Cuộc đảo chính 11-2-1960 không phải chỉ có nhóm Vương Văn Đông, Nguyễn Triệu Hồng nhưng còn vô số sĩ quan khác được coi là nòng cốt của chế độ cũng trở cờ đón gió hoặc án binh bất động chờ thời cơ. Ngay Sư đoàn 7 đóng tại Biên Hoà, kế cận thủ đô từ phút đầu vẫn giữ thái độ "án binh bất động". Sau đó, Trung đoàn 12 nóng ruột mới kéo quân về Sài Gòn. Sư đoàn 22 mà vị Tư lệnh được coi là “người trong nhà” của chế độ cũng do dự. Đúng hơn là hoàn toàn im lặng chờ lệnh thượng cấp. Ngay tại Sài Gòn, nhiều tướng tá cũng im lặng chờ cơ hội.Cuộc đảo chính bất thành, nhiều người lanh chân lẹ miệng lại được thưởng, trái lại một số sĩ quan gặp tai bay vạ gió hết sức oan ức. Trường hợp Trung tá Nguyễn Khương, chỉ huy trưởng truyền tin, suốt ngày 11 sáng 12 trốn thật kỹ nhưng khi quân Đại tá Trần Thiện Khiêm tiến vào thành phố thì lúc bấy giờ Trung tá Nguyễn Khương mới lộ diện, rồi còn lập công bằng cách cho một tiểu đoàn truyền tin ra tay chống đảo chính vào ngày 13 (nghĩa là tàn cuộc rồi chính ông lại chặn xe Đại tướng Lê Văn Tỵ không cho vào dinh gặp Tổng thống Ngô Đình Diệm). Thực ra thì ngày 12 Trung tá Khương cho người móc nối phe đảo chính bất thành, ông trở thành người chống đảo chính hung hăng nhất (nhiều tướng tá khác tương tự như Trung tá Khương). Trong khi đó nhiều người bị tố cáo rất oan ức. Chẳng hạn như Thiếu tá Liên đoàn trưởng truyền tin thuộc Bộ Tư lệnh Hành quân.Một Đại úy chỉ huy trưởng một đơn vị biệt lập tại ven đô, không có tội gì chỉ có tội “vô tình xóa khẩu hiệu suy tôn Ngô Tổng thống” nhưng bị phạt 40 ngày trọng cấm. Số là như thế này, bức tường ở doanh trại kẻ khẩu hiệu “Ngô Tổng thống muôn năm”, lâu ngày bị nước mưa làm ố nhòe trông rất lem nhem, viên Đại uý sốt sắng ra lệnh cho thượng sĩ thường vụ phải cho lính quét lại tường vôi và kẻ lại khẩu hiệu cho đàng hoàng. Nhưng không may tường quét vôi trắng xoá, xoá nhoà khẩu hiệu vào ngày 10, thì đúng ngày 11 xảy ra đảo chính. Ấy vậy mà Bộ Tổng Tham mưu vẫn phổ biến một văn thư đi khắp các đơn vị về việc phạt viên Đại uý này 40 ngày trọng cấm với lý do nêu trên. Ở nhiều đơn vị, một số sĩ quan bị câu lưu, bị điều tra hoặc thuyên chuyển chỉ vì phát ngôn bừa bãi trong ngày 11-2. Về phương diện hành quân đảo chính thì phải nói là hoàn hảo, nhưng ai cũng công nhận thấy rằng, cuộc đảo chính đó bị một số chính khách thoạt đầu đón gió và làm mất đi nhiều ý nghĩa Quốc gia nhân chính và tiềm ẩn khát vọng cách mạng thực sự của một số sĩ quan trẻ, tham dự với tất cả hăng say. Số chính khách này, gọi là chính khách cũng chưa được đúng lắm đứng đầu là Hoàng Cơ Thụy theo sau là Phan Quang Đán, có cả Nhất Linh.Trở lại trường hợp Trung tá Nguyễn Khương, trọn ngày 11 và 12, Trung tá Khương trốn chui trốn lủi lại tìm cách móc nối với Đại tá Thi tối 12, Nguyễn Khương mặc thường phục lên Catinat quan sát tình hình. Lúc ấy phe Chính phủ đã thắng thế, Trung tá Khương cấp tốc về Bộ Tư lệnh huy động lực lượng truyền tin rồi trao cho Đại uý Đỗ Như Luận "thống xuất" tiến vào Bộ Tổng Tham mưu (sáng 13) để gọi là giải vây nhưng kỷ thực lúc ấy Bộ Tổng Tham mưu không còn một lực lượng nhảy dù nào…Nhưng Trung tá Khương vẫn coi như ta là người hùng chống đảo chính, rồi lại "hộ tống" Đại tướng Lê Văn Tỵ vào Dinh lập công với Tổng thống.Sau đó, Nguyễn Khương lại lập báo cáo xuyên tạc Thiếu tá Nguyễn Đình Tài, Chỉ huy trưởng trung tâm truyền tin thuộc Bộ Tư lệnh Hành quân. Trong bản báo cáo Trung tá Nguyễn Khương cho rằng Thiếu tá Tài đã tiếp tay cho phe đảo chính, rằng khi quân đảo chính chiếm được Đài phát thanh thì Thiếu tá Tài có ý ngăn cản không cho Trung tá Khương xử dụng chiếc máy phát tin cao xuất để thay đài phát thanh. Dinh Tổng thống từ phút đầu ngày 11 đã trao cho Khương mật lệnh để liên lạc với Trung tá Huỳnh Văn Cao nhưng Trung tá Khương đã không chuyển mật lệnh này. Hơn 1 tháng sau thì dinh Tổng thống cũng rõ lòng dạ của Khương và Khương bị thất sủng từ đó.Trong