“Tụi bây còn giành giật nữa, tao lấy lại hết bây giờ!”.
Bà Kim mỉm cười, âu yếm nhìn đàn kiến chen chúc nhau quanh những hạt cơm bà vừa bỏ xuống nền đất. Ngày nào cũng vậy, sau khi làm xong công việc quét dọn rác rưởi ở chợ, bà liền trở về nhà cho đàn kiến ăn. Thoạt đầu, những con kiến lửa to đầu còn xông đến, hung hãn cắn vào tay bà nhưng riết rồi hình nh ư chúng bén được hơi bà, nên thôi.
Bầu trời tháng sáu xám xịt với những đám mây đen lảng vảng trên miền đồng bằng Cửu Long. Cả tuần lễ qua, bà Kim cảm thấy trong người khang khác. Ăn thứ gì vào bụng, bà đều nôn thốc nôn tháo trở ra. Ấy vậy mà bà không hề thấy đói. “Chẳng lẽ giây phút đó bắt đầu đến với mình sao?” - Bà nghĩ. Trường hợp này bà đã gặp từ khi bà mới lên mười, lúc cha và mẹ bà theo tổ tiên, để lại bà cô độc trên cõi đời này.
“Chịu khó bò vòng sang một bên chứ leo chi cho cực vậy? Tụi bây làm biếng vừa phải thôi chứ!” - Bà lẩm bẩm, đưa tay dời cục gạch đang chắn ngang lối đi của đàn kiến để chúng tha những hạt cơm được dễ dàng hơn. Nói vậy chứ từ đâu đó trong thâm tâm, bà luôn nể phục sức mạnh của chúng. Với dáng vóc nhỏ nhoi nhưng chúng có thể cõng hạt cơm to gấp năm lần chúng. Lẳng lặng quan sát cảnh đi lại tấp nập của đàn kiến, bà chợt thấy vui vui. Cho đến bây giờ, bà mới hiểu ra rằng tuổi già thường cần có những niềm vui nhỏ nhặt như thế. Những niềm vui mà ngày xưa, trong đôi mắt trẻ thơ, bà cho là vô bổ. Bà rưng rưng khi nhớ lại ông ngoại bà suốt ngày còng lưng chỉ để chăm chút khoảng rau non nhỏ như tấm đệm. Ông miệt mài làm từ sáng đến chiều, vạch từng cái đọt con con để tìm trứng sâu hay nhổ đi những cọng cỏ mới chớm bám li ti trên đất. Bà thường bực mình trước cảnh ấy. Có một lần, bà giận dỗi nói: “Ngoại cứ làm chuyện gì đâu không. Gì chứ bao nhiêu đó để con làm không tới ba phút”. Ông chỉ cười buồn: “Ăn uống gì đâu, cho vui vậy mà!”.
Con qui ngủ từ lúc sáng sớm bà đi chợ, giờ mới lục đục thức dậy. Nó từ gầm giường chui ra, ì ạch bò đến, quào quào vào chân bà. “Sao không ngủ nướng nữa đi, quỷ nhỏ?” - Bà nhẹ nhàng ôm nó vào lòng, nựng nịu. Giơ bốn bàn chân tí xíu, nó chạm vào khuôn mặt bà. Để mắt theo dòng chữ ngoằn ngoèo trên mai của nó, hồn bà như thả tận đâu đâu. Đám cưới con nhà nghèo, kỷ vật của ông Kim tặng bà chỉ là nó. Trong đêm tân hôn, ngoài trời cơn mưa vần vũ, bắn những giọt nước vào tấm phên thưa, bà nhẫn nại cầm ngọn đèn dầu soi cho chồng khắc tên của hai người trên chiếc mai của nó. Ông đã nói: “Tụi mình sẽ sống mãi cùng nó”. “Lỡ có người bắt mất thì sao?” - Bà ngước mắt nhìn ông. “Nó linh thiêng lắm. Coi chậm chạp vậy chứ nó biết tránh mọi tai họa sắp xảy ra” - Ông mỉm c ười hiền hậu và ân cần dúi nó vào tay bà. Cho đến bây giờ, bà vẫn không thể nào quên cái cảm giác sợ sệt pha lẫn thích thú khi làn da bà chạm vào sinh vật nhỏ nhắn kia.
