Hai tháng trước tôi được ban tổ chức đại hội sinh viên Bắc Mỹ đề nghị đến nói chuyện với các bạn trẻ đại diện của khoảng 50 tổ chức thanh niên sinh viên Hoa Kỳ và Canada về tham dự đại hội lần thứ nhất, được tổ chức đại học Emerson, thành phố Boston. Vì khẩu hiệu chính của đại hội là "Tôi là người Việt Nam" nên buổi tâm tình của tôi cũng tập trung chung quanh ý nghĩa của câu khẩu hiệu này. Một dương ảnh với kỹ thuật khá công phu được chiếu trong lễ khai mạc với tiếng hô "Tôi Là Người Việt Nam" của các bạn trẻ nối tiếp nhau, vang lên khắp năm châu, ngoại trừ trong nước, đã làm mọi người xúc động.
Trong buổi sáng tâm tình đó, tôi có dịp chia xẻ với các em niềm vui khi biết các em đã trưởng thành. Sự trưởng thành của các em, không chỉ chứng tỏ một cách đơn giản bằng tiếng hô "Tôi Là Người Việt Nam" đã được ít nhiều kỹ thuật hóa, nhưng bằng việc theo dõi công việc các em đã và đang làm trong thời gian qua. Mặc dù được mời làm cố vấn cho ban tổ chức đại hội, tôi chẳng những không cố vấn được một lời nào, trái lại trở thành người học trò chăm chỉ của các em. Tôi học ở các em cách tổ chức, cách suy nghĩ, cách làm việc và cả cách giải quyết những bất đồng. Tôi sung sướng tự nhủ, sau gần 30 năm, những nhánh sông, những con nước trôi lạc loài trên biển ngày nào đang trên đường trở về nguồn cội. Giấc mơ Việt Nam mà tôi đang tha thiết kêu gọi đang dần dần hiện rõ.
Nếu chúng ta xuống khu người Ý để hỏi một thanh niên Mỹ gốc Ý anh là ai, anh ta chắc chắn sẽ trả lời rất gọn "Tôi là người Mỹ." Tương tự, nếu chúng ta qua khu người Đức để hỏi một phụ nữ Mỹ gốc Đức chị là ai, chị cũng sẽ trả lời "Tôi là người Mỹ." Nhưng một cô bé Việt Nam đang định cư ở Atlanta đã trả lời với tôi em là người Việt Nam. Em nói một cách chân thành. Các em là người Việt Nam và hãnh diện là người Việt Nam, dù đa số các em có mặt trong ba ngày đại hội, đã sinh ra tại hải ngoại, và thậm chí có em chưa bao giờ đặt chân lên đất nước Việt Nam. Sau buổi nói chuyện tôi dành thời gian để trao đổi thêm với các em có những ưu tư bức xúc riêng nhưng không kịp hay không tiện trình bày trong buổi nói chuyện. Tôi xúc động khi biết nhiều em đã dành suốt mùa hè để học tiếng Việt, nhiều em lo lắng không biết bao giờ mới có đủ khả năng tiếng Việt để đọc được Kiều, nhiều em phân vân không biết các tác phẩm về chiến tranh Việt Nam do các tác giả ngoại quốc viết có phản ảnh trung thực và khách quan cuộc chiến Việt Nam hay không. Nghe các em nói, tôi cảm thấy trách nhiệm đè nặng trên vai mình.
Qua nhiều lần tiếp xúc với các bạn trẻ, tôi hiểu được rằng, trong các thế hệ Việt Nam tỵ nạn, thế hệ của chúng tôi có nhiều may mắn nhất. Trong thời kỳ chiến tranh đẫm máu, chúng tôi còn ngồi trong trường trung học hay một, hai năm đầu đại học. Trong thời kỳ đói khổ sau 1975, chúng tôi đã vào tuổi hai mươi và có khả năng bương chải qua ngày. Khi đặt chân sang nước ngoài, chúng tôi lại là thế hệ sở hữu những kinh nghiệm sống cần thiết để đương đầu với những khó khăn trong đời sống mới và có số vốn liếng Việt ngữ, tuy khiêm tốn nhưng cũng tạm đủ để tiếp tục học hỏi và duy trì văn hóa Việt. Các em thì không. Tuổi thơ của các em được ru, không phải bằng những câu ầu ơ dí dầu thân thương tha thiết nhưng là các chương trình truyền hình Mister Rogers’ Neighborhood, bằng Sesame Street, Mickey Mouse. Thế nhưng các em đã ngồi lại với nhau, học hỏi lẫn nhau, tìm cách giúp đỡ cho nhau và cho quê hương của cha mẹ em đang cần được giúp. Điều đó cho thấy, tình yêu nước Việt là một thôi thúc kỳ diệu, không đơn giản được xác định bằng tấm giấy khai sinh, bằng quốc tịch nhưng bằng máu huyết luân lưu suốt mấy nghìn năm, bằng đời sống và giáo dục gia đình, bằng truyền thống và tập tục văn hóa đã không ngừng được duy trì và phát triển tại hải ngoại. Đặc tính kế thừa và gắn bó với quê cha đất tổ đó rất khó tìm thấy trong cộng đồng của một sắc dân nào khác.
