Chương Kết

Ngọc nói:
- Thật ra, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ có dịp gặp lại anh Bình thêm lần nào nữa, bởi chẳng có lý do gì để chúng tôi gặp nhau. Thỉnh thoảng tôi nhớ đến anh, một người đàn ông dáng dong dỏng cao có gương mặt buồn và tốt bụng, thế thôi..
Lê Trực nói:
- Nếu chỉ có vậy thì làm sao hai người có thể đi đến với nhau?
Ngọc nói:
- Có lẽ là do ông Trời sắp đặt. Vài tháng sau, tôi có đến phụ đám giỗ nhà người bạn. Và trong số khách đến dự tiệc hôm ấy có anh Bình. Kể từ lần gặp gỡ định mệnh ấy chúng tôi không rời nhau nữa.
Lê Trực nói:
- Cô nhận xét Hai Bình là người như thế nào?
- Ảnh là người đàn ông tốt. Tốt nhất mà tôi từng thấy. Ảnh không săn đón vồ vập như tay Thái, không thô bỉ cục súc như Thân, thậm chí có vẻ vụng về trong từng lời ăn tiếng nói. Ảnh là người đàn ông có bản lãnh, chân thật và sống thiên về nội tâm.
- Hai Bình có bao giờ kể cho cô nghe về gia đình cũng như quá khứ của anh ta?
- Đấy cũng chính là điều khiến tôi trăn trở khôn nguôi. Suốt mấy năm quen nhau ảnh chưa bao giờ kể cho tôi nghe về gia đình của mình. Dường như ảnh có điều gì cố giấu tôi.
- Tại sao lại như vậy? Cô có hiểu nguyên nhân không?
- Bị dang dở mấy lần tôi sợ lắm. Vì thế, khi quen ảnh tôi quyết định phải tìm hiểu thật kỹ về con người của ảnh. Và tôi cay đắng thú nhận chẳng hiểu gì cả. Nhìn vào tư cách cũng dễ dàng đoán ra anh Bình không thể là người xấu. Nhưng tại sao ảnh lại như thế, tôi không sao hiểu nổi.
°
Hai người ngồi bên nhau trên ghế đá công viên dưới gốc cây bằng lăng. Trăng sáng vằng vặc, cả thảm cỏ sóng sánh nước trăng. Hai Bình hút thuốc lá. Ngọc ngồi tí tách cắn hạt dưa.
- Anh Bình, hôm nào đưa em về quê anh một chuyến nhé.
Hai Bình ngả người lên thành ghế, mắt nhìn trời mông lung:
- Đã nói với em, anh là đứa trẻ mồ côi. Trẻ mồ côi thì làm sao có nhà.
- Nhưng phải có người nào đó nuôi nấng anh trưởng thành chứ? Cô chú, cậu dì chẳng hạn.
- Anh lớn lên trong trại trẻ mồ côi.
- Vậy anh chưa từng biết cha mẹ mình là ai?
Hai Bình khẽ gật đầu:
- Thậm chí anh còn không biết tên của họ nữa là. Từ khi biết nhận thức thế giới xung quanh, anh thấy mình đã ở trong cô nhi viện.
- Tội nghiệp anh quá. Ở trại cô nhi chắc là khổ lắm. Anh có thường bị đánh đòn không?
- Anh không nhớ. Chắc là có.
- Rời trại cô nhi, anh làm gì? Ở đâu?
- Em đừng hỏi nữa, anh chẳng thể trả lời những câu hỏi của em. Anh buồn ngủ rồi, ta về thôi.
- Em có cảm giác, dường như anh cố tình giấu em điều gì đó. Anh không thật lòng với em. Anh không tin em sao?
Hai Bình thở dài:
- Anh không muốn biến thành kẻ bị thương hại trong mắt mọi người. Chẳng lẽ quá khứ của anh quan trọng với em đến thế hay sao?
- Chứ còn không à! Yêu nhau nhất thiết cả hai phải hiểu rõ về nhau. Anh đã biết tất cả về em, vậy thì, tại sao em lại không có quyền tìm hiểu về anh. Những gì của anh cũng là của em. Chúng ta là của nhau. Hành động của anh khiến em cảm thấy bị tổn thương. Anh đã không tin em. Yêu nhau mà không tin nhau sao hả, anh.
Hai Bình nói:
- Tại sao em lại nói như vậy. Anh yêu em và tin tưởng nơi em. – Đoạn Hai Bình thở hắt ra một cái thật mạnh:- Làm sao anh có thể kể cho em nghe những điều mà anh còn đang loay hoay tìm kiếm?
- Anh nói em càng không hiểu. Tìm cái gì cơ chứ? Càng gần anh, em càng phát hiện anh có nhiều điểm rất lạ. Dường như anh đang mang nặng trong lòng nỗi niềm thầm kín không thể giãi bày cùng ai. Em là người yêu của anh, tại sao anh lại giấu? Yêu nhau là phải cùng nhau san sẻ niềm vui, nỗi buồn. Có tâm sự gì anh cứ nói hết ra, để hoài trong lòng mau già lắm..
Hai Bình nói gay gắt:
- Đừng dồn anh vào thế bí nữa có được không. Chẳng phải như thế này đã là tốt lắm rồi hay sao. Anh không thích phụ nữ thích xen vào chuyện người khác.
Ngọc vùng vằng đứng dậy:
- Anh với em mà là người khác à? Nói vậy mà nghe được à? Tại sao anh có thể thốt ra những lời này với em.
- Anh xin lỗi em. Anh..anh..
Ngọc khóc sụt sịt:
- Anh không cần phải giải thích nữa! Từ nay, em sẽ không bao giờ bận tâm đến những chuyện riêng tư của anh nữa.
Lê Trực nói:
- Và rốt cuộc cô không biết chút gì về quá khứ của Hai Bình?
- Đúng vậy, - Ngọc đáp:- tôi tôn trọng thế giới riêng tư của ảnh, vả lại, tôi còn có lòng tự trọng của mình.
- Theo tôi được biết, thỉnh thoảng Hai Bình có đi đâu đó. Anh ta đi những đâu, cô có biết?
Ngọc lắc đầu:
- Tôi không biết, thật sự là như vây. Ảnh chỉ nói có công việc riêng cần giải quyết, còn cụ thể việc riêng đó là gì, tôi không biết.
Lê Trực nói:
- Chị có bao giờ tìm hiểu điều này không?
- Thật sự tôi cũng lấy làm thắc mắc nhưng ảnh không đả đông gì đến, tôi chỉ biết im lặng. Tuy nhiên sau mỗi chuyến đi như vậy tôi thấy ảnh có vẻ thất vọng và buồn nhiều. Anh uống rượu nhiều hơn mọi ngày và thường ngồi im bất động như tượng cả buổi. Gương mặt lộ vẻ chán nản, tuyệt vọng khủng khiếp. Một lần tình cờ giặt áo của ảnh, tôi phát hiện một chiếc vé đi Quảng Trị.
- Đi Quảng Trị ư? Hai Bình đến đó làm gì nhỉ? – Lê Trực  lẩm bẩm.
- Đúng vậy, ảnh đi Quảng Trị. Tôi không biết ảnh có ai là người thân thích ở đó hay không. Trong câu chuyện hàng ngày tôi không nghe ảnh nhắc đến địa danh này bao giờ. Đây thật sự là điều khó hiểu.
Ngọc cầm ấm trà rót đầy cốc:
- Một lần ảnh trở về nhàu nát tả tơi. Cả cơ thể đỏ quạch từ chân tóc đến gót chân. Bộ đồ mặc trên người xả mấy nước vẫn còn đỏ. Chẳng hiểu là ảnh đã đi đến những đâu cứ như từ dưới lòng đất chui lên vậy.
- Hai Bình có đi cùng với ai không?
- Ảnh đi mỗi mình thôi.
- Ngoài cô ra, Hai Bình có quan hệ thân thiết với ai không?
Ngọc lắc đầu:
- Tôi không biết. Theo tôi đoán thì chẳng có ai thân thiết cả, chỉ toàn là bạn nhậu thôi. Nói chung là bạn nhậu thì không thể tin được. Ngoài ông Tư Bốn ra, tôi không biết bất kỳ ai.
Lê Trực nói:
- Xin lỗi tôi hơi tò mò, vì sao hai người lại chia tay? Theo tôi được hai người đã từng tính đến chuyện hôn nhân.
Ngọc gật đầu im lặng. Lê Trực nói:
- Lúc nảy cô nói sự mất tích của Hai Bình một phần là lỗi ở cô, cô có thể nói rõ hơn về điều này được không?
Ngọc tỏ vẻ lúng túng, mặt đỏ bừng:
- Anh có nhất thiết cần phải biết hay không? Đây là chuyện riêng của hai chúng tôi..
Lê Trực nói:
- Nếu cô cảm thấy không bất tiện có thể nói với tôi. Cô biết rồi đó, thông tin về Hai Bình quá ít ỏi rất khó cho việc tìm kiếm tung tích của anh ta..
- Vậy tôi sẽ nói. Chính ảnh là người chủ động chia tay với tôi. – Đoạn Ngọc xuống giọng nhỏ dần:- Ảnh bị chứng bất lực. Một vết thương gần chỗ kín khiến ảnh mất khả năng làm đàn ông. Thật tình chính ảnh cũng không ngờ mọi việc lại tồi tệ như thế. Chúng tôi cứ đinh ninh sẽ có kết quả tốt hơn.
Lê Trực tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Hai Bình đã nói với cô như thế à?
