Cụ án chán cảnh danh lợi đua chen, cáo quan về làng cũng đã mấy năm rồi. Bây giờ cụ đầu đội khăn nhiễu rối chống gậy trúc lùa cua, chiều chiều thơ thẩn quanh làng... "Vườn xóm cũ, mấy mươi năm lụ khụ lại về đây". Vốn là bậc khoa bảng, cờ biển cân đai... lừng lẫy chẳng kém ai, nhưng làm quan thanh liêm nên khi về hưu, tuy bề ngoài cố giữ nếp nhà quan, mà bên trong xem chừng hiu quạnh.
Bởi thế cho nên cô Chiêu út mấy hôm nay cứ phải băn khoăn để thưa với cha một chuyện.
Buổi tối, ngồi trong lầu tám mái, quen gọi là "Lầu thưởng nguyệt" cho sang, nhưng mành đã phai, gỗ đã mọt; và bên cái án long sơn, đêm nay cụ án thắp nến đọc di cảo, cuốn di cảo của thân phụ - một nhà nho tiết tháo, mà cũng lâu lắm mới có dịp giở đến.
Đã quen lệ, cứ khi nào thấy cụ án mở tráp khóa bạc lấy cuốn sách Thạch bản, giấy hoa tiên, bìa sơn đen... thì cô Chiêu lại tìm nắm trầm hương bài do nhà làm lấy, đốt trong cái lư gia bảo.
Đêm nay có sương lạnh lọt qua tấm mành mỏng, thỉnh thoảng cụ án lại ho. Tiếng ho chen lẫn tiếng trống điểm canh làm cô Chiêu ái ngại.
- Thôi cha ạ. Xin cha dừng sách, nhân tiện con muốn thưa cùng cha một chuyện.
- Gì thế con? Cụ án âu yếm nhìn đứa con gái út mồ côi mẹ, lúc cha "ngựa xe tấp nập" thì còn bé; giờ lớn lên phải sống trong cảnh sa sút quạnh quẽ tội nghiệp.
Cô Chiêu ngập ngừng, đôi má ửng hồng dưới nến. Hôm nay còn ngồi đây bên cha già chí tôn, nhưng kỳ trăng sau sẽ ở đâu với cái phận làm dâu hiếu thảo gánh vác giang san nhà chồng, trong nghĩa tứ đức tam tòng cho xứng với nếp nhà gia giáo.
Bởi vì, bây giờ cũng chả cần câu nệ e dè theo lối cổ xưa quá đáng làm gì, cho nên cô Chiêu nghĩ rằng con gái bàn tính với cha cũng không có gì mất nết gia phong.
Tháng sau đẹp tuổi, đẹp ngày, đẹp giờ tân lang, tân giai nhân, lễ cưới của cô Chiêu đã được định. ý trung nhân của cô Chiêu chẳng khoa bảng cao sang như chồng của hai người chị gái, nhưng cô đâu dám oán thoán! Người ấy cũng cắp sách "tam tự kinh" từ hồi để chỏm, nhưng lỗi mùa sinh; thời thế đổi thay, thi cử bãi bỏ, chữ Thánh hiền chẳng bằng vần chữ Tây dương viết nét bút chì! Người ấy phẫn chí, dù biết rằng "Vạn ban giai hạ phẩm. Duy hữu độc thư cao", nhưng vì sinh kế, đành quay sang nghề buôn tơ. Thôi thì "nhất nghệ tinh nhất thân vinh" là trọng vậy. Nhờ khéo làm ăn, nên dù chẳng được bổng lộc vua ban, người ấy cũng đã có một gia tài kha khá. Bởi thế mới dám dạm hỏi cô gái nhà quan...
Cô Chiêu út năm nay đã ngoài đôi nhăm, má đã bớt hồng, môi đã bớt son, nên dù biết rằng mình xuất giá thế này là đại bất hiếu, mà không đừng được. Ra đi, bỏ mặc một ông già "giấy rách giữ lề" cho một thằng ở vốn quá khinh nhờn cái nếp nhà quan sa sút, ngày ngày chăm sóc...
Cụ án thì chỉ thương con. Không có nam tử nối nghiệp thi thư, chịu cái cảnh "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô"; cụ án dồn hết tình phụ tử cho ba cô Chiêu gọi theo khuôn sáo thì dẫu sao cũng là "kim chi ngọc diệp".
