Chương 10 (b)
THÀNH BẠI TRONG GANG TẤC

Cho đến sáng ngày 1-11-1963, Đại tá Quyền vẫn không hay biết gì về cuộc đảo chính sẽ bộc phát vào 1 giờ 30 cùng ngày.
Ngày hôm sau cũng là ngày sinh nhật ông, Đại tá Quyền theo thông lệ những ngày nghỉ vẫn đến sân quần vợt của Bộ Tư lệnh hải quân để cùng dượt với các sĩ quan. Trong số các sĩ quan chơi quần vợt sáng hôm ấy, có Thiếu tá Nguyễn Tấn Lực.
Thiếu tá Lực vốn là bạn thân của Đại tá Quyền và cũng là chỉ huy trưởng của một ngành trong hải quân. Vào khoảng 10giờ sáng, sau khi đánh banh xong, viên Thiếu tá này mời Đại tá Quyền lên Thủ Đức dùng cơm với lý do nhân sinh nhật ông Quyền, Thiếu tá Lực muốn có cái hân hạnh được đưa ông đi ăn nhậu. Đại tá Quyền nhận lời ngay, cả hai di bằng một chiếc Citroen dành cho Tư lệnh hải quân.
Khi lên xa lộ, Thiếu tá Lực mới ngỏ ý với Đại tá Quyền theo phe tướng lãnh đảo chính. Cho đến giờ phút đó Đại tá Quyền mới rõ có đảo chính thật, và không còn là chuyện dư luận đồn đại nữa. Đại tá Quyền không chấp nhận.
Kết quả là Đại tá Quyền bị hạ sát ngay trên xa lộ. Đêm 1-11, Thiếu tá Lực "lò mò" đến Bộ Tư lệnh hải quân nhưng khi đi qua Sở thú thì bị quân của lữ đoàn bắt giữ. Thiếu tá Lực tưởng lầm là quân của phe đảo chính nên tiết lộ với Đại uý Lễ: "Tôi đã sát Đại tá Quyền theo chỉ thị của Trung tướng Dương Văn Minh". Quân của lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng thống định hạ sát ngay Thiếu tá Lực, Đại uý Lễ xin chỉ thị của Bộ Tư lệnh nhưng được trả lời "Giữ ông Lực lại và không được động chạm tới ông ta"…
 
L'ETAT C’EST MOI - QUỐC GIA LÀ TÔI
Trở lại biến cố ngày 1-11-1963 và cái chết của hai anh em ông Diệm. Như mọi người đã biết, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã chết như một người bị ám sát. Mặc dầu lúc 4 giờ 30 ngày 1, tướng Dương Văn Minh với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quân nhân cách mạng (phe đảo chính) đã điện đàm với anh em Tổng thống Diệm.
Với lời hứa rằng nếu Tổng thống Diệm và bào đệ chịu từ bỏ quyền hành và rời khỏi dinh Gia Long, phe đảo chính sẽ cam kết bảo vệ tính mạng cho hai anh em ông và sẽ để hai anh em ông Diệm ra ngoại quốc với nghi lễ danh dự dành cho một vị Tổng thống. Tổng thống Diệm đã nói như hét: “Tướng tá mô? ".
