" LÀM ƠN TẮT ĐÈN dùm tôi chút." Một anh sinh viên ngồi gần công tắc điện nhất đứng lên. Căn phòng chìm trong bóng tối tiếp sau cái vói tay của anh. Từ động cơ của chiếc máy chiếu slide phát ra những âm thanh sè sè và một vùng sáng vuông vức vàng choé hắt lên màn ảnh. "Đây là mấy bức tranh mà tôi cho rằng có khả năng tạo ấn tượng sâu đậm nơi người xem. Thay vì phần thảo luận như thường lệ, hôm nay chúng ta sẽ thử cùng nhau đặt tựa đề cho những tác phẩm này. Đám sinh viên trong lớp ồ lên một tiếng thích thú. Dĩ nhiên là kiểu bài tập này ngon ăn hơn một lô những câu hỏi rắc rối. Trên màn ảnh hiện lên bức tranh đầu tiên: vô số những đôi mắt tròng đen hạt nhãn chen lẫn với những trái tim đỏ tươi; những ngọn lửa rực một mầu vàng cam bốc lên từ hàng chục tròng mắt và hàng chục trái tim bay là là trên mặt đất; lơ lửng giữa khoảng không gian xanh là nhưng quả bom bốc lửa; cao tuốt trên tầng không gian cũng là những chiếc phi cơ chiến đấu đang phun khói ngút trời. " Cái gì vậy?" Một vài người nào đó thì thào, nhưng đại đa số thì nín bặt, dán mắt lên màn ảnh. Bức tranh có một sức hút như thôi miên. Trong khoảnh khắc, người ta chỉ còn nghe thấy tiếng sè sè cuả chiếc máy chiếu slide và rồi tiếng tạch khẽ khàng của tấm phim kế tiếp bị đẩy tới. Tạch. Xanh. Một mầu xanh ngút mắt cuả đồng lúa phóng đi về phiá chân trời và mầu nâu mông mênh cuả vạt đất trải dài bên dưới, ở góc trái của bức tranh là một người đàn ông và một người đàn bà quỳ phủ phục, úp sấp mặt trong một dáng điệu âu yếm như đang hôn lòng đất. Tạch. Tím. Một thân người co quắp, hai bàn tay quều quào đưa lên níu lấy cần cổ, khuôn mặt bành to và tím bầm, tròng măt trắng dã kinh hoảng như đang sắp bị lấy đi nốt hơi thở cuối cùng, trên không trung cánh diều no gió căng đầy, cách đó không xa một bầy cò nhởn nhơ bay lượn. Tạch. Xám. Một mầu xám nhạt làm nền, trên đó nổi bật lên vô số những khuôn mặt hình giọt nước; hàng hàng lớp lớp những đôi mắt u uẩn như tích tụ nỗi buồn đau đâu đã nghìn năm. Tạch. Trắng xoá. Tạch. Trắng xoá. Hết rồi. Đã đến tấm phim cuối. Nhưng không phải. Một cái tạch nữa. Đen. Những tảng mầu đen buồn bã. Giữa bức tranh vẽø hình một người đàn bà nằm nghiêng, quần áo bà ta rách tả tơi để lộ một bên bầu vú. Đôi cánh tay bà giơ ra nhoài về phía một đứa bé sơ sinh nằm ngửa hả miệng khóc ngằn ngặt. Guơng mặt bà mẹ chi chít những vết hằn ngang dọc tới độ không còn nhìn rõ người vẽ muốn lột tả cảm giác gì trên khuôn mặt đã bị tàn phá đó, duy có đôi mắt là rõ ràng còn hằn nguyên nỗi đau đớn tuyệt vọng. Chung quanh hai mẹ con là những lùm cây trụi lá hoang tàn, những tảng mầu đặc quánh như bùn non. Xa về phía góc phải phiá trên của bức tranh là mấy đường đen xiêu vẹo rạch lên bầu trời xanh xám. Tạch tạch hai lần nữa. Rồi màn ảnh đứng sững lại trong ánh sáng vàng choé trần trụi. Không khí trong lớp học cũng sững lại vài giây rồi một người nào đó nói: " Coi buồn bã quá đi thôi. Dường như đề tài là chiến tranh thì phải." " Sao? Có anh chị nào nghĩ được đề tựa cho năm tác phẩm này chưa? Chúng ta có cần chiếu lại những tấm slide này không?" Bà thầy hỏi. Cô sinh viên tóc vàng ngồi bàn thứ ba bên phải giơ tay lên: " Để em thử coi sao. Bức thứ nhất nên đặt là Chiến Tranh. Bức thứ hai là Đất Lành. Bức thứ ba là có lẽ là Thiên Tai. Bức thứ tư là Nỗi Buồn Nhân Loại. Bức thứ năm là Lìa Con." " Nghe cũng được đấy. Còn ai có ý kiến khác nữa không? " " Cô có sẽ cho bọn em biết họa sĩ thật sự là ai và những tựa đề của ông ta là gì không chứ?" Một nam sinh khác hỏi. "Từ từ nào. Nên nhớ rằng chúng ta đang làm bài tập và người cần nói không phải là tôi mà chính là các anh chị. Tôi sẽ sơ lược kể cho các anh chị nghe câu chuyện về xuất xứ cuả những bức tranh này. Tôi sẽ kể chứ, nhưng chỉ sau khi tôi được nghe thêm ý kiến của một vài người khác nữa. Nào, ai nữa? Lớp này mọi hôm vẫn có nhiều ý tưởng phong phú lắm kia mà." Khi đưa Nicole ra phi trường, lòng tôi dường như có một nỗi băn khoăn khó tả. Nó không hẳn là một nỗi lo lắng. Một mối quan tâm thì đúng hơn. Đã lâu lắm, hơn mười năm rồi thì phải, kể từ ngày chúng tôi quen biết nhau, tôi chẳng thấy Nicole có một người bạn đồng hương nào, nay bỗng dưng thình lình quyết định trở về thăm quê cũ. Đối với người khác thì đó cũng chỉ là một điều rất bình thường, như một cuộc nghỉ hè, một chuyến du ngoạn vậy thôi. Nhưng ở Nicole thì tôi cảm thấy có một cái gì đó không ổn. Cha mẹ Ni đã qua đời, Ni là con một trong gia đình nên chẳng có anh chị em nào để thăm viếng. Tôi gạn hỏi mấy lần Ni mới ấp úng nói rằng đã nguôi giận người chồâng cũ nên muốn về xem ông ta còn sống hay đã chết. Nghe vẫn chưa ổn nhưng tôi không muốn ép bạn thêm. Ni chính là tên mẹ đẻ cuả bà ấy. Tên Nicole là do tôi đặt và Ni đã chỉ dùng cái tên thứ hai này trong nhiều năm nay. Ni không có một người bạn thân nào ngoài tôi. Các sinh hoạt giao thiệp khác của nàng chỉ giới hạn vừa đúng trong khuôn khổ việc làm và xã giao tối thiểu. Dường như đối với Nicole, tôi chính là khuôn mặt của nước Mỹ. Cũng may là tình bạn của chúng tôi khá thắm thiết; nước Mỹ qua tôi, vẫn là người bạn vỗ về an ủi, là nơi chốn trú ẩn cho Ni tìm về. Chúng tôi có chung thú vui đọc sách và hội họa. Tôi dậy thêm Nicole tiếng Anh, đưa sách cho bạn đọc. Nàng là một người đàn bà rất thông minh, học rất mau, bắt chước khá tài. Sau vài năm làm bạn với tôi, cách phát âm cuả Ni tuy còn nhiều dấu vết của một người di dân nhưng nàng đã nói khá lưu loát trôi chẩy. Ni tới nước Mỹ một thân một mình, việc làm đầu tiên mà nàng có được qua sự giới thiệu của nhà thờ bảo trợ là một chân thợ may tầm thường. Sau bẩy năm vừa đi học vừa đi làm, Nicole tốt nghiệp đại học về ngành vẽ kiểu mẫu thời trang và đồng thời trở thành giám đốc điều hành một phân xưởng sản xuất áo tắm cho công ty danh tiếng GotYou. Ngoài giờ làm việc, Ni thường vẽ tiêu khiển và có đưa cho tôi xem vài bức. Tôi nghĩ rằng Nicole không những có căn bản hội họa mà còn là một họa sĩ có tài. Ni để khung tranh đầy trong nhà xe biến thành xưởng vẽ. Có lần tôi tới chơi, chúng tôi đang đứng nói chuyện trong xưởng vẽ của Ni thì chuông điện thoại reo liên hồi, Ni phải chạy vào nhà trong, tôi tẩn mẩn lật một trong số dẫy khung tranh xếp úp mặt vào tường ra xem. Bức tranh vẽ phác một người đàn bà và một vật gì đó bên cạnh bị dập xóa nhiều lần. Lật khung vải kế tiếp, lại cũng thế. Khung kế tiếp, lại cũng thế. Tôi ngạc nhiên thấy năm bức liền như cùng vẽ về một đề tài và cùng bị dập xoá giống hệt nhau. Tôi