Hai đầu gối gần chạm tai, bà ngồi thu lu và ngó mông lung ra cửa. Cánh đồng qua mùa gặt trơ gốc rạ, xám ngoét trải dài đến tận con sông Tiền. Cả một quãng đời tuổi thơ và đến khi đã ở vào tuổi xế chiều, bà đã gắn bó với con sông này. Ngày ấy, bà yêu ông Kim ở tính lầm lì, ít nói nhưng cương quyết, và điều quan trọng hơn cả là ông có nụ cười khiến mỗi khi nhắm mắt lại bà vẫn như nhìn thấy trước mặt. Hàng tuần, vào chiều Chúa nhật, bà hì hục chèo ghe đưa ông sang học trung học tại Mỹ Tho. Đó là những ngày hạnh phúc nhất đời bà, những ngày mà trong cõi lòng của một người thiếu nữ đang yêu chỉ có bóng hình của ng ười ấy.
Về làm vợ ông Kim được hai năm, bà vẫn không hề biết chồng tham gia hoạt động cách mạng. Đó là thời kỳ đen tối của cách mạng miền Nam. Bà áng chừng năm đó là năm 56. Ông không nói. Bà không hỏi. Thỉnh thoảng, bà thấy chồng dẫn về dăm ba người khách lạ và kéo vào trản - xê bàn tính chuyện gì đó thật bí mật. Trong linh cảm sâu xa của một người vợ biết lo lắng cho chồng, bà lẳng lặng ra cạnh đống rơm ngồi canh gác. Riết rồi bà trở thành người bảo vệ cho các cuộc họp quan trọng của huyện ủy lúc nào bà cũng không hay. Bước đầu tiên bà đến với cách mạng âm thầm như thế đó. Sau này, mỗi khi thấy bóng người xuất hiện phía xa, bà chỉ cần cất tiếng gọi to: “Qui ơi, về ăn cơm, qui ơi!” thì trong nhà ông Kim đã hiểu.
“Mày định phá phách gì nữa đó, qui?” - Con qui tuột khỏi tay bà từ lúc nào. Nó chúi đầu vào đống trấu bà dành để trồng gừng và bới tung cả lên. Quá đà, nó lật ngửa người và giơ những bàn chân chòi đạp, cầu cứu. Bà lắc đầu, kéo ống tay áo chùi những giọt nước mắt đã khô đọng trên trên mặt rồi nhẹ nhàng đỡ nó lên, tay quất nhẹ vào mai nó như đánh đòn. Nó khôn ngoan chui vào trốn trong cái nồi bể. Người xưa nói, loài qui sống rất dai, dễ có đến mấy trăm năm. Đời người ngoảnh đi ngoảnh lại thì đã về làm bạn với đất. Bà chua xót khi nghĩ đến ngày bà phải xa nó cũng như xa đàn kiến mà ngày ngày chúng hủ hỉ với bà. Hiện tại, bà cảm thấy trong người rất sảng khoái như chưa bao giờ được sảng khoái nhưng từ trong tiềm thức, bà biết trí óc bà đã phát ra tín hiệu sống lần cuối cùng nh ư một ngọn đèn lóe lên bất chợt rồi sẽ tắt ngấm vĩnh viễn.
