Bé Tâm xách giỏ ra khỏi nhà chỉ một đoạn ngắn thì đã nghe có ai đó gọi tên mình. Con bé nhìn chung quanh không thấy có ai, định bước đi tiếp thì đã thấy một người xuất hiện ngay trước lối đi. Tâm trố mắt nhìn rồi kêu rú lên: - Cô! Xong con bé lùi lại ngay, bởi nó chợt nhớ chính người này đã hiện lên ở ngôi nhà hoang và đã từng bị mẹ dặn không bao giờ được gặp cô ấy nữa. Mẹ từng nói cô ta là ma mà. Thấy Tâm giương mắt nhìn mình với vẻ sợ hãi, cô gái mặc chiếc áo màu hồng cười tươi, bảo: - Cháu không phải sợ đâu, cô vẫn gặp cháu thường xuyên ở ngôi nhà chứa vật liệu đây mà! Cô là người chớ không phải ma đâu. Nào, để cô đi chợ cùng cháu nhé! Cô ta không đợi Tâm đồng ý, đã kéo tay con bé đi nhanh về phía chợ. Tâm lúc đầu có vẻ muốn từ chối, nhưng chỉ một lúc sau thì tự dưng ngoan ngoãn đi theo. Nhưng thay vì đi thẳng vào chợ, Tâm được dẫn đi về phía bến xe lam gần đó. Vía thì muốn hỏi đi đâu, nhưng không cách nào con bé mở miệng hỏi được. Mãi đến khi nhận biết là xe vừa ngừng lại trước cổng nhà mình, thì Tâm nghe cô áo hồng chỉ tay vào trong và hỏi: - Cháu có muốn gặp lại cha không? Nếu bình thường ai hỏi con bé câu đó, nó sẽ đáp ngay rằng nó không còn cha, bởi cha nó đã chết cách nay hơn ba năm rồi. Nhưng lúc này thì Tâm không thể nói gì ngoài việc bước theo người kia. Đã từ gần một tháng qua Tâm không trở về ngôi nhà của mình, nó vừa muốn cất tiếng gọi mẹ, nhưng lại chợt nhớ là mẹ đang ở nhà bà ngoại. - Ba cháu đang đợi trong kia. Lúc đi ngang qua phòng Hoàng, Tâm thấy rõ Hoàng đang nằm trên giường, nhưng nó không làm sao lên tiếng gọi được. Mà Hoàng thì chừng như không còn tỉnh táo. - Ra nhà kho, ba cháu đang đợi ngoài đó. Tâm bước như theo sự sai khiến của ma lực vô hình. Nó vừa bước vô nhà kho thì chợt nó khựng lại, bởi trước mắt nó là một người đàn ông mình mẩy đang ướt đẫm nước. Người ấy ngước nhìn nó với đôi môi đang mấp máy mà không thốt được tiếng nào. Lúc này bỗng dưng Tâm kêu lên được: - Ba! Người được nó gọi là ba, chợt như bừng tỉnh, cũng kêu lên: - Con! Tâm lao tới muốn chụp vào người đàn ông nhưng bị ngay một cái kéo mạnh làm chới với. Giọng cha nó cất lên: - Cha con ta bây giờ chỉ có thể nhìn nhau thôi, con đừng tới gần đây. Tâm la lên: - Không được, ba đã về với con thì phải để cha con mình ở với nhau thôi. Sao ba không vào nhà? Hay ba nghĩ người đàn ông trong kia là gì của mẹ? Không đâu, anh ta chỉ là khách trọ thôi. - Ba không nghĩ gì đâu. Mà bởi ba chỉ còn nguyên hình hài này khi ở trong này. Còn khi bước ra kia thì ba phải ở trong lốt người khác. Ba giờ đây là một hồn ma! Con bé vẫn gào lên: - Ba là cái gì cũng được. Ba vẫn là ba của con mà! Người đàn ông rơi nước mắt, mà đó hình như là hiếm xảy ra với người như ông ta. - Ba bị nhốt dưới đáy hồ, chỉ mới lên được vài hôm nay. Hồn phách của ba cũng không còn tồn tại lâu nữa, nên hôm nay có thể là lần cuối cha con mình gặp nhau. Ba muốn nói với con một chuyện để con hiểu và cũng để con không quá bất ngờ khi sự việc xảy ra. Con có muốn biết tại sao ba chết không? - Ba! Con nhớ rồi, ba đã bị chết đuối dưới hồ! Mẹ kể là chính mẹ đã nhờ người mò tìm cả mấy ngày liền mà không gặp. Mẹ khóc dữ lắm! Người đàn ông ngửa mặt lên trần nhà, cất tiếng cười nghe bi thảm lạ thường: - Khi người đàn bà họ nói dối thì vậy đó con! Bé Tâm hỏi lại: - Ba nói ai nói dối? - Mẹ con đấy! - Kìa ba! - Con hãy bình tĩnh nghe ba nói. Đã từ lâu rồi sở dĩ ba không về được với con là bởi ba và người mà con gọi là cô áo hồng kia, bị mẹ con dìm và nhốt dưới đáy hồ bằng chính pho tượng đồng mà khi sống ba đã tạc. Con nhớ hai pho tượng Phật Quan Âm không? - Dạ nhớ! Một pho mẹ nói mẹ lỡ tay làm rơi xuống hồ, còn pho nữa thì mẹ giữ bên mình, cho đến hôm rồi mẹ gửi cho chú Hoàng đem về nhà, có lẽ vẫn còn trong nhà mình. - Không phải là lỡ tay đánh rơi xuống hồ mà chính mẹ con đã cột pho tượng đó vào xác của ba với cô áo hồng. Chỉ bởi mẹ muốn hả dạ hận thù, đời đời kiếp kiếp ba không được siêu thoát. Bé Tâm gào lên. Làm sao tin được chuyện mẹ nó làm: - Con không tin! Mẹ nói ngày xưa ba có vợ bé, ba bỏ mẹ ra đi với người đàn bà kia rồi chẳng may chết chìm. - Con hãy nhìn khắp gian phòng này xem, có phải tất cả tượng đồng và tượng thạch cao đều là hình mẫu của mẹ con không? Bé Tâm từ nào đến giờ đâu bao giờ bước vào đây, bởi bị mẹ cấm, nay mới có dịp quan sát, nó kêu lên: - Đúng là toàn tượng của mẹ! Giọng người đàn ông bùi ngùi: - Ba vẫn luôn chủ trương là suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ba chỉ tạc đúng một người mẫu thôi, đó là mẹ của con. Bởi mẹ là tất cả của ba. Nhưng cho đến một ngày kia, khi ấy con vừa mới sinh ra được tròn một năm thì sóng gió nổi lên. Tự dưng mẹ con không chịu làm mẫu cho ba tạc tượng nữa, với một lý do rất khó hiểu là tạc quá nhiều tượng thì khi chết sẽ không đầu thai được. Ba cố thuyết phục, nhưng mẹ con nhất quyết không nghe, mà còn buộc ba phải bỏ nghề điêu khắc, đi làm nghề kinh doanh dễ kiếm tiền hơn. Tất nhiên là ba không bao giờ chịu, bởi cuộc đời ba sinh ra là để cho cái nghề mà ba đã chọn, giá nào ba cũng đeo nó tới cùng! Vậy là mẹ con giận, từ đó thề không bao giờ bước chân vào xưởng làm việc của ba nữa. Bé Tâm cắt ngang: - Vậy sao mẹ nói ba có vợ bé? - Chính con quỷ ghen tuông trong lòng mẹ con đã dựng lên chuyện đó. Và cũng chính bởi lòng ghen tuông mù quáng đó mà dẫn tới cái chết của ba và cả cô người mẫu mới nữa... - Cô người mẫu mới nào? Chỉ ra phía sau, chỗ cô Hồng đang đứng: - Chính là cô này. Số là khi mẹ không chịu làm mẫu nữa buộc lòng ba phải thuê người khác tới, để hoàn thành những tác phẩm mà ba lỡ ký hợp đồng với người ta. Mẹ con ghen với cô người mẫu này, dù là ba và cô ta không quan hệ bất chính với nhau, để rồi