Câu chuyện như vậy đấy. Con rất xin lỗi bố. Con biết là bố muốn có một bộ áo giáp bị ma ám như thế nào. Con không định đuổi con ma đi. Nó tự xảy ra như thế. - Không sao đâu Mike. - Bố xoa đầu tôi. - Bố hiểu những gì đã xảy ra. Chắc là con đã rất dũng cảm. Bố đặt một tay lên vai tôi. Carly đang đứng cách đó không xa. ông kéo luôn cả nó vào. - Cả con nữa. - ông nói thêm, cười vang. - Thử nghĩ xem, suốt thời gian vừa rồi chúng ta có một lão phù thủy trong bảo tàng mà chúng ta không hề biết. Carly co người lại. - ông ta chẳng phải thầy phù thủy tốt tý nào. - Chắc chắn thế. - Tôi cảm thấy cũng muốn rùng mình. Nhưng tôi chắc chắn là ngài hiệp sĩ Michael của Bảo tàng Huyền sử sẽ không bao giờ rùng mình trước đám đông. Bố cười. - Đợi đến khi bố nói chuyện với bác Basil. Bác ấy là người đã khơi mào tất cả chuyện này. Nếu bác ấy không mua bộ áo giáp... chắc mọi chuyện đã khác. Lời bạt của nhà văn Lê Văn Thảo: "Hiệp sĩ sắt" rất hợp với thiếu nhi Chuyện kể về bảo tàng Huyền sử - một kho đồ cũ những trang phục áo giáp - qua trí tưởng tượng của một đứa trẻ mười hai tuổi biến thành hiệp sĩ thời Trung Cổ với những hành động kỳ dị, ma quái. Những ngày tiếp sau đó, theo đà của trí tưởng tượng xô đẩy, cậu bé cùng cô em gái, người cha và người chú đã trải qua không biết bao nhiêu những tình huống, những hành động lạ lùng, rùng rợn và dĩ nhiên cũng hết sức hồi hộp, thú vị. Cũng như các tập truyện kỳ bí khác của R. L. Stine mà cách nay ít lâu đã được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành và tôi đã đọc. "Hiệp sĩ sắt" được viết với một giọng văn rất hoạt, lời văn ngắn gọn, súc tích. Nhiều hình ảnh, nhiều hành động dồn dập nối tiếp nhau qua nhiều chương, đoạn thật hấp dẫn, rất hợp với tâm lý thích phiêu lưu mạo hiểm của thiếu nhi. R. L. Stine tỏ ra rất khéo léo trong việc kết hợp trí tưởng tượng bay bổng với tư duy logic khoa học. Những hành động ma quái, khó hiểu của các nhân vật trong truyện bao giờ cũng được lý giải, cắt nghĩa một cách rất khoa học sau đó. Nội dung truyện khá tốt, kích thích trí tưởng tượng phong phú của trẻ em, đề cao lòng quả cảm, ý chí khát khao vươn tới những hành động xả thân vì người khác. Thiết nghĩ những tác phẩm văn học giải trí thuộc loại chuyện ma quái, chuyện kỳ bí, hoang đường... luôn rất cần cho việc mở rộng biên độ và làm phong phú thêm trí tưởng tượng của người đọc đặc biệt là độc giả lứa tuổi thiếu nhi. Thông qua những câu chuyện như "Hiệp sĩ sắt", các em còn có dịp bổ sung thêm sự hiểu biết về nhiều mặt như truyền thống, lễ hội, phong tục văn hóa của các nước...