Hắn là dân mới phất. Trước đây nhà hắn gian tập thể cấp bốn được phân, mái nhà sắn dây leo chằng chịt. Hắn mới lên cái ba tầng cao ngất. Kiểu thì mái vòm, tầng đua, một thò hai thụt, ngói giả âm dương đỏ xanh. Nghĩa là Tây, Tàu, Ta đủ cả. Dân mới giàu thường chơi “sang”, nguyên tầng dưới đồ đạc xịn ngồn ngộn, cái nào cũng mác Tây bóng nhoáng. Nhưng dạo đó điều hãnh diện nhất của hắn với bè bạn và lối ngõ là con chó Nhật.
Con chó bé như con chuột, trắng muốt, trán dô, chân tay cong vêu. Đồn rằng nó tới mười cây. Vàng thì không nói làm gì, niềm tự hào âm ỉ của hắn là cú mua con chó, hắn hạ thằng ở phố Bà Triệu. Thằng ấy vênh, tưởng trên tiền hắn. Vào đua, giá đặt năm cây. Một đám sành chó vây quanh, rượu bia thả dàn theo dõi cuộc mua của hai bậc đàn anh. Giá trả mới đầu còn cò cưa, chỉ một, chỉ một. Hắn trả con chó năm cây mốt, thằng kia năm cây hai, hắn lên năm cây ba, thằng kia năm cây tư. Sau giá nhảy vùn vụt, cây một bực. Đến lúc hắn quát mười cây, mặt thằng đó thuỗn ra, nó chịu. Cái thớ ấy sao đua lại với hắn. Những kẻ ngồi xem xanh mắt, phục hắn quá. Hắn hả hê lắm. Mươi cây vàng, đúng là con chó bằng vàng, cân lên nó cũng chỉ nhỉnh hơn số  vàng ấy một tí.
Con chó được hắn quý báu lắm. Dịp đó bà mẹ ở quê mới ra ở với vợ chồng hắn. Hôm mua con chó cụ sờ nó một tí, gọi là mừng cho con, song thấy hắn vẻ không bằng lòng, lại xa xôi về cái sự vệ sinh, cụ không bao giờ đến gần con chó nữa. Vuốt ve ngắm nghía thì vợ con còn được, riêng khoản cho ăn hắn không tin tưởng ai, toàn những người không biết vệ sinh. Hắn nói:“ Mấy ông bác sĩ thú y dặn: Giống này chúng vệ sinh lắm! Chúng dễ cám mẫn (tức là mẫn cảm) với bệnh tật”. Hôm đầu nhìn cô vợ lóng ngóng cho ăn, dúi mõm con chó vào đĩa sữa, thứ sữa đặc Ông Thọ đẫy đường, hắn toáng lên hét vợ đi mua sữa Tây. Từ hôm có nó, khu bếp thêm lỉnh kỉnh, nồi hầm xương, máy xay sinh tố, thùng hấp sấy vô trùng... Thức ăn và thực đơn hàng ngày do hắn lựa chọn: thịt thì bê non, đỏ hồng; nếu thịt lợn phải hạng nạc thăn ấm nóng. Riêng khoản nước xương đã thấy nhiêu khê rồi. Hắn nói:“Giống này không ưa mỡ. Tịnh càng không dùng “mì chứng”.  Chỉ riêng khoản nước dùng: xương tươi rửa sạch, nồi áp suất hầm kỹ, để nguội, lọc lên lọc xuống hai ba bận. Được, nước phải trong, không cặn, không váng. Lúc Li La xơi cơm (Li La là tên con chó do ông bạn sành tiếng Tây đặt giúp), nước dùng ấy để nó uống xắp. Còn khẩu phần dinh dưỡng như prô-tit, li-pit, glu-xit, vi-ta-min thì  cầu kì hết mức.
 Biết mình được yêu chiều, con Li La nũng nịu tợn, suốt ngày nó lon ton trên bộ sa lông da hay uể oải trên mặt chiếc tủ li. Thoáng nghe tiếng xe máy ông chủ nó rin rít, chân trước chắp vào nhau vái vái.  Nó mong chờ phút giây “bố” hôn hít mình.
- Ni Na... Ni Na, con yêu của bố! Thơm bố đi lào... ôi thương quá!!!
