ, khi mụ ta đang đi trong làng, cổ và tay mụ đeo đầy vòng xuyến vàng, một mụ người Hoa béo mập, già xương già xỉu. Mụ ấy nhiều tuổi hơn tôi. Thật kinh tởm! Ở làng đó ai ai cũng rõ rằng mụ là bồ của hắn. Khi tôi đi ngang qua mụ, mụ nhìn tôi, và tôi hiểu mụ cũng biết rằng tôi cũng là bồ của hắn. Tôi mời hắn tới. Tôi bảo tôi có việc phải gặp hắn. Anh đã đọc bức thư rồi đấy. Tôi như phát điên phát cuồng trong lúc viết nó. Tôi cũng không hay lúc đó mình đang làm gì nữa. Tôi bất cần đời. Đã mười ngày qua tôi không được gặp hắn. Đối với tôi đã là cả một kiếp người. Cuối cùng, lúc chúng tôi chia tay, hắn ôm choàng tôi và hôn tôi, hắn còn bảo tôi đừng nên buồn. Rồi từ vòng tay tôi, hắn bước thẳng tới vòng tay mụ ấy.
Nàng nói bằng một giọng trầm trầm, sôi nổi, đến đây nàng ngưng lời, hai bàn tay xiết chặt.
_ Chỉ tại bức thư chết tiệt ấy. Chúng tôi đã thận trọng hết sức. Hắn thường hủy mọi dòng tôi viết gửi hắn ngay khi hắn vừa đọc xong. Tôi đâu có ngờ hắn giữ lại bức thư ấy. Lúc hắn tới, tôi bảo thẳng với hắn rằng tôi đã biết mụ người Hoa nọ. Hắn vẫn chối lấy chối để. Hắn bảo đấy chẳng qua chỉ là chuyện thiên hạ bêu diếu hắn. Tôi không còn kiềm chế nổi mình nữa. Tôi cũng không còn nhớ mình đã nói với hắn những gì. Ôi, lúc đó tôi chỉ thấy căm thù hắn. Tôi giằng xé hắn hết bên này sang bên khác. Tôi đã nói mọi điều cốt để xúc phạm hắn. Tôi sỉ nhục hắn. Tôi đã tát vào mặt hắn. Sau cùng, hắn quay lại trả đũa tôi. Hắn bảo hắn chán ngấy tôi rồi, và không bao giờ muốn gặp lại tôi nữa. Hắn bảo tôi làm hắn ốm chết được. Và rồi hắn thú nhận quả có chuyện mụ người Hoa ấy thật. Hắn nói hắn quen biết mụ đã nhiều năm nay, từ trước chiến tranh kia, và chỉ có mụ mới là người đàn bà duy nhất thật sự mang lại ý nghĩa cho đời hắn, còn những người khác chỉ là trò tiêu khiển cho hắn. Hắn bảo hắn lấy làm mừng vì tôi đã hay biết chuyện này, và thế là cuối cùng tôi để hắn được rảnh nợ. Rồi tôi không hiểu điều gì xảy ra tiếp đó, tôi không kìm nổi lòng mình, tôi bừng bừng nổi giận. Tôi chộp lấy khẩu súng lục và nhả đạn. Hắn rú lên một tiếng và tôi nhận ra mình đã bắn trúng hắn. Hắn lảo đảo rồi lao ra ngoài hiên. Tôi đuổi theo hắn, nổ súng tiếp. Hắn gục xuống, tôi đứng ngay bên trêu hắn và nổ nữa, nổ nữa tới khi trong súng chỉ phát ra tiếng kêu lách cách, lúc đó tôi mới biết súng hết đạn.
Nàng ngưng lời, hổn hển thở. Khuôn mặt nàng như không phải khuôn mặt của con người nữa, sự tàn bạo, đau đớn và giận dữ làm méo mó hẳn đi. Chắc chẳng bao giờ ta dám ngờ rằng người đàn bà tế nhị, và trầm lặng này lại có thể mang trong lòng thứ tình yêu ma quỷ đến vậy. Gioix lùi về sau một bước. Anh hết sức kinh hoàng khi ngẫm nhìn nàng. Đấy không thể là bộ mặt được, mà đấy chẳng qua là chiếc mặt nạ gớm ghiếc đầy bí ẩn. Đúng lúc đó hai người nghe có tiếng gọi từ phòng bên vọng sang, một giọng nói vui vẻ, thân mật và xởi lởi. Đấy là tiếng phu nhân Gioix.
_ Ta sang nào, chị Lexliê yêu quý, phòng chị đã dọn dẹp tinh tươm. Chị phải đi ngủ thôi.
Nét mặt phu nhân Crôxbiê trở lại bình thản. Những xúc cảm mạnh mẽ vừa bộc lộ rõ ràng là thế bỗng nhiên lui hẳn đi, như thể ta vừa đưa tay vuốt nhọ một tờ giấy nhầu vậy, và cũng chỉ trong phút giây khuôn mặt ấy lấy lại được vẻ lạnh lùng, điềm tĩnh, không bợn một nếp nhăn. Tuy hơi nhợt nhạt, nhưng đôi môi của nàng vẫn nở một nụ cười nhã nhặn, vui vẻ. Như trước đây, nàng vẫn là người đàn bà có giáo dục, và thậm chí một người phụ nữ ưu tú nữa kia.
_ Tôi đi nghỉ nhé, chị Đôrôthy thân mến. Tôi lấy làm cảm kích vì đã khiến chị phải vất vả nhiều đến vậy.

Xem Tiếp: ----