Một bằng chứng khác, rất hùng hồn và dễ thương tôi đã chứng kiến cũng trong ngày đại hội sinh viên Bắc Mỹ vừa qua, là cách trả lời câu hỏi của một thí sinh trong giải Hoa Hậu Nhân Ái, một tiết mục bên cạnh chương trình chính của ba ngày đại hội. Câu hỏi thế này: "Nếu em chỉ có 24 giờ để sống trên đời, em sẽ làm gì trong 24 giờ đó?" Và đây là nguyên văn câu trả lời của thí sinh trúng giải: "Nếu em chỉ có 24 giờ để sống, em sẽ dành 24 giờ đó cho ba mẹ em. Em sẽ thưa với ba mẹ em rằng em cám ơn ba mẹ đã sinh em ra, đã trải qua nhiều cực khổ từ những ngày mới đặt chân đến Mỹ để nuôi em nên người như ngày hôm nay. Em có một đứa em nhỏ, nếu còn thời gian em sẽ dành cho nó, dặn dò nó chăm lo học hành, có hiếu với ba mẹ và thay em chăm sóc ba mẹ trong tuổi già." Cô bé đứng trên khán đài cao, nhìn xuống ba mẹ em ở dưới, vừa trả lời vừa rưng rưng nước mắt, tưởng chừng 24 giờ tới đây em sẽ ra đi thật. Em có thể đã có người yêu. Em có thể đã có hàng trăm nhu cầu, ham muốn khác của tuổi mười tám, hai mươi. Nhưng không, cuối cùng em chỉ muốn trở về với nơi em đã sinh ra. Ý thức về nguồn, qua câu trả lời tuy không được chuẩn bị trước nhưng rất tự nhiên, chân thành bằng tiếng Việt, đã cho thấy sức sống kỳ diệu của dân tộc Việt Nam. Sức mạnh của văn hóa dân tộc Việt Nam như một dòng sông dài, có lúc trôi êm ả và cũng có lúc phải vượt qua nhiều ghềnh đá cheo leo, nhưng chưa bao giờ gián đoạn.
Câu nói "Tôi là người Việt Nam" thoạt nghe qua rất đơn giản, ai cũng có thể nói được, người Việt Nam nào, dù trong nước hay đang sống ở ngoài nước, cũng có thể nói như thế. Nếu chúng ta hỏi một em du học sinh từ trong nước vừa ra đến hải ngoại, em sẽ trả lời một cách hãnh diện "Tôi là người Việt Nam" và tương tự nếu chúng ta hỏi một sinh viên Việt Nam lớn lên ở Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Úc hay xứ nào khác, em cũng sẽ vui sướng trả lời "Em là người Việt Nam." Tuy nhiên nếu chúng ta hỏi tiếp "Việt Nam của em là Việt Nam nào?" thái độ, phản ứng và cách trả lời của mỗi em sẽ khác.
Em sinh viên ở hải ngoại sẽ ngập ngừng, vì trước hết, em không thể tin được trên thế giới này có thể có hơn một nước Việt Nam.
Nước Việt Nam duy nhất mà em biết là một dân tộc tuy có lịch sử anh hùng, bất khuất, có tinh thần tự chủ cao độ, truyền thống giáo dục gia đình tốt đẹp nhưng hiện nay đã trở thành lạc hậu.
Việt Nam mà em biết là quốc gia có lợi tức đầu người vỏn vẹn 401 Mỹ Kim, thấp xa so với nhiều quốc gia kém phát triển khác ở Châu Phi, và với một nền kinh tế sống nhờ vào khu vực nông nghiệp và dịch vụ.
Việt Nam mà em biết là quốc gia có những người lãnh đạo đất nước già nua, độc tài, cực đoan, bảo thủ ngồi trên ghế quyền lực tròn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn muốn duy trì quyền chuyên chế ngay cả trong lúc đang nằm trên giường bịnh chờ chết.
Việt Nam mà các em biết là một trong năm nước trên thế giới vẫn tiếp tục bám vào chủ nghĩa Cộng Sản, một ý thức hệ một thời bành trướng nhờ vào chiến tranh, đấu tố, ám sát, hiện nay đã lùi xa vào quá khứ.