Tất nhiên Tổng thống Diệm đã không chấp thuận sự đầu hàng như vậy. Với một người cứng rắn quá mức như Tổng thống Diệm cùng với tự ái quá cao và lòng tự tôn, tất nhiên là ông đã coi các tướng lãnh chỉ là các thuộc hạ võ biền (Võ biền theo quan niệm của một nhà Nho) nên đề nghị của tướng Minh đối với ông như là một hành động xúc phạm đến uy quyền tối cao của quốc gia mà ông là tiêu biểu (Tổng thống Diệm từng nói: "Sau Hiến Pháp còn có tôi". Thực ra thì ông lãnh đạo quốc gia với một mặc cảm tự tôn Quốc gia là ta, L'état c'est moi). Điều này sẽ giúp ta giải thích rõ tại sao ông Diệm khước từ sự "dầu hàng" và dù cho trong một tình thế nguy nan nhất, ông vẫn giữ vững lập trường đòi các tướng lãnh phải cử đại diện đến phủ Tổng thống gặp ông. Theo Đại uý Lê Công Hoàn, Tổng thống Diệm đập bàn rồi bảo với ông Nhu:
"Chúng nó đến đây rồi thì muốn chi thì muốn”. Tổng thống Diệm có "cầu cứu” Cabot Lodge không? Thực ra ông có điện đàm với viên Đại sứ này, song chỉ có ý phiền trách và yêu cầu người Mỹ chấm dứt ngay sự hỗ trợ phe đảo chính. Ông Nhu chỉ yêu cầu Cabot Lodge đóng vai trò trung gian giữa dinh Gia Long và Hội đồng Quân nhân. Song Cabot Lodge không thoả mãn lời yêu cầu này. Cũng tương tự như tướng Minh, khoảng 4 giờ 30 Đại sứ Mỹ Cabot Lodge yêu cầu anh em Tổng thống rời khỏi dinh Gia Long và đến tỵ nạn tại toà Đại sứ Mỹ. Sau đó, ông ta sẽ thu xếp để anh em Tổng thống xuất ngoại. Trong điều kiện này thì Cabot Lodge mới đảm bảo được tính mạng của hai anh em Tổng thống Diệm và gia đình. Song như đã trình bày ở trên Tổng thống Diệm đã khước từ dứt khoát. Tổng thống Diệm cũng như ông Nhu vẫn mong ở thế thắng của mình. Qua Đài Phát thanh lúc 4 giờ Tổng thống Diệm nghe rõ giọng nói của 22 vị tướng tá xướng danh để áp đảo tinh thần của dinh Gia Long. Ông Diệm bảo Đại uý Bằng và các sĩ quan tuỳ viên: "Các tướng bị bọn nó bắt là con tin đấy thôi". Cũng vì vậy khi Thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ xin Tổng thống Diệm cho đem quân của lữ đoàn lên Bộ Tổng Tham mưu để giải thoát các tướng tá thì Tổng thống khước từ với lý do: “Mình đem quân đi giải cứu bọn nó thế cùng nó sẽ giết hết các tướng, để từ từ coi". Cũng vào lúc 4giờ 30 Trung tướng Đôn có điện đàm với Tổng thống Diệm yêu cầu Tổng thống Diệm và ông Nhu từ bỏ quyền hành và xuất ngoại, vì quân đội đã đứng lên đảo chính và đã vây chặt thành Cộng hoà và dinh Gia Long. Tổng thống Diệm nói như quát: "Quân mô? Vây ở mô?". Sự thực lực lượng đảo chính không đáng kể… Quân của sư đoàn 5 vẫn còn ở bên ngoài Đô thành. Phía Phú Lâm, Chợ Lớn, Cầu Chữ Y, Khánh Hội, Thị Nghè còn bỏ trống. Theo Thiếu tá Lârn Văn Phát thì vào giờ đó, Hội đồng tướng lãnh chưa biết phải làm gì và hoàn toàn giao động vì vị nào cũng tưởng rằng khi đọc hiệu triệu trên Đài Phát thanh thì các cánh quân của quân đoàn II (trong đó có sư đoàn 5) đã vây chặt thành Cộng hoà và dinh Gia Long, cũng như đã làm chủ tình hình Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, nhưng ngược lại các cánh quân chủ lực của cuộc đảo chính vẫn còn rời rạc lẻ tẻ và chưa vượt qua cầu Phan Thanh Giản và Cầu Thị Nghè thì đã bị Lữ đoàn Liên binh phòng vệ chặn đứng ở Dakao và Sở thú.
