Thanh Kiều tuy nước da trắng đỏ, khóe miệng hữu duyên, tiếng nói thanh tao, tướng đi yểu điệu, song bị đau trái giống mặt rỗ chằng nên vẻ xinh đẹp của cô mười phần nay giảm hết đôi ba phần. Con gái hễ thường gặp rủi như cô vậy, thì ai mà chẳng buồn, nhưng mà cô gặp rủi cô lại vui, từ sớm mơi đến chiều cứ lo thêu khăn thêu giày đặng đem mấy tiệm gởi mà bán.Bữa nọ, bà Phủ Khánh Long đang ngồi câu tôm chơi với Thanh Huê, còn Đỗ Thị thì nằm một bên đó mà coi chuyện. Thình lình, ông Phan Phú Thứ, là Huyện hàm ở Cần Giuộc, tuổi gần năm mươi, nhà thiệt giàu lớn, ở ngoài bước vô, đầu bịt khăn chế, mà chơn lại mang giày vàng.Bà Phủ vốn đã quen với ông Huyện hàm ấy nhiều, nên lật đật bỏ bài chào mừng. Đỗ Thị ngồi dậy rồi biểu Thanh Huê lấy thuốc rót nước mà đãi khách.Bà Phủ ngó ông Huyện hàm rồi hỏi rằng:- Ông Huyện để tang cho ai đó vậy?- Thưa tôi để tang cho ở nhà tôi.- Ủa! Bà Huyện mất hồi nào mà tôi không hay?- Nó mất đã bốn tháng rồi.- Cơ khổ dữ hôn! Vậy mà có hay đâu! Bà Huyện đau bịnh gì vậy?- Khi nó mới đau thì tôi tưởng đau sơ sài, chừng tôi thấy nặng tôi chở lên Chợ Lớn cho quan thầy coi thì nói nó đau ruột. Tôi thất kinh, rước thầy chạy thuốc, làm đủ cách mà nó không mạnh. Hôm nó mất tôi bối rối quá nên không cho bà con hay kịp.- Tội nghiệp quá! Bà Huyện để lại mấy đứa con? Có đứa nào nhỏ hay không?- Nó để lại ba đứa con gái: đứa lớn năm nay hai mươi hai tuổi, đã có chồng rồi, đứa giữa mười tám tuổi, chồng mới đi nói, còn đứa nhỏ mười tuổi.- Té ra ông Huyện không có con trai?- Không có.- Giàu mà không có con trai nghĩ cũng buồn chớ.- Trời biểu như vậy biết làm sao bây giờ.- Ông Huyện mỗi năm góp lúa được bao nhiêu?- Tôi đủ ăn, mỗi năm góp mười mấy ngàn giạ, có nhiều gì đâu.- Bấy nhiêu đó là nhiều rồi, chớ còn bao nhiêu nữa mới gọi là giàu. Ông Huyện bây giờ có tính chắp nối hay không?- Ở nhà tôi mới mất nên tôi chưa tính việc đó. Mà chắc là tôi phải tính, bởi vì gia thế tôi lớn, không có đờn bà coi sóc ở trong thì bất tiện lắm.- Vậy chớ sao! Người ta nói "tử giã biệt luận" mình thương yêu người chết thì để bụng, chớ chờ mà sống lại được sao. Huống chi là ông Huyện không có con trai, vậy ông Huyện cũng nên kiếm một người còn trẻ tuổi mà chắp nối, hoặc may sanh được chút trai đặng kế nghiệp về sau chớ!