Ngôi nhà đó, không hiểu hoang phế từ khi nào. Lá cành rơi rụng bao năm, tạo thành một lớp dày xôm xốp, chẳng nâu, chẳng đen. Thấp thoáng rêu phong trên những mảng tường nham nhở, ló sau cây cỏ um tùm. Tiếng côn trùng rền rỉ những ngày mưa. Tiếng chim chóc cao giọng hót như thể khẳng địng quyền sở hữu thế giới hoang tàn đó.
Tiếng đồn rằng: Mấy chục năm qua, ở làng đã có hàng chục người bị ma bắt dẫn vào trong nhà hoang. Khi trở về đều trở nên khùng khùng, điên điên, cứ bóc đất ăn mãi cho đến chết …. Đêm đêm, người nhẹ vía còn thấy ma đốt đèn, đọc sách … Rất nhiều chuyện nghe cứ ly kỳ như chuyện liêu trai.
Chi Mai nghe mà chẳng tin mấy: Ma gì mà ma! Chỉ để dọa trẻ con thôi!
Nhưng ngôi nhà u ám hoang tàn, mang dáng vẻ đình viện thâm thâm đó làm cô tò mò ghê gớm.
Ở Sài Gòn mà có khu đất như vậy thì giàu sụ rồi. Cho dù ma gì cũng phải cuốn gói cho người ta xây nhà cao cửa rộng. – Nghe Chi Mai nói, ông nội chỉ cười khà khà.
Người làng thì bảo Chi Mai là một con nhóc thành phố, làm sao hiểu hết đất lề quê thói. Tốt nhất là đừng có đi vào khu đất thánh, gọi là Kính Quỷ thần nhi viễn chi!. Ý là: Quỷ Thần thì cứ kính trọng, nhưng càng ở xa chừng nào, càng tốt chừng đó!
Chẳng trách mà trong làng đi đâu cũng thấy miếu to, miếu nhỏ. Cứ chỗ nào có người chết bất đắc kỳ tử thì ở đó mọc lên một cái miếu. Có cái miếu to bằng cái chái bếp (Loại này ít thôi), phần lớn là miếu nhỏ bằng cái chuồng (Là chuồng chim câu ấy!).
Miếu xây rồi, không ai chăm sóc, nhang khói lạnh lẻo, bát nhang lăn cù trong bụi dầy. Nhà hoang! Miếu hoang! Hẳn còn nhiều thứ hoang nữa, nhưng nó còn ở nơi có nó, hiểu nhiều mau già mà!
Nhà ông nội chỉ cách nhà hoang một quãng đồng. Từ ngày về đây, đêm nào Chi Mai cũng ngồi nhìn qua khe cửa, mong thấy con ma. Ma đâu chẳng thấy, chỉ thấy chân tay chi chít nốt đỏ vì lũ muỗi đói tấn công. Chỉ đến khi chịu hết xiết và buồn ngủ rũ người thì cô mò lên giường phê luôn đến sáng.
Mấy hôm nay trời cứ mưa tầm tả. Chi Mai không thể đi đâu, ngồi không cũng buồn. Cô lên nhà trên lục tủ sách của ông nội.
Phần lớn là những cuốn giấy chữ Nôm vàng ố, dạng viết tay, rồi sách chữ Pháp. Chỉ có vài cuốn sách chữ Việt trong góc.
Những cuốn giấy chữ Nôm rất thu hút sự quan tâm của Chi Mai. Nét chữ cứng cáp, khi sổ thì mạnh mẽ, khi hất thì phóng khoáng, nét cong thì dịu dàng …, rõ ràng do một người rất cá tính viết ra. Tuy không đọc được nhiều, nhưng Chi Mai vẫn nhận ra chúng là những trang nhật ký. Cũng may, đi đâu, cô cũng mang cuốn từ điển Hán – Nôm theo. Cô có nhiều thời gian mà, từ từ nghiên cứu.
Càng đọc, Chi Mai càng kinh ngạc: Tên ấy, chẳng phải là tên của bà cụ cố sao? Vậy người viết cuốn giấy này là ai? Minh – Hình như trong gia phả nhà mình, chẳng có ai tên Minh.
