Khi đã trở về căn hộ của mình, Jean ngã gục xuống trường kỷ, bởi những đau buồn và lo lắng khiến cho người anh chàng muốn chạy lang thang và bỏ trốn như một con thú bị săn đuổi lại tác động theo cách khác đến tư chất uỷ mị của chàng, khiến chân tay chàng rời rã. Chàng cảm thấy người mềm nhũn đến không cử động được, không vào giường nổi, mêm nhũn về cơ thể và tinh thần bải hoải và sầu não. Chàng không bị giống như Pierre, bị giáng vào tình yêu thuần khiết trong trẻo của đứa con, vào niềm tự tôn thầm kín bao bọc những trái tim kiêu hãnh, mà bị một đòn của số phận đe doạ cùng một lúc những lợi ích thân thiết nhất với mình. Cuối cùng khi tâm hồn đã yên ả lại, khi ý nghĩ đã sáng sủa ra giống như một làn nước bị vỗ đập và khuấy đảo, chàng liền xem xét tình thế mà mọi người vừa phát lộ với chàng. Giá như chàng được biết theo bất kỳ cách nào khác bí mật về việc chàng ra đời, chắc chắn chàng sẽ công phẫn và sẽ cảm thấy đau buồn sâu sắc, nhưng sau trận cãi cọ với anh, sau cái cảm giác dữ dằn thô bảo làm rung chuyển thần kinh chàng, niềm xúc động thắt lòng trong lời thú tội của mẹ đã khiến chàng không còn nghị lực để phản kháng. Tính đa cảm nơi chàng bị một chấn động đủ mạnh để cuốn đi, trong nỗi mủi lòng không sao cưỡng nổi, mọi thành kiê;nó và mọi mẫn cảm thiêng liêng của đạo lý tự nhiên. Vả lại, chàng không thành phố flà người có sức đề kháng. Chàng chẳng thích đấu tranh chống ai hết và càng chàng thích chống lại chính mình, vậy là chàng cam chịu, và do một thiên hướng mang tính bản năng, do bẩm sinh ưa an tĩnh, một cuộc sống êm đềm và bình lặng, chàng lập tức lo lắng về những biến động sắp xuất hiện quqanh chàng đồng thời xâm hại đến chàng. Chàng dự cảm rằng những biến động ấy không sao tránh khỏi, và, để gạt khỏi chúng, chàng quyết định nỗ lực một cách phi thường về mặt cương nghị và năng động. Điều gay go phải được giải quyết tức khắc, ngay từ ngày mai, đã từng lúc chàng cũng cảm thấy nhu cầu khẩn thiết phải có những giải pháp tức thời, nhu cầu này tạo nên toàn bộ sức mạnh ở những kẻ nhu nhược, không có khả năng mong muốn lâu dài. Đầu óc luật sư nơi chàng, vốn quen tháo gỡ và nghiên cứu các tình thế phức tạp, các vấn đề riêng tư, trong những gia đình gặp rắc rối, liền phát hiện ngay tức khắc những hậu quả mà trạng thái tâm hồn của anh chàng đã gây ra. Dù không muốn chàng vẫn xem xét kết quả từ quan điểm gần như chuyên môn, như thể chàng điều chỉnh các quan hệ trong tương lại của khách hàng sau một tai hoạ về phương diện tinh thần. Dĩ nhiên một sự tiếp xúc liên tục với Pierre chàng thấy không chịu nổi. Chàng sẽ tránh mặt anh dễ dàng bằng cách ở lại nhà mình, nhưng cũng không thể thể chấp nhận được việc bà mẹ tiếp tục ở trong cùng một nhà với con trai lớn. Và chàng nghiền ngẫm rất lâu, nằm bất động trên đệm, nghĩ ra rồi gạt đi những điều trù liệu mà chẳng tìm được điều gì có thể thoả mãn được mình. Nhưng một ý tưởng bất thần tấn công chàng. Cái gia sản mà chàng đã nhận, một người chính trực liệu có giữ nó hay không? Thoạt tiên chàng tự trả lời "Không", và quyết định tặng nó cho người nghèo. Gay thật, mặc. Chàng sẽ bán đồ đạc của mình đi, và sẽ làm việc như mọi người khác, như tất cả những ai mới khởi đầu, cái quyết định hùng dũng và đau xót ấy kích thích lòng can dảm, chàng đứng dậy đến áp trán vào cửa kính. Chàng đã từng nghèo, chàng sẽ lại nghèo. Rốt cuộc chàng chẳng vì thế mà chết đâu. Đôi mắt chàng nhìn ngọn đèn khí đang cháy sáng trước mặt, ở bên ngoài đường phố. Rồi, nhân có một người đàn bà đi chơi khuya qua đường, chàng đột nhiên nghĩ tới nàng Rosémilly và con tim bỗng chấn động bởi những tình cảm sâu sắc nảy sinh trong ta từ một ý tưởng ác nghiệt. tất cả những hậu quả não lòng của quyết định cùng xuất hiện đồng thời trước chàng. Chàng sẽ phải từ bỏ việc cưới người phụ nữ ấy, từ bỏ hạnh phúc, hết thảy. Chàng có thể xử sự như thế được chăng, giờ đây khi chàng đã đính ước với nàng? Nàng đã chấp nhận chàng và biết chàng giàu. Chàng nghèo, nàng vẫn sẽ chấp nhận, nhưng chàng có quyền đòi hỏi nàng, áp đặt cho nàng sự hy sinh đó hay không? Giữ lại số tiền ấy như một khoản ký thác về sau sẽ hoàn trả những người nghèo khó, có hay hơn không? Và trong tâm hồn chàng, nơi sự ích kỷ mang những mặt nạ lương thiện, tất cả các quyền lợi nguỵ trang cùng tranh đấu chống lại nha. Những áy náy đầu tiên nhường chỗ cho những lập luận khôn khéo, đã xuất hiện trở lại, rồi tan đi. Chàng quay lại ngồi xuống ghế, tìm một lý do quyết định, một cái cớ toàn năng để hết trù trừ do dự và thuyết phục được lòng ngay thẳng bẩm sinh của chàng. Dễ đến hai chục lần chàng đã đặt cho mình câu hỏi này "Bởi mình là con trai của người ấy, mình cũng chấp nhận gia tài của ông chg là tự nhiên hay sao?" Nhưng lập luận này chẳng ngăn được tiếng "không" mà lương tâm sâu kín thì thầm. Đột nhiên chàng nghĩ "Bởi mình không phải con của người mà mình vẫn tưởng là bố, mình không thể nhận cái gì của ông nữa, khi ông còn sống cũng như sau khi ông chết. Nếu nhận là không đàng hoàng và không công bằng. Nếu nhận sẽ là ăn cắp của anh mình". Cách nhìn mới này làm chàng nhẹ nhõm, làm lương tâm chàng yên ổn, chàng liền quay lại bên cửa sổ. Chàng tự nhủ: "Phải, mình cần khước từ tài sản thừa kế của gia đình mình, cần để toàn bộ cho Pierre, bởi mình không phải là con của bố anh ấy. Làm như vậy là chính đáng. Thế thì việc mình giữ lại tiền của cha mình cũng chính đáng chứ?" Đã thừa nhận là mình không thể lợi dụng tài sản của Roland, đã quyết định nhường lại toàn bộ, vậy chàng bằng lòng và đành giữ lại tài sản của Maréchal, vì nếu gạt bỏ cả hai, chàng sẽ lâm vào cảnh hoàn toàn tay trắng. Một khi vụ việc tế nhị này được giải quyết, chàng liền trở lại vấn đề sự hiện diện của Pierre trong gia đình. Làm thế nào để tách anh ta ra? Chàng đang tuyệt vọng vì không tìm được một giải pháp thiết thực nào thì một tiếng còi của một con tàu vào cảng như buông xuống chàng câu trả lời khi gợi lên trong chàng một ý tưởng. Thế là chàng để nguyên quần