- Tôi cũng nghĩ như vậy. Bây giờ việc trong nhà tôi giao cho con mười tám tuổi coi sóc. Nay mai đây nó có chồng rồi tôi làm sao? Bởi vậy chắc tôi phải cưới vợ khác, chớ ở góa không được.Bà Phủ mặt mày hớn hở, liếc ngó Đỗ Thị, miệng chúm chím cười. Đỗ Thị hội ý nên cũng cười với bà, rồi chen vô mà nói chuyện với Phan Phú Thứ.Bà Phủ nói xa nói gần một hồi rồi bà tỏ thiệt rằng bà có đứa cháu gái kêu bà bằng cô, nếu ông Huyện hàm bằng lòng thì bà sẽ cho coi mặt. Phú Thứ hỏi người ấy là con của ai. Bà Phủ chỉ Đỗ Thị mà nói nó là con của Đỗ Thị, còn em trai bà, là Bá Vạn đã chết hơn một năm nay rồi.Phú Thứ ngồi, mắt ngó đôi giày vàng, miệng chúm chím cười. Bà Phủ hiểu ý ông đã chịu rồi, nên nói rằng:- Nó đương thêu giày trên lầu. Để tôi biểu nó đem ít cặp mặt giày xuống cho ông Huyện coi mà mua, đặng nó xuống cho ông coi cho dễ.Phú Thứ ngồi cười hoài. Bà Phủ biểu Thanh Huê lên lầu kêu Thanh Kiều đem ít cặp mặt giày xuống cho ông Huyện lựa. Thanh Kiều hững hờ không dè việc chi hết, nên cầm ba cặp mặt giày xuống rồi đi thẳng lại chỗ Phú Thứ ngồi mà đưa cho Phú Thứ.Phú Thứ thò tay lấy mặt giày mà mắt liếc ngó cô. Thanh Kiều thấy ông tuổi đáng chú bác, không ái ngại chi hết, nên đứng ngay trước mặt mà chờ coi ông đành cặp nào. Ông làm bộ quê mùa, hỏi cô cặp nào thêu khéo, cặp nào thêu chắc, hỏi giá cả từ cặp, có ý ghẹo cho cô nói. Ông Huyện hàm hỏi đâu thì Thanh Kiều nói đó, không chút nào bợ ngợ. Bà Phủ, Đỗ Thị với Thanh Huê ngồi bên ván, ngoài mặt làm tỉnh mà trong lòng vui thầm, Phú Thứ lấy bạc ra mua luôn hết ba cặp mặt giày. Thanh Kiều bán được thì mừng nên trở lên lầu miệng cười ngỏn ngoẻn.Bà Phủ hỏi Phú Thứ coi vừa ý hay không, thì ông cứ cười hoài không chịu nói. Bà Phủ mới hỏi:- Thế khi ông Huyện chê cháu tôi mặt rỗ, phải không?Phú Thứ lật đật đáp rằng:- Thưa không, mặt rỗ có hại gì đâu. Song để tôi về tôi tính việc nhà ít bữa rồi tôi sẽ lên trả lời cho bà.Cách chừng một tuần lễ, Phan Phú Thứ trở lên thăm bà Phủ nữa. Đỗ Thị niềm nở, têm trầu cho ông ăn, đốt thuốc cho ông hút, rót nước bưng cho ông uống, không chịu sai đứa nào hết.Phú Thứ lần này mặc áo sa-ten, quần lụa trắng, cũng mang đôi giày vàng hôm trước, song chùi lau láng mướt, không thấy dính một chút bùn. Ông cứ ngó Đỗ Thị rồi chúm chím cười hoài. Ban đầu Đỗ Thị tưởng ông đã đành con mình nên trong bụng mừng thầm, chừng thấy ông ngó riết thì mắc cỡ nên ngồi không yên.Đỗ Thị vừa bước ra nhà sau, thì bà Phủ liền hỏi Phú Thứ rằng:- Sao? Chuyện ấy hổm nay ông Huyện về tính rồi chưa?Phú Thứ cười mơn rồi đáp rằng:- Chẳng giấu chi bà, chuyện ấy tôi nghĩ khó quá.Bà Phủ chau mày hỏi rằng:- Sao vậy?- Cô em nhỏ tuổi quá, cô nhỏ hơn con gái đầu lòng tôi bốn tuổi. Nếu tôi cưới cô thì sợ con tôi nó buồn, mà tôi chắc thiên hạ họ dị nghị nữa. Tôi đã già rồi mà cưới con gái còn măng thì coi cũng kỳ.- Ối! Chuyện đó có hại gì đâu! Vậy chớ ông Huyện không nghe người ta nói: "Bảy mươi có của cũng vừa mười lăm" hay sao?- Thưa bà, tôi sợ họ cười quá... Chớ chi cô kia cổ ưng tôi thì tôi không dụ dự chi hết.