Mặt trời đã xuống khuất mái nhà mà Trần Bá Vạn chưa thấy con là Bá Kỳ về nói coi nó thi đậu hay là rớt, nên nóng nảy trong lòng, một lát ra đứng trước cửa ngó mong xuống đường Paul Blanchy, là đường ở Sài Gòn chạy từ mé sông ở Bến Nghé lên Tân Định rồi qua Cầu Kiệu.Bá Vạn đứng ngóng một hồi lâu, thấy thiên hạ lên xuống dập dìu, xe hơi, xe kéo lại qua không dứt, mà không thấy dạng con về, mới lần bước trở vô sân, rồi đi vòng lại bộ hòn non giả mà nhấm cảnh.Vợ là Đỗ Thị Đào đứng trên thềm nhà lầu ngó xuống; người đã quá bốn mươi tuổi rồi mà dung nhan còn đẹp, quần áo mặc toàn lụa trắng, cổ tai chớp nháng thủy xoàn, da trắng thêm dồi phấn, tóc đen lại gỡ láng nhuốt. Cô ngó chồng và nói rằng:- Chớ chi hồi nãy mình ngồi xe hơi xuống trường mà coi, dầu có đậu hay là rớt cũng rước phức nó về, để ở nhà chờ đợi hoài thiệt khó chịu quá.Bá Vạn chưa kịp trả lời, bỗng thấy có hai chiếc xe kéo chạy vô cửa, Trần Bá Kỳ ngồi xe trước, Nguyễn Hiếu Liêm ngồi xe sau. Bá Kỳ thấy cha mẹ thì mừng quýnh, xe chưa kịp ngừng mà anh ta nhảy đại xuống và nói rằng:- Hai đứa đậu hết ba à. Con đậu số năm, còn Hiếu Liêm đậu số một, may quá.Vợ chồng Bá Vạn mặt mày tươi rói, hỏi thăm lăng xăng, rồi dắt con và Hiếu Liêm vô nhà.Lý Như Bình là rể của Bá Vạn, Trần Thanh Huê là con gái đầu lòng, với Trần Thanh Kiều là con gái út mới mười sáu tuổi, chưa có chồng, nghe tiếng Bá Kỳ lật đật chen nhau chạy ra mà mừng.Đỗ Thị hối gia dịch dọn cơm cho con ăn; Hiếu Liêm xin từ mà về Bà Chiểu đặng báo tin cho mẹ mừng, kẻo mẹ ở nhà trông đợi.Bá Vạn vỗ vai Hiếu Liêm mà nói rằng:- Cháu là anh em bạn bè thân thiết của thằng Bá Kỳ, tuy cháu ở bên trường Sư Phạm còn nó ở bên trường Bổn Quốc, mà mấy năm nay hễ chúa nhựt cùng là bãi trường thì hai đức bây khảo dượt, chơi bời với nhau như anh em ruột. Nay hai đứa bây thi bằng tốt nghiệp đậu hết cả hai, mà cháu là con nhà nghèo lại giựt được giải nhứt, nên thầy mừng mà cũng khen cháu lắm. Hồi trưa thầy nghe thằng Bá Kỳ nó nói chắc nó đậu, nên thầy có biểu trẻ gia dịch nấu cơm Tây đặng thầy ăn mừng cho nó. Sẵn có cháu ghé lại đây, thôi cháu ở đây ăn cơm với thầy, để thầy biểu xe hơi vô nhà cho chị hay và mời chị ra đây mà dự tiệc chung cho vui.Bá Kỳ nghe cha nói như vậy thì mừng hết sức, liền chạy ra sau biểu xe hơi mau mau vô Bà Chiểu mà rước bà thân của Hiếu Liêm.Trời đã tối rồi, trong nhà đèn khí đốt lên chói sáng lòa, bàn ghế tủ giường món nào xem cũng quý, lại mấy cửa đều có treo mành mành thêu, mấy gốc cột đều có để kỳ hoa dị thảo, nên coi ra vẻ nhà sang trọng lắm.Vợ chồng Bá Kỳ với Lý Như Bình cứ theo hỏi thăm Bá Kỳ và Hiếu Liêm về việc thi khóa, còn Thanh Huê và Thanh Kiều y phục toàn lụa trắng, tay đeo cà rá thủy xoàn, tai đeo bông cũng nhận thủy xoàn, mà cổ đeo dây chuyền cũng gắn thủy xoàn, người lo trải náp, người lo đặt bàn, đi tới