Chương 3

     a khỏi nhà Dũng, Loan cắm đầu đi men theo va hè thành phố, quên cả mưa gió ướt lạnh. Có người phu xe đặt xe mời, nàng lên và bảo kéo về phố Mới là phố nàng ở.
Ngồi trên xe phủ mui kín, Loan thấy tâm hồn chán nản, tưởng như không bao giờ còn gặp Dũng được nữa. Nàng cho rằng lúc nàng bước xuống thang gác là lúc bắt đầu cuộc phân ly vĩnh viễn, nàng đi về một cảnh đời, mà Dũng đi về một cảnh đời khác, hai người càng ngày càng xa nhau mãi.
Bỗng nàng cất tiếng bảo người phu xe:
- Xe, quay trở lại.
Người phu chưa kịp hãm, nàng lại nói luôn:
- Nhưng thôi cứ kéo thẳng.
Nàng toan trở lại, vì nàng vụt có cái ý tưởng táo bạo định ngỏ cho Dũng biết rằng nàng yêu Dũng, rồi sự thể muốn ra sao nàng cũng mặc. Nhưng nàng nghĩ viết thư tiện hơn, nên lại thôi.
Loan về đến nhà thì ông Hai, bà Hai còn ngồi bên mâm cơm chờ con. Thấy trên mặt phản có quả chè và mâm cau, Loan vờ như không để ý đến, cởi khăn san vắt lên ghế, rồi ngồi vào bàn ăn, gượng tươi cười nói với mẹ:
- Con lại đằng chị giáo vui câu chuyện nên về chậm nên thầy mẹ phải đợi cơm.
Bà Hai mắng yêu:
- Con gái hễ đi đâu là kề cà hết buổi.
Rồi nhìn con nói tiếp:
- Từ rày tôi không muốn cô lại chơi nhà cô giáo Thảo nữa, nghe chưa? Cô ấy tân thời lắm.
Loan đáp:
- Nhưng con còn tân thời hơn chị ấy thì cũng chẳng sợ gì nhiễm tính nết.
Loan thấy xoay về câu chuyện mới cũ, câu chuyện mà hai mẹ con không bao giờ đồng ý nên vội nói lảng qua chuyện khác. Bà Hai chẳng qua biết Dũng hay lại chơi đấy và thấy con mình có ý thân với Dũng, nên thác ra cớ cô giáo tân thời, để không cho con gái mình gặp Dũng nữa.
Nhìn đĩa thịt quay đầy ở trên mâm, Loan mỉm cười nghĩ thầm:
- Thịt quay mình đây. Bây giờ cứ mỗi nhà quen, trong mâm tất có món thịt quay. Mỗi nhà một miếng thế là đối với cái xã hội nhỏ này mình đã nghiễm nhiên và vợ Thân, là con dâu bà Phán Lợi. Đố chạy đâu cho thoát.
Ông Hai, bà Hai bữa cơm ấy ăn rất ngon miệng, vì thấy Loan vui vẻ chứ không mặt ủ, mày chau như mọi lần khi nhà trai đến sêu tết. Ông bà mừng rằng con mình đã ưng thuận.
Thấy mẹ săn sóc đến mình một cách âu yếm hơn mọi ngày, thấy vẻ mặt mẹ mình hớn hở vui tươi. Loan cảm động nghĩ thầm:
- Mẹ ta sung sướng. Nhưng cớ sao cái muốn riêng của mẹ ta lại không hợp với cái ý muốn riêng của ta, để ta có thể làm cho mẹ được sung sướng mà không khổ sở.
Cả ngày hôm ấy, Loan vẫn làm ra bộ vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng lúc nào nàng cũng tự hỏi:
- Sao nhà trai đến hỏi mà thầy mẹ lại không bảo mình lấy nửa câu. Thế thì mình có hay không có ở nhà này, mình lấy chồng hay ai lấy chồng?
Mỗi lần bà Hai gọi Loan đến, Loan lại tưởng bà Hai sẽ nói chuyện với nàng về việc đó. Nhưng không, bà chỉ gọi Loan để sai bảo vặt vãnh hay hỏi những chuyện đâu đâu.
Buổi chiều khi ăn cơm xong, bà Hai bảo con:
- Con đi với mẹ ra phố hàng Đào.
