Một người bạn đã nhường trường ấy lại cho Thành.
Trường ở vào một phố đông đúc và hỗn tạp miền ngoại ô. Trước mặt có đường xe điện chạy qua và cách độ dăm chục thước là một cái chợ suốt ngày ồn ào. Một căn nhà gạch một từng, hẹp và thấp, thụt sâu vào một mặt phố lủng củng những nhà cửa không biết trọng hàng lối. Mặt hè trước cửa chỗ thì khập khiễng những mô gạch sót lại của một mặt hè xây cẩn thận từ ngày trước, chỗ thì là đất đen thẫm, rắn cấc, cả từ những vết lồi lõm cũng mòn đi vì những bàn chân năng qua lại. Hai cây bàng cao độ đầu người, thân khẳng khiu bó trong một vòng rơm, chòm lá lơ thơ trắng xóa những bụi. Nếu không có tấm bảng gỗ sơn mấy chữ: "Khai trí học hiệu" treo hơi lấp dưới một mái hiên kẽm xệch xoạc thì khách qua đường không ai nỡ bảo đó là một trường học, dù chỉ một trường học tư.
Những người hay qua lại các xóm ngoại ô lúc nhúc và bẩn thỉu quanh Hà Nội, chắc đều để ý tới những trường tư nho nhỏ, bề ngoài khiêm tốn và nghèo nàn như vậy. Những trường ấy là một sự xấu hổ cho những trường tư thục lớn trong thành phố có một tổ chức rộng rãi và hoàn bị, qui mô chiếm hẳn nửa một dãy phố, cũng như quảng cáo chiếm hẳn nửa một trang báo hàng ngày. Những trường ấy sống vất vưởng và tối tăm ở các miền lân cận Hà Nội, giữa xóm những người nghèo phức tạp đi làm thợ hoặc buôn bán vặt. Số học trò thường thường rất lơ thơ. Học phí là những số tiền nhỏ mọn, vụn vặt tương đương với túi tiền của bố mẹ học trò, từ dăm ba hào cho tới một đồng. Sự tồi tàn, thưa vắng của những trường tư ấy có một vẻ gì thất vọng làm cho ta động lòng thương. Ta nghĩ ngay đến những người vất vơ trong xó tối, bị đời sống gay go vùi dập, xua đuổi, những người không gặp được may mắn, trong đời bao giờ cũng là kẻ đến chậm quá, chỉ giành được một phần sống bé nhỏ và hèn mọn.
Thành cũng là một trong những người ấy. Chàng năm nay hăm ba tuổi, nhưng vì nghèo túng và lo nghĩ nhiều, nên trông chàng có vẻ mang quá cái tuổi mình. Giọng chàng nói khẽ và hơi run, người chàng cao, có những cử chỉ ngượng nghịu và rụt rè. Mắt lờ đờ không bao giờ nhìn thẳng. Tay trái chàng có cái thói quen đưa lên gạt mái tóc xõa xuống gần tới mắt và ấp vào trán một cách mỏi mệt chán nản, mỗi khi chàng có điều gì suy nghĩ hoặc đau đớn. Chàng đỗ bằng tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học đã ba năm nay. Khi mới ở nhà trường ra, cậu học trò ngây thơ tên là Thành ấy tưởng tượng rằng, với mảnh bằng tốt nghiệp, cửa các công sở sẽ mở ra trước mặt chàng một cách dễ dàng. Sự thực không thế. Đơn xin việc của chàng có kèm theo một bản sao văn bằng, gởi đi đâu đều không có trả lời. Sở nào cũng không có chỗ. Mà Hà Nội không thiếu gì những cậu Thành, có bằng Cao đẳng tiểu học hoặc cả bằng Tú tài nữa, ngày ngày, đứng chực chõm trước cửa các công sở. Sở công không được thì đành sở tư vậy! Chật vật chán rồi, Thành xin được một chân thư ký kế toán ở một sở buôn. Cái đời không có gì của một người làm việc cạo giấy... Thành lấy vợ để có người coi sóc việc trong nhà và để khỏi đi chơi bậy như những người thiếu niên cùng tuổi. Một đứa con ra đời. Vừa lúc ấy sở thừa người làm. Bị thải. Những ngày thất nghiệp chán nản và túng thiếu. Công nợ lây lất. Cái khổ của vợ con ở trước mắt.
Thành đã từng biết những ngày dài dằng dặc, đi lang thang khắp trong các phố với một cái đơn xin việc ở tay, đôi khi ngồi nghỉ ở một công viên vắng người, thân thể và tâm hồn mỏi mệt, chán nản, muốn khóc lên được; những buổi sáng giật mình tỉnh dậy thấy mình vẫn nằm xó nhà lòng thắt lại khi nghĩ đến cái ngày đương bắt đầu và bao nhiêu ngày mai tối tăm và đáng sợ; những giấc ngủ nặng nề, đau đớn, dài suốt buổi, trong đó tâm trí vùi sâu tất cả mọi sự phiền muộn, băn khoăn và lo lắng.
Giữa lúc khốn quẫn, một người bạn ngỏ ý nhường cái trường tư nhỏ ở vùng ngoại ô. Người bạn ấy trước cũng cùng cảnh không có việc làm. Nhưng sẵn có ít vốn, hắn xoay mở trường kiếm ăn về dăm ba đứa học trò, để chờ dịp may mắn. Được sở Hỏa xa gọi đi làm ở một tỉnh nhỏ, hắn bèn điều chỉnh giao giấy phép mở trường lại cho Thành. Không phải mất công của gì hết, Thành đã có ngay một trường tư nho nhỏ với một số học trò gây sẵn. Còn những đồ dùng cần cho một trường học như bàn ghế và bảng đen, vì muốn giúp anh em, hắn chỉ xin Thành một giá rất rẻ, giá vốn lúc mới sắm.