- Cô nào? Con chị nó có chồng rồi, tuy nó giận chồng nó nên vô ở với tôi, song vợ chồng có hôn thú hẳn hòi, chưa để bỏ thì chồng khác sao được. Như ông có muốn thì phải đợi nó để chồng nó xong rồi cưới mới được.- Thưa không, tôi không phải nói cô đó, bởi vì cô đó cũng không lớn hơn con tôi.- Vậy chớ ông Huyện nói ai?- Thưa tôi nói cô lớn kia.- Cô lớn nào? Ông muốn con mẹ nó phải không?Phú Thứ gặc đầu lia lịa. Bà Phủ tức cười, song ráng làm tỉnh mà nói rằng:- Con em tôi thì khó một chút, bởi vì từ ngày chồng nó chết đến nay nó không có tính lấy chồng khác. Tuy vậy mà nếu ông Huyện muốn thì để tôi nói giùm thử coi, rồi bữa nào ông Huyện lên chơi tôi sẽ trả lời cho.Phú Thứ về rồi, bà Phủ cứ nằm cười hoài. Đỗ Thị hỏi bà vậy chớ Phú Thứ tính lẽ nào. Bà Phủ đáp rằng:- Ông Huyện ổng nói con Thanh Kiều còn nhỏ lắm, nếu cưới nó sợ họ cười, mà ổng trở lại muốn mầy, nên cậy tao nói giùm, vậy chớ mầy ưng ổng hay không?Đỗ Thị tuy tuổi đã gần bốn mươi lăm mà nhan sắc còn đẹp lắm. Bà nghe nói Phú Thứ muốn bà thì bà chưng hửng, trong lòng tuy vui, song ngoài mặt làm buồn mà nói rằng:- Bẩm chị, ba bầy trẻ mất, em lo gả con Thanh Kiều chưa được em buồn rầu áy ruột, em nỡ nào đi lấy chồng mà bỏ con cho đành. Đã vậy chồng chết chưa mãn tang, có lẽ nào em đi lấy chồng gấp như vậy.Bà Phủ làm mặt buồn, ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:- Con của mầy đứa nhỏ chưa gả được, còn đứa lớn có chồng rồi mà cũng như không, nay mầy bỏ nó mà đi lấy chồng, thì thiệt cũng khó coi một chút. Nhưng mà tao nghĩ chỗ này xứng đáng lắm, nếu mầy ái ngại không ưng, để họ đi cưới vợ khác thì uổng. Ông Phú Thứ bây giờ đã làm tới chức Huyện hàm, hễ mầy về đó thì họ kêu mầy là bà huyện. Đã vậy mà ổng lại giàu lớn, ổng nói giấu chớ họ nói với tao mỗi năm ổng góp hai mươi ngàn giạ lúa. Ổng có ba đứa con gái, con lớn có chồng rồi, con giữa nay mai gì đây họ cũng cưới nữa, còn con út mới tám chín tuổi mà biết việc gì. Nếu mầy khôn khéo hễ mầy về nhà đó thì chắc quyền hành mầy cầm hết. Mà nếu trời nhểu phước cho mầy đẻ được một đứa con trai cho ổng, thì thôi nói gì, sự nghiệp của ổng chắc là về mẹ con mầy ăn hết.Đỗ Thị nghe phân mấy lời phải trái, tuy ngồi lặng thinh không nhích mép, song trong trí lo tính lăng xăng. Bà Phủ không thèm ngó, thò tay kéo gối mà nằm rồi tiếp rằng:- Chồng mầy chết thì sự nghiệp đã hết theo tay. Mấy tháng trước tao tính gầy dựng sự nghiệp cho mầy lại, là tưởng chắc gả con Thanh Kiều được cho con nhà giàu, chẳng dè rủi nó đau, bây giờ mặt nó như cái rỗ mà gả cho ai. Hôm trước tao tính gả nó cho ông Huyện hàm, nay tao nghĩ lại thiệt là bậy lắm. Về nhà đó thì phải đứa khôn lanh mới chiên xào sang