Chiều nay. Đã thấy hai cuộc gọi nhỡ của ba. Đã hai năm. Không gặp ba. Mỗi khi nghĩ về ba. Là lộn xộn. Mỗi khi muốn nói về ba. Là ấp úng. Không đầu không cuối. Hai năm. Không gặp ba. Chỉ sợ. Về. Hai ba con. Nhìn nhau lạ lẫm.
Đường đi đón Hugo. 800 m. 400 m đường bậc thang. 400 m loằng ngoằng giữa khu nhà cổ. Leo lên. Chầm chập. Lúc hụt hơi. Lúc nén thở. Để bước những bậc cao hơn. Nhanh hơn. Phân chim bết dính một bên. Loang lổ. Tuần 4 ngày. Giờ đón khác nhau. 800 m. Leo thang là cực nhất. Tuần 4 ngày. 2 ngày ung dung đi đủng đỉnh. 2 ngày vội vã. Hết cours học sát giờ đi làm cứ thế đâm đầu lao đi cho kịp giờ đón. Chỉ sợ thằng bé 10 tuổi. Đứng bên ngoài bơ vơ. Có hôm. Thầy cho ra muộn. Trễ giờ tramway. Trễ giờ metro. Trễ giờ bus. Chạy leo cầu thang. Có lẽ quên thở. Hay có lẽ cơ thể đã có một phản ứng gì đó không rõ. Leo đến nơi là ho ra máu. Lúc ấy. Cũng chẳng thấy có gì trầm trọng. Chỉ nghĩ xem làm thế nào đi nốt 400m còn lại cho kịp. 2 ngày ung dung đủng đỉnh. Ipod chạy đúng playlist Jazz-Soul. Vừa đi. Như một người mê ngủ. Vừa. Có vẻ rất lạnh nhạt. Nhìn ngắm thành phố từ phía trên cao. Con đường trước giờ tan trường. Mùa thu. Mùa đông. Mùa xuân. Vắng hoe. Ảm đạm. Nhưng dễ chịu. Bình yên. Đi không bao giờ thấy nản. Thỉnh thoảng viển vông. Cứ ngờ ngợ. Nhỡ đâu. Hôm nay. Ở phía góc quẹo kia. Ở phía cuối đường. Là Dương. Đang đứng đợi. Có lẽ vì thế. Đi không bao giờ thấy nản.
Hôm qua. Đón Hugo. Chạy hớt hải. Trễ 2 phút tramway là trễ hẳn 10 phút chờ chuyến sau. Ba gọi điện. Không tiện nhấc máy. Dập. Vẫn đang chạy. Chuông reo lần 2. Đang chạy. Chuông reo lần 3. Đang chạy. Chuông reo lần 4. Hugo đã tranh mất điện thoại để chơi trò điện tử. Nhất định không cho nhấc máy. Đưa thằng bé về nhà xong. Không hiểu sao. Quên. Cũng có thể. Cố tình quên. Lúc ấy. Nhớ ba vô cùng. Nửa đêm. Nghe hộp thư thoại. Tiếng ba vẫn nghèn nghẹn. Mấy câu hỏi thăm. Mấy câu lo lắng. Mấy câu vu vơ vô chủ đề. Ấn nút replay không biết bao nhiêu lần. Làm sao đếm được bao nhiêu lần. Chỉ đến khi máy báo sắp hết pin. Mới thấy mình. Đang trong một tư thế vừa bất tiện vừa dại dột. Hai chân xoắn vào nhau. Người gập lại. Kẹt giữa cánh cửa tủ và cái bàn học trong căn phòng 7m2 khiêm tốn. Sáng sớm hôm nay. Việc đầu tiên. Gọi cho hộp thư thoại tự động. Nhấn số 2. Xoá tin nhắn. Lúc ấy. Nhớ ba vô cùng.
