Quê mẹ tôi ở Trung Bộ. Nhà người - tôi không làm thơ đâu - Ở bên kia một dòng sông nhỏ, êm kín với hai bờ lau xanh. Chính ở nơi này, lúc người mới mười lăm tuổi, thì một tình duyên đẹp đẽ gây nên sự gặp gỡ giữa hai người xa lạ. Mẹ tôi thường thuật lại cho tôi nghe cuộc nhân duyên ngày trước, thuật lại bằng một giọng rất thờ ơ, hình như cho sự kết hôn với ba tôi là một điều không đáng nói. Tôi lọt lòng mẹ tôi đã ngót bốn mươi tuổi, thế nghĩa là tôi biết tò mò hỏi đến chuyện tâm tình của người, thì người đã già. Câu hỏi luôn luôn của tôi là: - Hả mẹ, mẹ lấy ba có xe ô tô đi đưa dâu không mẹ? Mẹ tôi cười, một cái cười chua chát cực điểm: - Có con ạ. Mẹ lấy ba con có những ba mươi chiếc ô tô kia! Tuy nhỏ, tôi hiểu ngay đó là một lời than kín. Thực ra, mẹ tôi lấy chồng trong một hoàn cảnh túng thiếu hết sức. Ba tôi hồi ấy còn nghèo, như phần nhiều những người bạn cùng nước mới sang đây. Ngày còn nhỏ, tôi yêu mẹ tôi một cách bịn rịn. Người chìu tôi, có lẽ vì người đoán thấy ở tôi một số phận thiếu êm vui. Tôi đòi gì là người chọ Tôi muốn gì là người chìu ý. Sự nâng niu ấy rõ rệt đến nỗi ba tôi thường phải kêu: - Cứ chìu nó như thế, thì chưa biết nó hư ngày nào. Câu nói ghẻ lạnh làm tôi tủi nhục, nhiều lần òa lên khóc. Mẹ tôi sợ tôi bị đòn, vẫy giấu tôi ra một nơi, ôm lấy tôi mà vuốt vẹ Cứ thế, mỗi lần sự khắc khổ của người cha làm tôi đau đớn, thì một bàn tay âu yếm lại xoa dịu lòng tôi ngaỵ Tâm tình của trẻ con rất đơn sơ mà cũng rất phức tạp. Tôi làm nũng mẹ tôi luôn để thấy cái thú làm lành của người sau những cơn thịnh nộ. Tôi chạy nhảy cùng nhà, la hét cốt để mọi người biết tôi có quyền la hét, hay muốn làm gì thì làm. Năm lên tám, tôi cắp sách vào học tại một trường huyện. Nhà trường gần ngay chợ. Mẹ tôi, mỗi lần dọn hàng về, đều dừng lại trước cổng trường đưa bánh cho tôi vào những giờ nghỉ. Có một lần mẹ tôi vô ý gọi to lên, giữa khi tôi đang ngồi trong lớp học. - Con ơi, ra lấy bánh, mau! Tôi giật mình nhìn ra thì thấy cái bánh giò đặt trên tay mẹ tôi, đưa qua hàng rào. Dưới nắng vàng vọt của buổi chiều hè, tôi nhận thấy mẹ tôi vui mừng một cách đáng thương. Một tay người giữ chiếc nón, còn tay kia thì run run. Người lách mình, cho khỏi bị gai ở hàng rào vướng. Quần áo người tiều tụy nhuộm ánh nắng xế chiều: - Mau ra lấy bánh cho mẹ về, con! Tôi đưa mắt nhìn thầy giáo rồi lại nhìn mẹ tôi. Sau cùng tôi đánh bạo nên xin phép: - Thưa thầy, thầy cho con ra để mẹ con hỏi. Thầy giáo tôi đã mải xem quyển sách, gắt: - Không đi đâu cả, ngồi đấy! Nói xong, thầy bình