Trần Diệu Hằng1. Khi Ở S, Về C c. Trước mặt tôi là chiếc x-terminal IBM tân kỳ, bên cạnh nó là ly cà phê, bên cạnh ly cà phê là chiếc bánh ngọt phết phó mát và đường. Chung quanh tôi là những chiếc terminals tân kỳ khác, những ly cà phê, những chiếc bánh ngọt và những người bạn đồng sở. Quá nửa buổi sáng đã trôi qua, buổi sáng đầu tiên của một khóa huấn luyện cấp tốc sẽ kéo dài một tuần. Giảng viên là một người đàn ông trẻ tuổi, phong thái đầy vẻ tự tin. ”A pointer is a variable, which is a memory location that contain the address of another memory location. Pointer is a memory location which points to another memory location, and in C, arrays are nothing but pointers, the most useful feature of C is the implementation of pointers... OK. Why don't we take a break for fifteen minutes and come back here, let's say about... ten twenty...” (1) Memory location. Một mạch điện. Một chỗ trong trí tưởng. Một nơi chốn trong cuộc đời. Bốn mươi tám tiếng đồng hồ trước là ngôn ngữ của người di dân. Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau là ngôn ngữ của những mạch điện. Những mảnh nhỏ, ráp lại thành đời sống của tôi hay của một ai khác? Ðứng ở hành lang của từng lầu thứ hai này tầm mắt của tôi bị choáng ngớp bởi những ngọn đồi, trên đó, mùa xuân trải một tấm thảm kết bằng những bông hoa dại mầu vàng thắm. Thỉnh thoảng, nổi bật giữa mầu xanh lơ của nền trời và mầu vàng sáng trưng của đồi đất, là những chiếc cần kéo gật gù của mấy giếng dầu áng chừng đã hơn ba mươi tuổi. C.C.B.B. Buổi tối ngày thứ Năm, khi kéo chăn đắp cho C.C. và B.B., tôi nói, ”Mẹ sẽ phải đi xa hai ngày, các con ở nhà với bác phải ngoan nhé.” Tụi nó giẫy lên như hai con giun nhỏ. “Ơ, mẹ đi đâu?” B.B. hỏi. ” Con muốn đi với mẹ,” C.C. nói. “Không được con à. Chỗ mẹ tới toàn là người lớn, có lẽ con không thích đâu.” “Party hả mẹ?” “Không. Conference.” “Conference là gì?” “Là... thảo luận. Một số người gặp nhau để bàn về một điều gì đó.” “Bàn là gì?” “Là nói chuyện.” “Chuyện gì?” “Chuyện... những bà mẹ nuôi con, chuyện... những người dân di cư, chuyện của những người... giống như con một mai khi con khôn lớn.” “Thôi. Con muốn mẹ. Con muốn mẹ ở nhà với con.” “Ðừng hự hự như vậy. B.B. nhỏ hơn con mà nó có nhõng nhẽo như thế đâu.” “Tại sao mẹ phải đi?” “Mẹ không phải đi. Nhưng có lẽ mẹ cũng cần đi, cũng nên đi. Thôi đừng hỏi nữa. Ngủ đi nhé.” “Hự hự. Con không muốn. Hai ngày... too long.” “B. muốn đi với bố.” “Ừ. Mẹ sẽ gọi bố đón con đi.” “C. không muốn bố. C. muốn mẹ.” “Ờ, mẹ biết. Nhưng thỉnh thoảng, mẹ cũng có chút việc riêng phải làm, giống như lúc con sang chơi với Mi, hay là Heather, mẹ đâu có đòi đi theo con.” “Nhưng mà mẹ to hơn con.” “Lớn hơn con. Không phải to hơn con. Thôi ngủ đi. Ngoan rồi mẹ may cho con bộ đồ cao bồi để con mặc trong ngày Western ở trường nhé.” “Mẹ nhớ ngày seventeen...”