Cái tình của cụ án, nhất là với đứa út này càng nặng sâu lắm lắm. Dù sao thì hai chị nó cũng đã lên xe xuống ngựa, áo gấm hài thêu, đám cưới ngựa hồng ngựa tía dài dặc cả đường cái quan, nửa tổng ra xem. Rồi cả hai đều được hưởng cảnh "ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau" ngày chồng chúng vinh quy trên đường "Hoa cù hồng phấn nữ, Tranh khán lục y lang".
Còn anh chàng bán tơ kia có cái gì cho con gái út của cụ. Cho nên cụ án thương nhất cô cũng là phải lắm.
Suốt tuần trăng khuyết vừa qua, đêm nằm gối đầu lên chiếc gối sơn then, cụ án trằn trọc. Các lễ chạm ngõ, vấn danh, xem mặt, ăn hỏi, xách lễ đầu mùa cơm mới thì đều đã đủ. Người bán tơ cũng không phải hạng lái buôn kẹo kiệt, và dường như cũng chí để cho thiên hạ thấy được một kẻ tuy trong "vạn ban giai hạ phẩm" nhưng ta không đến nỗi nào. Lễ vật của chàng khá sang. Cau liên phòng quả to bằng cái oản, mua từ tỉnh Nam qua đường đò dọc. Trà lọ sứ Vũ Di nhãn hiệu trình tòa với lời cam kết hái ở chính ngọn núi mà hai ông Bá Di Thúc Tề đã sống để trốn công danh đường đời. Bánh thì đủ thứ: su sê gói lá dừa trong như hổ phách! Bánh đậu rồng vàng thửa ở tỉnh Đông, Cốm Vòng thửa ở tỉnh Hà Nội. Chim ngói vài lồng con nào con nấy béo mẫm, vì ăn thóc nếp đầu mùa trên những chân ruộng chín sớm...
Những thứ ấy, cụ án vẫn coi chả là cái gì, dám sự xem thường, nhưng nếu không có, thì cụ lại tủi buồn cho con gái.
Nhà người bán tơ - cụ án khẽ cười một mình vì sự chơi chữ - Chứ không phải thằng bán tơ trong Kim Vân Kiều diễn nôm tân truyện của cụ Tố Như - cũng đã cho người sang để nghe thách cưới, đã "thống kê" tất cả, nhận đủ các khoản; để hôm rày nhà gái chỉ việc đốt pháo hoan tống đứa con chí hiếu xuất giá tòng phu... Tất nhiên lễ cưới chả bằng của hai cô chị thời cụ còn đang chức, nhưng nhom nhem như con nhà bình dân thì coi sao được!
Cụ án đã tính cẩn thận lắm. Cụ chí ghét những cái gì quá nệ cổ, bày vẽ phiền toái. Cốt sao cho hợp người hợp cảnh, đúng mỹ tục thuần phong là hay! Cô Chiêu thương cha, cũng không đòi của hồi môn, như hồi hai cô chị khóc sưng mắt để cố mà đòi bằng được một phần cái gia tài của ông quan án tiếng cả nhà thanh!
Chỉ có một điều này... Cho nên đêm nay, bên hai cây nến bạch lạp, má ửng hồng, ngập ngừng mãi cô mới nói được:
- Cha ơi. Hai chị con hồi đi lấy chồng đều lát tặng làng một đoạn đường gạch Bát Tràng. Bây giờ đến lượt con, sắp chẳng bao giờ còn được ở chốn hương thôn này nữa, con ra đi không được như hai chị con ư...
à... cụ án giật mình nhẹ một cái, đặt cuốn di cảo xuống án. Người cha nhìn đứa con gái đang e thẹn cúi đầu, thầm cảm phục nó. Hóa ra ta đã quá già mà lú lẫn. Hay là ta quen thói cách tân, phá lệ cổ... cụ án tự trách mình. Cố tìm ra cái cớ để mà trách, để mà day dứt. Nhưng cái cớ đáng trách nhất là cái gia tài của một nhà quan sa sút không khuyến khích người ta háo hức những chuyện tốn kém như việc lát cho làng một đoạn đường gạch. Cho nên, cứ lấy cớ đã già, đã lú lẫn, lấy cớ thích cách tân mà trốn tránh quên lãng...