Bé trai Hugo 10 tuổi. Có khuôn mặt của một thiên thần. Hugo thông minh. Nhảy cách 2 lớp. Đáng nhẽ học lớp 4. Thì đã chễm chệ ngồi trong trường cấp 2. Cùng lũ con trai choai choai 12 tuổi tập tọng giấu giếm hút thuốc. Cùng lũ con gái dậy thì 12 tuổi điệu đà bắt đầu ăn mặc không khác các nàng nữ minh tinh là mấy. Hugo vì thế hay chơi một mình. Không nhiều bạn. Đôi lúc có cảm giác. Hugo đúng là một cậu bé 10 tuổi. Đôi lúc. Lại thấy Hugo già dặn hơn hẳn những cô cậu 12 tuổi cùng lớp. Công việc đón Hugo sau giờ tan học. Đã 6 tháng. Nhẹ bẫng. So với chuyện làm bồi bàn trong quán Á, hay làm người dọn dẹp. Cũng thú vị. Nói chuyện với tụi con nít. Bao giờ cũng thú vị. Liền 6 tháng, cảm giác Hugo như một người bạn. Chân thành nhất. Cởi mở nhất. Cả 6 tháng, trên đường đưa Hugo về nhà. Suốt 6 tháng, vẫn còn thưa thớt những ánh nhìn lạ lẫm, cười cợt của tụi học sinh. Khi thấy một chị người Á mắt xếch, bé xíu lững thững xách cặp đi cùng thằng bé đeo kính dày cộp. Lần đầu tiên đón Hugo. Cảm thấy bối rối. Tụi học sinh tan trường tíu tít. Bị nhìn như vật thể lạ. Lũ bạn cùng lớp Hugo thắc mắc. Xì xầm đằng sau lưng hai chị em. Rồi phỏng đoán. Rồi hét tướng “Le bébé marié!” – “ Anh chồng tí hon”. Cười lớn và ném cho Hugo nhiều ánh nhìn giễu cợt. Bỗng nhiên Hugo nắm chặt tay. “Chị đừng nghĩ gì cả, chị còn đón em cả năm học này đấy!” Lúc ấy. Thương thương thằng bé. Vừa bật cười. Biết đâu hồi xưa. Khi còn nhỏ như thế. Cũng đã từng làm nhiều trò quái ác. 6 tháng. Tụi học sinh đã chán hét tướng “Le bébé marié”. Chỉ thỉnh thoảng. Nếu chạm mặt cùng đường. Chúng vẫn nhìn. Hugo. Và chị người Á mắt xếch bé xíu. Một cách lạ lùng. Và cười cợt.
Hồi trước. Khi tan học. Bao giờ cũng ngồi đợi ba. Có hôm 2 phút. Hôm 5 phút. Hôm 1 tiếng. Hôm 2 tiếng. Lâu nhất là 4 tiếng. Không hiểu sao. Đợi ba. Không bao giờ thấy mệt. Ở nhà. Từ khi mẫu giáo đến lúc thi đại học. Đi đâu cũng là ba đèo. Đi học. Đi sinh nhật bạn. Đi xem phim. Đi mua quần áo. Đi ăn vặt. Đi chơi. Lúc nào cũng là ba đèo đi, ba đón về. Thành ra. Năm 15 tuổi xe đạp không biết đi. Đến bây giờ vẫn đi loạng choạng vì ba lo ra đường nguy hiểm. Bây giờ 22 tuổi. Xe máy không biết đi. Ba không cho học. Ba lo ra đường nguy hiểm. Ba bận nhiều việc. Nhưng chưa bao giờ từ chối đèo con gái đi đâu. Ba từng ngã xe khi đèo mẹ. Từng ngã xe khi đèo anh trai. Nhưng chưa bao giờ ngã xe khi đèo con gái út. Ba bận nhiều việc. Khi đèo đi luôn đúng giờ. Nhưng phần lớn trễ giờ khi đón về. Khi đón trễ. Mặt ba trông căng thẳng. Có lẽ tại. Ba bận nhiều việc. Con gái không bao giờ than phiền. Đợi 2 phút. 5 phút. 1 tiếng hay 4 tiếng không bao giờ than phiền. Cứ ngồi 1 chỗ đợi. 1 tiếng. Nghe hết 1 đĩa nhạc. 4 tiếng. Đọc hết 1 quyển tiểu thuyết. Con gái út. 8 tuổi. Ngồi phía trước yên xe. Líu lo. Đưa tay sờ sờ cằm ba ram ráp vừa cạo râu. Con gái út. 12 tuổi. Ngồi phía trước yên xe. Líu lo. Nuôi móng tay cào cào tay lái. Con gái út. 15 tuổi. Ngồi trước yên xe che mất tầm nhìn của ba. Quay ra ngồi đằng sau. Ôm bụng ba mềm mềm. Vỗ vỗ. Líu lo. Con gái út. 18 tuổi. Ngồi đằng sau. Giả vờ bới tóc ba tìm tóc bạc. Líu lo. Dù mặt buồn buồn.
