Dịch giả: Dương Hiếu Nghĩa
Chương 3
CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH

Vào đầu tháng giêng năm 1975, một phái đoàn quân sự Liên Xô do tướng V.A. Jukilov Tham mưu trưởng quân đội Liên Xô cầm đầu, đến Hà Nội. Về bài toán Việt Nam Mạc tư Khoa và Bắc Kinh luôn luôn có cái nhìn tương phản với nhau. Từ năm 1954, Liên Xô đã thúc đẩy Hà Nội mở cuộc tấn công quân sự quy mô và quyết định để chiếm Miền Nam. Ngược lại Bắc Kinh thì lại khuyên Hà Nội chỉ nên tăng cường các khu vực đã giải phóng và tiến hành một cuộc chiến tranh gậm nhắm lâu dài (trường kỳ kháng chiến).
Liên Xô đã khẳng định rằng thời cơ quốc tế đang rất thuận lợi nên đã cung cấp cho Hà Nội rất nhiều phương tiện có thể trang bị cho 55 trung đoàn chiến xa biệt lập, và hỏa tiễn, pháo binh phòng không, để tiến tới sự thành công. Các tàu hàng của Nga chở đầy ắp đạn dược đã chen chúc nhau ở hải cảng Hải Phòng.
Sau khi phái đoàn của tướng Jukilov rời khỏi Bắc Việt lại có một nhân vật cao cấp thuộc Bộ Ngoại Giao Liên Xô đến Hà Nội. Đó là ông Nicolai Firyubin. Cứ mỗi lần mà Mạc tư Khoa quyết định tiến hành một hoạt động chánh trị quân sự ở một khu vực đặc biệt nóng bõng nào đó thì y như rằng họ phải gởi ông Firyubin đến đó.
Ngày 28 tháng hai, lại đến lượt tướng Yang Yung đẫn đầu một phái đoàn quân sự Trung Quốc đáp xuồng Hà Nội cho một cuộc ‘’viếng thăm dài hạn’’ Bắc Việt. Một sư đoàn đặc công Bắc Việt được thành lập ở Nam Kinh (miền Nam Trung Quốc) được đưa về đóng ở Thượng Du Bắc Việt. Bắc Kinh đã thỏa thuận cho ‘’một hành động giới hạn nhưng quyết định’’, mà mục tiêu đầu tiên là phải cắt đôi Miền Nam Việt Nam ra làm hai đoạn.
Như thế là kế hoạch của Hà Nội sẽ nằm ở giữa sự khuyến cáo của Nga và của Tàu.
Lãnh đạo Bắc Việt rất lạc quan: quân đội của họ đã sẵn sàng hành động.
Tờ báo Học Tập cơ quan chánh thức của đảng cộng sản ở Bắc Việt đã phản ảnh đúng cái nhìn của đảng, cho thấy Hà Nội hoàn toàn ý thức được điểm rất thảm hại của Miền Nam khi Quốc Hội Hoa Kỳ quyết định từ việc cắt bớt đi đến đình hoãn luôn viện trợ quân sự và kinh tế cho Sài Gòn.
Vài ngày trước khi họ tung ra cuộc tổng tấn công có tên là ‘’chiến dịch Hồ chí Minh’’ đảng cộng sản rõ ràng đã rất thích thú ghi nhận là ‘’hỏa lực và sự khả dụng của các chiến cụ lưu động thuộc lực lượng Miền Nam đã giảm sút hẳn’’. Tình hình nầy cho thấy là dự trử đạn dược và bom đạn của ‘’quân đội bù nhìn’’ đã không còn đầy đủ và họ đang gặp nhiều khó khăn trầm trọng để tái lập các kho dự trử săng dầu, để bảo trì và sửa chữa các loại chiến xa, tàu chiên và vũ  khí nặng mà họ thường dùng.’’
Ngày 10 tháng 3/75, hồi 3 giờ sáng, các đơn vị cộng sản đã mở một mặt trận mới trong vùng Cao Nguyên và tung ra một cuộc tấn công quy mô vào thành phố Ban mê Thuột, tỉnh lỵ của Darlac, nằm cách Sài Gòn 250 cây số ngàn về hướng Bắc.
Từ Ba Lê, nơi tôi đang ở, rất khó mà đo được tầm rộng lớn và diễn tiến của hành động nầy. Những tin tức đầu tiên từ Sài Gòn ‘’xác nhận là những trận đánh ở các đường phố đã bắt đầu trong đêm và vẫn còn đang tiếp tục’’  Theo phát ngôn viên của quân đội Miền Nam thì ‘’ lực lượng của Chánh Phủ và địa phương quân đã cố gắng chống lại một lực lượng địch quá đông có chiến xa,  pháo binh phòng không và một hỏa lực pháo thật hùng hậu bắn yểm trợ. Cuộc tấn công vào tỉnh lỵ đã được pháo binh hạng nặng và hỏa tiển bắn dọn đường trước thật dữ dội. Nhiều cuộc chạm súng đã diễn ra chung quanh phi trường cách thành phố 7 cây số ngàn.