đi lui, đèn khí giọi mấy hột thủy xoàn, coi chẳng khác tiên nga giáng thế.Sửa soạn dọn tiệc vừa xong thì nghe tiếng xe hơi về ngừng ngoài cửa.Hiếu Liêm và Bá Kỳ lật đật chạy ra tiếp rước.Bà thân của Hiếu Liêm là Cao Thị Quyên, tuổi gần năm mươi, ở Bà Chiểu, chuyên nghề gói nem mà bán; thuở nay tuy con mình kết bạn với Bá Kỳ và tuy Bá Kỳ thường hay vô nhà mà chơi hoài, song bà xét phận nghèo hèn nên chưa dám đến nhà Bá Vạn lần nào.Bà gặp Hiếu Liêm thì mừng rỡ rồi Bá Kỳ mời bà vô nhà. Bà thấy nhà lầu kinh dinh, trong nhà kiểng vật ghế bàn hực hở, bà ngó lại phận bà nghèo hèn, mình mặc một cái quần tuy mới mà bằng vải đen, còn cái áo tuy bằng xuyến mà cũ, tự nhiên bà ái ngại nên bà đứng dụ dự trên thềm không dám vô.Bá Vạn bước ra chào rồi mời bà vô nhà. Bà bước vô bợ ngợ chắp tay chào Đỗ Thị rồi day qua lại thấy vợ chồng Thanh Huê với Thanh Kiều, bà không biết là ai nên cũng chắp tay chào luôn hết ba người.Bá Vạn nói rằng:- Chị nghèo mà sanh được một đứa con học giỏi như vầy thiệt là quý lắm. Nay nó thi đậu thứ nhứt, mà may thằng nhỏ tôi cũng đậu, nên tôi bày tiệc biểu vô rước chị ra ăn uống vui chơi với vợ chồng tôi một bữa. Xin mời chị ngồi qua ăn cơm.Cao Thị thưa rằng bà đã dùng cơm chiều rồi. Vợ chồng Bá Vạn với Bá Kỳ mời hết sức mà bà cũng không ăn, túng thế mới dạy gia dịch lấy trầu nước để trên bàn nhỏ dựa bên đó, rồi mời bà ngồi mà uống nước.Mấy người nhập tiệc ăn uống vui cười; vợ chồng Bá Vạn ngó con khí sắc rất hân hoan. Trong khi nói chuyện thì Thanh Huê tỏ ý khinh bỉ chồng là Như Bình, nói nhiều tiếng nặng nề làm cho Hiếu Liêm nghe xốn xang, mà Như Bình cười tự nhiên, chẳng giận hờn phiền trách chút nào hết.Thanh Kiều thì ít nói chuyện, song ngồi ăn thường hay liếc ngó Hiếu Liêm, nhưng mà Hiếu Liêm không hay nên không để ý đến, cứ ngồi chiêm biểm, có ai hỏi mới nói, bằng không thì ăn uống hoặc suy nghĩ những bài thi mà thôi.Cao Thị ngồi ngó khắp trong nhà, thấy vật nào cũng quý, món nào cũng đẹp, thì trong bụng khen thầm, mà bà ngó quanh quức, rồi sao sao bà cũng ngó con, tuy bà được làm khách nhà sang thì bà vui, song sự vui ấy thế nào cũng không bằng cái vui nghe con thi đậu.Mãn tiệc rồi, Bá Kỳ thưa với cha mẹ và năn nỉ với Cao Thị để cho Hiếu Liêm ở ngủ với mình một đêm đặng anh em trò chuyện chơi cho phỉ tình. Vợ chồng Bá Vạn gặc đầu, còn Cao Thị thấy Bá Kỳ quyến luyến với con mình quá nên cũng không nở ngăn trở. Bá Vạn mới biểu đem xe hơi ra đặng hai chàng tân khoa đưa Cao Thị về Bà Chiểu và luôn dịp chạy chơi một vòng mà hứng gió.Xe vô tới nhà, Hiếu Liêm với Bá Kỳ ghé lại chơi một lát, rồi từ giã Cao Thị lên xe biểu chạy vòng lên Lăng Cha Cả, đặng vô Chợ Lớn.Bữa ấy chính bữa rằm tháng Sáu mà lại nhằm trời không mưa nên gió lao rao mát mặt, trăng chiếu rọi sáng đường, máy xe chạy vù vù, lòng thanh niên khấp khởi.Qua khỏi Phú Nhuận rồi, Bá Kỳ nắm tay Hiếu Liêm mà hỏi rằng:- Rồi đây anh tính xin ra Hà Nội học trường nào?