hị Quân ngày mai cưới vợ, anh ta đến mời ông Tường làm chủ hôn lễ cưới của mình. Ông Tường càng nghĩ càng thấy việc này hơi lạ. Sao Nhị Quân không mời người khác mà lại tới mời ông? Ơ vùng này, người được mời làm chủ hôn, nếu không phải cán bộ thì cũng là những người già cả đức cao vọng trọng. Trong hai điều ấy, ông Tường chẳng có một điều nào, huống hồ Nhị Quân lại là người có hẳn một cửa hàng cạnh đường cái ở phía bắc thôn, lớn nhỏ gì cũng là một ông chủ, kể ra cũng đáng được coi là một nhân vật có vai vế trong thôn. Ông Tường suy đi tính lại, thấy vấn đề nảy sinh từ con trai ông là Đại Chấn. Mấy năm nay, Đại Chấn tụ tập một số thanh niên chặn xe tải chở hàng đi trên đường cái qua thôn để "xin đểu" và vòi tiền. Thôn này vắng vẻ, những lái xe từ nơi khác đi qua đây bị bọn Đại Chấn doạ một tiếng là ngoan ngoãn vâng lời ngay; mất tiền, mất hàng cũng chẳng dám khai báo. Đầu mùa đông năm nay, bọn chúng cướp một xe tải chở than, người lái xe tải là bà con với Nhị Quân. Tuy sau đó chúng đã trả tiền cướp được cho người ta nhưng Đại Chấn không chịu xin lỗi Nhị Quân. Vì Nhị Quân là người có vai vế, nên ông Tường không dám đường đột nhận lời. Ông phải bàn bạc với Đại Chấn trước đã. Nhà Đại Chấn ngoài dáng cao to ra, không có gì khác với các nhà khác trong thôn: Gạch tráng men trắng ốp mặt ngoài, hai bên là hình cây thông vẽ bằng sơn xanh. Nghe tiếng động, con chó bécgiê nhà Đại Chấn nhảy vọt ra. Ông Tường giật nảy người, con chó dường như không nhận ra ông vẫn sủa oang oang, sủa rất to. Vẻ hung dữ đó không phải chỉ là phòng bị mà rõ ràng có ý tấn công. Ông Tường khua tay trước con chó, miệng mắng:- Mẹ mày, chưa được ăn roi hả? Mù rồi hay sao thế?Mắng xong, ngẩng lên thì trông thấy Đại Chấn. Đại Chấn mồm ngậm điếu thuốc, ngồi xổm trên sân loay hoay với chiếc xe máy, vừa loay hoay vừa càu nhàu, nghe tiếng chó sủa cũng không định ngừng tay. Nhìn thấy Đại Chấn, trước mắt ông Tường lập tức hiện ra hình ảnh của một người, đó là Ba Thọt, ở cùng thôn. Từ mặt mũi, dáng dấp đến động tác, Đại Chấn rất giống Ba Thọt. Ngày trước, vợ ông có đi lại với Ba Thọt, và Đại Chấn chính là giống của tay này. Thường ngày, cứ trông thấy cái dáng cao to của Đại Chấn là ông Tường lại không khỏi nhíu mày, trong lòng thấy khó chịu như nuốt phải nhặng. Sau đó, ông tìm một lý do để an ủi mình. Mẹ kiếp, dù sao tao cũng nuôi nấng mày từ nhỏ, dù chẳng phải giống của tao cũng có hề gì! Bất kể thế nào mày cũng phải gọi tao bằng bố cơ mà! Quả nhiên với lý do đó, ông Tường thôi không bận lòng nữa, lại còn cảm thấy mình thế mà gặp may. Đó là tính cách của ông Tường: Khi gặp phải việc gì không ưng ý, thế nào ông cũng tìm được lý do để