Cô Chiêu vẫn cúi đầu, chưa dám ngẩng lên. Thật là có tội khi cô đưa người cha sắp kề miệng lỗ vào tình huống khó khăn, phải làm một việc quá sức, mà ông đã cố lờ đi.
Cái tội sẽ gấp hai lần, vì rằng nếu cô Chiêu không nhắc đến thì thôi, đã nhắc đến thì vì trọng danh trọng nghĩa, vì sĩ diện bậc đại khoa, cụ án sẽ quyết làm cho bằng được dù đó là gánh nặng gãy lưng.
Bây giờ thì cô Chiêu có muốn rút lui cũng không được nữa rồi. Cụ án là người giữ thể diện ngay cả trước con đẻ của mình.
Đặt tay lên cuốn di cảo, cụ án trầm ngâm. Đôi mắt trũng sâu từng nhìn thấu cái hồn lung linh của chữ nghĩa thánh hiền, nheo lại... Cô Chiêu khẽ lấy kim gạt những giọt nến rớt xuống đài son lướt thướt như những giọt lệ. Lệ từ lửa chảy ra, ban đầu bỏng cháy trong vắt, rồi đặc lại trắng bạch như tuyết băng.
Sáng hôm sau cụ án dậy sớm tự trống canh tư. Tuổi già chẳng ngủ được nhiều, và đó chính là cái họa tày đình đối với thằng Tộ - thằng ở trong nhà. Vì chính lúc nó đang trong cơn ngáy như sấm thì phải vùng dậy quạt than hoa, pha trà ngâu cho cụ uống. Nó quái lạ cho cái thân già cơm nước chẳng là bao, chỉ nhâm nhi hớp trà mà sống.
Thằng Tộ đã rót nước sôi, mùi hoa ngâu bốc lên thơm sực. Hoa ngâu tự mùa thu năm ngoái sao ướp lẫn trong hũ trà đậy kín. Mùi hương của mùa thu năm ngoái.
Trời đã sáng rõ. Những ngón tay cụ án gầy xác thanh tao bưng chén trà cho khói bốc lên lửng lơ hòa lẫn với ngụm sương sớm lởn vởn bay vào song cửa trúc.
Thằng Tộ biết thân biết phận, xuống nhà bếp tranh thủ giải quyết cho hết nồi cơm tẻ với đĩa cá kho, để còn có sức theo hầu cụ án hôm nay.
Mùi hoa ngâu theo hơi trà bắt đầu thoang thoảng trong sương làm hai người học trò của cụ án vừa chợt đến bậc thềm đá nhà khách, đưa mắt nhìn nhau.
Hai người học trò mà vấn khăn vải, áo cộc, quần nhấn vỏ già như hai lực điền. Không. Chính là hai lực điền đấy. Nhưng học trò thì vẫn cứ là học trò hẳn hoi. Học trò hẳn ông Nghè, nghe mà phát sợ... Là vì thế này, trước kia vừa quệt mũi thò lò, chúng vừa bò ra đất học "Nhân chi sơ" do cụ án dạy. Cụ Nghè bình dân gọi tất cả trẻ con trong làng, ai muốn học, cứ việc đến chẳng phải tiền nong lễ nghĩa gì. Các bác thợ cày trong làng bừng lóe lên trong đầu một ý biết đâu con giai ta sau này chả cờ biển như ai. Các bác dùng roi trâu để dòng những đứa con nghịch ngợm cốc lếu đến nhà thầy. Chỉ đến khi nhà vua bãi bỏ thi cử, các bác mới bừng tỉnh giấc mộng vàng, mà dùng roi trâu để dòng con ra đồng tập cày tập cấy.
Vì thế biết bao nhiêu lực điền trong làng giờ đây được mang danh là học trò của bậc khoa bảng này... "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", chịu ơn thầy, mỗi khi thầy có việc gì, ới một tiếng là chúng đến ngay, làm giúp không công. Chứ cụ án lấy tiền đâu mà nuôi kẻ hầu người hạ trong nhà.
Hai người lực điền chắp tay chào thầy từ cửa chính diện. Cụ án tươi cười mời chúng một hớp trà ngâu. Trong lúc đó, thằng Tộ lăng xăng lôi ra chiếc cáng gỗ dâu đầu cong trạm trổ lân phượng đã tróc sơn, và tấm rèm thêu trúc điểu tượng trưng cho người quân tử.
