Nếu gã nhớ không lầm, thì hình như Phạm Quỳnh có viết trên “Nam Phong Tạp Chí” như sau: Dân An Nam ta cái gì cũng cuời. Vui cũng cuời, mà buồn cũng cuời. Nam ta cái gì cũng cười. Động một tí là vén môi cuời tồ tồ.Đây cũng có thể là một điểm khác biệt giữa Ta và Tây. Ngày nọ, có một linh mục người Canada trịnh trọng thông báo cho đám học trò của mình như sau:- Tôi rất lấy làm đau buồn báo tin cho các anh hay, cha Bolumburu của chúng ta mới qua đời… Vừa nghe tới đây đám học trò bèn cười ồ lên, khiến cho vị linh mục người Canada ấy giận tới mức đỏ mặt tía tai, bỏ cái một về phòng của mình:- Tôi không hiểu được tại sao các anh lại vô duyên đến thế. Trong khi tôi báo một tin buồn thì các anh lại cười ồ.Đám học trò bèn phải cả tiếng lại dài hơi cắt nghĩa cho vị linh mục người Canada ấy hiểu rằng:- Chúng con cười, không phải vì tin buồn được cha loan báo, nhưng chúng con cười chỉ vì tên gọi Bolumburu nghe kỳ quá… Miết rồi vị linh mục người Canada ấy mới hiểu và cảm thông cho cái cười của người An Nam mình. Mở tự điển tra cứu, gã ghi nhận được hai nghĩa chính của động từ cuời:Nghĩa thứ nhất theo “Việt Nam Tự Điển” của Lê Văn Đức, thì cười là động tác nhích môi, hé miệng, nhe răng, phát ra tiếng hay không phát ra tiếng, để bày tỏ sự vui mừng hay một một ý tứ gì đó. Tuy nhiên, hai chữ “nhe răng” ở đây xem ra bất ổn vì còn đâu nữa vẻ đẹp của những nụ cười mỉm chi, chẳng hạn như cái mỉm cười đầy vẻ bí ẩn đã được Léonard de Vinci diễn tả qua tác phẩm “La Joconde”. Gã thấy nàng Monna Lisa đâu có…nhe răng. Còn theo tự điển “Larousse” của Pháp, thì cười là hành vi biểu lộ niềm vui bằng cách chuyển động môi miệng và thường phát ra tiếng. Tiếng Việt Nam của chúng ta rất phong phú, để diễn tả ý nghĩa thứ nhất này, gã đếm được cả thảy 80 kiểu cuời khác nhau, như cười duyên, cười giòn, cười khúc khích, cười chúm chím, cười ruồi, cười toe toét, cười tủm tỉm, cười xòa… Nghĩa thứ hai cũng theo “Việt Nam Tự Điển” của Lê Văn Đức, thì cười là chê bai, chế nhạo, khinh khi, đe dọa, thái độ có khi tỏ ra bên ngoài bằng tiếng cười và vẻ mặt, có khi lại dấu kín trong lòng:Cười người chớ có cười lâu,Cười người hôm trước, hôm sau người cười. Cũng trong ý nghĩa thứ hai này, gã đếm được gần hai mươi kiểu cười khác nhau, như cười gằn, cười khảy, cười mỉa, cười nhạo, cười thầm… Trong khuôn khổ bài viết hôm nay, gã chỉ xin bàn tới hành động cười với ý nghĩa thứ nhất mà thôi. Trong một bài viết mang tựa đề “Chuyện lạ về cười” được đăng trên báo “Kiến Thức Ngày Nay”, tác giả cho biết:Vào ngày 03 tháng 01 năm 1962, một dịch cười kỳ lạ đã bộc phát trong một trường học do các nhà truyền giáo phụ trách tại một ngôi làng gần Bukoba, thuộc nước Tanzanie, gần hồ Victoria. Những triệu chứng đầu tiên là cười và khóc xuất hiện ở những học sinh nam và nữ trong độ tuổi thiếu niên. Bệnh phát ra đột ngột với những tràng cười dài từ vài phút đến nhiều giờ, thậm chí kéo dài đến 16 ngày, bị ngắt quãng bởi những đợt lắng dịu tạm thời. Ngay cả khi không cười, các bệnh nhân cũng tỏ ra kích động, không thể tập trung ý chí. Những tiếng cười cuồng loạn gây xáo trộn đến độ trường học phải đóng cửa vào cuối tháng sáu. Khi trở về làng, các bệnh nhân nữ lây