sớt của người ta được. Con Thanh Kiều nó ngu quá, dầu ông Huyện có chịu cưới đi nữa, chắc mầy cũng không được nhờ bao nhiêu. Tao coi mầy thạo việc đời chút đỉnh, nếu mầy ưng ổng thì thân mầy sẽ sung sướng, mà có lẽ sấp con của mầy cũng nhờ nhiều được. Vậy mầy phải tính lại coi, chớ bỏ qua cái dịp tốt nầy nghĩ thiệt uổng. Ở đời không có hơi nào mà sợ miệng thiên hạ; họ nói thế nào mặc kệ họ, miễn mình có tiền nhiều, bận áo tốt, đi xe hơi lớn, đeo hột xoàn nhiều, thì thiên hạ họ bẩm dạ kiêng nể.Đỗ Thị tuy cầm dao cắt móng cẳng, song trí suy tới tính lui hoài. Cách một giây lâu mới nói rằng:- Chị nói nghe đã cùng lý rồi, em kính phục lời chị dạy bảo lắm. Nhưng mà, em còn ngại một chút là chưa mãn tang chồng lại chưa gả con Thanh Kiều được đó mà thôi. Vậy chị nói vậy thì em hay vậy, để em bàn tính lại với hai đứa nhỏ thử coi.Bà Phủ đáp rằng:- Ối, hễ mình tính cái nào có lợi thì mình làm, chớ thứ con nít mà biết phải quấy gì, nên tính với nó.Đêm ấy, bà Phủ ngủ rồi, Đỗ Thị lên lầu thấy hai con còn may, bèn đem việc Huyện hàm Phú Thứ muốn cưới mình mà thuật lại cho hai con nghe. Lại khoe Phú Thứ giàu lớn mà không có con trai, hễ mình về nhà đó chắc là dễ đút nhét mà nuôi con được. Đỗ Thị cũng dùng mấy lời bà Phủ nói với mình hồi trưa mà nói lại với hai con, rồi hỏi ý hai con nghĩ coi mình có nên lấy chồng như vậy hay không.Thanh Huê nghe nói thì hớn hở vui mừng, không thèm kể danh dự lễ nghĩa chi hết, cứ đốc mẹ ưng Huyện hàm Phú Thứ đặng mẹ làm bà Huyện, còn mình thì có tiền bạc mà ăn xài.Còn Thanh Kiều lặng thinh ngồi may, sắc mặt buồn hiu mà cặp mắt lại ướt rợt. Đỗ Thị thấy vậy bèn hỏi rằng:- Thanh Kiều, má nói như vậy con nghĩ thế nào? Sao con không trả lời mà bộ con buồn dữ vậy?Thanh Kiều lấy khăn lau nước mắt và bệu bạo nói rằng:- Con nhớ ba con, con tủi trong lòng, con làm sao mà vui cho đặng. Má muốn thế nào tự ý má, chớ con biết sao mà dám nói.Đỗ Thị không biết mắc cỡ mà lại giận nên nói rằng:- Tao lo là lo cho bây khỏi chết đói, chớ phận tao thì tao có cần gì đâu, sao mầy lại nói xóc tao. Tưởng mầy nói làm sao kia, chớ mầy nói như vậy thì tao lấy chồng coi mầy làm sao tao cho biết.Đỗ Thị nói dứt lời, liền ngoe ngoảy bỏ đi xuống lầu mà ngủ. Sáng bữa sau, Đỗ Thị thuật lại lời của Thanh Kiều cho bà Phủ nghe rồi nói rằng:- Ông Huyện hàm có lên em xin chị nói giùm rằng em ưng ổng, song buộc ổng phải làm hôn thú hẳn hòi, chớ làm âm thầm coi cũng kỳ.Bà Phủ gật đầu đáp rằng:- Vậy chớ sao? Phải làm đám cưới cho rõ ràng chớ khi không mà dắt mầy về nhà, thì ai kêu mầy bằng bà Huyện, rồi mầy có quyền hành gì. Mầy đừng lo, để đó tao liệu cho, tao không dại đâu mà sợ.Từ ấy, Đỗ Thị gỡ đầu, chải tóc láng nhuốt, tối ngày cứ mặc quần lụa trắng, lại thêm mặt dồi phấn, rửa móng tay, thấy Thanh Huê thì dịu ngọt vui cười, còn nói với Thanh Kiều thì câu mâu quạu quọ.Chưa đầy năm ngày thì thấy Phú Thứ tới nhà bà Phủ nữa. Đỗ Thị chào mừng niềm nở, lo trầu nước xong rồi, liền đi xuống nhà sau, có ý để cho bà Phủ thong thả mà nói chuyện. Bà Phủ mới nói Đỗ Thị đã ưng rồi thì thấy Phú Thứ mừng rỡ vô cùng. Bà Phủ buộc phải làm đám cưới cho rõ ràng thì Phú Thứ nói rằng:- Tôi làm tới chức ông Huyện, lẽ nào tôi làm âm thầm cho được. Nếu tôi làm lôi thôi thiên hạ họ cũng khi dễ tôi chớ. Xin bà đừng lo, song bà làm ơn nói giùm lại với cô rằng không còn mấy ngày nữa tôi sẽ gả con gái giữa tôi lấy chồng, vậy để đám cưới nó xong rồi tôi sẽ lo đám cưới tôi.Bà Phủ với ông Huyện đều hiệp ý nhau nên nói chuyện vui vẻ lắm. Chuyện hôn nhơn nói rồi, bà Phủ mới hỏi sao Phú Thứ không mua một cái xe hơi để đi chơi với người ta. Phú Thứ suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:- Không phải tôi sắm xe hơi không nổi; xưa nay tôi không chịu sắm là vì tôi nghĩ không đi đâu cho lắm, nên sắm không ích gì.- Mình làm tới chức ông Huyện mà lại nhà giàu có lớn, không chịu sắm xe, để đi xe đò họ khi chớ. Ông mua một cái xe nhỏ nhỏ chừng bốn chỗ ngồi để đi chơi với người ta. Nếu ông cưới con em tôi, nó phải lên xuống mà thăm tôi thường thường, lẽ nào ông biểu nó đi xe đò ngồi chung chạ với quân tầm bậy hoài hay sao?- Dạ, thưa để thủng thẳng rồi tôi sẽ tính. Xe hơi thiếu gì, muốn mua chừng nào cũng có, lật đật gì.Đỗ Thị núp trong phòng, nghe nói chuyện mình xong rồi, mới chường mặt ra, ngồi ăn trầu đàm đạo tự nhiên. Phú Thứ cứ liếc ngó Đỗ Thị, khí sắc hân hoan, miệng chúm chím cười hoài.Phú Thứ về rồi, cách chừng một tháng thấy ngồi một cái xe hơi mới mua đến thăm bà Phủ với Đỗ Thị, trước đem xe lên cho bà Phủ coi, sau mời bà Phủ, Đỗ Thị và hai cô nhỏ bữa sau xuống nhà ông mà chơi một lần cho biết nhà. Bà Phủ ra coi xe thì khen ông mua xe tốt, rồi hứa sáng bữa sau sẽ đi với em và cháu xuống nhà ông chơi. Phú Thứ mừng rỡ liền hứa mai sẽ lên rước, rồi từ giã lên xe mà về.Chiều bữa ấy, lối bốn giờ rưỡi, trời trong gió mát, bà Phủ biểu sốp-phơ đem xe hơi ra, rồi rủ Đỗ Thị đi với bà một vòng ra Sài Gòn mà hóng gió. Hai bà lên xe rồi, sốp-phơ quây máy tính chạy xuống trước nhà thương, rồi do đường đất đỏ mà ra Sài Gòn. Lúc quanh tại góc nhà thương, xảy gặp một cái xe bò chở gạo đi núc ních, choán hơn phân nửa lộ. Sốp-phơ lách mà đi, chạy phớt ngang cái xe bò, bà Phủ sợ đụng nên la lối om sòm rồi mắng rằng:- Quân mầy là quân chó, mầy muốn đi như vậy đặng đụng hư xe tao chơi phải hôn? Nè, hễ mầy làm