Môt ly cà phê đá không đủ làm tôi tỉnh táo. Cuộc sống kéo tôi ra đường và vội vàng nhét tôi vào đám đông đang nhích từng chút.. “Lại kẹt xe… chuyện thường thành phố mình…” Tôi loáng thoáng nghe ai đó nói, cách nói nhẹ nhàng, cam chịu. Tôi chợt nghĩ, cũng đúng. Từ lâu, kẹt xe đã trở thành một nét “văn hóa” buộc phải chấp nhận của người dân ở đây. Bạn không muốn ngửi khói, bạn hãy ở nhà; bạn không chịu nỗi kẹt xe, xin đừng ra đường. Tôi chẳng muốn vẻ vời những điều ai cũng biết làm gì; chẳng qua, khi anh bị đặt vào những tình huống nhất định, anh phải có những suy nghĩ nhất định. Khác chăng, suy nghĩ nhất định đó là thế nào mà thôi. Tiếng xe rì rầm, tiếng bóp kèn “tin tin”… dệt nên chuỗi âm thanh cực kỳ hỗn độn. Tôi đang cố đặt mình vào tâm thế của một bậc chân tu, dùng ý chí được trui rèn trong 10 năm lăn lóc tại mảnh đất phồn hoa nhưng cũng lắm gian khổ này, đè bẹp những cử chỉ manh nha động đạy, mà rất có thể hậu quả của nó, tôi sẽ không kham nổi. Kỳ thật, thứ bảy là ngày tôi được nghỉ, nhưng tôi phải lên công ty vì nghe nói sẽ được phát lương. Hạng làm công ăn lương như tôi chỉ trông đợi bao nhiêu đó. Thời buổi khó khăn, kinh tế trì trệ thì việc được phát lương phải trân trọng như một ân huệ mà Đấng Bề trên thương tình ban cho. Có một khoảng trống phía trước, tôi ghồ ga, lao đi, rồi ngay lập tức, đạp thắng, dừng lại. Động tác này được tôi thực hiện rất thuần phục, dễ dàng như thể ăn cơm, uống nước, đi vệ sinh… Ừ, kể cũng kỳ, nghĩ đến đi vệ sinh tôi chợt thấy mắc. Quái, khi nảy mới đi ở quán cà phê rồi còn gì, chắc thận mình có vấn đề!. Nhưng không sao, chuyện này rất dễ giải quyết: hãy quên nó đi! Tôi xoay sở lao xe lên lề và đi – lại một “nét văn hóa dễ thương” của dân mình, bạn ạ! Rốt cuộc, tôi cũng đến được công ty, dù đã bị trễ mất 15 phút so với dự định. Công ty tôi làm chẳng có gì đáng nói, cửa kiếng, bảng xanh, khuôn viên chật hẹp… thế thôi. Nhưng “đồng chí” bảo vệ lại rất “bảnh”. Hiện tại, hắn đang ngồi trên cái ghế nhựa đặt trước cửa công ty, chân bắt chéo, mắt lim dim, miệng phì phò điếu thuốc 555 đang cháy dở. “ Hi đồng chí, cà phê cà pháo gì chưa?” Tôi dừng xe và hỏi câu xã giao với hắn. Văn hóa công sở là vậy. Không phải anh là nhân viên văn phòng thì có quyền xem thường bảo vệ. Sai lầm đấy! Trong một công ty, ngoại trừ các vị lãnh đạo, còn lại đều là hạng làm công, không ai có quyền nhìn ai bằng nữa con mắt. Đạo lý này tôi biết rất rõ, huống chi công ty tôi làm bé xíu, nhân viên có mấy “que”, việc gì phải “ lên mặt” với nhau!. Hắn mở to mắt, nhìn tôi theo cách không giống ai, mắt trái hơi nheo, đầu nghiêng về bên phải. “Ủa, thứ bảy mà cũng tới công ty nữa, có độ gì hả?” Thằng này hay nhỉ, nó là “thổ địa” của công ty, chắc chắn biết thông tin hôm nay được phát lương mà lại cố gắng “ đóng phim”. “ Độ gì, sợ “đồng chí” buồn nên tới chơi” Tôi vừa nói vừa cười, hắn cũng cười theo. Tôi kiếm chỗ đậu chiếc xe gắn máy “cà tang” của mình, chiếc xe mà cò lần kẹt quá, tôi “hét” giá ba triệu mà vẫn bị người la, “sao không đi ăn cướp đi, xe giục ngoài đường chẳng ai thèm lấy nữa là!”