Tin Anh mất đến với tôi như một luồng điện giật, tôi không tin chính tai tôi, không thể nào, không thể nào, tôi lịm người, tôi tái tê và rồi oà khóc như chưa bao giờ được khóc.
Nguời Anh cả của một bầy mười hai anh em nay không còn nữa, Anh đã đi xa, một chuyến đi thật xa không có ngày về. Một chuyến đi của nghìn trùng xa cách!
Anh chào đời tại Hà Nội vào mùa đông năm Ất Dậu, cái năm mà cả nước tang thương vì đói. Là con đầu, cháu sớm nên Anh được cả nhà nâng niu, Bố Mẹ tôi coi Anh như vàng, như ngọc, còn Bà Nội thì hoan hỉ vì có cháu Đích tôn để nối dõi tông đường.
Chưa được đầy năm, gia đình tôi cũng như những người dân Hà Nội khác phải bồng bế nhau ra khỏi thành phố, suốt hơn năm trời chạy loạn Anh được ngồi trong cái thúng ở một đầu quang gánh còn cái thúng đầu kia chất chăn chiếu mùng màn... Cuối năm 47 cả gia đình phải quay trở lại Hà Nội vì không chịu nổi lam sơn, chướng khí, đem theo thêm một hài nhi đỏ hỏn là tôi.
Tôi nhớ rất nhiều kỷ niệm với Anh, ông anh tính nết lộc tà, lộc tộc mà Bà Nội tôi gọi là "chú gà tồ", chú gà tồ từ thuở bé đã hiên ngang, chí khí, chơi với bọn trẻ con luôn làm thủ lãnh, luôn làm anh hùng. Tôi nhớ có lần anh chơi trò cờ lau tập trận, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân, dẹp xong loạn lạc, được công kênh vạn tuế, Đinh Bộ Lĩnh về nhà lãnh roi mây vì Bố tôi không chấp nhận ra đường đánh nhau.
Những ngày tháng êm đềm ở Hà nội hai anh em tôi hay sang nhà Cô Trưởng, chị lớn của bố tôi chơi với mấy người anh họ. Cô tôi kể cho Anh về gia phả, dòng tộc, cô dạy Anh việc thờ cúng tổ tiên. Thỉnh thoảng cô đi hầu đồng lại dắt anh em tôi theo, chúng tôi thích nhất lúc được thánh phát lộc, chia nhau những phẩm oản màu, những quả hồng, quả na, những tờ giấy tiền mới toanh xếp hình con bươm bướm. Những buổi chiều hè mấy anh em dắt nhau ra bờ hồ rồi quanh về phố Huế ăn kem Cẩm Bình, hoặc được cô cho tiền đi Ấu trĩ viên bơi lội, đi rạp Long Biên xem phim Charlot, Anh Gầy anh Béo và Zorro bit mặt … Tuổi trẻ hồn nhiên, vô tư, chúng tôi thở hít không khí của đất ngàn năm văn vật, cặp mắt thơ ngây đã thu vào đó hình ảnh yêu kiều của liễu rũ hồ gươm …
Ngày mới di cư vào Nam, Anh đã phải đương đầu với bọn trẻ Nam kỳ chạy theo choc ghẹo: “Bắc kỳ ăn cá rô cây “, Anh không nói nhiều, kiếm thằng to đầu nhất trong bọn dí đầu xuống đánh cho một trận nhừ tử, thế là yên. Ít lâu sau mấy thằng Bắc kỳ với mấy thằng Nam kỳ đã thành bồ tèo cùng nhau đánh đáo, tạt lon, bắn bi … Anh tôi là thế, rất là kẻ cả và rất anh hùng.
Khi lớn hơn một chút Anh đã có những đam mê. Gia đình tôi có lệ bữa cơm là phải có mặt đông đủ cả nhà. Ai về trễ không có lý do chính đáng là bị đòn. Anh đá banh rất giỏi, khi ra sân trong đầu Anh chỉ còn có trái banh và làm sao để ghi bàn thắng. Tôi nhớ có lần Anh tham dự một trận đấu ngang ngửa, gay go, cuối cùng Anh đã dành được điểm thắng cho đội mình. Anh ở lại để reo hò, ca mừng chiến thắng, quên cả giờ về ăn cơm để rồi khi Anh mồ hôi nhễ nhại ôm banh về Bố tôi đã đón sẵn ở cửa cho một trận đòn nên thân. Hôm sau, sáng chủ nhật, Bố tôi dắt bầy con đi ăn phở, có ông hàng xóm mê bóng đá sang bắt tay Bố tôi, ca tụng anh cầu thủ, nói " Cháu Dũng nhà ông đá banh thiệt là hay, hôm qua chúng tôi được xem một trận banh quá đã ". Anh ngồi cúi mặt nín khe.