hư xe tao thì mầy phải cạo đầu thằng cha mầy đặng bán mà thường cho tao đa, nói cho mà biết.Sốp-phơ cứ lặng thinh không dám hó hé.Chạy ra đồng trống, sốp-phơ thấy đường thẳng băng mà lại vắng vẻ, nên đạp xăng cho xe chạy mau. Bà Phủ la nữa, rồi mắng chửi hăm he, nói rằng nếu còn chạy mau nữa thì bà đuổi không cho ở. Ra tới ngã tư đường Thuận Kiều, lúc quanh lại gặp một cái xe hơi lớn; hai cái tránh nhau cách xa hơn năm tấc, nhưng vì bà Phủ mắc nói chuyện, thình lình lúc quanh bà thấy có xe khác thì bà giựt mình nên bà la om, rồi bà lấy ống thau bà đập trên đầu sốp-phơ, nhổ trầu đỏ tưới từ trên nón xuống tới lưng sốp-phơ đỏ lòm. Bà lại chửi rủa vang rân, những người đi đường không hiểu có việc gì, nên ai cũng đứng mà ngó. Sốp-phơ đã hổ mà lại phiền, nhưng vì xét phận mình nghèo, ở ăn đồng tiền mướn, nên nhẫn nhịn không dám nói chi hết.Xe ra tới chợ Bến Thành, bà Phủ biểu đậu ngay trước nhà hàng Thành Biện cho bà mua đồ. Bà Phủ với Đỗ Thị vô nhà hàng rồi, sốp-phơ mới lột nón cởi áo ra tính lấy giẻ mà lau nhổ trầu. Nó thấy cái áo bành tôi trắng của nó trên lưng nhổ trầu dính hai ba khoảnh, mà khoảnh nào khoảnh nấy lớn hơn bàn tay, thì nó phiền vô cùng. Lúc ấy lại có hai cái xe hơi khác đậu gần đó, hai tên sốp-phơ khác thấy áo nó dơ lại hỏi thăm, rồi nhạo báng, làm cho nó hổ ngươi với chúng bạn, nên nó càng giận hơn nữa.Bà Phủ mua đồ rồi lên xe mà về. Khi xe tới nhà, bà leo xuống rồi lại điểm mặt sốp-phơ mà nói rằng:- Tao nhứt định đuổi mầy, không cho mầy ở nữa. Quân mầy là quân trâu sanh, chó đẻ, để mầy ở có ngày mầy đụng bể xe của tao. Bữa nay là ngày hai mươi bảy tây rồi, vậy một tây mầy phải thôi, tao không cho ở nữa đâu.Tên sốp-phơ không dám ngó bà, và leo xuống và nói rằng:- Bẩm bà, tôi ở coi xe hơn một năm rồi, tôi cầm máy mà chạy có đụng lần nào đâu.Bà Phủ nạt rằng:- Đồ chó! Mầy còn trả lời với tao nữa à! Mầy muốn tao đuổi liền bây giờ hay sao mà nói đi nói lại? Tao đã nhứt định đuổi rồi, bây giờ ông nội mầy nói tao cũng không nghe, chẳng luận là mầy.Bà Phủ nói rồi ngoe ngoảy bỏ đi vô nhà. Tên sốp-phơ đem xe vô mà mặt coi bùng thụng.Sáng bữa sau, lối tám giờ, bà Phủ thức dậy ăn lót lòng rồi, bèn biểu Đỗ Thị sửa soạn cho sẵn đặng ông Huyện hàm Phú Thứ lên tới thì đi liền khỏi nắng. Đỗ Thị dồi phấn, gỡ đầu, mặc áo màu trứng gà, thay quần lụa trắng mới, tuy đeo có một đôi bông hột xoàn với một sợi dây chuyền nhỏ, song dung nhan xinh đẹp đến nỗi người không biết tuổi, chắc phải tưởng bà tuổi chưa đến bốn mươi. Đỗ Thị biểu Thanh Huê sửa soạn đi theo chơi, còn Thanh Kiều lo chải giày, sửa tóc cho bà mà bà không thèm nói tới.Ba người trong nhà thay áo đổi quần vừa xong thì ông Huyện hàm lên cũng vừa tới. Cái xe hơi mới mua của ông rộng lớn tới bảy chỗ ngồi, nên ông mời hết ba người lên đi chung một xe với ông, rồi chiều ông sẽ đưa về. Bà Phủ nói rằng thuở nay bà đi đâu cũng đi xe nhà, chớ không muốn đi xe khác, nên biểu sốp-phơ đem xe ra cho bà đi.