không dám hỏi Ni nhưng biết rằng bạn còn một điều gì đó sâu kín không thể tỏ bầy. Vào ngày sinh nhật thứ ba mươi tám, Nicole nhận một đứa trẻ ở viện mồ côi làm con nuôi. sau khi đã lui tới làm việc tự nguyện ở đó suốt hai năm trường. Steven là một đứa trẻ dễ mến. Ni để ý tới nó vì thằng bé cũng rất mê vẽ. Tôi giúp Ni lo mọi thủ tục giấy tờ. Họ trở thành mẹ con và sống với nhau rất đầm ấm. Có lần Ni bảo - Đứa con chính là quê hương trong lòng người mẹ -. Tôi không có con nhưng cũng hiểu và đồng ý với Ni. Có điều, nghĩ sâu xa hơn một chút thì lại thấy lạ. Ni nói vậy khi nhận Steven làm con nhưng một cách nào đóù tôi có cảm tưởng mơ hồ rằng Ni ám chỉ một ai khác. Ni kể rằng ngày trước lúc đang theo đuổi bậc đại học gần xong thì bỏ dở đi lấy chồng. Ni chưa bao giờ nhắc tới việc có con với người chồng cũ, nhưng cách Ni chăm sóc Steven là của một người mẹ đầy kinh nghiệm. Điều khác nưã tôi cũng lấy làm lạ: Ni không chọn một đứa con nuôi cùng chủng tộc mà lại chọn một đứa nhỏ da trắng. Dù chuyện Steven ưa thích hội họa giống Ni là một yếu tố quan trọng mà tôi có thể hiểu được, nhưng điều đó có quan trọng hơn nỗi khao khát làm mẹ không? Tại sao Ni lại muốn có một đứa con nuôi coi hoàn toàn khác mình? Mấy lần tôi toan hỏi Nicole rồi lại thôi. Tôi không muốn Ni hiểu lầm tôi là một người đầu óc còn hẹp hòi về vấn đề chủng tộc. Có một cái gì đó là lạ ỏ Nicole. Một cái gì vụt đến vụt đi, phút này rất gần gũi, phút khác xa thẳm mất hút. Ni như một người ở trong tình trạng hoán vị. Thỉnh thoảng, tôi hình dung Ni như tờ văn kiện bay qua bay lại giưã ngăn kéo hồ sơ này, khác mỗi khi tôi di chuyển chúng trong máy tính điện tử đặt trên bàn viết. Một dáng vẻ nhẹ nhàng. Một tâm tư sâu kín. Một cái gì như mong manh dễ vỡ nhưng lại cương dũng một cách vẻ âm thầm. Một mẫu người đàn bà Á châu khá đặc biệt. Tôi nói điều này với Bruce, bạn đồng nghiệp thân thiết dậy cùng trường. Anh ta nheo nheo con mắt hỏi tôi bằng một giọng đùa cợt - Bạn có bị méo mó nghề nghiệp không đấy? Và tôi hy vọng là đây lại càng không phải là một liên hệ tình cảm giữa hai con tim. Nếu bạn đang tìm kiếm chuyện đó thì kể tên tôi vào danh sách coi bộ còn lý thú hơn. - Sau vụ đó tôi quyết định giữ riêng cho tôi những ý nghĩ về Nicole. Kể ra Bruce ngờ như thế cũng phải. Ni và tôi đều không chồng, cùng thiếu hai cái lá chắn của xã hội. Từ sau lần đổ vỡ với David, tôi không có liên hệ tình cảm với người khác phái nào nữa. Giữ những cuộc giao du ở tầm mức vài lần đi ăn tối, môït đêm rượu say chuếnh choáng để sáng hôm sau thoải mái quên sạch những gì mình đã làm hôm trước và cũng chẳng bao giờ gặp lại cố nhân thế mà khỏe hơn nhiều. Nhưng đồng tình luyến ái với Nicole thì không, chẳng bao giờ.chúng tôi nghĩ đến chuyện ấy. Ni như một thứ hương thơm nhẹ nhàng làm dịu nỗi cay đắng trong lòng tôi và lại như một mùi hương huyễn hoặc đánh thức con quái thú trí thức đang hờm sẵn trong tôi sẵn sàng vồ vập lấy một con mồâi hấp dẫn nào đấy để mà đem ra phanh phui mổ xẻ cho tới cùng. Rồi thì mùa hè đến và Nicole đột nhiên thông báo cho tôi cái quyết định về thăm viếng cố hương và nhờ tôi trông chừng dùm Steven trong lúc nàng vắng mặt. Ở phi trường, Ni ôm hôn Steven và tôi trước khi lên máy