Việt Nam mà các em biết là quốc gia có 100 ngàn phụ nữ chỉ vì chén cơm manh áo mà phải bán thân lưu lạc xứ người, bị đánh đập, xô đuổi, ném ra đường phố như những nô lệ tình dục thời Trung Cổ.
Việt Nam mà các em biết là quốc gia có 45 triệu thanh niên nhưng đa số không có sức sống, không có hoài bảo cho tương lai của đời mình và cho đất nước mình, sống trong chờ đợi một bình minh chưa đến và có thể sẽ không bao giờ đến trong đời họ.
Tóm lại, Việt Nam mà thế hệ trẻ ở hải ngoại biết là một dân tộc đáng yêu nhưng cũng là quốc gia đang cần một cuộc thay đổi toàn diện để hy vọng có thể hội nhập vào dòng tiến hóa của loài người.
Trái lại với một Việt Nam bi thảm đó, đối với đa số các em du học sinh từ trong nước mới sang hay đang ngồi trong trường đại học tại Việt Nam, Việt Nam mà các em được dạy là "xứ sở của anh hùng, độc lập, tự do, hạnh phúc, một đất nước, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Việt Nam, đã liên tục đánh gục ba tên đế quốc đầu sỏ Pháp, Nhật và Mỹ. Cả thế giới nghiêng mình kính phục khi nghe nhắc đến hai chữ Việt Nam." Nói chung, ý thức của các em là bản sao của một bài hát tuyên truyền được lặp đi lặp lại suốt gần ba chục năm qua, nhiều đến nỗi đã trở thành tự nhiên như một đặc tính bẩm sinh. Thật khó có thể tin được, giữa lúc cả nước chìm trong nạn đói của những năm sau 1975, trong đó hàng triệu người dân bị đày đi kinh tế mới, hàng triệu người không có ngay cả mỗi ngày chén cháo để ăn, nhưng trên các loa phóng thanh đầu làng cuối phố, người dân Việt Nam vẫn sáng chiều hai buổi nghe toàn là những thành quả vượt chỉ tiêu, những khẩu hiệu đầy hứa hẹn.
Trong phạm vi văn học, những ngày sau 1975, bài thơ được diễn ngâm nhiều lần trên các hệ thống truyền thanh và truyền hình Việt Nam là bài "Tổ Quốc Bao Giờ Đẹp Thế Này Chăng" của Chế Lan Viên. Mặc dù bài thơ viết năm 1965, nhưng Ban Tuyên Huấn Trung Ương Đảng chỉ thị phát thanh nhiều lần sau 1975 với ngụ ý thời đại họ gọi là "thời đại Hồ Chí Minh" mới thật sự là thời đại vàng son nhất trong lịch sử Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến:
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Chưa đâu!
Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng...
Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả...
Dù mai sau đời vạn lần hơn....
Khi so sánh những ngày đói khổ sau 1975, ở đó, mỗi ngày khi trời chưa sáng, trước bịnh viện Chơ Rẫy, Bình Dân, đã có hàng trăm người chờ bán máu, mỗi ngày trước cửa hàng thực phẩm hàng ngàn người sắp hàng chờ mua từng cân thịt, là đẹp hơn, là vinh quang, là hào hùng hơn cả thời "Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng" hay "Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc", quả thật, giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã khinh mạn tổ tiên, xúc phạm một cách nghiêm trọng đến anh linh của những bậc anh hùng đã đem máu xương để viết lên như trang sử hào hùng của dân tộc Việt. Thật khó tin, Chế Lan Viên, tác giả của Điêu Tàn, một thời là thần tượng thi ca của thế hệ ông, đã viết những lời nịnh bợ Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam một cách trơ trẽn đến như thế. Khi nghe bài thơ này, tôi thắc mắc không biết tổ quốc của Chế Lan Viên là tổ quốc nào. Bài thơ của Chế Lan Viên cho chúng ta thấy ý thức hệ Cộng Sản có khả năng đầu độc và làm thay đổi toàn bộ ý thức của con người về lịch sử, nhân sinh và vũ trụ.