Đỗ Thị không lẽ bỏ bà Phủ mà ngồi chung một xe với ông Huyện hàm, nên leo lên xe bà Phủ. Ông Huyện hàm thấy Đỗ Thị sửa soạn nhan sắc coi càng đẹp hơn ngày thường bội phần thì ông khoan khoái trong lòng, muốn đi chung một xe đặng nói chuyện chơi nên xin cô Thanh Huê lên đi xe của ông, còn ông thì leo lên ngồi dựa bên sốp-phơ xe của bà Phủ đặng dắt đường và gần Đỗ Thị mà nói chuyện cho dễ.Xe bà Phủ đi trước, xe nhỏ mà chở ba người, còn xe của ông Huyện hàm đi sau, xe lớn mà có một mình Thanh Huê ngồi mà thôi. Thanh Kiều đứng trước cửa đợi xe chạy hết rồi cô trở vô, sắc mặt buồn nghiến.Xe bà Phủ qua đò Xóm Củi trước nên chạy trước. Xe Thanh Huê qua đò sau nên lục đục theo sau. Tên sốp-phơ của bà Phủ hôm qua bị đánh ống nhổ trên đầu rồi lại bị mắng chửi và hăm đuổi thì trong lòng oán hận, bởi vậy khi xe qua khỏi đò rồi nó nghĩ thầm trong trí rằng mình coi máy xe hơn một năm, mình giữ gìn tử tế luôn luôn mà bị chửi bới hoài, nay còn có vài ngày nữa thì mình phải ra khỏi nhà bà, vậy mình đạp cho hết xăng đặng chạy mau một lần chơi, kẻo bấy nay mình chạy chậm bị chúng bạn chê cười; bà có chửi thì chửi, bề nào mình cũng bị đuổi, chẳng cần phải sợ nữa.Hai bên đường mấy đám ruộng cấy lúa sớm thì lúa đã chín, nên nắng dọi đỏ vàng, còn mấy đám ruộng cấy lúa mùa thì lúa đã trổ nên coi chỗ xanh chỗ trắng. Đỗ Thị với bà Phủ ngó lúa bộ coi đắc ý vô cùng, còn ông Huyện hàm Phú Thứ ngồi trước mà hay ngoái đầu day lại phía sau miệng thì nói coi chừng xe của mình coi có chạy theo kịp hay không, mà mắt thì cứ liếc ngó Đỗ Thị.Tên sốp-phơ thấy đường ngay mới tính chạy mau chơi, nên nó đạp cho xuống xăng nhiều rồi xe bắt đầu chạy mạnh. Bà Phủ thấy xe chạy mau quá thì kêu mà chửi rằng:- Sốp-phơ, mầy chạy đi bắt ông bắt cha mầy hay là đi đâu mà chạy mau dữ vậy.Sốp-phơ đã giận sẵn rồi, nghe chửi càng giận hơn nữa, nên không thèm trả lời, cứ đạp xăng xuống riết cho xe chạy hết máy.Xe chạy gió đàn vùn vụt, bà Phủ mắng chửi vang rân, càng chửi xe càng chạy mau, chạy đến nỗi khăn của bà Phủ bay xuống ruộng, bà la om mà sốp-phơ cũng không ngừng. Đỗ Thị kinh hãi nên cũng tiếp mà la với bà Phủ; phần hai bà ngồi sau thì la, phần sốp-phơ cầm máy thì cho chạy, kẻ la người chạy không ai nghe ai, làm cho người đi đường thấy xe chạy như giông, bụi cát hốt theo lấp đầu, ai cũng lấy làm lạ, nên leo lên lề đường đứng mà tránh.Bà Phủ với Đỗ Thị la