Ngọc khẽ gật đầu:
- Vâng, ảnh nói với tôi như vậy. Và tôi tin những gì ảnh nói. Hai Bình là người đàn ông chân thật.
Cả hai cùng im lặng. Hồi lâu Lê Trực nói:
- Hai Bình có bao giờ kể trước khi là thợ làm bánh anh ta đã từng làm việc gì,  ở  đâu không?
Ngọc suy nghĩ một lúc rồi gật đầu:
- Tôi có nghe loáng thoáng, ảnh đã từng làm nhân viên bảo vệ công ty sản xuất hàng mỹ nghệ.
Lê Trực thốt lên:
- Làm bảo vệ công ty sản xuất hàng mỹ nghệ à? Thế mà có người bảo tôi, Hai Bình từng làm thuê trên ghe chở trái cây?
Ngọc lắc đầu:
- Tôi không biết. Chưa bao giờ tôi nghe ảnh nói đến chuyện này. Tôi không tin mình nghe lầm.
- Cô có nhớ tên công ty đó không?
- Nhớ.
°
Ngồi đối diện với Lê Trực là người đàn ông có dáng người chắc đậm, đen đúa xấp xỉ năm mươi tuổi. Khách đưa tay thò vào túi áo lôi ra lá thư mời đưa cho Lê Trực. Lê Trực đón lấy đọc lướt qua:
- Anh là Phạm Văn Tăng?
- Dạ phải, mọi người gọi tôi là Tư Tăng. Tôi là chi hội  trưởng chi hội cựu chiến binh ấp..
Tư Tăng liên tục cựa mình trên ghế biểu lộ cử chỉ lo lắng, bồn chồn không yên:
- Tôi muốn biết mục đích cuộc gặp này. Trong thư mời chỉ ghi đại khái, tôi không hiểu là chuyện gì.
Lê Trực rót nước trà vào hai chiếc cốc rồi đẩy một cốc về phía Tư Tăng:
- Anh uống nước đi.
Tư Tăng lấy thuốc lá ra mời Lê Trực, anh nhón một điếu rồi châm lửa hút:
- Anh có biết Nguyễn Văn Bình, tức Hai Bình?
- Biết chớ, một tên vô lại. Một kẻ nát rượu. Tôi chưa từng thấy người nào uống rượu nhiều như hắn mà sống thọ cả.
- Anh có vẻ không thích Hai Bình?
Tư Tăng rít vài hơi thuốc lá:
- Tất nhiên rồi, làm sao tôi có thể ưa một người như hắn được chứ. Tôi tin, nếu có dịp tiếp xúc với hắn, anh cũng sẽ có cùng suy nghĩ như tôi thôi. Bề ngoài hắn giả vờ hiền lành là thế nhưng khi say rượu bản chất xấu xa của hắn mới phô bày ra hết. Tôi chưa từng gặp một người tồi tệ như hắn.
- Trước đây thỉnh thoảng anh có uống rượu với Hai Bình?
- Ờ, cũng có. Nhưng không phải tôi mời hắn, chẳng qua là ngẫu nhiên mà thôi. Tên nát rượu ấy hễ đánh hơi được là mò đến bất chấp cả sĩ diện.
Lê Trực nói:
- Trước khi xảy ra ấu đả ở quán Sáu Ngàn hai người đã từng xảy ra hiềm khích?
Tư Tăng  tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Chuyện đó mà anh cũng biết nữa à. Thật ra nói là ấu đả, tôi e, không chính xác, ấu đả là đánh lộn, đánh nhau túi bụi, còn trong trường hợp này chỉ có Hai Bình đánh tôi thôi. Tôi có đánh anh ta  đâu mà gọi là ấu đả. Còn trước đó chúng tôi không giao du qua lại với nhau thì làm sao có chuyện hiềm khích.
Lê Trực nói:
- Trở lại vụ xô xát. Theo tôi được biết nguyên nhân bắt đầu từ cuộc tranh luận vô thưởng vô phạt.
Tư Tăng nói:
- Đúng vậy. Hôm ấy Hai Bình đã quá say. Anh ta phát biểu lung tung cứ như là thằng khùng, dường như có quỷ nhập vào người anh ta thì phải. Lần đầu tiên tôi thấy Hai Bình bệ rạc như thế. Rõ ràng hắn ta chưa già mà đã sanh tật rồi!
- Hai người đã tranh cãi với nhau những gì?
- Về chiến tranh. Chúng tôi đang ôn lại những kỷ niệm chiến tranh thì Hai Bình bỗng xen vào và  mạt sát chúng tôi một cách thậm tệ. Anh ta dám vỗ ngực  bảo chiến tranh chỉ là trò đùa của những kẻ ấm đầu, những thằng dở hơi  xem chuyện chém giết là lẽ sống. Gương mặt của chiến tranh là gương mặt phi nhân tính. Anh ta thật là ấu trĩ. Tôi không hiểu trong đầu anh ta chứa những gì trong đấy nhưng nhất định không phải là bộ não. Đậu hũ chẳng hạn.
- Và, sau đó mọi chuyện diễn ra như thế nào?
- Hai Bình  cởi áo khoe những vết thương trên người ra và bảo rằng đã từng đánh đông dẹp bắc. Sau đó, hắn lao vào đánh tôi.
- Anh có nghĩ Hai Bình đã từng là người lính?
- Tôi không nghĩ như thế, mặc dù trên người Hai Bình có nhiều vết thương. Nhưng đâu phải cứ bị thương đều là lính. Trong cuộc chiến tàn khốc này có rất nhiễu dân lành chết và bị thương.
Suy nghĩ một lúc Tư Tăng nói:
- Hai Bình không thể là người lính. Bộ đội giải phóng không thể thốt lên những lời tiêu cực phỉ báng như thế. Rất có thể anh ta là một tên lính ngụy, biết đâu được.
Lê Trực nói:
- Và anh có hăm dọa sẽ giết Hai Bình?
Tư Tăng ngơ ngác:
- Tôi có nói câu đó à? Thật sự tôi không nhớ những gì mình đã nói. Lúc đó, tôi giận quá. No mất ngon, giận mất khôn  mà lại..
Tư Tăng bỗng nhìn trừng trừng về phía Lê Trực:
- Anh không nghi tôi có liên quan đến sự mất tích của Hai Bình đó chứ?
- Xin anh hãy trả lời câu hỏi của tôi, hôm Hai Bình mất tích, anh ở đâu, làm gì?
Tư Tăng ngồi im lặng. Lê Trực cầm một thanh gỗ tròn dài khoảng một sải tay đặt lên bàn:
- Anh có nhận ra vật này không?
Tư Tăng biến sắc mồ hôi chảy ròng ròng xuống cổ áo:
- Tôi..tôi..
Lê Trực nghiêm mặt, nói:
- Tôi thu được khúc gỗ này tại nơi Hai Bình bị đánh. Trên thân gỗ còn lưu lại dấu vân tay của anh. Anh còn gì để nói nữa không?
Tư Tăng gật đầu thú nhận:
- Đúng là tôi có đánh Hai Bình, bởi vì hắn đã làm nhục tôi trước đám đông. Nhưng tôi hoàn toàn không dính dáng gì  đến chuyện mất tích của Hai Bình. Anh hãy tin tôi!
°
- Anh muốn tìm hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Nguyễn Văn Bình? – Bác sỹ trưởng khoa gắn đôi mục kỉnh để trên bàn  lên mũi.
- Đúng thế, - Lê Trực nói.
- Anh chờ tôi một chút. – Đoạn ông bác sỹ bước lại chiếc tủ đựng hồ sơ rút ra cuốn sổ bìa cứng, bên trong có lưu hồ sơ bệnh án của Hai Bình:- Đây, anh xem đi. Thật ra cũng chẳng có gì đáng xem cả.
Lê Trực đón lấy tập hồ sơ, đọc lướt qua  rồi đặt nó xuống bàn.
Bác sỹ nói:
- Tối hôm ấy phòng cấp cứu chúng tôi có tiếp nhận một ca chấn thương ở đầu. Bệnh nhân còn tỉnh táo tuy nhiên máu ở phía sau gáy chảy ra nhiều. Chúng tôi bèn làm công tác sơ cứu rồi tiến hành chụp X. quang. Kết quả chụp phim cho thấy nạn nhân không bị tổn thương ở não, tuy nhiên phải cần theo dõi tình trạng xấu có thể xảy ra. Nói chung đối với  những vết thương ở đầu bao giờ cũng phải hết sức  cẩn thận. Có những ca chấn thương bề ngoài thấy không có gì nguy hiểm nhưng thật ra đang tiềm tàng hiểm họa bên trong. Bệnh nhân kêu đau không ngủ được, tôi bảo y tá tiêm cho anh ta một liều thuốc giảm đau. Gần sáng, bệnh nhân bỗng ôm đầu kêu la dữ dội. Chúng tôi vội đưa anh ta trở lại phòng cấp cứu tiếp tục theo dõi. Một lúc sau cơn đau lắng xuống.
Lê Trực nói:
- Tại sao lại xảy ra như thế? Phải chăng bệnh đã chuyển hướng xấu đi?
Bác sỹ lắc đầu, nói:
- Không phải như vậy. Kết quả xét nghiệm chẳng có gì là nghiêm trọng cả. Hôm sau, anh ta xin xuất viện. Chúng tôi muốn giữ anh ta ở lại thêm một vài ngày để tiếp tục theo dõi nhưng anh ta không chịu, bảo có rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi làm thủ tục cho Nguyễn Văn Bình ra viện và có hẹn ngày đến tái khám.