. Tôi rất “ghim” người nói câu đó, nhưng chẳng biện minh gì được. Vì đúng là nó tàn theo cách không thể tàn hơn. Tôi liếc nhìn quanh, chẳng thấy chiếc nào. Khi đi ngang hắn, tôi hỏi nhỏ: “ “Đồng chí” Yến vô chưa?” Yến là nhân viên phụ trách tiếp tân và trực điện thoại của công ty, khá xinh gái, chỉ có đều nói chuyện cực kỳ phách lối, đi làm lúc nào cũng có người chở. Nghĩ cũng lạ, nói chuyện như thế mà được tuyển vào phụ trách tiếp tân, khách hàng nào mà không chạy dài. Trong công ty, Yến là đối tượng mà đám con trai chúng tôi bàn tán, chọc ghẹo, nhưng lại rất “kính nhi viễn chi”. Và tôi biết, hắn rất thích Yến, chỉ là khoái làm ra vẽ. “Hình như vô rồi thì phải!” hắn trả lời như chẳng mấy quan tâm. Vẫn cái ngữ ấy, thằng này khó dạy bảo. Tôi bước vào, chẳng có ma nào ở phòng tiếp khách; Chợt nhớ ra, không phải mình đang mắc toilet sao. Tôi bước vội ra phía sau, thấy trong buồng toilet có ánh sáng, biết ngay “kẹt hàng”. Công ty tôi chỉ có một cái toilet duy nhất (trừ cái trong phòng của chị giám đốc), nên ai nhanh chân là được. Rất may, trong công ty chưa xảy ra việc hai người cùng chột bụng một lúc, nên việc “tranh giành” ra mặt chưa xảy ra. Tôi ra phòng khách ngồi, không quên liếc nhìn lên lầu. Phòng giám đốc tối thui. Người cần đến chưa đến. Tôi tìm tờ báo đọc. Mười phút trôi qua, tôi quay lại buồng toilet. Đèn vẫn sáng. Đi ra cây ra cối hay sao? Thơm tho gì mà ngồi lâu thế! Tôi nghĩ rồi bước thẳng ra trước, kiếm “đồng chí” bảo vệ điều tra. Hắn vẫn bắt chéo chân, ra cái vẽ thảnh thơi hít thở không khí trong lành của mấy ông bà cụ trong công viên vào buổi sáng sớm. Tôi nhìn hắn qua mái tóc được chải chuốt một cách rất có ý đồ “Có biết ai đang trong toilet không?” Tôi hỏi với giọng khá bực bội. Hắn nói không biết, nhưng tôi đoán chắc là Yến. Tôi lại quày quả bước vào, vì nghe bụng dưới của mình đang nặng dần lên. Kiểu này không chỉ “mắc nhỏ” mà còn “mắc lớn” nữa. Hiện trạng cũ vẫn được giữ nguyên, tôi buộc phải làm động tác mất lịch sự nhất để cứu vãn tình thế nguy ngập đang leo thang của mình. Gõ cửa toilet. Ngay lập tức, có tiếng nước chảy. Ai chẳng biết bên trong có người. Tôi nói nhỏ: “Bên trong có thể làm ơn nhanh dùm được không? Bên ngoài đang rất gấp!”. Một phút im lặng, hai phút im lặng. Có tiếng nước dội cầu. Và sau đó “kẹt”. Cánh cửa toa let cuối cùng cũng đã mở. Một gương mặt không giấu nét tức giận hiện ra. Đúng là Yến. Tôi chưa kịp phản ứng gì đã nghe: “ Đồ bất lịch sự!” Hậu quả tất yếu mà tôi lường được, tôi khẽ lách người qua khỏi Yến và đóng cửa toilet. Cả thế giới như trôi tuột khỏi người tôi, đẩy tâm thế tôi vào trạng thái lâng lâng, thoải mái một cách khó tả!. Tôi lại bước lên phòng khách, vì không biết phải đi đâu. Yến đang ngồi ở ghế sa lông, nơi dành tiếp khách, đọc báo một cách chăm chú. Tờ báo tôi vừa đọc lúc nảy. Gã bảo vệ đứng kế bên, hình như hắn đang nói gì với cô ấy. Vừa thấy tôi bước lên, hắn vôi ngưng lời và bước ra ngoài cửa, không quên ném cho tôi một cái nhìn kỳ cục!. Thằng này rốt cuộc đã lộ cái đuôi “cáo”. Tôi khẽ tằng hắng, lặng lẽ bước đến cái ghế đơn đi kèm với bộ sa lông và ngồi xuống. Vô tình tôi đã đặt mình vào vị trí đối