4giờ 30 một cú điện thoại từ Bộ Tổng Tham mưu gọi cho Thiếu tá Duệ: "Kéo thẳng lên đây, đánh thốc vào Bộ Tổng Tham mưu, Ở đây chỉ lèo tèo vài đại đội tân binh và lính truyền tin". Thiếu tá Duệ hỏi: "Tướng lãnh làm gì trên đó?". Ông Duệ được trả lời: "Cha con mấy trự đang xanh mặt té đ… ". Sự thực chiến đoàn Vạn Kiếp của Trung tá Vĩnh Lộc cho đến lúc ấy vẫn còn án binh bất động bên cầu Phan Thanh Giản. Khoảng 4 giờ 30, khi Đại tá Phát đến một căn nhà ngay ngã tư Phan Thanh Giản - Đinh Tiên Hoàng được coi như bản doanh tiền phương của sư đoàn 5 và chiến đoàn Vạn Kiếp thì lúc ấy Trung tá Vĩnh Lộc đang say ngất ngư và cũng chưa biết phải tiến quân như thế nào… Sĩ quan cũng như binh sĩ vẫn ngơ ngác không biết phải làm gì… chỉ thị của thượng cấp hết sức mơ hồ.
Tướng Lâm Văn Phát cũng tiết lộ vào giờ phút đó, các tướng tá tại Bộ Tổng Tham mưu gần như tuyệt vọng, ai nấy đều xanh mặt và đã chuẩn bị vali để lên đường tẩu thoát. Trung tá Nguyễn Cao Kỳ nói: Nếu thất bại sẽ dùng mấy chiếc Dakota của liên đoàn vận tải để đưa các tướng tá qua Thái Lan.
Các tướng tá hồi hộp từng giây từng phút theo dõi cuộc tiến quân của quân đoàn III nhưng chỉ nghe thấy tiếng súng nổ xa xăm…4 giờ 30, Trung tá Kỳ dẫn hai phi công vào trình diện Hội đồng tướng lãnh - Hai phi công này vừa lái AD-6 nhào lộn oanh kích khu vực thành Cộng hoà và sự hiện diện của hai chàng phi công này tựa hồ như cơn gió mát giữa cơn nồng nặc nghẹt thở trong phòng Hội đồng.
Trung uý Viên thấy tình hình rất lâm nguy. Bỗng nhiên, ông nhận được tin từ Hội đồng tướng lãnh cho biết: Đại tá Lâm Văn Phát tạm thay Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, thống lãnh sư đoàn 5 để thanh toán dinh Gia Long và thành Cộng hoà. Được tin này, Trung tướng Dương Văn Minh biến sắc. Một số tướng lãnh rỉ tai nhau: "Thôi hỏng rồi.. tại sao Đính lại giao cho Phát như thế tụi nó quật nguợc lại bọn mình rồi". Không khí nghẹt thở.
Đại tá Lâm Văn Phát sáng ngày 1-11 đến Bộ Tư lệnh quân đoàn III để chờ trình diện tướng Đính trước khi xuống Mỹ Tho nhậm chức vụ Tư lệnh sư đoàn 7. Cho đến lúc ấy ông Phát vẫn không hiểu mô tê gì cả nhưng ông đã linh cảm thấy một sự lạ nào đó. Buổi chiều Đại tá Phát lại trở vào Bộ Tư lệnh quân đoàn III. Giữa lúc tướng Đính đang xao xuyến vì sự di chuyển chậm trễ của sư đoàn 5, ông đã yêu cầu Đại tá Phát tạm nắm quyền chỉ huy sư đoàn này để tốc chiến tốc thắng, Đại tá Phát nhận lời. Tướng Đính phải cho người vào kho lấy bộ đồ trận cho Đại tá Phát vì ông mặc đồ vàng. Kể từ phút đó, Đại tá Phát chính thức xung trận. Ông được thăng Thiếu tướng vào lúc 2 giờ 30 đêm ngày 1-11 khi cuộc tấn công dinh Gia Long bắt đầu mở màn.