- Chắc là tôi đi học nữa không được.- Sao vậy? Anh ở trường Sư Phạm mà ra, nếu anh không đi học nữa thì anh phải làm thầy giáo, ăn lương mỗi tháng lối năm mươi đồng. Vậy thì anh nên xin ra trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội mà học thêm ba năm nữa, sau anh về làm giáo sư trường lớn, hoặc làm Đốc học trường tỉnh, ăn lương mỗi tháng trên một trăm, đã lợi hơn mà lại sang hơn nhiều lắm; sao anh không muốn đi học nữa?- Nhà tôi nghèo quá, còn đi học xa thì tốn hao nhiều nên tôi nghĩ khó mà đi học thêm nữa được.- Chuyện tốn hao anh đừng lo. Ba tôi đã tính hễ tôi thi đậu rồi, thì cho tôi thi làm thư ký Soái phủ Nam Kỳ. Tôi không chịu, thế nào tôi cũng xin ra trường Pháp chánh mà học thêm ba năm nữa đặng về làm Còm mi chơi.Hiếu Liêm nghe nói buồn xo, cách một hồi lâu, rồi mới nói rằng:- Anh thương tôi, anh muốn giúp cho tôi nên danh, thiệt tôi cảm tình anh lắm. Nhưng mà tôi tính đi không được, bởi vì phận tôi nghèo hèn, trong nhà có một mẹ một con; thuở nay má tôi cực khổ kiếm tiền mà nuôi tôi ăn học. Nay tôi đã có thể làm mà nuôi má tôi được rồi, vậy tôi phải liệu mà trả thảo cho má tôi, chớ không lẽ tôi ham công danh mà để cho má tôi cực khổ đến ba năm nữa.Bá Kỳ nghe lời phải thì kính phục vô cùng. Anh ta ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:- Nếu anh không đi chắc tôi cũng không đi.Hai người trong trí đều có việc phải suy nghĩ riêng, nên không nói chuyện nữa. Xe hơi chạy vô Chợ Lớn rồi trở về. Lúc về gần tới nhà, Bá Kỳ mới nói rằng:- Nầy anh, hai anh em mình kết bạn với nhau mấy năm nay, thương yêu trìu mến nhau chẳng khác nào như anh em ruột. Ý tôi muốn sao tình nghĩa của anh em mình càng khắng khít hơn nữa, nên tôi tính như vầy, anh thử nghĩ coi có được hay không: con em tôi là con Thanh Kiều năm nay nó đã được mười sáu tuổi rồi, vậy thôi để tôi thưa lại với ba má gả nó cho anh, đặng anh em mình gần gũi với nhau hoài hoài, cho phỉ tình bằng hữu.Hiếu Liêm biến sắc, gục mặt mà đáp nhỏ rằng:- Phận tôi nghèo hèn quá, anh thương anh nói như vậy, chớ tôi đâu dám đèo bồng.Bá Kỳ cười ngất mà đáp rằng:- Anh cứ so sánh giàu nghèo hoài! Vậy chớ tài học với tánh tốt của anh đó không đáng muôn bạc hay sao?- Tôi mà có tài gì? Thầy ở nhà giàu có sang trọng, còn cô Tư dung nhan tuấn tú, đức hạnh hơn người, tôi e mấy ông đi học bên Tây về cũng chưa xứng đáng thay, chớ tôi phẩm giá bao nhiêu mà dám đèo bồng thái quá.