áo nằm dài trên giường và nghĩ vơ vẩn cho đến sáng. Vào khoảng chín giờ chàng ra phố để xem cho chắc liệu điều mình dự định có tiến hành được hay không. Rồi, sau khi đi thăm hỏi và vận động vài nơi, chàng đến nhà bố mẹ. Mẹ chàng giam mình trong phòng đợi chàng. Bà bảo: "Nếu con không đến, mẹ chẳng bao giờ đi xuống nhà". Liền đó họ nghe thấy tiếng Roland hét trong cầu thang: "Hôm nay không ăn uống gì hết à? Chó má thật!" Mọi người chẳng ai trả lời, thế là ông gào lên: "Joséphine, mẹ kiếp! Nhà chị làm cái gì đấy?" tiếng cô hầu gái vọng lên từ tầng hầm: "Đơơi rồi, thưa ông, chứ ông cần gì ạ?" "Bà đâu?" "Bà ở trên gác với cậu Jean". Ông bèn ngẩng đầu lên phía tầng trên, quát: "Louise?" Bà Roland mở hé cửa đáp: "Gì hở mình?" "Không ăn uống gì à, chó má thật". "Đây, chúng tôi đang đến đây, mình ạ". Và bà bước xuống, có Jean theo sau. Nhìn thấy chàng trai, Roland reo lên: "Này, con đấy à! Con ở nhà của mình đã thấy buồn rồi hả?" "không, bố a, nhưng sáng nay con có chuyện cần bàn với mẹ". Jean bước lên, bàn tay xoè ra, và khi cảm thấy giữa các ngón tay mình cái xiết tay bố con của ông già, một xúc động kỳ quặc và bất thần làm chàng cho thắt lại, niềm xúc động của những sự chia lìa và giã từ không hy vọng tái hồi. Bà Roland hỏi: "Pierre chưa đến ư?" Chồng bà nhún vai: "Chưa, nhưng mặc kệ, bao giờ nó cũng muộn. Ta cứ bắt đầu không có nó". Bà quay sang Jean: "Con phải đi gọi anh, con ạ. Khi mọi người không đợi, anh ấy hay phật lòng". "Vâng, mẹ ạ, con đi đây". Và chàng trai đi ra. Chàng lên cầu thang, với quyết tâm bồn chồn nóng nảy của một kẻ nhát gan sắp giao chiến. Khi chàng gõ cửa, Pierre đáp: "Vào đi". Chàng bước vào. Người kia cúi mình xuống bàn, đang viết. Jean nói "Chào anh". Pierre đứng dậy: "Chào chú". Và họ bắt tay nhau như không có chuyện gì xảy ra. "Anh không xuống ăn sáng à?" "Chẳng là.. vì là…tôi có nhiều việc phải làm". Giọng người anh run run và con mắt lo âu hỏi người em xem mình sẽ làm gì. "Mọi người đang đợi anh". "Thế à? Thế..thế mẹ có ở dưới đó không?" "Có, chính mẹ bảo em lên tìm anh". "A! Thế thì…tôi xuống đây". trước cửa phòng, chàng do dự không muốn xuất hiện đầu tiên, rồi chàng mở cửa bằng một cử chỉ giật mạnh, và thấy bố mẹ ngồi ở bàn ăn, đối diện nhau. Chàng lại gần bà trước, không ngước mắt, chàng nói một tiếng và cúi xuống, đưa trán ra cho bà hôn như ít lâu nay chàng thường làm, thay vì hôn vào hai má bà như khi xưa. Chàng đoán là bà ghé miệng lại gần, nhưng không hề cảm thấy môi bà chạm vào da mình, và chàng thẳng người dậy, tim đập mạnh, sau sự âu yếm giả vờ ấy. Chàng tự hỏi "Họ đã nói với nhau những gì sau khi mình đi?" Jean lặp lại một cách âu yếm "mẹ" rồi "mẹ thân yêu", săn sóc bà, lấy thức ăn cho bà, rót cho bà uống. Thế là Pierre hiểu rằng họ đã cùng khóc với nhau, nhưng chàng không thể thâm nhập ý nghĩ của họ. Jean cho là mẹ mình có tội hay cho anh mình là một kẻ khốn nạn? Và mọi lời chàng tự trách móc vì đã nói ra cái điều gớm guốc lại ập đến tấn công