hai ngày 11 và 12, một số các nhân vật tai to mặt lớn đều lẩn mặt nhưng trong ngày 13 đồng loạt xuất hiện, tranh nhau nhảy vào ban chống đảo chính để lập công rồi cố làm sao diện kiến được Tổng thống. Một người có công thực sự là Võ Văn Hải. Trong việc dàn xếp với phe đảo chính, đều một tay ông Hải lo toan, thế nhưng sau đó lại bị nghi kỵ, bị các phe nhóm dèm pha là Võ văn Hải đi nước đôi. Ngày 11 - 12 bác sĩ Tuyến cùng một và số cộng sự viên lập "bộ chỉ huy" tại nhà Huỳnh Thành Vị.Tại đây bác sĩ Tuyến trực tiếp liên lạc với Đại uý Bằng cùng một số đơn vị lớn trong đó có sư đoàn 21 bộ binh. Theo bác sĩ Tuyến thì người có công lớn trong vụ 11 - 11 - 1960 trước hết phải kể đến bà Ngô Đình Nhu và sau nữa là Đại uý Bằng, một tay kiên trì chống đỡ phe đảo chính mà lực lượng không hơn một đại đội.Nhưng Tổng thống Diệm lại bị huyền hoặc bởi một số người cơ hội, chuyên môn "bốc", thành ra người có công thì không được lưu ý hoặc bị phe phái khai thác dèm pha, có tội khi khéo chạy tội lại trở thành người có công. Đám người này tìm mọi cách để đẹp lòng ông Tổng thống và để ông Tổng thống yên trí rằng “Dân chúng luôn luôn trung thành và ủng hộ Tổng thống". Kỳ thực dân chúng lúc ấy cũng bắt đầu bất mãn trước những sự lạm dụng và hống hách của những nhân vật được coi là lương đống của chế độ. Đáng lý nhân cơ hội này, Tổng thống Diệm phải làm một cuộc xét lại những sai lầm của chế độ và nếu cần phải thanh trừng những thành phần bất lực, tham nhũng, nịnh bợ, nhưng Tổng thống Diệm không làm như thế…Rồi kế tiếp đến vụ bỏ bom dinh Độc Lập ngày 27-2-1962 chế độ Ngô Đình Diệm bắt đầu sa sút trông thấy, nội bộ càng thêm phân hoá. Vụ 11 - 1960 thì một số phe phái gièm pha ông Võ Văn Hải, vụ 27-2-1962 ông Tổng thống cũng lại nghi ngờ bác sĩ Tuyến. Vụ Phật giáo năm 1963, kể từ tháng 5, Tổng thống Diệm lại không tin ông Cẩn nốt. Chế độ đang lúc phân hoá, đầy mâu thuẫn nội bộ, lại phải đương đầu với áp lực Mỹ và vụ tranh đấu của Phật giáo. Với một tình hình rối ren như vậy đáng lý ra phải xếp vụ án 11- 11 - 1960 lại nhưng không hiểu sao, Tổng thống Diệm lại cho đem xét xử. Cái chết của Nhất Linh là một bất lợi lớn lao cho vụ án. Chánh án Huỳnh Hiệp Thành được chỉ định làm chánh thẩm. Trung tá Quân pháp Lê Nguyên Phu ngồi ghế uỷ viên Chính phủ. Sau năm l963, Trung tá Lê Nguyên Phu bị công kích dữ dội, bị kết án là tay sai của chính quyền Ngô Đình Diệm đã hạ nhục sỉ vả các chính khách quốc gia. Điều công kích đó có đúng không hay chỉ là phản ứng nhất thời do tự ái bồng bột của người bị kết án? Theo giới thẩm phán thuộc Nha quân pháp (trước 1963) và giới hiến binh thì Trung tá Lê Nguyên Phu người thay thế Trung tá Nguyễn Quang Sanh chỉ huy lực lượng hiến binh, ông Phu có sự ngay thẳng, có lương tâm của một thẩm phán tốt, nhưng giao tiếp hơi vụng về, nói năng không được khéo léo. Đó cũng là một điểm thất bại của một uỷ viên Chính phủ của một toà án vốn được coi là công cụ của chính quyền. Giám đốc Nha Quân pháp lúc ấy là Đại tá Nguyễn Văn Mầu. Trung tá Phu nắm quyền Giám đốc phân Nha Hiến bình kiêm Uỷ viên Chính phủ Toà án quân sự đặc biệt. Trung tá Lê Nguyên Phu được Phủ Tổng thống chỉ thị đem gấp vụ 11-11-1960 ra xét xử. Một vụ án thật rắc rối. Khi nhận chỉ thị, Trung tá Lê Nguyên Phu đã thấy rõ nhưng khó khăn này. Trên mặt pháp lý, đưa vụ 11- 11-1960 ra xét xử tại toà án quân sự là đúng, vì thủ phạm cũng như các tòng phạm đều là quân nhân tại ngũ và chứng cứ phạm pháp rất hiển nhiên (sử dụng quân lực để lật đổ chế độ đương nhiệm và hợp pháp). Lý thì như vậy mà tình lại khác. Nhiệm vụ của thẩm phán chỉ dựa theo lý dù là cái lý của chính quyền nhưng vẫn là cái lý của luật pháp hiện hành. Trung tá Lê Nguyên Phu được Tổng thống Diệm chỉ thị đến gặp bác sĩ Tuyến để tìm hiểu rõ đầu đuôi nội vụ (lúc ấy bác sĩ Tuyến không làm việc ở Sở nghiên cứu chính trị). Với tình hình đang sôi động như vậy từ Bộ trưởng Thuần đến bác sĩ Tuyến đều cảm