- Anh đừng nói vậy. Con người ở đời cái phải là quý hơn hết. Hay là anh thấy gương chị Hai tôi chỉ ăn hiếp chồng quá rồi anh giựt mình? Không, con em tôi tánh ý nó không giống chỉ đâu. Nó nhỏ nhoi mềm mỏng lắm.Bá Kỳ vừa nói tới đó, thì xe hơi đã về tới nhà rồi. Anh ta mở cửa xe leo xuống và nói nhỏ với Hiếu Liêm rằng:- Anh đừng ngại chi hết. Việc tôi mới nói với anh đó, để mặc tôi tính cho.Hai người bước vô nhà thì thấy vợ chồng Bá Vạn với con rể đương ngồi nói chuyện. Lý Như Bình với vợ là Thanh Huê thấy xe hơi về bèn từ giã cha mẹ và hai em, rồi mượn xe đưa về nhà ở Đất Hộ.Hiếu Liêm thấy mặt Thanh Kiều, thì nhớ mấy lời Bá Kỳ nói với mình trên xe nên trong lòng ái ngại lắm, bởi vậy ngồi lo ra hoài, không nói chuyện chi hết, mà cũng không dám ngó Thanh Kiều. Bá Kỳ kêu gia dịch biểu rót ít chén nước trà đem ra uống. Thanh Kiều vội vã đi rót bốn chén nước trà bưng ra, để trước mặt cha mẹ với Bá Kỳ, Hiếu Liêm, mỗi người một chén. Hiếu Liêm thấy Thanh Kiều đi lại gần bên mình, mùi dầu thơm bay ngọt ngào thì ngẩn ngơ như say như ngây, bởi vậy bưng chén nước uống mà tay run lẩy bẩy.Đỗ Thị biểu Thanh Kiều lấy truyện Tái sanh duyên đọc cho bà nghe. Bà nằm trên ván, Bá Vạn nằm trên ghế xích đu, còn Thanh Kiều thì dắt ghế ngồi gần một bên đó mà đọc truyện.Bá Kỳ biểu Hiếu Liêm lên lầu rồi dắt nhau vào phòng của anh ta. Hiếu Liêm thuở nay đã có vào phòng của Bá Kỳ nhiều lần, nên chẳng bợ ngợ chi hết. Bá Kỳ vặn đèn rồi lấy sách đưa cho Hiếu Liêm biểu nằm trên giường mà đọc, để cho anh ta đi đại tiện một lát rồi sẽ lên.Hiếu Liêm đọc sách mà trí lo ra, nên đọc không hiểu chi hết. Anh ta bèn ngồi dậy tắt đèn, đặng nằm mà suy nghĩ cho dễ.Bá Kỳ trở lên phòng, thấy đèn tắt tối đen, tưởng Hiếu Liêm đã ngủ rồi, nên nhẹ bước trở xuống nói chuyện với cha mẹ.Đỗ Thị thấy Bá Kỳ, lồm cồm ngồi dậy ăn trầu và nói chuyện với con. Thanh Kiều thấy cha mẹ với anh ráp lại nói chuyện, không thèm nghe mình đọc truyện nữa, nên cô xếp truyện, rồi đứng dậy đi vào phòng mà nghỉ.Vợ chồng Bá Vạn mừng con mới thi đậu nên đương nói chuyện vui vẻ, thình lình Bá Kỳ nói rằng:- Con có tính một việc riêng, song xưa nay con không muốn tỏ cho ba má biết. Bữa nay, con với Hiếu Liêm đã thi đậu rồi, vậy con phải tỏ thiệt ra cho ba má nghe, không lẽ con còn giấu nữa. Vả con làm anh em bạn với Hiếu Liêm mấy năm nay, con biết chắc nó học giỏi lắm, mà con lại dọ xem tánh tình nó thiệt là đứa ôn hòa trung hậu nữa. Tuy nó mẹ góa nhà nghèo, song cái nhơn phẩm của nó đó dẫu con nhà giàu sang đến bực nào đi nữa cũng không hơn nó được. Con Thanh Kiều năm nay đã lớn rồi, vậy con xin ba má gả Thanh Kiều cho Hiếu Liêm đi; con có em rể như vậy con rất vui lòng, mà Thanh Kiều có chồng như vậy thiệt là xứng đáng lắm.