RA ĐI KHI TRỜI CHƯA SÁNG
Xin trở lại giờ phút quyết định số mạng của hai anh em ông Diệm. Khoảng 4 giờ sáng thứ hai ông Cao Xuân Vỹ hoàn toàn mất liên lạc với hai anh em ông Diệm. Trong suốt buổi tối từ khi đến nhà Mã Tuyên, ông Nhu vẫn thường xuyên liên lạc với một số nhân vật thân tín khác. Ông Nhu quyết định sẽ ra đi trước khi trời sáng. Những người thân tín của ông đã nhận được chỉ thị thu xếp cho hai anh em ông tìm đường lên Cao nguyên. Công việc thu xếp kể như tạm xong chỉ còn chờ hai anh em ông Diệm. Ông Diệm không chịu trốn không chịu cải trang. Ông Diệm đã nói với ông Nhu và ông Cao Xuân Vỹ: "Mình là Tổng thống thì phải giữ tư thế của vị Tổng thống. Dầu mình chết cũng là vị Tổng thống". Theo lời tường thuật lại thì tại nhà Mã Tuyên, dù ông Nhu nhiều lần đề nghị ông Diệm thay quần áo và cải trang cho dễ lẩn trốn trong dân chúng, ông Diệm đã khước từ một cách bực tức. Ông Nhu đã có sẵn một bộ đồ hoá trang, song vì người anh không chịu, ông đành thúc thủ.
Ông Diệm vẫn tin rằng, phe đảo chính sẽ không dám làm gì ông, thì cũng sẽ không giết được ông Nhu.
Quyết định cuối cùng của ông Diệm là nếu chết, chết cả hai "Tôi đi đâu chú đi đó".
Cũng vì vậy trong giờ phút cuối cùng ở nhà thờ cha Tam, Tổng thống Diệm lại một lần nữa khước từ không chịu mặc tấm áo "Soutane" của Linh mục, mặc dù ông Diệm có lời tuyên bố phần sống như một tu sĩ.
Dinh Gia Long vẫn đắm chìm trong bóng tối và lặng lẽ. Vấn đề cấp thiết nhất là lương thực. Dinh Gia Long không có kho lương nào. Thiếu tá Hưởng cũng như Thiếu tá Lạc cùng tất cả các sĩ quan đều đồng ý giữ dinh Gia Long bất cứ giá nào. Tinh thần họ chỉ lên cao nhờ binh sĩ cũng một lòng như vậy. Đơn giản, họ chỉ là những quân nhân phục vụ chế độ với lòng trung thành.
Từ khi Tổng thống Diệm và ông Nhu ra đi, dinh Gia Long không có gì thay đổi, ba đại đội của Lữ đoàn Liên binh phòng vệ đóng chung quanh dinh ra tận chợ Bến Thành, Thiếu tá Lạc cũng như Thiếu tá Hưởng và Đại uý Hoàn kéo nhau ra đường đi vòng quanh quan sát rồi dừng chân ở trước Bộ Quốc phòng. Khi trở lại, có điện thoại cho Hoàn, Hoàn quay lại nói với các sĩ quan: "Liên nó gọi cho moa" (tức Thiếu tá Nguyễn Bá Liên Tham mưu trưởng thuỷ quân lục chiến trong cuộc đảo chính).
Lúc đầu Thiếu tá Nguyễn Bá Liên chiêu hồi dụ dỗ Đại uý Hoàn và cho rằng nên hàng đi là hơn. Sau Trung tá Liên nhường máy cho một số Đại tá, Trung tá nói chuyện thẳng với Hoàn. Đó là cách áp đảo tinh thần dinh Gia Long. Các Đại tá, Trung tá lần lượt lên tiếng trong đó Trung tá Vĩnh Lộc, Trung tá Thảo rồi đến lượt Trung tá Nguyễn Văn Thiệu. Nghe xong Hoàn bỏ máy xuống nhìn anh em mỉm cười.
Đại uý Bằng theo Tổng thống Diệm và ông Nhu đến Chợ Lớn ở lại một lúc thì Tổng thống Diệm cho ông về. Ông Bằng không quên mang về một một chai Martell, một tút thuốc lá "tăng cường sức sống cho dinh Gia Long". Súng vẫn nổ, thỉnh thoảng một trái Mortier rơi gần dinh, mấy sĩ quan trong dinh vẫn bình tĩnh cụng ly. Đại uý Hoàn say ngất ngây cùng mấy sĩ quan khác ngồi tâm sự chuyện đời.
