Chiều nay không gian bỗng trở nên u ám hơn dù trời còn rất sớm. Ngồi trong nhà nhìn ra, Tuyền đoán bà Thành Danh không thể đến khi thời tiết thế này! Vậy là uổng công cô đã sắp xếp cuộc gặp gỡ theo lời hứa với chú Nhị. Biết tới chừng nào Tuyền mới thực hiện được lần nữa đây? Tuyền khoác thêm chiếc áo nữa rồi đi tới, đi lui. Trông cô cũng nôn nóng như người đang muốn gặp bà Thành Danh vậy. - Chị Hai ơi... chị làm ơn ngồi xuống giùm em đi. Tú vừa nói tới đây thì có tiếng rũ phành phạch ở bên ngoài. Cả hai chị em giật mình nhìn ra thì thấy bà Thành Danh đang giũ cây dù nơi thềm cửa bà mỉm cười nhìn hai chị em: - Bác không sai hẹn chứ? Tuyền vội chạy đến bên người phụ nữ mà cô có ý ngóng chờ: - Cháu cứ ngỡ mưa thế này bác không ra khỏi nhà đâu. Bà Thành Danh có vẻ lạnh nên đã giấu vội hai tay vào túi áo măng tô dài màu đỏ đang mặc sẵn trên người. Bà dùng ánh mắt chỉ cho Tuyền giỏ thức ăn đầy ắp mà bà đã đem tới. - Cất nó đi mà dùng từ từ cháu. Trước kia dù thời tiết đẹp hay xấu bác cũng không thích ra bên ngoài. Còn bây giờ dẫu có bão bác cũng giữ đúng lời hứa của mình mà. Nói xong, bà đi thẳng vào trong nhà không khách sáo đợi Tuyền mời. Chọn một chỗ ngồi có thể nhìn ra ngoài, bà Thành Danh từ từ buông người xuống. Bà đảo mắt ngó vòng quanh: - Ở đây coi vậy mà đỡ buồn hơn chỗ bác. Tuy chỉ có ba người nhưng còn trò chuyện được với nhau. Tuyền ra hiệu cho nhỏ Tú đem giỏ thức ăn cất đi rồi bước lại ngồi gần bà. Trông cứ như mẹ và con gái. - Sao bác không vui đùa với chị em Kiều và Diễm chứ? Hai đứa không nói được nhưng đã có thể đàm thoại bằng cách viết ra chữ rồi. Bà Thành Danh thở dài: - Cám ơn cháu đã làm được điều ấy cho hai đứa con gái tội nghiệp của bác. Nhưng bản tính chúng kỳ quặc lắm. Bác không hiểu tại sao từ khi anh trai chúng biến mất chúng lại ra nông nỗi này. - Đó là cái giá phải trả của cô và thằng em bất nghĩa của tôi gây ra. Tố Lan à. Ông trời tuy cao nhưng không có mù đâu. Tiếng nói bất thình lình từ bên ngoài ập vào làm cho tất cả cùng sửng sốt, bàng hoàng. Ngay cả Tuyền đã biết trước cũng không tránh khỏi sững sờ khi bóng dáng của người đàn ông ấy xuất hiện chặn ngay ngưỡng cửa. Cô thầm trách chú Nhị quá nôn nóng, không chịu chờ cô kịp đãi bà Thành Danh món chè trôi nước. Và cô biết bắt đầu từ bây giờ, không khí trong nhà sẽ trở nên nặng nề hơn. Quả đúng như cô nghĩ, bà Thành Danh đã hét lên vì sợ hãi: - Á... - Cô sợ tôi lắm à? Sắc mặt bà Thành Danh tái nhợt, tay chân run lẩy bẩy: - Ông... ông... là ai? Chú Nhị ngửa cổ cười một tràng dài song âm điệu đầy đau khổ: - Hà... hà... hà... tôi là con ma đội mồ về đây để bới móc lại cái gọi là tội ác của những người còn sống. - Ông nói gì tôi không hiểu? Phải chăng ông đã từng là một người quen... Chú Nhị nhấc mạnh đôi chân vào giữa phòng tạo khoảng cách rất gần bà Thành Danh khiến cho bà quíu người phải bám chặt lấy Tuyềm mới đứng vững. Bà lắp bắp: - Ông... là... là... Chú Nhị gằn giọng lên: - Là người đã từng sống những tháng ngày hương lửa yêu đương với cô đây. Cặp đồng tử của bà Thành Danh như muốn bắn tung ra khỏi hố mắt đang mở lớn. Bà ngọng nghịu: - Ông... là... Thành... Đ...