(2) “Nhớ rồi. Mẹ sẽ may cho con một cái áo khoác cộc tay màu xanh đậm có tua trắng hình chữ V trước ngực và sau lưng, trên ngực và gần vai của con, mẹ sẽ điểm thêm mấy viên ngọc giả đủ màu xanh đỏ tím vàng. Con sẽ mặc với một chiếc áo thun mỏng mầu hồng nhạt có đính ngôi sao trước ngực và một cái váy hai tầng cùng mầu xanh đậm. Con sẽ đi đôi ủng cao cổ mầu hồng. Trông con sẽ giống hệt một cô cao bồi nhỏ xíu đến từ Texas. Chịu không? Chịu rồi há. Thôi ngủ đi con. Xem B.B. kìa, nó nhắm mắt rồi đó. Ngủ đi. Mẹ hát cho nghe... Ðến nay thu tàn, phương xa kìa chiếc én bay về. Khuất trong non ngàn ta đâu còn nhìn thấy bóng quê hương...” C.B. ° jasmine, Hoa nhài và Ng. Bharati Mukherjee đứng đàng sau một bục gỗ, bà đang nói và nhiều người đang lắng nghe nhưng đôi mắt tôi lại dõi theo bóng dáng nhỏ nhắn của Jasmine (3) đang thấp thoáng đằng sau những chùm cây mướt xanh ngoài khung cửa sổ thật lớn của phòng họp. Jasmine mười bảy tuổi trang phục Ấn Ðộ cổ truyền mầu trắng. Người-con-gái-thiếu-nữ-đàn-bà-góa-phụ Jasmine mang một dấu ấn hình giọt mực trên trán. Jasmine chạy quanh khu vườn. Nàng cực kỳ sợ hãi. Nàng cực kỳ phẫn nộ. Coi nàng rất bơ vơ. Tôi thấy mắt nàng đầy lệ. Tôi thấy môi nàng thoáng một nụ cười giễu cợt đớn đau. Jasmine ngồi với một đám đông ở phi trường. Chờ đợi. Họ chờ những chuyến bay trễ muộn, những thời khóa biểu bị gạch bỏ. Phi trường Tân Sơn Nhất. Hành lý ngổn ngang. Những khuôn mặt thất thần. Tiếng động cơ nào đó gầm rú xé rách không gian. Ðất trời rúng động, vỡ đôi thành hai thế giới. Bên này và bên kia. Cũ và mới. Trước mặt và sau lưng. Không phải Jasmine. Nguyễn Thị Hoa Nhài. Dấu mực bai đi. Những chuyến phi cơ cất cánh. Hoa Nhài-Jasmine chạy quanh những khu vườn, giọt lệ và tiếng cười như những đốm sáng chập chờn trong vùng biển của tiếng động và nhịp sống mới. Một đứa con trai tóc đen trông giống hệt bất cứ đứa con trai nào lang thang trên vỉa hè Sài Gòn đến bên Jasmine mỉm cười. Du (4) cầm trên tay một tấm board chi chít những mạch điện. Những memory location... Có tiếng vỗ tay cho một nhà văn Mỹ quốc. Hoa Nhài tâm tình với Jasmine trên băng ghế mầu trắng đặt giữa khu vườn. Du đứng dựa lưng vào một gốc cây gần đó cắm đầu ráp nối những mạch điện. Có tiếng ngâm thơ của Ng. vọng sang từ khu vườn kế bên. ”Tôi không ở bên này và cũng không ở bên kia. Từ một chốn có tên tôi tới một nơi không tên gọi. Một chốn ở nơi không ở đâu. Tôi đặt hành lý xuống, bắt đầu cuốc đất và cất tiếng hát. Lời ca sẽ vang rền trên những ngọn cây khâu vá lại những mảnh của một thân xác đã rã rời. Tôi gọi tên ngôn ngữ tôi: linh hồn của tình yêu và sự sống, tiếng nói từ chốn không tên, bàn tay tìm nối vòng tay đã đứt...” Người viết trên đường trốn tránh bạo lực cất tiếng phát biểu, ”Văn chương của thế kỷ hiện đại là tiếng nói của những người di dân...”( 5) Hãy thêm, tiếng nói từ những chốn ”không-ở-đâu”, những nơi không ”không-thuộc-về”, ngôn ngữ không cảnh thổ lặng lẽ vươn mình đứng cùng thế giới.Truyện kể Trong câu chuyện này, người kể là kẻ mới làm quen với ngôn ngữ Y nhưng người nghe là những bậc thầy chuyên dạy kẻ khác sử dụng thứ ngôn ngữ ấy tạo thành điều gọi là văn chương. Diễn giả, khi viết truyện đã sử dụng ngôn ngữ X, nhưng khi kể về việc viết lại phải dùng ngôn ngữ Y vì người nghe chỉ có thể hiểu ngôn ngữ Y. Nhân vật số ít, kẻ đã tự ôm lãnh trách nhiệm viết truyện và kể chuyện, là người trả lời. Nhân vật số đông sử dụng ngôn ngữ Y là những kẻ đặt câu hỏi. H: Tại sao người kể chuyện sống ở miền đất sử dụng ngôn ngữ Y nhưng lại chọn ngôn ngữ X để viết? Ð: Tôi không chọn X. X chọn tôi. Một cách nói khác, tôi sinh ra với X, sống với X, và chết với X. X chính là linh hồn, mọi thứ ngôn ngữ khác đều là tay, chân, mắt, mũi, miệng. Một người có thể thay đổi thân xác, nhưng không thể thay đổi linh hồn. Tôi là tôi. Tôi là X. X là tôi. Tôi có thể thay đổi thân thể, như một người đàn bà có thể quyết định đầu tư hết vốn liếng vào việc trau chuốt sắc đẹp của mình, nhưng tôi hoặc đã không làm, hoặc đã không đủ vốn liếng để làm cuộc đầu tư đó. Lý do thứ hai: X cần tôi. Y không cần tôi. X không phải chỉ cần tôi như một người sử dụng ngôn ngữ ấy trong việc mua bán, trao đổi, chuyện vãn nắng mưa. X cần tôi tìm cách thế để biến X thành một ngôn từ, một dòng X mới tinh chuyên chở thương yêu, không phải X gầm gừ với nắm tay đe dọa bằng bạo lực, X cần tôi góp sức để gom lại những nhánh củi đã trôi băng theo dòng nước xiết, X cần tôi để hàn gắn vết thương. Một ngôn từ để nối lại một dân tộc. Và rồi ai cũng biết rằng Carlos Fuentes dậy ở đại học Harvard nhưng vẫn viết bằng tiếng Spanish. H: Nhưng làm thế nào chúng tôi có thể lắng nghe một thứ ngôn ngữ mà chúng tôi không hiểu? Sự chọn lựa của bạn là một thứ chọn lựa tự trói mình, hoặc bạn là một kẻ yếu đuối cần được nâng đỡ? Ð: Trong thế giới hậu hiện đại của văn chương, có nhiều cách để giải thích một sự việc. Mỗi người tự chọn lựa cách của mình. Sự chọn lựa này không có nghĩa sẽ triệt hủy sự chọn lựa khác. Tôi có thể là một kẻ yếu đuối phải đứng trong hàng ngũ thiểu số, tôi cũng có thể là kẻ quá mạnh mẽ để làm được quyết định đứng trong hàng ngũ ấy. Dù một trong hai hoặc cả hai điều đó đều đúng, sự chọn lựa của tôi cũng chỉ đưa tới một con đường chông gai hơn con đường đi vốn đã chông gai, nhưng không có nghĩa là một ngõ cụt. Thế giới xoay mòng, người ta bắt buộc phải lại gần nhau