tĩnh lẩm nhẩm: “C'est parfait! parfait!” Tôi về chỗ, đưa tay ra hiệu cho mẹ tôi ném bánh xuống đất, vì tôi không ra được, mẹ tôi không hiểu lại gọi to thêm. Lần này, thầy giáo ngoảnh mặt lên, nhìn ra ngoài rồi hỏi mẹ tôi: - Bà kia muốn gì? Tôi đứng ngay dậy thưa: - Thưa thầy... Mẹ con... - Xin cho nghỉ à! Tôi cuống lên, run run đáp: - Thưa thầy, không ạ, mẹ con... mẹ con đưa bánh! Thầy giáo tôi buông dài một tiếng "ôi chao" như hơi gió và bảo tôi: - Cút ra ăn đi, rồi vào ngay, nghe không? Tôi sung sướng, suýt nhảy qua cửa sổ. Ra đến nơi, mẹ tôi hỏi: - Sao lâu thế? Tôi phụng phịu: - Mẹ gọi to làm thầy giáo gắt. Từ rày có thấy con ra chơi mẹ hẵng đưa, còn không thì mẹ đem về cất vào ngăn kéo khóa lại kỹ cho con. Mẹ tôi mỉm cười nhìn tôi -- Ôi! cái mỉm cười của một người mẹ -- dặn mấy câu rồi quay đi. Chiếc bánh hôm ấy, tôi ăn một cách ngon lành và hơi vội Lúc tôi vừa ném mớ lá xuống đất, thì tiếng trống bắt đầu báo giờ ra chơi. - Mày ăn cái gì đấy? A, thằng này xỏ, nó ăn mau lắm anh em ạ. Câu nói sau cùng làm tôi vụt cười, sặc ra ngoài miếng bánh ngậm trong miệng. Thuở thơ ấu của tôi phần lớn là những ngày buồn bã, cái buồn bã không đâu, đến bây giờ còn theo dõi tôi mãi. Thỉnh thoảng tôi mới vui, nhưng cái vui, ác hại! lại dồn dập giống như giông tố, bỏ rớt lại một nỗi trống rỗng thiểu não trong lòng tôi sau khi tan đi. Tôi vui đấy mà buồn ngay đấy. Tôi lưu luyến một cái gì xa quá, hư huyền quá, nhưng không phải là thú vui tìm kiếm trong gia đình hay trong đời sống. Bạn bè tôi lại rất hiếm. Vài ba gương mặt phảng phất lắng trong quá khứ thiếu tươi vui, vài tình cảm xưa cũ lẽo đẽo theo tôi trên đường đời. Có thế thôi, và thường thường tôi chỉ sống bằng mộng. Tôi không bằng lòng ai cả, hình như tôi cũng không bằng lòng cả tôi. Tôi phải kiếm cớ luôn luôn cho lòng mình thắc mắc, trong thứ tin tưởng quái gở là mọi người không ai yêu tôi. Đó thực là một cực hình cho kẻ nào, như tôi, chịu ảnh hưởng sự khủng hoảng tinh thần do chính mình gây ra, do chính mình ham thích. Cách đây mấy năm, có lần tôi đã chép đoạn thơ của Baudelaire dán ở bàn viết, ngay trước mặt: Il me semble parfois que mon sang coule à flots Ainsi qúune fontaine aux rythmiques sanglots, Je l'entends bien qui coule avec un long murmure, Mais je me táte en vain pour trouver la blessurẹ (Đôi lúc hình như máu xối nguồn. Tựa như lòng nước tiếng vang thương. Ta nghe máu chảy sầu rười rượi. Khốn nỗi không tìm thấy vết thương). Đậu bằng tiểu học xong, tôi lên tỉnh học. Trước khi thi vào ban thành chung và còn những