Ôi trời! Không biết có phải mình là nhân vật duy nhất đọc được câu chuyện nhất mực riêng tư này hay không nữa? Hình như, chuyện tình yêu luôn là một đề tài hấp dẫn, dù khung cảnh, nếp nghĩ của thời Tam Tòng, Tứ Đức, lời nói thì mang đậm tính phương ngữ. Nhưng câu chuyện cứ rủ rỉ, rù rì như một lời thì thầm. Bạn thử đọc xem.

*

Ngày …
Hôm qua, Chi Mễ thấy mình viết chữ, đòi học cùng. Cha lạnh nhạt bảo:
- Con gái, học thêu thùa, nấu nướng để còn phục vụ chồng con, học chữ hư người đi. Không thấy tên con, cha cũng đặt là Mễ, tức là lúa gạo. Chuyện đàn bà, con gái cần quan tâm là nơi góc bếp, là lúa gạo cho chồng con ăn no, họ còn gánh vác gia đình.
Chi Mễ bỏ vào trong góc, ngồi khóc một mình. Thương quá, mình mới an ủi:
- Thật ra, cha đặt tên em là Chi Mỹ, tức là Người Đẹp, vì ngại gọi tên đẹp quá, khó nuôi, nên mới đổi lại gọi là Chi Mễ thôi, thật đó! Ai cũng vậy mà. Còn nhớ hồi anh mới dẫn em về nhà, trông em ốm yếu, ngơ ngác, thậm chí còn không biết mình là ai. Lại còn bệnh hoạn triền miên. Ngày nào anh cũng sợ sáng ra không thấy em còn thở. Lúc đó, còn gọi Mỹ ơi, Mỹ à, ma nó ghét, sẽ bắt mất em thì sao?
Em ngước mặt nhìn lên, nước mắt còn ướt má mà môi thì cười như hoa, thật ấm lòng. Em nói:
- Từ nay, Minh gọi tên em là Mỹ, đừng gọi Mễ ơi, Mễ à nữa, em sẽ không lên tiếng đâu!
Không biết cha đã ở đó từ lúc nào, chỉ nghe cha quát:
- Lại kêu nó bằng tên? Gọi như vậy chẳng ra tôn ti trật tự. Từ nay, cha còn nghe con gọi như vậy, cứ một lần, ăn một roi, lần hai, ăn hai roi ….
Chi Mễ hơi cúi mặt, lè lưỡi làm vẻ nhát ma, khiến mình chỉ muốn cười.
Chi Mễ cứ luôn gọi mình bằng tên. Điều đó, đôi lúc, làm cho sự cách biệt 5 năm giữa mình và Chi Mễ không còn nữa. Cứ lúc nào, nghe Chi Mễ trịnh trọng gọi “anh Minh”, mình biết là sắp xảy ra sự cố gì rồi. Chỉ khi mình làm chuyện gì, Chi Mễ không vừa ý, thế nào Chi Mễ cũng đổi tông như vậy.
- Sao không nghe trả lời? – Cha quát lớn.
- Dạ, thưa cha!
Mình và Chi Mễ cùng dạ một lượt thật to.
Từ hôm ấy, ngày nào, cha cũng bận viết GIA HUẤN CA. Chỉ khi nào cần người nghe, mới gọi mình và Chi Mễ lại bắt ngồi đó, đọc theo cha như trẻ con đọc bài. Mình không thích, nhưng không thể từ chối ý cha. Chi Mễ lại thích chuyện đó, em đọc rất hăng hái, còn dùng giọng diễn cảm để ngâm nga. Cha chắc rất vui lòng, cứ vừa vuốt râu, vừa tủm tỉm cười.
Ngày …
Năm nào, đến ngày này, mình đều dọn một mâm cúng ngoài sân cho Chi Mễ chủ trì. Đó là ngày của 8 năm trước, khi cơn bão lụt lớn chưa từng có quét qua quê mình. Vòi rồng đi tới đâu, nhà cửa bị cuốn tốc lên trời tới đó. Có lẽ, em do vòi rồng thả xuống làng. Trong trận lụt, mình mất mẹ và em gái, nhưng lại cứu được em. Em yếu ớt như cọng cỏ. Sau lụt, cái ăn kiếm đã khó, lá thuốc thì chết sạch, đành phó mặc em cho trời.