Tất cả mọi liên lạc vô tuyến với Bộ chỉ huy tiểu khu đặt ở gần phi trường đều mất hết. ‘’. Cũng theo Sài Gòn thì vòng đai phía Nam của thành phố đã  bị địch chiếm, nơi đây có gần 15.000 dân sanh sống. Không quân và binh sĩ của Chánh Phủ đã bắn hạ 8 chiến xa địch trong thành phố và ở vùng ngoại ô.’’
Theo những tin tức đầu tiên nhận được thì chánh quyền Miền Nam ước tinh đây là một "cuộc tấn công quy mô nhất mà cộng sản đã tung ra từ sau ngày ký Hiệp Định Ba Lê về Ngừng Bắn năm 1973",  và cho là tình hình "rất đỗi nghiêm trọng".
Nhưng Hoa thạnh Đốn không có một phản ứng nào hết.
Ngày thứ ba 12 tháng 3
Ngày thứ tư 13 tháng 3, cũng theo Sài Gòn thì cuộc chiến ở Cao Nguyên vẫn tiếp diễn.
Ký giả Gerard Le Quang đã viết trong báo France soir như sau:
‘’ Trong khi các trận đánh ở Phnom Penh đang tiếp diễn, thì MTGPMN (Việt Cộng) chiếm một phần của thị xã Ban mê Thuột (160.000 dân), một thị trấn quan trọng trên Cao Nguyên, sau khi chiếm quận lỵ Đức Lập. Tấn chiếm như vậy là kháng chiến quân ở Miền Nam Việt Nam muốn ngăn chận một sự can thiệp của quân đội Sài Gòn vào Cam Bốt để giải vây cho Phnom Penh. Kế hoạch can thiệp nầy được sự không trợ từ Không Lực Hoa Kỳ đã được đề nghị cho Tổng Thống Thiệu gần đây. Vị nguyên thủ Miền Nam Việt Nam đã dự trù tiến tới một hành động như vậy. Ông hy vọng là sẽ có hai đường lợi: trên phương diện tài chánh ông sẽ được tăng cường một ngân khoản viện trợ từ phía Hoa Kỳ, trên phương diện chánh trị sẽ tăng cường được vị thế không chối cãi của người ngyên thủ quốc gia.
Sự tấn công của ‘’kháng chiến quân’’ đặt lại tất cả mọi vấn đề, từ nay quân lực Miền Nam có rất ít khả năng để hành động ở Cam Bốt. Ở đây người ta chỉ nói đến việc gởi 20.000 quân thuộc nhóm Khmer Krom mà thôi  (binh sĩ gốc Khmer được huấn luyện ở Miền Nam Việt Nam được gọi là Khmer Krom) ‘’
Tờ báo Le Figaro còn nuôi dưỡng mãi một chuyện hoang đường tương tự: "14 thành phố, 13 quận lỵ và một tỉnh lỵ đã rơi vào tay của ‘’những người nổi loạn’’ từ khi Hiệp Định Paris được ký kết. Đó là chỉ do "lực lượng cánh tả ở Miền Nam" đánh bật từng chốt một do quân đội của Chánh Phủ Miền Nam kiểm soát"
Tại miền Trung, dù sao, cuộc tấn công của cộng sản cũng có một tầm rộng lớn không thể ngờ được.Gần như đâu đâu binh sĩ Miền Nam cũng bỏ mất đất. Bốn tỉnh, ba tỉnh lỵ, gần hết vùng Cao nguyên đã bị đổi chủ. Một tỉnh thứ năm, tỉnh Quảng Trị, ở sát biên giới phía Bắc của Việt Nam đang di tản. Và nửa triệu dân chúng đang chạy về hướng Nam trên quốc lộ. Chỉ mới có mấy ngày, mũi dùi tấn công bất thần của cộng sản đã gây ra một sự xáo trộn hết sức lạ thường về những bản đồ quân sự và về vấn đề dân số từng được chánh thức đăng bạ ở Miền Nam Việt Nam từ trên 20 năm qua.
Vậy chuyện gì đã xảy ra ở đó? Đâu là những lý do sâu xa và thực sự của sự sụp đổ thình lình của quân lực Miền Nam Việt Nam?