Loan hỏi:
- Thưa mẹ, mẹ muốn mua gì cơ ạ.
- Mua ít vải may áo cho cô... Cô ưa thứ nào thì đi với tôi mà chọn.
- Nhưng thưa mẹ, con đã đủ áo mặc chẳng cần phải mua thêm, tốn tiền.
Bà Hai nói:
- Nhưng lúc cần tốn thì phải tốn. Con thích nhung hay gấm?
- Thưa mẹ, con ghét cả hai thứ. Ăn mặc xuềnh xoàng thế nào xong thôi; vì những áo cũ của con còn dùng được vài năm...
Bà Hai ngắt lời:
- Cái cô này gàn lắm. Thôi, mặc áo rồi đi không có lại tối.
Loan vẫn vờ ngây thơ hỏi:
- Nhưng may rồi để đấy, không bao giờ mặc đến thì mất tiền toi vô ích.
Bà Hai gắt:
- Cô này định trêu tôi đấy à?
Loan trả lời vắn tắt:
- Thưa mẹ, không.
Rồi nàng cúi đầu yên lặng một lúc lâu. Bà Hai đoán là con sắp giở chứng, vội dịu lời bảo:
- Thôi cái đó tùy cô.
Loan ngửng đầu nhìn thẳng rồi thong thả nói:
- Vâng thì xin mẹ để tùy con, và nhân thể mẹ để tùy con định có nên lấy chồng hay không nên lấy chồng. Con đã nhiều lần thưa với mẹ rằng con không thể...
Bà Hai giận dữ:
- À, cô không thể... Cô phải biết cô lớn rồi, cô phải biết nghĩ chứ!
Loan vẫn ung dung từ tốn:
- Thưa mẹ, chính vậy. Chính vì con lớn, con biết nghĩ nên con mới thưa cùng mẹ rằng con không thể về làm dâu nhà ấy...
Bà Hai nói:
- Dễ thường cô tưởng chuyện chơi sao?
Loan đáp:
- Không, con không cho là chuyện chơi. Con cho là một chuyện rất quan hệ trong đời con, mà chỉ quan hệ đối với con mà thôi.
- Còn tôi? Ra cô không coi lời hứa của tôi vào đâu cả.
- Thưa mẹ, sao mẹ hứa với người ta, trong bao nhiêu năm mẹ nhận lễ của người ta. Nếu mẹ nghe con ngay từ trước? Người ta đến ăn hỏi, mẹ cũng cứ nhận, lỗi đó không phải ở con, vì mẹ không cho con hay. Việc của con mà thầy me coi con như là không có ở nhà này.
Bà Hai vẻ mặt hầm hầm:
- À, ra bây giờ cô lại mắng cả tôi. Phải, tôi tự tiện, nhưng cô phải biết, vì lẽ gì nên tôi mới tự tiện chứ. À ra mất tiền cho ăn học, để cô văn minh, cô về cãi cả bố mẹ... Hỏng!...
Bỗng thấy chồng đi qua hiên, bà Hai lên tiếng:
- Này ông, ông lại xem con ông nó mắng tôi kia kìa.
Ông Hai quay lại mắng con:
- Không được hỗn;
Loan nhìn ra đáp:
- Thưa thầy con không hỗn. Không bao giờ con dám vô lễ với mẹ con. Nhưng ít ra mẹ con cũng để con nói chuyện phân bày phải trái về việc rất quan hệ đến đời con.
Ông Hai nghiêm nghị nhìn con rồi bảo:
- Việc ấy thầy mẹ định rồi và sẽ lo liệu thu xếp cho cô, cô không phải bàn. Cái thói ở đâu, hễ mẹ nói câu gì là cứ mồm một mồm hai cãi trả lại xa xả. Văn minh vừa vừa chứ, người ta mới chịu nổi!
Loan cúi đầu ngẫm nghĩ một lát, rồi nàng nói giọng cương quyết:
- Thưa thầy me, thầy me cho con đi học, thầy me không thể cư xử với con như con vô học được nữa. Không phải con kiêu ngạo gì, đó chỉ là một sự tự nhiên. Lỗi ấy không ở con. Phân bày phải trái với bố mẹ không phải là bất hiếu như ý con tưởng.