chàng, làm thắt họng chàng và chẹn miệng chàng, không cho chàng thở, không cho chàng nói. Giờ đây chàng thấy trào lên một nhu cầu không thể chịu nổi, nhu cầu cần phải trốn chạy, phải rời bỏ cái nhà này, nó không còn là nhà của chàng, rời những con người này, họ chỉ còn gắn với chàng bởi những dây liên hệ mỏng manh khó thấy. Và chàng những muốn ra đi tức khắc, bất kỳ đến nơi nào, cảm thấy rằng thế là hết, rằng chàng không thể ở lại bên họ được nữa, rằng chàng sẽ vẫn cứ hành hạ họ ngoài ý muốn của chàng, chỉ riêng với sự hiện diện của chàng, rằng họ sẽ làm chàng khổ sơ/ liên miên vì một cực hình không sao kham nổi. Jean đang nói, đang trò chuyện với Roland. Pierre không lắng tai, nên chẳng nghe thấy gì. Tuiy nhiên chàng ngỡ như cảm nhận được một dụng ý trong giọng nói của em và bèn để tâm đến nghĩa của lời lẽ. Jean bảo: "Hình như đó sẽ là con tàu đẹp nhất hải đoàn của họ. Người ta nói đến sáu ngàn năm trăm thùng. Tháng sau nó sẽ đi chuyến đầu tiên". Roland ngạc nhiên: "Sớm thế cơ à? Bố cứ tưởng mùa hè này nó không thể ra khơi được". "Xin lỗi bố, họ đã hăng hái thúc đẩy mọi việc để chuyến vượt biển đầu tiên diễn ra trước mùa thu. Sáng nay con vừa tạt qua văn phòng công ty và con đã trò chuyện với một uỷ viên quản trị". "A! A! ông nào vậy?" "Ông Marchand, bạn thân của chủ tịch hội đồng quản trị". "Này, con quen ông ấy ư?" "Vâng, với lại con có một việc nhỏ muốn nhờ ông ấy". "A! vậy con sẽ đưa bố đi thăm tàu Lorraine thật tỉ mỉ khi nào nó vào cảng, nhé?" "Chắc chắn rồi, dễ thôi mà!" Jean có vẻ ngần ngừ, tìm kiếm lời lẽ, đeo đuổi một cách chuyển tiếp nghĩ chưa ra. Chàng lại nói: "Tóm lại, trên những con tàu lớn xuyên đại dương này, người ta có cuộc sống rất được. Quá nửa thời gian người ta ở trên bờ, tại hai thành phố tuyệt vời, New York và Le Havre, phần còn lại ở ngoài khơi cùng với những con người khả ái. Thậm chí tại đó người ta có thể có những sự quen biết rất dễ chịu và rất hữu ích cho sau này, phải rất hữu ích, trong đám hành khách. Bố hãy nghĩ rằng thuyền trưởng, cùng với khoản than tiết kiệm được, có thể thu nhập mỗi năm tới ham lăm ngàn francs, hay hơn nữa…" Roland thốt lên một tiếng "Cha chả!" tiếp theo là một cái huýt gió bày tỏ niềm kính trọng sâu sắc được số tiền và với thuyền trưởng. Jean lại nói: "Người phụ trách quản trị có thể được tới mười ngàn, còn người thầy thuốc hưởng lương cố định năm ngàn, thêm các khoản ăn ở, thắp sáng, sưởi, phục vụ…như vậy ít ra cũng tương đương mười ngàn, rất khá đấy". Pierre ngước mắt lên, bắt gặp mắt em, và hiểu em. Thế là sau chút ngần ngừ, chàng hỏi: "Muốn được làm thầy thuốc trên tàu xuyên đại dương, có khó lắm không?" "Khó mà cũng không khó. Tất cả phụ thuộc vào hoàn cảnh và sự nâng đỡ". Im lặng giờ lâu, rồi bác sĩ lại nói: "Tháng sau tàu Lorraine sẽ ra khơi phải không?" "Phải, ngày mồng bảy". Rồi họ ngừng lời. Pierre nghĩ ngợi. Dĩ nhiên, đó sẽ là một giải pháp nếu như chàng có thể lên con tàu ấy với chân thày thuốc. Sau này sẽ xem xét, có thể