ự xui Pha mời trương Thi và San đến bàn việc. Ba người cùng chung một số phận, là cuối tháng này bị nghị Lại tịch ký mất ruộng vì không trả được nợ.Đến tối, Thi và San cùng đến. Dự bắc chõng ra sân cho khách ngồi để nói chuyện. Thi than thở:- Tôi với anh Pha thực chả có thù hằn gì nhau, chẳng qua chúng ta mắc lừa tay bợm già. Tôi mất năm sào vì nghe hắn xui dại.San tiếp:- Bây giờ tôi nghĩ lại việc khao cho cháu mới hối hận chứ. Tôi mất đứt mẫu hai, lại còn bị làng nước chê cười là khác nữa.Dự cười thương hại, nói:- Hắn định lấy ruộng vào cuối tháng này của các anh, trước khi được gặt. Các anh có biết không, thế là ăn cắp lúa của các anh, vậy các anh phải thế nào chứ chịu à?Thi và San ngẫm nghĩ một lát. Pha nói:- Tôi mời các bác đến đây để ta bàn nhau việc này. Chứ ta chịu thì hèn lắm.San lắc đầu:- Bác bảo không chịu được thì làm gì được? Người ta giàu có, lại quen quan.Dự xua tay:- Cái đó không làm gì, không đáng sợ. Chỉ đáng sợ ba anh em biết họp nhau mà chống lại hắn, không để cho hắn làm việc trái phép ấy.Thi mừng rỡ nói:- Chi bằng ta gặt quách trước đi. Được hột nào hay hột ấy, còn hơn mất sạch.- Phải, mà ba anh lại nên đồng lòng nhau. Ba anh cứ chờ cho lúa chín rồi cùng nhau ra ruộng, họp sức nhau mà gặt. Đứa nào dám động đến lông các anh, các anh dọa đánh thí mạng, thì đứa nào không khiếp?San sợ hãi nói:- Nhưng hạn nợ mình hết, người ta cầm ruộng trước khi được gặt, thì người ta có thể ngăn mình không cho xâm phạm đến thửa ruộng lúc bấy giờ đã thuộc quyền người ta.Pha đáp:- Tôi tưởng các bác không ngại chỗ đó. Người ta chỉ lợi dụng sự rời rạc của anh em mình để bắt nạt. Nhưng đến khi anh em mình biết hợp sức nhau thì người ta cũng phải kiêng dè. Đẩy một người thì người đó có thể ngã được. Chứ đẩy ba người chụm lại nhau thật chặt chẽ, tôi tính khó lòng nổi. Các bác cứ chờ cho lúa chín, rồi ba anh em mình mạnh, họ không dám giở thói ra đâu.San hỏi:- Thế ngộ ông nghị đem người ra gặt trước?- Thì ta ngăn lại. Cốt nhất bao giờ ta cũng hợp thành một tảng.Dự gật gù nói tiếp:- Nếu các anh chịu nhục, họ sẽ bắt nạt mãi. Ở đời thế đấy, nên các anh phải cứng mới được. Các anh có chịu mất ruộng, cũng chỉ nên chịu nhau khi đã gánh hết lúa về nhà.Ba người yên lặng. Dự lại nói:- Các anh tin rằng khi các anh hăng hái chống lại, thì đến mười ông nghị Lại cũng không làm gì nổi các anh.Pha quả quyết nói:- Tôi thề rằng sẽ chống đến cùng. Trước hết, tôi hãy giúp bác trương Thi gặt chỗ năm sào của bác ấy đã, rồi đến mẫu hai của bác San.Thi và San cảm động, xin hôm nào Pha gặt cũng đến giúp.Thấm thoắt chẳng bao lâu, lúa đã nhuộm vàng cánh đồng. Người ta sắm sửa đi gặt.Pha, Dự, Thi và San rủ nhau ăn cơm thật sớm. Người nào người nấy liềm và đòn càn ra đồng. Bốn người hăm hở làm việc dưới ánh nắng khô khan của mùa thu còn rớt lại. Đến chiều, họ vui vẻ gánh lúa về qua cổng nhà ông nghị. Họ cười nói hả hê, rồi đập lúa cho đến khuya.Thi phục Dự đã nghĩ cho cách rất dễ lấy lại năm sào thóc, và cảm lòng tử tế của bạn.Nhưng tin ấy đến tai nghị Lại. Ông căm hờn gắt:- À, chúng nó hùa nhau cướp lúa nhà ông.