bay, tôi nhìn thẳng vào đôi mắt mầu hạt dẻ của bạn và hỏi Ni về để tìm kiếm điều gì ở nơi ấy. Nàng lắc đầu trả lời - Cũng không biết nưã. Viếng thăm thế thôi. - Tôi nghĩ rằng Ni không nói dối, nàng chưa có câu trả lời thì đúng hơn. Con đường đất nâu đậm như xuyên thẳng vào lòng hai vòm lá xanh um phía trên cao. Hai bên đường vẫn thế, dường như vẫn thế, thấp thoáng những mái nhà nhô ra thụt vào. Cảnh làng mạc thôn ấp. giống hệt như những bức tranh tôi vẽ ngày bắt đầu học vẽ phong cảnh. Trong một giây, tôi tự hỏi mình đang trên đường tới A.H. như một cảnh trí thực, hay là tôi vẫn đang đứng trước tác phẩm đầu tiên của đời mình hai mươi mấy năm về trước và rồi bỗng dưng cái khung vẽ ấy vụt lớn bung ra, mở thành con đường đất trước mặt, những tảng mầu xanh nở tung ra thành những vòm lá tre rì rào. Môït sự hoán vị cuả tranh và đời sống thực hay tôi bỗng dưng di chuyển được một cách thần tình trên trục thời gian? Tôi bảo người tài xế dừng lại ở chỗ tầm nhìn đẹp nhất, xuyên suốt con đường vòm lá tre và hơi cong ở cuối đường chân trời. Ông ta tắt máy xe, bước xuốâng phụ tôi đem giá vẽ và sắc tay đựng mầâu, cọ và vài món đồ dùng lỉnh kỉnh. Tôi nói cám ơn, thật ra thì sự giúp đỡ này chẳng cần thiết vì nào có nặng nề chi cho cam. Nhưng ông ta có vẻ muốn tỏ ra có thiện chí và sốt sắng chu toàn nhiệm vụ của một người tài xế. Thảo, người bạn học cũ nay mở công ty du lịch văn phòng chính đặt tại Sàigòn cho biết những ôïng tài xế do công ty của cô giới thiệu toàn là những công chức trong guồng máy chính quyền, không sống nổi với đồng lương chết đói nên họ chia phiên che chở cho nhau đi kiếm thêm chút lợi nhuận. Nhìn nụ cười cầu tài và đôi mắt như thỉnh thoảng ánh lên nét lo âu của ông ta, tôi bâng khuâng với ý nghĩ có khi nào ông chính là một trong những người đã từng cầm súng nhắm bắn vào Phan trong những trận đánh cuối cùng ở ven đô hai mươi năm về trước? Có phải viên đạn xuyên vào phần ngực trái, cách quả tim không xa đó đã làm tách rời cuộc đời chúng tôi từ dạo ấy, hay chính vì sự không thể chọn lưạ của Phan ở giờ phút sau cùng đã đẩy chúng tôi rời xa nhau vĩnh viễn? Một sự chọn lựa vừa buộc tôi mãi mãi yêu Phan vừa lấy đi cái mà tôi đã thương yêu hơn hết thẩy và đẩy tôi vào chốn mỗi ngày mỗi xa mỗi xa xa xa... Tôi hẹn ông ta quay trở lại đón vào lúc xế chiều. Người đàn ông tươi cười ra vẻ vui thích vì sắp được khề khà chui vào một hàng quán nào đó nhưng lại vừa thoáng vẻ lạ lùng diễu cợt vì chắc ông ta không khỏi nghĩ rằng tôi là một Việt kiều ẩm ương dở người dở ngợm; vượt hơn nửa vòng trái đất chỉ để mò về chỗ quê mùa này dựng giá vẽ. Một thứ phú quý sinh lễ nghĩa hay tệ hơn nữa, một cách làm dáng mới cuả những người đang sống phủ phê và không biết làm gì với tiền bạc và thời giờ của mình. Oâng ta không thể biết được rằng tôi đang thử quay ngược cuốn chỉ thời gian đểû tìm lại tôi hơn hai mươi năm về trước, tìm xem tôi đã chết trong quê hương hay quê hương đã chết trong tôi, thử đứng trước cái mốc điểm thời gian khôc liệt ấy như đứng trước một tấm gương soi. Tôi trở về vì không còn có thể chần chờ thêm một phút giây nào nưã. Trở về để lay động trái tim tê dại. Trở về nơi tôi đã banh da xẻ thịt để định tên gọi cho một chốn mịt mùng. Nhiều