Rồi em cũng khỏe dần. Ngoại trừ việc em chẳng nhớ gì về khoảng đời trước đó, em là một cô bé thông minh, hay nói, hay cười.
Thâm tâm cha, mình biết, cha coi em như con dâu trời gả cho mình. Từ trước đến giờ, mình cũng tin như vậy. Ngay từ khi đem em về, mình đã yêu em rồi. Em càng lớn, càng xinh. Cuộc sống thật êm đềm và hạnh phúc. Chiều chiều, em ngồi bên mình trên lan can trước nhà, nghe mình kéo đàn cò.
Em cũng rất thích nghe đọc thơ, nhưng cha cấm đọc cho em nghe. Mình thường cùng em ra sau sông, ngồi ở cầu tàu và đọc thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, vịnh truyện Kiều, đọc Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm, …. Đọc mãi, hết vốn, mình đọc cho em nghe mấy bài của Hồ Xuân Hương. Trớ trêu sao, em chỉ thích thơ nữ sĩ họ Hồ. Nữ sĩ này, cha không hề dạy cho mình. Mình tình cờ tìm thấy trong hòm của của cha, dấu dưới tận đáy. Tuy chỉ có vài bài, nhưng mình thấy hay hay nên chỉ đọc qua là thuộc. Mệt nỗi là em cứ hay thắc mắc, hỏi đến khi mình ấm ớ, không biết trả lời, em vẫn truy theo. Thơ của nữ sĩ họ Hồ thì trả lời cho suông, chẳng dễ chút nào. Cứ đọc lên đã thấy nghĩa đen trần trụi phát hoảng. Đã vậy, em cứ khi nào không thấy cha, lại ngâm nga:
Phó cho con Nguyễn Thị Đào,
Nước trong leo lẻo, cắm sào chờ ai?
Chữ rằng: Xuân bất tái lai,
Cho về kiếm chút, kẻo mai nữa già.
Những lúc đó, mình nghe, cũng không hiểu trong lòng mình thật sự nghĩ gì. Còn em, thích ngâm nga bài đó như vậy, cũng không hiểu em có thật sự hiểu hết ý nghĩa bài thơ ấy hay không? Chuyện này, mình ngại, cũng không dám hỏi!
Thơ phú, vốn là chuyện bí mật giữa hai anh em. Nó làm mình cảm thấy mình và em rất gần gủi.
Ngày ….
Thượng về rồi. Mình hãnh diện dẫn Thượng vào làm quen với em. Cho em biết mình có một người bạn tuyệt vời như thế nào. Trông em lúng túng, chẳng giống ngày thường. Mình ngồi giữa hai con người mà mình hết lòng yêu quý, cảm giác hạnh phúc đầy đến nỗi, mình chỉ biết cười và lắng nghe họ trò chuyện.
Chiều nào, Thượng cũng tới chơi. Thượng thổi sáo, mình kéo đàn và em ngồi nghe.
Những ngày này, lúa đang trổ bông. Cá lóc, cá rô ăn nhụy lúa, con nào cũng mập. Em thường chiên xù đến dòn tan. Cha ăn, cũng phải khen.  Nhưng vào cái lúc mình nhìn thấy em  nhiệt tình chăm chút từng mẩu xương cho Thượng, quên mất mình, những con cá xù dòn ấy bỗng cứng như gai, không nuốt vào được nữa.
Lần đầu tiên sau bao năm làm bạn, mình kiếm cớ rút lui trước và mặc em tiễn khách.
Và cũng là lần đầu tiên trong đời, mình mới ngồi bên bàn, thử nhìn rõ lại mình. Tất cả, chỉ có thể nói gọn một chữ: Tầm thường. Cũng kỳ lạ là mình lâu nay, cứ soi mình qua hình ảnh Thượng, chưa bao giờ thật sự nhìn rõ mình như bây giờ. Thà không nhìn thì thôi. Nhìn rồi, cảm giác tự ti, mặc cảm dâng đầy trong lòng, thật là đau đớn!
