Dù xa cách mấy trùng dương
Ở đâu cũng có quê hương trong lòng (°)
Ðã bao nhiêu năm, tôi và người xa nhau. Cái xa nhau ngút ngàn chưa tìm lại được một lần. Tại ai, tại tôi, tại người? Tôi làm sao biết được. Nhưng tôi lại nghĩ, có lẽ tại định mệnh, chúng mình có duyên mà không nợ nhau, chỉ vậy thôi.
Bước chân ngập ngừng, tôi đi qua con đường cũ, con đường thân quen ngày xưa chúng tôi có nhau. Sân trường giờ chỉ còn những khuôn mặt xa lạ, cây xanh, ghế đá, cảnh vật không mấy thay đổi, nhưng lòng tôi là cả một bầu trời đổi thay!
Ngày tôi được học lớp chuyên ngành ( hàng ngang của công chức) chỉ hai năm là xong khóa học, ngạch trật khác nhau và thấp hơn người. Người học lớp cao (hàng dọc của sinh viên) bốn năm mới kết thúc khóa học, khi ra trường giữ chức vụ có khi là chánh sở (của tôi không chừng) có khi là một trưởng, phó quận, tùy theo điểm đậu. Ngày ngày chúng tôi gặp nhau tại bãi xe của viện (QGHC nằm trên đường Trần Quốc Toản) đâu có nói với nhau lời nào mà hình như ánh mắt của chúng tôi đã quen nhau từ lâu lắm rồi. Rồi một dịp rất là tình cờ, ngày ấy tôi bất cẩn đánh rơi chiếc chìa khóa xe lúc nào không biết nữa, lóng ngóng mãi không biết làm sao trong lúc các học viên đã ra về hết, tôi vừa ra cổng học viện định nhờ bác bảo vệ trông hộ xe, thì người đã có mặt từ lúc nào và nói với tôi:
- Có chuyện gì vậy?
- Không có gì đâu.
- Cô có cần tôi giúp gì không? Hình như bác bảo vệ đang muốn đóng cổng.
Ngượng quá, khi không lại nói sự vô ý của mình cho người lạ nghe sao. Mà bằng không thì cứ thế nào đây, đúng là phụ nữ khi có việc gì đột xuất là không nhạy bén mà suy nghĩ ra. Bên tai lại nghe lời thúc giục:
- Sao, tôi giúp cô được không, đừng ngại gì hết, mình học chung học viện, hằng ngày đều gặp mặt, đâu phải là người lạ.
- Nhưng tôi có quen anh đâu.
- Tôi thì không lạ gì cô và hình như tôi đã quen cô từ kiếp trước.
- Tôị..tôi...
- Sao, ngại gì, cô cứ nói thẳng ra.
- Tôi… tôi…mất chìa khóa xe.
- Chuyện nhỏ, để tôi dắt xe cô ra ngã tư nhờ người mở khóa.
- Nhưng xe đã khóa cổ.
- Vậy để tôi ra đó chở người vào mở khóa xe, sau đó làm chìa sau.
- Dạ, cám ơn.
Lần đó, tôi về nhà trể gần tiếng đồng hồ, vì tội bất cẩn mà còn phải mang ơn người dưng.
Hôm sau, tôi cố tình đi học thật sớm để tránh mặt ai, nhưng vẫn gặp, và chỉ gật đầu là lủi vào phòng học ngay, khi về tôi cố nán lại để hỏi giảng viên những điều tôi chưa hiểu. Thật tình tôi chưa muốn ra về lúc nầy. Nếu rủi gặp mặt lại người thì biết nói gì đây, cũng tại mình lẩn thẩn quá, thôi đành chịu khó một chút vậy. Về trễ một tí cũng chẳng sao, miễn là không gặp được người đã biết sự lơ đãng của mình. Không phải tôi là người hàm ơn rồi vội quên ơn đâu nha. Nhưng mà xấu hổ lắm, phụ nữ mà lại không cẩn thận gì hết, mắc cở chết được. Tôi vô tư lái xe trở về nhà, mà bên tai lại nghe lời ai nói thật nhỏ:
- Làm sao mà về trễ vậy?
Quá ngạc nhiên, tôi quay lại bắt gặp một nụ cười duyên dáng và thật tươi đang chào tôịThật là uổng công tôi né tránh, nhưng tôi cũng vui vẻ trả lời “người ơn”:
- Có chút việc vậy mà.
- Cho phép tôi đi cùng đường cô nha.
- Ðâu phải đường của riêng tôi đâu.
- Vậy à, gần tới nhà cô rồi đó.
À, thì ra mi đã đi theo để biết nhà ta rồi. Sao mà nhanh thế. Lần sau sẽ không thèm nói chuyện gì đâu, lại nữa ngoài đường chạy xe song song nguy hiểm quá, mi không biết sao?
Rồi cứ thế tôi một mạch chạy xe về nhà không nói thêm lời nào. Vậy mà có yên thân đâu, ngày nào cũng gặp mặt, cũng thấy nhau, cũng cái gật đầu chào người – người ơn mà.
Một thời gian sau, chúng tôi quen nhau. Ban đầu vì nể lời mời, chúng tôi có vào quán uống nước giải khát một đôi lần. Sau rồi tới những quyển sách, truyện, tiểu thuyết dịch, làm nhịp cầu thông cảm cho chúng tôi thân nhau hơn. Những giờ nghỉ cách khoảng giữa tiết học, chúng tôi thường đứng trên hành lang của giảng đường, hoặc ngồi trên băng đá, hay đi bách bộ dưới những hàng cây có tàng rộng lớn tỏa bóng mát trong học viện.