Thiếu tá Nguyễn Bá Liên từ bên ngoài gọi điện thoại kêu gọi dinh Gia Long đầu hàng lần thứ ba. Đại uý Hoàn cảm ơn tình bạn của ông Liên và từ chối.
Quân đảo chính đã làm chủ tình hình Thủ đô, vòng vây mỗi lúc một siết chặt quanh dinh Gia Long. Thiếu tá Phạm Văn Hưởng đặt bộ chỉ huy hành quân ngay công viên trước dinh Gia Long. 12 giờ thì ông được thành Cộng hoà thông báo cho biết bỏ thành. Bảy sĩ quan ở thành Cộng hoà đang tìm cách về dinh Gia Long. Nhưng đến đường Phùng Khắc Khoan thì đành chịu và rủ nhau trốn vào nhà kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Nhà ông này đi vắng hết, chỉ còn lại một gia nhân. Sau đó đám sĩ quan này mượn quần áo cải trang rồi kéo nhau vào nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Ngoài dinh Gia Long vẫn còn 3 đại đội của liên Đoàn phòng vệ và trong dinh có thêm một đại đội cận vệ đặt dưới quyền Thiếu tá Lạc. Súng vẫn nổ. Trong dinh lặng lẽ như tờ. Viên Đại uý phụ trách truyền tin xin Thiếu tá Hưởng cho tháo máy và di tản qua Toà án lấy cớ rằng nếu dinh bị pháo kích, máy truyền tin vẫn an toàn. Mấy ngày sau đảo chính, Đại uý này đã được quân đảo chính vinh thăng Thiếu tá với lý do đã góp công với quân đảo chính bằng cách tháo gỡ máy truyền tin. Không hiểu nguyên nhân nào, một tuần sau ông ta mất lon Thiếu tá.
Vào khoảng 2 giờ sáng ngày 2 súng bắt đầu thi nhau nổ. Đại uý Hoàn bàn với Thiếu tá Lạc là trong tình thế này không thể nào giữ được dinh nữa rồi thế nào quân đảo chính cũng sẽ đánh lớn và thanh toán thành trì cuối cùng này. Hơn nữa Đại uý Hoàn cho rằng Tổng thống Diệm đã ra đi, Thiếu tá Lạc cho là phải và đồng ý với Đại uý Hoàn là phải báo cho tướng Khiêm rõ. Sau đó Đại uý Hoàn gọi điện thoại cho tướng Khiêm báo cho ông biết. Tổng thống Diệm và ông Nhu đã ra đi và xin tướng Khiêm ra lệnh ngưng tấn công dinh Gia Long. Tướng Khiêm trả lời: “Được, để qua lo liệu”.
Lúc ấy Bộ chỉ huy nhẹ của Đại tá Phát đặt ngay tại Trường Đại học Văn khoa… ông Phát trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công dinh Gia Long. Nhưng hầu hết đều bắn lên trời. Thuỷ quân lục chiến đã tiến đến gần dinh. Một đại đội khác của lữ đoàn phòng vệ vẫn còn giữ được vườn Tao Đàn. Nơi đây được coi như yếu tố số 1 trong việc phòng vệ dinh Tổng thống.
Bộ chỉ huy dinh Gia Long không còn hy vọng được ai tiếp cứu.
Mấy mật báo viên của Thiếu tá Hưởng được sai xuống Phú Lâm xem sư đoàn 7 đã về chưa. Cuối cùng họ trở về báo cáo, có thấy lính của sư đoàn 7 đang di chuyển về phía Thủ đô nhưng không có súng.