Nói đến sự độc hại của ý thức hệ Cộng Sản tôi nhớ một câu chuyện vui về hai học sinh Bắc Hàn, được nhà nước cử đi học chuyên môn tại một đại học Mỹ. Hai em phải viết một luận văn như một phần trong thủ tục nhập học. Tòa đại sứ Bắc Hàn dùng đó như cơ hội tuyên truyền nên chỉ thị hai em viết về đất nước Triều Tiên của các em dưới sự lãnh đạo của Kim Chủ Tịch anh minh và vĩ đại. Hai bài luận văn, dù viết rất hay nhưng sau đó đã bị nhà trường từ chối không cho phép nhập học. Lý do nhà trường nghi ngờ hai em đã chép nguyên văn bài của nhau. Thật ra, hai em không chép bài của nhau nhưng đó là tất cả những gì các em biết về xứ sở của các em, nơi chỉ có một tờ báo, một đài phát thanh nội địa, một đài truyền hình nội địa, một đường dây điện thoại nội địa, một khẩu phần ăn giống nhau cho mọi gia đình, một giáo trình duy nhất cho tất cả trường học và một quốc gia duy nhất trên thế giới còn xử dụng phòng hơi ngạt trang bị chất độc để tra tấn kẻ thù chế độ. Câu chuyện về hai cậu học sinh Bắc Hàn, có thể chỉ là chuyện vui nhưng nếu chúng ta đọc các bản tường trình về tình trạng nhân quyền tại Bắc Hàn của các tổ chức nhân quyền quốc tế như Amnesty International hay của Human Rights Watch, sẽ biết đời sống con người tại Bắc Hàn còn bi thảm hơn thế nữa.
Việt Nam là một trong số vài đồng chí thân thiết còn lại của Bắc Hàn, thân đến mức đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt cả nước phải để tang Kim Nhật Thành khi tên bạo chúa của 20 triệu dân Bắc Hàn vĩnh biệt cuộc đời năm 1994. Hành động trơ trẽn này đã bị Hòa Thượng Thích Quảng Độ vạch ra trong lá thư gởi Tổng Bí Thư Đỗ Mười như sau: "Riêng ông Kim Nhật Thành của Bắc Triều Tiên thì mới chết gần đây và đảng Cộng Sản Việt Nam đã dành trọn ngày 17-7-94 để "quốc tang" cho ông ấy. Tôi thiết nghĩ nếu ông Kim Nhật Thành đã giúp đỡ gì cho đảng Cộng Sản Việt Nam, hoặc vì tình "anh em như môi với răng" giữa những người Cộng Sản quốc tế với nhau, thì chỉ đảng và 1 triệu 800 nghìn đảng viên để tang cho ông ấy thôi, chứ ông Kim Nhật Thành đã làm gì cho đất nước Việt Nam và 70 triệu nhân dân Việt Nam có là đảng viên đảng Cộng Sản cả đâu mà đảng bắt toàn dân phải để tang ấy, dù chỉ một ngày? Thế sao đảng không làm một ngôi đền thật lớn ở ngay Hà Nội để thờ tổ Hùng Vương và tuyên bố lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch - ngày giỗ tổ - làm ngày Quốc lễ, nghĩ trọn ngày để cho toàn dân có dịp tưởng nhớ đến công ơn của đức Quốc tổ và các bậc tiền bối đã có công mở nước và dựng nước, nhờ thế ngày nay mới có đảng Cộng Sản Việt Nam? Mồ cha sao mình không khóc! Ông Kim Nhật Thành là người ngoại chủng thì đảng Cộng Sản Việt Nam đối đãi như thế, còn đối với người đồng bào đồng chủng với nhau thì đảng Cộng Sản lại bắn giết."
Nhiều độc giả có thể không hoàn toàn đồng ý với tôi trong việc so sánh giữa xã hội Bắc Hàn và Việt Nam vì sinh hoạt xã hội tại Việt Nam dù sao cũng khá hơn nhiều so với xã hội Bắc Hàn. Vâng. Báo chí Việt Nam được phép thăm dò đời sống tình dục trong giới trẻ, được phép thống kê những cách ăn chơi trong giới trẻ nhưng có bao giờ những tờ Tuổi Trẻ hay Thanh Niên dám hỏi thanh niên Việt Nam nghĩ gì về chế độ chính trị mà các em đang sống và hướng đi đích thực nào dành cho dân tộc Việt Nam. Báo chí Việt Nam được phép khai thác những ham muốn vật chất, những thú vui sa đọa, trụy lạc trong xã hội nhưng không được phép cổ võ cho các giá trị cao đẹp của quyền sống, quyền tự do dân chủ của con người. Nếu hai em học sinh phổ thông Việt Nam ngồi viết hai bài luận văn về đất nước của em, nội dung có lẽ cũng không khác hai em học sinh Bắc Hàn kia bao nhiêu. Các em sẽ viết gì ngoài việc ca ngợi những thành tích của đảng Cộng Sản, về cuốc chiến thắng được gọi là "Chống Mỹ cứu nước", về những thành quả kinh tế vượt chỉ tiêu nhưng không bao giờ được kiểm chứng một cách khách quan và độc lập. Và hẳn nhiên, các em sẽ không bao giờ dám viết về những bữa ăn chiều không đủ cháo thay cơm, những ngày đi lượm giấy, lượm bao, những đêm ngủ bờ ngủ bụi. Xét cho kỹ, về tư tưởng, người dân Việt Nam cũng không may mắn gì hơn một người dân Bắc Hàn, nghĩa là cũng hoàn toàn bị khống chế bởi một bộ máy tuyên truyền duy nhất mà thôi. Tự do, nếu định nghĩa như Các Mác, là sự thừa nhận các quy luật tất yếu của xã hội, thì quy luật tất yếu tại Việt Nam là sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của đảng Cộng Sản.