những trận đòn ghen vô lối, tàn nhẫn đã ập xuống đầu cô gái chỉ biết đi làm mẫu để kiếm tiền sinh nhai. Rồi cuối cùng con biết chuyện gì đã xảy ra cho cô Hồng và ba không? Không đợi bé Tâm trả lời, ngừng một chút ông kể tiếp: - Một bữa, khi cô Hồng đang đứng làm mẫu trong tình trạng lõa thể tại gian phòng này thì mẹ con ập vô, dùng nguyên một thùng nước sôi tạt vào người cô ấy! Trong lúc cô Hồng giẫy giụa, đau đớn thì mẹ con đã lấy chiếc bao bố dồn Hồng vào rồi lôi cô ấy ra hồ nước. Ba chạy theo không kịp, bởi khi ấy chân ba bị bó bột sau một tai nạn giao thông. Khi ba chạy ra tới hồ thì mẹ con đã dìm cô Hồng xuống giữa lòng hồ. Ba hoảng hốt nhảy đại theo mà quên là mình không biết bơi! Con cũng biết chuyện gì xảy ra rồi... - Sao mẹ không cứu ba lên? - Điều này con phải hỏi mẹ con, chứ ba làm sao trả lời được? - Thế tại sao ba nói mẹ dìm tượng Phật theo? - Lúc sống ba không tin điều này. Nhưng khi chết rồi thì mới hiểu nếu đặt một tượng Phật hay một vật gì hình chữ Vạn lên một thi thể thì người chết sẽ bị khống chế, không thể hiện hồn. Điều đó có nghĩa là mẹ con sợ ba và cô Hồng hiện về báo oán! Nói tới đó thì toàn thân ông run rẩy, thịt da như sắp sửa tan biến. Cô Hồng đứng phía sau kéo Tâm ra, vừa nói: - Cháu ra ngoài này, rồi chút nữa gặp lại ba cháu. Nhưng cô dặn trước, sau đây ba cháu chỉ có hồn phách thôi, còn thân xác là của người khác. Cháu đừng ngạc nhiên. Tâm theo vô nhà mình. Vừa tới cửa đã gặp một người lạ đứng đó. Chính là Toàn, chàng trai đã chết chìm mấy hôm trước. Lúc này chỉ còn giọng nói khiến Tâm nhận ra đó là cha mình: - Con cứ ở lại đây, rồi mẹ con sẽ về. Bé Tâm ngỡ ngàng nhìn cha rồi cô áo hồng, nó muốn biết bây giờ họ là gì của nhau? Chừng như hiểu điều đó, cô Hồng lên tiếng: - Cô và ba cháu mãi mãi chỉ là hai người không liên quan gì với nhau hết. Chỉ có mẹ con hiểu lầm mà thôi. Quay sang cha, Tâm ngập ngừng nói: - Con đâu thể gọi là cha khi người này... - Ba hiểu! Ba chỉ mượn tạm thân xác này không lâu rồi sẽ trả lại cho người ta. Chợt nhìn vào chỗ Hoàng nằm, bé Tâm hoảng hốt: - Hình như chú ấy bị chuyện gì đó phải không? - Chú ấy là ân nhân của cả ba và cô Hồng, do đó con an tâm. Chẳng ai làm gì chú ấy cả. - Như vậy phải chăng mẹ con sẽ bị trả thù, báo oán? - Ba không làm chuyện ấy! Nhưng còn phải chờ thái độ của mẹ con. Tâm thoáng hiểu, nó nói ngay: - Con sẽ nói cho mẹ biết chuyện, khuyên mẹ nên xin lỗi ba, xin lỗi cô Hồng. - Và cả người thanh niên mà ba mượn xác này nữa! Cô Hồng thở dài: - Nếu được như thế thì chẳng có chuyện gì xảy ra nữa. Ba con và cô chỉ muốn yên hồn phách chờ ngày được siêu thoát. Chỉ e mẹ con... Tâm bỗng quay người chạy một mạch ra ngoài, vừa chạy nó vừa nói vói lại: - Con sẽ đi tìm mẹ! Cả hai người đều nói vọng theo: - Khỏi phải tìm, rồi thế nào bà ta cũng tới! Nhưng con bé đã biến mất ngoài đường lớn. Nhà điêu