O_Ong
Ổ Ong mật
 
" Đây, miếng phân bò khô đây nề anh.” Đứa bé một tay đặt sau đít, tay kia chìa ra miếng phân bò khô mới vừa lượm trên gò mả.
-“Đưa đây. Bây giờ hai đứa đi bẻ một mớ cây đi.”
-“Bẻ cây chi vậy anh?
-“Nói bẻ thì đi bẻ đi, hỏi hoài. Mà nhớ bẻ cây tươi có nhiều lá, xong rồi cột thành ba bó nho nhỏ vừa nắm tay nghe hong.”
Hai đứa bé, tám chím tuổi, lội vào bìa rừng bên cạnh triền núi bẻ những nhánh cây. Bức năm ba sợi giây giang, rồi chia những nhánh cây vừa bẻ thành ba bó nhỏ vừa nắm tay, và lấy giây giang buộc lại. Hai đứa bé hớn hở ôm ba bó cây trở lại hòn đá bằng riếng, nằm cạnh cây cau đang đứng rung rinh trong gió. Trên hòn đá, Thi, anh của hai đứa bé, đang giang tay kéo lửa trên hai thanh tre khô. Khi hai đứa bé vừa trở lại thì cục bùi nhùi cũng vừa ngún cháy. Thi lấy lửa từ miếng bùi nhùi mồi cục phân bò khô lúc nãy hai đứa em đi tìm mang về. Cậu ta dùng những nhánh cây tươi đan thành cái rổ tạm, thưa và vụng về như ổ chim cu đất, rồi đặt miếng phân bò khô lên đó. Lửa từ miếng bùi nhùi bắt đầu ngún cháy qua miếng phân bò khô. Thi cuối người xuống thổi phì phò vào miếng phân bò cho lửa cháy mạnh lên. Một hồi sau, miếng phân bò khô đã ngún đỏ một góc, khói xanh bay lên cuộn tròn trong không khí, và biến dần vào bầu trời xanh lơ của tháng Tám.
Tháng Tám trời rất yêm dịu. Nhừng thửa ruộng lúa đang chín vàng chờ ngày gặt hái. Bầu trời đó đây mang một màu xanh, những con chim én bay lượn bên ngọn lúa cong vòng dưới làn gió mát, nô đùa như muốn chúc mừng cho ngày mùa sắp đến. Trong những thửa ruộng, nước bắt đầu cạn dần và đang rút chảy ro re qua những lỗ chân của người thợ dặm để lại. Được lớn lên theo mùa lúa, những con cá rô bây giờ đã mập béo, đang lách nước chạy rèn rẹc dưới những bông lúa nặng trĩu. Thi, cũng như bao nhiêu người thanh niên khác, lúc này nhàn rỗi nhất. Những buổi chiều về chàng thường ra cánh đồng thăm ruộng, tháo nước và đặt những chiếc loa, chiếc ràng để bắt cá tràu, cá rô. Ngoài ra Thi thường lên núi, lên rẫy hái cây rừng và đốt ổ ong.
Mấy tuần trước Thi đi vào hố Cả và phát hiện một ổ ong dùi dẻ rất lớn, ổ ong có đến bảy từng và to lớn như buồng chuối chát.
Hố Cả nằm dước chân núi Vàng, là một cái hố bằng phẳng rộng chừng vài ba chục thước và dài chừng vài trăm thước. Trên đầu hố Cả là suối nước quanh năm chảy róc rách qua những hòn đá bằng phẳng. Cũng vì vậy mà hố Cả lúc nào cũng có nước lấp xấp, cỏ mọc cao, xanh, và tươi tốt. Nhưng vì ngập nước quanh năm nên cỏ ở hố Cả thuộc về cỏ hôi. Mà cỏ hôi thì trâu bò không thích ăn mấy. Cho nên cỏ hố Cả rất cao. Hai bên triền núi hố Cả có nhiều cây cối xanh tươi, to lớn, trông có vẻ âm u, hoang vắng. Trên hố Cả có nhiều đám tranh tốt và cao hơn đầu người. Vì hoang vắng, cây cao bóng mát, lại có nước chảy róc rách quanh năm bên những tản đá bên bờ suối cho nên cọp beo thường về lảng vảng trên hố Cả. Và hố Cả có nhiều hoa rừng đủ loại nên cũng là nơi thu hút những bầy ong về hút mật, làm ổ.
 