Cho tới giờ nầy Chánh Phủ của ông Thiệu không có đưa ra một giải thích nào khác ngoài câu chuyện ‘’tái phối trí chiến thuật’’ lực lượng của mình. Và để cắt ngang mọi câu hỏi gây bối rối được nêu lên, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng đã xác định với báo chí rằng kể từ nay sẽ không có một bình luận nào về diễn tiến của các cuộc hành quân trong tương lai. Sự rút bỏ 4 tỉnh Kontum, Pleiku, Darlac và Quảng Đức nằm dựa lưng vào biên giới Lào và Cam Bốt, đã để mất vào tay cộng sản 4 thành phố quan trọng có phi trường và một hệ thống đường sá quá tốt, một lãnh thổ có rừng cây rộng lớn, có những vườn trồng trọt sung túc và những đồng ruộng phì nhiêu trãi dài trên 250 cây số ngàn bề dài và 150 cây số bề ngang. Đây là một hành lang chiến lược của Miền Nam Việt Nam vừa rơi vào tay của kẻ thù cộng sản mà trên thực tế không có một cuộc chạm súng nào.
Dường như Bộ Chỉ Huy Sài Gòn đã  quyết định phải rút tối đa binh sĩ của mình và dân chúng về vùng bờ biển giàu có hơn,  trú đóng ở những thị trấn dựa lưng vào biển, khi họ đứng trước một sự đe dọa do sự tập trung quá lớn của lực lượng cộng sản được trang bị quá hùng hậu về chiến xa, hỏa tiễn và pháo binh hạng nặng, để lại cho cộng sản những khu vực tuy rộng lớn nhưng ‘’trống rỗng’’, ở đó Miền Nam  có thể xử dụng mọi phương tiện hỏa lực của Không Quân mà không sợ đánh nhằm dân chúng bạn lẫn lộn với các binh sĩ của mình.
Dân chúng trong những vùng bị đe dọa không cần phải được kêu gọi hay khuyến khích mới bỏ đi. Các nông dân và những kiều dân đã  định cư ở Cao Nguyên từ năm 1960 hầu hết thuộc thành phần di cư người công giáo, đã từng chạy khỏi Miền Bắc ngay ngày hôm sau khi Hiệp ước Genève 1954 vừa được ký kết. Những người từ Quảng Trị và Hué chạy vào đây thì không bao giờ quên cuộc ‘’thanh trừng đẫm máu’’ có chọn lọc của năm 1968 (Tết Mậu Thân), lúc lực lượng cộng sản chiếm một phần của hai thành phố nầy. Một cuộc thanh trừng đến 6000 vụ hành quyết với phương tiện thô sơ trong vòng chưa đầy một tháng.
Tuy nhiên, sự rút đi bất thần của tất cả mọi hiện diện quân sự trên nhiều tỉnh yết hầu đã làm thương tổn nặng nề đến uy tín và tinh thần của cả dân chúng, Chánh Phủ Sài Gòn và QLVNCH.
Đường mòn Hồ chí Minh được Cộng Sản Hà Nội bảo vệ toàn diện không một xâm nhập nào đến được từ hai cạnh sườn. Do đó quân đội cộng sản kiểm soát toàn bộ phía Đông và phía Nam của Cam Bốt, tất cả dãy Trường Sơn và cái ‘’sân thượng’’ ngay trung tâm của nước Việt Nam. Họ có thể đổ ập bất cứ lúc nào xuống Dalat, một vùng trồng rau chính của Miền Nam, mỗi ngày cung cấp cho Sài Gòn 70 % rau tươi. Trú đóng trên các cao điểm và được trang bị cơ giới hùng mạnh, lực lượng cộng sản cũng có thể thọc một mủi dùi tấn công xuống biển để cắt đứt Miền Nam làm hai đoạn, qua hành động đó cụ thể hóa sự hình thành một ‘’nươc Việt Nam thứ ba’’.
Ngày 21 tháng 3,
Đài BBC, trước đây thường hay phát lại những thông cáo của đài Hà Nội, đã loan tin về sự di tản của thành phố An Lộc, ở cách Sài Gòn 100 cây số về hướng Bắc.