thấy gian nan nhưng ai là người có thể cản ngăn khi Tổng thống Diệm đã quyết định như vậy? Vấn đề khó khăn nhất đối với Trung tá Phu là Tổng thống Diệm chỉ định: "Anh phải lấy cho tôi hai cái án tử hình ". Ông chỉ thị vắn tắt như vậy thôi mà không nói kết tội tử hình cho ai. Trước mặt Tổng thống Diệm ngay cả Phó Tổng thống, Bộ trưởng, tướng lãnh còn vâng lời tuân theo răm rắp huống chi một Trung tá. Ông Lê Nguyên Phu đem vấn đề này hội ý với bác sĩ Trần Kim Tuyến. Vụ án làm cho ông Phu muốn điên đầu. Ai ở vào địa vị ông Phu cũng không thể làm sao hơn! Trung tá Phu nghiên cứu hồ sơ cả mấy ngày…chỉ thị của phủ Tổng thống là làm sao phải lấy hai án tử hình để làm gương. Có nhẽ Tổng thống Diệm coi đó như một cách để biểu dương uy quyền và sự cứng rắn của chính quyền? Trung tá Phu lo lắng nói với bác sĩ Tuyến: "Theo lương tâm thẩm phán sau khi cứu xét kỹ hồ sơ thì không thấy ai trong vụ án đáng lãnh án tử hình cả ". Nhưng lệnh của Tổng thống bây giờ làm thế nào. Trước sự khó khăn nan giải này, bác sĩ Tuyến và Trung tá Phu đã đi đến một giải pháp: “Tìm trong số những người đào tẩu như Vương Văn Đông, Nguyễn Chánh Thi, Hoàng Cơ Thụy để buộc tội thật nặng quy hết trách nhiệm cho những người này và làm thế nào để toà án kết án tử hình họ, có như thế mới có thể cứu nổi những người đang bị giam giữ". Trung tá Phu coi giải pháp này như một giải pháp tốt đẹp cho chính ông ở tư thế một Uỷ viên Chính phủ (cái nghề chỉ có buộc tội ít khi xin toà dễ dãi cho các bị can). Ông Phu cho đó như một lối thoát tốt đẹp bởi vì ông vẫn lo lắng tâm sự với bác sĩ Tuyến “Nếu không khéo toà lại xử một bị can nào tử hình thì tôi chẳng biết phải làm thế nào, lương tâm thật không cho phép ". Thường tình các vị chánh án của Toà án quân sự đặc biệt hay mặt trận có "thói quen" xét xử bị can theo lời buộc tội của Uỷ viên Chính phủ, một khi Uỷ viên Chính phủ đại diện thật sự cho hành pháp mà lại Hành pháp trước năm 1963, nếu "cảm thấy" Uỷ viên Chính phủ muốn bị can X bị can Y bao nhiêu năm tù, tử hình hay khổ sai thì thông thường các vị chánh án cũng sẽ tuyên xử như vậy, một là để lấy lòng Tổng thống hai là quá nhát sợ hoặc muốn tránh khỏi sự phiền nhiễu lôi thôi.Khi đem vụ 11 - 11 - 1960 ra xử, Trung tá Phu cũng như bác sĩ Tuyến và Bộ trưởng Thuần đều phập phồng lo sợ "mật lệnh hai án tử hình” Biết đâu trong lúc cao hứng hoặc thiếu quân bình hoặc quá sốt sắng với chế độ vị chánh thẩm lại xử Phan Trọng Chinh hoặc cụ Phan Khắc Sửu hay một vài bị can nào khác bị tử hình thì lúc ấy sẽ ra sao? Trong tình hình đầy biến động và bất thường như trạng thái tâm lý chính trị bất thường năm 1963 biết đâu vì một lý do bất thường nào đó chính quyền ra lệnh thi hành án tử hình ngay thì lúc đó quả thực lương tâm của một người bình thường cũng không thể yên ổn được. Do đó, sau nhiều lần hội ý cùng nhau, Trung tá Phu đã đi đến giải pháp là trong lời buộc tội sẽ đánh mạnh vào điểm là các bị can đều tòng phạm, a dua. Tóm tắt lại, trước khi đưa ra toà xét xử vụ 11 - 11 - 1960, Toà án Quân sự đã có sự bố trí cẩn thận để làm thế nào giảm thiểu hình phạt đối với tòng phạm và lấy án tử hình dành cho các chính phạm. Tổng thống Diệm không ra chỉ thị xử tử hình đích danh ai cho nên đó là điều dễ dàng cho Uỷ viên Chính phủ có thể nhằm vào Nguyễn Chánh Thi cũng như Hoàng Cơ Thụy, Vương Văn Đông. Vụ án đem ra xem xét trong một khung cảnh hoàn toàn bất lợi cho chính quyền. Nói là hoàn toàn vì trong một cuộc tranh đấu chính trị thì pháp luật chỉ có thể là khí giới giúp chính quyền có cái để nhân đanh áp đảo đối phương. Đằng này pháp luật được sử dụng không hợp với thời gian và không gian nên không tạo được hiệu lực, trái lại vụ án 11-11-1960 lại trở thành khí giới của phe chống Chính phủ. Thất bại lớn của chính quyền Ngô Đình Diệm là đem vụ này ra xét xử. Một lần nữa chính quyền lại đổ cả thùng dầu vào ngọn lửa tranh đấu của Phật giáo, mà ngọn lửa đang leo lét…ngay các nhà