diện với Yến. Thường ngày, đối với con gái tôi có khối chuyện để nói, thời tiết, mua sắm, phim ảnh, kẹt xe…, nhưng hôm nay, sau những gì đã xảy ra, tôi thấy hơi ngượng. Ừ dù sao cũng là vấn đề tế nhị. Một thoáng nghĩ ngợi, tôi khẽ ngước nhìn lên, tờ báo đã che khuất gương mặt Yến, tôi chỉ thấy được những ngón tay trắng buốt, móng được cắt xén rất cẩn thận, bóng loáng như được sơn nước. Tôi nhớ, cách đây mấy ngày, khi ngồi tán gẫu với Yến, thấy mấy ngón tay này được sơn xanh lè, lại có chấm chấm trắng phía trên, tôi đã kêu Yến bôi đi, như thế nhìn không trang trọng, làm mất giá trị bàn tay. Lúc đó, Yến bĩu môi theo thói quen, “Anh biết gì về thẩm mỹ mà nói, đây là kiểu “hot” nhất hiện nay đó!”. Tôi lại phàn nàn “Giá như em mặc áo thun, quần jeans sẽ xinh hơn, đi với anh mới xứng”. Nói xong, tôi cười ha hả. Yến cũng cười, “Em phải đi với mấy anh đẹp trai, còn anh không đep trai chút nào!”. Tôi nghĩ, có cần chà đạp nhau như vậy không? Nhưng tuyệt không để tâm đến những câu nói như vậy! Không khí trong phòng có chút ngột ngạt, tôi tính ra ngoài “nhiều chuyện” với “đồng chí” bảo vệ, nhưng không hiểu sao lại lên tiếng: “Mới sơn móng tay mới hả?” Thật ra, tôi biết rất rõ, mở đâu câu chuyện như thế với một người con gái đầy kiêu hãnh và “dễ bị tổn thương” như Yến, chắc chắn sẽ chẳng hay ho gì. Và đúng thế thật. “Đàn ông con trai gì mà để ý phát sợ!”. Yến trả lời, giọng có chút tự mãn, tờ báo vẫn che khuất mặt. Tôi tự nhiên thấy buồn cười, chỉ nói nhỏ: “Sorry về chuyện lúc nảy”. Rồi nhanh chóng đứng dậy, bỏ ý định ra ngoài mà bước tới bàn làm việc của mình đặt ngay lối dẫn từ phòng khách ra phía sau. Tôi liếc nhìn đồng hồ, 9h30!. Tình hình này chắc mình đã uổng công chạy ra đây rồi, hèn gì mấy đứa kia không có đứa nào xuất hiện. Đây không phải là lần đầu tiên chị giám đốc cho đám chúng tôi leo cây về vụ lương bổng. Tôi định ngồi đợi thêm nữa tiếng, nếu không có động tịnh gì thì sẽ “bấm nút”. Dù sao cũng rảnh, về phòng trọ chẳng biết làm gì, mất công “nhàn cư” lại phải tốn tiền. Thời buổi thắt lưng buộc bụng, “nhịn” được phút nào hay phút đó. Bất giác, tôi liếc nhìn ra phòng khách. Không biết tự bao giờ, Yến đã rời ghế sa-lông, đứng dựa vào thành quầy tiếp tân, đang lặng lẽ nhìn tôi. Tôi mỉm cười theo phép lịch sự, không quên ngắm nhìn Yến. Phải thừa nhận Yến có thân hình khá đẹp, không quá cao nhưng cân đối. Đặc biệt hôm nay Yến không mặc trang phục văn phòng, cái thứ trang phục mà mỗi khi tôi nhìn thấy đã trào dâng cảm giác mệt mõi. Mắt tôi lướt vội từ cổ tới chân Yến. Ừ nhỉ áo thun trắng, quần jeans xanh bó sát mông đùi, giày thể thao màu cam có viền chỉ đen xung quanh: một sự phối hợp rất bài bản, giản dị nhưng không làm mất nét đài trang. Tôi thoáng nghĩ, “đồng chí” bảo vệ của mình cũng có tầm nhìn đấy chứ!. Thật ra, tôi thích nhìn Yến với khoảng cách như vậy, nó tạo cho tôi cảm giác thoải mái, dễ chịu và đầy chất khêu gợi. Nhưng với khoảng cách này, tôi lại không thể nhìn rõ mặt Yến, gương mặt luôn có chút trang điểm, mắt hai mí khá rõ, nhưng long mi không được dài và cũng không cong, sóng mũi thấp nhưng hài hòa với vòng mặt