Vào năm 1972, An Lộc là nơi mà 5.000 binh sĩ của Miền Nam, trú ẩn trong sự hoàn toàn đổ nát của thành phố vì 70.000 quả đạn pháo đủ loại của cộng sản Bắc Việt, trong ba tháng dài đã chống trả  và đánh bật tất cả các cuộc xung phong liên tiếp của 3 sư đoàn cộng sản Bắc Việt có sự yểm trợ trực tiếp của 2 trung đoàn chiến xa T.54. Bản thân tôi, lợi dụng được các chuyến bay tản thương, đã đáp xuống thành phố nầy và đã sống ở đó được vài giờ. Vì hỏa lực địch rất dày đặc, các trực thăng chỉ có 30 giây ở dưới đất - thời gian tối thiểu để những người trên trực thăng nhảy xuống, và những người khiêng cán đưa thương binh lên -  sau đó là phải bay lên ngay. Cả thành phố chỉ còn là một đóng gạch vụn, ngổn ngang xác chiến xa T.54 bị lực lượng phòng thủ hạ bằng súng không giật, và hằng ngàn xác bộ đội cộng sản sình to lên trong những quân phục xanh tơi tả. Nhà thờ đã bay mất nóc. Cả trăm thi hài chồng chất lên nhau, đã thối rửa, giữa hàng ghế ngồi đã nát vụn và dưới chân bục thờ Chúa. Trước đó hai tuần, một chiếc T.54 của cộng sản đã dùng đại bác bắn trực xạ vào các tín đồ đang cầu nguyện ở đó, trước khi bị pháo  xa 105 ly của quân trú phòng bắn hạ với  máy nhắm ở cự ly số 0.
Có nhiều binh sĩ Miền Nam bị thương. Rất nhiều người không chợp mắt được trong vòng 60 giờ. Nhưng tất cả các đơn vị trú phòng đều có một tinh thần sắt thép. Chúng tôi đang ở vào tháng 6. Vài ngày sau đó, Tổng Thống Thiệu đáp xuống An Lộc. Quân trú phòng bước ra khỏi hầm trú ẩn để hoan hô và bế bổng ông lên trong chiến thắng. Một đạo quân tiếp viện cuối cùng đã bẻ gãy vòng vây, và thành phố An Lộc đã trở thành biểu tượng cho lòng can đảm vô biên của quân dân Miền Nam Việt Nam. Các sự hư hại đổ nát đã được dẹp dọn và thành phố đã sống trở lại. Và bây giờ không đầy 3 năm sau chiến công oanh liệt đó, An Lộc di tản mà không có một trận đánh nào.
Vả lại, cũng không có một nơi nào có xảy ra trận đánh thật sự!
Ngày 24 tháng 3,
Cộng sản đã tiến tới được bờ biển. Nước Việt Nam coi như bị cắt làm đôi. Cố đô Hué thất thủ ngày 26, vẫn không được phòng thủ, Hué là nơi đã có hằng ngàn người chết năm 1968. Hué là nơi mà những đơn vị ‘’beo đen’’, đơn vị Dù và Biệt động Quân và sư đoàn Không kỵ nổi tiếng của Hoa Kỳ đã lùng sục từng nhà trong chiến đãu lúc đó.
Cuộc triệt thoái đã trở thành một cuộc tháo chạy, ‘’mạnh ai nấy chạy’’.
Sự sụp đổ nầy bao gồm hết cả miền Trung của Việt Nam, Đám đông dân chúng tỵ nạn hốt hoảng chạy loạn, lớn dần lớn dần như một con sông cuồn cuộn chảy, với quá nhiều hình ảnh đau thương không chịu nổi.... cuộc chạy trốn cuống cuồng của cà một dân tộc bị vứt ra đường, một cuộc chạy loạn dị thường, dòng người chạy loạn tràn ngập và kéo theo mọi thứ  trên đường đi của nó, đã phân tán và nhận chìm các đơn vị đang có ý định chống trả và chiến đãu. Nhiều chị đàn bà la hét một cách kinh hoàng và vô vọng vì không tìm được con cái đi lạc, gần như trần truồng thiểu não và ngơ ngác giữa khối người chạy loạn. Nhiều cụ già ốm teo chỉ còn da bọc xương mệt mỏi kéo lê thân xác khô cằn và bị cháy nắng, lả người vì đường dài trong nóng bụi, buông mình té xuống mà không gượng dậy nổi, đang nằm yên chờ giờ chết.
Những hình ảnh đó cả thế giới đều mục kích ngay trên màn ảnh truyền hình của họ. Phản ứng đầu tiên của họ rất nhân đạo, rất tự nhiên, không kềm chế được. Họ run lên, sau đó họ tìm cách xin về nuôi hàng ngàn trẻ mồ côi.Không có lúc nào họ nghĩ rằng muốn bảo đảm tương lai của những đứa trẻ đó thì chỉ có một cách hay nhất là phải tìm cách cứu lấy cha mẹ của chúng.