Cụ án mặc áo sa lam phủ ngoài, áo vóc hồng chữ thọ bên trong, bước ra hè. Hai người lực điền chúc nghiêng cáng xuống cho cụ án vén áo bước lên.
- Đi sớm khỏi nắng hai con ạ...
Khi cái cáng ra đến cổng, thằng Tộ mới lật đật ôm tráp, cắp guốc vào nách chạy theo. Hôm nay cụ án lên phố Phủ, đến đấy thì nó cũng phải xỏ đôi guốc vào chân cho ra dáng một tý chứ.
Cô Chiêu tiễn cha ra đến cổng làng. Khi chiếc cáng mất hút giữa đồng, cô mới lững thững quay về, lòng dạ bồn chồn. Trong nắng sớm đầu thu vàng hoe, cô đứng như mất hồn giữa cái sân gạch mênh mông vắng vẻ, mà tưởng tượng ra cái cảnh hiệu buôn tơ với người chủ trẻ tuổi - chồng sắp cưới của cô, sẽ đón tiếp cha già mình như thế nào.
Cụ án đến gặp con rể cũng vì chuyện con đường gạch sắp lát tặng làng, mà cô đề xuất.
Tất nhiên trong các khoản thách cưới mà người chủ hiệu buôn tơ đã "thống kê" không có mục lát đường làng cho tân giai nhân. Một đoạn đường, đâu phải chuyện đùa, bằng xây một tòa nhà to; nhưng đã dám chòi mòi lấy vợ con quan, đường đường là anh em đồng hao với hai quan Nghè trẻ tuổi thì thằng bán tơ này, dù có phải sạt nghiệp cũng chẳng dám từ nan.
Cả cụ án lẫn cô Chiêu đều tin người ấy sẽ nghĩ như thế. Và đó chính là "đức hạnh" của chàng giai tế út.
Phần cô Chiêu - bà chủ tương lai hiệu buôn tơ phố Phủ - sẵn sàng chịu cảnh tiền nong eo hẹp hơn một chút trong chi tiêu, cũng chẳng sao.
Phần cụ án, phải hao hụt cái gia tài của ông quan nghèo, cũng xin vui vẻ.
Và đám cưới bớt bò thui, bớt lễ nghi tốn kém, để cho làng thêm đoạn đường gạch đỏ au, thật là phải lắm.
Cái "sáng kiến" này, cụ án đã nghĩ ra, sau một đêm trằn trọc...
°
... Cơn mưa đầu thu rơi thoảng qua, nhè nhẹ rồi dứt hẳn. Cô Chiêu nhìn lên giời thấy nắng hoe, lòng dạ vững hơn. Nhưng cô vẫn bồn chồn vô hạn như đứng trên lửa như ngồi trên than. Đến khi thằng Tộ quần áo xốc xếch chạy từ cổng vào reo lên: "Cô ơi, thuyền đinh áp bến rồi, phu đang chuyển gạch" thì cô mới như hất được tảng đá đè trên ngực.
- Cô Chiêu ơi, toàn gạch Bát Tràng mầu gan gà, đẹp không để đâu hết đẹp, cô ra mà xem.
Cô Chiêu cười vờ vĩnh:
- Ra làm gì...
Rồi cô lại làm bộ thản nhiên hờ hững dửng dưng. Nhưng khi thằng Tộ vừa đi khỏi, cô chạy ù vào buồng sập cửa, gieo người lên giường tuôn dòng nước mắt.
Thằng Tộ lại ra bến sông. Nó lăng xăng nhắng nhít trước mặt dân làng. Nó hò hét quát tháo phu khuân gạch. Nó bẹo tai trẻ con, chòng ghẹo các cô gái:
- Này... chúng mày... liệu hồn đấy nhé... Đứa nào lấy chồng cũng phải như thế này!
- Chúng tôi con nhà nghèo lấy đâu ra.
- Không thì để mốc đến già!
Bọn con gái cười ré lên. Thằng Tộ thấy mình oai lạ. Nó bẹo vào từng đôi má đỏ hây hây của các cô. Rồi vừa đi vừa vắt vẻo chiếc roi trên vai nghêu ngao hát:
Người xinh cái dáng cũng xinh
Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn
Cắc tùng... cắc tùng tùng cắc cắc...