người vẫn thường bảo - Rồi thì đời sống vẫn tiếp diễn thôi - để an ủi nhũng kẻ bị mất mát. Một cách nhìn tươi tắn và khỏe mạnh làm sao. Trong một cung cách nào đấy thì từ lâu nay tôi đã ôm lấy câu nói này làm phương châm hướng dẫn đời mình. Tôi như một bánh xe đã kiên trì thầm lặng lăn tiếp về phiá trước. Gấu Con đã bảo tôi làm thế. Nó luôn yêu thương và tha thứ cho tôi. Người tài xế và tiếng máy xe sình sịch của ông ta đã khuất. Chỉ còn tôi và buổi ban mai vừa thanh khiết êm đềm vừa rực rỡ trắng trong. Cảnh trí này thuộc về một cảnh đời và một thế giới khác: thuở ấy tôi còn ở tuổi đôi mươi. Tôi bây giờ gặp gỡ trò chuyện với tôi ngày xưa trên khung vải. Phan mặc quân phục mầu xanh lá cây bước tới. Nụ cười của chàng tươi tắn và dịu dàng. Cây bút chì trong tay tôi không ngừng vạch lên mặt giấy những nét phác cuả quá khứ. Mầu xanh của lá, mầu bích ngọc của đất trời, mầu aó hồng ngày cưới, mầu xám ngắt âu lo, mầu nghẹn ngào mừng tủi, mầu máu đỏ ruột mềm, mầu mắt con thơ dại, mầu đen thẳm chia ly, mầu nước mắt lưng tròng, mầu sóng cao chất ngất. Xám. Đen. Trắng. Trắng xoá. Vỡ tung. Tan tành. Dấu lặng. " Cô vẽ đẹp quá." Tôi giật mình ngước lên. Một người thanh niên đã đứng trước mặt tôi tự lúc nào. Cậu ta còn rất trẻ, có lẽ cậu cỡ cùng tuổi với Gấu Con. Phải đấy. Đôi mắt đó là đôi mắt của Gấu Con cộng thêm mười, mười lăm năm phóng tới. Người thanh niên nhắc lại, dáng vẻ hơi sượng sùng có lẽ vì cái nhìn sửng sốt của tôi. " Cô... cô vẽ đẹp quá. Cháu...đứng lại xem, không làm phiền cô chứù?" " À... không. Có gì phiền đâu. Cám ơn cháu." " Mầu nền của cô pha coi rất lạ. Cô chỉ cháu được không?" " Cháu thích hội họa lắm à?" " Dạ. Phải nói là cháu mê nữa đó cô. Cháu vẽ giỏi hơn làm bất cứ việc gì khác." Tôi mỉm cười: " Thế thì cháu sẽ phải thành họa sĩ thôi." Người thanh niên khoanh hai tay trước ngực so cao đôi vai: " Chỉ phiền một nỗi là cọ và mầu quá đắt đỏ đối với cháu." Tôi cúi nhìn đống cọ dư thừa xếp cạnh giá vẽ, bỗng cảm thấy hơi lúng túng, không biết nói gì ngoài mỗi chữ " Ồ" vô duyên ngắn ngủi, nhưng người thanh niên thì vẫn hồn nhiên. " Cô, phải cô là Việt kiều về chơi không cô?" " Ừ ừm. Coi tôi dị hợm, khác người lắm hả?" Người thanh niên vội vàng cải chính, " Dạ không. Coi cô rất nhã nhặn. Ý cháu muốn nói là cô ăn mặc rất bình dị đó mà. Nhưng vẻ mặt cô... Thấy một cái biết liền." Tôi mỉm cười trêu chọc cậu ta, " Sao? Biết liền cái gì?" Cậu ấp úng thật dễ thương, " Cháu...không biết. Cháu chỉ cảm thấy thôi." Tôi đột nhiên cảm thấy thật gần gũi với cậu. " Cháu biết không? Mẹ của cô ngày xưa thường bảo rằng giống nhãn Hưng Yên đem trồng trong Nam hương vị biến đổi đi nhiều là lẽ tất nhiên đó cháu." " Cô ở đâu về vậy?" Tôi lại mỉm cười, " Ở...ngoài nước. Khác với cháu,...