lãnh đạo Phật giáo đang hoang mang không biết làm thế nào cho ngọn lửa bùng to. Dù Phật giáo đã có một danh sách tự thiêu nhưng vẫn chưa thể áp dụng. Bởi vì dù ai tự thiêu đi nữa cũng không thể tạo được xúc động như vụ tự thiêu của Hoà thượng Quảng Đức. Bỗng nhiên, vụ án 11-11- 1960 cùng với cái chết của Nhất Linh đã cung hiến cho Uỷ ban Liên phái một cơ hội tốt nhất. Trong phiên toà xử ngày 5-7-1963 kéo dài đến ngày 12 (với 19 quân nhân và 34 nhân sĩ), qua lời buộc tội, Trung tá Lê Nguyên Phu cho rằng các nhân sĩ này chỉ "a dua chạy theo đón gió".Khi Nhất Linh nằm yên trong lòng đất thì vụ án 11-11-1960 cũng hoàn tất. Hai án tử hình mà Tổng thống Diệm đòi hỏi vẫn chỉ dành riêng cho chính phạm. Cháy nhà mới ra mặt chuột…Câu phương ngôn này quả thực không sai khi nhận định về bản chất thực của một số nhân sĩ trong vụ án, các quân nhân trẻ tuổi như Phan Trọng Chinh, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Vũ, Từ Thức… đã chứng tỏ được phong độ đường hoàng và khí phách khi ở trong tù cũng như trước toà. Ngược lại một số nhân sĩ tự nhận có thành tích cách mạng thì quả là yếu kém về đường nhân cách. Nhất cử nhất động của mấy vị này đều không qua khỏi con mắt của mấy tay an ninh chìm rồi cuối cùng cũng lọt vào tai vợ chồng ông Nhu và Tổng thống Diệm. Ngày 13-7 là ngày đưa đám tang Nhất Linh từ bệnh viện Đồn Đất qua chùa Xá Lợi rồi trở về nơi yên nghỉ ngàn thu tại nghĩa trang Bắc Việt. Nhưng đó cũng là ngày sôi động và bận rộn cho các cơ quan an ninh chìm nổi của Đô thành và Tổng Nha cảnh sát. Ngày 13-7 cũng là ngày đánh dấu một khúc quanh lớn trong cuộc tranh đấu của Phật giáo. Hàng ngàn sinh viên thuộc nhiều phân khoa đại học đã tự động đến chùa Xá Lợi đón linh cữu Nhất Linh. Rất nhiều sinh viên đeo băng đen. Đám tang Hoà thượng Quảng Đức cũng không đông đảo như đám tang Nhất Linh và hầu hết đều thuộc giới Phật tử.Đám tang Nhất Linh thì lại khác, quy tụ nhiều thành phần Công giáo, Phật giáo. Tuy nhiên phía Phật giáo, một số lãnh đạo trẻ khéo lanh lợi biến đám tang này thành mầu sắc tôn giáo. Cuối cùng Nhất Linh được an táng cùng Đảng kỳ của Việt Nam Quốc dân Đảng.Từ đây giới sinh viên Sài Gòn mới thực sự dấn mình vào cuộc tranh đấu…Một số sinh viên trẻ thuộc thành phần đảng phái cũng muốn lợi dụng chiêu bài Phật giáo với hy vọng tiến xa hơn, mạnh hơn nghĩa là đạt được một cuộc cách mạng, dù họ chưa biết cuộc cách mạng ấy như thế nào. Phái Phật giáo nếu chỉ có lực lượng Phật tử cũng chưa đủ, nên đã tìm mọi cách lôi cuốn sinh viên học sinh tham gia.KHI MỸ QUYẾT TÂM NHẢY VÀO CUỘCBiến cố dồn dập và bao trùm…Tổng thống Diệm càng ngày càng thúc thủ trong những mâu thuẫn nội bộ mâu thuẫn Mỹ-Việt…mâu thuẫn anh em. Kể từ trung tuần tháng 7-1963 thì người Mỹ cũng như về phía Cộng sản đã thực sự nhảy vào cuộc cố giành phần chủ động biến cố. Trong khi quyết tranh đấu cho mục tiêu cao đẹp của tập thể mình thì trong lòng Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo đã nứt rạn…chính sự nứt rạn đó nói lên sự xâm nhập của những thế lực ngoại lai.Cuộc tranh đấu của Phật giáo lại bắt đầu bừng dậy vào ngày 17-7. Trước đó Uỷ ban Liên phái liên tiếp nhận được những nguồn tin cho biết là chính quyền sẽ áp dụng biện pháp mạnh. Đồng thời cũng vào thời gian này, dư luận lại đồn đại sắp đảo chính. Phía Uỷ ban Liên phái đã khai thác triệt để nguồn tin đảo chính. Hơn nữa Uỷ ban Liên phái lại nắm được những nhược điểm của chính quyền là sự phân hoá và mâu thuẫn trầm trọng ngay từ phía anh em Tổng thống Diệm. Ngoài miền Trung, ông Cẩn chỉ còn là hư vị..Tại Sài Gòn quyền bính nằm trọn trong tay ông Nhu và chính là lúc ông Nhu đang đang chuyển hướng để tìm thế liên minh mới.Nhân chuyến trở lại thăm Việt Nam cha Francois xin gặp riêng ông Nhu để nhờ cậy một vài việc riêng đây cũng là dịp mà cha Francois ghé qua thăm Đại sứ Ân tại Uỷ hội quốc tế. Lần gặp gỡ này, cha Francois thấy ông Nhu già đi rất nhiều, mỏi mệt và chán nản. Ông Nhu hỏi thăm cha Francois: "Cha thấy dư luận của Pháp và La Mã như thế nào đối với Việt Nam Cộng hòa?”