khắc than: - Oan nghiệt đây mà! Chàng trai thợ lặn khó khăn lắm mới tìm được nhà. Vừa thấy chị ta anh chàng kêu giật ngược: - Cô Hường! Người được anh ta gọi là cô Hường chính là chị chủ nhà của Hoàng. Chị vừa thấy anh chàng thợ lặn thì có vẻ hoảng hốt: - Sao... sao cậu tới đây? Sợ có người nhìn thấy, chị kéo vội anh chàng vào nhà: - Vô đây rồi hãy nói chuyện. Vô nhà trong, chị hỏi ngay: - Có chuyện gì vậy? Tôi đã dặn là đừng bao giờ tìm nữa. Cậu không nhớ mọi chuyện giữa tôi với cậu đã sòng phẳng từ lâu rồi sao? Anh chàng hạ thấp giọng: - Pho tượng Phật dưới đáy hồ không còn nữa rồi. Nghe tới đó chị ta phát hoảng: - Sao cậu biết? - Tôi đã lặn xuống đó. Anh chàng thuật lại chuyện mình được thuê lặn tìm xác và nói thêm: - Nhân đó tôi đã mò tìm pho tượng mà ngày trước cô biểu tôi đặt xuống để làm gì đó. Nhưng không hiểu sao bây giờ không còn nữa. Nếu pho tượng đó là vật quý sao cô không cất ở đâu đó trên nhà, mà lại... Hường chận anh ta lại: - Tôi đã trả tiền công cậu hậu hĩnh và cậu chỉ biết vậy thôi. Vả lại cậu đã từng thề độc với tôi là sẽ không bao giờ động tới vật đó mà. Anh chàng thợ lặn nghĩ mình bị hiểu lầm, nên đưa tay lên trời: - Tôi thề độc lần nữa, tôi mà có đem pho tượng đó lên thì cho... Hường cắt ngang: - Đừng thề! Thôi tôi tin cậu. Vậy cậu nói rõ lại cho tôi nghe coi, tại sao ai đó bị chết dưới hồ? - Hình như chỉ là chuyện rủi ro thôi. Nhưng lạ lắm, anh chàng đó mới rớt xuống hồ có một ngày đêm mà thịt đã tan biến hết, chỉ còn lại bộ xương! Hường lẩm bẩm: - Lại một bộ xương... - Ngoài ra tôi còn nghe mấy người đang ở trong nhà cô đang làm điều gì đó như là... Anh ta hạ thấp giọng sát tai Hường: - Tôi thấy con gái cô nữa, nó đang ở đó! Hường xanh mặt hỏi lại: - Nó ở nhà? Không thể được, bởi hôm qua nó đi với bà ngoại về quê cậu nó mà. - Tôi nhìn thấy rõ ràng nó với một cô gái bận áo màu hồng và cả anh chàng mà tôi vớt từ dưới hồ lên nữa! Chính điều đó làm tôi phát hoảng nên mới tìm cô đây. Có chuyện gì đó không hay rồi cô Hường ơi. Hường tin ngay vì biết anh chàng này thật thà. Chị linh tính điều mà lâu nay cứ ám ảnh mình nay đã xảy ra. Chưa bao giờ Hường hoảng sợ như lúc này. - Cậu có cách nào giúp tôi đem con nhỏ về đây không? Chị móc trong túi ra một xấp tiền khá nhiều: - Cầm lấy uống cà phê, miễn sao cậu dẫn con tôi về đây cho được. Cậu làm ngay đi! Thấy thái độ hốt hoảng của Hường, anh chàng định từ chối mà không được. Vừa trả lại tiền anh vừa nói: - Tôi sẽ giúp cô, không tiền bạc gì hết! Rồi anh ta dè dặt hỏi: - Sao cô không về bên đó với nó, hay tự đem nó đi? Không muốn tiết lộ thêm, chị giấu: - Cậu đi ngay giùm tôi đi. Cậu không lấy tiền công thì cũng lấy tiền đi xe. Nhét vội tờ bạc cho cậu ta xong, Hường bước nhanh vào nhà như sợ điều gì đó. Nếu có ai nhìn thấy thì sẽ vô cùng ngạc nhiên, bởi lúc này Hường đang sợ hãi đóng cửa phòng