an ủi giải khuây. Vợ chồng ông chỉ sinh được hai con gái, vì thế ông còn thầm lấy làm mừng: Nếu Ba Thọt không xen vào thì đời này cả đến một mảy lông của đứa con trai ông cũng đừng hòng trông thấy. Tuy lai lịch thằng con không vẻ vang gì, thuộc loại "hàng giả" nhưng ông chẳng cần phải so đọ với hàng thật. Việc gì cứ phải thế! Ông tự nhủ mình. Chó không sủa nữa, bấy giờ Đại Chấn mới ngoảnh đầu ngó ra cổng. Thấy ông Tường đã đứng trong sân, hắn dừng tay, ngẩng lên hỏi:- Sớm thế này, bố đến có việc gì thế? Đại Chấn mặc áo jắckét bằng da đen rất dày, mái tóc rậm rối bù, khuôn mặt tròn núng nính đỏ ửng vì rét, trông như vừa uống rượu, trên bộ râu rậm rì vương những hạt nước do hơi thở ngưng kết thành.Ông Tường sa sầm mặt:- Phải chăng anh lại vừa làm cái việc ấy? Tôi đã bảo anh từ lâu rằng không nên làm cái biệc bất nhân bất nghĩa ấy rồi cơ mà. Anh định làm cho tôi và mẹ anh uất lên mà chết hay sao?Nói xong ông rút thuốc ra, châm thuốc rít một hơi rồi trừng mắt giận dữ nhìn Đại Chấn:- Anh nói ngọt với Nhị Quân mấy câu thì thấp bé đi hay sao? Cha Nhị Quân đối xử với tôi không bạc gì. Lần này thì hay rồi, anh gây phiền toái cho tôi rồi đó! Đại Chấn đang cưỡi xe máy phành phạch nhấn ga, nghe câu đó thì như phải bỏng, nhảy phắt xuống trợn mắt lên, chất vấn ông Tường:- Sao nào, tôi gây phiến toái gì cho bố?Ông Tường đáp:- Ngày mai Nhị Quân cưới vợ, anh ta mời tôi làm chủ hôn, theo anh, tôi có nên nhận lời không?Đại Chấn ngửa cổ lên cười ha ha:- Nhận lời chứ, tại sao lại không nhận? Anh ta mời là coi trọng nhà mình. Ông Tường mắng:- Cút mẹ anh đi! Anh định làm tôi mất mặt, để người ta rỡn tôi như rỡn khỉ ấy à?Đại Chấn liếc xéo ông Tường một cái rồi cười nhạt:- Bố ấy à, số bố là cái số để cho người ta giày xéo. Nay có người tôn trọng thì bố lại sợ đơn sợ kép. Bố cứ như thế thì suốt đời cũng chẳng ai coi bố là người đâu! Đi đi, bố cứ yên tâm mà đến đi. Nhị Quân rỡn à? Nó dám ư? Nó có gì nào? Chẳng qua là mấy đồng tiền thối! Nếu nó muốn chọc tức, tôi nổi nóng lên thì đập tan cửa hàng nhà nó. Để xem tôi có dám không nào! - Nói xong, bàn tay cầm kìm vung lên thành tư thế chém.Ông Tường ngán cái cách giơ nanh múa vuốt đó của Đại Chấn, bảo:- Tôi mới chỉ đoán thôi mà anh đã thế rồi, người ta nghe thấy thì còn ra sao nữa!Đại Chấn trề môi rồi lại cười ha ha:- Mặc mẹ nó chứ, nghe thấy thì cứ nghe, ông nó đây sợ ai? Hắn nói to hơn cả vừa rồi. Con chó dữ như nghe được lệnh, chạy đến trước mặt Đại Chấn, nghếch đầu lên nhìn chằm chằm vào chủ, chẳng khác gì một chiến binh chỉ đợi lệnh xuất kích. Từ ngày Đại Chấn làm chuyện ăn chặn đó, ông Tường và vợ đã khuyên bảo nhiều lần. Đại Chấn chỉ im lặng, vẻ phớt lờ, chẳng