Đỗ Thị vốn là con nhà quan, khi còn nhỏ cha mẹ gả cho Bá Vạn là trai nghèo lại học ít, ấy là vì cô ta đã lỡ mang tiếng lằng xằng, người đồng bực không ai chịu cưới, nên phải ép mình mà kết tóc trăm năm với người thấp hơn mình. Tuy trót hai mươi ba năm nhờ Bá Vạn dày công bền chí nên gầy dựng sự nghiệp đáng vài ba muôn, chớ ba mẹ cô ta lúc khuất rồi thì gia tài tan rã theo một lượt, không để lại cho cô ta một đồng bạc nào, nhưng mà cô cũng chưa hiểu cuộc đời, cứ tưởng nhà tốt bạc nhiều là giàu, chức lớn quyền cao là sang chứ không dè chí lớn tài hay còn hơn nhà tốt bạc, nhiều đức trọng nghĩa dày còn hơn quyền cao tước lớn. Cô đã quên hết mấy việc cũ, duy còn nhớ có hai điều là nhớ mình vốn con nhà quan, và nhớ bây giờ mình đã giàu có rồi mà thôi, bởi vậy ăn nói theo điệu sang giàu thì ít ai bì với cô được. Cô vừa nghe Bá Kỳ thỏ thẻ xin gả Thanh Kiều cho Hiếu Liêm thì cô thò tay móc một cục thuốc sống mà xỉa ngoai rạch, rồi cười gằn mà nói rằng:- Con sợ em nó ế chồng hay sao mà con lo gả gấp dữ vậy? Mà dầu có gả thì cũng để thủng thẳng cho cha mẹ lựa chỗ nào xứng đáng cho con Thanh Kiều khỏi hèn hạ thân nó, chớ sao con lại biểu gả cho Hiếu Liêm? Má thấy nhà nghèo má sợ lắm. Năm trước má nghe lời ba con má gả chị Hai con cho Như Bình, bây giờ nó như tội báo đó, con không thấy hay sao? Như Bình học cũng thi đậu đa! Mà nhà nghèo quá, lãnh lương tháng nào xài cũng hụt, ba với má phải bù sớt, mỗi năm tốn hao bạc ngàn, con coi khổ là dường nào, hử? Thiệt má thấy nhà nghèo bây giờ má thất kinh rồi.Bá Kỳ liếc mắt dòm cha, có ý trông coi cha nghĩ thế nào, té ra thấy cha nằm hút thuốc lá phà khói bay nghi ngút mà không nói tiếng chi hết, túng thế anh ta đáp với mẹ rằng:- Chị Hai có chồng được như anh Hai vậy, thì chỉ có phước lắm rồi, chớ má còn muốn đòi bậc nào nữa?- Sao mà con gọi là có phước? Lấy chồng nghèo đó là cái phước há?- Con người ở đời nghèo giàu tự ý ông trời, chớ không ai dám chắc giàu ba họ, còn ai dám nói khó ba đời. Mà anh Hai cha mẹ ảnh nghèo mặc dầu, chớ ảnh làm thư ký mỗi tháng lãnh lương sáu bảy chục đồng bạc, nếu chị Hai biết tiện tặn như người ta, thì có lẽ nào không đủ ăn. Má xét lại mà coi, anh Hai ăn xài hết bao nhiêu đâu? Anh ở Đất Hộ đi làm việc dưới Thượng thơ, ảnh hà tiện đến nỗi không dám đi xe lửa, cứ kéo cẳng đi bộ hoài; còn y phục má thấy ảnh có đôi giày hoặc cái áo nào tốt đâu? Nhà ảnh hụt xài má phải bù sớt, ấy là tại chị Hai, chỉ xài quá độ, chớ nào phải tại anh Hai. Chồng làm việc lương ít, mà chỉ ăn xài theo bậc thiên hộ, áo quần của chỉ đựng hai tủ đầy nhóc, màu nào cũng có, sớm mai bận màu này, chiều bận màu khác, khăn choàng hầu mua tới mười hai đồng một cái, sắm hột xoàn đeo cùng mình, trong nhà bước ra thì leo lên xe, hễ chồng vắng mặt thì câu tôm hai cắc một cây, ăn xài như vậy dầu anh Hai làm việc mỗi tháng lãnh ba trăm đồng bạc lương cũng chưa đủ được. Má có trách sao không trách chị Hai, mà trở lại trách anh Hai?- Má nói chuyện cho con nghe chơi vậy chớ má có trách ai đâu?- Má phải rầy chị Hai mới được. Chẳng phải chỉ xài phí quá độ mà thôi, mà cách chỉ cư xử với chồng cũng kỳ lắm. Chỉ ỷ ba má giàu, rồi chỉ khinh thị anh Hai như đồ bỏ vậy. Chỉ tưởng ăn hiếp chồng đó thiên hạ khen, không dè người ngoài dòm vô, họ chê chỉ là gái thất giáo.