ở trong. Thế cháu ở vùng này à?" " Không, cháu ở với bà ngoại bên Thị Nghè. Về nhà dì cháu ở đây chơi thôi." Mặt trời buổi sáng muà hạ miền nhiệt đới đã bắt đầu lên cao chói lọi trên đầu chúng tôi. Buổi vẽ như thế là đã chấm dứt. Tôi rủ người thanh niên đến ngồi trò chuyện dưới rặng tre bên đường. " Cháu tên gì?" " Việt." Tôi giật thót mình như có bàn tay ai vừa bóp lấy trái tim, hỏi thảng thốt, " Sao cháu lại tên Việt?" Và rồi chợt nhận ra câu hỏi ngớ ngẩn của mình, tôi nói chữa, " Con của cô cũng tên Việt." "Anh ấy đâu? Có về đây với cô không?" " Không." " Chắc anh ấy nói toàn tiếng Pháp hay tiếng Mỹ há cô? Chắc anh ấy không thích về Việt Nam hả." " Không. Không phải đâu. Con của cô nói tiếng Việt giỏi lắm. Thật ra, nó là người duy nhất mà cô vẫn nói chuyện tiếng Việt mười mấy năm nay." " Vậy sao. Hay quá há. Sao cô nói nhãn Hưng Yên gì đó trồng trong Nam không ngon?" " Không phải là không ngon. Mà là khác đi, không giống thứ nguyên thủy. Tùy theo phong thổ, có nơi trồng giống nhãn ấy cho ra quả nhạt nhách, dở òm. Có nơi cho trái lớn vồng mà cùi lại mỏng quẹt. Có nơi vị nó phảng phất mùi nồng nồng của phù sa sông Cửu, mùi nắng cháy Tháp Mười. Cũng có khi mùi vị biến đổi hoàn toàn, mang vị lạ lùng của thứ nhãn lai, hay là nhãn thất lạc." " Cô nói chuyện nghe ngồ ngộ." " Cháu là người đồng hương đầu tiên cô nói chuyện nhiều. Đã lâu lắm rồi..." " Cô đi hồi nào? Hồi bẩy lăm hay vượt biên? Cô đi lâu rồi chắc không phải diện H.O.?" " Không. Đúng ra thì một người H.O. từ chối liên lạc với cô." " Có vậy nữa sao? Cháu tưởng ai cũng muốn bỏ nơi này mà đi. Cháu tưởng chỉ có người bên đó mới từ chối người bên này." " Có khi một quyết định đáng lẽ phải làm hai mươi năm về trước không còn có thể vòng trở lại ở hai mươi năm về sau. Có khi cái đầu của người trí thức suy nghĩ quá nhiều nên hỏng kiểu. Có khi khả năng nhìn thấy cái sai lầm của phía bên này lẫn phía bên kia khiên người ta không biết phải làm gì ở cái giây phút quan trọng nhất của một đời người. Có khi chúng ta phải trả một giá cực đắt cho một quyết định nào đấy. Có khi cái hẹn định mệnh chỉ xẩy ra một lần trong một phút giây tích tắc. Có khi...có khi mọi quyết định đều đã muộn màng cháu biết không?" " Đâu có gì muộn cô?" " Vậy gia đình cháu có muốn đi không?" Người thanh niên lắc đầu, " Cháu không thuộc gia đình H.O. Cũng chẳng bao giờ sẽ là. Nếu cha cháu còn sống kìa. Với lại, có lẽ số phần của cháu là sống ở đây, ở đất này. Chắc cha cháu biết trước nên đặt tên cháu là Việt..." Chừng như chợt nghĩ ra, cậu vội sửa lại: " À quên. Đâu phải tại cái tên há. Con của cô cũng tên Việt. Cháu không có ý..." Tôi im lặng. Dường như có một tiếng gọi nào xa thẳm vọng tới cuốn hồn tôi đi. Nếu không cưỡng lại thì chỉ một chút, một phút nữa thôi, tôi sẽ trôi xa tuốt chìm đắm trong vùng âm thanh trầm trầm rền rĩ ấy. Tôi sẽ... " Cháu có nói gì phật ý cô không vậy?" " Không. Không có gì đâu. Cô rất tiếc là cha cháu đã qua đời. Còn mẹ cháu?" Bây giờ thì đến phiên người thanh niên im lặng. Bỗng nhiên tôi rợn ở sống lưng khi nghĩ đến sự côi cút tình cờ trùng hợp của hai chúng tôi. Việt ở với bà ngoại, nghĩa là bà mẹ có thể cũng đã chết, hay bà ta đã bỏ đi? Tại sao tôi lại gặp một người thanh niên có đôi mắt giống Gấu Con ở một nơi chốn cũ, như một kết thúc khác cho một sự việc đã xẩy ra rồi. Việt đang đứng trước mặt là của tôi hay cuả ai khác? Con rồng đã bay về chốn của nó hay cái đầu đang quay lại tự táp lấy đuôi mình? Việt của tôi. Có phải đây là Việt của tôi? Người thanh niên thở dàiø, đứng lên. " Cháu phải về, không dì cháu trông. Cô... còn trở lại đây nưã không?" Tôi ngập ngừng, "Theo dự tính thì cô chỉ chỉ đến đây có một ngày nhưng... tuần sau, có lẽ cô sẽ trở lại để từ giã cháu. Cô... muốn tặng cháu mấy món này làm kỷ niệm. Cháu nhận cho cô vui." Aùnh mắt người thanh niên sáng lên ánh vui tươi khi cậu nhìn thấy mấy ống mầu và đám cọ quý của tôi đã kỳ công chọn lựa. Tôi đưa cả cho cậu tập giấy vẽ. " Vẽ đi. Cháu mê hội họa lắm mà. Vẽ tiếp luôn dùm cô bức tranh dang dở này." Nụ cười của người thanh niên có một vẻ buồn bã ấm áp. " Vâng, tuần sau, cháu lại xin gặp cô ở đây." Và rồi cậu ta lững thững bỏ đi. Dáng cậu gầy gò, hai bờ vai nhô lên xương xẩu. Tự nhiên tôi muốn gào lên gọi tên Việt. Gọi tên con tôi. Rồi N đã trở lại con đường đất nâu sậm xuyên vào giữa hai vòm lá xanh um nơi bà đang vẽ bức tranh dang dở. Rồi V cũng đã đến, đem theo món quà tặng cho người họa sĩ lạ lùng: năm bức tranh vẽ trên những giấy và cọ và mầu mà bà đã trao tặng cậu. Bốn bức đầu vẽ Lửa, Đất, Nước, Khí Trời kết tinh trong lòng mẹ biến thành máu thành thịt thành xương; ở bức họa cuối, Mẹ ngã gục trên đường chạy loạn trước khi giòng sữa trong lành được chẩy vào thân xác Con. N cũng trở lại nơi hẹn với một món quà mới cho người bạn nhỏ: một bức tranh mà bà đã cố gắng cả thẩy một trăm lẻ tám lần trong suốt mười lăm năm vẫn vẽ không thành. Khi tranh của V được đưa tặng cho N và tranh của N được đưa tặng cho V thì họ lập tức hiểu thấu nỗi cùng khốn của nhau và đã ôm nhau khóc suốt một ngày. Nước mắt V chẩy xuống thấm vào lòng đất phiá sau lưng N và nước mắt N chẩy xuống thấm vào lòng đất phiá sau lưng V. Sau khi hai ngườiï chia tay nhau rồi, dưới gốc tre nơi họ khóc nẩy sinh ra hai chồi măng mọc sát gốc nhưng một ngọn ngả về hướng Đông một ngọn ngả về hướng Tây. Năm 2001, người trong thôn ấp đặt cho rặng tre một cái tên mới: Tre Lìa Cội. "Không ai có thêm ý kiến gì khác nữa à? Từ nhiều ngàn năm trước nhân loại Đông Tây đã tin rằng Lửa, Đất, Nước, Khí là những yếu tố nền tảng cấu tạo nên vũ trụ và con người nằm trong vũ trụ có tất cả những thể tính ấy. Đó cũng là đề tài của những bức tranh chúng ta vừa xem. Riêng bức thứ năm có cùng một đề tài với bức tranh thứ sáu: Mẹ. Hãy xem tấm slide cuối này rồi tôi sẽ giữ lời hưá và sẽ kể câu chuyện về xuất xứ của những bức tranh." Tạch. Cái ô vuông trần trụi sáng choé trên màn ảnh lại biến mất. Hội họa đã ném lên được những nét hãi hùng đau đớn nhất trên khuôn mặt người đàn bà ấy, những đợt sóng như con quái vật khổng lồ chụp xuống đầu một cậu bé có đôi mắt đen như hạt nhãn, mầu sắc của giông tố cuồng nộ vây kín khoảng không gian chung quanh họ, những mầu sắc của nát tan khủng khiếp, của đứt đoạn chia lìa. Trong bóng tối cuả căn phòng chỉ còn nghe thấy tiếng kể chuyện đều đều của người giảng viên: "Những bức tranh ký tên họa sĩ V và N này được một người vô danh gửi tới cho phòng tranh Beyond Horizon của thành phố Nữu Ước. Người ta đã dành nguyên một bức tường lớn để treo cả sáu bức vào đấy. Trong một buổi đi xem triển lãm, vì quen biết người chủ phòng tranh tôi đã được phép chụp hình từng bức một. Cũng trong buổi triển lãm đó, tôi gặp người bạn phóng viên chuyên về vấn đề Đông Nam Á của tờ Times, anh ta nhất định đoan chắc với tôi là nét vẽ cuả họa sĩ N này trông rất quen thuộc, trông từa tựa như nét vẽ của một người quen biết cả hai chúng tôi có tên là Nicole. Tôi