(Ðường Tam Tạng thỉnh kinh)
Chương 13
ÐẠI THÍ TRƯỜNG "VÔ GIÀ"

Sau ngày bế mạc đại hội ở Khúc Nữ, Ngài Huyền Trang muốn từ giã Ấn Ðộ trở về nước. Nhưng vua Giới Nhật muốn ngài ở lại để dự Ðại hội "Vô già" là một đại hội Bố thí rất lớn, tổ chức tại Bát-la-ra-gia (Prayâga). Vua nói:
–Ðệ tử ở ngôi vua đã hơn 30 năm nay, tích chứa của báu, cứ năm năm một lần mở ra hội Vô già đại thí trong 75 ngày. Nay đệ tử muốn mở hội lần thứ sáu, vậy xin Pháp sư hãy tạm ở lại để cùng tùy tùng tùy hỷ cho vui.
Nể lời mời của vua Giới Nhật, Ngài Huyền Trang ở lại, chứng kiến một đại hội bố thí vô cùng đặc biệt, chỉ riêng ở Ấn Ðộ mới có.
Ðại hội này mở tại nước Bát-la-ra-gia, phía Bắc giáp sông Hằng, phía Nam giáp sông Diêm-mâu-na (Jumnâ), lập trên một cái đàng rộng lớn, mỗi bề độ 15 dặm. Từ ngàn xưa, mỗi lần muốn bố thí lớn, các vua chúa đều đến đây mở hội. Tục truyền rằng một đồng bạc bố thí ở đấy có giá trị phước đức 100 ngàn đồng bố thí ở các chỗ khác. Chung quanh đàng có hàng rào bằng tre, ở giữa có nhiều dãy nhà rộng lớn lợp tranh để chứa các vật bố thí có giá trị như vàng, bạc, châu báu, san hô, xa cừ, mã não... Ngoài ra còn có mấy trăm kho chứa vải lụa... Trước mỗi kho, có một gian nhà có thể chứa được một ngàn người. Ngoài hàng rào, một dãy trại lớn được dựng lên để làm trai đường.
Khi vua Giới Nhật, Ngài Huyền Trang và 18 vị Quốc vương đến đại thí trường này thì 500 ngàn người đang đợi sẵn để được bố thí.
Sau khi các vua chúa hạ trại xong, quân lính đi theo hộ giá chia làm hai đạo, một đạo đi theo đường thủy, trên những chiếc thuyền lộng lẫy, một đạo theo đường bộ trên những thớt voi hùng dũng, tề tựu ở chung quanh thí trường; còn các vua chúa thì cứ theo thứ tự lớn nhỏ mà đứng ở những địa điểm đã định trước.
Ngày đầu, người ta cung thỉnh một tượng Phật lên điện thờ và bố thí những thứ thất bảo và y phục vô cùng quý giá. Một bữa tiệc linh đình được thết đãi, có hoa và nhạc.
Ngày thứ hai, người ta cung thỉnh một tượng Nhật thần, và cũng bố thí các thứ thất bảo và y phục quý báu, nhưng chỉ bằng nửa giá trị của những thứ bố thí ngày đầu.
Ngày thứ ba, người ta cung thỉnh một tượng thần Xi-va (Civa) và cũng bố thí các thứ quý giá như ngày thứ hai.
Ngày thứ tư, người ta cúng dường cho mười ngàn Tăng sĩ; những người này ngồi sắp thành 100 hàng dài và mỗi người nhận lãnh 100 đồng tiền vàng, một bộ y bằng vải, các thức ăn và hương hoa.
Ngày thứ năm, làm lễ cúng dường cho tu sĩ Bà-la-môn, và liên tiếp trong 20 ngày như thế.
Lần thứ sáu, làm lễ cúng dường cho ngoại đạo, và liên tiếp trong mười ngày như thế.
Lần thứ bảy, làm lễ cúng dường cho các người thuộc đạo Ni Càn ở xa đến và trong 10 ngày như thế.
Sau cùng, là cuộc bố thí cho những người nghèo khổ, mồ côi, vô gia đình. Lần bố thí này kéo dài trong suốt một tháng. Sau thời hạn này, tất cả các kho tàng của nhà vua tích trữ trong khoảng năm năm đều hết sạch; chỉ còn voi ngựa, khí giới là những thứ cần dùng để bảo vệ an ninh, trật tự, không thể đem cho được.