truyền bệnh cười cho bạn bè và người thân. Chỉ những người đàn ông trưởng thành và dân làng có học vấn cao mới chống lại được sự lây nhiễm này. Dù không làm chết người, căn bệnh cười ấy lan tràn khắp vùng trong khoảng hai năm rưỡi.Do không tìm ra một triệu chứng nào thuộc về thể xác, những viên chức thuộc cơ quan y tế công cộng loại bỏ nguyên nhân nhiễm trùng và đầu độc qua thực phẩm. Họ kết luận cơn bệnh mang nguồn gốc tâm lý: có thể đây là trường hợp cuồng loạn tập thể. Những bệnh dịch tương tự từng bộc phát vào thời trung cổ ở châu Âu. Liệu chúng ta có được miễn dịch chống lại sự lây nhiễm của tiếng cười? Hầu như không ai có thể nín cười trước một màn trình diễn hài hước hay một vở kịch vui trên truyền hình. Cái cười tước đi lớp vỏ bọc xã hội và văn hóa, khiến chúng ta để lộ ra nền tảng sinh học đầu tiên trong những họat động xã hội. Những “dịch cười” như trên thật là họa hiếm và rất ít khi xảy ra. Trong đời thường, hằng ngày chúng ta vẫn cười và vẫn chiêm ngắm những nụ cười của bàn dân thiên hạ. Vậy nụ cười đem lại những hậu quả nào và chúng ta phải cười ra làm sao? Đó là những vấn đề gã xin đề cập đến. Trước hết, gã có thể xác quyết được rằng: Người là một con vật biết cười. Hay như Rebelais đã nói: Cười là đặc tính của con người. Thực vậy, để biểu lộ những tình cảm, con vật thường sủa, thường hót, thường gầm gừ, thường vẫy đuôi hay thường…nhảy cẫng lên. Chỉ con người mới biết biểu lộ tình cảm của mình qua tiếng cười mà thôi. Cũng trên báo “Kiến Thức Ngày Nay”, thì cách đây không lâu, Jaak Pansepp và Jeffrey Burdorf, hai nhà tâm lý tại trường đại học Bowling Green State, bang Ohio bên Mỹ, đã dành phần lớn thời giờ để làm một công việc khá ngộ nghĩnh, đó là gãi nhẹ lông các chú chuột ở phòng thí nghiệm để làm cho chúng…cười. Họ đã sử dụng một máy khả dĩ ghi lại được những âm thanh có tần số cao như của loài dơi và họ sửng sốt khi thấy con chuột được “cù léc” thoạt đầu phát ra một tiếng kêu la như khi bị kích thích tình dục. Nhưng sau khi cù hàng trăm lần và ghi lại thì họ lại cho rằng đó là tiếng cuời khúc khích vì khoái trá và vui thích. Sở dĩ như vậy vì họ muốn chứng minh cho bàn dân thiên hạ thấy rằng loài chuột cũng biết cười rúc rích. Thế nhưng, báo chí và mọi người thì lại cho đó là một trò đùa để cười cợt. Vì thế cho tới bây giờ, nụ cười và tiếng cười vẫn là một nét đặc sắc của con người, bởi vì chỉ con người mới biết cười mà thôi. Tiếp đến là giá trị của nụ cuời. Người xưa đã bảo: Nhất tiếu thiên kim. Một nụ cuời đáng giá ngàn vàng.Câu nói này bắt nguồn từ một điển tích cũ như sau: - U Vương đời nhà Châu là một ông vua hoang dâm vô độ, lại rất say mê nhan sắc của Bao Tự. Thế nhưng, Bao Tự suốt ngày buồn bã, chẳng bao giờ cười lên được một tiếng. Vì thế, ông rất băn khoăn lo lắng, sẵn sàng làm đủ mọi trò và mọi cách cốt sao đem lại cho Bao Tự một nụ cười. Nghe nói Bao Tự thích nghe tiếng lụa xé. Thế là ông liền truyền cho nội thị mở kho và mỗi ngày lấy ra hàng trăm tấm lụa mà xé cho Bao Tự nghe, nhưng Bao Tự vẫn chẳng cười. Thất bại nhưng không tuyệt vọng, ông truyền cho bá quan văn võ trong triều, ai có cao kiến chi làm cho Bao Tự cười, dù chỉ một lần mà thôi, cũng sẽ được trọng