Càng đau đớn hơn, khi chính Thượng nói:
- Minh ơi, chắc mình yêu em gái Minh mất rồi. Ai cũng nói bọn mình quả là Trời sinh một đôi. Minh nghĩ bọn mình có đẹp đôi không? Mình sẽ xin cha mẹ đi hỏi Chi Mễ thôi. Nếu không, mình chẳng muốn về nhà nữa. Cứ vừa bước ra tới thềm nhà Minh, mình đã muốn quay trở lại.
- Thượng có nói với Chi Mễ chưa?
- Mình biết Chi Mễ yêu mình mà, cần gì phải nói!
Cái gì Thượng cũng biết, sao không biết là Minh cũng yêu Chi Mễ? Hay phải chăng vì biết, Thượng cố tình nói rằng: Chi Mễ - Em gái mình? – Mình tự hỏi, cũng không dám có can đảm hỏi lại Thượng, cũng không hỏi Chi Mễ, chỉ tự buồn một mình.
Ngày …
Dạo này, cha cứ ho suốt ngày đêm. Cha ngày càng gầy, hay ngủ gà gật. Mình thương cha, đêm nào cũng vào nằm với cha, nửa đêm còn dậy, bỏ thêm than cho cha ấm mà ngủ ngon.
Cuối cùng, cả mình cũng ho khan và buồn ngủ kinh khủng. Lúc nào mình cũng muốn ngủ.
Mình và cha cùng lên tỉnh khám bệnh. Biết bệnh rồi, cha thất vọng ghê gớm. “Không thuốc chữa” là cái từ mà mình nghe mãi mới hiểu.
Ngày …
Khi trưa, cha đã hỏi mình:
- Bên nhà Thượng đã đem trầu cau qua. Con muốn làm chồng hay làm anh?
- Cha đã hỏi ý em chưa?
- Chuyện đó là chuyện của đàn ông. Con gái gả đâu, ngồi đó.
- Nói vậy thôi. Con xưa giờ, chỉ coi Chi Mễ như em gái.
Thật ra, mình mong cho em mau mau đi khỏi nhà, trước khi em cũng bị lây bệnh. Cha có vẻ chần chờ. Còn hi vọng gì mà chần chờ hả cha? Cha không muốn nói sự thật với em. Không lẽ, cha muốn em chết cùng chúng ta hay sao?
Ngày …
Em hỏi:
- Minh ơi, sao hồi này Minh khó chịu quá, lúc nào cũng nhăn nhó, giống y cây xương rồng tròn, gai chỉa như rừng, thấy ghê!
- Tui vậy đó, rồi sao? Không thích thì đi chỗ khác, tui bận học bài.
- Đi thì đi. Anh làm như em báu chơi với anh lắm. Em đi kiếm anh Thượng. Ngồi đó mà học đi. Đã xấu, còn xí nữa, thấy ghét!
- Mai mốt đừng nói chuyện với tui. Đi kiếm anh Thượng mà nói.
Chi Mễ đứng nhìn mình một hồi, không hiểu chờ gì? Mãi không thấy mình nhúc nhích, Chi Mễ đi mất. Mất một lúc, mình mới nhớ ra là Chi Mễ vừa gọi mình bằng anh. Anh – Em gì cũng vậy thôi. Bây giờ, trời có sụp, mình cũng không lo, huống là lo Chi Mễ giận.
Ngày …
Trong khi mình và ông vắng nhà, đi mua sắm lễ vật cho đám cưới Chi Mễ. Ở nhà, Chi Mễ và Thượng bắc thang, đập những ô gạch trên sát mái ngói, thò tay vào những ổ chim sẻ bắt chim con và trứng chim xuống chơi. Sau đó, hai người đã bỏ những con chim con trở lại tổ. Những cái trứng thì lớp vỡ, lớp móp, nằm chỏng chơ trên cát, dưới những gốc hoa hồng lai.