không đồng ý với anh ta vì Nicole là bạn rấtù thân của tôi, nếu đó là tranh của Nicole thì tôi phải là người biết rõ điều đó hơn ai hết. Mặc cho tôi thuyết phục thế nào, anh chàng phóng viên tò mò sắc mắc ấy vẫn không chịu bỏ ý định nài ép tôi cùng đi gặp Nicole. Anh ta nhất quyết tin rằng Nicole có dính líu tới đầu mối của những bức tranh bí ẩn này. Cuối cùng thì tôi cũng chiều ý anh ta cho xong chuyện. Bà bạn Nicole của tôi khi được phỏng vấn thì chỉ nhã nhặn nhận rằng có biết một người đồâng hương tên Ni rất mê vẽ nhưng suốt đời loay hoay vẫn không xong nổi một bức tranh và bà ấy cũng đã chết trong một tai nạn xe hơi khi đi du lịch ở một thành phố miền biển cách đây mấy năm rồi. Những chi tiết này đối với chúng ta có lẽ không phải là điều đáng kể. Điều tôi muốn chia xẻ với các bạn trong buổi học hôm nay là cái định nghĩa về hội họa của nhân vật Ni trong câu chuyện nửa hư nửa thực này. Vẽ đối với Ni, chính là một hành vi khâm liệm. Khi đưá con của bà bị sóng biển cướp đi trong chuyến đi rời bỏ quê hương, bóng tối của nấm mồ mênh mông trong lòng biển cả cũng đã phủ ngập trái tim bà. Ni đã không còn có thể vẽ cho đến khi bà khâm liệm xong xác chết của đứa-con-trái-tim-quê-hương. Như trong tác phẩm "Tiếng thở dài cuối cùng của những kẻ không nhà" mà chúng ta đã từng có dịp trích dẫn và bàn luận, nhân vật Ni đã không thể lên đường nhập vào bản hùng ca của đoàn người lữ thứ cho đến khi bà đắp được giải khăn sô lên quá khứ đã bị đoạn lìa. Những biến cố cuả lịch sử vẫn lạnh lùng tiếp diễn xô đẩy con người vào những biên giới mới và vai trò của người trí thức là thức tỉnh và nhìn xuyên suốt những biên giới ấy, sẵn sàng cho sự thay đổi hình dạng một kỷ cương mớùi của nhân loại." Tít tít. Có tiếng báo hiệu đổi giờ phát ra từ chiếc đồng hồ điện tử của bà thầy. " Chà. Đã hết giờ rồi ư. Làm ơn bật đèn dùm tôi chút." Căn phòng uà ngập lại thứ ánh sáng néon xanh. Lũ sinh viên ào ào thu xếp sách vở trong khi bà ta cao giọng nhắc nhở, " Đọc chương năm sưả soạn cho kỳ tới nhé." Vào một cuối tuần, Nicole làm chả giò mời tôi và anh chàng phóng viên Thomas lại dùng cơm tối. Gì chứ món tuyệt hảo này thì tôi chẳng bao giờ chán. Và phải ăn với bún trắng tinh và nước mắm pha dấm, tỏi, đường nữa thì mới đúng hương vị Việt Nam. Nicole làm món này vô địch. Nếu đến một lúc nào đó tôi nói rằng những món ăn của Nicole đã thay đổi một phần đời sống tôi thì cũng chẳng ngoa ngoắt gì cho lắm. Cơm tối xong xuôi, chủ nhân mời khách vào xưởng vẽ nhà xe xem mấy bức tranh mới. Bức tôi thích nhất vẽ một người đàn bà đang đứng trên một cầu thang xoáy trôn ốc vòng quanh một toà nhà chọc trời; kỹ thuật pha mầu và chơi ánh sáng cuả họa sĩ trên những bậc thang tạo cho nhân vật trong tranh một thế đứng lơ lửng, không như đi lên mà cũng chẳng phải đi xuống. Giữa Trên và Dưới, giữa Ánh Sáng và Bóng Tối, giữa Thiên Đàng và Địa Ngục, giữa Bên Này và Bờ Kia. Có điều rõ ràng là bà ta đầy vẻ an nhiên tự tại trong cái thế đứng lơ lửng giữa chừng. Tôi tự hỏi phải chăng Nicole đang vẽ cuộc đời của bà, một cuộc đời đã bị lịch sử đẩy vào một ngả khác, một thế giới khác: thế giới của những người di dân nghiêng mình tẩn liệm cho Niềm Nuối Tiếc và lên đường về chốn Không Tên? 2/96