Từ hôm mua con chó mấy đám sành chó đến luôn. Người nhận giới thiệu con đực trên phố này, kẻ gạ giống quý bên phố kia, toàn những con dòng cháu giống. Có con nghe nói gốc của “dững” bà công chúa nước Ing-lít gì đó. Ông chủ chưa  thấy ưng ý “đám nào”.  Nhưng cái chính là chó hắn còn non quá. Lợn nhảy, chó nhảy chẳng phải học đến đại học kỹ sư mới biết. Ngày còn bé ở quê, mẹ hắn có tiếng nuôi lợn nái khéo, nên hắn biết: gà, lợn phải nhảy đạp đúng kỳ, đúng tháng. Mà vội gì, chưa nhảy, chưa đẻ, mới nuôi một tháng, có kẻ năn nỉ trả hơn giá mua năm cây. Hai mươi nhăm cây, là đứa điên mới bán. Chỉ vài tháng nữa, mỗi lứa bốn năm con, mỗi con chục triệu, hai lứa thu thừa vốn. “Ni Na... Ni Na... con yêu của bố, cục vàng, cục đá đỏ cưng của bố! Bố điên đâu mà xa con!”- hắn nựng con chó.  Những lúc đó hắn cọ cọ bộ ria gọng kính vào má, vào mõm, vào tai nó, Li La rên ư ử. Trông bố con hắn yêu thương nhau quá!
 Sáng  ấy hắn đi làm. Đang ngồi, qua khung cửa  thấy lất phất mưa. “Thôi chết bỏ mẹ, gió mùa Đông Bấc!” Hắn vội phi xe về. Đúng như hắn lo, buổi sáng chào đi làm con chó còn vui như Tết, giờ ủ rũ. Nhìn Li La phong phanh cái tạp dề hắn tức quá. Con vợ, đúng là giống đoảng! Thị chỉ biết vuốt ve, mơn trớn, chứ yêu thương gì nó. Hắn đã thường xuyên dặn, phải kiêng cữ cho con chó. Đồ ấm thiếu đâu, gi-lê lông, tạp dề nhung, khăn xốp Thái...
Chỉ khổ  bà mẹ, đang dưng bị trận mát mẻ của thằng con. Từ trước đến giờ cụ không “vệ sinh”, có trong diện được chăm sóc con Li La đâu. Sau chầu cằn nhằn bà mẹ, hắn sùng sục réo máy điện thoại mấy ông thú y chuyên tư vấn chăm sóc thuốc men cho Li La nhà hắn. Điện gọi được dăm phút, một ông tới. Lúc con Li La khoẻ mạnh, lão khoe: chữa chỗ này, chỗ nọ, toàn đám sang, nào con Béc La dòng giống nhất Hà Nội, nào con của giám đốc, biệt thự của ông ta ở Hồ Tây... Hừ, nay con Li La mệt, hắn lúng ta lúng túng, đặt cái ống nghe không nên hồn. Hỏi nó bị bệnh gì, mặt lão thộn ra. Cái thứ chỉ phán tiền như chảo chớp chứ thầy bà gì. Không thèm lịch sự, ngay trước mặt lão lang băm, hắn réo điện thoại gọi người khác. Loáng cái vị  P.T.S. thú y mới tu nghiệp Tây và ông đốc tờ già đầy kinh nghiệm mang đồ nghề đến. Sau hồi nghe nghe, gõ gõ, họ giở cuốn sách Tây dày cộp ra nghiên cứu, lại chụm đầu hội chẩn mới ra: con chó nghi bị “viên phổi cấp!” Cần phải dùng ngay kháng sinh đặc hiệu truyền tĩnh mạch. Họ còn kê dãy dài thuốc bổ hãng Pháp, hãng ý. Ông P.T.S ở lại tận khuya theo dõi. Đúng bệnh, đúng thuốc, sáng sau con chó tinh tỉnh. Trưa thì nó nhúc nhắc được bát xúp. Thật hú vía!
Tết ấy giới sành sỏi chó đánh giá Li La nhà hắn tới mười lăm cây. Hắn nghĩ, giá còn lên nữa. Đúng y chang, tháng hai tháng ba giá chó vẫn lên. Hắn đồn còn lên nữa. Có khi chó nhà hắn tới trăm cây vàng! Từ dày dân ngõ biết mặt thằng này chưa?