Thi và hai đứa em mang trên tay miếng phân bò khô đang ngún lửa, tay cầm bó cây, vạch lá chen qua những bụi cây trên triền hố Cả. Lên tới đầu hố, ba anh em đừng chân bên gốc cây đùng đình. Cây đùng đình già, cao lớn mọc bên cạnh khe nước nên rất khỏe. Dưới gốc cây đùng đình rất âm u có nhiều bụi nhỏ, giây tơ hồng, và chằn chịt những loại chùm gởi. Nên nhìn vào cây đùng đình như một chung cư phức tạp. Và trong cái chung cư đó lại có một ổ ong dùi dẻ to lớn. Thi thầm nói trong bụng:
- Ổ ong dùi dẻ to như vầy thế nào cũng có nhiều mật.
 
Thi rón rén quơ lấy cỏ khô nhét vào những bụi cây gần gốc đùng đình, rồi lấy miếng phân bò đang ngún lửa đem ra mồi. Chàng chổng mông thổi phèo phèo vào miếng phân bò khô.
- “Lửa bắt đầu cháy kìa anh.”
Hai đứa bé đứng bên cạnh nhìn trân trân vào gốc cây đùng đình và vui mừng la lên khi thấy những tia khói nàu xanh nỗi lên từ bụi cây.
 
- Hai đứa coi gió thổi phía nào.
Mặt mày Thi đỏ bừng, những cụm khói chui vào mắt làm mắt cay nên đôi mắt hít lại, miệng chàng nói mà mắt thì như nhắm nghiền.
- “Phía này nề anh.”
Một đứa nhỏ vừa nói vừa chỉ tay theo chiều gió. Nhìn gương mặt hai đứa bé không thấy một chút gì sợ hãi cảnh rừng thiêng hoang vắng, mà chỉ có niềm vui hoang dã đang chạy khắp nơi trên hai khuôn mặt.
- Uả! Sao lạ vậy. Hồi nãy gió thổi chiều kia mà sao bây giờ thổi ngược lại rồi! Ông Trời thiệt là lôi thôi. Thi lẩm bẩm nói một mình.
 