chàng sẽ rời bỏ con tàu. Trong khi chờ đợi, ở đó chàng có thể kiếm sống mà không phải xin gì gia đình. Ngày hôm kia, chàng đã phải bán chiếc đồng hồ, vì giờ đây chàng không còn chìa tay ra trước mặt mẹ nữa! Vậy chàng chẳng còn một phương kế nào để có miếng ăn khác với miếng ăn của ngôi nhà không thể ở được, để ngủ trong một chiếc giường khác, dưới một mái nhà khác. Thế là chàng vừa nói vừa do dự đôi chút: "Tôi đây, nếu có thể, tôi sẵn lòng ra đi trên tàu ấy". Jean hỏi: "Tại sao anh không thể chứ?" "Vì tôi chẳng quen biết ai ở công ty xuyên đại dương". Roland sững sờ kinh ngạc: "Thế còn tất cả những dự định thành đạt đẹp đẽ của con, chúng sẽ ra sao?" Pierre khẽ nói: "Có những lúc phải biết hy sinh tất cả, và từ bỏ những hy vọng đẹp nhất. Vả lại đây chỉ là một bước khởi đầu, một phương kế tích lũy vài ngàn francs nhằm sau này lập nghiệp". Cha chàng, ngay lập tức bị thuyết phục: "Đúng như thế. Sau hai năm con có thể để dành ra sáu hoặc bảy ngàn francs, số tiền này biết cách sử dụng sẽ giúp con tiến xa đấy. Mình nghĩ thế nào, Louise?" Bà trả lời thật khẽ, hầu như không nghe được: "Tôi cho là Pierre có lý". Roland reo lên: "Thế thì tôi sẽ nói với ông Poulin, tôi quen ông ấy lắm! Ông là thẩm phán toà án thương mại và coi sóc các vấn đề thuộc công ty. Tôi còn quen ông Lenient, chủ đóng tàu, rất thân với một trong các phó chủ tịch". Jean hỏi anh: "Anh có muốn em thăm dò ông Marchand ngay hôm nay không?" "Có, tôi rất muốn". Sau khi suy nghĩ giây lát, Pierre nói tiếp: "Có lẽ cách tốt nhất là viết thư cho các thày dạy tôi ở trường Y, các thày ấy quý tôi lắm. Trên các tàu này họ hay tuyển những người kém. Những bức thư thật nhiệt tình của các giáo sư Mas-Roussel, Rémusot, Flache và Borriquel sẽ đạt được chuyện ấy trong một giờ đồng hồ hiệu nghiệm hơn là mọi sự tiến cử đáng ngờ. Chỉ cần những lá thư này được ông Marchand bạn chú đưa ra trước hội đồng quản trị". Jean tán thành hoàn toàn: "Ý ccanh rất hay, rất hay!" Và chàng mỉm cười, an tâm, gần như hài lòng tin chắc ở thành công, chàng vốn không có khả năng buồn phiền lâu. Chàng bảo: "Anh viết cho các ông ấy ngay hôm nay đi". "Tí nữa, ngay bây giờ. Tôi đi viết đây, sáng nay tôi không uống cà phê đâu, thần kinh tôi quá căng thẳng rồi". Chàng đứng lên và đi ra. Lúc ấy Jean liền quay sang mẹ: "Sáng nay mẹ làm gì hả mẹ?" "Chẳng gì cả…Mẹ không biết". "Mẹ có muốn đi cùng con đến nhà bà Rosémilly không?" Có…có chứ…" "Mẹ biết đấy..ngày hôm nay con cần phải đến đó". "Phải..phải…đúng như thế". "Tại sao lại cần hả?" Roland hỏii, và chăng ông ta đã quen không bao giờ hiểu những điều mọi người nói trước mặt mình. "Tại vì con đã hứa là sẽ đến" "A, tốt lắm. Thế thì là chuyện khác". Và ông bắt đầu nhồi ống điếu, trong khi hai mẹ con lên gác lấy mũ. Khi họ đã ở ngoài phố, Jean hỏi mẹ: "Mẹ có muốn khoác tay con không?" Chàng không bao giờ mời mẹ khoác tay, bởi họ có thói quen bước đi song song bên nhau. Bà nhận lời và tựa mình vào con. Họ chẳng nói gì một lúc, rồi chàng