Tối đó và cho đến trưa hôm sau, những con chim con không ngừng kêu la. Mình rất lạ. Xưa nay, những con chim con rất im lặng, chỉ có những con chim mẹ mới thi thoảng kêu mà thôi. Nhìn lên mái hiên, mình phát hiện vết đập phá. Ngó xuống những bụi hồng lai, kiến bu đầy quanh những cái trứng vỡ. Bắc thang leo lên, mình nhìn thấy những con chim con với cái mỏ to, viền vàng và lông tơ mới nhô trên sống lưng. Con nào cũng không ngừng há to cái mỏ đòi ăn. Bọn chim con đói. Những con chim mẹ vì động ổ, có mùi lạ, đã bay đi mất.
Mình không biết làm sao, đành lấy gạo, bỏ vào mỏ những con chim con. Bọn chim nhóc đó nuốt lia lịa. No rồi, chúng không kêu la nữa.
Hôm sau, sáng ra mà mình không nghe tiếng kêu la nào. Vừa toan lấy thang lên xem, mình giật mình khi nhìn thấy một sợi dây xanh lè, trong một ô gạch, từ từ rút qua ô gạch kế tiếp. Thôi rồi, những chú chim con đã thành mồi ngon cho lũ rắn lục vì không có mẹ bảo vệ. Chưa bao giờ mình nổi điên với Chi Mễ. Hôm nay, mình đã gọi em là:
- Đồ độc ác! – Không ngừng được, mình đã hét lên:
-  Em và Thượng, cả hai. Độc ác như nhau, đi với nhau cho khuất mắt tui!
Em ngập ngừng gọi:
- Minh ơi! Đừng giận nữa, có được không?
- Đừng có đứng đó mà gọi “Minh, Minh”, đi chỗ khác! Chẳng có Minh nào ở đây hết. Chết mất xác rồi. Chết theo mấy con chim con tội nghiệp kia rồi. Chẳng còn mấy ngày là theo chồng mà vẫn cứ sống như một đứa con nít, không biết suy nghĩ gì, có biết em đã 16 tuổi rồi không?
Có lẽ, những ấm ức dồn nén quá lâu, bây giờ, được thể tuôn ra hết, mình không còn là mình nữa: Nào lời dịu dàng, nào lời ân cần, nào lời yêu thương … đã trôi sông, trôi biển. Có bao nhiều từ xấu xa, độc ác, mình tuôn ra bằng hết. Em đứng đó, kinh hoàng nhìn mình, không nói tiếng nào, như là đã mọc rể dưới chân.
Cho đến lúc Thượng xuất hiện, cũng chưởi mình một trận, bằng những lời xưa nay, không ai nghĩ là Thượng có thể nói ra. Không ngờ là cha cũng vào cuộc, đi chưởi nhau tay đôi với Thượng. Rồi xóm giềng bu quanh. Rồi cha mẹ Thượng xuất hiện và tham gia vào. Chưa bao giờ mình cố gắng nhiều như vậy để có thể nghĩ ra những lời chưa hề có trong vốn từ tiếng Việt để chưởi tất cả mọi người, không chừa một ai. Phật có đang ngồi trên tòa sen, nghe cha con mình chưởi, cũng không thể giả điếc mà ngồi im, huống là người trần, mắt thịt.
Cuối cùng là chẳng cưới, chẳng hỏi, ngay ngày hôm đó, em tay trắng ra đi cùng với gia đình Thượng.
Còn lại hai cha con nhìn nhau, cùng ngồi phịch xuống ghế, chẳng hiểu nên khóc hay nên cười?
Ngày …
Mình biết xóm giềng, gia đình Thượng đều khinh cha con mình: Tưởng con nhà Nho thì đàng hoàng, tử tế. Khi gặp chuyện là ló ngay cái đuôi gian ác, xấu xa.
Mình thích ngồi ở dưới hiên nhà, nhìn những ngọn trúc đào nghiêng nghiêng, phất phơ. Cái vẻ mỏng manh như liễu, nhưng vẫn cố vươn thẳng của cành trúc đào, có gì đó rất cảm động. Có lẽ, chỉ có mình thấy vậy, vì cành trúc đào đó giống mình chăng?