Khi nói đến tình trạng vong thân trí thức trong giới trẻ Việt Nam, tôi không có ý cho rằng tất cả thế hệ trẻ Việt Nam đều đánh mất quê hương trên chính quê hương mình, đều ngoảnh mặt làm ngơ trước sự chịu đựng của cha mẹ và bà con thân thuộc mình. Không. Trên kẽ đá hẹp giữa lòng núi, dù cheo leo nguy hiểm bao nhiêu vẫn mọc lên những bông hoa rừng tuyệt mỹ. Đất nước chúng ta cũng thế. Lịch sử đã chứng minh, thời đại nào người yêu nước cũng đông hơn kẻ phản dân hại nước. Trong cơn lũ độc tài áp bức kéo dài mấy chục năm qua, những búp măng non vẫn cố vươn mình lên. Những Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình và nhiều khuôn mặt trẻ can đảm khác vẫn còn sángsuốt, bằng nhiều cách khác nhau, đang cố đánh thức thế hệ họ, đồng bào họ đang chìm trong cơn mê dài.
Đối với các em du học sinh, những người sinh sau cuộc chiến Việt Nam, có được cơ hội ra nước ngoài học hỏi, không phải em nào cũng là Cộng Sản. Thành phố nơi tôi ở là thành phố đại học nên tôi có cơ hội gặp khá nhiều sinh viên từ trong nước sang. Trong những lần gặp gỡ đó, có khi tôi cũng nghe vài em thao thao bất tuyệt về một "Bác Hồ anh minh và vĩ đại", nghe các em đọc dăm bài thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên đầy sắc máu hận thù, và cũng có khi nghe các em nói lên niềm hãnh diện về nước Việt Nam, nơi đó, cái gì cũng vượt trên tầm thời đại. Bạn bè tôi, nhiều người cảm thấy khó chịu, đứng dậy đi ra, một số khác e ngại và từ đó tìm cách tránh xa, nhưng tôi thì không. Tôi ngồi lại và kiên nhẫn chờ đợi một cơ hội để nói với em những điều em chưa hề được nghe, cơ hội để mang các em về với thực tế đầy đau xót của đất nước, về với cái chung của anh em chúng tôi đang bị chìm khuất phía sau đám mây đen vong bản.
Tôi ở lại với các em vì tôi thật sự không tin những điều các em nói phát xuất từ trái tim trong sáng Việt Nam hay những bài thơ các em đọc phát xuất từ tâm hồn đầy ắp thi ca và nhân bản Việt Nam. Ý thức của các em khi sinh ra giống như một tờ giấy trắng, đảng Cộng Sản vẽ lên đó hình gì, sẽ hiện lên hình đó, chế độ độc tài sơn lên màu gì, sẽ hiện ra màu đó. Trách nhiệm lương tâm và đạo đức của những ai còn nghĩ đến tương lai dân tộc, không phải xé bỏ tờ giấy đó đi nhưng chỉ nên xóa đi màu đỏ của hận thù, xóa bỏ bức hình độc ác trong tâm thức của các em. Nếu làm được vậy, tấm giấy kia vẫn sẽ là tấm giấy Việt Nam. Thay vì đẩy các em về phía bóng tối, hãy giúp các em đi về phía ánh sáng của tình đồng bào, tình đất nước.