. Cha Francois dè dặt: "Có nhiều dư luận trái ngược nhau nhưng nói chung thì báo chí Tây phương tỏ ra phẫn nộ… không thuận lợi cho Chính phủ Việt Nam…Hiện ông Cố vấn đã có biện pháp như thế nào đối với vụ tranh đấu của Phật giáo?” Ngô Đình Nhu yên lặng một lúc lâu. ông bẻ đôi điếu thuốc Job hút một nửa, một nửa cho vào ngăn kéo bàn, ông Nhu "tặc lưỡi":- "Chính phủ đã xử rất ôn hoà, bây giờ thì không có chuyện nhượng bộ nữa". Cha Francois lo ngại: ông Cố vấn nói như vậy có nghĩa là Chính phủ sẽ sử dụng biện pháp mạnh để dẹp cho yên? Ông Nhu đáp: "Thưa cha không còn sự lựa chọn nào khác hơn ".Cha Francois.: “Nếu như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm. Đây là vấn đề tế nhị, tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam cần kiên nhẫn hơn nữa". Ông Nhu lắc đầu: "Chỉ còn có hai cách lựa chọn: Một là tình trạng rối loạn sẽ kéo dài và Chính phủ sẽ đổ một nửa, phải vãn hồi an ninh trật tự và Chính phủ sẽ chịu một số thiệt thòi đổ vỡ”. Ông Nhu cho cha Francois biết: “Trong một tháng nay, Việt cộng xâm nhập ào ạt vào các đô thị. Nếu Chính phủ không áp dụng biện pháp mạnh thì một buổi sáng nào đó cha sẽ thấy Sài Gòn tràn ngập cờ đỏ sao vàng".Cha Francois hỏi ông Nhu: “Như vậy có nghĩa là cuộc tranh đấu của Phật giáo đã bị cán bộ Cộng sản thuyết phục?” Ông Nhu đáp: “Đúng, cơ quan an ninh đã thâu lượm được rất nhiều bằng chứng". Cha Francois dè dặt: “Thưa ông Cố vấn, tôi vẫn nghĩ các Thượng tọa đều là những nhà tu hành thuần tuý. Như ông Mai Thọ Truyền, tôi có dịp gặp ông nhiều lần… ông làm sao có thể để cho Cộng sản mua chuộc được? ".Ông Nhu nói như phân trần: “Thưa cha, tôi cũng nghĩ như cha vậy, nhưng phương thức đấu tranh của họ là những phương thức học được ở Cộng sản. Dù các nhà sư không phải là Cộng sản nhưng cán bộ nòng cột của họ là Cộng sản thì cũng không thể tha thứ được. Một là Chính phủ phải thua Cộng sản một cách nhục nhã, hai là phải ra tay đối phó. Tôi đã cân nhắc, Chính phủ phải đối phó vì cuộc rối loạn càng kéo dài càng bất lợi” Qua giọng nói cương quyết của ông Nhu cha Francois thấy rằng không thể ai ngăn cản ông được và ông đã lựa chọn phương thức "Được ăn cả ngã về không ". Ông Nhu nhấn mạnh với cha Francois: “Đứng sau phong trào Phật giáo không chỉ có Cộng sản, còn có người bạn Đồng minh của Chính phủ Việt Nam cộng hòa nữa. Họ muốn sử dụng phong trào này để đàn áp và “săng ta" với chúng tôi”. Cha Francois nhìn ông Nhu dò xét rồi mỉm cười: “Nước Pháp trước đây cũng chịu một áp lực như vậy và làm "săng ta” quá nhiều, nhưng theo tôi người Mỹ cũng cần Việt Nam chứ?” Ông Nhu đáp: “Dĩ nhiên là như vậy nhưng Việt Nam cần họ nhiều hơn…" Ông Nhu bỏ lửng câu nói, rít một hơi thuốc rồi đứng lên tìm một tập hồ sơ trao cho cha Francois: "Cha có thể xem qua một số hình ảnh này, cha sẽ thấy… Chính phủ Việt Nam cộng hoà khổ tâm biết bao nhiêu… " Ông Nhu chỉ vào một người Mỹ mặc áo sơ mi cụt tay: "ông ta chỉ là nhân viên thường của cơ quan USAID nhưng là nhân viên quan trọng của CIA". Ông Nhu lại chỉ vào người Mỹ thứ hai: “Ông ta là một mục sư, truớc đây hoạt động truyền giáo tại Dahlak, nhưng trở về Mỹ cách đây 4 năm và mới. trở qua Việt Nam với tư cách phóng viên… " ông Nhu chỉ một người Việt Nam có gương mặt trẻ khôi ngô, tuấn tú đội mũ "phớt" mặc âu phục, cổ hở…ông Nhu hỏi: "Cha biết ai đây không?” Cha Francois chưa nhận ra thì ông Nhu nhún vai: “ông ta là một nhà sư hiện đang ở chùa Xá Lợi ".Cha Francois nhìn tấm hình có hai người Mỹ và người Việt (được ông Nhu gọi là nhà sư) Cha chỉ mỉm cười không nói vì không biết phải nói như thế nào. Cha Francois quen biết ông Nhu từ lâu nên hiểu rõ con người ông tuy thông minh xuất chúng nhưng cố chấp và có nhiều thiên kiến, cha Francois lại có rất nhiều mối liên hệ và thiện cảm với Hoà thượng Quảng Độ và bác sĩ Lê Đình