- Hai Bình có đến tái khám không?
Bác sỹ gật đầu:
- Có. Sức khỏe bệnh nhân rất tốt chẳng có gì đáng phải lo lắng. Tuy nhiên lần tái khám sau bệnh nhân không đến.
Lê Trực nói làu bàu:
- Bởi vì Hai Bình đã mất tích.
°
Hai giờ chiều, Lê Trực có mặt tại công ty chế biến hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Giám đốc công ty đang bận họp, anh phải ngồi chờ trong phòng khách. Cuộc họp kéo dài hơn ba mươi phút mới kết thúc.
- Xin lỗi vì đã để anh phải chờ lâu, - giám đốc Triệu chìa tay ra bắt, đoạn gọi nhân viên mang bình trà mới vào.
Hai người đàn ông nói chuyện xã giao vài câu, Lê Trực bắt đầu vào nội dung chính câu chuyện:
- Hai Bình đã từng làm việc ở đây?
- Bình nào nhỉ? À, Nguyễn Văn Bình đó hả. Đúng vậy, Hai Bình đã từng làm nhân viên bảo vệ tại công ty chúng tôi.
- Anh ta đã làm việc ở đây trong thời gian bao lâu?
Giám đốc Triệu uống một ngụm nước:
- Khoảng ba tháng.
- Sau đó thì sao? Anh ta tự ý nghĩ việc hay…
- Hai Bình tự ý bỏ việc. Tôi không hiểu tại sao nữa. Bởi anh ta có vẻ yêu thích công việc của mình.
Giám đốc Triệu hút thuốc:
- Hai Bình nghỉ việc tôi cũng lấy làm tiếc. Thật tình, tôi muốn đền đáp ơn cứu mạng. Nhưng dù sao, muốn đi hay ở cũng là lựa chọn của anh ta, tôi không thể ép buộc được.
Lê Trực nói:
- Ông nói đến ơn cứu mạng là như thế nào? Hai Bình đã từng cứu sống ông?
Giám đốc Triệu gật đầu:
- Đúng vậy, cha mẹ tôi cho tôi sự sống lần thứ nhất, Hai Bình cho tôi sự sống lần thứ hai. Nếu không có anh ta, tôi đã làm mồi cho cá từ lâu rồi, làm sao có cơ hội ngồi đây nói chuyện với anh.
Lê Trực nói:
- Ông có thể nói rõ hơn được không?
Giám đốc Triệu khẽ gật đầu:
- Tất nhiên là được. Hai Bình đã cứu tôi trong một tai nạn đắm đò. Chiếc đò đang đi qua sông giữa chừng bị sóng dữ nhấn chìm. Hai Bình đã cứu được cả thảy sáu người, trong đó có tôi.
Lê Trực nói:
- Tôi hiểu rồi. Và để đền đáp ơn cứu mạng, ông đã nhận Hai Bình vào làm việc tại công ty?
- Đúng vậy. Thật ra ban đầu Hai Bình không đồng ý. Anh ta bảo mình không có nghề ngỗng gì và ngại sẽ trở thành gánh nặng cho tôi. Dù sao Hai Bình cũng có lòng tự trọng. Những người như vậy ngày nay không có nhiều. Và tôi thuyết phục mãi Hai Bình mới chịu làm chân bảo vệ. Thật ra lúc ấy công ty của tôi cũng đang khuyết một chân bảo vệ. Cậu Trí lấy vợ và dọn lên thành phố, tôi cũng đang tìm người thay..
Lê Trực nói:
- Hai Bình hay rượu chè. Ông có nhận ra điều này không?
- Có, nhưng Hai Bình chỉ uống sau giờ làm việc. Biết Hai Bình không có chỗ ở, tôi bảo cậu ta ở tạm trong phòng bảo vệ. Căn phòng nhỏ nhưng đủ cho một người. Thỉnh thoảng tôi có ghé chơi và uống với Hai Bình vài ly. Tửu lượng của anh ta chẳng kém gì Võ Tòng, một trong một trăm lẻ tám anh hùng Lương Sơn Bạc. Anh đã đọc Thủy Hử của Thi Nại Am chưa?
Lê Trực gật đầu. Giám đốc Triệu nói tiếp:
- Hai Bình làm việc rất chăm chỉ và có trách nhiệm cao. Tôi rất tin tưởng vào năng lực của cậu ấy. Không hiểu sao cậu ta bỗng dưng nghỉ việc nửa chừng.
Lê Trực nói:
- Trước đó có xảy ra chuyện gì giữa Hai Bình với người trong công ty không? Ông có thấy sự ra đi của Hai Bình là khá bất ngờ?
- Không phải chỉ mỗi mình tôi mà tất cả những người làm việc trong công ty đều bất ngờ vì chuyện này. Còn trước đó quan hệ giữa Hai Bình và mọi người trong công ty rất tốt. Tất cả đều yêu quý Hai Bình. Sau này tôi mới biết Hai Bình xin vào làm tại lò bánh mỳ Ba Phát.
- Từ sau khi nghỉ việc ông có gặp Hai Bình lần nào nữa không?
- Có, vài lần. Chúng tôi cùng uống cà phê và tán gẫu.
- Ông có hỏi lý do vì sao Hai Bình rời khỏi công ty không?
- Có, Hai Bình bảo đơn giản là muốn thay đổi công việc.  Lý lẽ này xem ra không thuyết phục. Công việc ở lò bánh rất vất vả mà lương không được bao nhiêu. Trong khi đó làm tại công ty thu nhập ổn định lại có bảo hiểm y tế và chế độ nghỉ phép hàng năm. Tôi có đề nghị Hai Bình quay lại với công việc nhưng cậu ta lắc đầu từ chối.
Lê Trực nói:
- Ông cố nhớ lại xem. Tôi đinh ninh đã có chuyện gì đó xảy ra Hai Bình mới rời công ty như vậy.
- Đã bảo là không – giám đốc Triệu nói:- Không có chuyện gì cả. Buổi tối hôm đó, tôi đến chỗ ở của Hai Bình. Lúc ấy Hai Bình đang uống rượu..
- Cậu định uống rượu trừ cơm à? – giám đốc Triệu nói.
Hai Bình rót chung rượu đưa cho ông Triệu:
- Anh uống với tôi vài ly. Buồn quá mượn rượu giải sầu thôi.
- Cậu có việc gì mà buồn? Chà rượu ngon đấy. Dù sao cũng nên điều độ lạm dụng quá có hại cho sức khỏe.
- Anh yên trí đi, tôi biết dừng lại đúng lúc. Anh đến đây chơi hay là có việc gì khác?
Giám đốc Triệu nói:
- Có đấy, chuyện vặt thôi mà. Cậu viết cho tôi bản sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương nhé.
Vừa nghe xong, Hai Bình đang ly rượu lên miệng liền đặt trở xuống:
- Có cần phải làm như vậy không?
Giám đốc Triệu gật đầu:
- Đấy chẳng qua là thủ tục mà thôi. Tất cả những người làm việc tại công ty đều phải có lý lịch và đơn xin việc. Cậu chỉ cần bỏ ra một buổi là xong thôi mà. Tuần này cậu tranh thủ làm để nộp cho tôi nhé.
- Tôi uống với Hai Bình vài chung, nói chuyện tào lao một lúc rồi về. Sáng hôm sau, không thấy cậu ta đâu nữa, cứ như là cậu ấy bốc hơi vào không khí vậy. Tôi không hiểu tại sao Hai Bình bỏ ra đi mà không một lời giải thích.
Lê Trực nói:
- Trước khi vào làm việc tại công ty, ông có biết Hai Bình đã từng ở đâu, làm gì không?
- Một lần, tôi nghe cậu ta bảo làm việc trên ghe chở trái cây..
Lê Trực nói:
- Ông có biết chủ ghe tên gì, ở đâu không?
Giám đốc Triệu suy nghĩ một lúc, nói:
- Tôi nghe loáng thoáng chủ ghe tên Tám Sách. Vợ chồng Tám Sách chuyên thu mua trái cây ở các tỉnh miền Tây chở về thành phố bỏ lại cho các vựa trái cây ở các chợ đầu mối. Đấy là do Hai Bình tình cờ vuột miệng nói ra chứ tôi không có hỏi. Vả lại, Hai Bình hầu như không bao giờ kể về mình.
°
Suốt một tuần tìm kiếm, cuối cùng Lê Trực cũng tìm được ghe vợ chồng Tám Sách đang neo đậu ở Bến Đỗ. Ông Tám Sách khoảng ngoài bảy mươi tuổi, dáng vẻ hãy còn săn chắc khỏe mạnh. Ông mặc mỗi chiếc quần cộc đang hò hét chỉ huy đám lính khuân vác từng giỏ cần xé trái cây lên ghe.
- Nhanh lên tụi bây! Trễ con nước không kịp giao hàng đúng hẹn, bạn hàng sẽ lóc thịt tao như Na Tra đó, biết chưa.
Lê Trực tay cắp cặp dò dẫm bước lên chiếc cầu ván cong oằn. Nước lớn. Ghe thuyền ra vào bến tấp nập.
- Chào bác, - Lê Trực nói:- Đang chuyển trái cây lên ghe để chở lên thành phố hả, bác?
Tám Sách khẽ gật đầu, đoạn đưa mắt nhìn Lê Trực như dò hỏi:
- Chú tìm tôi à?