Thi vừa dứt lời thì ngọn lửa cũng vừa bốc cháy. Nhưng gió không thổi vào gốc cây đùng đình mà lại thổi ngược ra ngoài. Và gió thổi ngọn lửa cháy lan ra triền núi. Khu rừng trên đâu hố Cả xanh tươi và rậm rạp. Những chồi cây như chà là, mẫn khiểng, sim, móc cao cở đầu người nằm chi chit cùng với cỏ xanh trên triền núi đang bị lửa đốt cháy. Tiếng lửa kêu lách tách và tro bụi bay tứ tung trong khói. Nếu cứ theo chiều gió này thì không bao lâu ngọn lửa sẽ liếm dần đến đám tranh bên hố Cả! Thi hoảng hốt, liền kêu goị hai đứa em lo chạy đi dập lửa. Ba bóng người trên tay cầm bó cây xanh xôn xao chạy qua chạy lại đập tắt ngọn lửa cháy lan. Khói, lửa và sự ồn ào của ba bóng người đã đánh thức bầy ong, ong bay ra và nhắm vào bóng người mà chích. Ong dùi dẻ lớn cở ngón tay út, kim dài!
- “Úi cha. Nó chích đau quá.” Hai đứa bé la lên.
- “Hai đứa chạy ra xa đi. Để đó cho anh.”
Thi đang bực tức. Nhưng Thi cũng không tài giỏi gì hơn hai đứa bé, cũng bị ong nó chích tơi bời. Càng bị chích Thi càng nỗi xùng, chàng dùng lá cây đập túi bụi vào những ngọn lửa cháy lan. Ba anh em Thi đang dằng co với ngọn lửa vô duyên thì ông Trời, ông Trời lại đổi chiều gió! Bây giờ gió thổi về hướng gốc cây đùng đình! Vậy là ba anh em Thi gặp hên! Gió thổi đưa khói bay về hướng ổ ong dùi dẻ. Vừa sức nóng vừa khói cay thổi vào gốc cây đùng đình liên hồi, bầy ông không chịu nỗi đã vỡ tổ. Bầy ong ào ạt tuông ra khỏi tổ như đám học trò ùa ra sân trường khi nghe tiéng chuông ra chơi vừa đổ. Chúng tìm đường tẩu thoát khỏi sức nóng. Nhưng một số đông đàn ong không chịu rời xa mà cứ lẩn quẫn bên ổ và tấn công ba anh em Thi tới tấp.
- “Hai đứa ngồi xuống, dùng bó cây lúc nãy cột lại đó mà quơ liên tục chung quang người, trên đầu, trên cổ cho khỏi bị ong chích.” Thi bảo hai đứa em.
- “Nó chun trong tay áo em đây nè, làm sao đây? Úi cha, đau quá.”
-“Nó chích trúng mí mắt em rồi, nó chích trên cổ nữa, úi cha.”
- “Hai đứa chạy xuống hố nhảy vô nước đi.”
- “Còn anh?”
- “Chạy đi, đứng đó hỏi cái gì trời.” Thi la hai đứa em.
 
Hai đứa bé không chịu bỏ đi mà còn lao vào đống lửa dùng bó cây đập liên hồi vào bầy ong. Những bụi cây chung quanh gốc đùng đình đã bị nám cháy và ổ ong dùi dẻ nằm lộ ra trước mắt ba anh em Thi. Khói bay nghi ngút làm bầy ong không chịu nỗi nên đã rời khỏi ổ. Lập tức Thi vừa dùng lá cây quạt liên hồi trên đầu trên cổ và xông vào, đặt chiếc thúng dưới ổ ong và dùng cái liềm cắt đứt cuống ổ ong. Ổ ong rớt lọt vào cái rổ! Thi vội bưng ổ ong chạy ra khỏi gốc cây đùng đình. Như không ai bảo ai, ba anh em Thi lật đật bưng ổ ong chạy xuống hố Cả.
Rất ngộ, Thi cứ tưởng bầy ong dùi dẻ đã bay xa, nhưng không. Khi anh em Thi mang ổ ong chạy xuống hố Cả thì những con ong cũng bay theo và quần trên đầu anh em Thi. Thi mang ổ ong chạy ra khỏi núi trở về làng thì bầy ong cũng bay theo sát chân, và lúc nào cũng tìm cách chích anh em Thi! Có lẽ những con ong thương nhớ bầy ong con còn nằm trong ổ, và muốn trả thù kẻ đã phá vỡ cuộc sống bình an của nó nên nó đã bám theo anh em Thi cả một đoạn đường dài. Có điều chắc chắn là loài ong rừng thù rất dai.
Chiều hôm đó ba anh em Thi trở về nhà với ổ ong dùi dẻ chứa đầy mật. Khi khui ra, trong những buồng ổ ong có hằng hà những con nhộng lớn có nhỏ có. Có những con nhộng mới vừa thành hình, màu vàng nhạt đang cục cựa. Có cả những con nhộng đã mọc cánh, sắp thành ong. Và trong những khoang chứa có đầy mật ong.
Tối lại, cả nhà Thi quay quần bên nồi cháo ong thơm ngát. Những con nhộng căng tròn béo mỡ, còn đượm vị ngọt của mật ong như vẫn còn đâu đây trong ống quản. Khi nồi cháo đã cạn thì đôi con mắt của Thi và hai đứa em cũng bắt đầu thấy nhức. Và ngoài sân, tiếng vo ve của loài ong rừng, vẫn còn trong tiếng gió!

Xem Tiếp: ----