ạ...t... Chú Nhị khoanh tay, hơi thở khá nặng nhọc: - Đúng. Tôi là Thành Đạt, người chồng khốn khổ của cô gần hai chục năm về trước đây. Nghe thấy vậy, bà Thành Danh lảo đảo tựa như mặt đất dưới chân đang lung lay chuyển động. Đứng bên cạnh, Tuyền vội choàng tay đỡ lấy bà. Cô cảnh cáo chú Nhị: - Ông không được gây tác hại gì cho bác ấy! Nhưng chú Nhị phẩy cánh tay đã tàn tật: - Yên tâm đi, tôi chỉ muốn gặp người vợ cũ của tôi để hỏi han cuộc sống của họ có hạnh phúc không thôi. Bất ngờ, bà Thành Danh chồm lên như có một động lực nào đó thúc đẩy. Bà thét lớn: - Ông nói dối... ông mạo nhận. - Thế theo cô thì Thành Đạt đã ra sao? Bà Thành Danh ôm lấy ngực trấn áp sự đau đớn: - Anh ấy đã chết. Một cái chết không toàn thây, chiếc xe lao từ đèo cao xuống vực thẳm. - Đó là lời của thằng Thành Danh có phải không? Bà Thành Danh thở hổn hển: - Không phải chỉ bằng lời, mà xác anh ấy được đem về nhà chôn cất đàng hoàng. Giọng chú Nhị đầy ai oán: - Một đám ma giả tạo để khai tử một người đang còn sống kể cũng dã man quá. Hèn gì gần hai chục năm nay các người đã yên ổn trong sự khốn khổ của thằng này. - Ông... ông là ai? - Thì tôi chẳng giới thiệu rồi đó sao? - Nhưng bằng chứng đâu mà ông dám nhận mình là Thành Đạt? Chú Nhị nhìn xuống hình hài mình rồi lắc đầu: - Bây giờ thì thân xác tôi giống như một con ma thực thụ vậy, làm sao cô có thể nhận dạng được điểm nào của Thành Đạt ngày xưa? Tuy chưa tin những sự kiện vừa xảy ra với mình, song mức độ căng thẳng đã làm tinh thần bà Thành Danh khủng hoảng. Bà nói không ra hơi: - Nếu... là Thành Đạt thì... ông phải biết những dấu ấn kỷ niệm của chúng ta. - Cám ơn cô đã gợi ra điều đó! Cô còn nhớ lần đầu tiên khi Thành Đạt tỏ tình với cô hắn đã nói gì không? Có phải hắn nói: "Tố Lan ơi... trên cuộc đời này chỉ có em là người phụ nữ duy nhất mà anh yêu ngoài mẹ ruột của anh ra. Em sẽ là điểm tựa để cho anh bước đến sự thành đạt mai sau...", và rồi đêm tân hôn của cả hai diễn ra là một sự kiện khó quên, họ không thể động phòng vì cha mẹ của Thành Đạt đột ngột qua đời ngay buổi tối hôm đó. Chú Nhị nói tới đây thì bà Thành Danh ôm lấy đầu mình lắc lư. - Đủ rồi... đủ rồi... Chú Nhị vẫn tiếp tục làm bà Thành Danh chới với: - Thành Đạt thích nhất là được ngắm và mân mê cái nốt ruồi trên ngực trái của Tố Lan. Bà Thành Danh bàng hoàng: - Trời ơi... Thành Đạt... đúng ông là Thành Đạt rồi... Thành Đạt của em... Tuyền toan níu giữ song đã bị bà Thành Danh xô ngã để lao về phía chú Nhị. Cả hai ôm lấy nhau trong tư thế đứng chết lặng một hồi, rồi tiếng khóc của người phụ nữ tỏa ra: - Anh ơi! Tại sao anh còn sống mà tới bây giờ mới chịu tìm về? Anh ác quá... anh đã để em sống trong khốn khổ mỏi mòn nhung nhớ. Chú Nhị đẩy nhẹ bà Thành Danh ra khỏi sự va chạm, nhếch môi cười héo hắt: - Em sống khổ sở ư? Thế thằng Thành