Ở Sài Gòn, tờ báo Chính Luận có đăng một bài phóng sự quá rụng rời do một đặc phái viên từ Qui Nhơn gởi về:
‘’Không thể tưởng tượng nổi những giờ phút cuối cùng của thành phố đang tự trút bỏ hết đời sống của mình. Dân chúng cướp giật thuyền máy do binh sĩ canh giữ. Sau lưng họ vô số va li, thùng cây, rương hòm, quần áo trộn lẫn với giẽ rách được người ta vứt bỏ đầy trên bãi cát với hàng chục, hàng chục tử thi bé nhỏ gây nên một mùi hôi thúi  không chịu được. Có nhiều bà mẹ vẫn còn ôm cứng xác chết của con trong tay mình. Trên những con đường dẫn tới hải cảng, những bé trai bé gái lạc mất hết cha mẹ đã cố kéo lê thân khô cằn đến tận bãi biển để rồi nằm chết lịm trên cát vì quá đói, quá khát và quá mệt mỏi.
Một cụ già mặc đồ đen ngồi dựa trên bến thuyền, kể lại hành trình chạy loạn từ Cao Nguyên: ‘’chúng tôi có trên hai trăm ngàn người trên lộ 7 B, gồm bốn ngàn xe vận tải chở đầy binh sĩ, hằng ngàn chiếc mô tô, xe ba bánh, xe cũ của người Tàu, xe đạp, và những người đi bộ. Có khoảng trên 100.000 người đi bộ, gồng gánh tất cả những gì mà họ có thể mang theo được, nào là gà nhét vào bị, nào là heo cột nằm trong gánh, nào là chó với sợi dây giắt theo...  những người công giáo thì mang theo tượng ảnh Đức Mẹ và tượng Đức Chúa Trời. Con đường thì nhỏ hẹp chạy xuyên qua rừng giữa những bụi rậm và tre dày đặc không chen chân qua được. Chúng tôi không có một thức ăn, và tuyệt đối không có gì để uống. Chúng tôi đi suốt 3 ngày ba đêm như vậy. Một bộ phận công binh đi trước đoàn xe để sửa đường và sửa lại cầu hư vì chiến cuộc trong những ngày qua. Khi gần tới sông Ba thì từ trong cánh rừng xuất hiện một toán lính cộng sản có người cầm cờ đi đầu. người chỉ huy toán bộ đội ấy phát loa ra lệnh cho chúng tôi phải ngừng lại và phải  đi trở về. Nhưng làm sao được bây giờ vì có quá nhiều người ở phía sau cứ đùn chúng tôi đi tới. Tất cả coi như bị dồn cứng lại thành một khối người không nhúc nhích được nữa, rất khó ra lệnh còn hơn là đối với một đàn trâu đang cúi gầm đầu xuống đất. Bấy giờ bọn cộng sản mới bắn vào chúng tôi với tất cả các loại súng của họ đang có..Được dấu kín trong rừng, các loại pháo nặng nhẹ, bách kích, súng không giật.. nã thẳng vào chúng tôi dọc theo con lộ đang bị kẹt cứng. Tất cả đều nổ đồng loạt. Một trái đạn pháo đã chém ngang con gái tôi và hai dứa con của nó. Trên đoạn đường dài 3 cây số thây nằm la liệt, lẫn lộn kẻ chết người bị thương. Hàng trăm xe đủ loại bị cháy, nổ ì ầm như người ta ném đạn vào lửa vậy. Tôi ôm đứa cháu chín tuổi trong lòng, và cố gắng chạy bừa tới đâu hay tới đó. Đứa bé rên rỉ, vì nó bị một mảnh đạn pháo xuyên qua lưng từ bên nầy sang bên kia. Nó khóc thét lên nhắc đi nhắc lại: ‘’ Ông ơi, ngực cháu bị thủng rồi đau lắm’’. Ròi đùng một cái, tôi không còn nghe nó nói gì nữa. Tôi nhìn lại nó thì đôi môi của nó đã đen hết rồi, và nó đã chết. Tôi tiếp tục bế nó để sẽ chôn cất nó cho phải phép. Khi vào đến thành phố, tôi rửa mặt cho nó ở một cái vòi nước đầu tiên, tôi cuốn nó vào một cái bị vải mới mà tôi mua với số tiền còn lại của tôi, và tôi chôn nó duới một gốc cây. Bây giờ thì tôi không còn gì nữa,  người thân cũng không có để mà thuơng yêu và che chở. Tôi sẽ không rời khỏi đây đâu ‘’
Nhưng Quốc Hội Hoa Kỳ không thấy và không nghe (nguyên văn của tác giả: đui  và điếc) những nỗi thống khổ  của một dân tộc bạn đang bị một tai họa giáng lên đầu và đang kêu cứu, và họ đã bỏ đi nghỉ hè cho đến ngày 7 tháng 4.
Không thể nào tả nổi cảnh hỗn loạn trên các con lộ ở Miền Nam Việt Nam được.