Bố tôi rất thương anh con cả mà ông gọi là " Anh con so". Anh con so phổi bò, ruột ngựa, tính nết bộc tuệch, bộc toạc, chẳng biết mưu mẹo gì. Vì thương yêu nên Ông muốn cho Anh nên người. Nhà con đông, ông cho Anh là cái đầu máy của chiếc tàu dài nhiều toa nên ông càng kềm cặp chặt chẽ. Quan niệm của Ông đối với con trai là yêu phải cho roi cho vọt nên Anh đã bị những trận đòn thật đau trong thời thơ ấu chỉ vì cái " gà tồ" và cái " con so" của Anh.
Đến tuổi mười sáu, mười bảy, anh chưa có đào, em chưa có kép, tối Noel rủ em gái đi dạo phố. Anh thì cao gần thước tám, em thì lùn, ráng đi guốc cao, chải đầu phồng tướng để cho đẹp đôi, đến lúc đau chân ngồi xuống nhăn nhó, Anh đã chẳng thương xót còn tương cho một câu " Ai bảo thiếu thước tấc! ". Thật là vô tâm!
Anh yêu trẻ con và thích gia đình, con trai thanh niên mà hay dắt mấy đứa em bé đi chơi, Anh để Phương Nam, cô em gái nhỏ, ngồi trên vai khi xếp hàng mua vé xem xinê, sau đó Anh cho ra công viên ngồi ghế đá, mua kem cho ăn.
Bố luôn nhắc nhở Anh trách nhiệm của anh trai cả, phải học giỏi, phải làm gương, phải tốt nghiêp đại học để còn dìu dắt một bầy em.
Năm Anh thi tú tài phần một là năm đất nước đang hồi dầu sôi, lửa bỏng, con trai mà thi rớt là bị gọi động viên. Bà Nội, Bố Mẹ và cả nhà tôi xúm lại phục vụ Anh để Anh lo học. Đến ngày đi thi, Bố thấp thỏm đợi chờ. Khi Anh về mặt tươi hớn hở, phưỡn ngực, oang oang:" Đề thi dễ quá, vừa xem xong là con phóng bút ". Đến khi xem bảng chẳng có tên, Bố thở dài sườn sượt: " Con phóng bút quá, phóng cả ra ngoài rồi! ". Cả nhà lại lo sửa soạn hầu hạ để cậu ấm thi kỳ hai. Bà Nội ngày nào cũng tự tay pha cho Anh một ly cối sữa đá, Mẹ dặn chị người làm phải nấu đồ bổ cho Anh, nào là “bí tết “, nào là khoai tây chiên … xung quanh bàn học của Anh dán đầy khẩu hiệu " Phải học để thi đỗ ". Cũng may là kỳ đó Anh có tên trên bảng vàng, cả nhà được đi chợ cũ ăn cơm tây còn Bà Nội thưởng ngay cho Anh một chiếc velo solex mới.
Câu chuyện vui này vẫn được nhắc lại để trêu Anh trong những lần hội họp gia đình.
Năm 63, năm Anh sửa soạn thi tú tài hai thì cả Sài Gòn sục sôi vì việc đàn áp Phật Giáo. Tuổi trẻ giao động mạnh vì sự hy sinh của Quách Thị Trang, về sự tự thiêu của Thày Thích Quảng Đức. Chúng tôi trải qua giai đoạn thật kinh hoàng. Mặc dù Bố ngăn cấm không cho chúng tôi được lao vào những cuộc tranh đấu của Sinh viên, học sinh nhưng trước khí thế ngùn ngụt của tuổi trẻ, chúng tôi vẫn lao mình theo để rồi về nhà lại ngơm ngớp lo mật vụ đến tìm bắt.
Năm đó Anh đậu ngay và Bố đã sửa soạn nộp đơn cho Anh đi du học.
Đầu năm 64 Anh lên đường, Bà Nội, Bố Mẹ và mấy người em lớn ra phi trường tiễn đưa Anh. Nhìn chiếc phi cơ có Anh trong đó bay vút lên cho đến khi chỉ còn là một chấm nhỏ trên nền trời xanh, mắt tôi thật cay. Mười tám tuổi, chưa một lần xa gia đình mà một mình đi tới một nơi hoàn toàn xa lạ, xa tít mù khơi...Anh như chiếc thuyền con bỏ ngòi ra biển, một mình chống chọi với phong ba, bão táp. Chiếc thuyền con ấy có những lúc thật cô đơn và nhớ nhà, trong những lá thư Anh viết bao giờ cũng kết luận bằng câu " Bà ơi, Bà giữ gìn sức khoẻ, con sẽ về, con nhất định sẽ về... " Lần nào đọc thư Anh Bà cũng khóc vì nhớ, vì thương, Bà lại đến bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên để cầu xin sự che chở phù hộ cho cháu yêu của Bà.