Ngày …
Có lẽ, giờ đây, ai cũng biết bệnh tình cha con mình. Hôm qua, có nhiều viên đá bọc giấy đã bay vào nhà mình, rơi đầy trước ngõ. Những tờ giấy đều cùng một giọng, bảo cha con mình: Xấu xa như vậy, đáng đời mắc bệnh nan y. Từ nay, chết rũ trong nhà, không được ló mặt ra. Mắc công lây bệnh cho người khác. Đi tới đâu, người ta ném đá tới đó, đừng trách sao xóm giềng bạc bẻo.
Ngày …
Đêm qua, cha đi rồi. Chỉ còn lại mình trong tĩnh lặng của giờ phút chờ ban mai tới. Mình không thích chờ. Bởi vì, ban mai không tới để cho mình một ngày mới vui vẻ. Ban mai tới là sự kéo dài của giây phút giẩy chết. Nó cũng kinh khủng như mỗi khi mình nhớ về những chú chim non, sợ đến nỗi không dám kêu la khi bắt được mùi của con rắn đang từ từ, hết ổ này sang ổ khác, ăn lần lượt tất cả.
Mình đi cùng cha đây. Chỉ buồn là, hình như, mình cũng không nhớ ra mặt của em nữa. Đừng tưởng là rêu phong chỉ che được mái ngói. Rêu phong che phủ mặt người. Rêu phong che hết dấu yêu, che hết tiếng cười, che mờ đôi mắt mình, che mờ những đôi mắt một thời yêu thương nhau. Vì vậy, mới dễ dàng một đi, không trở lại! Có hoang tàn, mới có rêu phong. Hay vì có rêu phong, mới thấy hoang tàn? Trước hay sau, cũng vậy thôi.
Ông nội đọc những gì Chi Mai viết rồi thở dài:
- Cháu viết lại làm gì? Câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy đâu.
- Vậy là sao hả ông?
- Cháu cứ tò mò về ngôi nhà hoang. Ông biết. Trong làng, mọi người cứ hay đồn thổi về ngôi nhà đó với đủ thứ chuyện ma quái. Thật ra, người làng chỉ muốn trốn tránh một sự thật rằng: Cha ông mình, vì sợ bệnh truyền nhiễm mà bỏ mặc hai con người đó chết rũ xương, tự sinh, tự diệt. Dù sao, cho là có ma quái, còn hơn cho con cháu đời sau biết sự vô tình của đời trước. Đặc biệt là cha ông chúng ta, những người có mặt trong những trang giấy đó. Có lẽ, cháu cũng đoán ra rồi. Là đúng, hay là sai, chúng ta cũng chỉ là con người, ích kỷ, toan tính cho riêng mình. Điều dễ dàng nhất là đổ lỗi cho người khác. Lương tâm nhẹ nhàng thì sống dễ chịu hơn. Hai cha con họ, chẳng phải đã cho người khác lý do để làm điều đó hay sao? Họ cũng muốn vậy. Ta tại sao không làm theo mong muốn của họ? Để họ yên nghĩ chính nơi họ muốn. Đó là điều cuối cùng, cha ông chúng ta và  người làng có thể làm được cho họ. Nếu cháu không ngớ ngẩn viết lại cuộn giấy, ông cũng gần như đã quên mất câu chuyện này. Nhớ lại, chỉ thêm xấu hổ và đau lòng thôi.
Chi Mai vừa đốt từng cụm nhang, cắm trên lối đi dẫn vào nhà hoang, vừa lẩm bẩm:
- Này là nén nhang, cho những người cô độc trong cõi chết. Này là nén nhang, thay một lời xin lỗi. Này là nén nhang, trả yêu thương cho người, như thả hương khói lên trời và tan.
Không gian phảng phất mùi trầm hương của bó nhang cô đốt. Trong lòng Chi Mai, nỗi buồn trăm năm trước vẫn chẳng nhẹ nhàng hơn. Thôi vậy, có lẽ chờ đến ngày nào đó, mình đừng nhớ, mình dần sẽ quên.

Xem Tiếp: ----