coi lời họ khuyên ra gì. Vẻ mặt hắn chứng tỏ lời dân làng chửi hắn khi hắn còn bé là đúng (lúc đó người ta chửi hắn là đồ con hoang, hoặc gọi hắn là "Ba Thọt"). Hắn coi thường ông Tường nhưng hắn lại không thể nhận nòi giống của mình nên ngoài mặt vẫn phải giữ quan hệ cha con với ông Tường. Hắn thoả mãn với trạng thái này và chủ động trong trạng thái đó. Nếu một ngày nào ông Tường làm hắn phật ý hắn sẽ trở mặt với ông ngay, không thèm nhận ông là bố nữa. Chuyện ấy hắn có thể làm được, vả chăng còn có thể lợi dụng cớ này để vứt bỏ một vướng mắc. Về việc làm chuyện ăn chặn, hắn có lý lẽ của hắn: Ông bà làm đúng bổn phận thì suốt đời chẳng nghèo rớt đó sao? Có ai coi ông bà là người đâu? Bây giờ cứ có tiền là ông lớn, ông bà chớ cản tôi ăn trộm hay ăn cướp, chỉ cần không giết người là được! Lời hắn nói suýt nữa làm ông Tường tắc họng mà chết. Mỗi lần như thế, chính bộ dạng ngang ngược của hắn, ông Tường chỉ muốn nện cho hắn một trận. Nhưng ông không làm như thế vì ông có niềm riêng và nỗi đau của ông: Dù sao Đại Chấn cũng không phải con đẻ của ông, vì vậy tình cảm của ông đối với hắn cũng vô cùng phức tạp. Ông biết rõ hắn là kẻ hễ nói là làm, ông sợ hắn thù ông. Ông đã già rồi, ông mong sau này Đại Chấn còn làm đám ma cho ông. Ông không thể không dạy bảo nhưng lại không muốn làm quá gay gắt. Đối với Đại Chấn, ông phải hết sức cẩn thận. Lúc này, tuy ông Tường không lời Đại Chấn có khó nghe nhưng ông vẫn thấy chắc dạ hơn. Gần đây ông còn thấy chủ nhiệm thôn thường đến chơi nhà Đại Chấn, uống rượu với đám anh em của hắn, lại còn cùng nhau xưng huynh gọi đệ nữa. Trước đây vợ Đại Chấn thường cãi nhau với chồng, cho rằng chồng gây chuyện bậy bạ, không chịu khó làm ăn lương thiện. Sau đó thấy cuộc sống gia đình ngày một khấm khá, cô ta không còn cãi nhau với chồng nữa. Chẳng những không cãi nhau mà còn chiều lòng chồng trong mọi việc, trở thành vợ hiền mẹ thảo ngay lập tức. Hơn nữa cô ta còn "vũ trang" tối tân từ đầu đến chân. Ngoài quần áo toàn đồ xịn ra, cô còn đeo hoa tai, tay còn đeo nhẫn vàng sáng lấp lánh. Rồi cũng theo đòi người thành phố, cô thoa son, tô mắt, chỉ ngoài giọng nói ra, còn mọi mặt đã theo kịp người thành phố. Cũng lạ là, hễ nghĩ tới việc này, ông Tường không còn giận Đại Chấn nữa. Thậm chí trong thâm tâm, ông còn đắc ý và mừng thầm, bởi vì theo nhìn nhận của ông, người đời nay đều thuộc loại mềm nắn rắn buông. Ông gặp ai cũng tươi cười lấy lòng nhưng chẳng ai coi ông ra gì. Đại Chấn thì không thế, trong thôn, hắn chẳng sợ làm mất lòng ai, thế mà chủ nhiệm thôn lại làm thân với hắn. Vốn dĩ ông Tường còn muốn vào nhà thăm thằng cháu nội, nhưng ông thật lòng không muốn gặp nàng dâu