Hugo thích nghe những chuyện lạ lẫm của “thế giới những người mắt xếch”. Hugo nghĩ. Ai là người Á cũng mắt xếch hết. Trong 45 phút đi từ trường về nhà 6 tháng qua. Nhiều chuyện khiến Hugo rất hứng thú, bắt kể lại hàng chục lần. Như chuyện ngày Tết. Cả nhà quây quần gói bánh chưng. Vừa đánh tam cúc vừa trông nồi bánh. Tụi trẻ con sẽ mặc áo đẹp. Nhận lì xì. Xem múa lân. Đốt pháo. Ở quê. Dựng cây nêu. Vân vân. Tất nhiên. Cũng chẳng nên nói thêm với Hugo rằng. Bây giờ trẻ con. Ở “thế giới những người mắt xếch”. Không còn được trải qua những điều đó nữa. Nhưng kệ. Thằng bé thích. Thì mỗi lần kể lại. Lại cho thêm vài điều từ những gì biết được, nhớ được đôi khi là thu lượm được trên mạng. Có lần Hugo hỏi những câu. Khiến bối rối. “Có phải những cặp vợ chồng mắt xếch ít ly dị hơn các cặp vợ chồng ở đây đúng không? Tại sao lại như thế?” Giải thích. Với một đứa trẻ 10 tuổi. Không dễ. Lúng túng. Đến bản thân. Còn muốn trốn tránh. Nữa là khi nói với Hugo. Lên 10 tuổi, Hugo không may mắn. Sau khi được một chị người Á mắt xếch đưa đón về nhà. Tiếp tục 2 giờ cùng em trai với một chị trông trẻ người gốc Phi. 2 tiếng trước khi đi ngủ. Mẹ thằng bé về. 1 tuần. Hugo gặp bố 1 lần. Hai bố mẹ đã ly dị từ khi em Hugo mới chào đời. Đã 5 năm rồi. Suốt 6 tháng qua, có 2 tuần. Hugo bỗng nhiên ít nói. Chỉ đòi mượn máy di động để chơi điện tử. Và bỗng nhiên. Cáu gắt vì những thứ không đâu. Lúc ấy. Cũng chỉ yên lặng. Để thằng bé tĩnh tâm. Sang tuần thứ 3. Hugo nhìn tấm ảnh hình nền trong điện thoại hỏi “Người yêu chị à?” Gật đầu. Gật đầu. “Chị nhớ anh ấy nhiều không?” Gật đầu. “Anh ấy đối xử tốt với chị không? “Ở Việt Nam ạ?” Gật đầu. “Chị yêu anh ấy chứ?” Gật đầu. “Thiếu anh ấy chị có sống tốt được không? Tại sao phụ nữ luôn cần đàn ông bên cạnh?” Lúc hỏi. Mặt Hugo. Có vẻ gì đó ảm đạm. Có lẽ thằng bé muốn nói gì đó. Nhưng rốt cuộc. Không gì cả. Mãi tới tuần thứ 4. Hugo mới kể. Rằng thằng bé đã cố gắng. Nhưng không sao hoà hợp nổi với bạn trai mới của mẹ. “Em nhớ chính xác. Đây là bạn trai thứ 21 của mẹ. Và đây là người