Con đường không lớn, nhỏ là đằng khác, chỉ vừa đủ hai chiếc xe ô tô lách tránh nhau. Nhỏ nhắn - được trải nhựa phẳng lỳ. Một bên đồng ruộng mênh mông xanh ngát của lúa non, bên này xóm làng tuy thưa nhưng trù phú, mát mắt với vườn cây ăn trái. Con mương hiền hòa, mềm mại như cô gái đang song hành cùng con đường – giống chàng trai chân chất, đôn hậu. Dòng mương và con đường được gắn kết từ ngàn đời. Tôi lên đoạn này như một sự tình cờ, cũng như tình cờ gặp một chuyện bực mình. Âu đó cũng là luật bù trừ của tạo hóa.
Một cô gái với chiếc xe bị chết máy đang hý hoáy sửa. Tôi dừng lại và biết ngay cô bé này chẳng hiểu tẹo nào về máy móc. Tôi dựng xe nhìn đoạn đường rồi nhìn cô bé: “Tôi có thể giúp được gì không?”  Chẳng thèm nhìn lên, cũng chẳng trả lời. Tất nhiên tôi có thể không hỏi thêm và cho xe chạy, nhưng nhìn đoạn đường vắng, hơn nữa có khi cô gái chưa nghe. Lúc vui, con người dễ độ lượng. Tôi kiên nhẫn:
Để tôi sửa cho…
Không…cần!
Mặt đỏ rựng lên, đôi tai lùng bùng, tôi toan phóc lên xe phóng vọt tới cho gió xua tan cái nóng vừa bị dội vào. Nhưng nghĩ sao tôi lại chưa đi vội, phải “bồi” cô ta một câu…cho đã tức! “Hãy ngồi đó với chiếc xe của cô đi!” Chưa dứt câu tôi cho xe lao vút về phía trước. Gió mát đã “hạ hỏa” nhanh chóng. Tôi cho xe chạy chầm chậm, đưa mắt nhìn quanh, chẳng thấy bóng dáng một chỗ sửa xe nào. Tính lương thiện, sự bao dung, lòng thương người bao giờ cũng tìm tàng trong mỗi con người nên tay ga tự nhiên cứ nới lỏng dần. Xe chạy như một người đi bộ, tôi đánh vòng quay lui, chặc lưỡi: “Gì thì gì, tội cô bé!”
Từ xa, cô gái cùng chiếc xe vẫn còn chỗ cũ, có khác chăng là giờ lại thêm một chiếc xe máy cùng hai anh chàng. Tôi buột miệng: “Có thế chứ! Con người luôn sống tử tế với nhau” Nhưng rồi tôi lại thấy nghèn nghẹn nơi cổ: “Mình đã làm gì để cô ta…nặng lời thế nhỉ?” Tay lái đã chùng chùng muốn ngừng, nhưng: “Sao lại không sửa giúp mà đứng tán gẫu? Đúng là mấy tên trai choai…! Tôi hơi run một chút, lồng ngực tức một tẹo: “Chẳng lẽ ấn tượng “mình” nhẹ ký đến nỗi…bị xua đuổi từ đầu?” Máu nóng lại bốc lên, xe lướt nhanh về trước: “Dường như không phải hai bên tán chuyện! Có vẻ như cô gái đang…kháng cự những lời nói nhố nhăng” Một phương án nóng được phát ra ngay trong đầu: “Giữa đường gặp chuyện bất bình…ra tay!” Xe dừng “kít” bên kia đường, tôi băm băm đi qua, cô gái mừng ra mặt tiến nhanh về phía tôi. Tôi dõng dạc:
Em lấy xe anh về…
Cô gái trố mắt chưa kịp có phản ứng gì, hai anh chàng choai choai sững cồ: “Mày là thằng nào? Quăng nó xuống mương đi.” “Đánh mập mình nó đi.” Tôi nói dứt khoác:
Chạy về kêu anh Ba, anh Bảy tới đây!
Mấy anh chàng hơi chợn lại một tí, tôi liếc nhanh về phía xóm nhà đằng xa, nằm sâu trong đường nhựa một quãng, có vài người nhìn ra, tưởng bọn choai choai quậy phá. Tôi hơi vững tin, tiến nhanh đến rút chìa khóa xe tụi nó và chỉ tay vào trong xóm: “Chỉ cần hô một tiếng, cả nhà tao sẽ túa ra ngay, tụi bay nhừ đòn.” Nói xong, tôi làm động tác định ném chùm chìa khóa xe xuống mương, hai anh chàng hốt hoảng: “Đừng ném! Đừng ném!”