Ðến đây Ngài Huyền Trang được chứng kiến một cử chỉ vô cùng ngoạn mục của lòng từ bi mà vua Giới Nhật đã biểu lộ trong những ngày cuối cùng của Ðại thí trường Vô già:
Sau khi nhận thấy quanh mình không có gì để cho nữa, vua Giới Nhật liền lột hết cả áo mão, vòng vàng, chuỗi ngọc, tất cả những vật quý mang trong mình ra bố thí. Rồi mượn một bộ áo quần mặc thường của bà công chúa chị mình, vua choàng vào và quỳ xuống đảnh lễ mười phương Phật. Vua chắp hai tay trong dáng điệu vô cùng hoan hỷ và nói:
- Xưa kia, đệ tử thâu nhặt bao nhiêu ngọc ngà châu báu và cứ sợ kho tàng không đủ chắc chắn để thu giấu kín đáo. Nhưng bây giờ, sau khi làm bố thí, đã gieo tất cả vào phước điền, đệ tử thấy rất yên lòng, vì biết không bao giờ chúng có thể mất mát đi đâu được.
Nhưng, mặc dù vua Giới Nhật tỏ vẻ vô cùng hoan hỷ trong cử chỉ bố thí cao cả của mình, 18 vị quốc vương nhận thấy áy náy vì không thể để cho một vị Ðại vương ăn mặc tầm thường như thế được. Họ phải xuất tiền của trong kho ra chuộc lại những thứ áo mão, vòng vàng, chuỗi ngọc, hoa tai v.v... mà vua Giới Nhật đã bố thí, và đem dâng lại cho vua.
Sau khi đại hội Vô già bế mạc, Ngài Huyền Trang xin từ giã vua Giới Nhật để lên đường về nước.
Bấy giờ Ngài đã 48 tuổi, và tính ra, ở Ấn Ðộ đúng 15 năm. Trong thời gian ấy không một giờ phút nào Ngài không nhớ đến tổ quốc. Mặc dù biết thế, vua Giới Nhật vẫn còn muốn cầm Ngài ở lại nữa. Pháp sư phải dùng những lời lẽ vô cùng vững chắc và cảm động mới làm xiêu được lòng vua Giới Nhật. Vua đề nghị nếu Ngài đi đường thủy thì sẽ cho người theo hộ tống. Nhưng Ngài Huyền Trang đã có ý định từ trước là trở về bằng đường bộ, qua ngã Trung Á. Bao nhiêu cảm tình nồng hậu và kỷ niệm quý báu đang đợi Ngài ở đấy. Nhất là Ngài không thể quên lời hẹn với vua Khúc Văn Thái, sẽ trở về ở lại nước Cao Xương trong một thời gian vài năm. Lời hẹn ấy có giá trị như một lời thề không thể làm ngơ được. Vì thế, mặc dù Ngài có thể đi sang cực đông Ấn Ðộ đến nước của vua Cưu Ma La rồi vượt núi, thẳng đường lên phía Bắc là đến Trung Hoa, con đường này rất gần, nhưng Ngài không đi. Có người cho rằng Ngài không đi đường này, vì sợ gặp nhiều nguy hiểm. Nhưng một người đã có lòng cương quyết, nhiều kinh nghiệm, không hề sợ gian nguy, hiểm trở như Ngài, thì có bao giờ lại lùi bước trước một con đường rút ngắn như thế? Lý do Ngài không đi đường ấy chính là để khỏi thất lời hứa với vua Cao Xương vậy. Ngài không ngờ rằng vua Cao Xương khi ấy đã chết rồi.
Khi Ngài Huyền Trang ra về, vua Giới Nhật trao tặng Ngài rất nhiều lễ vật và truyền lệnh cho một số quan lính theo hộ tống Ngài đến tận biên giới Ấn Ðộ, để bảo vệ Ngài chống bọn giặc cướp, rất nhiều ở sườn núi Hy Mã Lạp Sơn. Vua lại còn tặng Ngài một thớt voi quý để chở Ngài đi và viết thư cho các vị tiểu vương các nước Ngài sắp đi qua để họ giúp đỡ, tiếp đón Ngài. Còn kinh sách và tượng Phật mà Ngài đã sưu tầm thì vua truyền lệnh cho một tiểu vương ở Bắc Ấn Ðộ chở đi bằng ngựa hay bằng xe trận.
Vua Cưu Ma La cũng trao tặng Ngài một bộ áo bằng lông rất quý để phòng mưa gió khi vượt qua rừng núi.
Hai vị vua ấy lại còn kéo cả một đạo quân tùy tùng theo đưa tiễn Ngài đến mấy mươi dặm đường trên đồng bằng xứ Bạt-la-ra-gia (Prayaga). Phút chia tay, chủ và khách đều không thể cầm được nước mắt và những tiếng thở dài thương cảm.
Ba hôm sau, khi Ngài Huyền Trang đi rồi, vua Giới Nhật và Cưu Ma La cùng mấy trăm kỵ mã lại ruổi theo Ngài, mong gặp lại một lần cuối, và tiễn Ngài thêm mấy dặm đường nữa mới trở lui.
- oOo-