Đùng cái, trời ơi giá chó tụt, tụt đến chóng mặt, sáng một giá, chiều một giá. Có con hôm trước bán được cây, hôm sau triệu bọ không xong. Người ta đua nhau bán tống bán tháo. Hắn hoảng. Lúc con chó có danh có giá, thì kẻ nhận rước, đứa gạ đưa, chỉ thiếu nước nó ỉa là chưa xô ra đòi chùi đít; khi nó xuống, chả ma nào bén mảng tới. Đúng hôm hắn nghĩ: thôi đi tong mười lăm cây vàng rồi thì có tay lái chó dắt một lão đến. Hắn đã mừng, vớt vát được chút nào hay chút ấy. Nhưng nghe thằng ấy mà tức điên. Nó chê con chó đủ thứ, lại thử lông có nhuộm, bờm giả uốn không rồi trả con chó năm triệu bạc. Điên tiết, hắn tống cổ hai thằng ấy ra khỏi cửa. Nghe hắn quát, đã không biết thân, con Li La còn eo éo sủa. Nó trêu ngươi hắn đấy!
- Đồ súc sinh! Mày nàm tao khuynh gia bại sản.
Hắn lao tới đạp giữa mặt con Li La khốn nạn. Con chó ăng ẳng, ăng ẳng. Không có cô vợ tiếc của, can nhanh, thì nó chết. Ngay chiều đó con chó bị vứt tuột xuống bếp, chẳng phải ai “đặc trách” chăm sóc nữa. Mày không đáng nằm ghế đệm nhà ông. Biết thế, ông tống khứ cho thằng lái chó kia. Đêm đêm nghe con chó kêu hắn tức lắm, chỉ muốn nhảy xuống quật một trận cho hả. Mỗi khi thấy bóng dáng nó là hắn lộn ruột, uất đến tận cổ. Bà cụ biết ý buộc con chó vào góc khuất. Đen  đủi này chưa qua thì vận rủi khác ập đến, nhà hắn then cài cửa chặn ba lớp, vẫn mất chiếc xe rim II. May lúc đó bà mẹ dậy đêm, không chúng còn khoắng thêm nhiều thứ. Sáng dậy mất xe, hắn gầm như trời sập và xa xả mắng nhiếc vợ con, lũ toi cơm, chốt cái cửa không xong. Hết vợ con hắn vặc sang bà mẹ: Sao bà thấy động mà không gọi. Của bà đâu bà tiếc. Tôi biết rồi, bà thấy tôi mất con chó mười lăm cây vàng bà mừng. Tôi lạ gì cái trò, bà vẫn dấm dúi cho nó ăn. Nói đến đó hắn lao xuống gác. Con chó bị đá một cái tá hoả. Vừa đánh hắn vừa chửi, con chó đã mang vận xúi đến nhà hắn. May mà con chó chui vào hốc cầu thang không nó chết. Từ tối đó hắn lệnh, buộc con chó ra ngoài cổng. Hắn trả thù chứ con ấy canh trộm cắp gì. Ngày trước sơn hào hải vị, ra nệm vào chăn, bỗng nay mưa đầm gió rét, nó rộc đi. Bà cụ giấu cho miếng nạc, miếng xương nào, còn thì toàn nhá cơm nguội. Con chó bị ghẻ, những mảng da trần nham nhở.  Dạo đầu chưa biết, khi thấy chủ về nó ve vẩy cái đuôi trụi. Sau mấy lần ăn đá, ngấm, nó sợ. Cứ “bố” về là nó nem nép, lủi nhanh vào góc. Từ trong góc sâu, Li La nhìn “ bố” chơm chớp, nó vẫn yêu ông chủ song chỉ dám vẫy đuôi giấu. Bà già nghĩ thương con chó nhỏ: “Khổ thân! Không chết vì rét cũng chết vì đòn”. Cụ nghĩ: “Để thế phải tội chết.” Một bữa con cái đi cả cụ lén cho con chó vào làn xách đi. Cụ đi sâu vào khu tập thể. Nó sẽ không biết đường về. Vừa đi cụ như vừa tìm kiếm ai. Đến trước nhà có người đàn bà đứng cửa. “Bác ta trông phúc hậu.” Nghĩ vậy cụ rẽ vào. Sau một lúc trình bày van vỉ, người đàn bà nhận nuôi con chó.