Lê Trực gật đầu, nói:
- Dạ, tìm bác. Bác  là bác Tám Sách?
- Tám Sách là tôi. Chú tìm tôi có việc gì không?
Câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi Lê Trực phải liên tục nép người sang một bên nhường đường cho những người phu khuân vác trái cây lên ghe.
Ông Tám Sách xoa hai tay vào nhau, nói:
- Công việc cũng tạm ổn rồi. Mời chú vào trong nói chuyện. Đứng ngoài này bất tiện quá.
Lê Trực theo chân Tám Sách vào trong bên trong ghe. Bên trong hơi tối. Tám Sách kéo chiếc cửa sổ để cho ánh nắng rọi vào.
- Chú ngồi xuống đây. Uống rượu hay uống trà?
Lê Trực bảo uống trà. Tám Sách lấy ra chai nửa lít và ấm trà còn nóng.
- Tôi chỉ quen uống thứ “ nước mắt quê hương “ này. Trên ghe bao giờ cũng có sẵn trà nóng. Vợ tôi  thích uống trà Bảo Lộc.
Tám Sách lấy bọc thuốc rê vấn một điếu. Một chiếc ca nô chạy qua, sóng vỗ tràn bờ, chiếc ghe lắc lư theo từng nhịp sóng.
- Chắc chú đến đây không phải để mua trái cây?
- Dạ, - Lê Trực đáp:- Tôi đến đây để hỏi một số thông tin có liên quan đến Hai Bình? Chắc bác còn nhớ Hai Bình chứ?
Mắt ông Tám Sách bỗng sáng lên:
- Hai Bình à! Nhớ chứ. Ai tôi có thể quên chứ Hai Bình làm sao quên được. Đấy là một chàng trai siêng năng, dễ mến. Tôi đã từng thuê mướn nhiều người nhưng không có ai chăm chỉ và thật thà như Hai Bình cả.
Ông Tám Sách nhấp một ngụm rượu rồi nheo mắt nhìn khách:
- Nhưng, có lẽ chú đã tìm nhầm chỗ rồi bởi vì  Hai Bình đâu còn làm với chúng tôi nữa. Chú ấy đã bỏ đi từ lâu rồi.
Lê trực gật đầu:
- Dạ, tôi biết. Tôi đến đây để tìm hiểu một số thông tin về Hai Bình. Bác có biết tin Hai Bình đột nhiên mất tích..
Ông Tám Sách giật mình:
-  Ồ, có chuyện đó nữa sao? Làm sao chú ấy có thể mất tích được nhỉ. Chuyện là như thế nào?
Lê Trực kể tóm tắt câu chuyện. Nghe xong, Tám Sách khẽ thở dài:
- Tội nghiệp chú ấy. Liệu Hai Bình có gặp nguy hiểm gì không?
Lê Trực lắc đầu:
- Tôi không biết. Hy vọng mọi việc không quá tồi tệ.
Tám Sách nhấp một ngụm rượu:
- Vợ chồng tôi thương yêu Hai Bình như người trong nhà. Lâu rồi không gặp vợ  chồng tôi cứ nhắc hoài, không ngờ hôm nay lại xảy ra chuyện như vậy. Vợ tôi đi xuống chợ, nếu hay tin này chắc bả lo lắm.
Lê Trực uống một ngụm trà:
- Hai Bình làm việc với bác trong thời gian bao lâu?
Ông Tám Sách đưa đốt ngón tay ra tính nhẩm:
- Cũng khá lâu à, hơn bảy năm đấy. Hai Bình tỏ ra thạo việc và rất chăm chỉ. Hai vợ chồng tôi đã bàn với nhau sẽ nhận Hai Bình làm con nuôi. Chưa kịp nói gì thì Hai Bình bỗng dưng biến mất.
Lê Trực ngạc nhiên:
- Bác có biết tại sao không?
- Không, tôi hoàn toàn chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Vợ tôi cũng hết sức bất ngờ về điều này. Hai chúng tôi cứ nghĩ hoài không biết đã làm điều gì khiến Hai Bình phật ý mà bỏ đi.
Ông Tám Sách rót thêm chung rượu:
- Mang tiếng là người làm thuê nhưng vợ chồng tôi đối đãi Hai Bình như người trong nhà. Có món ngon vật lạ đều dành cho chú ấy. Bản thân Hai Bình cũng rất quý mến vợ chồng tôi. Vợ tôi thầm mong có một đứa con gái để gã cho Hai Bình nữa là..
Lê Trực nói:
- Khi đi Hai Bình có mang theo thứ gì không?
- Chỉ mang theo tư trang của mình thôi, còn lại, thì không đụng đến bất kỳ thứ gì. Hai Bình là người đàng hoàng ngay thẳng, chẳng bao giờ Hai Bình lấy của ai thứ gì. Và cũng vì đức tính này mà chúng tôi muốn nhận Hai Bình làm con.
- Hai Bình có biết ý định của vợ chồng chú không?
- Không, chúng tôi giữ kín chuyện này và định hôm nào có dịp thuận tiện mới nói.
- Hai Bình có bao giờ kể chuyện gia đình mình cho chú nghe không?
- Tôi chỉ biết Hai Bình là đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Trước khi về ở với chúng tôi, Hai Bình sống cùng cha con ông Sáu Đê.
- Sáu Đê là ai?
- Sáu Đê là người sống bằng nghề đăng cá ở xóm Chài.
- Chú có biết tại sao Hai Bình không sống cùng cha con ông Sáu Đê nữa không?
- Nghe đâu, giữa Hai Bình với Sáu Đê có chuyện hục hặc nên Hai Bình mới bỏ đi, còn hục hặc như thế nào, tôi không biết..
- Bác  có quen biết với  ông Sáu Đê?
Tám Sách gật đầu:
- Biết chớ. Tôi thường mua cá của Sáu Đê. Và có nhậu với nhau vài lần.
Lê Trực nói:
- Sáu Đê là người như thế nào?
- Tốt bụng. Ăn to nói lớn. Tính tình hào hiệp, phóng khoáng và vô lo.
- Bác có nhớ chính xác ngày Hai Bình rời khỏi ghe không?
Tám Sách gật đầu, nói:
- Nhớ chớ, đám giỗ hai đứa con tôi hôm trước thì hôm sau Hai Bình bỏ đi, vì thế, tôi nhớ rất rõ. Đó là ngày hai mươi sáu, tháng tám âm lịch.
Lê Trực thốt lên ngạc nhiên:
- Đám giỗ hai đứa con của bác cùng một lúc à?
Gương mặt Tám Sách bỗng tối sầm lại:
- Phải, các con của tôi đã chết một cách oan ức vì bom đạn chiến tranh. Đúng vậy, thủ phạm là do chiến tranh gây ra..
°
Nhang đã tàn. Hai Bình phụ vợ chồng  Tám Sách bưng thức ăn đặt xuống sàn ghe. Mâm cỗ được bày ra, ba người ngồi vây quanh. Bà Tám Sách đang múc thức ăn cho mọi người. Ông Tám rót rượu ra hai cái chung hạt mít, đoạn ngẩng mặt lên và nói với Hai Bình:
- Hôm nay là ngày giỗ của con Hạnh với thằng Phúc. Khi sinh con ra ta đặt tên chúng là Hạnh Phúc, với ước mơ cháy bỏng mọi người được sống trong thanh bình, cơm no áo ấm. Vậy mà …-  Giọng ông Tám Sách rè đi vì xúc động:- Chúng nó lại chết vì chiến tranh! Thế đấy, Hạnh phúc  đã chết vì chiến tranh!
Ông Tám Sách tợp một ngụm rượu và ngồi thừ một lúc lâu. Gương mặt lộ vẻ đau đớn cùng cực:
- Trẻ thơ làm gì nên tội mà phải chết thảm như vậy. Tôi sẵn sàng chết thay để cho chúng được sống. Kiếp người sinh ra trong chiến tranh đã phải chịu cảnh khổ sở cùng cực vậy mà nào có được yên thân mà sống, hiểm họa luôn rình rập đe dọa sẽ cướp đi sự sống bất kỳ lúc nào.
Bà Tám Sách cũng khóc theo. Hai Bình cũng xúc động không kém. Ông Tám dùng tay gạt nước mắt và tiếp tục kể lể:
- Tụi nó chết thật thê thảm. Hai xác người gom chỉ được một nhúm thịt vụn chôn chung một quan tài..
Bà Tám Sách bỗng khóc ngất lên:
- Ông đừng nhắc lại thảm cảnh đau lòng đó nữa. Mỗi lần nhớ đến là tôi chỉ muốn chết theo chúng mà thôi.
Hôm ấy, vợ chồng Tám Sách ra ruộng, hai đứa con ở nhà. Một quả đạn pháo rót trúng ngôi nhà bay tuốt luốt. Hai đứa trẻ chỉ còn là những mẫu thịt vụn vương vãi khắp nơi. Thậm chí người ta phải trèo lên cành cây mà nhặt xuống. Sau vụ thương tâm đó, vợ chồng Tám Sách rời bỏ đất liền, xuống sông lênh đênh kiếp thương hồ.
Hai Bình ngồi im lặng hồi lâu:
- Hai người con của chú chết vì bom đạn của bên nào vậy?
Ông Tám Sách lắc đầu:
- Chẳng biết bên nào. Mấy ông cộng sản đổ tội cho mấy ông cộng hòa. Còn mấy ông cộng hòa thì đổ tội cho mấy ông cộng sản. Chẳng biết tin ai. Rốt cuộc chỉ có dân đen là lãnh đủ.