ăn diện nhố nhăng nên lại thôi. Đã có Đại Chấn, ông còn sợ ai nữa! Nghĩ thế, ông bèn quyết định đến nhà Nhị Quân. Theo phong tục của thôn, trước lễ cưới một ngày, người được mời làm chủ hôn thường phải gặp nhà chủ để bàn bạc cách sặp đặt cho lễ cưới ngày hôm sau. Đến trưa, nhà chủ thường sửa soạn vài mâm rượu để thết đãi người giúp đỡ mình. Nếu coi lễ cưới ngày mai là cao trào của vở diễn thì bữa rượu ngày hôm này là màn mở đầu. Ông Tường bảo vợ tìm quần áo cho ông, ông cần một bộ quần áo tươm tất để mặc khi đến nhà Nhị Quân.Thay xong quần áo, vợ ông mắt sáng lên nhìn chồng trong bộ quần áo mới tinh. Nghĩ đến câu "người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân" thật là đúng. Ông Tường mặc chiếc áo nhung bằng lông vũ màu lam thẫm mà vợ ông sau vụ mùa lên thành phố sắm cho ông. Khi bà mang về, ông chỉ mặc có một lúc là cởi ra ngay, lại còn trách bà: "Loại áo này chỉ dành cho bọn trẻ, tôi mặc thế nào được?". Vợ ông bảo: "Ông xem người thành phố đấy, càng già lại càng diện". Nhưng dù bà khuyên bảo đến thế nào ông cũng không mặc, đi ra đi vào vẫn chỉ khoác cái áo ngoài bằng vải màu đen. Bây giờ mặc áo mới đứng trước gương, ông Tường thấy mình bảnh lên rất nhiều, nhất là cái màu lam lóng lánh ánh lên từ chiếc áo lông vũ dường như che lấp những nếp nhăn trên mặt ông, khiến khuôn mặt nhỏ nhắn xương xương ấy như được thoa một lớp kem. Ông Tường thật không ngờ đến hiệu quả này. Ông nháy mắt với vợ, nhếch mép cười để chiếc răng cửa bàn cuốc loé lên một cái.Bốn giờ chiều, ông Tường mới trở về.Vừa vào khỏi cửa, không đợi vợ hỏi, ông đã cười hì hì với bà, hai con mắt lập tức trở thành hình cánh cung, chẳng khác gì dùng bút tô cẩn thận. Bà không nhịn được, hỏi:- Ông nói đi chứ, câm đấy à? Ông Tường bước đến, phà một hơi vào mặt bà, nháy mắt với bà rồi như khoe:- Uống cũng nhiều đấy chứ:Sau đó, ông ngồi trên xôpha, rút thuốc ra, chúm môi rít một hơi, lại cười tủm tỉm.- Người này mời được tôi rồi người khác cũng đến mời rượu tôi. Người này gọi tôi là chú, người kia gọi tôi là bác, bà thử nói xem, tôi mà không cạn ly thì họ có chịu tha cho tôi hay không?Nói xong, ông Tường lại ngoẹo cổ, cười hì hì với bà.Bà lấy tay bịt mũi, nói to:- Gớm, hơi rượu nồng nặc đến ngạt thở mất thôi! - Tuy kêu ca vậy nhưng bà lại vui mừng, hỏi thêm - Có những ai, ông kể ra xem nào! Ông Tường liền kể ra Bé Đen và Nhị Quân. Hai cha con nhìn thấy tôi thì chạy tới hỏi chuyện, lại luôn tay mời tôi uống rượu. Họ nói ra Tết, nhà họ còn định mở một cửa hàng nữa, buôn bán phân hoá học và thuốc trừ sâu, mong Đại Chấn nhà ta để mắt giùm. Ngừng một lát, ông Tường lại bảo vợ:- Bà thấy chưa, thấy chưa đã, nhà họ còn muốn nhờ Đại Chấn trông chừng giúp cho đấy! Mùa đông ngày ngắn, mặt trời dường như cũng sợ lạnh, từ sớm đã lẩn vào sau núi. Ráng chiều cũng chỉ dừng lại tượng trưng một lát rồi tan ngay. Trời tối dần. Vì ngày mai phải dậy sớm nên ăn cơm tối xong, ông Tường chui vào chăn ngủ liền. Nửa đêm, bà vợ giật mình thức giấc vì ông Tường nói lảm nhảm gì đó trong mơ. Dường như ông đang cãi nhau với ai, có lúc tiếng rất to như quát tháo. Bà đánh thức ông dậy. Thì ra ông Tường mơ thấy mình bị cha Nhị Quân là... ông Bé Đen mắng cho một trận. Ông Bé Đen mắng ông quản lý và giáo dục con không tốt, để hắn làm bậy làm bạ. Ông Bé Đen còn mắng ông vong ân bội nghĩa, quên rằng năm xưa ông bị người ta bắt uống nước đái, nhưng chính Bé Đen chỉ đổ nước thường vào chai cho ông uống mà giải nguy được cho ông. Cuối cùng, ông Bé Đen còn nhằm vào mặt ông mà nhổ bẹt một bãi đờm.Tỉnh dậy, ông Tường không sao ngủ tiếp được nữa. Ông khoác áo, nhoài người trên chăn mà hút thuốc. Bên ngoài rất yên tĩnh, chỉ có tiếng gió thổi ù ù, lúc to lúc nhỏ, nhưng không khiến người ta cảm thấy phiền lòng bởi vì đó là tiếng sáo trời. Từ phía xa vang lại mấy tiếng chó sủa vang dội. Ánh trăng lạnh lẽo chiếu qua cửa sổ, in hình những ô vuông nho nhỏ nhàn nhạt, tôi tối trên bệ cửa sổ. Thỉnh thoảng từ bếp lò phát ra tiếng than cháy nổ lép bép. Lúc ấy chuyện đã qua lại hiện lên trước mắt ông. Hồi ấy khi ông bị đấu, có người đã nghĩ ra cách làm nhục ông, đó là bắt ông uống nước đái. Khi ông Tường nhận lấy cái chai do ông Bé Đen đưa cho, ông đành nhắm mắt uống một ngụm nhưng không hề thấy khai mùi nước tiểu. Ông lập tức hiểu ra, nhìn ông Bé Đen với ánh mắt cảm ơn rồi ừng ực uống hết chai "nước đái". Ông thầm nhủ lòng: Nhất định không được quên ơn con người tốt bụng này! Ông Tường cứ vừa nghĩ vừa hút thuốc. Khi từ xa vẳng lại tiếng gà gáy đầu tiên, ông liền trở dậy đi sang nhà Nhị Quân. Vừa đi ông vừa nhẩm tính phải tìm một lý do nào đó để từ chối việc làm chủ hôn hôm nay. Đột nhiên ông mất hết cả niềm tự tin và đắc ý. Tục ngữ có câu: "Con mất dạy là tội của cha". Có một thằng con như thế, ông còn mặt mũi và tư cách nào điều khiển người ta trong một buổi lễ trang trọng như vậy? Hôm nay, ông cũng phải nói chuyện với Đại Chấn. Nếu nó vẫn không nghe lời ông thì ông dứt khoát không nhận nó là con nữa. Trời vẫn chưa sáng hẳn. Điếu thuốc trên tay ông vẫn nhấp nháy sáng, chẳng khác gì đom đóm ngày hè men theo đường thôn chật hẹp bay về phía xa. Thực ra đằng sau ông, cũng là đằng trời phía đông, một vùng sáng màu lòng trắng trứng đã lẳng lặng xuất hiện. Đó là một tín hiệu tốt lành, bởi vì ráng sớm mai chẳng bao lâu nữa sẽ lan rộng ra rồi thiêu đỏ cả một bầu trời...