*

Số học trò gây sẵn là ngót hai chục đứa trẻ phần nhiều bẩn thỉu, rách rưới, ngồi lơ thơ trong một dãy mười cái bàn bằng gỗ tạp mới đóng còn nham nhở vết bào và thoang thoảng mùi chua ẩm của gỗ chưa khô kiệt. Những đứa khá nhất thì mặc áo dài, chân đi guốc. Còn thì mặc áo cánh vừa rách vừa bẩn, chân giẫm đất đen thui thủi, đầu trọc lốc không có mũ. Có đứa vào lớp là mang theo vào cả một đàn ruồi, đậu trên cái đầu chốc lở bôi thuốc đỏ loe loét. Mặt chúng nếu không tinh quái gian giảo thì có một vẻ đần độn nặng nề của những con nhà nghèo.
Độ chừng dăm đứa đã đọc và viết qua loa được tiếng tây. Học phí của bọn này mỗi tháng chừng đồng rưỡi và hai đồng. Lớp dưới gồm có những đứa đương hoặc mới bắt đầu học quốc ngữ, mỗi tháng trả từ năm ba hào đến một đồng.
Vì lớp học lộn xộn chia ra nhiều trình độ như vậy, nên Thành phải sắp đặt cho những đứa lớn làm bài trong khi những đứa bé tập đánh vần, rồi trong khi bọn trên đọc bài thì bọn dưới tập viết.
Ngày hai buổi, giờ học kéo dài nặng nề trong gian nhà thấp tối, ánh sáng chỉ vào bằng cái cửa chính trông ra đường. Tiếng ồn ào của cái sinh hoạt rộng rãi và lầm than ở bên ngoài không lúc nào đứt quãng. Thỉnh thoảng lại một chuyến xe điện, tiếng bánh sắt rầm rập báo trước tự đầu đường xa.
Đến giờ chơi, học trò nhởn nhơ ra chơi ở trước hè đầy rác rưởi của bọn hàng quà rong đã họp nhau bày ra đấy. Mùi bùn sặc sụa ở rãnh cống bốc lên trong không khí không bao giờ lắng bụi. Ruồi nhặng vu vơ bay trên những lá gói bánh nhơm nhớp vứt bừa bãi.
Hôm đầu đến đây, Thành thấy trong lòng ngao ngán.
Ngồi sau bàn giấy kê trên một chiếc bục gỗ, chàng nhìn quanh gian lớp học chật hẹp và tồi tàn, tường vôi cáu bẩn, bức trần vữa đã để lộ ra vài khoảng phên cót ở trong; những học trò bẩn thỉu, đứa thì há hốc mồm ra nhìn bảng đen, đứa thì giở những quyển vở mép giấy quăn lại như tổ sâu bằng những ngón tay bẩn giây đầy mực; nhìn chán, chàng lại trông ra ngoài. Lúc ấy đã về chiều. Những người bán hàng ở chợ về đi trên con đường trắng xóa bụi. Nắng xế nằm ngang trên mái tranh thấp của nhà thợ mộc trước cửa lan đến tận hè bên này, làm lấp lánh vàng vệt nước mỏng mảnh của những thùng chảy quảy nước đi qua để rớt lại trên mặt gạch. Thềm nhà mốc đen sáng lên về phía gần cửa. Một cái buồn chán nản đè nặng lên giác quan chàng. Chàng thấy chiều hôm ấy, mọi vật cái gì cũng có vẻ nghèo nàn và vô lý, hình như bị chiếm bằng một thứ ánh sáng riêng. Chàng không cưỡng lại với cái cảm giác tê tái và nhọc mệt lan dần, lan dần trong tâm trí và từ thâm tâm thấy nẩy lên một nỗi thương vô hạn cho chính mình.
Giữa lúc ấy, chàng nghĩ đến một người đàn bà còn trẻ, dáng bé nhỏ và yếu ớt, da mặt trắng xanh, giờ này đang lúi húi ở gian trong, bên một đứa trẻ mới đầy sáu tháng. Chàng đưa tay lên vuốt mái tóc xòa xuống gần mắt và khẽ nâng lấy trán:
- Tý! Đọc bài...!