Bà định bụng ngày mai bà sẽ gởi con qui vào ngôi thánh thất Cao Đài bên kia rạch. Cái nơi mà bà vô tình gặp lại nó cách đây sáu năm. Khi ấy, bà đi cúng rằm, đang đứng cầu nguyện chợt bà nghe nhồn nhột dưới chân. Bà cúi xuống và bắt gặp dòng chữ quen thuộc trên chiếc mai kia. Bà không ngăn được xúc động, òa khóc nức nở khiến mọi người phải bỏ dở buổi đọc kinh. Hiểu rõ sự tình, vị Đầu họ đạo đồng ý cho bà đem con qui về nuôi dưỡng.
Ngày đó, con qui bỏ nhà ra đi sau cái hôm ông Kim bị đưa lên máy chém hồi mùa mưa năm 61. Tính đến ngày bà gặp lại nó cũng gần 30 năm. Ba mươi năm, hơi hướng của chủ cũ nó vẫn không quên. Riêng bà, mỗi khi nhìn nó, bà cứ ngỡ ông Kim như còn lẩn khuất đâu đây. Bà tin rằng ông chỉ đi dạy học đâu đó rồi chốc nữa sẽ về bên bà. Niềm tin ấy lặp đi lặp lại, ngày này sang tháng khác riết rồi bà cứ ngỡ như thật. Bà cứ ngỡ như vùng quê của bà chưa hề đi qua một cuộc chiến tranh khốc liệt. Bà cứ ngỡ như mình đang rón rén bước từng bước men theo rào, lén vạch tấm vách lá rình xem chồng mình dạy dỗ lũ học trò ra sao để mà tự hào, một niềm tự hào đè nén sâu kín để rồi những khi đi làm lụng cực nhọc, bà đem niềm tự hào ấy ra mà gặm nhấm sung sướng một mình.
Tinh nghịch, con qui lại lén bò ra, ngậm một dúm trấu thả xuống đường đi của đàn kiến. Bà trừng mắt: “Con quỷ! Mày làm chúng đem cơm chậm cho ông, ông đói cho coi. Trưa trờ trưa trật rồi!”. Con qui giả vờ rụt đầu vào, tỏ vẻ sợ hãi. Bà bỏ thêm cho đàn kiến vốc cơm nguội nữa: “Tụi bây đem nhiều cho ông đi!” - Bà cứ ngồi như thế mà nhích dần theo đàn kiến. Sau phút hoảng hồn, bỏ chạy tứ tán vì trò đùa của con qui, đàn kiến đã trấn tĩnh lại và tiếp tục xếp thành một hàng dài, con xuôi, con ngược theo đúng nhiệm vụ đã được phân công. Miệng ngậm những hạt cơm, đàn kiến chạy thoăn thoắt, vẽ thành một đường dài màu trắng trên mặt đất. Con đường ấy chui qua ngạch cửa, vòng qua đống củi rồi dần xuống con đường dốc ra sân. Con qui chắc đã chán, nó thôi chọc phá đàn kiến, lặng lẽ nằm gặm vỏ chuối mà nó vừa tìm được ở hàng hiên.
Ý nghĩ nhờ đàn kiến đem cơm cho chồng đến với bà tự lúc nào bà cũng không còn nhớ. Lúc nào bà cũng nghĩ rằng chắc là khi chết ông đói lắm. Bà còn nhớ rất rõ, khuya tháng sáu năm đó ông Kim nói thèm ăn canh rau co nấu với nấm mối. Sáng sớm dậy quét sân, bà chợt nghe trong gió có mùi nấm mối phảng phất. Bà cắp rỗ, theo hơi gió bà đi về phía vườn hoang. Bà đâu ngờ rằng lần ấy vĩnh viễn bà không còn được gặp mặt ông nữa. Lũ giặc ập đến theo lời khai báo của một tên chỉ điểm, ông không thoát kịp xuống hầm.