riêng rồi quỳ trước bàn thờ Phật Bà, lâm râm khấn vái. Sau một hồi đứng lấp ló bên ngoài, anh chàng thợ lặn mới đánh bạo bước vô và lên tiếng hỏi: - Có ai trong nhà cho tui hỏi. Không có ai đáp lại! Hình như trong nhà không có người, nhưng anh chàng vẫn hỏi lần nữa: - Có ai trong nhà không? Vẫn im lặng. Anh chàng định thối lui ra thì chợt nghe có tiếng động ở chiếc giường. Anh ta chạy tới thì phát hiện Hoàng đang bị trói chặt chân tay, miệng bị bịt kín bởi dây vải. - Phải anh là... Vừa hỏi anh chàng thợ lặn vừa gỡ miếng vải ở miệng và mở trói: - Ai làm gì anh vậy? Hoàng trong tình trạng rất tồi tệ, không thể ngồi dậy được, nhưng vẫn cố nói nhanh: - Ra ngay hồ nước... cứu... cứu con bé! - Con bé nào? - Con của chị chủ nhà! Nói tới đó thì Hoàng đã quá kiệt sức. Anh chàng thợ lặn hốt hoảng, vừa chạy ra hồ nước vừa gọi: - Bé ơi! Bé ở đâu? Vừa ra tới bờ hồ, anh ta thấy con bé Tâm đang đứng trên thuyền một mình, người nó lảo đảo như say rượu, mắt thì nhắm nghiền và như chực lao xuống hồ. Vốn có sức khỏe, lại bơi giỏi, nên anh chàng không chút chần chừ, đã lao nhanh xuống hồ và bơi ra chỗ chiếc xuồng đang bồng bềnh trôi ra giữa hồ. Nhờ bơi nhanh, nên chỉ trong vòng chưa đầy một phút anh chàng đã theo kịp chiếc xuồng. Cũng vừa lúc bé Tâm như có ai đẩy, đã lao xuống hồ trong trạng thái mất cảm giác. Bằng một động tác nhanh nhẹn, anh thợ lặn nhoài người tới và chụp được con bé khi người nó vừa mới chạm mặt nước. Bé Tâm hầu như đã ngất đi, không hay biết gì. Đưa nó lên bờ xong, anh chàng giật mình khi nghe một tiếng gào thật to từ ngôi nhà kho. Tiếng gào của một phụ nữ... - Ai vậy? Từ ngôi nhà hoang chợt có một người đàn ông bế trên tay một người phụ nữ mặc chiếc áo màu hồng bước ra. - Anh chàng chết chìm! Đúng là anh ta, trên tay anh chàng không ai khác là cô gái áo hồng từ mấy hôm nay. Xem ra họ đang gặp chuyện gì đó... Bởi cô gái thì như đã ngất đi, còn anh chàng thì dáng đi lảo đảo, bước từng bước xiêu vẹo... Rồi chỉ đi được chưa hơn chục bước, bỗng anh ta ngã chúi về phía trước, đè lên thân thể cô gái. Sau một lúc chần chừ, anh chàng thợ lặn bế luôn bé Tâm tới chỗ hai người kia đang nằm. Chưa kịp có hành động gì, bỗng anh ta hoảng hốt lùi lại mấy bước. Trước mắt anh ta hai con người kia chẳng hiểu sao đã như bị chảy ra từ từ. Và chỉ một lúc sau thì nơi họ nằm chỉ còn lại hai bộ xương nằm chồng lên nhau! Bé Tâm lúc này vừa tỉnh lại, nó ngơ ngác nhìn quanh, khi thấy hai bộ xương, nó kêu rú lên: - Mẹ ơi! - Cháu đừng sợ, rồi chú sẽ đưa cháu về nhà. Tưởng là Hoàng, nhưng khi nhìn thấy người lạ, Tâm run giọng hỏi: - Mẹ cháu đâu? - Mẹ cháu đang ở nhà. Chú là người ở xóm trên được mẹ cháu nhờ tới đây đón cháu về. - Chú Hoàng đâu? - Chú Hoàng là ai chú không biết! - Là người mướn nhà cháu. Nhớ lại anh chàng bị trói lúc nãy, anh thợ lặn chỉ vô nhà: - Chú ấy nằm trong nhà. - Cháu vào trong đó với chú ấy! Tâm còn yếu nhưng nó vẫn bước đi. Tuy nhiên vừa bước được mấy bước, Tâm khựng lại vẻ sợ sệt: - Trong nhà còn có ai không chú? Chỉ lại phía đống xương, anh nói: - Họ đã như thế rồi, cháu thấy đó! Con bé sợ hãi, bước nhanh hơn... Đến chiều thì Hoàng mới tỉnh lại hoàn toàn. Từ gần bốn ngày nay, anh đã rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Biết hết những việc xảy ra chung quanh nhưng không thể phản ứng gì. Nhất là chuyện bé Tâm bị oan hồn cô Hồng dẫn tới đây với ý định dùng nó làm con tin, bắt mẹ nó phải tới để bắt mẹ nó phải tới chịu sự trả thù. Rồi sau khi con bé bỏ chạy thì bị Hồng khống chế, nhốt trong nhà kho. Sau đó đưa con bé xuống thuyền để đẩy con bé xuống hồ. Hoàng nằm như chết một chỗ đã vô tình nghe hai hồn ma bàn chuyện dùng hồn ma chị chủ nhà tên Hường hoặc của bé Tâm hầu để thế mạng họ nằm dưới đáy hồ. Do là người dương thế, lại bị làm cho bất động nên Hoàng chỉ biết nằm cầu trời cho họ không hại được con bé đáng thương. Cũng may oan hồn người điêu khắc thương con và tìm cách ngăn không cho Hồng ra tay với bé Tâm, nên mới kéo dài thời gian, nhờ vậy anh thợ lặn mới kịp tới cứu. Riêng chuyện hồn phách cô Hồng kêu thét lên rồi ngất lịm, Hoàng nằm ở đó nhìn qua cửa sổ đã thấy hết và cũng hiểu do bé Tâm không chết chìm đúng giờ đó, nên oan hồn không có người thế mạng là cô Hồng phải tiêu tan hồn phách sau thời gian tìm và chờ đợi mà không hại được người đã làm cho cô ta chết trước đây. Tức cuộc báo thù đã không thành. - Có ai ở nhà không, cho tôi xin miếng nước! Hoàng không còn sợ sệt như trước đây, anh bước ra mở cửa thì rất đỗi ngạc nhiên khi thấy một vị đạo sĩ mặc nguyên bộ đồ tu màu đen, thay vì màu vàng hay xám hoặc nâu. - Bạch thầy... Thấy Hoàng khó xưng hô, vị khách lên tiếng ngay: - Gọi ta là cụ ông cũng được. Ta cần ngụm nước, cậu cho được không? Hoàng mau mắn: - Dạ mời cụ vô nhà nghỉ, cháu sẽ rót nước. Vị đạo sĩ vừa bước vô phòng khách đã chép miệng: - Nghiệp chướng nặng nề quá! - Dạ, cụ muốn nói... Chỉ tay ra phía sau vườn, ông ta lắc đầu: - Suýt nữa xảy ra cha giết con, chồng giết vợ rồi. Cũng may... thiện tai, thiện tai! Nói xong ông ta nhắm nghiền mắt, lâm râm cầu khấn điều gì đó. Vài mươi giây sau, ông mở mắt ra chỉ thẳng vào Hoàng: - Ngay như cậu đây, nếu mạng số tận thì bây giờ cậu không còn sống. Cậu có biết là bốn ngày nay, họ giữ cậu lại đây để chuẩn bị đưa cậu về cõi âm để làm ma giữ ngục một khi họ bắt được hồn kẻ mà họ muốn giết hại và nhốt ở đáy hồ kia. Nghe nói Hoàng toát mồ hôi hột, sắc mặt tái nhợt như người đã mất hết máu. Anh run run giọng hỏi: - Liệu cháu có... thoát được không? - Bây giờ thì còn lo gì nữa. Hai bộ xương ngoài kia sẽ vĩnh viễn về với cát bụi. Nói tới đây bỗng ông kêu lên: - Không xong rồi! Mau cứu người chết oan kia lên, nếu để chậm trễ thì không còn sống lại