Năm đệ nhất Chu Văn An, Anh có quen một cô gái thật xinh, ngoan, người Công giáo. Có thể đó là mối tình đầu thơ mộng của Anh vì qua Nhật ký Anh để lại, Anh đã kể những lần hẹn hò, những lần cùng cô ta đi lễ nhà thờ, những tâm sự giữa hai người về vấn đề tôn giáo, những xung đột nội tâm, Anh nghĩ đến trách nhiệm của con trai trưởng, người phải lo nhang khói, thờ phụng sau này nên Anh đã cắt đứt mối liên hệ ấy.
Hơn một năm sau Bà mất. Anh viết thư về nói Anh đã lang thang khắp thành phố Paris ban đêm để nói chuyện với Bà, tạ lỗi những lúc làm Bà buồn bực và nhớ những buổi tối Anh em tôi ngồi sau lưng Bà, trước bàn thờ Phật để nghe Bà tụng kinh.
Sau 75, vì vận nước nổi trôi, gia đình phân tán; Anh ở bên Pháp, Minh Thuận, Vân Hạnh và Tuấn bên Mỹ, gia đình còn lại kẹt ở quê nhà, Cha tôi, chồng tôi phải đi cải tạo ở chốn lao tù. Năm 76 Anh sang Mỹ đoàn tụ với mấy em. Sau nhờ sự tháo vát, đảm đang và hy sinh của Mẹ, các em tôi từng đứa, từng đứa được Mẹ thu xếp để vươt trùng dương. Mãi đến năm 80, gia đình nhỏ của tôi cùng Thiên Hương và Minh Duy mới lên chiếc thuyền con lênh đênh vượt biển.
Cha mẹ không có mặt, Ông anh cả còn độc thân phải quyền huynh thế phụ, đứng ra gả chồng cho hết đứa em này đến đứa em kia rồi vào nhà bảo sanh để chào mừng sự ra đời của từng đứa cháu. Anh có phong cách của một Parisien hào hoa, phong nhã, tính tình rất phóng khoáng, cởi mở, chân thật; biết bao người đẹp đã đi qua đời Anh mà Anh vẫn không tìm ra được một Hồng nhan tri kỷ. " Chú gà tồ " của Bà, " Anh con so" của Bố vẫn độc thân và vẫn lộc ngà, lộc ngộc. Mỗi lần về tụ họp Anh vẫn nằm duỗi chân tay cho bầy em gái xúm vào hầu, đứa thì làm "facial", đứa đấm lưng, tẩm quất, đứa cắt móng chân, móng tay... Chúng tôi rất thương Anh, con người lơ tơ mơ, đầu không đụng trời, chân không đạp đất, lúc nào cũng ôm mộng lớn. Anh là một Kiến trúc sư có tài trong địa hạt chuyên môn, có kiến thức sâu về nhiều mặt. Anh ao ước đem tài năng sẵn có và những điều học hỏi được làm nên những công trình để đời, vẻ vang nước non nhà và lưu danh hậu thế. Nhưng cuộc đời đã không chiều đãi Anh. Tinh hoa là thế, tài năng là thế nhưng mộng ước vẫn không thành.
Lần cuối chúng tôi gặp Anh là dịp Thanksgiving tụ họp đại gia đình, Anh không được khoẻ, sắc mặt không được tươi, Phương Nam đã đấm bóp cho Anh, Vân Hạnh đã lấy thuốc cho Anh. Như những lần họp mặt khác, các vấn đề lại được đưa ra bàn cãi quanh chiếc bàn dài sau bữa ăn. Anh làm sao đấu lý lại với lũ em gái mà Ông Bố tôi thường gọi là mấy con “chào mào mổ khế “. Anh đã bỏ ra ban công ngồi yên lặng, mắt nhìn vào cõi xa xăm, thật buồn...
Những kỷ niệm cũ kéo về làm tôi ngộp thở, như một cuốn phim quay lại cả một đời người. Thật vô thường và thật vô nghĩa!
Bây giờ Anh đã nhẹ nhàng ra đi. Tôi tưởng như Anh đang dang rộng cánh tay, mặt ngửa lên hứng từng giọt sáng và cứ như thế Anh đi vào vùng chói ngợp hào quang …
Đỗ Dung

Xem Tiếp: ----