Tôi muốn nói với các em về một nước Việt Nam mà có thể các em chưa biết, một Việt Nam đang bị bỏ rơi tận đàng sau đuôi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật không ngừng của nhân loại. Thế giới mà các em đang đối diện không phải là thế giới mà các em đã học ở trong nước. Sau1975, những nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tự mãn với hào quang chiến thắng của họ đến nỗi trở nên cô lập với thế giới bên ngoài. Hậu quả của căn bịnh kiêu căng đầy hoang tưởng đó là một Việt Nam suy thoái về mọi phương diện. Về kinh tế, Việt Nam nghèo nàn còn hơn cả những nước châu Phi chưa ra khỏi tình trạng bán khai, bộ lạc như Congo, Yemen, Senegal. Về mặt quốc phòng, Việt Nam không có ngay cả một chiếc tàu chiến hiện đại để bảo vệ lãnh hải dài trên ba ngàn cây số, không có một chiếc chiến đấu cơ bay đủ cao, đủ xa để bảo vệ vùng trời tổ quốc. Về ngoại giao, Việt Nam, tuy đứng trước Trung Cộng lúc nào cũng lăm le xâm chiếm nhưng không có một đồng minh nào trên thế giới, dù chỉ để nói đôi lời an ủi.
Tôi muốn nói với các em về lòng yêu nước, một đức tính vô cùng cao quý và đáng ca ngợi của dân tộc Việt Nam. Chúng ta hãnh diện với truyền thống yêu nước và tinh thần tự chủ đã được may mắn kế thừa từ tổ tiên suốt bốn ngàn năm lịch sử. Nếu không nhờ tinh thần đó thì ngày nay Việt Nam không phải là nước Việt Nam mà là tỉnh Việt Nam, giống như tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây hay đã chịu chung số phận của Mãn Châu, Nội Mông, Tây Tạng. Nhưng yêu nước là một tình yêu cần được soi sáng và hướng dẫn bằng trí tuệ chứ không phải là một thứ tình yêu cực đoan và mù quáng. Hãy nhìn lại cuộc đấu tranh chống Thực Dân Pháp đầy gian khổ của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh đó, không phải chỉ miền Bắc là chống Pháp và miền Nam thì theo Pháp, không phải chỉ những người Cộng Sản là hô hào đánh Pháp và người Quốc Gia thì chạy theo chân Pháp. Không. Từ sông lạch miền Nam đến núi rừng Việt Bắc, nhân dân Việt Nam đã tùy theo điều kiện địa lý, hoàn cảnh chính trị của mỗi miền, và cả của mỗi người để đánh đuổi Thực Dân. Có vị chủ trương cứng rắn, có vị chủ xướng ôn hòa, có vị chủ trương võ lực, có vị chủ xướng Duy Tân. Nhưng nếu họ cùng có một tấm lòng vì nước, một đức tính trung thành và chung thủy với quê hương, nhân dân Việt Nam vẫn biết ơn họ và lịch sử Việt Nam sẽ ghi công họ. Giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam thì khác, chưa đánh đuổi được ngoại xâm đã tàn sát không nương tay những người Việt Nam yêu nước mà họ nghĩ sẽ tranh quyền đoạt lợi với họ sau này. Và trong suốt nửa thế kỷ qua, giới lãnh đạo Cộng Sản lại một lần nữa lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, đẩy hàng triệu thanh niên Việt Nam vào chỗ chết cho các mục tiêu bành trướng ý thức hệ Cộng Sản, cho quyền lợi của đàn anh Trung Cộng, Liên-Xô dưới hình thức cuôc chiến tranh gọi là "Chống Mỹ cứu nước" vô cùng ngu xuẩn. Hôm nay, cơn lũ chiến tranh tuy đã qua đi nhưng trên cánh đồng Việt Nam vẫn còn phơi đầy thân xác anh em, máu xương của đồng bào ruột thịt.
Tôi muốn nói với các em về những kẻ trước đây đã từng ca ngợi chế độ Cộng Sản Việt Nam như "ngọn hải đăng thời đại", những kẻ "mơ sáng mai thức dậy biến thành người Việt Nam" và họ thật sự là ai.
Họ là đảng và nhà nước Liên Xô thời chế độ này còn thoi thóp, họ là đảng Cộng Sản Trung Hoa, họ là những nhà văn, nhà thơ chống chiến tranh và họ là lãnh tụ các phong trào phản chiến châu Âu.
Đảng và nhà nước Liên-Xô ca ngợi Cộng Sản Việt Nam bởi vì chiến tranh Việt Nam đã giúp làm chậm lại cuộc chạy đua vũ khí với Mỹ mà chính họ đang dần dần kiệt quệ. Trung Cộng ca ngợi Cộng Sản Việt Nam đơn giản vì nhân dân Việt Nam đã chết thay cho họ để bảo vệ biên giới phía Nam. Trong ly rượu sâm-banh của các tên lái buôn chiến tranh đế quốc chúc tụng nhau ở Nhân Dân Đại Sảnh Bắc Kinh, ở điện Kremlin có máu của đồng bào Việt Nam đổ xuống khắp ba miền. Trong tiếng cười rạng rỡ của các chủ tịch nhà nước, các tổng bí thư trong đêm liên hoan mừng chiến thắng, không phải chiến thắng của nhân dân Việt Nam nhưng vì các mục tiêu riêng của họ đã đạt được, có nước mắt của hàng triệu bà mẹ Việt Nam khóc cho những đứa con của mẹ đã gởi xác ở Trường Sơn, Khe Sanh, Bình Long, Trị Thiên, An Lộc.