được nữa! Hoàng ngạc nhiên: - Cụ nói ai? - Chàng trai bị chết chìm cách nay hơn một tuần. Ông bấm đốt ngón tay xong thì lại kêu lên: - Không khéo chậm mất rồi. Cậu ta chỉ còn sống chưa tới nửa giờ nữa. Có ai nhảy xuống hồ đưa cậu ấy lên ngay đi. Vừa nói ông vừa chạy bay ra hồ nước. Có cả Hoàng theo sau. Trước sự kinh ngạc của Hoàng, vị đạo sĩ lao vút xuống hồ và mất bóng dưới nước. Mãi hơn năm phút sau ông mới trồi lên, trên tay ôm xác một người. Khi ông bước hẳn lên bờ rồi Hoàng mới nhận ra người trên tay ông chính là chàng trai chết chìm mà mấy bữa nay hồn phách nhà điêu khắc đã nhập vào. Đặt cái xác xuống, ông dùng một ngón tay ấn mạnh vào đỉnh đầu chàng trai xấu số một cái rồi bước lùi ra mấy bước, bảo Hoàng: - Cậu giúp báo cho người nhà cậu ta tới, đưa cậu ta về! Cũng may là tôi tới kịp, nếu không thì vĩnh viễn cậu ấy sẽ nằm dưới kia. Chỉ tay về hai bộ xương đằng kia, ông nói: - Họ cũng đáng thương, nhưng dẫu sao thì họ cũng đã chết do một vụ sát hại, tức có hận thù. Họ đành phải chấp nhận thôi. Còn chàng trai này chết oan, phải giúp cho cậu ấy trở lại với kiếp sống của mình. Hoàng nhìn kỹ và rất đỗi ngạc nhiên khi thấy cả hai bộ xương chỉ trong loáng mắt đã biến mất, cùng lúc là sự tỉnh lại của chàng trai. Anh chàng ngơ ngác nhìn chung quanh rồi gọi to: - Nguyệt! Em đâu rồi? Hoàng lên tiếng trấn an: - Cô ấy đã an toàn trở về nhà mấy bữa trước rồi. Còn anh thì nhờ cụ ông đây cứu. Hoàng quay sang định giới thiệu vị đạo sĩ, nhưng không còn thấy ông ta đâu nữa! - Ủa? Anh chàng vừa hồi sinh hỏi Hoàng đủ thứ chuyện, nhưng anh chỉ lắc đầu: - Tôi cũng là khách phương xa tới đây như anh, chẳng biết gì nữa. Mà thôi, dù gì thì anh hãy nhanh chân về nhà, kẻo người nhà khóc thương tội lắm. Họ cứ đinh ninh anh đã chết rồi. Sau khi tiễn anh ta ra về rồi, Hoàng trở vào nhà và nghĩ đến việc đi tìm chị chủ nhà. Lần này Hoàng quyết định dứt khoát phải rời khỏi đây, càng sớm càng tốt. Tuy nhiên. Hoàng chưa kịp đi thì chị Hường đã về cùng với bé Tâm, chị giữ Hoàng ngay từ ngoài cửa: - Cậu Hoàng, chờ tôi đã. Nhìn thấy bé Tâm đang khóc sướt mướt, Hoàng ngạc nhiên: - Cháu sao vậy? Chị Hường lúc ấy nét mặt cũng đang u ám, nặng nề. Chị vừa ngồi xuống ghế thì đã không còn đè nén được nữa, đã òa lên khóc. Hoàng còn đang ngơ ngác thì bé Tâm bỗng sà vào lòng anh, gào lên: - Cứu giùm mẹ con, chú Hoàng ơi! - Mẹ cháu bị gì mà phải cứu? Hoàng nhìn lại thì cũng vừa lúc chị Hường sụp xuống trước bàn thờ, giọng nghẹn lại: - Mọi tội lỗi là ở nơi tôi hết, mình ơi! Giờ tôi chỉ muốn được theo mình thôi. Hãy chờ tôi với! Chờ tôi... Chị ta bất thần đập đầu vào cạnh tủ thờ. Cũng may Hoàng lao tới kịp, anh dùng cả thân người chận ngang chỗ trán chị ta va vào cạnh tủ. - Kìa, chị làm sao vậy? Bị ngăn lại, chị ta gào lên: - Hãy để tôi chết! Tôi không còn đáng sống trên đời này nữa. Tôi muốn chết... Bé