hơi tròn, tóc bới ngược ra sau một cách gọn gàng. Tôi ít để ý tới cái miệng khá nhỏ, môi trên hơi trề ra, rất dễ tạo cảm giác “không lành mạnh” cho người đối diện, nhất là với những “hạng” người như tôi. Không hiểu sao, khi thấy tôi cười, Yến lại quay nhìn chỗ khác, có điều thân hình chẳng động đậy, như thể muốn được tôi chiêm ngưỡng vậy. Tôi tự hỏi, không biết mình có diễm phúc này từ lúc nào. Một ý nghĩ vớ vẫn lướt qua trong đầu, tôi toan đứng lên, nhưng ngay lập tức biết sai lầm. Phía trước đầy rẫy rủi ro. Tôi nhìn thấy bóng tối giăng ngang và mỗi cử động của tôi sẽ là cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Tôi khởi dộng máy vi tính trước mặt, vào trang Nhaccuatui, thưởng thức bản hòa tấu của nhạc sĩ Kitaro, “The moon on the lake”. Tôi không am hiểu nhiều về âm nhạc, nhưng cũng như người ta thường nói, âm nhạc khiến cho tâm hồn mình thanh cao hơn. Và tôi tin điều này là thật. Tiếng nhạc véo von vang ra từ hai chiếc loa nhỏ đặt ở hai bên monitor, như mũi kim vá vội linh hồn rách rưới của tôi, suy nghĩ rách rưới của tôi. Mộng mị về cuộc sống, về người phía trước chợt dừng lại, lắng xuống, đọng thành một hạt nhân trong cõi tôi nghèo nàn, cục mịch. Tôi chợt ước, giá như có thêm tách trà nóng, khung cảnh sẽ hoàn thiện hơn. Hơn 5 phút trôi qua, bản nhạc khép lại, tôi chợt giật mình khi thấy Yến đứng trước bàn làm việc của tôi tự lúc nào! Tôi hơi cuối đầu, che giấu thoáng bối rối không cần thiết của mình. Quái, việc gì phải thế? Cô gái này ngày nào mình cũng gặp, ngày nào cũng nói chuyện và ngày nào mình cũng quên sạch. Đúng vậy. Tôi khẽ hít một hơi sâu, lấy lại phong độ và … cười. Tôi cười chẳng có gì quyến rũ, nếu không muốn nói là khá vô duyên với hàng “tiền đạo” không đồng đều của mình. Nhưng tôi vẫn phải cười. Yến lại không cười. Gương mặt cô có chút nghiêm nghị, song tôi cho rằng đó là biểu hiện của sự căng thẳng. “Hôm nay không có lương, chị giám đốc không vô đâu!” Trời, tôi hơi thất vọng. Tưởng cô ấy nói chuyện gì quan trọng, ai ngờ toàn những chuyện mình biết rồi! “Ừ, tôi cũng đoán được, vậy là mất toi buổi sáng thứ bảy!” Tôi nói, mắt lướt qua cánh tay để trần của cô ấy. Tôi với kéo cái ghế phía sau: “Yến ngồi đi, mình tán dốc chơi!”. “Em không thích tán dốc, tán thiệt thì được!” Nói xong, Yến cười, ngồi xuống. Tôi thấy một thoáng hồng lướt qua trên má cô, gió từ chiếc quạt máy treo tường làm tóc cô không ngừng lượn lờ. Mọi chuyện lại đâu vào đấy, chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Cả hai đều cố không nhắc tới “sự cố” lúc nảy, cũng như chuyện bị cho “leo cây”. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh mấy đề tài muôn thuở: kẹt xe, ngập nước, phim ảnh. Chúng tôi bàn tới bộ phim The curious case of Benjamin Button, bộ phim mà nói theo các tờ báo không chỉ lá cải, đang làm mưa làm gió tại các rạp chiếu phim. Tôi nói với Yến rằng tôi không thật sự thích Brad Pitt, nam diễn viên đóng vai chính trong phim đó, nhưng lại thích nội dung phim. Ngay lập tức Yến “phản pháo” theo quan điểm rất … con gái, rằng Brad Pitt diễn xuất rất hay, từ già tới trẻ, và rằng Brad Pitt rất đẹp trai. Tôi