Có lẽ bọn chúng hết còn dũng khí chiến đấu, mặt mày láo liêng, tôi không mong gì hơn, chìa ra chùm chìa khóa bồi thêm một câu: “Lần sau đừng có dại rớ vào đây nghe… Đi đi!” Hai đứa nổ máy xe dông tuốt. Cô nàng bẽn lẽn nhẹ đến bên, nói rất nhỏ nhưng tôi nghe rõ mồn một: “Em…em cám ơn anh!” Đôi tai tôi nóng ran: “Ừ! Không có chi.” “Bộ nhà anh ở kia à?” “Đâu có! Tôi mới lên đây lần đầu…” “Em cứ tưởng…” “Thế mới tống tụi nó đi được chứ!” Tôi lại xe cô gái "đề" thử - không nổ! Đạp - chẳng một tí hơi hướm "lửa đóm" chi cả. Thọc tay vào "bu ri" dây đằng dây "bu ri" đằng "bu ri". Xong tôi chùi tay đứng lên: “Sao…anh giỏi zị?” Tôi đâm ra lúng túng, mặt mày đỏ ửng như vừa uống ngụm rượu. Không thể cho người ta thấy cái sự…nhát gan, nên tôi chỉ nói được câu: “Thôi, về đi. Chào cô!” Rồi phóng một lèo. Thay vì cua lại đi tiếp theo hướng ban nãy, tôi lại…ngu ngơ chạy về!
 
Sáng nay trời Sài Gòn sáng trong. Cả lớp xách giá vẽ ra công viên Lê Thị Riêng. Tôi chọn một nơi ít ồn ào nhất ngồi…nghĩ vu vơ! “Giá kéo được thời gian trở lại nhỉ? Mà làm gì cơ chứ? – Khùng!” Cái gì càng cố gạt ra nó lại cứ lởn vởn trong đầu, tôi bực mình cầm bút vẽ khoanh một cái đầu to tướng, đặt hai con mắt lệch nhau, cái trợn cái nhắm, miệng thì trề ra như bị ai kéo. Tôi ngước lên nhìn bầu trời qua kẽ lá, định cười một tiếng cho thoát mọi rối rắm, chợt từ bên kia đường một dáng người nhỏ nhắn băng qua, tiến về chiếc xe bán bánh mỳ. Tôi thấy quen quen: “Trời ạ! Cái con nhỏ dễ ghét, sao lại ở đây?” Tự nhiên trống ngực đánh “bùm bùm” rung cả bút vẽ! Tôi thở mạnh một cái rồi đứng lên. Thật lòng đứng lên để làm gì tôi cũng chả biết. Cô gái mua bánh mỳ ngẫu nhiên quay lại nhìn – (con gái trí nhớ có vẻ tốt hơn con trai, còn con trai nhớ vớ vẩn giỏi hơn!) Nhỏ ấy chỉ “khựng” lại một tí rồi đi thẳng về chỗ tôi đang đứng, mỉm cười: “Xin chào! Quả đất tròn anh nhỉ?” “Không ai lại nghĩ sẽ gặp…cô ở đây!” Mắt nhỏ nhìn tôi chòng chọc: “Cái gì?” Tôi biết mình lỡ lời, vội thanh minh - Đây là cách khôn ngoan nhất của các chàng trai: “Tuyệt thật!” Nhỏ như uống được ly nước mía buổi trưa hè: “Anh học thú vị ghê! Thỉnh thoảng vẫn hay thấy bọn anh đến đây… “Nhỏ… À! Cô học trường nào?” Cô gái thân thiện: “Em học Kinh tế.” “…Ở gần đây à?” Vừa hỏi tôi vừa nhanh tay rút tờ giấy vẽ cuốn tròn nhét vào ba lô. Nhưng loáy hoáy thế nào giá vẽ lại ngã ập vô lưng, cuộn giấy lăn tròn, trải ra mặt cỏ dưới chân cô gái. Tôi toan chụp nhưng cô ta đã cầm đứng lên:
Hình gì kỳ cục thế này? Nhưng là lạ, hay hay!
Tôi thật thà đến mức không thể thật thà hơn:
Tôi vẽ cô hôm xe bị chết máy…!
Mắt cô gái long lên dữ dội rồi quay phắt đi một mạch chẳng nói chẳng rằng, quên luôn cả trả lại tôi tờ giấy vẽ!
Thế đấy! tình bạn của chúng tôi khởi đầu bằng những sự không suông sẻ, cứ khục khặc với nhau như chó với mèo. Tôi nghĩ: “Hình như trời sinh ra hai đứa…chỉ để ghét nhau!” Đôi khi “kình” nhau thật vô cớ - “Ngồi nhìn trời mưa, tôi bảo buồn cô ta lại nói…vui!” Đi chơi về xe bị lủng lốp tôi dắt muốn bở hơi tai, thở toàn bằng miệng, cô ấy cho rằng: “Chuyến đi chơi…thích ghê!”