tệ nhất. Mẹ đã khóc nhiều lắm. Gọi cho anh ta thường xuyên. Cuối cùng anh ta cũng đến. Mẹ đã vui sướng đến điên cuồng. Trông hạnh phúc hơn cả lúc em đoạt giải đá bóng nữa. Anh ta nhìn rất tệ, chị không tưởng tượng được đâu. Chửi bậy liên hồi và đốt thuốc mọi lúc. Về nhà ngửi thấy mùi thuốc là em thấy ngán ngẩm. Mẹ cũng quên cả việc hôn em và em Vincent trước khi đi ngủ nữa…”
Thật sự. Cảm thấy hơi ngạc nhiên. Khi Hugo hỏi về Dương. Bình thường. Không nhắc tới Dương bao giờ với những người khác. Dương như một bí mật. Cất ở nơi rất sâu. Khi Hugo hỏi. Hình như. Cũng gật đầu theo quán tính. Nghĩ lại. Chỉ thấy buồn buồn. Dương rất giống ba. Đậm người. Da rất trắng. Đeo kính màu đen. 7 điốp rưỡi. Hay mặc những chiếc áo thun có cổ màu xám. Và. Cũng đi cùng một đời xe máy với ba. Dương luôn đưa đi đúng hẹn. Khi đón toàn trễ giờ. Giống ba. Lâu nhất cũng 4 tiếng. Đến quá trễ nhất định có nhăn mặt. Tuy nhiên. Chỉ là để màu mè. Chứ quả thực không thấy phiền lòng cho lắm. Dương làm trong ngành kỹ thuật. Giống ba. Nhưng khi bị xúc động mạnh. Cũng bộc lộ cảm xúc không giấu giếm được. Giống ba. Ba từng ôm con gái út. Khóc nấc lên ngày phải đưa mẹ vào bệnh viện. Còn Dương. Từng ôm người yêu ngày người yêu đi du học. Khóc tu tu. Đến là lạ. Dương. Rất giống ba. Xuất hiện. Đúng lúc. Mẹ quẫn bách. Tử tự trong bệnh viện không thành lần một. Ba. Và con gái. Chỉ chạm mắt nhau. Đã thấy nghẹn ứ trong họng. Dương. Rất giống ba. Xuất hiện. Đúng lúc. Anh trai đi vào Nam. Không nói một lời. Dương. Rất giống ba. Xuất hiện. Đúng lúc. Những tối. Bệnh viện lớn chìm trong giấc ngủ. Mẹ cứ gào khóc cào xé ba nằm cạnh giường trông. Ba nom nhàu nhĩ. Đến độ không thể cất một lời nào. Lúc ấy. Dương. Rất giống ba. Xuất hiện. Bên Dương. Chỉ thấy mất mát rộng hơn. Sâu hơn. Bên Dương. Chỉ thấy mẹ đáng thương. Chỉ thấy ba đáng thương. Chỉ thấy cô tình nhân của ba đáng thương. Chỉ thấy mình đáng thương. Nhận ra. Dương. Có một điều không giống ba. Vụng về. Không biết an ủi. Khi Dương vỗ về. Không thấy nhẹ nhõm hơn. Nếu là Ba. Thì khác.