- Ối! Thằng đó chị Hai con rầy nó cũng đáng lắm! Lương không đủ xài mà nó cứ lén lút gửi về cho cha mẹ, khi mười đồng, khi mười lăm đồng hoài, biểu không rầy sao được.- Tại cha mẹ người ta nghèo, nên người ta phải giúp đỡ; cái đó là cái tốt của người ta, nếu chị Hai biết điều, chỉ càng thêm kính phục, chớ sao chỉ lại rầy?- Con nói như vậy nghe cũng phải. Mà tại cha mẹ anh Hai con nghèo, nên mới sanh nhiều chuyện đó đa! Bởi vậy má ớn rồi, bây giờ tới phiên con Thanh Kiều để thủng thẳng má lựa chỗ nào giàu lớn, hoặc làm việc có danh dự nhiều, má sẽ gả, đặng ngày sau trong gia đạo nó khỏi lộn xộn và ba với má cũng khỏi bù sớt nữa.- Nếu vậy má chê Hiếu Liêm nghèo nên mới nhất định không bằng lòng gả Thanh Kiều cho Hiếu Liêm hay sao?- Gả như vậy sao được. Hiếu Liêm nghèo mà bà già nó hèn hạ quá, làm sui như vậy mắc cỡ lắm con. Ba con đã tính kỳ cử Hội đồng Quản hạt tới đây sẽ ra tranh cử. Vậy chờ ít tháng nữa ba con làm Hội đồng, rồi thiếu gì chỗ giàu sang họ nài nỉ làm sui mà con sợ.- Ba tính ra tranh cử Hội đồng hay sao?- Ừ.- Má chê Hiếu Liêm nghèo, thiệt con phiền quá!- Má thấy nó học giỏi mà tánh nết mềm mỏng má cũng thương nó lắm, song thương thì thương chớ gả con cho nó sao được.- Bây giờ gả Thanh Kiều má chê Hiếu Liêm nghèo, sao hồi trước ba nghèo má lại ưng ba?Đỗ Thị nghe con hỏi câu đó thì hổ thầm, nên đứng dậy đi rót nước mà uống, không chịu trả lời.Bá Kỳ biết ý mẹ, dầu thế nào cũng không chịu gả em mình cho Hiếu Liêm, nên mặt mày buồn xo, ngồi suy nghĩ một hồi rồi day qua hỏi cha rằng:- Má chê Hiếu Liêm nghèo má không chịu gả con, còn ý ba tính lẽ nào?Bá Vạn và gãi đầu và đáp rằng:- Ối! Má con nó muốn gả chỗ nào tự ý nó, ba không dám dự tới nữa. Hồi trước ba đốc gả chị Hai con cho thằng Như Bình, mấy năm nay nó theo cằn nhằn hoài, ba ghét quá.Bá Kỳ ngồi chống tay ngó trân trân trên mặt bàn, cặp mắt không nháy, trong lòng héo don, không nói chi nữa hết.Bá Vạn nghe đồng hồ gõ mười một giờ, bèn kêu gia dịch đóng cửa tắt đèn đi ngủ. Bá Kỳ bước nhè nhẹ lên lầu, vào phòng giở mùng lên, thấy Hiếu Liêm nằm day mặt vào vách, muốn kêu thức dậy mà nói chuyện, mà rồi không kêu, lại ngồi chống tay trên bàn viết suy nghĩ trót giờ, rồi mới chun vô mùng mà ngủ.Sáng bữa sau, Bá Kỳ với Hiếu Liêm thức dậy, người thì buồn nghiến, kẻ thì hổ thầm, nên hai người không dám ngó mặt nhau, mà cũng không nói chuyện vui cười như trước nữa. Lối bảy giờ rưỡi Hiếu Liêm từ vợ chồng Bá Vạn và Bá Kỳ mà về Bà Chiểu. Bá Kỳ đưa ra cửa ngõ, hai người bắt tay nhau mà cũng không dám ngó nhau. Bá Kỳ đứng ngó theo, thì thấy Hiếu Liêm lầm lũi đi riết, đến ngã tư, chỗ góc đất thánh Tây, thì quẹo phía tay trái mà cũng không ngó ngoái lại.Chiều Bá Kỳ ngồi xe kéo đi vô thăm Hiếu Liêm. Anh ta ngồi lặng thinh một hồi lâu rồi hỏi rằng:- Bác đi đâu vắng vậy anh?