Lãnh tụ các phong trào phản chiến Châu Âu ca ngợi Cộng Sản Việt Nam chỉ vì sự ganh tị trước một nước Mỹ giàu sang hơn là lòng trắc ẩn dành cho dân tộc Việt Nam. Bằng chứng, chính những phong trào được mệnh danh hòa bình này trong chiến tranh Iraq vừa qua, đã vận động người sang Iraq làm thành những vòng chắn người (Human shields) để bảo vệ cho chế độ Saddam Hussein khi liên quân Anh Mỹ chuẩn bị dội bom Baghdad. Các lãnh tụ hòa bình, phản chiến đó ở đâu khi tên đồ tể Saddam Hussein và tập đoàn tàn sát hàng triệu người dân Kurds, kể cả trẻ em vừa mới ra đời, bằng những phương tiện vô cùng phi nhân như hơi ngạt và vũ khí vi khuẩn. Hành động nhân đạo bao giờ cũng cần được khuyến khích nhưng hành động đó phải phát xuất từ tình người chân thật thay vì từ sự ganh tị cá nhân, quốc gia, tôn giáo.
Các nhà văn, nhà thơ phản chiến Mỹ ca ngợi Cộng Sản Việt Nam chỉ vì mặc cảm bị lãng quên sau cuộc chiến và ngây thơ về hoàn cảnh chính trị xã hội tại Việt Nam. Tôi đã hơn một lần ngồi chung với các nhà văn nhà thơ phản chiến này trong một số hội luận văn học dành cho các nhà văn, nhà thơ từ các quốc gia đã từng chịu đựng chiến tranh. Họ ngạc nhiên khi nghe những người cầm bút trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại nói về đời sống của một người Việt Nam sau 1975 với những trại tập trung, với nhà tù, sân bắn, với những khu kinh tế mới, với thảm cảnh hàng triệu người đã phải bỏ nước ra đi. Họ đến Việt Nam để gọi là góp phần xoa dịu vết thương của nạn nhân chiến tranh nhưng không hề biết nạn nhân thật sự của cuộc chiến Việt Nam là ai. Họ mời các nhà thơ, nhà văn mang quân hàm đại tá, được nhà cầm quyền Cộng Sản chỉ định hay cho phép sang tham quan hàng năm, để gọi là hòa giải với những cựu thù nhưng không biết rằng, những ngưòi họ thật sự cần hòa giải, những thương phế binh đang vá xe nuôi một bầy con ở góc đường Hà Nội, những "cô gái Trường Sơn" ngồi khóc tuổi thanh xuân không bao giờ trở lại trong căn nhà tập thể chật hẹp ở Hải Phòng, lại không được quyền có mặt và sẽ không bao giờ biết được những gì xảy ra ở thế giới bên ngoài.
Tôi muốn nói với các em, dân tộc chúng ta đã được những gì sau cuộc chiến Việt Nam. Một thành quả của đảng Cộng Sản mà các em nghe hàng triệu lần là thống nhất dân tộc. Vâng, thống nhất dân tộc là một nhu cầu cần thiết. Không một người Việt yêu nước nào không muốn dân tộc Việt Nam thống nhất, nhưng liệu cần thiết đến nỗi phải đổi bằng thân xác của 5 triệu người dân vô tội, hủy diệt mầm sống của 80 triệu người còn lại trong suốt nửa thế kỷ qua và hậu quả xã hội sẽ kéo dài không biết đến bao giờ? Tại sao Đông Đức không chọn con đường võ lực? Tại sao Bắc Hàn, sau cuộc thử lửa với Mỹ vào năm 1953, đã không tiếp tục chọn con đường võ lực? Nếu Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Cộng Sản thật sự là những người yêu nước, họ ít nhất phải học ở Erich Honecker và Kim Nhật Thành, dù độc ác bao nhiêu cũng biết sợ hậu quả không thể đo lường được khi phải đương đầu với Mỹ, một cường quốc mạnh nhất thế giới về khoa học kỹ thuật, kinh tế và quốc phòng. Con số năm chục ngàn binh sĩ Mỹ đã chết trong cuộc chiến Việt Nam tuy không nhỏ nhưng chỉ bằng một phần trăm mức tổn thất của phe hãnh diện rằng mình đã thắng. Nếu Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Cộng Sản miền Bắc thật sự là những người yêu nước, họ phải biết dừng lại ở hiệp định Geneve và chờ một cơ hội hòa bình, một giải pháp không đổ máu để thống nhất đất nước, thay vì thống nhất bằng xe tăng T54, bằng đại pháo, bằng trại tập trung, bằng nhà tù và sân bắn, để rồi gần ba mươi năm sau, con sông Gianh vẫn chảy trong lòng người.