Kể từ lúc đó Hai Bình không nói thêm lời nào nữa và uống rượu liên tục.
°
Lê Trực nói:
- Trước khi đi Hai Bình có báo cho mọi người biết không?
Ông Tám Sách gật đầu:
- Có, hôm ấy vừa ăn điểm tâm xong, Hai Bình ăn mặc khá tươm tất tìm đến vợ chồng tôi. Tôi  nheo mắt nhìn Hai Bình nói giỡn:- Bộ sửa soạn đi hỏi vợ hay sao mà ăn mặc bảnh bao vậy, Hai Bình?
Hai Bình im lặng hồi lâu. Cử chỉ lúng túng:
- Tôi đến để chào chú thím. Tôi…
Cả hai vợ chồng tôi  cùng giật mình. Vợ tôi nói:
- Thằng Hai mày có chuyện gì buồn chú thím phải không?
Hai Bình lắc đầu:
- Không, chú thím đối xử rất tốt với tôi. Tôi đã đi làm nhiều nơi nhưng không chỗ nào tốt như ở đây. Tôi thật sự mang ơn chú thím nhiều lắm..
Tôi nóng nãy, nói:
- Vậy thì tại sao thằng Hai mày bỗng dưng đùng đùng đòi đi là nghĩa làm sao? Giải thích làm sao tao nghe thuận cái lỗ tai thì thôi.
Hai Bình nói:
- Tôi..tôi muốn thay đổi công việc.
Vợ tôi  nói:
- Chỗ làm tốt như vầy sao lại muốn thay đổi. Rõ ràng thằng Hai có chuyện gì giấu vợ chồng già này phải không?
Hai Bình nuốt nước bọt:
- Không có chuyện gì cả. Tôi muốn làm việc trên bờ. Ở mãi trên ghe tù túng quá.
- Chẳng có gì tù túng cả. Xong việc mọi người vẫn lên bờ đấy thôi. Lý do này không thuyết phục. – vợ tôi nói.
- Tôi đã chán cảnh sông nước rồi. Tôi muốn thay đổi điều kiện làm việc..
Vợ tôi  nói:
- Trên bờ coi vậy mà không dễ sống đâu. Vả lại thằng Hai mày không có ai là họ hàng thân thích, không một nơi nương tựa thì biết bấu víu vào đâu. Suy nghĩ lại đi Hai.
- Tôi đã quyết định rồi..
Tôi  lừ mắt nhìn vợ, nói lẩy:
- Giữ người ở lại chớ không giữ người đi. Thằng Hai đã quyết định rồi  tôi với bà cố giữ cũng không được. Bà ngồi đây nói chuyện với nó, tôi đi có việc đây.
Đoạn tôi hằm hằm bước xuống chiếc xuống tam bản, cầm giầm chèo đi một mạch chẳng thèm ngoáy đầu nhìn lại. Tôi chèo đến mỏi tay thì quay trở về, lúc này Hai Bình đã đi rồi.
Lê Trực nói:
- Sau khi lên bờ, Hai Bình có ghé thăm bác lần nào không?
Ông Tám nói:
- Có, Hai Bình có ghé thăm vài lần. Lần nào tôi với Hai Bình cũng uống vài chung rượu. Tôi hỏi  cuộc sống trên bờ như thế nào, Hai Bình gật đầu bảo cũng tàm tạm. Tôi dặn khi nào chán sống trên bờ thì xuống dưới ghe, lúc nào vợ chồng tôi cũng sẵn sáng đón Hai Bình trở lại.
Lê Trực xen vào:
- Và Hai Bình đã không quay trở lại?
Ông Tám Sách gật đầu:
- Đúng vậy. Đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Không ngờ, bây giờ lại nghe tin Hai Bình mất tích. Nhiều năm đã trôi qua, tôi cứ nghĩ mãi không hiểu tại sao Hai Bình lại rời bỏ chúng tôi.
°
Xóm Chài là khu dân cư chừng vài chục hộ nằm nép mình bên dòng sông xanh uốn khúc. Lê Trực hỏi thăm người đàn ông đang ngồi câu cá dưới bóng cây râm mát:
- Chú ơi, làm ơn chỉ đường đến nhà ông Sáu Đê.
- Sáu Đê ba cô Lành phải không?  Anh cứ đi thẳng đến cuối xóm thì rẽ phải. Nhà Sáu Đê là căn đầu tiên bên tay trái.
Lê Trực cám ơn người đàn ông rồi đi theo sự hướng dẫn. Cửa nhà đóng kín, Lê Trực đưa tay gõ nhẹ lên cánh cửa. Từ bên trong có tiếng dép lẹt xẹt vọng ra. Một bé trai chừng mười hai, mười ba tuổi với chiếc đầu húi cua đưa cặp mắt hiếu kỳ nhìn khách:
- Chú tìm ai vậy?
Lê Trực không trả lời câu hỏi của thằng bé mà hỏi lại:
- Đây có phải là nhà ông Sáu Đê không cháu?
Thằng bé khẽ gật đầu, nói:
- Phải, nhưng ông ngoại cháu đi vắng rồi. Cả mẹ cháu cũng thế. Chú chịu khó đứng chờ bên ngoài. Ngoại cháu dặn không tiếp người lạ khi không có người lớn ở nhà.
Nói xong, thằng bé xoay người bước vào bên trong. Lê Trực lấy thuốc lá ra hút. Hút gần xong điếu thuốc thì thấy một người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi từ xa bước đến, trên tay cầm chiếc giỏ đựng trái cây trĩu nặng:
- Vinh ơi, mẹ về rồi đây!
Thằng bé lúc nãy  chạy ra đón lấy giỏ trái cây từ tay người phụ nữ. Đoạn đưa mắt nhìn về phía Lê Trực:
- Chú này tìm ông ngoại.
Người phụ nữ khẽ gật đầu chào khách rồi cất giọng vừa đủ nghe:
- Ba tôi ra thị xã có chút việc chắc cũng sắp về rồi. Mời anh vào nhà.
Bên trong bày trí sơ sài, ngăn nắp. Chính giữa nhà có kê chiếc bàn hình chữ nhật và vài chiếc ghế tựa. Lê Trực thấy trên bàn thờ có đặt bức ảnh người đàn ông quá cố khoảng ngoài ba mươi tuổi.
- Mời anh dùng nước. Tôi tên Lành. Còn anh là..?
- Tôi tên Trực, cán bộ phòng cảnh sát hình sự tỉnh.
Lành tỏ vẻ lo lắng:
- Công an à? Anh tìm ba tôi có việc gì?
Lê Trực nói:
- Tôi muốn gặp ba cô để hỏi thăm một số việc. Cô đừng lo lắng.
Gương mặt Lành giãn ra. Vinh từ phía sau đi, tay bưng dĩa quýt đặt lên bàn thờ, rồi day mặt về phía Lành:
- Mẹ đốt nhang cho ba đi.
Lành đốt mấy nén nhang cắm vào bát hương rồi quay trở lại chỗ ngồi.
Lê Trực uống một ngụm nước:
- Chồng chị bị bệnh gì mà chết trẻ như vậy?
Lành  thở dài buồn bả:
- Ảnh không chết vì bệnh tật mà chết vì bom đạn. Con trai tôi phải mồ côi cha khi vừa biết đi chập chững.
- Như vậy chồng chị mất đã gần mươi năm rồi nhỉ?
Lành gật đầu:
- Hơn mười năm rồi anh ạ. Ảnh cuốc phải mìn trong chiến tranh còn sót lại. Mấy người làm bên cạnh chỉ bị thương nhẹ, còn ảnh thì chết tan xác!
Những từ cuối bị biến dạng và rè đi. Lê Trực hút thuốc lá. Vinh tay cầm diều bước nhanh ra cửa:
- Con đi thả diều nhé. – đoạn Vinh hướng cái nhìn về phía Lê Trực:- Chào chú.
Lê Trực nhìn theo thằng bé, nói:
- Cháu học đến lớp mấy rồi, chị?
Lành đáp:
- Nó đang học lớp bảy. Sang năm lên lớp tám. Suốt bảy năm liền nó đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tất cả hy vọng tôi đều đặt vào nó. Tôi nhất quyết không để nó khổ cực như ba mẹ của nó.
Lê Trực đưa tay xem giờ tỏ vẻ sốt ruột. Lành nói:
- Không hiểu sao ba tôi hôm nay lại về muộn như thế. Mọi khi vào giờ này ba đã có mặt ở nhà.
Lành bảo ba cô bị bệnh chứng  thấp khớp kinh niên. Hàng tuần phải ra thị xã lấy thuốc:
- Anh muốn hỏi ba tôi những chuyện gì vậy? Biết đâu tôi có thể trả lời giúp anh.
Lê Trực nói:
- Tôi muốn hỏi thăm một số thông tin về Hai Bình. Chắc cô biết Hai Bình chứ?
Lành giật mình thốt lên ngạc nhiên:
- Anh Hai Bình à? Đã gần mười lăm năm rồi chúng tôi đâu còn liên lạc với nhau nữa.
Lê Trực gật đầu:
- Tôi muốn tìm hiểu trong khoảng thời gian Hai Bình sống tại nhà cô.
Lành lo lắng, nói:
- Những chuyện này không cần đợi đến ba tôi, tôi có thể trả lời cho anh được. Nhưng tôi không hiểu anh tìm hiểu về anh Hai Bình nhằm mục đích gì? Chuyện gì đã xảy đến với ảnh?