*

Trong đám học trò Thành dạy, có một đứa tên là Pha.
Không biết tại sao, từ hôm bắt đầu dạy, Thành đã có ngay ác cảm đối với nó, tuy nó không có tội gì để chàng ghét.
Có lẽ tại bộ mặt xấu xí và bẩn thỉu của nó. Đó là một đứa trẻ bé loắt choắt, mặt ngây ngô đần độn, hai mắt nó có tật lúc nhìn phải nheo nheo lại và nghếch về một bên. Cả người nó là một vết bẩn. Nó lại có tính nói lắp, nên cả lớp thường gọi nó là "Pha lắp".
Thành ghét nó nên đặt nó ngồi ở bàn cuối cùng.
Thằng Pha học đã ngót một năm rồi, kể từ khi trường còn ở tay người bạn của Thành mà vẫn chưa đọc thông cuốn quốc ngữ. Ngồi cuối lớp, sự săn sóc của người dạy không tới nơi, nên đã bao lâu rồi đầu óc và đít nó vẫn nguyên một chỗ, không nhích đi chút nào.
Những dịp hiếm có mà nó bị gọi lên đọc bài thì thực là một sự khoái chá cho cả lớp học. Nó đứng lên, hai tay khoanh lại, những ngón tay trái lần lần những khuy áo ở bên sườn, mắt nheo nheo lại nhìn nghiêng lên bảng, mồm lắp bắp nói mãi không ra tiếng. Tiếng thước kẻ đập chan chát trên bàn giấy cũng không ngăn được tiếng cười rộ của bọn học trò. Thằng Pha ngượng nghịu, lúng túng. Rồi cúi đầu đứng im bặt.
Nó chịu tất cả mọi sự trừng phạt với cái kiên nhẫn của con lừa. Mà nó bị phạt luôn. Hôm thì bị quỳ đến trầy gối về tội không thuộc bài. Hôm thì bị thước kẻ quật vào tay vì tội viết bẩn. Đánh thế nào thì đánh nó vẫn lỳ ra, không van xin, không khóc lóc; chỉ hai mắt chớp chớp thật nhanh, loang loáng ướt nước mắt.
Tiền học của nó, mỗi tháng là bảy hào.
Hôm ấy, vào giữa tháng, cả lớp đã trả hết tiền rồi còn mỗi mình nó.
Mới vào lớp, Thành đã gọi nó lên đọc bài. Như mọi lần, nó lúng túng một hồi rồi câm tịt. Sáng hôm ấy, Thành mang sẵn vào lớp một sự bực mình gây nên vì sự thiếu thốn trong nhà; sự bực mình ấy được dịp nổ tung ra.
Thành gọi nó mang vở lên bảng. Bằng hai ngón tay, chàng giở qua những trang giấy bôi đầy mực, mép nhàu và quăn lại như tổ sâu. Mắt chàng gườm gườm nhìn đứa học trò. Thằng bé khốn nạn! Nó có ngờ đâu đến sự giận dữ đương ngấm ngầm trong lòng chàng chỉ tìm chỗ để trút ra.
Bỗng nhiên, chàng gập mạnh quyển vở lại. Rồi một tiếng đấm tay "thình!" trên mặt bàn làm nẩy cả lọ mực và những đồ vật vặt vãnh. Cả đám học trò cùng tái mặt, ngồi im. Có tiếng ruồi vo ve bay qua...
Mặt tái đi vì giận, Thành ném quyển vở vào mặt nó rồi quát:
- Thôi! Đi về! Đến lớp bài thì không chịu thuộc, sách vở thì để bẩn, tiền học lại không chịu trả... Đi về!
Thoạt đầu, thằng Pha còn không hiểu. Sau nghe đến tiếng "Đi về!", cả người nó bỗng có sự thay đổi. Nó không gân như mọi khi, òa lên khóc và van xin rối rít:
- Lạy thầy! Thầy tha cho con!
Hai tay nó chắp lại và vái lia lịa.
- Đi về! Tao bảo mày đi về kia mà!
- Thưa thầy! Một lần này thầy tha cho con...
- Không!
Thành quay lại nhìn đám học trò:
- Tý! Minh! Lôi nó ra và vứt cả sách vở của nó ra ngoài cửa cho tao.
Không ngờ trong thằng bé loắt choắt mà lại có nhiều sức chống cưỡng dai dẳng như thế. Bị lôi đi xềnh xệch, nó giơ tay ra cố bám lấy những đầu bàn, người cong lại, chân như bám chặt lấy mặt đất. Sau cùng phải bốc hẳn người nó lên mới mang được nó ra cửa. Trong khi thằng Pha lôi kéo với hai đứa học trò, cơn giận của Thành đã dần dần nguôi.
Ngồi trong lớp, nhìn ra, thấy thằng bé khốn nạn vừa khóc vừa lúi húi nhặt những sách vở ném tung tóe lên hè, chàng động lòng thương hại.
Nhưng một cái gì đó xui chàng nên giận giữ thêm lên để khỏi thấy mình vừa rồi đã tàn nhẫn quá. Chàng sai học trò đóng chặt cửa lại mặc những tiếng van lạy rên rỉ của thằng học trò bị đuổi ở ngoài đưa vào.

