“Tới Đức Phổ rồi, mầy hỏi có ai biết đường về Chợ Chùa gần đây không. Trời tối như mực mà xuống tuốt ngoài ga Quảng Ngãi thì ai ra đó mà đón.” Lời nói nặng nề như trách móc của người đàn bà đeo khẩu trang che kín khuông mặt, ngồi bên cạnh người con gái độ mười chín, hai mười tuổi. “Sao má hung quá vậy, để từ từ rồi tìm đường … về.” Người con gái nói trong vẻ lo âu. Nghe hai tiếng Chợ Chùa tôi chợt nhớ và muốn hỏi người con gái có biết ông thầy thuốc bắc tên Trợ ở đó không, nhưng rồi tôi lại làm thinh. Anh Khanh, người quê tôi, làm nghề thầy thuốc bắc ở Chợ Chùa sau này qua đời đã truyền nghề lại cho đứa con tên Trợ. Lâu lắm rồi, từ ngày quê hương bị đốt cháy, tôi cũng chưa có lần gặp lại thằng Trợ. Hai giờ rưỡi khuya chiếc xe đò vừa qua khỏi quận lỵ Mộ Đức. Anh Chín bảo lơ xe cho dừng xe trước chợ Thy Phổ. Một hồi sau chiếc xe chạy chầm chậm rồi ngừng lại bên lề đường. Trước khi bước xuống xe, anh Chín quay đầu lại nhắc người con gái: “Cháu coi chừng khi xe qua khỏi cầu Sông Vệ khoảng vài trăm met nhớ bảo xe ngừng lại, tại đó có ngã ba đi về Chợ Chùa.” Người con gái khẻ dạ rồi đưa mắt nhìn ngoài trời tối thui với gương mặt mang nhiều nét lo lắng. Tôi bước theo sau anh Chín xuống xe. Người tài xế và lơ xe hì hạch lôi chiếc xe Honda ra khỏi khoang hành lý dưới gầm xe, dựng bên lề đường. Rồi chiếc xe đò Phi Long trên tuyến Sài Gòn Đà Nẳng vụt chạy về hướng thị xã Quảng Ngãi, trong nháy mắt tiếng động cơ đã chìm trong bóng tối, và ngoài đường chỉ còn hai bóng người trở về tìm lại quê hương. Tôi nói anh Chín trời còn khuya quá, anh em tìm nhà trọ nghỉ qua đêm rồi sáng mai hãy đi. Chiếc xe Honda đã bị mấy người lơ xe rút hết xăng trước khi bỏ vào khoang hành lý. Anh Chín dắt chiếc xe dọc trên quốc lộ 1 đi tìm cây xăng. Trời vẫn còn tối như mực, hai bên đường dọc theo thị trấn Thy Phổ phố xá còn chìm trong giấc ngủ. Bên cạnh lề đường một cây xăng vẫn còn mở cửa, bóng đèn mập mờ và người bán xăng đang nằm ngủ gục trên chiếc ghế. Anh Chín đập mạnh vào cửa kính và nói to: “Đổ xăng, đổ xăng, đổ xăng em ơi.” “Xăng đổ đâu, đổ đâu, đâu đâu …” Người đổ xăng hốt hoảng la lên như trong cơn mê. “Không, qua nói đổ xăng cho xe qua đây nề, chứ đâu phải xăng em đổ đâu!” Anh Chín vừa nói vừa cười. “Làm hết hồn.” Người bán xăng dụi mắt và mở cửa bước ra. Tôi bật cười trong mệt mỏi và cơn buồn ngủ cũng bay đi. Chiếc xe Honda được đổ đầy xăng, tôi hỏi người bán xăng chỉ dùm khách sạn nào gần đây để ngủ qua đêm. Rồi tôi ngồi phía sau và anh Chín chạy về hướng ngón tay chỉ dẫn của người bán xăng. Nơi đó là nhà nghỉ Như Ý, nằm bên trong quốc lộ 1 khoảng chừng 100 met. Sáu giờ sáng tôi đánh thức anh Chín. Nhìn qua khe cửa ánh nắng đã rọi về trên ngọn tre. Tôi mặt đồ, đánh răng, rửa mặt rồi bước ra sân nhìn ánh nắng ban mai đang chui qua những rặng tre và chiếu trên hàng cau bên sân nhà ai. Một buổi sáng trong lành ở miền quê, một đàn gà quanh quẩn trong cái ví, hai chân bưới liên hồi, miệng kêu lục tục mổ những hòn sỏi trên mặt đất, nhả ra rồi lại mổ lên. Cảnh bình minh ở miền quê thật là bình yên! Tôi vươn vai hít một hơi thở mạnh rồi bước vào phòng tiếp khách của nhà nghỉ Như Ý. Vợ chồng người chủ khách sạn cở chừng bốn mươi, dáng người rắn chắc, mời tôi ly nước trà và ngồi trò chuyện trong phòng khách. Người chủ khách sạn trao đổi vài câu chuyện về cuộc sống của