Lê Trực kể vắn tắt chuyện Hai Bình bị mất tích. Lành đưa tay đặt lên ngực cố kiềm chế cảm xúc:
- Trời ơi, tại sao lại như thế? Tại sao vận rủi luôn bám theo ảnh? Ảnh là người đàn ông tốt nhưng luôn gặp nhiều bất hạnh. Tại sao ông trời luôn đối xử bất công với ảnh như vậy?
Đợi cho cơn xúc động lắng xuống, Lê Trực nói:
- Hai Bình ở nhà cô trong thời gian bao lâu?
Lành suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Gần một năm, chính xác là mười một tháng, hai mươi mốt ngày.
Lê Trực nói:
- Trong thời gian ấy Hai Bình làm những công việc gì?
- Ảnh theo ba tôi  đi đăng cá. Nếu không đi bắt cá thì ảnh đi làm thuê làm mướn kiếm sống.
- Cụ thể là những công việc gì?
- Việc gì ảnh cũng làm; cuốc mướn, khuân vác, làm phụ hồ, làm mộc…Anh Bình có thể làm nhiều việc nhưng không thạo nghề nào. Ảnh tỏ ra rất khéo tay. Chiếc bàn này là do ảnh đóng đấy.
Lê Trực nhìn chiếc bàn, nói:
- Đóng rất khéo chẳng thua gì thợ mộc lành nghề. Những chiếc ghế này cũng do Hai Bình đóng à?
- Vâng, cũng một tay ảnh làm ra cả đấy. Ảnh vẽ cũng rất đẹp. Tôi  còn giữ mấy bức ký họa của ảnh để làm kỷ niệm, tiếc là, sau lần làm nhà mấy bức tranh đó bị thất lạc. Vì chuyện này mà tôi mất ngủ mấy đêm liền.
- Dường như cô có cảm tình đặc biệt với Hai Bình?
Lành im lặng không trả lời. Gương mặt thoáng buồn:
- Anh đã xác định được nguyên nhân mất tích của anh Hai Bình chưa?
Lê Trực lắc đầu:
- Kết quả thật đáng thất vọng, đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả gì cả.
Lành tỏ vẻ băn khoăn:
- Ảnh đi đâu được chứ? Người tốt bụng hiền lành như ảnh lại cũng có kẻ thù sao? Hay là ảnh bị một tại nạn nào đó?
Lê Trực nói:
- Lúc đầu chúng tôi nghĩ Hai Bình bị chết đuối nhưng không phải. Chúng tôi đã tìm kiếm suốt mấy hôm liền nhưng không tìm thấy xác Hai Bình. Hy vọng anh ấy còn sống.
Lành nói:
- Cầu trời khẩn Phật cho ảnh tai qua nạn khỏi. Cả đời anh ấy chỉ gặp toàn những bất hạnh..
Lê Trực nói:
- Hai Bình sống với gia đình cô trong một thời gian dài, chắc cô hiểu rõ về Hai Bình?
Lành lắc đầu. Lê Trực tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Chẳng lẽ cô không biết chút gì về Hai Bình à? Trong thời gian sống tại nhà cô, Hai Bình không nói gì về bản thân của mình hay sao? Chẳng lẽ mọi người dám chứa người lạ trong nhà mà không biết gì về bản thân của anh ta?
Lành cũng ngạc nhiên không kém:
- Ô hay, anh không biết anh Hai Bình bị mất trí nhớ hoàn toàn à? Anh ấy không nhớ gì về quá khứ của mình cả. Ảnh không biết mình là ai, tên gì, từ đâu đến. Cái tên Hai Bình là do tôi đặt cho ảnh đấy...
°
Bữa ăn tối được dọn ra trên chiếc chõng tre. Sáu Đê rót rượu ra cái chung bằng sứ rồi đưa cho Hai Bình:
- Ly rượu này uống mừng chú mày đã trở thành thành viên chính thức trong ngôi nhà này.
Hai Bình đón ly rượu từ tay Sáu Đê, nói bằng giọng xúc động:
- Tôi mắc nợ chú Sáu và em Lành nhiều quá kiếp này không mong gì trả hết. Tôi xin uống cạn ly này cám ơn mọi người đã cứu sống và cưu mang tôi.
Đoạn Hai Bình ngửa cổ uống cạn. Sáu Đê gắp cái cánh gà cho vào chén Hai Bình rồi uống cạn ly xoay tua:
- Ở với qua không được ăn ngon mặc đẹp nhưng không bao giờ đói cả. Sản vật dưới sông nhiều vô kể chỉ cần siêng năng một chút là có cái ăn. Chú mày có thích theo qua đi đăng cá không?
Hai Bình ngơ ngác:
- Đăng cá là gì ạ?
Sáu Đê bật cười sang sảng:
- Chú mày kém thật. Có chuyện đăng cá mà cũng không biết. Đăng là dùng lưới chặn ngang một khúc sông đợi nước ròng bắt cá. Hiểu chưa, chú mày?
Hai Bình lắc đầu bảo vẫn chưa hiểu lắm. Sáu Đê nhăn mặt nói:
- Chú mày tối dạ quá. Thôi, cứ theo qua đi đăng vài lần là hiểu thôi mà. Gắp thức ăn đi chứ. Sao chú mày ngồi im như phỗng vậy?
Lành xen vào:
- Ba cứ gọi ảnh là “ chú mày “ hoài, nghe kỳ lắm. Sao mình không đặt cho ảnh một cái tên?
Sáu Đê đưa tay vỗ đùi,  reo lên:
- Có chuyện đó mà qua cũng không nghĩ ra. Nhà có số, phố có tên huống chi là con người. Chú mày thích tên gì nói cho qua nghe thử xem có lọt cái lỗ tai không.
Hai Bình suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
- Chịu. Tôi chẳng biết chọn tên gì cả. Chú Sáu đặt giùm tôi đi.
Sáu Đê suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Tên Đạt được không? Đạt là thành đạt, phát đạt đó. Qua thấy cái tên này nghe cũng hay đấy.
Hai Bình ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
- Chú nghĩ cái tên khác đi. Cái tên nghe có vẻ phô phang quá tôi không thích. bản thân tôi còn không biết mình là ai nói chi đến thành đạt phát tài.
Sáu Đê nghĩ thêm vài cái tên nữa nhưng lần nào Hai Bình cũng không chịu. Tức mình Sáu Đê nói lớn:
- Tên gì mày cũng không chịu. Vậy qua gọi mày là “ chú mày “ vậy.
Lành đưa mắt nhìn Hai Bình:
-  Gọi anh là Bình, Hai Bình được không? Em thấy tên Bình có nhiều ý nghĩa.
Sáu Đê ngẫm nghĩ một lúc rồi reo lên có vẻ khoái chí:
- Con nhỏ này coi vậy mà giỏi. Bình có nghĩa là bình an, trung bình, hòa bình. Tên này hoàn toàn hợp tình hợp cảnh với số phận của chú mày. Chú mày mà không chịu thì qua hết cách.
Hai Bình khẽ gật đầu:
- Được rồi. Tôi chọn tên này. Tên Bình có vẻ giản dị, khiêm tốn, không kiểu cách như những tên khác.
Lành nói:
- Vậy từ nay em gọi anh là anh Hai Bình. Anh gọi em là Út Lành nghen?
Sáu Đê thay cái chung nhỏ bằng cái ly sây chừng:
- Vậy chúng ta hãy cùng nâng cốc chúc mừng chú mày  có tên mới. Cạn một trăm phần trăm nghen.
Cả hai cùng ngửa cổ uống cạn. Sáu Đê đánh khà một cái rồi cầm cái chân gà nhai ngấu nghiến:
- Chú mày cứ ở đây với qua, qua ăn cái gì thì chú mày ăn cái ấy. Khi nào trí nhớ phục hồi thì tìm đường về quê cũng không muộn.
Hai Bình buông chén, thở dài:
- Không biết đến khi nào tôi mới có thể nhớ lại được. Người thân chắc đang nóng lòng chờ tôi. Tôi cảm thấy mình có lỗi với mọi người. Buồn quá chú Sáu à.
Sáu Đê an ủi Hai Bình:
- Chú mày cũng không nên đau buồn thái quá. Dù sao chúng ta vẫn còn may mắn hơn bao nhiêu người khác. Rất nhiều người đã ngả xuống trong  cuộc chiến tranh này, trong số đó có vợ của qua..
Sáu Đê uống liền ba chung rượu rồi im lặng và thở dài.
Hai Bình nói:
- Vợ của chú chết trong hoàn cảnh nào vậy?
- Bả chết vì bị đạn lạc không kịp nói một lời trăn trối.
Không khí bữa cơm bỗng chùn xuống. Sáu Đê uống rượu như người sắp chết khát:
- Vợ chồng qua chung sống với nhau rất hạnh phúc. Bà ấy luôn sống nhẫn nhục và hết lòng vì chồng con. Ngược lại qua cũng rất yêu thương và cư xử bình đẳng với vợ chứ không có cái kiểu “ chồng chúa, vợ tôi “ như nhiều gia đình khác. Bà ấy chết, qua như muốn điên. Nếu không có Út Lành chắc qua cũng chẳng thiết sống làm gì..
Sáu Đê rươm rướm  nước mắt:
- Chiến tranh đến gõ cửa từng nhà và cướp đi những người yêu thương nhất. Còn đúng hai tháng là ngày giỗ của bả. Nhiều lúc qua cứ băn khoăn tự hỏi, tại sao ông trời để những kẻ vô tích sự như qua sống dai như đỉa, còn những người nhân hậu tốt bụng như bà ấy lại chết thảm. Công bằng ở đâu!