ba tháng nghỉ hè thênh thang trước mặt, tôi theo chúng bạn đến học tư với một thầy giáo tú tài. Tôi trọ Ở nhà người chú, mỗi tháng chỉ phải đem gạo ở nhà quê ra thay tiền. Tôi không hỏi ý kiến mẹ tôi, vì tôi cho việc học lúc ấy rất cần. Học được ba ngày thì thầy giáo tôi lễ phép nhắc với học trò bằng tiếng Pháp: - Tôi mong rằng các anh trả tiền học trong vài hôm sắp tới đây, và tôi xin cảm ơn trước. Học trò ai nấy nhốn nháo lên. Có vài người trong bọn móc ngay tiền túi mang lên trả. Các anh khác xin khất đến mai. Riêng tôi, tôi buồn lắm. Chỉ mãi đến lúc ấy, tội nghiệp, tôi mới nhớ đến mẹ tôi, tôi mới nhớ đến cái vốn liếng ít ỏi của người. Bốn đồng! Tính theo giá tiền ở Trung Bộ vào thời bình là hai mươi quan! Tôi làm một cái tính nhẩm và rùng mình biết rằng đó là một số tiền cắt cổ. Điều cần thiết là tôi phải mượn ở đâu lấy mấy đồng hào về nhà quê trình bày mọi sự với mẹ tôi. Cái tráp tiền của chú tôi đóng lại với con cháu rất chắc. Hầu bao của các bạn cũng không thể mở được vì một cử động nhân từ nào. Tôi đành xin nghỉ một hôm, cuốc bộ về nhà lấy tiền trả cái “nợ học”. Thấy tôi về bất thần, mẹ tôi ngừng tay xay lúa, hỏi tôi: - Sao con lại về? Con không ở ngoài tỉnh mà học à? Tôi bậm môi lại để nén tiếng khóc. Tôi không đủ can đảm nói cái số tiền học quá lớn kia nữa. Mẹ tôi thì lại ngờ rằng tôi bị hắt hủi nên hỏi nựng: - Hay là bọn nó làm gì con? Tôi lắc đầu, khóc: - Thầy giáo... thầy giáo đòi tiền học! Mẹ tôi cười điềm nhiên: - Tưởng gì chứ đòi tiền học thì để mẹ đưa. Mấy hào? Tôi giật mình nhìn mẹ: - Hàng đồng kia! - Ừ thì bao nhiêu? - Bốn đồng! Tôi thấy mẹ tôi lặng người đi, không nói được nữa. Nhưng có lẽ cảm động vì tấm lòng thương mẹ của tôi, người gượng gạo: - Con cứ lên nhà nằm nghỉ, rồi để mẹ đưa cho. Mẹ tôi nói dối. Mẹ đuổi tôi lên nhà, để mẹ tôi khóc. Lúc tôi chạy xuống bếp lục cơm ăn thì thấy đôi mắt mẹ tôi đỏ ngầu, vạt áo ướt đẫm. Tôi ngả vào lòng người, rồi mếu máo: - Con không đi học nữa mẹ ạ. Mẹ tôi xoa đầu tôi, cười như thở dài: - Dại nào! Con học đang giỏi thế kia mà. Để mẹ đưa tiền chọ Đừng sơ. Sáng mai thấy tôi sửa soạn ra tỉnh, người băn khoăn: - Con cứ ra khất với thầy giáo vài hôm nữa, rồi mẹ mang tiền ra trả sau. Tôi hiểu ngay là mẹ tôi còn phải chạy tiền nên ngoan ngoãn ra học lại Cả lớp đã trả tiền hết, trừ tôi. Tuy ngồi ở cuối lớp áp lưng vào tường, tôi vẫn tưởng nghe sau mình những tiếng cười chế giễu.. Tôi đâm ngượng, cái ngượng của người học trò không thuộc bài, nghênh ngang đứng trước mọi con mắt, tay xếp vòng tròn, vê mãi cúc