Gạch của cô Chiêu lát ở đoạn đường xế cửa đình. Chỗ ấy xưa lầy lội thụt móng chân trâu, đầy lá tre khô. Tốp trai đinh do cụ Thượng râu nhất chỉ huy đang tấp nập rẫy cỏ san nền. Gạch về đến đâu, xếp đến đấy. Lệ lát gạch đường làng là phải xếp nghiêng, nên tốn kinh khủng. Chiều rộng phải đủ năm thước ta, để mỗi năm vào đám tháng hai, rước hội, kéo ngựa gỗ đi được.
Còn chiều dài thì tùy. Con gái cụ Bá, cụ Chánh, cụ Lý, cụ Đồ, râu nhất râu nhì, bố hĩm mẹ cu... ai giàu thì lát chục sải chân, ai nghèo một vài gang tay cũng được.
Cô Chiêu, con quan án, không lát thì thôi chứ đã lát mà toen hoẻn một tầm nhảy con nghé thì còn ra làm sao.
Cho nên bọn trai đinh hôm nay là làm khướt. Chúng cởi trần hò hét nhau, quát tháo nhau làm cho đẹp cho phẳng.
Thằng Tộ khệnh khạng đi thử trên những viên gạch nghiêng ken sít nhau đều tăm tắp. Bàn chân sù sì như rễ cây của nó đặt bước danh dự đầu tiên "cắt băng khánh thành" oai vệ như ông tướng. Cả ngày nó chẳng ăn uống gì. Đến ngang chiều, khi viên gạch cuối cùng đặt xong, nó chạy về gọi váng ngoài ngõ:
- Cô Chiêu ơi, đường đã lát xong, dài hai mươi sải.
Cô Chiêu đang ngồi, tưởng như thời gian ngưng lại, không trôi, không biết đang là sáng hay chiều... Bây giờ chạy ù vào buồng sập cửa. Và lần này thì cô khóc thật sự, khóc như mưa như gió...
Đám cưới cô Chiêu cử hành đúng ngày đã định vào một buổi thu đã nẫu vàng như hoa cúc muộn. Lễ rước dâu vòng quanh qua những đoạn đường gạch của các cô gái làng từ đời xưa nối tiếp nhau để lại. Có đoạn của cô răng trắng má hồng sắc nước hương trời một thời, mà giờ chỉ còn là cát bụi. Có đoạn của con bé mò cua bắt ốc dành dụm tích cóp từng viên gạch. Có đoạn từng viên như là chứng tích của sự ế duyên muộn màng. Có đoạn của người bị gả bán ép buộc, từng viên còn nhức nhói kêu than. Có đoạn của người chết yểu, từng viên mồ côi khóc cho mệnh bạc. Có đoạn của người nhầm duyên lạc số vẫn còn trơ đó chòng ghẹo, trớ trêu...
Đời này qua đời khác, năm này qua năm khác, những đoạn đường làng lát gạch cứ dài thêm mãi như là những tình duyên nối tiếp cho dòng giống sinh tồn. Có đoạn với hòn đá cõi, với loại gạch, kiểu xếp để đánh dấu; nhưng cũng nhiều đoạn chẳng dấu má gì, mà người ta vẫn cứ nhận ra của mình dù đã mấy chục năm qua...
Thời gian, mưa nắng chẳng phai nhạt được những viên gạch sắc đỏ, những mối tình muôn thuở...
Những con đường làng là bản tình ca nối nhau không bao giờ kết thúc...
... Bà chủ hiệu buôn tơ giờ đi trên những con đường rải đá răm phố Phủ, phố tỉnh lỏn nhỏn cứt ngựa xe quan. Mỗi năm bà về làng quê một lần để được dạo qua đoạn đường gạch dài hai mươi sải, xế cửa đình.
Bà chưa thấy hòn gạch nào bị khuyết, chỉ thỉnh thoảng cỏ gà xấn xổ mọc vào kẽ gạch mòn trơ. Sau mưa mầu gạch vẫn đỏ tươi như mới...
Còn tóc bà thì mỗi năm thêm bạc. Cho đến một ngày kia, người làng bỗng thấy biệt tăm, không còn thấy cái bóng bà già phố Phủ vẫn hay đi lại trên đoạn đường xế cửa đình làng họ nữa...

Xem Tiếp: ----