hơn, bằng chứng là cuộc họp mặt hôm nay. H: Ðó là những lý do tâm linh, nhưng đứng trên phương diện vị trí, bạn ở đâu? Bạn là một phần của chúng tôi, tập thể sống trên miền đất Y, hay bạn đại diện cho miền đất nào khác ngoài kia? Bạn là ai, bài viết của bạn ở đâu? Ð: Chúng tôi là một phần của các bạn, cư ngụ ở một nơi thuộc về một chốn không ở đâu. Chúng tôi là những linh hồn chết oan không đầu thai nhưng những phần tử vẫn tụ lại thành một hiện hữu. Chúng tôi là một chữ đã bị xóa bỏ nhưng vẫn hiên ngang ở lại với cái gạch xóa nằm vắt ngang lưng mình. Chúng tôi hiện diện bằng ngôn từ của những kẻ đối diện với sự sống cùng lúc với nỗi chết, dựa lưng trên bờ thành cũ mở mắt nhìn thế giới mới chòng chành trước mặt. Thế hệ chúng tôi bắt đầu cùng lúc với chấm dứt. Ðừng định nghĩa chúng tôi là ai. Ðừng đặt chúng tôi vào biên giới quốc gia chủng tộc. Hãy chấp nhận chúng tôi như một tiếng nói, một ngôn từ, một sự có mặt. Miền đất này đã biến chuyển, đang biến chuyển, và còn biến chuyển. Người ta có thể tái định nghĩa dòng chính, vì chính dòng chính đang biến đổi nơi đây, nơi khác, thế giới. Chúng tôi cũng là dòng chính, ở trong dòng chính hoặc dòng chính cũng là chúng tôi. H: Khi tôi đề cập đến một số tác phẩm ở ngoài nền văn học chính, nhiều học trò của tôi gốc người Ðông Dương đã cho rằng họ bị đối xử phân biệt, không công bằng. Họ muốn học những tác phẩm của nền văn minh da trắng. Bạn nghĩ sao về việc này? Ð: Tôi nghĩ có thể đó là thái độ của những kẻ không nhận diện được chính mình. Ðứng trên phương diện tâm lý học, xã hội học, thái độ ấy có thể đưa nhiều cá nhân vào con đường chống phá xã hội. Ðó cũng là lý do tại sao tôi tin vào cố gắng tạo lập một vị trí riêng của chúng tôi. Một thế đứng cách biệt mà vẫn hòa hợp. Một vị trí trông chờ ở khả năng dung chứa của tập thể đa số. Khả năng ấy đặc biệt có ở người nữ, thể hiện bằng sự cưu mang một kẻ khác trong chính bà ta. Thời đại của nữ quyền. Những vai trò mâu thuẫn của một bà mẹ. H: Trong chuyện kể của bạn, có phải cuối cùng, nhân vật mẹ đã giải quyết được sự mâu thuẫn giữa vai trò này và niềm ham muốn viết văn trong bà ta? Ð: Ðúng ra, sự mâu thuẫn đó không được giải quyết, vì nó chỉ là một vấn đề hiện hữu trên bề mặt của sự việc, tìm về tận cùng nguyên lý, sự mâu thuẫn ấy tan biến vì lẽ con cái cũng là văn chương. Chúng là hai sự thể, hai hướng đi ở những quãng nào đó của đời sống, đến quãng khác chúng nhập một, là một. Con cái chính là văn chương tôi. H: Bạn có đề cập đến nữ quyền, đến sự tạo dựng ngôn từ với một mục đích nào đó, vậy bạn có cảm thấy ham muốn quyền lực? Ð: (Ồ, Michel Foucault ư! Chị là một người đến từ Paris, thảo nào!) Không. Không bao giờ. Ngược lại. Tôi tối kỵ quyền lực. Ðiều duy nhất đứng đằng