Chúng tôi quen và thân nhau chưa được bao lâu, tôi bị một tai nạn giao thông ngay trước cửa bệnh viện Métropol trên đường Trần Hưng Ðạo, và đã được các bác sĩ nước ngoài cứu chửa kịp thời, sau mười mấy tiếng đồng hồ được chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy điều trị nội trú mấy tuần lễ, và thời gian mười mấy tháng điều trị ngoại trú.
Khóa học của tôi chỉ có hai năm, nhưng vì tai nạn, tôi phải học và nghỉ để dưỡng thương, tổng cộng trước sau đến bốn năm. Trong thời gian nầy, người vẫn đến thăm tôi với một tình cảm của một người bạn thân hơn ngày nào. Với những năm tháng tôi và người đã vượt qua mức tình cảm bạn bình thường, chúng tôi có những buổi hẹn đi chơi, ăn uống, xem phim, dã ngoại như câu cá ở Tân Thuận, đạp xe ra xóm vịt ở Q8, chèo thuyền ở Bình Quới (có người nắm sợi dây đưa đi, cho thuyền khỏi lật)
Những buổi lễ chùa trong những ngày Rằm với những bông hoa sen tinh khiết và tươi thắm, chúng tôi khấn nguyện với đấng thiêng liêng kết hợp cho chúng tôi được trăm năm tơ hồng.
Người thích hoa sen và thường nói:
- Hoa sen tươi thắm và tinh khiết như tên em, như tình của chúng mình.
- Nhưng tên em là Bạch Liên chứ đâu phải như cánh hoa hồng liên nầy.
- Hồng hay bạch gì cũng đẹp, anh thích hết cả hai, hoa và người.
- Nhưng anh không sợ em bị xe tông rồi khùng bất tử sao?
- Ðẹp người lại đẹp nết mới quí chứ.
- Cho anh ở đó mà nói đẹp với không đẹp, em về mất tiêu rồi.
Tôi bỏ anh đứng đó một mình, và đi gần như chạy nhanh ra cổng chùa, mặc những lời kêu vói của anh.
Rồi anh cũng hối hả chạy theo tôi, trên tay không quên cầm những bông hoa sen mà ở chùa, nhà sư mới vừa cho lộc. Về đến nhà, anh còn cẩn thận cắm những hoa sen vào bình rồi dâng lên bàn thờ của ông bà tôi với tấm lòng thành kính của một cháu rễ tương lai. Tôi và người đã có những giây phút thật đẹp bên nhau, không vướng bận những bon chen vật chất xen vào. Cả hai chúng tôi vẫn còn vẹn giữ mối tình nồng thắm, chưa ai muốn đi đến hôn nhân vội, nên đã thỏa thuận chờ vài ba năm tới mới quyết định việc chung nhà.
Thời gian đầu người được bỗ nhiệm làm quận trưởng ở một quận nhỏ trong thành phố Sài Gòn, nhưng chỉ vài năm sau người được về giữ chức vụ quận trưởng một quận lớn, có bề mặt kinh tế tầm cở trong nội thành Sài Gòn của ngày trước. Tất cả những khó khăn mà gia đình tôi phải gánh chịu về đủ phương diện, từ việc trong nhà cho đến ngoài xã hội, người đều nhiệt tình giúp đở, người đã ém nhẹm việc cậu em tôi trốn quân dịch nhiều năm.
……….
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn thay đổi.
Người đã rời xa tôi, rời xa đất nước quê hương để lại một mẹ già đầu tóc bạc phơ. Những tất bậc của cuộc sống và những trông ngóng đợi chờ vô vọng đã khiến người mẹ già của người mõi mòn nhớ thương, chỉ vài năm sau đã qua đời mà vẫn chưa nhận được tin tức, thư từ, chưa nhận được cái vuốt mắt của đứa con độc nhất mà lúc nào bà cũng nghĩ còn bé và dại khờ, cho dù hằng ngày tôi vẫn viếng thăm, chăm lo, an ủi bà, như một con dâu săn sóc cho mẹ chồng, một người mẹ thật sự cô đơn vì mất con. Theo năm tháng gia đình tôi cũng có những người thân gởi xương thịt vào lòng đất để mãi mãi đi vào cõi hư vô vĩnh hằng.
Những tình cảm, những ân cần người đã dành cho tôi, cho gia đình tôi thật là nhiều, thật nhiều… tôi nhớ mãi làm sao quên được, làm sao nói cho hết được những gì của ngày ấy. Ðã bao nhiêu năm, người chưa một lần về lại quê nhà, chưa một lần thư từ liên lạc, hỏi thăm. Không biết người còn hay mất, tôi đã nhiều lần nhắn tìm, vẫn không được tin gì ngoài những ngóng trông vô vọng. Người có biết người mẹ mà người rất quí trọng và thương yêu với tình thương cả cha lẫn mẹ kể từ khi cha người mất lúc đứa con trai chỉ vừa được mấy tuổi, mà đã từ lâu người mẹ ở quê nhà đã qua đời, đã không còn sầu nhớ đứa con không có ngày về để cư tang báo hiếu mẹ, và người vợ chưa kịp cưới vẫn ngày ngày cô đơn trông ngóng người xưa luôn phải đối phó với bao nhiêu nghiệt ngã của cuộc đời đầy gió táp mưa giông vẫn luôn vượt qua cơn bão lòng.
° Thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà
 

Xem Tiếp: ----