Ông cho gọi trương Thi để mắng cho một trận, nhưng Thi không đến. Ông càng tức. Ông hạ lệnh cho đầy tớ, sáng hôm sau ra gặt chỗ mẫu hai của San. Ông dặn:- Đứa nào lôi thôi, cứ gô cổ vào, điệu cho lý trưởng giải lên huyện cho ông.Nhưng bọn người nhà nghị Lại đến ruộng, đã thấy bốn anh em và năm người thợ gặt đang thoăn thoắt cắt lúa. Họ cứ làm lơ, cười nói như thường. Phát lớn tiếng hỏi:- Này, ruộng của quan, sao các anh dám gặt?Dự ngẩng đầu, khuỳnh tay vào háng, vênh mặt hỏi lại:- Quan nào? Quan anh cấy đấy à?- Tôi không lý sự với các anh, quan sai tôi ra gặt.Đoạn hắn bảo thợ:- Cứ xuống cắt đi. Tội vạ đã có quan.Pha, Thi và San mỗi người cầm đòn sàn, chạy lại gần, hung hăng toan đánh. Dự gạt đi mà nói:- Các anh không nên thế. Ta lấy lời lẽ bảo cho nhau hiểu thì hơn. Các anh phải hiểu rằng đây là lúa của bác San thì bác ấy có phép gặt. Ai thò lưỡi liềm cắt một lượm, ấy là ăn trộm lúa, tôi sẽ hô tuần đến bắt.Phát cãi:- Chính các anh gặt trộm. Anh em đâu, xông vào đánh cho bốn thằng một trận.Bốn anh em không biến sắc mặt. Pha cười mai mỉa:- Các anh không có phép, các anh chớ dây dưa với chúng tôi.Dự tiếp:- Các anh định gây sự với chúng tôi. Nhưng tôi hãy hỏi các anh đánh nhau với chúng tôi thì các anh được gì? Thà bảo chúng tôi gặt ruộng các anh thì các anh thiệt nên phải hết sức giữ lấy lợi. Nhưng đây các anh làm thuê cho ông nghị. Chẳng qua, nếu có thắng, các anh chỉ nhận được hai bữa cơm vài xu công, và hơn nữa một lời khen suông không mất tiền. Nhưng các anh có chắc chúng tôi chịu thua các anh không? Các anh phải biết chúng tôi là những thằng liều để sống.Bọn thợ gặt nhà nghị Lại đứng im. Dự lại nói:- Mà các anh có bị thương thì thiệt mình, ông nghị có cho tiền các anh chữa chạy không? Nói tóm lại, chỉ khổ các anh toạc đầu xẻ tai, để giữ quyền lợi cho ông nghị ngồi mà hưởng. Chúng tôi với các anh vốn không thù hằn gì nhau, vậy các anh có nên vì ông nghị mà lôi thôi với chúng tôi hay không? Các anh cũng như chúng tôi, chúng ta là kẻ nghèo. Vậy các anh có nên về hùa với người giàu để bắt nạt lẫn nhau không?Mọi người thở dài can Phát:- Thôi, sinh sự làm gì cho thiệt thân.Dự sung sướng, tươi tỉnh nói tiếp:- Những ruộng lúa chín vàng kia, phần nhiều là của ông nghị, nhưng tôi hãy hỏi giá không có chúng ta làm thì nó đáng giá bao nhiêu tiền? Để kệ ông ấy một mình, thì cả bốn trăm mẫu ấy chỉ là đất bỏ hoang, một xu cũng không đáng. Vậy chính chúng ta là người có công nhất làm cho ông ấy giàu mà ông ấy đền cho ta cái gì? Chẳng đền gì cả. Trái lại, ông ta còn xử tàn nhẫn với chúng ta, chỉ rình dịp để cướp ruộng của chúng ta. Bốn chúng tôi đây, ba người bị ông ấy lấy ruộng. Mà trong các anh, tôi hãy hỏi có ai được ông ấy làm ơn cho gì? Hay cũng oán hận ông ấy như chúng tôi?Bọn người nhà nghị Lại nhìn nhau, có ý cảm động. Họ lảng dần, và sau hết, Phát thấy trơ trọi cũng về, nhưng còn hăm dọa để lấy sĩ diện.- Được, tôi trình quan cho các anh.Pha cười:- Anh trình quan trời tôi cũng không cần, anh Phát ạ. Tôi tưởng anh là người oán ghét ông nghị hơn hết cả tôi mới phải.Phát bẽn lẽn đi về. Bốn anh em đắc chí cười ha hả, càng hăng hái làm việc cho mau chóng. San hỏi:- Ngộ chốc nữa lão ta ra, thì anh em nói thế nào?Dự bĩu môi khinh bỉ đáp:- Hạng người ấy vốn không có lương tâm, nên không thể lấy lời lẽ mà nói được. Nếu họ biết nghe lẽ phải trái đã không tàn ác đến thế. Họ chỉ nghe lợi mà thôi. Cho nên, hễ lôi thôi, thì ta cứ xông lại đánh bừa.Thi bảo Dự:- Thì lúc ấy an tránh ra một chỗ, mặc sức ba chúng tôi, tù chúng tôi chịu.Bốn người bàn nhau vậy, nhưng từ đó đến chiều, họ không bị ai cản trở cả.