*

Chiều tối rồi.
Ăn cơm xong. Thành bắc ghế ngồi trong cửa nhìn ra đường. Giờ này, xóm ngoại ô đương nhộn nhịp. Thợ thuyền đi làm về lẫn trong đám những người đi bán hàng rong. Bóng mờ buổi hoàng hôn làm cho mặt họ trở nên lặng lẽ, tối tăm không có nét. Những chiếc xe bò chở rơm hay nứa cồng kềnh đi qua làm chật cả đường. ánh đèn trong hiệu thợ cạo và mấy hàng tạp hóa chiếu sáng những khoảng đất cát dưới hè. Sương xuống lờ mờ lẫn với bụi. Vài ba anh chàng ăn mặc có vẻ du đãng, tóc mai nhọn hoắt, đầu chải mượt, bá vai nhau đi la cà, miệng hát mấy câu cải lương bằng cái giọng Sài Gòn giả hiệu!
- Lạy thầy ạ!
Thành hơi giật mình. Trước mặt chàng, thằng Pha đứng chắp tay bên cạnh một người đàn bà ăn mặc lôi thôi, bẩn thỉu, có vẻ một người bán hàng rong. Chàng không đứng dậy, hất hàm hỏi:
- Có việc gì?
Người đàn bà khúm núm:
- Thưa thầy, sáng hôm nay, cháu nó trót dại, xin thầy tha cho cháu.
Thành không trả lời vội, đứng dậy đi vào nhà. Người đàn bà và thằng Pha cũng theo vào. Dưới ánh đèn, Thành thấy một bộ mặt không có tuổi, dăn deo và vàng sạm: hai con mắt đỏ hoe, ngơ ngác vì nhọc mệt, một cái miệng có hai góc chảy xệ xuống. Chàng nói một cách nghiêm nghị:
- Thằng Pha nó hư lắm. Bài không bao giờ chịu học thuộc... Tôi phải đuổi nó, để làm gương cho những đứa khác.
Mẹ thằng Pha bèn nói với chàng:
- Thưa thầy, cháu nó lười và dốt lắm, nhưng nhà cháu chỉ có mình nó... Xin thầy làm ơn cho cháu ở lại ăn mày thầy dăm ba chữ...
Người mẹ nói, nói mãi. Thành biết được về đứa học trò của mình một chuyện bình thường nhưng cảm động. Bố thằng Pha chết đã lâu, chỉ được mỗi mình nó. Mẹ nó ngày ngày đi bán xôi cháo và cố làm lụng khó nhọc để cho đứa con được biết dăm ba chữ. Giọng nói tha thiết của người mẹ đáng thương đã để cho Thành nhận thấy rằng thằng Pha là tất cả hy vọng của người ấy ở đời này...
Thành nghĩ đến một người đàn bà góa chồng nào, ngày xưa, đã làm lụng đầu tắt mặt tối như thế để nuôi chàng ăn học... Chàng thấy hổ thẹn về việc tàn nhẫn ban sáng. Chàng dịu hẳn giọng lại:
- Được, có phải thế, tôi nhận lời xin của bà...
Một tia mừng lóe trong mắt người mẹ:
- Cám ơn thầy!
Rồi người ấy loay hoay cởi ruột tượng lấy ra bảy hào đặt lên bàn:
- Thưa thầy, đây con xin nộp tiền học cho cháu.
Thành nhìn thấy mấy đồng hào trắng nõn nằm chen với mấy món hào xu. Chàng nhớ lại những câu khất lần của thằng Pha từ hơn nửa tháng nay và tưởng tượng ngay rằng bảy hào này mẹ nó đã phải chạy đi suốt buổi hôm nay mới vay được. Rồi món nợ bảy hào.
Tiểu thuyết thứ bảy,
số 239 (24-12-1938)

Xem Tiếp: ----