Khoảng bốn giờ chiều. Một chiếc xe đò chạy trên quốc lộ 1, đến một ngã ba, xe dừng lại. Một cơn trốt ùa đến thổi cát bụi và khói xe bay mù trời khiến không còn nhìn thấy chiếc xe. Người lơ xe kêu lớn: “Đến Phan Rí rồi, xuống đi anh Hai!”. Tiếng cửa xe đóng lại rồi xe chạy vụt đi. Cơn trốt lắng xuống. Thạch tay cầm túi xách, tay cầm khăn lau bụi bám đầy mặt.Trời nắng gắt. Thạch đi vào một con đường nhỏ, hai bên đường là những hàng cây keo lá bám đầy bụi. Thạch đưa mắt tìm người hỏi thăm đường. Những người lái xe Honda phóng vụt qua. Một cô gái mặc áo tím than từ trong hẻm bước ra. Thạch vội chạy đến hỏi thăm:- Em có thể chỉ cho tôi biết đường đến hãng sản xuất nước mắm Hương Biển.Cô gái mở đôi mắt tròn xoe nhìn Thạch từ đầu đến chân rồi hỏi lại:- Ông đến đó mua nước mắm à?- Không. Tôi đến đó xin việc làm.- Em cũng về cùng đường đó. Vậy, ông cứ đi theo em.Thạch nói cám ơn và bước đi song song cùng cô gái. Em dừng lại và lắc đầu.- Ông hãy đi sau em vài bước. Đi bên em người ta sẽ đồn um lên ngay.- Đồn chuyện gì?- Đồn em có …bồ!- Trời đất! Bộ ở đây người ta thích bàn chuyện của người khác lắm sao?- Vâng, chỗ nhỏ bé mà. Mong ông cảm phiền.Thạch lắc đầu, đứng lại đợi cô bé đi trước vài bước rồi anh lủi thủi bước theo sau.Đến một con hẻm vắng, hai bên là những dãy tường trét xi măng mà không quét vôi, Thạch vội bước lên đi song đôi cùng cô gái và nói:- Đi một mình lủi thủi phía sau, tôi thấy tủi thân quá!Cô gái trợn mắt hỏi:- Sao vậy?- Tôi có cảm tưởng người ở đây đã hắt hủi tôi.- Vậy ông còn đến đây làm gì?- Tại tôi đang thất nghiệp và hãng nước mắm Hương Biển đã nhận tôi làm thư ký.Cô gái lắc đầu, cười:- Sợ ông không chịu nổi đâu.- Làm thư ký có gì nặng nhọc mà không chịu nổi?- Không. Em muốn nói mùi nước mắm kìa.- Đó là mùi đặc biệt của quê hương. Người Việt Nam ở nước ngoài còn nhớ đến nó. Sao em nói tôi không chịu nổi?- Rồi ông sẽ biết mà.Hai người đi đến bờ sông đậu đầy ghe chài. Cô gái chỉ một ngôi nhà lớn có tường bao quanh, trước cổng có tấm bảng: “Hãng nước mắm Hương Biển”.- Đây là nơi ông muốn đến. Em chúc ông may mắn.Từ khi thất nghiệp, lần đầu tiên Thạch nghe có người chúc mình may mắn nên anh cảm động nói:- Cảm ơn em. Em có thể cho tôi biết tên?- Nếu ông làm việc ở hãng nước mắm này ông sẽ biết tên em. Vì em cũng thường đến đây giao cá. Thôi, chào ông!Thạch đứng nhìn cô gái đi khuất vào đám đông trên bờ sông rồi anh đẩy cổng hãng nước mắm, bước vào. Một phụ nữ mặc áo hoa màu vàng nhạt đang ngồi xem sổ sách. Thạch hỏi thăm văn phòng ông giám đốc. Chị chỉ cánh cửa gỗ màu nâu sậm đóng kín. Thạch đến gõ cửa.- Vào đi.Thạch mở cửa bước vào. Một người đàn ông tóc bạc khoảng sáu mươi tuổi, đeo kính trắng đang ngồi ở bàn làm việc.