Thám. Cha Francois tìm cách nói khéo với ông Nhu là cho đến lúc này, cha vẫn tin rằng các nhà sư không thể là Cộng sản cũng như không thể để Cộng sản lôi kéo. Có lẽ không thuyết phục được Cha Francois về lập trường cứng rắn của mình đối với Phật giáo nên ông Nhu lảng qua chuyện khác, lại chuyện người Mỹ, ông Nhu nói gay gắt: "Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm với ngoại bang…người Mỹ dù có mạnh thế nào cũng không qua mắt nổi Chính phủ này. Tôi trả lời thẳng cho người Mỹ rõ, họ muôn rút hết cố vấn, cứ việc rút, cả viện trợ Mỹ chúng tôi cũng không cần, Mỹ có thể cúp viện trợ ngay lúc này Việt Nam cộng hoà vẫn đủ sức để chống Cộng”. Cha Francois nghe giọng của ông Nhu như một người phẫn uất, sống chìm đắm chìm trong thế giới ảo tưởng. Cha Francois hỏi:- Ông nghĩ thế nào về việc đề cử ông Cabot Lodge làm Đại sứ? Suy nghĩ một lát, ông Nhu đáp: Cũng thế thôi nhưng Tổng thống không có thiện cảm với ông ta vì ông ta có một quá khứ bất chính". Cha Francois hỏi: “Hình như Đức Hồng Y Spellman có khuyến cáo Tổng thống nên mở rộng Chính phủ và chấp nhận đối lập? " Ông Nhu gật đầu: “Điều đó có, Tổng thống cũng đang cứu xét nhưng với một nước chậm tiến như Việt Nam cộng hoà không thể áp dụng một chế ñoä tự do dân chủ Tây phương…Như cha đã am tường lịch sử Việt Nam. Đất nước chúng tôi truyền thống dân chủ từ cả ngàn năm trước, dân chủ từ hạ tầng, từ xã ấp. Ở thượng tầng phải làm thế nào để giữ được uy quyền tối thượng của quốc gia… Thưa cha, ấp chiến lược chính là con đường xây dựng cơ sở dân chủ từ hạ tầng… " Ông Nhu tâm sự với cha Francois: “Mỹ có thói quen bắt buộc các Đồng minh phải rập khuôn như họ… nhưng ở Mỹ khác, ở Á châu này khác… trong một quốc gia hoà bình thì hoàn toàn khác với một quốc gia đang có chiến tranh. Tổng thống Kennedy khuyến cáo Việt Nam cải tổ cơ chế dân chủ có nghĩa là phỏng cơ chế dân chủ Mỹ. Nhưng cha nghĩ coi, ông cha chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về nạn chia rẽ, nạn kỳ thị và phe phái… nếu ở Việt Nam áp dụng dân chủ như Mỹ thì chỉ đi đến tình trạng hỗn loạn". Cha Francois hỏi: "Hình như Tổng thống Kennedy muốn miền Nam có sụ canh tân Hiến pháp…? Ông Nhu mỉm cười đáp: - “Không chính thức khuyến cáo như vậy nhưng Washington gián tiếp muốn chúng tôi làm như vậy ". Cha Francois: "Tôi có dịp gặp một vài nghị sĩ Mỹ nhu nghị sĩ Morse". Ông Nhu “à” một tiếng lớn và ngắt lời: "Tôi biết ông Morse, hắn chỉ là tên cao bồi say khói súng và chỉ là tên dô kề, nhưng phe hắn ta khá mạnh". Ông Nhu hỏi cha Francois: "Cha thấy người Mỹ nhận định về chế độ này như thế nào?”. Cha Francois đáp: “Hầu hết nguời Mỹ đứng đắn đều muốn Việt Nam Cộng hòa không bị xáo trộn nhưng họ muốn một chế độ cởi mở". Ông Nhu gật đầu đáp: "Vâng họ đang lên án chúng tôi là độc tài cũng như trước đây họ đã lên án Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan và Lý Thừa Vãn… ở Hàn Quốc người Mỹ đã lầm lẫn giữa độc tài với sự bảo vệ uy quyền quốc gia tối thượng". Ông Nhu ngừng một lúc lại tiếp tục phân trần: "Thưa chẳng hạn họ bảo chúng tôi là độc tài vì cho rằng không có Tối cao Pháp viện nên Hành chính điều khiển Tư pháp. Họ cũng kết án chúng tôi là độc tài vì cho rằng Quốc hội chỉ có một viện và do đó Quốc hội không kiểm soát được Hành pháp”.Gặp ông Nhu, cha Francois càng tỏ ra thất vọng về tình hình đen tối tại miền Nam. Cuộc bất hoà Việt và Mỹ mỗi ngày càng thêm sâu xa và gần như không còn gì hàn gắn được. Cuộc tranh đấu Phật giáo mỗi ngày càng lan rộng, càng tăng cường độ. Cha Francois đi đến đâu cũng nghe thấy tin đồn đảo chính. Sau cuộc biểu tình lớn của Phật giáo ngày 17-7, ông Nhu đã đổi thái độ và quyết một là ăn thua…ông đang dự trù một kế hoạch lớn.Chiều thứ bảy ngày 22-7 Tổng thống Diệm lên Đà Lạt nghỉ cuối tuần. Theo sĩ quan tuỳ viên Lê Công Hoàn, trong 5 năm phục vụ bên cạnh ông Diệm, gần như không mấy khi Tổng thống Diệm đi nghỉ xả hơi cuối tuần. Nhưng sau cái chết của