Tâm nhào tới ôm mẹ, vừa kêu: - Đừng bỏ con mẹ ơi! Mẹ đừng chết! Mẹ đừng... Nó ôm ghì lấy mẹ không chịu rời ra, còn một tay thì chụp lấy tay Hoàng, lay mạnh: - Cậu ơi, đừng để mẹ cháu chết! Mẹ cháu muốn đi theo ba, mà ba thì đi theo cô gì đó rồi. Hoàng hỏi nhanh: - Có phải chị là vợ của anh điêu khắc không? Bé Tâm đáp ngay: - Dạ đúng rồi! Ba cháu là nhà điêu khắc, là chủ căn nhà này, là chồng của mẹ cháu. Hoàng nhẹ giọng với nó: - Chú biết rồi. Thật cũng may cho mẹ cháu, nay mọi chuyện đã qua và mẹ cháu khỏi phải lo gì nữa. Hoàng đem mọi chuyện đã chứng kiến thuật lại hết cho mẹ con bé Tâm nghe, rồi kết luận: - Theo lời vị đạo sĩ thì hồn phách định về đây báo thù đã tiêu tan hết rồi. Từ nay chị có thể yên tâm mà sống. Chị Hường vẫn khóc: - Nhưng tôi không còn đáng sống nữa. Cậu hãy nghe đây, tuy cậu là người dưng, mới về đây thuê nhà, nhưng bây giờ tôi không còn ai có thể lo cho tương lai bé Tâm nữa, ngoại nó thì già quá rồi, tôi muốn nhờ cậu nhận nó làm con nuôi, cậu bán căn nhà này đi, lấy tiền nuôi bé Tâm. Tôi phải đền tội lỗi đã gây ra... Hoàng chưa tiện hỏi rõ, thì chị đã kể hết: - Trước lúc chết, tôi muốn cậu là người duy nhất nghe hết câu chuyện này. Tôi chính là thủ phạm giết chết cả chồng tôi và con nhỏ tên Hồng đó! Chính tôi đã dìm đứa cướp chồng tôi xuống đáy hồ và khiến cho ba bé Tâm lao theo cứu nó rồi chết chìm theo nó, bởi anh ấy không biết bơi. Thì ra những gì nhà điêu khắc kể trước đây là hoàn toàn đúng. - Đồng ý đó là tội lỗi mà bất cứ ai gây ra cũng phải bị trừng phạt. Nhưng theo tôi thì hình phạt nặng nhất mà chị phải lãnh, đó là tòa án lương tâm chị. Nỗi khổ, sự ray rứt bấy lâu nay mà chị đã chịu còn nặng hơn là bản án của pháp luật. Vả lại hiện giờ mọi chuyện đã chìm vào quên lãng rồi, bé Tâm cũng đã lớn và rồi đây chị còn trách nhiệm nuôi nó trưởng thành, cho nó làm một người hữu ích, đó là cách chuộc lỗi tốt nhất mà chị cần làm. Chị chết đi bây giờ đồng ý là đền tội, nhưng chị lại gây ra một tội lỗi khác nặng hơn, đó là bỏ lại đứa con của mình bơ vơ trên cõi đời này. Tôi nghĩ, chị cứ phải sống. Ngoài tôi ra sẽ chẳng có ai biết điều bí mật này nữa. Mà tôi thề với chị, không bao giờ tôi tiết lộ với ai... Những lời của Hoàng chừng như đã làm cho chị ta thấm thía, nên vòng tay ôm con của chị chặt hơn, nồng nàn hơn... Bé Tâm nói rất khẽ: - Đừng bỏ con nghe mẹ! Giọng chị càng khẽ hơn: - Con của mẹ... Những giọt nước mắt lúc này của người đàn bà từng bị con quỷ trong người đẩy đưa tới tội ác, giờ đang bắt đầu khác đi. Những giọt lệ của một con người chân chính, một người mẹ như bao người mẹ khác. Hoàng muốn nói câu: "ghen tuông chính là một loại quỷ dữ, nó còn nguy hiểm hơn là sự báo oán của những oan hồn nữa, chị nên nhớ điều ấy...". Tuy nhiên, Hoàng đã thôi không nói vì không còn cần thiết nữa. Anh lặng lẽ xếp đồ nghề, chuẩn bị đi ngay...