Một hôm, tự nhiên Kiều Thi (tên của cô ấy) hỏi tôi: “Năm nay ra trường, nếu phải đi xa anh có nhớ…ở đây không?” Tôi nhìn bâng quơ hàng cây hai bên đường nhè nhẹ lắc đầu. Kiều Thi đứng lại tròn mắt nhìn tôi rồi nói thật nhanh: “Anh có nhớ…em không?” Tôi từ từ quay lại
Nhớ gì đâu!
Nhớ không?
Không nhớ!
……
À! Ngày mai thứ sáu em có đi Cần Giờ, xuống theo đoàn du khảo không?
Đi!
Nhưng ngày 13!
Mặc kệ
Anh cũng đi…
 
Cả đêm chẳng thể nào ngủ được. Điện thoại bấm lên cứ “ò í e” Kiều Thi giận tôi ư? Chắc thế! Đến nước này dám cô ấy đi thật. Cả hai đứa đều không ưa ngày này nhưng lúc tức lên ai biết chuyện gì xãy ra. Sáng dậy điện thoại vẫn “ò í e” Tôi bực mình: “Đã thế không thèm gọi nữa, không đi nữa! Tôi tắt điện thoại luôn.
 Sống trong tâm trạng ấm ức, bồn chồn nó chẳng ra làm sao. Cứ lững thững, óc ách thế nào ấy. Tối ngồi xem thời sự một cách thờ ơ, bỗng: ‘Một vụ tai nạn ô tô nghiêm trọng xảy ra vào hồi 9giờ sáng nay tại… Những hành khách bị thương được đưa đến bệnh viện huyện Cần Giờ. Rất may không có ai thương vong…” Thôi rồi! Chắc là Kiều Thi đã đi chuyến xe ấy. Tôi mở điện thoại – hết pin! Vội phóng qua bên kia đường vào trạm điện thoại công cọng – không liên lạc được! Tìm số gọi xuống bệnh viện Cần Giờ: “Có một bệnh nhân nữ tên Thi bị tai nạn ô tô nhập viện sáng nay” Sao thế Kiều Thi ơi! Sao em lại như thế chứ? Tôi tức tốc xách xe chạy xuống. Đầu óc như quay cuồng. Hình ảnh em cứ chờn vờn trong tôi.
Tôi đến bệnh viện tám giờ tối. Những người bị nặng được chuyển sang phòng hồi sức, chưa ai được vào. Tôi thẩn thờ nhìn qua làn cửa kính – em đang nằm nơi nào trong những người nằm kia hả Kiều Thi? Sao lại nằm im lìm thế em? Đôi mắt tôi đỏ hoe, lui ra ngồi xuống dãy ghế dọc hành lang. Những thân nhân chưa được vào, kẻ đứng người ngồi. Có một cô gái cùng với người phụ nữ lớn tuổi từ nãy giờ cứ dán mặt vào khung cửa kính phòng hồi sức khóc tấm tức làm tôi cũng thấy cay cay nơi mắt. Những người ngồi bên cạnh nóng ruột thỉnh thoảng lại đứng trước cửa sổ phòng nhìn vào xem có động tỉnh gì không. Tôi toan đứng lên thì người phụ nữ và cô gái thất thểu tiến về phía dãy ghế tôi đang ngồi. Không thể tin vào mắt mình, tôi đưa tay dụi mắt mấy lần: “Ơ hay! Sao lại thế?” Dường như cô gái cũng như tôi, đứng sững sờ như hóa đá. Tôi thốt lạc cả giọng:
Kiều Thi!
Anh Hải!
Tôi lao đến chụp lấy tay bóp mạnh khiến Kiều Thi phải la: “Ái, đau em!” Lúc đó tôi mới thực tin rằng em đang đứng trước mặt tôi, em bằng xương bằng thịt chứ không là ảo giác. Nước mắt chưa kịp khô trên hàng mi, nơi khóe mắt của em. Chợt em giằng mạnh tuột khỏi tay tôi, nói nhanh: “Anh ác lắm!” Và chạy biến vào bóng đêm mập mờ ánh điện. Tôi lao theo.
 
Đêm, bầu trời đầy sao, gió khuya mang hơi lạnh của nước khiến cả hai co người lại. Tôi choàng tay qua vai em, em để yên cho tim mình thổn thức. Tôi siết nhẹ:
Ai biểu em tắt điện thoại…
…Cho bỏ ghét!
Cô gái trùng tên em không biết người thân tới chưa?
Tụi mình sẽ đến thăm cô ấy
Ừ!
Trời lạnh ghê anh nhỉ?
Tôi kéo em thật gần:
Kiều Thi!
Dạ!
Anh… Anh…!
Anh…Dễ ghét!
Phạm Tú Uyên

Xem Tiếp: ----