Ðặt chân vào Bắc Ấn Ðộ, Ngài đi ngang qua hai tiểu quốc là Ca-bi-ca (Capica) và Lâm-ba (Lampaka) là những nước thuộc Tiểu thừa Phật giáo. Sau khi ở đấy vài tháng để nghiên cứu kinh điển Tiểu thừa, Ngài đi đến một nước rất hùng cường trong năm xứ Ấn Ðộ thời xưa là Kiền-đà-la (Gandhara). Nước này trong quá khứ có những vì vua anh hùng cái thế, và rất sùng mộ đạo Phật như vua Di-lan-đà (Nilanda), Già-nhi-sắc-già (Kanishka). Nước này cũng là quê hương của những vị luận sư xuất chúng, hay những tổ sư đã sáng lập các tông phái như Ngài Na Tiên Tỳ kheo, Pháp Cữu, Như Ý, Hiếp Tôn Giả...Trước khi đến nước này, Ngài nghe nói có một cái hang mà bóng đức Phật Thích Ca thường xuất hiện, nên Ngài định đến chiêm ngưỡng. Hang này, theo người ta kể lại, là nơi đức Phật đã hàng phục con Long thần Gopâla và còn để lại hình bóng Ngài. Nhưng con đường đến hang ấy rất hoang vu và có nhiều trộm cướp hoành hành. Từ mấy năm rồi, không còn ai dám đến đấy nữa. Những người đồng hành với Ngài đều khuyên Ngài không nên ghé đến. Ngài trả lời:- Trong mấy ngàn A-tăng-kỳ-kiếp chưa chắc đã có một lần thấy được hình ảnh của Phật. Tôi đã đến đây, làm sao không đến chiêm ngưỡng được? Các người hãy đi trước đi, tôi ghé đấy rồi sẽ theo sau.Nói xong, Ngài một mình đi rẽ về phía hang bóng Phật. Khi Ngài đến một ngôi chùa gần đây, không ai dám dẫn Ngài đi. Ngài đành đi một mình. Giữa đường, Ngài gặp một ông già bằng lòng hướng dẫn Ngài đến hang. Ði được vài dặm, hai người gặp năm tên cướp tay nắm giáo mác đang tiến tới phía Ngài. Ngài cất mũ và chỉ vào bộ áo quần nhà sư của mình. Bọn cướp hỏi:- Nhà sư muốn đi đâu đây?- Tôi muốn đi chiêm bái bóng đức Phật.- Nhà sư không biết rằng trong vùng này có nhiều kẻ cướp sao?Ngài ôn tồn trả lời:- Kẻ cướp cũng là người. Tôi đi chiêm bái đức Phật, thì dù có gặp thú dữ, rắn độc, tôi cũng không sợ. Các anh là người, nghĩa là trong lòng đã sẵn có mầm từ bi, sao tôi lại sợ?Bọn cướp nghe Ngài nói rất cảm kích, và tình nguyện đi theo Ngài đến hang.Hang này ở phía đông một dải suối chảy giữa hai trái núi. Cửa hang mở ra một thành đá. Ngài nhìn vào cửa hang không thấy gì khác hơn là một khoảng tối om om. Ông già bảo Ngài:- Pháp sư hãy đi vào trong, khi Ngài đến đụng vách đá phía đông Ngài hãy lùi lại đó độ 50 bước và đứng nhìn vào vách đá, sẽ thấy bóng đức Như Lai.Ngài Huyền Trang đi vào một mình, làm như lời ông lão dặn. Ngài xây mặt về phía vách đá, lạy một trăm lạy, nhưng vẫn không thấy gì. Ngài òa lên khóc vì tự thấy mình bạc phước và chứa nhiều tội lỗi nên không được bóng đức Phật thị hiện ra. Bấy giờ với một tấm lòng thành khẩn. Ngài tụng những bài sám hối, và sau mỗi đoạn lại đảnh lễ Phật. Quả thật, sự linh diệu bắt đầu hiện ra! Sau khi Ngài đã lạy trên 100 lạy, một điểm sáng bằng cái bình bát hiện ra ở trên vách đá phía đông và vụt tắt ngay. Vừa mừng, vừa tủi, Ngài lạy nữa, và lần này, Ngài thấy một khoảng sáng lớn bằng cái thau xuất hiện rồi vụt tắt, nhanh như chớp. Bấy giờ lòng tràn ngập hân hoan và thành kính, Ngài thệ nguyện quyết tâm ở lại đây mãi cho đến khi nào thấy được hình bóng thiêng liêng của đức Phật mới thôi. Ngài tiếp tục tụng niệm. Và thình lình, tất cả hang đá đều sáng rực lên, và hình ảnh đức Như Lai hiện ra trắng toát. Một đường ánh sáng viền quanh khuôn mặt đấng giác ngộ, thân hình Ngài và chiếc y rực lên một màu vàng chói. Từ hai đầu gối Ngài trở lên, những tướng tốt hiện ra trong ánh sáng; nhưng phía dưới tòa sen ánh sáng mờ nhạt như ánh sáng hoàng hôn. Hai bên tả, hữu Ngài, có rất nhiều hình bóng của các vị Bồ tát.Ngài Huyền Trang ngây ngất đứng nhìn hình ảnh nhiệm mầu, thiêng liêng ấy một hồi rồi gọi sáu người đi theo Ngài đang đứng ở ngoài cửa hang, đem đèn đuốc và hương hoa vào, thì đức Như Lai biến mất. Ngài Huyền Trang bảo tắt đèn đuốc, và hình ảnh trước lại xuất hiện. Trong sáu người đi theo Ngài – Ông lão và năm tên cướp – chỉ có năm người nhận thấy hình ảnh đức Phật, còn một trong năm tên cướp không nhận thấy gì hết.Ngài Huyền Trang quỳ xuống dâng hương hoa và tán thán đức Phật một hồi thì bóng đức Phật tắt hẳn. Ngài lạy tạ rồi đi ra.Sau khi được chứng kiến rõ ràng hiện tượng kỳ diệu ấy, Ngài Huyền Trang đi thẳng đến nước Kiền Ðà La (Bắc Ấn Ðộ) phía đông giáp Ấn Ðộ hà (Indus). Ở đây, trước kia là một nơi chứa rất nhiều di tích Phật giáo, nhất là ở cựu thành Bố-lộ-sa-bố-la (Peshawar). Hoàng đế Ca-nị-sắc-ca (Kanishka) xưa kia có dựng trong vùng này trên một ngàn tịnh xá để chư tăng ở. Nhưng khi Ngài Huyền Trang đến đây thì quang cảnh thật là buồn bã, hoang phế. Dân cư thưa thớt. Dinh thự, đền đài, tịnh xá, thành quách đã bị quân Hung nô nhiều lần đến tàn phá. Những di tích quý báu của đức Phật đều bị cướp đem đi, cho đến cái bảo vật quý nhất là bình bát mà xưa kia lúc tại thế, đức Phật đã dùng đi khất thực, cũng không còn.Trong hơn một ngàn tịnh xá trước kia, nay chỉ còn lại một cái. Ðó là tịnh xá mà Ðại đế Ca-nị-sắc-ca đã dựng lên cho Ngài Hiếp Tôn Giả.Sự tích của Ngài Hiếp Tôn Giả là một cái gương kiên nhẫn, tinh tấn, vô cùng quý báu, mà hàng tín đồ Phật tử thường kể cho nhau nghe:Tôn giả đã gần 80 tuổi mới xả tục xuất gia. Những người thanh niên trong thành phố đều nhạo báng và chê Ngài là người không biết điều: "Lão già thật ngu. Xuất gia thì phải đủ sức để tập định và tụng kinh. Nay đã già khọm đi rồi, còn tiến thủ sao được nữa, mà dám lạm dự vào bậc thanh lưu. Thật là để ăn bám mà thôi".Hiếp Tôn Giả nghe những lời nhục mạ như thế, đứng trước mọi người mà thề rằng:- Hiếp này, nếu không thông suốt được Tam tạng kinh điển, không đoạn trừ được phiền não của tam giới, thì quyết đừng cho Hiếp này dự vào chỗ chiếu ngồi.Từ đấy, Tôn giả chăm chỉ học hỏi không ngừng; khi đi, khi đứng, khi ngồi, lúc nào cũng nghiền ngẫm đến những điều mình vừa học. Ban ngày thì nghiên tầm giáo lý, đêm đến thì tĩnh tọa tham thiền, trong khoảng ba năm Ngài đã thông hiểu hết ba tạng kinh điển. Do đó người đời mới tôn kính đặt cho Ngài cái danh hiệu "Hiếp Tôn Giả".Sau khi lễ bái các Phật tích ở đây và đem các tặng phẩm mà vua Cao Xương đã biếu cho Ngài như vàng, bạc, vóc