sau ngôn từ của tôi là yêu cầu được chấp nhận và được lắng nghe bằng niềm thông cảm và rung động của trái tim. Ðối với tôi, quyền lực là một sự sai lầm. Nó không bao giờ là một cần thiết. H: Nếu các bạn được lắng nghe, vị trí các bạn được nhìn nhận, bạn có âu lo về sự ngắn hạn của nó, do chính ở định nghĩa khởi đầu của ngôn từ của bạn? Ð: Tôi đã nói, thế hệ của tôi bắt đầu cùng lúc với chấm dứt. (Ðến đây, Lịch Sử, một người ở ngôi thứ ba không có mặt trong cuộc đối thoại nhưng luôn theo dõi tất cả những câu hỏi đáp trên màn ảnh truyền hình lập tức gửi lời phát biểu của anh ta tới phòng họp. Giọng anh trầm hùng phát ra từ bộ phận phóng thanh gắn ở một góc tường: “Sự ngắn hoặc dài hạn không cần thiết đối với Lịch Sử. Công việc của tôi là ghi chép tất cả, và giá trị của công việc ấy là sự trung thực và đầy đủ.” Ðám đông không nói gì thêm về điều này). H: Bạn có vui lòng làm một chuyến lên trường đại học ABC để nói chuyện với những sinh viên của tôi? Ð: Có chứ. Tôi là một bà mẹ làm việc không biết mệt nhưng cũng là một nông phu cần cù trong lãnh vực văn chương. Kịch trong kịch Trên bục gỗ, năm người con gái thanh tân và một chàng trai trẻ giới thiệu phần diễn đọc lý thuyết về thân xác: Dục tính, Sự dối trá và chính trị trong tiến trình biến đổi văn hóa của những người Mỹ gốc Á châu. Những diễn viên tự giới thiệu mình. “Tên tôi là Cực Lạnh...” “Tên tôi là Mặt Trời...” “Tên tôi là Phi Ðảo...” “Tên tôi là Trung Hoa...” “Tên tôi là Thái Lan...” “Tôi là kẻ đến từ một nơi không-ở-đâu...” Người con gái ngồi gần tôi nhất có đôi mắt một mí coi thật ngộ. Cô mặc chiếc áo đầm mầu cánh sen có điểm những vệt đen trông giống như những vết cọ sơn. Tóc cô uốn quăn lọn nhỏ rức buông xõa xuống quá vai. Khi đọc, cô hơi cười, đôi môi tô son hồng nhạt cong lên nũng nịu. Và chiếc cằm của cô, ồ, chiếc cằm quen thuộc làm sao! Những lời diễn tập lập tức kéo được sự chú ý của khán thính giả bên dưới. Từng tràng cười ngắn rộ lên hưởng ứng. Mặt người con gái áo màu cánh sen bắt đầu thay đổi trong lúc những diễn viên khác mờ dần như những bóng ảnh rút êm vào không gian. Những hàng ghế đằng sau tôi biến mất, những bức tường vụt mọc lên thâu nhỏ căn phòng thênh thang lại, chỉ còn chứa riêng tôi và C.C., người con gái áo màu cánh sen. ... Mặt C.C. cau có, đầy nét bực bội. ”Mommy, I don't want you to sneak on me like that. Why did you have to go through my things while I were not in my room? I have nothing to hide from you. Can I have some privacy here?”(6) “Con hãy nói với mẹ bằng tiếng Việt.” “Mommy, would you please answer my question.”(7) “Mẹ là mẹ của con. Mẹ có quyền lo lắng cho con. Mẹ phải bảo vệ con...” “From what, mommy?”