Ngày 29 tháng 3/75:
Đán bà và trẻ con khóc lóc, gào thét, van xin, và cố gắng trèo lên một chiếc khác cũng đã đầy cứng người rồi. Có những báng súng đập vào tay và cánh tay của họ. Có một số đang cố bám vào lườn của môt chiếc Boeing đang gầm rú để cố bốc lên khỏi đường bay. Khi đến Sài Gòn người ta còn tìm thấy một tử thi bị xé nát của một người nào đó đang bị cuốn chặt vào hệ thống bánh xe hạ cánh của chiếc Boeing 707 nói trên.
Ba ngày sau khi Đà Nẵng thất thủ thì lại đến lượt Nha Trang! Ở đây 300.000 người dân tị nạn còn sống sót từ vùng Cao Nguyên và từ các tỉnh miền Trung chạy về đã bị gọng kềm của chiếc bẫy sập cộng sản đóng kín họ lại.
Cam Ranh, một vịnh đẹp nhất vùng Á Châu cũng đang được di tản. Pháo binh Bắc Việt cứ tiếp tục nã đạn vào các đoàn người di cư đang chạy trốn cộng sản hướng về miền biển.
Lúc bấy giờ đang có một tình trạng mập mờ khó hiểu tại Hoa Kỳ. Quốc Hội thì vẫn còn đang đi nghỉ hè.... Tổng Thống Ford một ít lâu sau đó cũng bắt chước họ và ông hiện đang thong dong chơi "gôn" tại Palm Springs ở tiểu bang California. 
Phần ông Phó Tổng Thống Nelson Rockefeller thì ước tính là "thật sự đã quá muộn" để muốn làm một việc gì đó cho Việt Nam, kể cả sự giúp đỡ cho dân chúng đang chạy loạn, và ông còn nói thêm một câu khích động hết sức vô liêm  sĩ:
Đại sứ Hoa Kỳ  ở Việt Nam hiện còn đang ở Hoa thạnh Đốn đã lên án người Mỹ đã "không đưa được một ngón tay lên" để binh vực cho quốc gia mình. Ông nói "tôi nghĩ rằng khắp nơi trên thế giới nầy, mọi người  đều có chung một kết luận rất bất lợi cho chúng ta. Có nghĩa là thà làm một đồng minh của cộng sản còn hơn là bất hạnh được làm đồng minh của Hoa Kỳ "
Tại Ba Lê, một đại diện của CPLTCHMN (GRP) lên tiếng mạnh mẽ tố cáo cái mà họ gọi là chánh quyền Ford và tập đoàn Nguyễn văn Thiệu đã "ép buộc dân chúng Miền Nam phải di tản’’. Ông ta còn xác nhận là hàng trăm ngàn người đã nghe lời tuyên truyền xảo trá và bị hăm dọa dưới họng súng, đã bị bắt buộc phải lìa bỏ hết nhà cửa và nơi chôn nhao cắt rún của mình để được chết đói và chết bệnh trên đường di tản. Nhiều ngàn người khác vì không  chịu chạy trốn đã phải bị hành quyết...!" 
Đó là một đại diện không sợ phải nghiên cứu một sự nghịch lý, và hơn nữa cũng không nghĩ tới một sự đính chánh về những sự kiện đã xảy ra. Cái Chánh Phủ cách mạng lâm thời mà ông ta đang nhơn danh để tuyên bố đó, đã từng phủ nhận từ mấy năm nay về tư cách đại diện cho nước Việt Nam của ông Tổng Thống Thiệu, bỗng nhiên hôm nay đùng một cái, ông ta công nhận một thực quyền phi thường của vị Tổng Thống nầy là làm cho người dân tin theo........ một quyền lực tâm lý có khả năng di chuyển cả một khối lớn dân chúng,  bắt họ phải rời bỏ nhà cửa ruộng vườn để đi về những thành phố cuối cùng dưới sự lãnh đạo ‘’độc tài" của mình. Ở vào thời điểm nào và bằng cách nào mà binh sĩ của Tổng Thống Thiệu đang bị tan rã không qua một cuộc chạm súng nào và đang cùng chạy trong đám dân chúng, lại có thể dùng họng súng của họ để bắt buộc hàng triệu người phải di tản, chạy về các sân bay hay các bến cảng đang lần hồi bị đóng cửa trước mặt họ?  Hàng chục ngàn người đã vì quá sợ binh sĩ  Bắc Việt mà phải chạy đi, đã chết vì đói khát hay vì mệt lả, hoặc bị  tàn sát một cách có phương pháp có tổ chức mà thân nhân của họ đã từng là nạn nhân ở Quảng Trị và ở Hué trong năm 1968. Nhiều ngàn và nhiều ngàn người khác đã bị hành quyết, bằng những quả đạn pháo đủ cở đủ loại của cộng sản trong những tuần lễ sau cùng nầy, khi Bắc Việt muốn ngăn cản không cho họ chạy đi.
Tại Sài Gòn, cuối cùng thì chế độ của ông Thiệu dường như được tính từng ngày. Người ta không thể tha thứ cho ông vì sau khi Ban mê Thuột bị thất thủ, ông đã cho lệnh rút tất cả quân đội từ miền Trung và từ miền Cao Nguyên: vội vàng và cẩu thả, hành động rút quân nầy đã dẫn tới một sự tháo chạy mà ngay như Bắc Việt cũng không bao giờ tiên đoán được.
Bị đối lập tấn công từ nhiều tháng qua bây giờ thì ông lại bị Thượng Viện bỏ rơi, một Thượng Viện đã từng cho ông một sự tín nhiệm hết sức rộng rãi. Sau 8 tiếng đồng hồ thảo luận, 41 trên 42 nghị sĩ hiện diện đã đứng lên chống "sự bất lực của chế độ’’ và đòi hỏi phải thành lập khẩn cấp một Chánh Phủ đoàn kết quốc gia  gồm những nhân vật ‘’có khả năng, liêm khiết và đại diện cho dân’’.  Chánh Phủ mới thành lập nầy phải cộng tác chặt chẽ với Quốc Hội và các đoàn thể quần chúng, nhanh chóng làm việc trong mục đích tái lập lại sự ‘’ổn định quân sự, xã hội và chánh trị ‘’.
Tướng Nguyễn cao Kỳ, cựu Phó Tổng Thống  và cựu Tư Lệnh Không Quân Miền Nam Việt Nam, đã về hưu từ năm năm nay đã đứng ra thành lập một ‘’Ủy Ban Hành Động để Cứu Quốc’’ và hô hào sự ra đi của Tổng Thống Thiệu. Cảnh sát đã phá được hai âm mưu đảo chánh và đã bắt giữ nhiều sĩ quan.
Nhiều điện tín sau cùng cho biết là đã có một  sự hốt hoãng trong thủ đô Miền Nam Việt Nam. Tất cả những chuyến bay thường lệ rời Sài Gòn đã hết chỗ. Các ngân hàng bị  khách hàng bao vây để rút hết tiền ra. Chỉ trong vòng có một ngày giá chợ đen đồng mỹ kim đã tăng vọt từ 700 lên đến 1600 đồng.
12.000 kiều dân Pháp có một nhiệm vụ rất quan trọng trong đời sống của Miền Nam Việt Nam. Quyền lợi Pháp, được ước tình đến 1 tỷ 730 ngàn quan, được phân ra như sau:
- các vườn cao su và xí nghiệp: 650 triệu quan
- trà và cà phê: 10 ngàn mẫu, 
-  doanh nghiệp: (đầu tư và trữ kim) 100 triệu quan
- xí nghiệp vận tải và nhà xe, vận tải đường sông và đường biển: 150 triệu quan
- ngân hàng, công ty địa ốc và bất động sản: 180 triệu quan
Các sự đầu tư nầy không những chỉ là những đầu tư ngoại quốc duy nhất có phần bền vững mà nó còn chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế của Miền Nam Việt Nam. Con số mậu dịch lên gần đến 800 triệu quan Pháp và phần đóng góp vào ngân sách của Miền Nam Việt Nam được khoảng 23 %.
Những sự đầu tư về kỹ nghệ của chúng tôi ít được dân chúng bên Pháp biết đến, phần lớn gồm có kỹ nghệ khá tân tiến của Miền Nam Việt Nam, gồm có các xí nghiệp mới nhất như: hãng Citroen, nơi đây đã lấp ráp những xe thông dụng trong năm qua, đặc biệt là xe La Dalat; xưởng sản xuất xi măng ở Hà Tiên; hảng Isostat (kỹ nghệ điện tử), các hảng Elf- Erap và C.F.P. dự phần vào công tác tìm dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam
Hơn thế nữa, các công ty hàng không của chúng tôi (Air France đang cộng tác với Air Việt Nam và U.T.A.), các công ty hàng hải (Messageries và Chargeurs Réunis) đang hoạt động bán độc quyền trong công tác chuyển vận quốc tế từ Việt Nam đến Nam Âu Châu và ngược lại. 
Những lợi thế mà Lập Pháp ở đây đã dành cho đầu tư của chúng tôi, sự khéo tay của nhân công ở đây, vị trí địa dư thuận lợi cho khả năng xuất cảng, mối giao hảo tốt với nước Pháp và các nước bạn quanh đó (các nước nói tiếng Pháp) đã cống hiến nhiều viễn ành và điều kiện làm việc rất đáng được khuyến khích. 