bảo bà: "Mẹ thấy anh Pierre hoàn toàn đồng ý ra đi rồi đấy!" Bà thì thầm: "Tội nghiệp cái thằng!" "Sao lại tội nghiệp cái thằng chứ? Anh ấy sẽ không khổ cực chút nào trên tàu Lorraine". "không…mẹ biết lắm, nhưng mẹ nghĩ đến bao nhiêu là chuyện". Bà nghĩ ngợi rất lâu, đầu cúi thấp, bước đi cùng nhịp với con trai, r rbằng cái giọng kỳ lạ đôi lúc người ta dùng để kết luận một suy tư lâu dài và thầm kín: "Cuộc đời, thật là xấu xa! Nếu có một lần ta tìm thấy trong đời đôi chút ngọt ngào thì ta có tội vì đã buông mình vào đó và ta trả giá thật đắt sau này". Chàng nói thật khẽ: "Mẹ đừng nói đến chuyện ấy nữa, mẹ ạ". "Có thể được chăng? Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến nó". "Rồi mẹ sẽ quên đi". Bà lại im lặng, rồi, với niềm tiếc hận sâu xa: ""A! Giá như lấy một người khác, có lẽ mẹ sẽ hạnh phúc biết mấy!" Giờ đây, bà phẫn nộ với Roland, trút tất cả trách nhiệm về lỗi lầm và nỗi bất hạnh của mình cho sự xấu xí của ông ta, cho cái ngu ngốc, cái vụng về,cho sự trì độn của đầu óc, và bộ dạng tầm thường của con người ông ta. Chính tại cái đó, tại cái tầm thường thô thiển của người đàn ông ấy, mà bà đã phụ ông ta, đã làm một đứa con trai của bà tuyệt vọng và đã thú nhận trước đứa kia lời thú tội đau xót nhất có thể làm trái tim một người mẹ rỉ máu Bà thì thầm: "Thật kinh khủng hết sức cho một thiếu nữ khi lấy một người chồng như chồng của mẹ". Jean không đáp. Chàng nghĩ đến người mà cho đến giờ chàng vẫn tưởng mình là con trai người ấy, và có lẽ ý niệm mơ hồ chàng có từ lâu về sự kém cỏi của bố, thái độ chế nhạo thường xuyên ở người anh, niềm thờ ơ miệt thị ở những người khác và cho đến cả sự khinh thường của cô hầu gái đối với Roland đã chuẩn bị tâm hồn chàng cho lời thú nhận ghê gớm của mẹ chàng. Chàng bớt mất mát khi là con của một người khác, và sau chấn động rất mạnh do cảm xúc tối hôm trước, nếu như chàng không có phản ứng ngược nổi loạn, bất bình và giận dữ mà bà Roland lo sợ, đó là vì từ lâu lắm rồi chàng đau khổ một cách vô ý thức khi cảm thấy mình là con của cái người thô lỗ quá hiền lành kia. Họ đã tới trước nhà bà Rosémilly. Nàng ở trên con đường Sainte-Adresse, tại tầng gác thứ hai của một toà nhà lớn thuộc về nàng. Từ cửa sổ nhà nàng người ta nhìn thấy toàn bộ cửa biển Le Havre. Nhìn thấy bà Roland bước vào trước, thay vì chìa tay cho bà như mọi khi, nàng giang tay và ôm hôn bà, bởi nàng đoán được dụng ý của việc đến thăm. Đồ đạc trong phòng khách, bằng nhung dày, bao giờ cũng phủ vải bọc. tường căng giấy hoa, treo bốn bức tranh khắc do người chồng trước, ông thuyền trưởng mua. Tranh vẽ các cảnh biển và các cảnh não nùng thương cảm. Trên bức thứ nhất ta thấy vợ một người đánh cá đang vẫy khăn tay trên bờ biển, trong lúc cánh buồm mang theo chồng cô khuất đi ở chốn chân trời. Trên bức thứ hai, cũng người phụ nữ ấy, quỳ trên cũng bờ biển ấy, vặn tay nhìn ra phía xa, dưới bầu trời đầy ánh chớp, trên mặt biển cuồn cuộn những làn sóng khó mà có thực, con thuyền của