thưởng ngàn vàng. Quách Công bèn hiến kế: đốt lửa ở Ly Sơn và nổi trống dối gạt các chư hầu, thế nào Bao Tự cũng cười. Số là để phòng ngừa giặc Hung nô và rợ Khương Nhung ở phía bắc tràn xuống kinh thành quấy nhiễu, các đời vua trước đã cho xây những phong hỏa đài ở Ly Sơn và đặt những cỗ trống lớn. Mỗi khi thấy lửa ở phong hỏa đài đốt lên và nghe tiếng trống nổi dậy, các chư hầu biết đó là hiệu lệnh báo động ở kinh đô có loạn, phải đến tiếp cứu. Nghe theo lời Quách Công, U Vương đã phế bỏ cả luật lệ của cha ông ngày trước, làm nhục chư hầu, để cốt được tiếng cười của Bao Tự, lại còn đem ngàn vàng thưởng ban cho Quách Công, kẻ đã bày kế giúp cho Bao Tự cười. Nhưng rồi sau này, khi bị rợ Khương Nhung tấn công, U Vương truyền đốt lửa và nổi trống ở Ly Sơn, nhưng chẳng chư hầu nào chịu đến tiếp cứu. U Vương bị giết, còn Bao Tự thì bị bắt. Có lẽ rút ra từ chuyện trên mà người xưa còn bảo: Nhất tiếu khuynh thành, tái tiếu khuynh quốc. Có nghĩa là cười…một phát thì nghiêng thành, cười thêm…một phát nữa thì nghiêng nước, để nói lên rằng đờn bà đẹp thường làm cho hư nhà hại nước là thế!!! Nói như vậy thì chắc chắn sẽ bị coi là tiêu cực và bôi bác, nếu không muốn nói là sẽ bị kết án là báng bổ phe đờn bà con gái. Thế nhưng, kinh nghiệm cũng cho thấy nụ cười có khi còn đáng giá hơn cả ngàn vàng. Vì thế, người ta đã mở những trường lớp để dạy…mỉm cười, để dạy…mần duyên. Một thiếu nữ dự thi hoa hậu, nếu không có được một nụ cuời tươi như nụ hồng thì khó mà được lọt vào những cặp mắt cú vọ của ban giám khảo. Một cô gái phục vụ tại siêu thị, mặt mũi lúc nào cũng nhăn nhó, không biết chiêu đãi “các thượng đế” bằng những nự cuời của mình, thì làm sao bán được hàng. Một trong những lý do khiến Thái Lan hấp dẫn được du khách vì người Thái nào cũng sẵn sàng mỉm cười trước những người ngoại quốc và đất nước họ thường được tuyên truyền và quảng cáo là “Xứ sở của những nụ cười”. Một kinh nghiệm khác cụ thể hơn đã được cha ông chúng ta phát biểu như sau: Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ. Kinh nghiệm này đã được giới y khoa từ cổ chí kim, từ đông sang tây xác nhận. Thực vậy từ thời cổ đại, nụ cười đã được coi như là một liệu pháp, một phương pháp trị liệu. Hippocrate, ông tổ của ngành tây y, đã dùng nụ cười để chữa trị cho những cái đau của thể xác và tinh thần.Vào thế kỷ thứ hai, danh y Galien đã nhận xét: Những phụ nữ vui tính lành bệnh nhanh hơn những phu nữ u sầu.Vào thời trung cổ Henri de Mandeville cũng dùng nụ cười để chữa bệnh. Ông đánh giá nụ cười làm tăng thêm sức khỏe cho cơ thể, trong khi sự buồn phiền làm cho sức khỏe bị suy yếu. Hiện nay, những nhà sinh lý học thừa nhận một số tác dụng tích cực của tiếng cười như thư giãn, xoa bóp nội tạng…Vì vậy, “liệu pháp cười” có thể giúp các bệnh nhân tìm lại sức khỏe thể chất và tinh thần. Bác sĩ người Pháp Pierre Vachet dùng nụ cười làm phương pháp chữa bệnh cho các thân chủ của mình và ông nhận thấy họ mau khỏi hơn những bệnh nhân khác. Thời xưa, những anh hề thường chiếm một vị trí quan trọng bên cạnh các vị vua. Vai trò của họ là mua vui cho triều đình.Gần đây, nhà báo Mỹ Norman Cousins, tổng biên tập tờ Saturday Riview, khẳng định nhờ những màn hài hước. ông được chữa khỏi bệnh viêm khớp đốt sống, một chứng bệnh được coi như không chữa được. Ông nhận thấy rằng 10 phút cười giòn mang lại cho ông 2 giờ ngủ ngon không đau đớn và ông đã kết luận: Nụ cười là một liều thuốc mạnh tác động tích cực đến tinh thần, thể xác và cảm xúc của chúng ta. Người ta cũng thừa nhận một cách khoa học rằng nụ cười kích thích các endorphine, một thứ morphine tự nhiên sinh ra từ hệ thần kinh của chúng ta và có tác dụng chống đau nhờ vào hậu quả gây tê…Ngoài ra, nụ cười còn ảnh hưởng tới việc hô hấp, làm giãn nở phế nang, kích thích sự tiêu hóa, trừ tiệt chứng táo bón. Nụ cười làm phát sinh adrénaline, giúp chúng ta nhanh nhẹn và nhạy cảm, chống lại chứng trầm uất và mất ngủ… Ngày nọ, gã đi khám bệnh và phát hiện mỗi trái thận đều có một cục sạn nhỏ. Gã bèn hỏi:- Liệu có phải mổ để lấy ra hay không?Bác sĩ trả lời:- Vì nó nhỏ, nên không cần phải mổ.Gã hỏi thêm:- Vậy tôi phải làm gì?Bác sĩ trả lời:- Có ba việc cần phải làm ngay: Thứ nhất là uống thuốc theo toa, thứ hai là uống nhiều nước vì nước chảy đá mòn, thứ ba là đừng lo nghĩ nhưng hãy…cười nhiều. Chính vì thế có người đã nói:Một ngày không cười là một ngày vô ích nhất. Và:Người hay vui cười mới thực sự là người hiền lành.Gã xin kể ra những lợi ích của nụ cười bằng một sưu tầm như sau:1 Cười là một thần dược trị được cả bệnh thể xác lẫn bệnh tâm hồn.2 Cười làm cho ta cởi mở bao dung và có một tinh thần lạc quan yêu đời.3 Cười làm tăng hồng huyết cầu và lá lách hoạt động tích cực hơn.4 Cười làm tăng sinh lực, khiến ta vui vẻ lanh lợi và thêm lòng yêu thương.5 Cười làm cánh cửa cảm thông rộng mở thật dễ dàng với mọi người.6 Cười mím, cười nụ, cười ra tiếng làm khuôn mặt chúng ta dễ mến hơn.7 Cười làm thư giãn các bắp thịt trên mặt, tan biến những căng thẳng.8 Cười làm toàn thân được nhẹ nhàng thanh tịnh, thư thái và an lạc.9 Cười giúp ta tránh được tâm trạng cay đắng khổ đau, phản ứng kịp thời.10 Cười giúp cho tâm hồn lành mạnh và thêm khả năng sáng tạo mọi việc.11 Cười nhiều giúp ta biết tự kỷ có trách nhiệm và thực tế hơn.12 Cười nhiều tránh được buồn nản, dễ thành công vì tiếng cười là trí tuệ.13 Cười là khoảng cách ngắn nhất giữa hai tâm hồn, là biết nghệ thuật sống.14 Cười dễ vui theo cái vui của người khác, hoan hỉ như mình thành đạt vậy.15 Cười có thể làm tan di nỗi bực mình, buồn phiền của người đối diện.16 Cười giúp ta vui sống hiện tại, quên hết quá khứ và lo lắng về tương lai.17 Cười giúp ta trở về với chính mình, tức là thực sự trở về đời sống mới.18 Cười có nhiều lợi ích cho ta về sức khỏe, tinh thần và cảm xúc tâm linh.19 Cười giúp hồn nhiên tươi sáng,có nhiều khả năng chống lại bệnh tật.20 Cười giúp các tế bào loại T trong máu tăng lên, có sức đề kháng mạnh.21 Cười làm giảm phong thấp, các khớp xương đỡ bị sưng và chống sưng.22 Cười làm giảm các chất hóc môn (Cortisone) trong thận, sẽ sống khỏe hơn.23 Cười tránh được nhức đầu, đau tim, cao huyết áp và mỡ trong máu.24 Cười giúp tống khứ các khí dơ, thêm nhiều dưỡng khí cho bộ não thông minh.25 Cười làm tăng máu, chống viêm khớp, làm con người luôn tỉnh táo.26 Cười tạo điều kiện cho ánh sáng nội tâm thể hiện, thấu suốt mọi sự vật.27 