nghĩ, đây là nguyên nhân chính khiến cô khích động khi bàn về diễn viên này. Tôi nói: “Có vẻ Yến mê đẹp trai lắm nhỉ !” Nói xong biết ngay không ổn. Chưa kịp nghĩ ra ý gì để đính chính, cô ấy đã cho một tràng: “Ai nói với anh là em mê đẹp trai. Anh thử hỏi mấy cô khác xem, có ai không thừa nhận Bradpitt là đẹp trai, có ai không mê Bradpitt. Không lẽ những người này đếu mê đẹp trai cả à.. Có người không đẹp trai em vẫn mê như thường.” Cô hơi hạ giọng khi nói câu cuối. Tôi hỏi: “Thế à?!” Rồi cười sặc theo cách thiếu kiềm chế. Yến cũng cười theo. Chúng tôi vẫn thường thế trong những tính huống tương tự. “Đồng chí” bảo vệ bước vào. Có lẽ tiếng cười của chúng tôi cuốn hút hắn. Tôi nói khẽ, “Người không đẹp trai đến kìa!”. Yến trề môi: “ Đó đâu phải là người không đẹp trai, mà là người xấu trai!”. Tôi chưng hửng. “Có khác biệt sao?” “Em không biết nữa, nhưng em không thích người xấu trai”. Không biết hắn có nghe lời nhận xét không chút thiện chí này của Yến hay không, mà cúi gầm mặt xuống, đi thẳng vào nhà sau. Tôi đoán, hắn muốn vào góp vui, vì bên ngoài chỉ có chiếc xe “giục không ai them lượm” của tôi, không cần giữ làm gì. Vả lại, hắn rất thích nói chuyện với Yến; Nhưng nghe được “cao luận” của Yến, làm hắn cụt hứng. Nhìn hắn lầm lũi bước ra, ngang Yến mà chẳng buồn nói tiếng nào, tôi chợt thấy khó chịu. “ Yến nói vậy không sợ Tâm buồn à?” Tâm là tên của hắn. Yến ngó tôi, ánh mắt ẩn ước nét kỳ lạ, hai hàng lông mày nhướng cao, hơi thở nhanh dần: “Buồn cũng một lúc, hơn là để anh ấy suy nghĩ lung tung!”. Tôi hiểu ý của mấy chữ “suy nghĩ lung tung”. Thì ra, mình mới là người rảnh rỗi. Con gái vốn vậy. Đối với người không thích, họ rất tàn nhẫn. Nhưng như thế cũng tốt, mất công “nữa đục nữa trong” làm khổ người khác. Yến chợt hỏi: “Anh có vẻ như muốn làm mai cho tụi em?”. Tôi cười, chắc rất khó coi, ngón tay lướt nhẹ lên bàn phím. “Đừng nói tới đề tài này nữa”. Yến bật đứng lên, quay lưng bước ra phòng trước, được vài bước, bỗng quay lại nói: “Anh có biết vì sao em mặc áo thun, quần jeans không? Vì em thật sự thích người không đẹp trai!” rồi đi thẳng. Nhìn bóng cô, tôi nghe có cái gì lay động từ trong sâu thẳm, rồi nhanh chóng lan ra khắp toàn thân. Tôi toan mở miệng kêu cô ấy, nhưng âm thanh chưa thoát khỏi cổ họng đã tan biến vô hình vô tích. Yến về mất rồi. ai đó đã tới chở cô như thường lệ. Tôi bước ra khỏi công ty, không buồn “chào” “đồng chí” bảo vệ một tiếng. Tôi chợt chán với cái “văn hóa công sở” giả dối này. Hắn cũng chỉ im lặng nhìn tôi, rồi quay mặt ra đường. Khói thuốc vẫn tỏa ra trên môi hắn, tạo thành những lát mỏng bay vật vờ trong không trung, nhưng chân hắn không còn bắt chéo, ánh mắt đầy nét đăm chiêu. Không biết vì chưa có lương hay vì cô ấy. Tôi đẩy xe xuống đường, đạp máy, nhanh chóng hòa mình vào dòng người tấp nập. Một ngã tư, hai ngã tư, lại kẹt xe… Tiếng máy nổ rì rầm, tiếng bóp kèn “tin…tin” không thể hỗn độn hơn tâm thế của tôi lúc này. Dường như trong cõi tôi mờ mịt, một không gian mênh mông được mở ra. Nơi đó, vạn vật đều tĩnh lặng, chỉ có cô gái mặc áo thun trắng, quần jeans xanh đang cười đùa…