Út Lành sụt sùi:
- Đừng nhắc lại chuyện cũ nữa, ba à. Con khóc đây nè.
Sáu Đê thở ra một cái thật mạnh như muốn trút bỏ những suy tư trĩu nặng trong lòng:
- Thôi không nói đến chuyện chiến tranh chết chóc nữa. Uống đi!
Đoạn Sáu Đê rót rượu ra cốc rồi day mặt về phía Hai Bình:
- Bác sỹ nói bệnh tình của chú mày như thế nào? Có hy vọng gì không?
Hai Bình tỏ vẻ chán nản:
- Không hy vọng gì, chú Sáu à. Bác sỹ bảo, tình trạng mất trí nhớ có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí không có khả năng phục hồi. Không có bất hạnh nào lớn hơn, khi ta đang sống mà không biết mình là ai.
Sáu Đê thở dài:
- Chim có tổ, người có tông. Qua thấy cám cảnh cho chú mày quá. Thôi, đừng buồn nữa. Ở hiền gặp lành, chú mày hãy cố sống tốt rồi ông trời sẽ để ý đến mình.
Đoạn Sáu Đê nheo mắt nhìn Hai Bình hồi lâu:
- Nghe giọng nói cũng dễ dàng đoán ra, chú mày không phải là người ở vùng này. Như vậy chú mày chỉ có thể là người lính. Còn lính bên nào thì qua chịu, không thể đoán được.
Suy nghĩ một lúc Sáu Đê nói:
- Qua có quen anh bạn tên Ba Vạn  đang là huyện đội trưởng. Để qua đưa chú mày đến gặp ông ấy. Biết đâu Ba Vạn có thể giúp được gì. Thứ Hai tuần sau chúng  ta sẽ lên huyện đội nhé. Còn nước còn tát, Hai Bình à.
Hai Bình khẽ gật đầu. Út Lành đưa mắt nhìn Hai Bình rồi quay sang nhìn Sáu Đê:
- Ba đoán thử xem, anh Bình khoảng bao nhiêu tuổi?
Sáu Đê nhìn Hai Bình hồi lâu, nói:
- Chắc cũng gần ba mươi. Cỡ hai bảy, hai tám gì đó.
Út Lành lắc đầu, nói:
- Con đoán, ảnh khoảng ngoài hai mươi  tuổi thôi. Tại da ảnh đen nên trông già như vậy. Ba để ý thử coi, những lúc cười trông ảnh trẻ lắm.
- Cho dù trẻ như thế nào cũng phải gần ba mươi rồi. Ba tin vào trực giác của mình.  Đàn ông ở độ tuổi này thường đã có gia đình.
Kể từ lúc ấy, Hai Bình chẳng nói gì mà uống hết ly này đến ly khác. Cạn hết chai rượu, Sáu Đê đã say chếnh choáng nằm lăn ra ngủ. Út Lành thu dọn chén bát đem đi rửa. Hai Bình ngồi im trên chiếc chõng tre, bóng đổ liu xiu lên vách.
Nửa đêm, Út Lành giật mình tỉnh giấc thấy Hai Bình vẫn ngồi im bất động:
- Chưa ngủ hả, anh Hai?
Hai Bình lắc đầu, nói:
- Anh không thấy buồn ngủ.
Út Lành bắc ghế ngồi xuống bên cạnh:
- Anh có tâm sự buồn phải không?
Hai Bình làm thinh không trả lời. Út Lành nói:
- Em biết anh buồn về chuyện cái tên, đúng không? Thôi mà, đừng buồn nữa, anh Hai. Khi nào trí nhớ được hồi phục thì anh lại trở về với tên thật của mình. Hai Bình chỉ là cái tên tạm thời để tiện xưng hô thôi.
Hai Bình thở dài:
- Anh thật vô dụng, thậm chí cái tên cha mẹ đặt  còn không nhớ nổi. – Giọng Hai Bình chua chát:- Anh là một người từ đất nẻ chui lên.
- Anh đừng tự xỉ vả mình như vậy. Chuyện này ngoài ý muốn của anh. Em tin, sớm muộn gì anh cũng nhớ ra thôi.
- Em đừng an ủi anh. Anh thật sự thấy tuyệt vọng. Con người sống cũng cần quá khứ. Và quá khứ với anh hoàn toàn xa lạ. Đã bao lần anh băn khoăn tự hỏi; anh là ai? Từ đâu đến? Cha mẹ anh là những người như thế nào? Anh đã có gia đình chưa? Và nếu có vợ, thì vợ anh tên gì? Con anh tên gì? Trai hay gái?..Biết bao câu hỏi cứ ám ảnh tâm trí anh. Nó khiến anh mất ngủ..
- Em cũng đã từng bị chứng mất ngủ khi mẹ em mất. Tình trạng ấy kéo dài trong nhiều tháng. Sau này, ba em phải chuyển nhà em mới ngủ lại trước. – Út Lành thở dài:- Ngôi nhà cũ có quá nhiều kỷ niệm.
Im lặng một lúc Út Lành nói:
- Kỳ quá ha, anh Hai,  em bị mất ngủ vì bị ám ảnh bởi quá khứ, còn anh mất ngủ vì bị đánh rơi quá khứ.
°
Lê Trực nói:
- Rồi cha cô có đưa Hai Bình đi gặp Ba Vạn không?
Út Lành gật đầu:
- Có. Nhưng chú Ba Vạn hoàn toàn không biết anh Bình là ai. Du kích địa phương thì không phải rồi. Còn lính chủ lực thì chú Ba chỉ biết vài sỹ quan chỉ huy thôi. Sau đó, chú Ba Vạn có giới thiệu ảnh đến vài đơn vị bộ đội đã từng tham gia trận đánh giải phóng thị xã…
- Và kết quả như thế nào?
- Rất đáng thất vọng – Út Lành nói:- Chẳng ai biết ảnh là ai cả. Sau đó, ảnh tìm đến sở thương binh – xã hội hỏi thăm về những trường hợp mất tích trong chiến tranh. Và, rốt cuộc cũng hoài công vô ích. Vì chuyện này mà ảnh mấy đêm liền không ngủ được.
Lê Trực nói:
- Tại sao mọi người không nghĩ Hai Bình là lính chế độ cũ?
- Có chứ. Ảnh đã từng nghĩ đến điều này. Và mọi nỗ lực của ảnh đều tuyệt vọng. Tuy nhiên có một lần tưởng chừng ảnh đã tìm được chính mình…
°
Bảy giờ tối. Sau khi ăn bữa tối xong, Hai Bình và Sáu Đê ngồi nói chuyện trên chiếc chõng tre. Chủ đề câu chuyện xoay quanh việc bắt cá. Trong lúc Sáu Đê đang hào hứng kể về kỷ niệm một lần đi đánh cá hô bỗng có mấy người từ ngoài xộc vào. Sáu Đê nhận ra Bảy Thập, trưởng công an xã, Năm Nhiều, công an ấp và một người đàn ông lạ mặc độ bộ đội có dáng vẻ khắc khổ. Thấy công an đến, nghĩ họ có việc muốn trao đổi với Sáu Đê, Hai Bình vội đứng dậy định bước ra ngoài thì Bảy Thập nắm tay kéo lại:
- Chúng tôi có chuyện muốn nói với anh.
Hai Bình ngồi xuống, ngơ ngác nhìn mọi người. Người đàn ông mặc đồ bộ đội bỗng nhìn xoáy vào mắt Hai Bình nói rành rọt từng tiếng:
- Anh định trốn tránh đến bao giờ nữa, Lê Thái Tài?
- Anh nói ai vậy? – Hai Bình thốt lên:- Tôi ư?
Bảy Thập nói:
- Chẳng nói với anh thì nói với ai? Chúng tôi có đủ bằng chứng chứng minh anh là Lê Thái Tài, trung úy thủy quân lục chiến, thuộc tiểu đoàn..
Hai Bình “ ồ “ lên một tiếng tỏ vẻ mừng rỡ:
- Thật sự là tôi không biết mình là ai cả. Tôi bị thương ở đầu và hoàn toàn mất trí nhớ. Lê Thái Tài là tôi? Vậy tôi đã từng làm những việc gì?
Người đàn ông mặc quân phục nói:
- Đừng đóng kịch nữa Lê Thái Tài! Anh đã gây ra rất nhiều tội ác với cách mạng và nhân dân. Chính quyền cách mạng đã mở lượng khoan hồng đưa các sỹ quan chế độ cũ tập trung học tập cãi tạo để trở thành con người tốt, anh không những không chấp hành mà còn cố tình thay tên đổi họ lẩn trốn không chịu ra trình diện. Anh thật sự là phần tử ngoan cố. Anh còn gì để nói nữa không?
- Thật sự là tôi hoàn toàn bị mất trí nhớ. Nếu thật sự tôi đã gây ra tội ác thì tôi xin sẵn sàng chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ lẩn trốn ai cả, bởi tôi không nhớ gì. Các anh có thể hỏi những người xung quanh và bệnh viện, nơi tôi điều trị.