Thấy me ứa nước mắt khóc, Loan quay lại nói riêng với bà Hai:
- Thưa me, con xin lỗi me đã làm me phải phiền lòng. Nhưng còn hơn là để me buồn khổ mãi mãi. Nếu con không cắp sách đi học, con sẽ cho lời me là một cái lệnh không trái được, con sẽ như mọi người khác bị ép uổng, rồi liều mình tự tử. Đó mới là bất hiếu. Chớ nói rõ để me biết chỉ làm phiền lòng me chốc lát mà thôi. Thầy me giận con, vì thầy me không thể tưởng tượng được rằng làm phận con lại dám cả gan trái lời bố mẹ. Con cho thế mới là phải đạo.
Ngưng một lát, Loan nói tiếp:
- Vâng, con nhận rằng con mới quá, nhưng con đã đi học, không thể không cư xử theo sự học của con được. Bây giờ thì tùy quyền thầy me.
Ông Hai, bà Hai tuy thấy con nói có lý, nhưng không khỏi ngạc nhiên, lo sợ. Ông bà mang máng thấy con mình xa cách hẳn mình, thành một người ở xã hội khác hẳn cái xã hội Việt Nam bình thường... Ông Hai, bà Hai thuộc về hạng trung lưu, vốn sinh nhai về nghề buôn chiếu, chỉ biết theo những tục lệ của ông cha để lại, không hề để ý đến rằng ở trong xã hội hiện có một sự thay đổi to tát. Từ ngày cho con gái đi học, ông bà mới dần dần tiếp xúc với sự thay đổi đó. Đến nay, trước một việc quan trọng, ông bà càng cảm thấy rõ và lo sợ mà nhận ra rằng con mình không cùng một quan niệm về cuộc đời như mình nữa, cách biệt xa lắm.
Thấy bà Hai vẫn ngồi xoay mặt vào tường nức nở khóc, Loan đứng dậy lại gần thưa:
- Dẫu sao thầy me cũng chớ nên phiền muộn. Rồi con sẽ nghĩ lại và con sẽ trình bầy thầy me biết ý con nhất định về việc ấy ra sao.
Loan nói vậy là vì nàng biết rằng bà Hai cứ dùng nước mắt để là xiêu lòng nàng, rồi nàng không nỡ nào trái lệnh, dẫu đời nàng phải tan nát đi chăng nữa.
Lúc bước lên thang gác, Loan tự hỏi:
- Đã biết rồi không trái lệnh được, nhưng mình lại cứ muốn tìm lẽ để nói trái lại lời bố mẹ. Vì cớ gì vậy?
Nàng vẫn không tìm được câu trả lời, khi lên tới buồng ngủ, Loan khóa cửa lại, ngồi vào bàn, thẫn thờ giơ tay vớ mấy quyển sách học cũ, tìm quyển nào thừa giấy trắng. Nàng chép miệng nói một mình:
- Thì liều xem sao?
Ý nàng định viết thư cho Dũng. Nàng xé một tờ giấy trắng rồi như người sợ công việc mình làm, nàng cắm đầu viết; vì nàng không còn can đảm nữa.
Anh Dũng,
Nhưng mới viết được hai chữ đó, Loan ngừng lại, mím môi cắn đầu bút chì, ra dáng nghĩ ngợi. Nàng toan viết thư, ngỏ cho Dũng biết rằng nàng yêu Dũng như khi ngồi trên xe nàng đã định, nhưng nay sắp viết, nàng mới biết là không thể được. Rồi như người liều không cần nghĩ đến những sự xảy ra về sau, Loan viết mấy câu và cố ý làm cho chữ nguệch ngoạc:
Em van anh, anh đừng đi vội. Anh ở lại ít lâu nữa. Em có một chuyện rất quan trọng cần nói với anh trước khi anh đi. Anh trả lời ngay cho.
Loan.
Loan không dám đọc lại, lấy phong bì cho vào cẩn thận, và gọi con Sen, sai mua tem bỏ ngay thùng thư.
Lúc con Sen ra khỏi buồng, nàng mới nhận thấy mấy câu nàng viết trong thư là không có nghĩa là gì cả. Bảo Dũng ở lại...? Nhưng rồi sẽ ra sao, sẽ kể chuyện gì với Dũng, Loan cũng chưa biết. Tuy nghĩ vậy, nhưng Loan cũng không gọi con Sen để lấy bức thư lại.