Bên mâm cơm có món canh rau co nấm mối, bà cứ chống đũa chờ ông. Đến khi bà hay tin thì đầu ông đã nằm lăn lóc nơi phố chợ, cạnh những vũng nước tù đọng, tanh nồng mùi máu và cá ươn. Từ đó, bà trở nên điên loạn. Bọn giặc bắt bà về quận, thay nhau hãm hiếp rồi tống bà ra đường trong cảnh xác xơ, tiều tụy, áo quần rách nát. Chúng muốn biến bà thành tấm gương để đe nẹt những người đàn bà có chồng theo cộng sản.
Chứng bệnh ngủ ngồi đến với bà trong những tháng ngày điên loạn đó. Với thân hình tả tơi, bà lang thang hết nơi này đến nơi khác kêu gào bọn giặc hãy trả lại chồng bà. Cho đến bây giờ, không kể lúc điên, mỗi khi nằm xuống giường là bà luôn mơ thấy những giấc mơ hãi hùng. Bà mơ thấy một lũ người, mặt mày như ác quỷ đang ngồi nhai rau ráu chiếc đầu của ông Kim và dăm tên nhào tới xiết lấy cổ bà đến ngẹt thở. Mười lần như một, bà đều bị ám ảnh bởi giấc mơ ấy. Với bản tính của mình, bà cố chịu đựng một thời gian nhưng rồi đến lúc bà cũng không thể chịu nổi. Bà đành ngồi dựa vách mà ngủ.
Làn gió nồm liu riu thổi qua vườn chuối. Vẳng từ đâu đó, một tiếng gà trưa eo óc gáy lẫn với tiếng cá đớp móng ở con mương cạnh nhà, đượm buồn. Bỗng dưng giờ đây, bà Kim mới cảm thấy nuối tiếc vì có lẽ bà sẽ không còn được nghe những âm thanh quen thuộc của miền quê, nơi chôn nhau cắt rốn của bà. Đàn kiến như nhòe đi trước mắt, thay vào đó, bà như thấy vầng trăng bắt đầu lên muộn phía ngã ba sông, thấy đám dừa nước quằn mình trong cơn dông gào thét và tiếng chim cu gù gọi bạn, xa xa.
Trong cảnh tượng mơ hồ ấy, bà đau đớn nghĩ về một hôm nào đó, xa lắc xa lơ, bà mang máng nhớ mình đã sinh hạ một đứa con trong cơn điên. Nó là trai hay là gái bà cũng không biết. Ấn tượng còn lại trong trí bà chỉ còn là tiếng khóc oe oe và hàng rào dây kẽm gai cứa vào da thịt bà tóe máu. Nhiều năm sau này, bà cố moi hết những gì còn sót lại trong ký ức nhưng tất cả chỉ là con số không. Bà đã tìm đến các nhà bảo sanh, các bệnh viện để hỏi nhưng mọi người đều lắc đầu. Họ chỉ chặc lưỡi than: “Chiến tranh mà, ly tán là chuyện xảy ra như cơm bữa”.
Đàn kiến luồn qua bụi cỏ gai rồi men theo luống hoa huệ. Trận bão hôm qua để lại giữa hai luống hoa rãnh nước đầy khiến đàn kiến phải bò ngược qua đầu bờ một đoạn khá xa. Lẽ ra, từ trong nhà, chúng có thể bò tắt theo đường chéo thì rút ngắn được quãng đường nhưng bà không hiểu vì sao chúng lại luôn tuân thủ theo một thói quen kỳ lạ. Đối với bà, rãnh nước không đầy hai gang tay nhưng đối với đàn kiến đó là cả một đại dương bao la, kỳ bí, chẳng dễ gì vượt qua được. Bà quay mặt vào nhà bảo con qui đem đến cho bà một khúc cây nhỏ. Con qui hiểu ý. Nó lê bước đến đống cây mục, tha một đoạn trúc đem đến cho bà. Thế là đàn kiến bỗng dưng có một cây cầu mà chắc trong ý nghĩ của chúng cây cầu là do Thượng đế ban xuống.