- Má tôi đi ra ngoài Bến Thành.Hiếu Liêm liếc thấy bộ Bá Kỳ muốn nói chuyện hồi hôm mà bợ ngợ không nói được, cứ ngồi cúi mặt xuống đất hoài. Cách một hồi lâu rồi Bá Kỳ mới nói rằng:- Chuyện tôi tính gả em tôi cho anh, theo như lời nói với anh lúc đi chơi trên xe hồi hôm đó, tôi đã tỏ ý cho ba và má của tôi biết rồi. Má tôi chê anh nghèo nên nhứt định...Bá Kỳ nói chưa dứt câu, thì Hiếu Liêm khoát tay, ngó ngay Bá Kỳ, nước mắt rưng rưng chảy, và nói rằng:- Hồi hôm tôi núp trên lầu, tôi đã nghe rõ mọi lời hết rồi. Xin anh đừng nhắc đến chuyện đó nữa, vì anh nhắc thì thêm hổ thẹn cho phận tôi và má tôi lắm.Bá Kỳ nghẹn ngào không nói chi nữa được, thấy Hiếu Liêm chảy nước mắt thì càng đau đớn trong lòng, nên cũng khóc theo. Hai người ngồi ngang nhau, mà người thì ngó vô vách, kẻ thì ngó ra đường, một lát lấy khăn tay lau nước mắt, chớ không nói chuyện nữa.Đến tối, Bá Kỳ đứng dậy từ mà về. Hiếu Liêm đưa ra ngoài đường, Bá Kỳ nắm tay Hiếu Liêm mà nói rằng:- Tôi cũng biết mấy lời má tôi nói hồi hôm đó, nhứt là khinh bỉ đến bác ở nhà đây, thì đáng làm cho anh buồn lắm. Nhưng mà tôi xin anh nghĩ tình tôi, quên hết mấy lời ấy đi, đừng có phiền má tôi. Ý của tôi không phải như ý của má tôi đó đâu. Tôi thương anh, anh biết bụng tôi thì đủ rồi. Tuy anh buồn, song tôi còn buồn nhiều hơn anh nữa. Tối nay tôi làm đơn đặng sáng mai tôi gửi xin ra Hà Nội mà học. Dầu với má tôi có rầy la thì tôi chịu, bề nào tôi cũng đi chớ không thể ở nhà được. Vậy anh em mình trước sao sau vậy, dầu xa xuôi cách biệt, xin chớ phụ tình nhau.Hiếu Liêm gặc đầu lặng thinh, vì cảm động quá nên không nói được một tiếng.Từ ấy về sau, mỗi tuần Bá Kỳ đều có vô thăm Hiếu Liêm, khi ở nhà nói chuyện, khi dắt nhau đi chơi, mà nói chuyện, chẳng hề Bá Kỳ nhắc tới việc Thanh Kiều, còn đi chơi, cũng chẳng hề Hiếu Liêm ghé nhà Bá Vạn.Cách vài tháng có giấy quan trên cấp bằng cho Hiếu Liêm làm giáo sư, và bổ đi dạy trường Chợ Đũi. Hiếu Liêm không cho mẹ gói nem mà bán nữa, và mướn phố dọn đồ về ở gần trường, đặng đi dạy cho tiện.Bá Kỳ cũng được giấy quan trên cho học trường Pháp chánh. Cha mẹ thương con, muốn cho nó làm thư ký đặng gần gũi, chớ không muốn cho đi học xa, nên ngăn cản dứt bẩn hoài, mà con không nghe, túng thế phải sắm hành lý cho con đi.Trước khi xuống tàu, Bá Kỳ có đến nhà từ giã Cao Thị và Hiếu Liêm. Hai anh em tỏ tình gian díu nhau, kẻ chúc ở nhà bình an, người khuyên đi học tấn phát. Hiếu Liêm sợ xuống tàu mà đưa Bá Kỳ, bắt gặp vợ chồng Bá Vạn với Thanh Kiều, nên nói dối rằng mắc việc nhà và xin từ trước. Bá Kỳ hiểu ý, nên cũng khuyên Hiếu Liêm đừng đưa xuống tàu.Bá Kỳ đi rồi, Hiếu Liêm nghĩ thầm, từ nay nhà Bá Vạn với mình chẳng còn tình nghĩa chi nữa hết, nên thắt thẻo trong lòng, hễ nhớ tới thì buồn, song không hiểu tại sao mà buồn như vậy.