người dân ở thị trấn Thy Phổ. Khi điếu thuốc đã tàn hơn nữa thì anh Chín bước ra và tôi bắt tay chào vợ chồng người chủ khách sạn. Anh Chín nổ xe, chào ông bà chủ Như Ý rồi chiếc xe lăng bánh. Từ đây tôi theo anh Chín về quê Hành Thịnh. Đang ở gần chợ Thy Phổ nên anh Chín muốn ghé vào chợ mua chút ít cá ngừ về quê biếu bà con và cũng cần mua ít nhan đèn để thăm mộ Cha. Anh Chín nói mỗi lần về quê ghé ngan chợ Thy Phố thường mua cá ngừ đem bỏ nhà cô Năm Ba Ba nhờ cô nấu để ăn với bún. Ảnh nói chỉ có cô Năm Ba Ba là người nấu cá ngừ ngon nhứt thôi! Chợ Thy Phổ, cái chợ mà ngày xưa còn bé tôi chỉ nghe nói đến chứ chưa bao giờ được bước chân tới. Ngày đó tôi chỉ biết đi chợ Thy Phổ là sang lắm, là lớn lắm, vì chợ Thy Phổ có nhiều cá ngon, nhưng xa nhà. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi được đi chợ Thy Phổ! Vậy mà tôi thấy vui trong bụng. Nhưng con đường đất sét vào chợ Thy Phổ mang đầy vết sẹo, không biết ba mươi năm trước chị tôi có thấy những vết loang trên mặt đường như hôm nay không? Qua khỏi chợ Thy Phổ một chút anh Chín quẹo vào ngã ba để về Núi Đồi. Mỗi lần nghe hai chữ Núi Đồi là lòng tôi lại rộn lên. Cái ký ức ngày xưa nó lại hiện về. Ngày đó tôi còn bé lắm, và mỗi lần tôi được Cha cho theo về Núi Đồi ăn giỗ nhà Nội là tôi vui không thể tả! Tôi ríu rít, lấn quấn như con sâu đo ngay cả trước giờ lên đường (và suốt cả con đường đi về nhà Nội.) Ngày đó tôi như con chim non hớn hở chạy tung tăng theo Cha mỗi lần về Núi Đồi. Cha tôi dẫn tôi ra đường cái quan, từ đó đi xuống miết và băng qua cánh đồng An Ba, bước qua một cây cầu là đến Núi Đồi. Từ nhà tôi đến Núi Đồi chỉ chừng ba bốn cây số mà ngày ấy tôi thấy xa quá! Nên mỗi lần được đi Núi Đồi là tôi thấy như được đi đến một phương trời xa lạ, với biết bao điều ngỡ ngàng. Tôi như chú bé Pinocchio, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trên mỗi bước chân qua bờ đê. Tôi dương mắt to và sờ mò những vật bên đường như muốn ôm trọn vào trong túi. Mà chú dế Germany Cricket lại là Cha tôi. Tôi được đi qua con đường rầy xe lửa, nếu lúc hên thì tôi được nhìn những toa xe lửa nối đuôi nhau chạy như một con rắn khổng lồ. Và tôi thích nhất là lượm những hòn đá xanh trên đường rầy xe lửa mang về đẽo bi. Qua khỏi đường rầy xe lửa tôi đũng đẳng đi theo sau Cha lội qua gò mả trên một ngọn đồi, ngọn đồi đó chính là Núi Đồi. Bên cạnh những nấm mồ là một nhà ga làm bằng gạch đơn sơ. Rác và giấy vụn nằm lay lấc xung quanh những bức từng dường như đổ nát. Mà sau này mỗi lần nghe nhắc đến những nấm mồ bên cạnh sân ga là lòng tôi chùn lại với ký ức ngày xưa! Những ngày tôi được về Núi Đồi với Cha, với những kỷ niệm thật êm đềm của tuổi thơ trên bờ đê mà Cha đã mang lại cho tôi. Nhưng hôm nay tôi trở về Núi Đồi thì Cha tôi đã mất! Và chỉ còn lại nấm mồ nằm hiu quạnh bên cạnh Núi Đồi! Đã bao nhiêu năm rồi, hôm nay tôi được ngồi bên Cha. Gò mả ở Núi Đồi và đường rầy xe lửa ngày xưa bây giờ đã lu mờ trong tôi, tôi không còn đi lượm đá xanh để khẻ bi, không còn được ôm chân Cha sợ hãi nhìn đoàn tàu chạy qua trước mặt. Tôi chỉ ngồi đây với một trời thương nhớ, Cha tôi. Thời gian đã trôi qua rồi, đứa bé năm tuổi trong tôi bây giờ đang gục đầu hoài niệm hình ảnh người Cha thân yêu qua hương khói một buổi chiều. Và lúc nào cũng tự hào ở nơi Cha, con đã lớn khôn.Đồng Sa Băng. 12/4/2008.