(8) “Nếu con sa ngã, mẹ phải kịp thời ngăn cản. Mẹ không muốn con chơi với Johnny, nó là một thằng nhỏ hoang đàng. Mẹ... nhận rằng mẹ không nên lục soát thư từ của con, nhưng con nên hiểu, mẹ làm thế cũng chỉ vì thương con. Mẹ không muốn con khổ. Con...” “Thôi được rồi. Mẹ à. Con xin lỗi mẹ. Hồi nãy con giận quá... Mẹ đừng khóc nữa. Mẹ ngồi xuống đây đi.” “C.C... Lâu nay, con không còn nói với mẹ những điều con nghĩ nữa. Càng ngày, mẹ con mình càng xa nhau. Mẹ càng muốn đến gần con, khoảng cách càng xa. Mẹ lo sợ từng ngày. Mẹ sợ cái xã hội quá phức tạp, quá nhiều sự chọn lựa và quá nhiều áp lực ngoài kia sẽ lấy mất các con của mẹ. Mẹ sợ ma túy, mẹ sợ có những tiếng nhạc điên cuồng, mẹ sợ những đám thanh thiếu niên bỏ học lang thang ngoài đường phố, mẹ sợ các con kém sút thiệt thòi. Con có hiểu không? Mẹ luôn luôn muốn các con phải được ngẩng đầu lên kiêu hãnh dưới ánh mặt trời.” “Mẹ. Con vẫn học mà. You saw my grade report(9). Con biết mẹ thương con. Nhưng mẹ không nên muốn con sống y theo cái gì mẹ nghĩ là đúng. Johnny chỉ là một đứa bạn của con thôi. Nó ăn mặc hơi khác bình thường nhưng nó rất thông minh và hiền. Mẹ à. Lâu nay con không nói với mẹ vì con nghĩ mẹ không chịu hiểu. Bây giờ con biết thêm một điều khác, mẹ sợ. Nhưng không có gì để sợ hãi và lo lắng cả. Có một thứ giá trị nhất mẹ đã cho chúng con, đó là tình yêu của mẹ. The rest you should leave to us. Let us discover the world our way.”(10) “Nhưng nếu trên con đường tìm kiếm đó, con sai lầm và phải chịu khổ đau?” “Thì cũng không sao cả. Ngày còn trẻ, mẹ có đau khổ không? Sao mẹ vẫn sống và vẫn nuôi được con? Những khó khăn mà thế hệ mẹ phải qua vẫn là những kinh nghiệm quý hóa, nhưng ở thời của con, mọi việc sẽ khác.” “Khác trong nghĩa nào?” “Chúng con sẽ không chạy trốn thực tại, cũng không kình chống nó, nhưng sẽ cùng nhau thay đổi nó, vì chúng con đã có đủ sức mạnh, ý chí và tự hiểu mình. Mommy, you'll see, someday, we will be able to reshape this world...”(11) ... Những bức tường lùi ra xa, căn phòng trở về kích thước rộng lớn cũ. Những hàng ghế đầy khán giả lại xuất hiện bên trái, bên phải và đằng sau tôi. Ðám diễn viên sáu người vẫn ngồi nguyên vị trí cũ, năm cô gái và chàng trai cùng cất tiếng đọc. ”We have suffered so much to surrender.”(12) Có tiếng vỗ tay nồng nhiệt của đám đông. Ngoài khung cửa sổ, những hàng cây rung tít trong nắng và gió buổi chiều. Khi ở s về b. Giữa đường từ S về B tôi gặp Neil. Nụ cười của chị, thật hiền hòa. Chị nắm tay tôi, giọng đầy chân tình. “Tôi tìm cô mãi bây giờ mới được gặp. Tôi rất xúc động về những điều cô nói. Hãy đi với tôi về Bombay chơi một lát. Chúng ta chuyện vãn tâm tình.” Tôi gật đầu theo chị ngay không một giây ngần ngại. ... Chúng tôi đi bộ không biết mỏi. Neil chỉ tôi chỗ này là nơi chị thường dẫn các