người chồng sắp sửa chìm. Hai bức tranh kia thể hiện những cảnh tương tự trong một tầng lớp xã hội cao hơn. Một thiếu phụ tóc vàng mơ mộng, tì khuỷu tay trên mạn con tàu lớn đang ra khơi. Nàng nhìn bờ biển đã lùi xa bằng ánh mắt ướt lệ và ướt niềm tiếc nuối. Nàng đã để lại ai ở sau nàng? Rồi, cũng thiếu phụ ấy, ngồi bên một cửa sổ mở ra đại dương, ngất đi trên chiếc ghế bành. Một lá thư vừa rơi từ lòng nàng xuống tấm thảm. Vậy là chàng đã chết, tuyệt vọng biết chừng nào! Thường thường khách tới thăm xúc động và xiêu lòng vì cái buồn tầm thường của những đề tài rõ ràng và thơ mộng này. Mọi người hiểu ngay, chẳng lý giải tìm tòi, và ái ngại cho những người phụ nữ đáng thương, mặc dù không biết được chính xác bản chất nỗi đau buồn của người phụ nữ thanh lịch hơn. Nhưng chính mối hồ nghi này giúp cho sự mơ màng. Chắc hẳn nàng mất người chồng chưa cưới! Ngay từ cửa vào, con mắt đã bị thu hút không cưỡng nổi hướng về bốn đề tài ấy và lưu luyến như bị mê hoặc. mắt chỉ rời tranh để rồi vẫn cứ quay lại đấy, vẫn cứ ngắm nhìn bốn dáng vẻ của hai thiếu phụ giống nhau như hai chị em. Đặc biệt từ nét vẽ rõ rành, hoàn chỉnh, trau chuốt, thanh nhã theo kiểu tranh khắc thời thượng, cũng như từ chiếc khung bóng loáng, toát ra một cảm giác tinh sạch và ngay ngắn, còn được tô đậm thêm bởi các đồ đạc khác. Ghế ngồi xếp theo trật tự không thay đổi, một số đặt sát tường, một số quanh chiếc bàn xoay. Những tấm rèm trắng tinh, nếp buông thẳng thớm, và đều tăm tắp đến nỗi nó nta muốn làm chúng nhàu đi một chút, và chẳng bao giờ có một hạt bụi vương mờ quả cầu nơi chiếc đồng hồ mạ vàng, kiểu thời Đế chế, một địa cầu do Atlas quỳ xuống và dường như đang chín ửng tựa một quả dưa trồng trong nhà. Hai người phụ nữ, khi ngồi xuống, có thay đổi đôi chút vị trí thường ngày của những chiếc ghế họ ngồi. Bà Roland hỏi: "Hôm nay cô không đi đâu à?" "Không ạ. Xin thú thực với bà là em hơi mệt". Rồi nàng nhắc lại, như để cám ơn Jean và mẹ chàng, tất cả niềm vui thích của nàng trong cuộc du ngoạn và chuyến đi câu. Nàng bảo: "Sáng nay em đã ăn những con tôm em câu đấy. Ngon tuyệt trần. Nếu bà anh thích, thì hôm nào đó chúng ta lại đi một chuyến như thế…" Chàng trai ngắt lời nàng: "Trước khi bắt đầu chuyến thứ hai, hay là ta hãy kết thúc chuyến thứ nhất?" "Sao lại thế? Tôi tưởng nó xong rồi chứ?" "Ồ! Thưa bà, về phần mình, tôi đã câu ở lèn Saint-Jouin một thứ mà tôi cũng muốn đem về nhà mình". Nàng lấy vẻ ngây thơ ranh mãnh "Anh ư? Thứ gì vậy? Anh đã tìm được gì?" "Một người vợ! Và chúng tôi, mẹ và tôi, đến hỏi em sáng nay người ấy có đổi ý không?" Nàng mỉm cười: "Không thưa ông, tôi không bao giờ đổi ý". Bây giờ chính chàng chìa bàn tay mở rộng, nàng thả tay mình vào đó bằng một cử chỉ sốt sắng và quả quyết. Rồi chàng hỏi: "Sớm hết mức có thể nhé?" "Tuỳ ý anh" "Sáu tuần nhé?" "Em không có ý kiến. Mẹ tương lai của con nghĩ sao?" Bà Roland trả lời với nụ cười hơi u buồn: "Ồ, mẹ thì mẹ chẳng nghĩ gì hết. Mẹ chỉ cám ơn con đã ưng