Và tôi cũng muốn nói với các em một điều hệ trọng hơn tất cả những điều đã nói, rằng, dù em sinh ra ở Huế, Hà Nội hay Sài Gòn, ở San Diego, Santa Ana, San Jose, Sydney, Victoria, Oslo, Berlin, Paris hay một nơi nào khác, em cũng nên hãnh diện để nói lớn rằng "Tôi là người Việt Nam." Định mệnh lịch sử khắc nghiệt đã đẩy các em vào nhiều hoàn cảnh khác nhau, điều kiện trưởng thành khác nhau, nhưng tôi tin rằng, một ngày không xa, tất cả những người con yêu của mẹ Việt Nam sẽ gặp lại nhau tại một điểm hẹn huy hoàng của lịch sử, đó là ngày phục hưng dân tộc Việt Nam. Em đang ở đâu và đang làm gì, hãy nỗ lực cho ngày đẹp trời đó của dân tộc. Những buồn đau chia cắt sẽ qua đi và một nước Việt Nam mới, tự do, dân chủ, nhân bản, khai phóng sẽ ra đời. Đó cũng là ngày, những người con của Mẹ Việt Nam ở năm châu bốn biển, sẽ hẹn nhau về lại Phong Châu, quỳ trước điện Hùng Vương và cùng thưa với anh linh Quốc Tổ Việt Nam: "Con có một tổ quốc."
Tổ quốc của các em cũng là tổ quốc của Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Trong đêm tối giữa nhà lao Phan Đăng Lưu hay trong buổi chiều mưa tầm tãm, tay dắt bà mẹ già 90 tuổi trên đường lưu đày ra huyện Vũ Đoài, Thái Bình, ngài vẫn một tấm lòng son sắt với quê hương:
Nghe lòng xa vắng những chiều đông
Nhìn nước mênh mông khắp mặt đồng
Bát ngát núi xa mờ bóng cọp
Thăm thẳm trời cao bặt cánh hồng
Bao độ cà tan cà nở nụ
Mấy mùa lúa rụng lúa đơm bông
Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc
Còn chút lòng son gởi núi sông
(--Thơ HT Thích Quảng Độ--)
Tổ quốc của các em cũng là tổ quốc của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Trong giờ phút cùng cực của khổ đau hoạn nạn tại Cây Vông, Phú Khánh ngày 8-12-1975, ngài đã dặn dò lấy chính ngài và cũng nhắn nhủ các thế hệ mai trong bài thơ Con Có Một Tổ Quốc hùng hồn như trang sử:
Con có một Tổ Quốc: Việt Nam
Quê hương yêu quý ngàn đời
Con hãnh diện
Con vui sướng
Con yêu non sông gấm vóc
Con yêu lịch sử vẻ vang
Con yêu đồng bào cần mẫn
Con yêu chiến sĩ hào hùng
Sông cuồn cuộn máu chảy cuộn hơn
Núi cao cao, xương chất cao hơn
Đất tuy hẹp nhưng chí lớn
Nước tuy nhỏ nhưng danh vang
Con phục vụ hết tâm hồn
Con trung thành hết nhiệt huyết
Con bảo vệ bằng xương máu
Con xây dựng bằng tim óc
Vui niềm vui đồng bào
Buồn nỗi buồn của dân tộc
Một nước Việt Nam
Một dân tộc Việt Nam
Một tâm hồn Việt Nam
Một văn hoá Việt Nam
Một truyền thống Việt Nam.
(--Thơ Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận--)
Tôi tin một ngày không xa, các em học sinh Việt Nam sẽ có cơ hội đọc lớn những bài thơ của các ngài trong giờ Việt Văn ở trường học các em, và bên ngoài cửa lớp, những cánh chim họa mi đang cất cao tiếng hót, báo hiệu mùa Xuân đang về trên quê hương không còn hận thù, rẻ chia, ngăn cách. Cám ơn Đức Hồng Y, cám ơn Hòa Thượng Viện Trưởng đã trao cho chúng con và các thế hệ mai sau niềm hy vọng Việt Nam.
 

Xem Tiếp: ----