Cười giúp những nét phiền muộn tan biến, gương mặt trở nên tươi trẻ ra. Cũng trong chiều hướng ấy mà rải rắc khắp nơi trên thế giới, người ta đã bắt đầu tổ chức những “festival cười”.Tại Đan Mạch, cứ đến Chúa nhật thứ hai của tháng giêng là mọi người lại tụ tập về quảng trường Town Hall của thành phố Copenhagen để …cười sảng khóai. Câu lạc bộ cười lần đầu tiên được sáng lập ở Bombay năm năm trước đây bởi bác sĩ tâm lý Ấn Độ Madan Kataria. Tiếng tốt về câu lạc bộ này đã nảy sinh ra một ý tưởng tương tự ở anh công nhân quảng cáo thất nghiệp Đan Mạch, Jan Thygesen Poulsen. Và anh ta đã trở thành người khởi xướng câu lạc bộ cười ở đất nước này. Tại Québec bên Canada, từ nhiều năm nay đã xuất hiện “festival chỉ để cười”. Tại festival này, mọi người đều có đủ thời giờ để lập cho mình một kiểu cười chẳng giống ai. Tại Pháp cũng rộ lên “Festival hóm hỉnh” ở Seine et Marne. Và mới đây hồi cuối tháng 6 năm 2005 tại Hồng Kông, người ta cũng đã tổ chức đại hội…cười. Tuy nhiên, có một điều khác cũng không kém phần quan trọng, đó là hãy đem lại cho người khác những nụ cười lành mạnh, bởi vì chính những nụ cười này sẽ đem lại cho họ niềm an ủi trong những khi đau khổ và niềm khích lệ trong những lúc tuyệt vọng. Trong một trại phong nọ, các bệnh nhân hầu như bị quên lãng. Họ sống lầm lũi trong đau khổ cả thân xác lẫn tâm hồn. Những tháng ngày còn lại trên trần gian chỉ là khoảng thời gian vô vọng, buồn tẻ và cô đơn. Duy chỉ có một người đàn ông luôn mỉm cười vui tươi. Vị nữ tu chăm sóc bệnh nhân hết sức ngạc nhiên và cố tìm hiểu nguyên nhân. Cuối cùng vị nữ tu này cũng khám phá ra được lý do, đó là mỗi ngày đều có một phụ nữ thập thò ngoài hàng rào chờ người đàn ông đến và bà nở một nụ cười thân ái, trìu mến, đầy yêu thương dành cho ông. Người đàn ông ngày ngày ra gần đó để đón nhận nụ cười ban sức mạnh và tạo niềm hy vọng như hoa xuân đón ánh mặt trời, như cây cỏ hứng giọt sưong mai. Khi vị nữ tu đến gần, người đàn ông nói:- Vợ tôi đấy.Sau một lúc yên lặng, ông ta nói tiếp:- Trước khi vào đây, cô ấy đã cố chạy chữa cho tôi. Một thầy lang đã cho tôi một loại dầu và mỗi ngày cô ấy thoa lên mặt tôi. Cô ấy cũng không quên chừa lại một khoảng nhỏ để đặt vào đó một nụ hôn. Nhưng rồi tất cả đều vô hiệu, người ta đã đưa tôi vào đây. Cô ấy đã không bỏ tôi đơn độc, trái lại mỗi ngày cô ấy đều đến để mỉm cười với tôi, mang lại cho tôi sinh khí để sống. Nhờ thấy cô ấy mỗi ngày mà tôi còn ham sống và như sơ đã thấy đấy, tôi đã sống rất vui tươi. Để kết luận gã xin kể lại một mẩu chuyện nho nhỏ:Có một anh hề chết đi và được đưa lên trước tòa Chúa để chịu phán xét. Chúa hỏi:- Anh đã làm được những gì trong cuộc sống ở trần gian.Anh ta lo toát cả mồ hôi hột vì thấy mình chẳng làm nên trò trống chi cả. Anh ta bèn thưa lên:- Lạy Chúa, con chỉ làm cho người ta cười mà thôi.Chúa liền phán:- Này con, hãy vào lãnh nhận phần thưởng đã được sắm sẵn cho con, vì khi con làm cho người ta cuời và vui sướng, thì đó là con đã làm cho chính Ta cười và vui sướng rồi đó. Như vậy, muốn được hạnh phúc ở đời này cũng như ở đời sau, chúng ta hãy cười… và cười luôn mãi, đồng thời cũng nên cố gắng đem lại cho người khác những nụ cười trong sáng.