- Thưa bác, cháu là Thạch. Anh Tuấn đã giới thiệu cháu ra đây!Thạch để đơn xin việc cùng văn bằng lên bàn. Ông giám đốc đọc qua giấy tờ rồi nói:- Tôi cũng đã nhận được điện thoại của cháu Tuấn giới thiệu cậu. Làm thư ký ở đây không phải chỉ ngồi ở văn phòng mà cậu còn phải đi các nơi giao nhận hàng. Cậu đồng ý làm công việc nặng nhọc như vậy không?- Dạ, cháu đồng ý.- Vậy cậu bắt đầu làm việc từ sáng mai. Cậu đã có chỗ trọ chưa?- Dạ chưa. Cháu mới đến đây chiều nay.- Được rồi, tôi sẽ nói chú Sáu lo cho cậu một chỗ ở tạm ngay trong nhà lều. Nếu sau đó cậu thấy bất tiện thì có thể thuê chỗ ở khác.- Dạ cảm ơn bác.Ông giám đốc bấm nút chiếc chuông điện đặt trên bàn. Lúc sau, một người đàn ông tóc hoa râm, mặc quần áo bà ba đen, bước vào. Ông giám đốc nói:- Chú Sáu thu xếp chỗ ở cho cậu Thạch ở nhà lều. Có thể lấy chỗ của anh thư ký đã ở trước.- Dạ ông để tôi thu xếp. Mời cậu đi theo tôi.Thạch cúi chào ông giám đốc rồi xách túi đi theo chú Sáu. Phía sau toà nhà của ông giám đốc là khu nhà lều, rộng mênh mông. Những thùng gỗ làm nước mắm được xếp thành hàng dài, có lối đi ở giữa. Đến một góc nhà lều, chú Sáu chỉ một chiếc giường nhỏ và một cái tủ gỗ.- Cậu ở tạm chỗ này. Đây là chỗ ở của người thư ký trước, cậu ta làm được ba tháng thì xin nghỉ việc.Thạch để túi xách lên giường, móc túi lấy gói thuốc mời chú Sáu một điếu và hỏi:- Sao anh ta nghỉ việc vậy chú?Chú Sáu hút một hơi thuốc rồi nói:- Cậu ta chịu không nổi mùi nước mắm.Thạch cười:- Tưởng gì khó khăn chứ mùi nước mắm cháu dư sức chịu được mà. Cháu sẽ dễ dàng vượt qua ba tháng ở đây của anh ấy.- Cậu đừng nói trước. Đến ngày lấy ”xác mắm” cậu mới hiểu mùi nước mắm như thế nào. Cậu định ăn cơm ở đây hay ngoài quán?- Chú cho cháu ăn cơm luôn ở đây cho tiện. Cháu sẽ đóng góp tiền nhờ chú nấu cơm.- Vậy sẵn bữa, mời cậu ăn cơm luôn.Chú Sáu dọn cơm lên một chiếc bàn gỗ. Một tô canh cá, một đĩa mực xào và một đĩa rau lang luộc.- Mời cậu. Tôi ăn sơ sài, sợ cậu ăn không được.Thạch ngồi vào bàn, bới cơm vào chén cho chú Sáu và cho anh.- Cháu đang thất nghiệp mà. Có miếng ăn là quý rồi, còn đòi hỏi chi nữa. Chú cũng ở nơi xa đến đây làm việc sao?Chú Sáu vừa ăn cơm vừa trò chuyện:- Nhà tôi ở xóm chài gần biển. Thỉnh thoảng, tôi mới ghé về nhà. Tôi thường trực ở nơi đây để coi mấy thùng nước mắm. Cậu bao nhiêu tuổi rồi?- Da, cháu hăm bảy.- Vậy bằng tuổi thằng con trai đầu của tôi. Nó đã có vợ và hai con. Còn cậu được mấy đứa rồi?Thạch bật cười:- Cháu còn độc thân. Cháu sống với mẹ và cô em gái còn đi học ở Sài Gòn.- Sài Gòn to lớn, đông vui lắm. Ở đây nhỏ xíu, buồn hiu nên lớp trẻ đều bỏ đi, đến thành phố lớn tìm việc làm. Rồi cậu cũng buồn chán xứ này mà bỏ đi ngay.Thạch đứng dậy, đến bên tờ lịch năm có in hình những cao ốc ở Sài Gòn, dán bên hông tủ gỗ. Anh lấy viết vòng mấy con số.- Cháu đến đây ngày ba tháng tư, đến ngày ba tháng bảy là tròn ba tháng. Chú sẽ thấy cháu sống qua mùa hè ở đây và sẽ còn sống dài dài ở đây…