Người đàn ông mở xắc cốt lấy ra tập hồ sơ mỏng:
- Chúng tôi sẽ xác minh những gì anh nói. Nếu anh đã quên thì tôi xin nhắc lại cho anh nhớ; anh tên Lê Thái Tài, sinh năm 1950, tại Sài Gòn, đã từng học trường sỹ quan Đà Lạt chế độ cũ. Bản thân đã có vợ và một đứa con gái…
- Tôi đã có con rồi à. – Hai Bình thốt lên mừng rỡ:- Cám ơn các anh nhiều lắm. Nhờ các anh mà tôi tìm thấy mình.
°
Lê Trực nói:
- Như vậy Hai Bình chính là Lê Thái Tài?
Út Lành lắc đầu:
- Nếu như vậy đã là may cho ảnh. Ảnh bị bắt đi đúng một tháng thì bỗng nhiên quay trở về. Lúc đầu mọi người cứ lo là ảnh trốn nhưng sau khi chuyện trò cặn kẽ mọi người mới vỡ lẽ, chỉ là chuyện  người giống người. Tay trung úy thủy quân lục chiến tổ chức vượt biên bị bắt, từ đó cơ quan công an mới lần ra chân tướng của gã. Tất nhiên, sau đó anh Bình được thả kèm theo vài lời xin lỗi. Trông ảnh tuyệt vọng đến dường nào. Ảnh cứ đinh ninh đã tìm được chính mình.
Lê Trực thắc mắc:
- Tại sao Hai Bình lại rời khỏi nhà cô? Chuyện gì đã xảy ra?
Út Lành thở dài:
- Chúng tôi yêu nhau. Và ba tôi không chấp nhận cho chúng tôi đến với nhau.
Lê Trực thốt lên ngạc nhiên:
- Theo như lời cô kể, Hai Bình là người đàn ông tốt, vậy tại sao ba cô không chấp nhận Hai Bình?
Út Lành cất giọng buồn buồn:
- Thật ra, ba tôi cũng rất dễ tính. Ông sẵn sàng gả con mình cho bất kỳ người đàn ông nào cho dù người đó xuất thân là trẻ mồ côi, hay một kẻ bơ vơ không nơi nương tựa. Gia đình tôi cũng đâu danh giá gì mà kén cá chọn canh.  Ba tôi không chấp nhận Hai Bình bởi ông không biết anh Bình đã có gia đình hay chưa. Giả sử ảnh đã có vợ con đàng hoàng, giả sử lúc nào đó ảnh bỗng dưng nhớ lại, rất có thể ảnh sẽ bỏ rơi tôi mà trở về với những người thân yêu của mình.
- Thì ra là như vậy. – Lê Trực nói:- Và sau đó, ba cô đã đuổi Hai Bình ra khỏi nhà?
- Vâng. Ba tôi bảo chừng nào Hai Bình chứng minh được mình chưa có vợ thì ông mới gả con gái cho. Và, ông ra kỳ hạn trong vòng một năm. Một năm sau Hai Bình không trở lại, tôi đi lấy chồng. Chồng tôi vốn là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến với anh ấy vì bổn phận chứ hoàn toàn không có tình yêu. Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được Hai Bình. – giọng Út Lành buồn bã:- Chúng tôi có duyên mà không có nợ.
- Kể từ sau lần đó, Hai Bình không một lần quay trở lại?
Út Lành nói:
- Vâng, ảnh đã không quay trở lại. Nhưng, có lẽ như vậy sẽ tốt hơn. Tôi đã có chồng gặp nhau chi cho bẽ bàng duyên phận. Tôi cứ đinh ninh ảnh đã có vợ, không ngờ ảnh vẫn sống một mình. Tội nghiệp ảnh quá!
- Nói chuyện với cô tôi đã hiểu ra nhiều vấn đề. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Hai Bình lại từ chối tình yêu của cô Ngọc. Hai Bình đã không thể vượt qua được số phận của mình.
Sáu Đê về tới. Đấy là một ông lão ốm yếu, già khọm vì tuổi tác và bệnh tật, tuy nhiên cử chỉ và  ánh mắt vẫn còn khá linh hoạt:
- Hai Bình à? Đã lâu lắm rồi chúng tôi không gặp nhau. Hai Bình có khỏe không? Anh ta đã lập gia đình rồi nhỉ?
Lê Trực kể vắn tắt câu chuyện. Nghe xong, Sáu Đê ngồi thừ một lúc lâu:
- Hai Bình là người đàn ông tốt. Lẽ ra chúng tôi đã cùng sống vui vẻ dưới một mái nhà. Qua cũng không ngờ chứng bệnh mất trí nhớ của cậu ấy đến giờ vẫn chưa khỏi.
Lê Trực nói:
- Nguyên nhân nào đã khiến Hai Bình tìm đến bác? Phải chăng trước đó giữa hai người đã có mối ràng buộc nào đó?
Sáu Đê lắc đầu, nói:
- Chẳng có sự ràng buộc nào cả. Tôi là người đã đưa Hai Bình đến bệnh viện tỉnh. Và sau khi xuất viện anh ta tìm đến tôi trước là để cám ơn, sau là để hỏi một số việc liên quan đến bản thân anh ta. Tiếc rằng, tôi không thể giúp gì được anh ta cả.
Lê Trực nói:
- Bác đã cứu Hai Bình trong trường hợp nào?
Sáu Đê, mắt mơ màng đắm chìm theo dòng hồi ức xa xăm:
- Chuyện là như thế này...Một ngày cuối tháng tư năm 1975 đã xảy ra một trận đánh lớn giữa quân đội Sài Gòn và quân giải phóng. Trận đánh kéo dài suốt đêm đến tận mười giờ sáng hôm sau. Lính tráng hai bên chết nhiều vô kể. Sau khi im tiếng súng, qua tìm thấy Hai Bình nằm bất động bên cạnh lô cốt khắp người máu me bê bết. Sau khi biết chắc chắn Hai Bình còn sống qua vội đưa anh ta  đến bệnh viện. Hai Bình bị thương ở vùng đầu rất nặng.
Lê Trực ngạc nhiên, nói:
- Nhưng bác phải biết Hai Bình là người thuộc bên nào chứ? Quân phục trên người, vũ khí Hai Bình đang sử dụng sẽ nói lên tất cả.
Sáu Đê lắc đầu, nói:
- Hai Bình chỉ mặc trên người mỗi chiếc quần cộc. Qua không hiểu tại sao như vậy. Còn vũ khí, qua không nhìn thấy, có lẽ, bộ đội đã lấy đi  rồi.
Im lặng một lúc Sáu Đê nói:
- Trong thời gian Hai Bình nằm viện qua có đến thăm vài lần. Do không biết tên của bệnh nhân nên các nhân viên y tế gọi Hai Bình là bệnh nhân giường số 2. Bệnh nhân giường số 2 vào tiêm thuốc. Bệnh nhân giường số 2 đi làm xét nghiệm. Bệnh nhân giường số 2…Mỗi lần nghe mọi người gọi Hai Bình bằng cái tên kỳ lạ đó qua không nhịn được cười.
°
Thượng tá Trần Đàm, trưởng phòng cảnh sát hình sự tỉnh  hướng cái nhìn về phía Lê Trực:
- Việc điều tra về sự mất tích của Nguyễn Văn Bình đã có kết quả gì chưa?
Lê Trực lắc đầu, nói:
- Vẫn chưa có kết quả gì, thủ trưởng ạ. Nguyễn Văn Bình không phải là tên thật của anh ta.
Trần Đàm thốt lên ngạc nhiên:
- Không phải tên của anh ta vậy là tên của ai? Tôi không hiểu gì cả.
Lê Trực nói:
- Tên Nguyễn Văn Bình, mọi người thường gọi là Hai Bình là do mọi người đặt cho để tiện xưng hô.  Còn tên thật của Hai Bình không ai biết. Hai Bình bị thương ở vùng đầu vào những ngày cuối cùng của chiến tranh. Vết thương này đã khiến Hai Bình hoàn toàn mất trí nhớ.
- Thì ra là như vậy. Và đồng chí chưa xác minh được nhân thân của Hai Bình à?
- Chưa, thủ trưởng ạ  - Lê Trực nói:- Nhân thân của Hai Bình hiện thời vẫn còn là một ẩn số. Điều này chỉ có thể được giải đáp sau khi ta tìm được Hai Bình mà thôi.
- Hai Bình hoàn toàn mất trí nhớ thì làm sao có thể biết mình là ai?
Lê Trực nói:
- Sau khi xâu chuỗi các sự kiện ta đã có kết luận: Hai Bình đã hồi phục trí nhớ sau chấn thương do Tư Tăng dùng gậy vụt vào đầu. Tôi đã gặp bác sỹ chuyên khoa để tham khảo vấn đề này.
- Bác sỹ nói như thế nào?
- Bác sỹ kết luận ; rất có thể một  chấn động ở vùng đầu đã đánh thức ý thức từ lâu đã ngủ quên. Hai Bình đã nhớ lại tất cả.
- Vậy tại sao Hai Bình bỗng nhiên bị mất tích. Phải chăng anh ta đã về với gia đình của mình?
Lê Trực nói:
- Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó. Tuy nhiên, những chứng cứ thu thập được lại phản bác lại suy luận này. Tạm thời chúng ta chỉ có thể kết luận, Hai Bình đã mất tích không rõ nguyên nhân.
Trần Đàm suy nghĩ một lúc rôi quyết định:
- Trước mắt ta tạm thời khép lại hồ sơ vụ mất tích bí ẩn của  Nguyễn Văn Bình. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Vừa xảy ra một vụ thanh toán đẫm máu tại khách sạn Hoàng Hôn, đồng chí khẩn trương đến đó nhé.
- Rõ!

HẾT