Bà bật cười trước ý nghĩ khôi hài vừa thoáng qua tâm trí: “Làm một người dân tốt bụng còn hơn làm một hoàng đế hung ác”. Cũng có một thời gian, bà luôn hoài nghi vào sự tốt bụng của con người. Bà tự hỏi vì sao cũng là đồng loại với nhau mà họ lại đem bom đạn đến tàn sát lẫn nhau.
Bà trở lại làm người sau nhiều năm ăn cơm thừa canh cặn của người đời bố thí. Khi ấy là cuối năm 63, bà thoát khỏi cơn điên nhờ vào vợ chồng người Hoa kiều già tốt bụng, không con ở Chợ Lớn đem về nuôi dưỡng. Đó cũng là ngày anh em Diệm - Nhu bị bọn thủ hạ sát hại. Tác giả của chiếc máy chém dùng để chặt đầu chồng bà đã bị đền tội, bà cảm thấy nguôi ngoai phần nào. Hồi đó, ý nghĩ của bà chỉ đơn giản như vậy.
Con qui bò men theo luống hoa bất ngờ ngã lộn đầu xuống rãnh nước, làm loang ra những vòng sóng, cuốn trôi mấy chú kiến đang vất vả vượt cầu. Cả mấy chục con kiến to đầu chạy qua chạy lại lăng xăng tìm cách cứu vớt đồng loại nhưng rồi chúng đành bất lực. “Cái con này!” - Bà Kim cằn nhằn trước thói trẻ con của con qui. Một tay bà vớt nó, tay kia bà ngắt những chiếc lá thả xuống làm phao cứu nạn.
Bà hiểu tâm trạng của kẻ tuyệt vọng đang trong lúc khốn cùng bất ngờ gặp được chiếc phao. Tỉnh lại sau cơn điên, khi nhớ lại những gì đã xảy ra, bà đã uống thuốc ngủ hòng tìm về bên ông nhưng rồi bà được cứu sống. Đó là những ngày bà sống trong trạng thái trống rỗng, suốt ngày chỉ ngồi trong phòng nhìn mùa đông ảm đạm trôi qua bầu trời cùng tiếng súng nổ rộ từng tràng phía ngoại vi thành phố Sài Gòn.
Ánh nắng trưa cố xiên khoai qua đám mây đen để rắc màu nhàn nhạt xuống vườn cây và cánh đồng. Đó là lúc đàn kiến đã tha mồi đến khu nghĩa địa của làng bên hông nhà bà. Hầu như người dân ở đây đã hai năm nay họ đều quen thuộc với hình ảnh một bà già cứ mê mải ngồi nhích dần theo đàn kiến. Mới đầu họ còn bàn tán, cuối cùng thì cũng thôi. Đi ngang, họ chỉ cất tiếng chào bà. Bà cũng vậy. Bà chỉ ậm ừ trong cổ họng chứ không thèm ngẩng mặt lên. Lúc này, thấy bà đến, lão từ già mới lúi húi chui ra từ căn chòi lụp xụp: “Xã nhờ đưa thư cho chị nè, chị Hai!”. “Thư từ gì nữa đó?” - Bà hỏi chậm rãi khi nhét bì thư vào túi áo. “Thứ Tư tuần tới mấy đứa học trò có buổi sinh hoạt truyền thống, xã mời chị đến kể chuyện”. “Chuyện cũ mà bắt tui kể đi kể lại hoài” - Bà cằn nhằn. Lão từ già cười hề hề rồi lầm lũi bước về phía quán rượu nơi bến đò.
“Kể chuyện? Hừ...!” - Bà lẩm bẩm. Năm nào đến ngày đó họ đều bắt bà kể quanh đi quẩn lại có bấy nhiêu. Mỗi năm trôi qua, câu chuyện kể của bà dường như không còn chút linh thiêng gì đối với bọn trẻ mới lớn. Chúng cứ ngồi nghe và ngủ, như vịt nghe sấm. Bà có cảm giác rằng giờ đây chúng chỉ quan tâm đến một chuyện gì đó khác xa với thời của bà. Bà không hiểu vì sao. Riêng đối với bà, hình ảnh những ngày bà tham gia đội biệt động thành của Khu an ninh T.4 vẫn còn đó, sống động trong ký ức.