quá, mà tên sốp-phơ không chịu chạy chậm, ông Huyện hàm thấy vậy cũng kinh tâm; ông tưởng sốp-phơ điên rồi nên ông nắm cánh tay nó mà kêu biểu đừng chạy mau nữa. Sốp-phơ cứ cầm máy chạy hoài, bà Phủ và Đỗ Thị sợ chết nên la khóc nghe rất thảm thiết. Ông Huyện hàm bối rối trong lòng, khiến sốp-phơ không nổi, ông muốn giựt tay bánh mà cầm đặng cho xe ngừng, song ông mới sắm xe có mấy ngày, không thạo máy xe hơi, ông không biết làm sao, phần thì nghe la khóc, phần thì cũng sợ chết, cùng thế ông mới nắm riết cánh tay sốp-phơ mà kéo, tưởng làm như vậy cho xe ngưng.Ông Huyện hàm đương kéo tay sốp-phơ nhủng nhẳng, bỗng nghe hai tiếng "bốp, bốp" hai bánh xe nổ luôn một lượt, tên sốp-phơ vùng la lớn "buông tay tôi", muốn đạp thắng cho xe ngừng mà đạp không kịp, cái xe đã xán vô cây keo dựa lề đường một cái rầm, nghe tiếng la "chết rồi, trời ơi" rồi cái xe lật úp dưới đám ruộng lúa sớm mới gặt bữa trước.Lúc ấy có một cái xe ngựa vừa chạy tới, tên đánh xe kinh hãi, ngừng xe, rồi hai người đàn ông đi xe với nó mới nhảy xuống chạy riết lại, thì thấy ông Huyện hàm ngồi dựa bó lúa ôm chưn mà la. Đỗ Thị nằm vắt ngang trên bờ ruộng, máu chảy mặt mũi đỏ lòm, còn bà Phủ với sốp-phơ thì bị đè nằm rên nhỏ không la được.Ba người muốn ráng sức đỡ cái xe đặng kéo bà Phủ với sốp-phơ ra, mà đỡ không nổi, nên lính quýnh không biết liệu thế nào mà cứu cho được. Người thì chạy lên đường coi có ai đi ngang kêu họ phụ lực, kẻ thì đi kiếm cây tính xeo cái xe cho hỏng mặt đất đặng có đem hai người bị kẹt ấy ra, mà đường vắng không thấy ai đi, đồng trống không có nhà nào hết.Cách chừng nửa giờ đồng hồ, bỗng thấy có một cái xe hơi ở phía Chợ Lớn chạy xuống. Ba người ấy đồng chạy lên lộ tính đón mà kêu cứu giùm. Xe ấy là xe của Thanh Huê. Sốp-phơ dòm thấy có xe hơi lật phía trước thì thất kinh, nên đạp thắng ngừng lại. Thanh Huê dòm thấy mẹ mình nằm vắt ngang trên bờ, máu chảy quần áo đỏ lòm thì mặt cô tái xanh, la khóc om sòm và lật đật nhảy xuống.Tên sốp-phơ mới phụ với ba người kia mà đỡ cái xe lật rồi đem tên sốp-phơ nọ với bà Phủ ra. Tên sốp-phơ nọ bị bể ngực, đứt họng, máu chảy linh láng nên đã chết ngắc rồi, còn bà Phủ thì máu chảy từ trên đầu xuống tới dưới bắp vế, mình mẩy dịu oặt song hơi còn thở hoi hóp. Mấy người coi lại thì Đỗ Thị mặt bị kiếng xe hơi cắt ba bốn đường sâu hóm nên máu chảy nhiều, chớ không có bịnh chỗ nào khác, còn ông Huyện hàm thì bị gãy chơn trái và trầy trên trán hai đường. Hai người mới phụ mà khiêng hết để nằm trên xe hơi của ông Huyện hàm rồi sốp-phơ quày lại chở lên nhà thương Chợ Lớn. Thanh Huê cứ lấy khăn đậy mặt mà khóc, trong lòng chết điếng, không lo tính việc chi được hết.