Một lúc sau, Đỗ Thọ từ nhà Mã Tuyên gọi điện thoại về dinh và chuyển lời Tổng thống Diệm đại ý, Tổng thống Diệm cảm ơn tất cả và bảo Thiếu tá Lạc cố giữ dinh và chờ lệnh của Tổng thống. Khoảng 3 giờ 30 sáng ngày 2, từ nhà Mã Tuyên Chợ Lớn, Tổng thống Diệm vẫn chỉ thị cho Thiếu tá Lạc "Một mất một còn để bảo vệ dinh". Nhưng ông Nhu thất vọng: "Không thấm vào đâu, mình yếu họ mạnh" - Theo nhật ký của Đỗ Thọ, Tổng thống Diệm cho rằng: "Vậy đổ nát, chết chóc, không lợi chi cả ".
Từ 4 giờ 30 sáng ngày 2, dinh Gia Long như con hổ đã lọt vào bẫy, cố vùng vẫy nhưng kiệt sức rồi, Thiếu tá Lạc tính chuyện đầu hàng. Thiếu tá Lạc liên lạc thẳng với Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm. Tướng Khiêm nói rằng: “Nếu thấy không thể giữ nổi thì hàng để tránh đổ máu”. Tướng Khiêm chỉ thị thêm:
"Các Thiếu tá trong dinh phải bật hết đèn pha để làm dấu hiệu đầu hàng”. Thiếu tá Lạc xin được chầm chậm một chút vì ông Lạc cũng như một số sĩ quan vẫn còn do dự để đợi lệnh cuối cùng của Tổng thống Diệm.
Lúc ấy Bộ chỉ huy của Thiếu tá Hưởng đã di tản qua Đại sứ Lào. Súng nổ chát chúa nhưng hầu hết đều bay lên trời.
Đêm đen như mực. Rồi 6 giờ, trời tang tảng sáng… Dinh Gia Long như quỵ hẳn thay vì bật đèn pha để làm dấu hiệu đầu hàng, ông Lạc lại lấy tấm drap trắng trải giường cột vào đầu gậy chạy ra bao lơn "phất phất”. Phía thuỷ quân lục chiến cũng như trong dinh nhiều người không trông thấy ngọn cờ drap trắng cho nên tuy đã phất cờ đầu hàng, trong Dinh lại nổ một loạt súng và làm ngã gục mấy thuỷ quân lục chiến. Phía thuỷ quân lục chiến nổi giận xông lên.
Súng nổ từng loạt chát chúa, rồi im bặt, dinh Gia Long thất thủ lúc 6giờ 25. Trung uý Tiêm còn mặc bộ đồ ngủ đi lè phè ở hành lang dinh. Mọi sự thế là xong. Bỗng đâu một viên đạn bay vèo. Trung uý Tiêm ngã gục. Ông chết vào giờ thứ 25 và nâng tỷ số thương vong của lữ đoàn phòng vệ lên 7 người. Dinh Gia Long chỉ có một người chết.
Thiếu tướng Phát công nhận rằng, cuộc tấn công dinh Gia Long quả là gay go. Binh sĩ phía đảo chính thì dè dặt, cấp chỉ huy thì hối thúc hò hét khản cổ họ mới chịu tiến. Khi dinh Gia Long thông báo đầu hàng lính trong dinh vẫn nổ súng từng loạt. Một chiếc thiết giáp tiến lên ngang hông Bộ Quốc phòng phía đường Pasteur thì bị ”thổi bay". Lửa bốc cháy thiêu rụi con cọp sắt vào đúng giờ thứ 25 của trận đánh. Chiếc thiết giáp của Đại uý Bùi Nguyên Ngãi lao lên tiếp cứu tiến đến gần chiếc thiết giáp đang bốc cháy thì bỗng đâu từng loạt đạn nổ vang, Đại uý Ngãi vừa thò đầu ra khỏi xe thì bị bắn gục. Con cọp sắt thứ hai bốc lửa, Đại uý Ngãi gục ngã vào giờ thứ 25.
6 giờ 30 dinh Gia Long nằm gọn trong tay phe đảo chính, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiệu vẫn đeo lon Đại tá kéo theo một trung đội tiến vào dinh tiếp thu thành trì cuối cùng của Đệ nhất Cộng hoà tiêu biểu cho uy quyền tối thượng của Việt Nam Cộng hoà.