nhà văn Nhất Linh và những biến chuyển dồn dập của tình hình Tổng thống Diệm tuần nào cũng lên Đà Lạt đi săn, cưỡi ngựa. Trước khi đi Đà Lạt, Tổng thống Diệm gọi ông Bộ trưởng Thuần vào văn phòng chỉ thị: "ông và cụ Phó xem xét có điều chi chưa giải quyết thì giải quyết cho xong”. Khi Tổng thống Diệm lên máy bay đi Đà Lạt, Thiếu tướng Tôn Thất Đính vào thành Cộng hoà hội họp riêng với Trung tá Khôi, Tư lệnh lữ đoàn và Trung tá Chiêu Giám đốc Nha Thanh tra Dân vệ. Tướng Đính lúc ấy coi như người ruột thịt của chế độ và cột trụ của Quân uỷ Đảng Cần lao. Cuộc hội họp này nhằm mục đích đối phó với phe tranh đấu của Phật giáo, với một sự hoàn toàn tán đồng và thúc đẩy của vị Tư lệnh Quân đoàn III. Trung tá Chiêu xúi giục một cuộc biểu tình của thương phế binh và quả phụ vào lúc 8 giờ sáng ngày 23-7. Đại đức Đức Nghiệp đã được mật báo là có một, số thương phế binh kéo đến "ăn vạ" tại chùa Xá Lợi. Uỷ ban Liên phái cấp tốc bố trí đề phòng. Cũng chính vào giờ đó, sư bà Diệu Huệ, thân mẫu của Giáo sư Bửu Hội mở cuộc họp báo với sự hiện diện của sư bà Diệu Không (cả hai vị sư bà đều có con cháu trong hàng tướng tá và nhân vật lương đống của chế độ. Cuộc họp báo rất đông phóng viên nước ngoài. Dịp này, sư bà Diệu Huệ tuyên bố: “ Sẽ tự thiêu noi theo gương của Hoà thượng Quảng Đức, để phản đối chính sách kỳ thị và ngược đãi của chính quyền Ngô Đình Diệm”.Hơn 9 giờ, hơn 100 thương phế binh và quả phụ trương biểu ngữ kéo đến trước cổng chùa Xá Lợi, dùng loa phóng thanh đặt trên xe lam chõ vào chùa đọc lá thư được gọi là "Huyết lệ thư với nội dung kêu van các vị tu hành nên lo Phật sự kinh kệ và "đừng mắc mưu Cộng sản thông đồng với ngoại bang cõng rắn cắn gà nhà”. Lá thư trên được đọc đi đọc lại nhiều lần, trong chùa các nhà sư và Phật tử vẫn tiếp tục đọc kinh gõ mõ, thỉnh chuông. 1 giờ thì số thương phế binh bắt đầu náo động, gặp đại diện của Uỷ ban Liên phái để trao "Huyết lệ thư". Không được trả lời, họ đòi mở cổng chùa, sau đó tự động nhảy qua hàng rào vào bên trong tung truyền đơn. Vụ biểu tình của thương phế binh và quả phụ lại tạo cho Uỷ ban Liên phái có cơ hội để tạo tiếng vang chính trị. Đại đức Đức Nghiệp thảo văn thư lên án cuộc biểu tình này và cho rằng chính quyền không thành tín. Qua văn thư gửi Tổng thống Diệm, Uỷ ban Liên phái lại quy lỗi cho phía Tổng thống mà kỳ thực Tổng thống Diệm không hề hay biết gì cả.Khi Tổng thống Diệm trên phi cơ bước xuống thì Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần chạy lại báo cáo ngay vụ biểu tình của thương phế binh và quả phụ. Diệm mặt đỏ như gấc, đập chiếc ba tong xuống sân năm bảy lần và nói như quát: - Đứa nào làm như rứa? Ai biểu chúng nó làm như rứa? Bộ trưởng Thuần thưa lại: “Làm như thế này con không biết phải trả lời ra sao với Uỷ ban Liên phái ". Diệm nổi giận hầm hầm đi vào phòng khách, không nói một lời. Tại phi trường Diệm ra lệnh cho Bộ trưởng Thuần: "Cách chức nó ngay, bỏ tù”. Sự thực, lỗi không phải do Trung tá Chiêu. Cuộc biểu tình kể trên được sự đồng tình của Thiếu tướng Tư lệnh Vùng 3 nhưng cuối cùng Trung tá Chiêu lãnh đủ. Tổng thống quyết định cách chức Trung tá Chiêu và phạt 40 ngày trọng cấm. Hôm sau Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi Tư lệnh Lữ đoàn phòng vệ vào phòng Tổng thống hết lời năn nỉ xin Tổng thống khoan hồng cho Trung tá Chiêu. Ông Khôi trình bày đại ý: Đây chỉ là do sự quá hăng say phục vụ của Chiêu và ông Chiêu cũng là anh em trong nhà nên xin Tổng thống miễn cho Chiêu khỏi bị phạt quá nặng như vậy và cũng xin Tổng thống đừng cách chức Chiêu. Lúc đầu ông Diệm có vẻ xiêu lòng khòng sau đó giữ quyết định như cũ. Trước đó Thiếu tướng Đính cũng vào dinh xin cho Chiêu nhưng Tổng thống nhất định không tha thứ. Sự tranh đấu của Phật giáo vẫn âm ỉ kéo đài đến ngày 20-8 tức là ngày Cảnh sát Chiến đấu được lệnh bố ráp các chùa Sài Gòn và toàn miền. °°°Việc Tổng thống Ngô Đình Diệm cách chức Trung tá Chiêu