Jean, vì con sẽ làm cho nó rất hạnh phúc". "Chúng con sẽ làm những gì mình có thể, mẹ ạ". Hơi cảm động, lần đầu tiên, bà Rosémilly đứng dậy và ôm choàng lấy bà Roland, hôn bà rất lâu như một đứa con, và cử chỉ âu yếm mới mẻ này khiến trái tim đau ốm của người đàn bà tội nghiệp bồi hồi với một xúc động mãnh liệt. Bà chẳng thể diễn tả điều mình cảm thấy. Nó đồng thời vừa buồn bã vừa ngọt ngào. Bà đã mất một đứa con trai, một đứa con trai lớn, và bà được trả vào chỗ đó một người con gái, một người con gái lớn. Khi hai người phụ nữ lại ngồi đối diện với nhau trên ghế, họ cầm tay nhau rồi cứ ngồi như vậy, nhìn nhau và mỉm cười với nhau, trong lúc Jean hầu như bị họ quên đi. Rồi họ nói về một loạt những điều phải nghĩ cho đám cưới sắp tới. và khi mọi sự đã được định đoạt, được giải quyết, bà Rosémilly như chợt nhớ ra một chi tiết và hỏi: "Mẹ và anh đã hỏi ý kiến ông Roland rồi chứ?" Má của hai mẹ con bỗng cùng đỏ lên như nhau. Bà mẹ là người trả lời: "Ô! Không, không cần đâu!" Rồi bà do dự, cảm thấy cần phải giải thích, và nói tiếp: "Chúng tôi thường làm mọi chuyện mà không bảo gì ông cả. Chỉ cần báo cho ông biết những gì chúng tôi đã quyết định là đủ". Bà Rosémilly, chẳng hề kinh ngạc, mỉm cười, thấy điều đó rất tự nhiên, vì ông lão vốn không đáng kể là bao. Khi đã ở ngoài phố cùng con trai, bà Roland bảo: "Hay là ta đến nhà con đi? Mẹ rất muốn nghỉ ngơi". Bà cảm thấy mình không nơi trú ẩn, không chốn nưong thân, bởi kinh hãi ngôi nhà của mình. Họ vào nhà Jean. Vừa cảm thấy cánh cửa đóng lại đàng sau lưng mình, bà thở ra một hơi dài như thể ổ khoá ấy đã cho mình được an toàn, rồi, thay vì nghỉ ngơi, như bà nói lúc trước, bà bắt đầu mở các tủ, soát lại các chồng quần áo, số khăn mù soa, và số tất. Bà thay đổi trật tự đã xác lập để tìm những cách sắp xếp hài hoà hơn, làm con mắt nội trợ của bà vừa ý hơn, và khi đã xếp đặt mọi thứ theo ý mình, bày từng hàng khăn mặt, quần dài và áo sơ mi lên từng ngăn riêng, chia tất cả đồ vải ra thành ba loại chính, quần áo trong, vải trải giường, trải nệm, và khăn bàn khăn ăn, bà lùi lại để ngắm nghía công trình của mình, rồi bảo: "Jean, lại mà xem đẹp không này". Chàng đứng dậy và tán thưởng để làm mẹ vui lòng. Đột nhiên, thấy chàng đã ngồi lại, bà bước nhẹ đến gần chiếc ghế bành, từ phía sau, và, cánh tay phải ôm lấy cổ chàng, bà vừa hôn chàng vừa đặt lên lò sưởi một vật nhỏ bọc giấy trắng, cầm trong tay kia. Chàng hỏi: "Cái gì đấy ạ?" Thấy bà không đáp, chàng hiểu, khi nhận ra hình dạng chiếc khung, chàng bảo: "Mẹ đưa con!" Nhưng bà vờ không nghe thấy, và quay lại với những chiếc tủ. Chàng đứng dậy, cầm thật nhanh cái di vật đau thương ấy và, đi ngang qua căn hộ, chàng cấ vào ngăn kéo bàn làm việc, khoá kỹ hai vòng. Thế là bà lấy đầu ngón tay chùi một giọt lệ nằm trong mắt, và nói bằng giọng hơi run run: "Bây giờ mẹ xuống xem chị đầy tớ mới của con trông coi bếp núc có cẩn thận hay không. Vì lúc này chị ta ra phố, mẹ có thể kiểm tra hết mọi thứ để biết rõ".