- Thế này là bác làm phúc đấy. Xin bác thỉnh thoảng cho tôi đến chơi với nó”.
Bà cụ đi, con chó giẫy giụa đòi theo. Cụ già không dám nhìn lại, cụ sợ sẽ khóc mất. Vài tuần con chó quen dần với chủ mới. Nhà chủ mới có con chó vàng to và chú mèo mướp béo mượt. Lạ cái, trước kia con mèo rất đành hanh, con chó to gấp bốn, năm lần mà sợ nó một phép nhưng khi Li La đến, mèo ta lại nhường. Buổi sáng hứng chí, nó còn tung tẩy chạy trước, Li La ăng ẳng đuổi sau. Ngay hôm đầu, con chó to đã thân thiện, ngửi ngửi, liếm liếm chó nhỏ, chắc nó tưởng đấy là con nó. Có Li La, bữa ăn của lũ chúng đến hay, cái bát chung bao giờ cũng là chó nhỏ ăn trước, rồi đến mèo, sau cùng là chó to. Li La nhanh hồi sức, lông mượt dần trở lại. Nó hay chắp tay lạy lạy. Nhìn cảnh ấy hai đứa trẻ con nhà chủ mới cười như nắc nẻ, chúng thân với Li La lắm. Vui nhưng thỉnh thoảng Li La như nhớ gì. Những lúc đó nó lảng vào gầm tủ, im lặng hàng giờ. Hôm bà cụ lại chơi vừa nghe tiếng gõ cửa nó đã cuống quýt xô ra. Nó dụi dụi vào cánh tay cụ, ngước mắt nhìn trách móc: “Sao bà lâu đến chơi thế!”. Lúc cụ già về, nó lũn cũn chạy theo, cụ vỗ về thế nào cũng không chiụ dời. Cụ phải doạ “ Thằng bố mày đấy!” nó mới tần ngần dừng lại. Sau hôm cụ già đến chơi Li La leo lên gác, bần thần ngó qua cửa, nhìn về đâu đó?
Một hôm đang nô đùa với đám trẻ trong nhà thì có tiếng xe máy đỗ. Li La hít hít rồi ẩy cửa. Mới đầu bọn trẻ tưởng nó chơi trò trốn tìm mà chúng mới bày cho, sau lại đoán Li La buồn ị. Lũ trẻ vừa mở cửa, nó tót ngược lên cầu thang. Mới thoáng cái đã thấy Li La thục mạng lao vào nhà. Chắc có người doạ dẫm nó. Cái giống chó, ai đánh ai đe, nó thường ăng ẳng sủa, nếu sợ thì cong đuôi chạy.  Sao lúc đó Li La im ỉm, mắt buồn rười rượi. Đám trẻ vội ngó ra xem, chúng thấy có người đàn ông ăn mặc lịch sự, chắc ông ta là khách gác trên. Người đó có bộ ria gọng kính nom đến sợ. Mặt hầm hầm, ông ta vừa khởi động xe, vừa rủa:
- Đồ xúi quẩy! Đồ chết dẫm! Ông tưởng mày chết rồi! Mày còn ám ông lữa à!
 Xe rồ máy lao khỏi sân tập thể. Lũ trẻ gọi thế nào Li La cũng không rời chỗ nấp. Chốc chốc lại ư ử kêu như đứa trẻ tủi thân khóc nấc. Nó bỏ ăn. Vài hôm sau đi làm về, vừa gọi cửa, người mẹ đã thấy lũ con mắt mũi đỏ hoe. Chị hốt hoảng nghĩ, nhà có chuyện. Hai đứa trẻ oà khóc:
  - Mẹ ơi!... Li La... Li La... chết rồi!
Từ dạo đó người trong khu tập thể ít thấy lũ trẻ  nhà ấy ríu rít nữa. Còn con chó, con mèo cứ ra ngó cửa- mắt chúng buồn trông đợi!
1995

Xem Tiếp: ----