lụa, y phục... phân phát cho các tu viện, Ngài Huyền Trang đi lần về phía đông nam.Ngài đi đến nước Ca Thấp Di La (bây giờ là Taxila trong vùng Panjab). Vị trí nước này ở phía Tây dãy Hy Ma Lạp Sơn, thượng lưu sông Na Bô và sông Xa Lâm, là những chi lưu của sông Ấn Ðộ, diện tích độ 1.900 dặm vuông Anh. Nước này là nơi phát nguyên Ðại thừa Phật giáo. Trong thời vua A Dục trị vì, Ngài đã đặt ở đây Thủ đô của những tỉnh miền Tây bắc và cử Hoàng tử Câu Na La (Kunâla), con Ngài, làm thủ hiến vùng này. Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại câu chuyện thương tâm của vị Hoàng tử này:Hoàng hậu, vợ vua A Dục mất, vua lấy một người vợ sau. Bà này là người không đứng đắn, đem lòng yêu Hoàng tử Câu Na La, nhưng bị Hoàng tử cự tuyệt. Bà sinh tâm oán hận Hoàng tử và xúi vua đày Hoàng tử lên trấn nhiệm các tỉnh miền Tây bắc, tức là nước Ca Thấp Di La. Nhưng bà mẹ kế này vẫn chưa nguôi thù oán. Bà làm một sắc chiếu giả và thừa lúc vua ngủ, đóng dấu răng ngài vào – sự đóng dấu theo thể thức này là một luật lệ của triều đình – Tờ chiếu truyền lệnh móc đôi mắt Hoàng tử. Khi nhận được chiếu chỉ, các thủ hạ của Hoàng tử do dự không dám thi hành. Thái tử bảo họ:- Phụ thân ta đã truyền lệnh như thế, ta đâu dám chẳng tuân theo? Các người hãy thi hành đi.Hoàng tử bị mù cả hai mắt từ đấy. Với một cây đàn, Câu Na La đi kiếm ăn hết tỉnh thành này đến tỉnh thành khác. Một hôm, thái tử đi về phía kinh đô, đến gần hoàng thành, nơi vua A Dục đang ở. Trong đêm khuya Thái tử vừa gảy đàn vừa than trách số kiếp xót đau của mình. Vua từ trên lầu cao, giật mình kinh ngạc khi nghe giọng hát ấy. Vua cho thị vệ gọi người hát vào và đau đớn nhận ra là con mình!...Trong thời Ngài Huyền Trang đến đây, ảnh hưởng Phật giáo Ðại thừa vẫn còn đang mạnh mẽ trong dân chúng. Khi Ngài đến gần kinh thành, vua nước ấy thân hành đem triều thần, tăng chúng, quân lính ra nghinh đón có trên ngàn người. Cờ quạt rợp trời, hương hoa đầy đất. Vua thân đến trước mặt Ngài, rải hoa dưới chân Ngài và mời Ngài lên ngồi trên một thớt voi lớn, còn vua và đám rước đi theo sau.Sau khi biết được ý định của Ngài sang Ấn Ðộ để sưu tầm kinh điển, vua truyền cho 20 người thơ lại đi theo Ngài biên chép.Ngài đến trọ tại một ngôi chùa "Am-ra-nhân-đà" trong kinh thành. Chùa này có 30 vạn biến kinh, cọng 96 vạn câu, và một vị cao tăng đã 70 tuổi là Xưng Lão Pháp sư rất tinh thông kinh điển Ðại thừa. Ngài ở đây biên chép kinh điển và theo học với vị cao tăng này trong hai năm. Ngài đã tìm thấy ở đây một vị sư xứng đáng với hoài bảo của mình. Ngài thường ca tụng vị sư này là một người nghiêm trì giới luật, thông minh xuất chúng, học hỏi uyên thâm và đức hạnh hoàn toàn. Do sự mến phục ấy, Ngài theo học với vị cao tăng đêm ngày không biết mệt. Và vị cao tăng này, khi Ngài Huyền Trang từ giã ra đi, đã tuyên bố với đại chúng rằng:- Thầy Tăng Chi Na này trí lực hoằng thâm, trong bọn chúng ta không ai hơn được. Ông là người thông minh đức độ, đủ nối được cái phong thái và sự nghiệp của anh em Thế Thân Bồ tát.- oOo-