Đôi lúc bà cũng tự hỏi rằng thời ấy sao bà làm được những việc mà bản thân bà cũng không ngờ tới. Chỉ một mình, bà đã dám đặt bom làm tan tành một câu lạc bộ sĩ quan Mỹ ở Biên Hòa vào năm 66. Cảm giác lúc đó bà còn nhớ là cảm giác hả hê, như một luồng khí bị nén đột nhiên nay lại cháy bùng lên. Cho đến năm 67, bà bị giặc bắt được vì tội ném lựu đạn vào đoàn xe của tùy viên quân sự Mỹ. Lựu đạn không nổ, gã tùy viên quân sự chỉ một phen hoảng hốt còn bà phải lãnh cái án khổ sai chung thân và bị đày ra Côn Đảo.
Đàn kiến chậm chạp leo qua ngôi mộ đất, cố vẽ con đường sống mảnh mai trên mặt đất bao la. Giữa chúng với bà như có một luồng sinh khí chung nào đó mà bà không nhận biết được. Bà chỉ mơ hồ nhận ra ở những lần đàn kiến đến nhà báo hiệu cho bà ngày mai là mưa hay nắng và con lũ hung ác năm nay có tràn về quê bà hay không. Hồi năm 94, nhà bà còn ở mỏm sông tận ngoài kia. Đêm nọ, bà đang ngồi dựa vách, lơ mơ ngủ chợt đàn kiến đông đến hàng vạn con xúm đến cắn vào chân bà. Bực mình, bà đổi chỗ ngồi khác nhưng chúng cũng bám theo. Cuối cùng bà phải đi vào xóm Chợ ngủ tạm. Sáng ra, cả một vùng rộng đến hàng mấy mẫu đất chỉ còn là biển nước mênh mông. Những người dân xung quanh nói đàn kiến đã liều mình tới cứu bà nhưng trong ý nghĩ thầm kín bà tin rằng ông Kim đã sai chúng đến để báo nguy cho bà.
Kể từ hôm đó, ngày nào bà cũng nấu cơm nguội để cho chúng đến mang đi. Bà âm thầm dõi theo đường đi quanh co của chúng và bất chợt bà cảm thấy thú vị khi biết ổ của đàn kiến nằm trong khu nghĩa địa. Bà thích thú trước trò chơi mới lạ này. Có biết bao núi đồi, rừng cây, biển nước nhưng vẫn không cản ngăn được con đường đi tìm cái sống của bọn chúng. Hầu như chẳng bao giờ bà thấy chúng già đi như bà.

Mệt mỏi, bà tựa người vào phần mộ ông Kim. Bà thẫn thờ nhìn vòm me tây đang thả những chiếc lá khô xoay tít trong không trung và trên trời cao mây đang xếp thành hình cõi sa mạc hoang sơ. Những chú ve đầu mùa bắt đầu tấu lên khúc ca rền rĩ.
Con qui nằm phủ phục dưới chân bà. Bà vuốt ve nó mà nước mắt bà cứ trào ra. Tay mân mê dòng chữ khắc trên chiếc mai, bà nhắm mắt mơ màng và thả hồn về một miền nào đó. Nơi ấy, có một người con gái đang ghé mắt qua vách lá, tự hào nhìn chồng đang đứng uy nghi trên bục giảng.
Bến Tre, mùa nấm mối 1997
(trong tập truyện "Tiếng chuông trôi trên sông" - Tặng thưởng Văn học của Hội nhà văn Việt Nam năm 1999)


Xem Tiếp: ----