tuy chứng tỏ sự thành tín của ông đối với Uỷ ban Liên phái, nhưng tạo nên tinh thần bất mãn trong tinh thần phục vụ của cấp thừa hành. Trong khi đó, Uỷ ban Liên phái vẫn không thừa nhận thành tín này và cho rằng, Diệm chỉ phạt Trung tá Chiêu một cách giả vờ và có cớ tuyên truyền rằng chính quyền vô tư và nghiêm trị thành phần vô kỷ luật. Ông Ngô Đình Nhu bất mãn và nói với cộng sự viên: "ông cụ làm như vậy thì từ nay trở đi còn đứa nào dám hăng hái. Chiêu nó có tội gì mà phạt nó như vậy". Vụ phạt và cách chức Trung tá Chiêu ông Nhu cho rằng: “ông cụ chỉ làm cho họ (Uỷ ban Liên phái) mỗi ngày càng thêm quá khích". Ngày 30-7, Uỷ ban Liên phái tổ chức lễ chung thất cố Hoà thượng Quảng Đức với hàng ngàn Phật tử tham dự. Điều đáng kể là trong số Phật tử lại có rất nhiều vợ con của các nhân vật cao cấp trong chính quyền. Số người này trở thành những người hoạt động đắc lực trong việc thông tin, tạo dư luận và tác động tinh thần chồng và cha họ. Trong buổi lễ này dĩ nhiên lại có thuyết pháp. Uỷ ban Liên phái đưa ra một bản tuyên ngôn mới xác định lập trường tranh đấu bất bạo động cho những mục tiêu thuần tuý tôn giáo. Bản tuyên ngôn viết: “Kể từ lúc phong trào Phật giáo đấu tranh cho năm nguyện vọng của Phật giáo Việt Nam cộng hoà phát khởi cho đến gần 3 tháng, vẫn truớc sau như một là hoàn toàn thuần tuý tôn giáo… " Trước đó Đại sứ Nolting tuyên bố với phái viên của hãng thông tấn UPI là "Ở Việt Nam không có vấn đề kỳ thị tôn giáo và ngược đãi Phật giáo đồ". Phản ứng lại, ngày 1-8 Hoà thượng Thích Tịnh Khiết gửi điện văn qua Tổng thống Kennedy với nội dung "Thay mặt toàn thể Phật giáo đồ miền Nam Việt Nam chúng tôi cực lực phản đối lời tuyên bố của Đại sứ Nolting qua hãng thông tấn UPI. Chúng tôi nghĩ rằng dân chúng Hoa Kỳ phải thấu rõ nỗi phẫn uất của Phật giáo đồ (chiếm đền tám mươi phần trăm dân số Nam Việt Nam). Lời tuyên bố của ông Nolting không phù hợp với sự thật thiện chí và sự hiểu biết của người Hoa Kỳ ". Kể từ cuối tháng 7 cơ quan an ninh phủ Tổng thống cũng như Cảnh sát đặc biệt đã nắm được kế hoạch tự thiêu trường kỳ của Phật giáo tranh đấu, nhưng ngoài tài thánh cũng không có cách gì ngăn cản nổi. Ngoài ra, cơ quan an ninh còn nắm được kế hoạch riêng của Mặt trận Giải phóng miền Nam nhằm lũng đoạn cuộc tranh đấu của Phật giáo đòi quyền tự do bình đẳng tôn giáo, độc lập dân tộc. Cuộc tranh đấu của Phật giáo lên như diều gặp gió và mỗi ngày càng tràn ngập bởi những " yếu tố ngoại tại". Ngày 4-8 tại Phan Thiết, trước dinh tỉnh trưởng Bình Thuận, Đại đức Thích Nguyên Hương nổi lửa tự thiêu vào đúng lúc tan sở. Đại đức Nguyên Hương mới 23 tuổi. Mấy giờ sau Tổng thống Diệm được báo cáo nội vụ. Ông bỏ ăn cơm chiều và 1 giờ đêm lại thơ thẩn xuống vườn đi tản bộ ngắm trăng sao. Đó là điểm thành công của Uỷ ban Liên phái, vì đã gây xúc động lớn ngay trong đầu não của chế độ. Hôm sau Uỷ ban Liên phái bảo vệ phật giáo lại phản đối chính quyền địa phương Bình Thuận vì đã cướp xác Đại đức Nguyên Hương. Bình Thuận là một trong mấy tỉnh miền Trung vốn bình lặng từ bao năm nay và đây cũng là nơi 30 năm về trước Tổng thống ngồi ghế Tri phủ Hoà Đa rồi Tuần phủ Bình Thuận nơi mà Tổng thống Diệm tự hào có nhiều Tổng lý trung thành với ông. Không khí tranh đấu ở Bình Thuận lại bốc bừng và dâng cao. Trọng tâm của Tỉnh giáo hội tại đây là nhằm vào việc Tỉnh trưởng, Trung tá Nguyễn Quốc Hoàng một giáo dân mà thân phụ ông (cụ án Mậu) vốn là bạn đồng liêu của Tổng thống Diệm có hành động kỳ thị tôn giáo. Một số trưởng ty vì tự ái. tôn giáo thay vì đứng về phía chính quyền theo vị trí của họ, thì họ lại âm thầm tham dự cuộc tranh đấu. Chính quyền địa phương phải hứng chịu trận đánh nội công ngoại kích. Nhưng không lấy được xác Đại đức Nguyên Hương thì cuộc tranh đấu đã trở nên vô hiệu. Mà chính quyền (nếu ai ở thế chính quyền cũng đều như vậy) phải có bổn phận đạt được sự vô hiệu hoá mọi cuộc tranh đấu của phe đối nghịch.