con đi dạo, kia là khuôn viên trường đại học mà sau giờ giảng dậy chị thường đến đó ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi tới đoạn tiếp của cuốn tiểu thuyết viết dở dang. Chúng tôi nói chuyện không biết chán. Dường như người này chỉ chờ kẻ kia ngưng một giây là sẽ tiếp lời. Chị bảo. ” Không hiểu sao, trái tim tôi tràn dâng một nỗi thương cảm khi nghe cô nói về chốn không-ở-đâu mà cô chọn. Hãy viết về chốn ấy và cho tôi đọc để cùng chia sẻ với cô. Hãy coi tôi là bạn hữu. Con đường chúng ta đi còn đầy gai chông, nhưng cô thấy không, những bông hồng thỉnh thoảng vẫn nở rực rỡ nhắc nhở ta rằng bốn mùa trời đất vẫn luân lưu. Cát ven bờ sông Hằng vô tận và đau khổ còn có một vai trò hiển hách là làm cho chúng ta cảm thấy được hạnh phúc.” Tôi dừng lại, nắm tay và nhìn trong mắt chị. ” Vâng, hạnh phúc phút này là nhìn thấy nét tuyệt vời trong trái tim rộng lớn của người nghệ sĩ. Cám ơn chị. Chúng ta là bạn hữu, là chị em, dẫu có cách ngoài muôn dặm.” c... c.c.b.b... s.b... Khi tôi trở lại phòng họp mọi người đã lại đang bận rộn với bài tập mới. Giảng viên mỉm cười trao tôi một bản. Hai tờ giấy kín đặc chữ, tận cùng bằng một dấu hỏi: pointer C chỉ tới mạch điện nào? Khi tôi bước chân vào nhà, C.C.B.B. hò reo vang lừng, ”Mẹ. Mẹ.” Khi tôi rời S.B. đem theo nụ cười của LimDeidreNeilimaMitsuyeFrankLeBlondeNera. C. Mạch điện. Ðời sống. Hóa đơn. Thực phẩm. Xe cộ. Nơi tạm trú. C.C.B.B. Mái nhà. Quê hương. Tình yêu. Lao động. Bổn phận. Âu lo. Văn chương. Thất bại. Tựu thành. Ước mơ. Hạnh phúc. S.B. Thành phố. Bờ biển. Viếng thăm. Bạn hữu. Niềm vui. Suy tưởng. Những nụ cười từ những mảnh rời nối lại thành tân thế giới. Pointer C chỉ về chốn Jasmine tới, chốn Ng. tìm, chốn Du khám phá. Pointer chỉ tới ngày mai của tân thế giới tạo thành bởi tư tưởng tinh khôi. Chú thích:(1) C là tên của một ngôn ngữ mới trong ngành điện toán được bắt đầu nghiên cứu năm 1969 và trở nên rất phổ thông vào khoảng 1988. Sau khi giảng bài, giảng viên cho học sinh nghỉ giải lao 15 phút. (2) 17. (3) Jasmine, nhân vật chính trong tiểu thuyết ”Jasmine” của Bharati Mukherjee. (4) Du, nhân vật trong ”Jasmine”. (5) Phát biểu của Salman Rushdie, tác giả ”Satanic Verses”. (6) Con không muốn mẹ theo dõi kiểm soát con như vậy. Tại sao mẹ lục lọi đồ đạc của con lúc con vắng mặt? Con không có gì phải giấu giếm mẹ cả. Con có quyền được có một chút riêng tư trong nhà này không chứ? (7) Mẹ làm ơn trả lời câu hỏi của con. (8) Bảo vệ con chống lại cái gì? (9) Mẹ thấy học bạ của con mà. (10) Phần còn lại mẹ hãy để mặc chúng con. Ðể chúng con tự mình khám phá thế giới. (11) Mẹ sẽ thấy, một ngày nào đó, chúng ta sẽ có thể thay đổi cả thế giới này. (12) Chúng ta đã chịu đựng quá nhiều để phải đầu hàng.