áo của mình. - Thế nào...? Thầy giáo hỏi tôi. - Thưa thầy, thầy cho con khất đến hai hôm nữa.. - Nếu hai hôm nữa chưa có tiền học thì anh nghĩ sao? Tôi đáp rất chắc chắn: -- Thưa thầy có ạ, thế nào cũng có, mẹ con đã bảo đúng ngày kia đưa tiền ra. Tôi vừa học, vừa sợ. Ngày tháng chạy mau thêm. Hai tờ lịch rơi chóng quá. Nhưng may, mẹ tôi ra đứng đợi tôi ngoài cửa nhà học, vì nơi học chính là một cái nhà thật. Mẹ tôi cắp cái thúng trong đựng mười quan tiền. Tôi ái ngại bảo mẹ: -- Trả tiền học bằng tiền, thầy giáo không nhận đâu mẹ ạ. Tôi chưa kịp cản, thì mẹ tôi đã cắp thúng đến trước mặt thầy giáo, và đặt trên bàn mười quan tiền, và hai tờ giấy bạc lấy ở nút buộc ruột tượng ra, làm tôi đỏ cả mặt. Mẹ tôi kể lể như khi kể lể với một người bạn thân: -- Cháu nó bảo thầy không tiêu tiền kẽm nên ngăn tôi không cho đem vào. Thầy tính, cháu nó còn nhỏ, tâm tính như con gái, hay sợ vơ sợ vẩn... Thầy giáo sai người cất tiền đi, và chừng như động lòng trước cảnh ngheò túng của chúng tôi, thầy cầm lấy tay tôi, thành thực: -- Em chịu khó mà học đi. Em học khá đấy.. Tháng sau thầy bớt tiền học cho.Ra ngoài, tôi vui vẻ hỏi mẹ tôi: -- Sao mẹ có nhiều tiền thế, mẹ? Mẹ tôi cười, nửa buồn nửa vui: -- Mẹ chỉ có mười quan thôi. Hai đồng bạc ấy là của thím con. Mẹ thấy rơi ở đầu giường thím nằm nên mượn tạm! Tôi rụng rời cả mình mẩy.. Tôi thấy tất cả cái thành phố quê hương của tôi quay đảo trước mặt, nhà chất lên cây, cây chất lên nhà. Tôi hỏi mẹ: -- Sao mẹ lại lấy như thế, thím ấy nói cho. Mẹ tôi cười gần như khóc: -- Người ta giàu, mình mượn tạm rồi trả sau cũng không sao. Mà thím ấy có nói thì nói mẹ, việc gì đến con mà con khóc. Vừa đặt chân vào nhà, tôi nghe tiếng thím tôi réo: -- Tôi có ba đồng bạc để ở đầu giường, đứa nào lấy mất hai rồi?Tôi toan cất tiếng, thì mẹ tôi vội bấu tay tôi, nói khẽ: -- Mặc nó! Nhưng tôi không nghe. Tôi bảo thím: -- Cháu lấy đấy, thím ạ. Cháu trót đánh mất rồi.. Thím tôi lườm tôi, nghiến răng lại: -- Cháu giỏi nhỉ? Đồ ăn cắp. Tôi chưa kịp nói thêm được gì, thì mẹ tôi đã đứng lên: -- Tôi mượn của thím đấy, để vài hôm nữa tôi mang ra trả lại. Thím tôi bĩu môi, thõng thẹo: -- Ừ, bà mượn thế thì ai chả mượn được! Câu chuyện trên đây theo dõi tôi như một ám ảnh cực nhục. Mỗi lần nhớ đến mẹ tôi, hay xét mình phạm tội, tôi thường đem nó ra để tự hình phạt. Nhiều năm đã rơi theo nhiều năm, và bây giờ, trong những đêm Hà Nội, cái thành phố hoa lệ chỉ quen tiêu bạc với hào, tôi vẫn rờn rợn nghe thấy âm thanh của mười quan tiền kêu lanh lảnh... tháng 10.1937Hết