Cách đây gần 2 tuần. Hugo vui vẻ lạ thường. Thằng bé bảo. Có hai tin vui. “Bạn trai thứ 30 của mẹ rất được. Chú ấy cũng thích chơi đá bóng giống em. Hôm qua, chú ấy cùng mẹ đưa em đi tập bóng đấy! Còn nữa, bố em đi công tác Hi Lạp đã về. Ông bảo mua rất nhiều quà cho em và Vincent. 2 tuần rồi, em chưa gặp bố, em mong tới cuối tuần quá!” Mỗi lần vui, Hugo lại bắt kể lại những chuyện xung quanh về “Nouvel an chinois - Tết năm mới Trung Quốc”. Lần này. Sẽ kể thêm sự tích bánh chưng cho thằng bé. Khi nhìn Hugo cười. Hình như, thấy đã bỏ quên một điều gì đó. Từ lâu. Bị chôn kín. Thỉnh thoảng lại le lói âm thầm hé lộ ra từng chút. Cũng như. Cứ một tuần. Vào thứ hai. Hugo lại say sưa kể thằng bé và bố đã làm những gì trong ngày cuối tuần. Luôn luôn. Bắt đầu bằng một câu: “Hồi trước, khi em còn nhỏ, em rất ghét bố vì đã không yêu mẹ nữa, nhưng em nhận ra là mình không phải như vậy…” 10 tuổi. Hugo. Sau 6 tháng quen thằng bé. Vẫn không ngừng giật mình. Và ngỡ ngàng vì những câu nói tương tự như thế.
Chiều nay. Đã thấy hai cuộc gọi nhỡ của ba. Đã hai năm. Không gặp ba. Mỗi khi nghĩ về ba. Là lộn xộn. Mỗi khi muốn nói về ba. Là ấp úng. Không đầu không cuối. Hai năm. Không gặp ba. Chỉ sợ. Về. Hai ba con. Nhìn nhau lạ lẫm. Hai năm. Mẹ không còn phải vào viện nhiều nữa. Lần cuối cùng mẹ tự tử bất thành. Đã qua một năm rồi. Nói chuyện điện thoại với mẹ. Mà như có tiếng nấc vô hình. Của ba. Đè lên. Hai năm. Dương sốt ruột. Chỉ mong được gặp nhau. Hai năm. Anh trai viết thư kể đang rất hạnh phúc với người yêu mới trong Nam. Hình như. Hai năm qua. Chưa lúc nào sẵn sàng. Đôi lúc leo 400 m bậc thang trên đường đón Hugo cũng giống một hành trình lượm lại những mẩu vụn rời rạc của bản thân mình để rơi rớt. Suốt 6 tháng. Không biết bao nhiêu lần 400 m leo thang. Chưa bao giờ thực sự sẵn sàng. Khoảng rỗng trong cơ thể. Cũng có thể âm âm loang rộng ra. Mà không hề ý thức. Cũng có thể khép lại dần. Mà không hay. Hai năm. Lần duy nhất. Gọi điện cho ba. Tết đầu tiên xa nhà. Nhấc máy. “Ba à”. Thì nghe ba bật khóc. 8 phút 37 giây. Ba khóc không ngừng. Tiếng khóc không đều. Như thể ba đã cố nén. Cắn môi. Mà không dừng được. Từ lúc ấy. Không bao giờ dám gọi. Hai năm. Số điện thoại của ba. Mân mê. Lưỡng lự. Hai năm. Nhớ cái cảm giác. Nhanh nhảu nhảy lên trên yên xe ba. Xoa xoa bụng ba. Líu lo. Nhiều. Đến mức tự thấy xấu hổ. Nếu có thể bé lại giống lúc 10 tuổi… Giá như. Hộp thư thoại không có chức năng xoá lời nhắn.
Đi đón Hugo ngày thứ năm. Hai chị em. Lững thững con đường 400 m ảm đạm ngoằn nghèo giữa khu nhà cổ phía trên cao thành phố. Lững thững 400 m đặt chân chầm chậm xuống con thang dốc. Lũ học sinh thỉnh thoảng đi qua. Vẫn ngoái lại nhìn cười cượt. Chị người Á mắt xếch bé xíu đeo túi thổ cẩm màu mè, vai xách balô Eastpark. Cùng thằng bé đeo mắt kính dày cộp to quá khổ. Lại thấy Hugo cáu gắt những chuyện không đâu. Lại mượn điện thoại di động để chơi điện tử. Tốt nhất là cứ để thằng bé yên tĩnh. Cũng có thể. Mẹ thằng bé đã thay tới người bạn trai thứ 31. Bố thằng bé đã không về kịp đúng ngày như đã hứa… 
TP Lyon 2/2007

Xem Tiếp: ----