Ảnh hưởng văn hóa Pháp vẫn còn rất quan trọng. Tất cả thành phần lãnh đạo ở Miền Nam Việt Nam và hầu hết các cán bộ cao cấp đều nói tiếng Pháp. Những cơ sở văn hóa Pháp rất nhiều. Một viện văn hóa Pháp ở Sài Gòn, ba trung tâm văn hóa ở Dalat, Đà Nẵng và Nha Trang; sáu trường trung học (Yersin, Dalat, Blaise-Pascal, Đà Nẵng trường Trung học Pháp ở Nha Trang, trung học Marie Curie); trung tâm giáo dục Saint Exupery, trung tâm học vụ Colette ở Sài Gòn. Nước Pháp cũng giúp đỡ cho nhiều trường sở Việt Nam dưới danh nghĩa hợp tác văn hóa và kỹ thuật (trung tâm hướng dẫn học vụ, đại học văn chương và sư phạm của Sài Gòn và Hué, đại học Y và Dược của Sài Gòn, trung tâm kỹ thuật quốc gia Phú Thọ).
Con số học sinh và sinh viên ghi tên vào các trường sở nói trên lên đến 14.000, và nhân viên giảng dạy người Pháp là 272 người. Thêm vào đó còn có những trường khác, trường tư và trường đạo dạy toàn bằng tiếng Pháp: trường trung học Taberd (Sài Gòn ), trung học Fraternité (Chợ Lớn), Les Oiseaux (Dalat và Sài Gòn ), l’Alliance Francaise (Sài Gòn). Các giáo sĩ và các dì phước có mặt khắp các bệnh viện, các trại cùi, các trung tâm xã hội và đã tận tụy hy sinh phục vụ mà không có một sự tính toán nào. Bệnh viện Grall, một trong những bệnh viện tối tân nhất của vùng Đông Nam Á, trong đó tất cả nhân viên có trách nhiệm (bác sĩ, giải phẩu, quang tuyến, dược sĩ và quản lý) đều là người Pháp, là một bệnh viện có danh tiếng không thể chối cãi được.
Tất cả các cơ sở đó, tất cả những nam nữ nhân viên đã dính líu thật sâu đậm vào đất nước nầy, tất cả những sự đóng góp về văn hóa và nhân đạo của nước Pháp...  rồi đây sẽ còn lại những gì trong trường hợp có một chiến thắng của cộng sản ở đây?
Bây giờ thì còn quá sớm để có thể ức đoán về tương lai, nhưng dù sao cũng có thể thiết lập được một sự so sánh với những gì đã xảy ra trong quá khứ ở Miền Bắc Việt Nam. Vào năm 1954, những quyền lợi của Pháp ở nước Cộng Hòa Dân Chủ Việt Nam lên đến 100 tỷ đồng quan cũ. Đến giờ nầy giao dịch kinh tế của chúng tôi với chế độ Hà Nội coi như không có gì cả.
Các cơ sở Pháp đều đã biến mất hết. Không có một cơ sở giáo dục nào ở cấp đại học hay cơ sở y tế nào còn hoạt động ở đó.
Con số kiều bào người Pháp chúng tôi từ gần 6.000 vào năm 1954, bây giờ chỉ còn có 21, trong số đó phải tính 16 nhân viên của tòa Đại Sứ. Năm người còn lại là nhà báo của AFP, của tờ Humanité và tờ l’Unita (hai tờ báo của cộng sản  Pháp và Ý). Tiếng Pháp là ngôn ngữ mà những người dưới 50 tuổi không người nào biết.. Đối với những người khác thì tiếng Pháp là một sinh ngữ ngoại quốc đứng vào hàng thứ tư sau tiếng Nga, tiếng Tàu và tiếng Anh.
Từ sự hiện diện của chúng tôi khi xưa, giờ nầy trên bình diện kinh tế, chỉ còn một hồ sơ tố tụng về nợ nần không bao giờ giải quyết được  và một khế ước bồi thường cho những mỏ than cũ ở Miền Bắc của chúng tôi mà Bắc Việt đã cho đình chỉ thi hành từ năm 1963. Lãnh đạo của Hà Nội chỉ cần vài năm là quá đủ để họ bôi xóa hết dấu vết ảnh hưởng của người Pháp ở Miền Bắc Việt Nam.
Như vậy cò thể nào người ta đặt hết tin tưởng vào một hy vọng là họ sẽ tõ ra bớt mẫn tiệp hơn nếu họ chiếm được Miền Nam?