Danh nó không quan tâm, chăm sóc em cẩn thận như anh trước kia à? Nước mắt bà Thành Danh lại tuôn trào: - Thành Đạt ơi, anh làm sao hiểu được em phải trải qua những giây phút khốn khổ thế nào khi nghe tin anh chết. Nếu không vì đứa con trong bụng, em đã theo cho trọn nghĩa. Chú Nhị thoáng mỉa mai: - Vậy sao hiện giờ em lại trở thành bà Thành Danh? Chị dâu lấy em chồng chắc không để giữ gìn nòi giống chứ? Bà Thành Danh uất nghẹn: - Đừng nghi ngờ lòng dạ của em, anh Thành Đạt! Phải lấy Thành Danh và sống chung với hắn đã là một cực hình đối với em. - Em nói sao hả Tố Lan? - Hãy bình tĩnh mà nghe em nói đi Thành Đạt. Nếu biết anh còn sống thì em không đời nào... Chú Nhị cay đắng thốt: - Còn sống hay đã chết với tôi không còn ý nghĩa nữa. Tôi về đây không phải để buộc em về làm vợ, mà là chỉ muốn nhìn mặt thằng con trai của tôi thôi. Nếu các người đối xử với nó tốt, tôi hứa sẽ không truy cứu lại chuyện gì, dù tôi đã bị hại đến thân tàn, ma dại. Bà Thành Danh mở to mắt: - Ai đã hại anh hả Thành Đạt? Chú Nhị cắn môi mình rướm máu: - Kẻ đang sống chung với em đó! Thêm một lần nữa, bà Thành Danh sửng sốt bàng hoàng. Bà gần như há hốc miệng: - Thành Danh ư? Chú Nhị gật đầu, sự đau khổ trào dâng trong giọng nói: - Chính nó. Thằng em bất nghĩa, vô nghĩa của tôi. Thành Danh đã bỏ tiền ra thuê bọn bất lương chặn đường về của tôi trên lưng chừng ngọn đèo Prenn. Chúng đã lôi tôi ra khỏi xe đánh đập rất dã man, làm bàn tay tôi bị gãy nát... Vừa kể chú Nhị vừa chìa cánh tay tàn phế ra cho bà Thành Danh nhìn thấy rồi nuốt lệ nói tiếp: - Lúc ấy tôi tưởng rằng mình đã gặp phải bọn cướp nên van xin chúng cứ lấy đi thứ gì chúng cần, với điều kiện tha cho tôi được sống. Nhưng chúng đã cười rú lên với nhau và nói rằng mạng sống của tôi đã được người ta mua với giá cao. Không tin, tôi đã mắng chúng là bọn cướp bất lương. Song chúng đã ném vào mặt tôi tờ giấy cam kết của Thành Danh hứa trả cho chúng mười cân vàng sau khi loại tôi ra khỏi cuộc sống. Phải nói lúc đó tôi như bị rơi từ trên trời cao xuống vực thẳm, vì không ngờ thằng em ruột của mình lại thuê kẻ giết mình. Bởi thế, khi bị chúng ấn trở lại xe rồi đẩy xuống vực thẳm, tôi đã không còn cảm giác sống hay chết. Tiếc thay ông trời còn muốn tiếp tay hành hạ tôi thêm nữa nên khiến tôi được người ta cứu, để rồi phải đứng trước em với hình hài như thế này! Nghe xong, bà Thành Danh rũ người buông thõng hai cánh tay. Bà cảm thấy khiếp đảm tột độ trước những gì người chồng xưa đã kể: - Trời ơi... sao lại có thể xảy ra sự tác tệ như vậy? - Em hãy đi mà hỏi thằng Thành Danh ấy? Cho tới tận bây giờ tôi cũng chưa rõ nó giết anh trai nó với mục đích gì? Phải chăng, chỉ là để được thừa kế sản nghiệp? Ngừng lại một chút, chú Nhị lẩm bẩm nói: - Mà cũng có thể vì... cả em nữa Tố Lan à... - Không... không... Bà Thành Danh đập hai tay lên bờ vai người chồng cũ tỏ thái độ phản đối kịch liệt vấn đề này, và bà đã ngất xỉu vì không còn chịu nổi. Mọi người phải quýnh quáng đổ xô tới đưa bà vào phòng trong để cứu chữa. Giữa lúc ấy thì Sinh từ bên ngoài xông vào lôi thốc chú Nhị đi: - Hãy theo cháu ra khỏi nơi đây ngay. Nhưng chú Nhị đã ghì lại: - Ta chưa thể đi được. Ta còn chưa hỏi được gì về con trai ta. Giọng Sinh đầy hối hả: - Chờ dịp khác cũng chưa muộn mà chú. Ông Thành Danh và người nhà của ông ta sắp sửa tới đây rồi. - Cháu đừng có dọa ta. - Ôi, cháu dọa chú làm chi. Trên đường đến đây cháu đã trông thấy họ. Kìa... chú xem, đèn đuốc sáng trưng đằng kia. Tưởng chú Nhị sẽ hoảng lên mà theo mình, nào ngờ ông còn nói: - Vậy cũng tốt. Để ta đối điện với thằng khốn đó hỏi cho ra lẽ một phen. Sinh cuống quýt khuyên: - Cháu nghĩ chưa phải lúc này đâu. Chú nên nghe cháu chờ cơ hội khác đến, đừng để cô Tuyền bị vạ lây vì đã có lòng giúp chú gặp bà Thành Danh. Lời Sinh không có tác dụng bằng ánh mắt khẩn khoản của Tuyền. Khi chú Nhị tiếp nhận tia nhìn ấy, chú liền đồng ý: - Thôi được... ta về. Không chậm trễ, Sinh kéo phăng chú Nhị ra khỏi phòng băng mình vào bóng tối dày đặc ở bên ngoài, trước sự hồi hộp của Tuyền khi cô phát hiện cách đó không xa ánh đèn pin đang loang loáng. Bà Thành Danh vừa tỉnh lại sau cơn ngất đã nghe tiếng người cật vấn: - Mình đến đây làm gì? Không đáp lại, bà Thành Danh từ từ ngồi dậy đảo ánh mắt thất thần nhìn chung quanh. Thấy vậy, ông Thành Danh lại hỏi: - Mình đang muốn tìm gì vậy? Lần này bà Thành Danh bỗng chộp lấy ngực áo ông: - Hãy nói mau, con trai của tôi đang ở đâu? Ông Thành Danh gỡ tay vợ ra một cách phũ phàng. Ông gắt toáng lên: - Đã nói bao nhiêu lần rồi mà còn cứ hỏi mãi... Bộ muốn lên cơn điên rồi hay sao? Vốn yếu đuối nên bà Thành Danh khóc to lên: - Phải, tôi điên rồi đây. Tôi làm sao tỉnh được khi thằng con trai của tôi biệt tích chứ? - Việc đó bà hãy bắc thang mà hỏi ông trời thử. Có thể ông ấy ngồi trên cao sẽ thấy được thằng con của bà nó đi lang thang nơi nào. Rồi ông quay phắt sang phía chị em Tuyền đang ở bên cạnh bà Thành Danh chăm sóc nãy giờ. Ông chỉ vào từng đứa: - Nói... Có chuyện gì vừa xảy ra ở đây? Nhỏ Tú run bắn lên trước bộ mặt gườm gườm của ông Thành Danh nên chực mở miệng, nhưng Tuyền nhanh nhảu hơn nó nên vội cướp lời: - Thưa bác, không có chi đâu ạ. Bác gái thấy chị em cháu thiếu thốn nên đem thức ăn lại cho. Tiện thể vú Dần nấu chè trôi nước nên cháu đã giữ bác gái ở lại dùng. Nào ngờ chè chưa ăn bác ấy bỗng dưng bị ngất... và sau đó là bác đến đây và... Nhỏ Tú theo đà nói của chị nhưng không bình tĩnh: - Dạ... đúng là như vậy. Trong bếp có chè trôi nước để cháu bưng lên mời bác cùng ăn luôn. Ánh mắt ông Thành Danh đầy khả nghi quét theo lưng nhỏ Tú và dán chặt vào nó khi nó trở lên. Mùi thơm của gừng và đậu phộng rang rất hấp dẫn làm không khí căng thẳng trong gian phòng khách dịu xuống. Tiếng ông Thành Danh dễ nghe hơn: - Ta không hảo mấy thứ đồ ngọt này đâu. Tuyền cố tỏ ra láu lỉnh: - Vậy bác cho phép cháu mời bác gái ăn nhé! - Nếu chỉ là việc ăn thì ta đâu có cấm. Rồi ông dịu dàng với vợ hơn: - Mình thích chè thì ăn chè đi rồi về. Nhưng bà Thành Danh đã gạt đi: - Hết còn hứng rồi. Ăn một chén chè mà phải xin với xỏ thì nuốt trôi được ư? - Mình nói quá lời. Thôi để tôi về trước vậy. Nói xong, ông Thành Danh bước ra ngoài thì thầm gì đó với những người đã đi theo. Có lẽ ông đang dặn dò họ canh chừng ngôi biệt thự. Hiểu chuyện, bà Thành Danh thấy mình cũng không nên ở lại. Bà nói khẽ vào tai Tuyền: - Hãy tạo cho bác một cơ hội gặp gỡ khác nhé. Tuyền không dám đáp mà nhận lời bằng cái gật đầu rất nhẹ, cô tiễn bà Thành Danh ra về rồi quay trở vào. Nói về bà Thành Danh, sau khi biết được người chồng cũ còn sống thì lòng dạ bà tựa con thuyền đang gặp bão tố giữa đại dương. Bà không thể ngờ rằng kẻ đang sống chung với mình bấy lâu nay lại quá đỗi hiểm ác, còn thua loài cầm thú. Ôi, tội nghiệp cho Thành Đạt của bà quá. Cả đời ông ấy nhân từ, đức độ thế mà sao lại có một thằng em bất nghĩa vô lương. Cứ hình dung đến hình hài tàn tạ, thảm thương của Thành Đạt dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu là nước mắt bà Thành Danh lại ứa ra. Bà muốn túm lấy cổ kẻ ác ôn để hỏi cho ra lẽ vì sao anh em ruột lại có thể hại chết lẫn nhau? Nguyên nhân vì tiền thì không đến nỗi thế đâu, bởi Thành Danh cũng được chia một phần tài sản. Còn vì tình ư? Ôi, bà tự xét mình rồi lẩm bẩm: "Ta có quá đẹp, quá quyến rũ hay không mà lại khiến cho hai người đàn ông phải điêu đứng vì ta?". Không! Tình yêu là một sự thiêng liêng chứ không phải do sắc đẹp, và càng không thể chiếm lĩnh nó bằng bạo lực. Việc bà và ông Thành Đạt gặp nhau, yêu nhau rồi đi đến hôn nhân là sự sắp đặt của Thượng Đế. Còn Thành Danh có để ý đến bà hay không đó là chuyện của ông ta. Vậy thì tại sao lại xảy ra vấn đề của ngày hôm nay? Thành Danh nỡ vì một người đàn bà mà gạt bỏ tình cốt nhục sao chứ? Bà nhớ lại cái ngày nhận được tin Thành Đạt chết. Bà đã ngất đi nhiều lần nhưng đều ở trên tay của Thành Danh. Rồi sau khi chôn cất xong, chưa được trăm ngày Thành Danh đã lấy cớ phải bảo bọc cho mẹ con bà và duy trì sản nghiệp của dòng họ, ép bà phải làm vợ hắn. Ôi...! Tại sao bà không nghĩ đến lòng tốt của một gã em chồng vào cái ngày ấy chứ. Bà lại còn cảm động đến nghẹn lời vì được hắn lo lắng, bảo bọc mới là chuyện nực cười. Bà giận mình ngu ngốc nhất trên đời. Tuy cũng được nhận tình yêu từ nơi hắn, song làm sao có thể sánh với những gì Thành Đạt đã cho bà. Hắn là một người đàn ông ích kỷ số một mà. Ở hắn ít khi có sự dịu dàng, đằm thắm... mà nếu có thì dường như đầy giả tạo. Không biết việc mất tích của con trai bà có liên quan gì tới hắn chăng? Một nỗi lo lắng tột độ trào dâng, bà biết phải trả lời với Thành Đạt ra sao về nó? Cần gạn hỏi kỹ lại Thành Danh mới được. Hắn đã dám làm điều ác lớn thì việc ác nhỏ hắn cũng không từ đâu. Nghĩ tới đây, bà Thành Danh khoác thêm áo ấm vào người rồi đẩy cửa phòng ngủ đi ra. Bước xuống phòng khách thì bắt gặp ông Thành Danh đang nói chuyện với những người đi theo ông lúc nãy. Thấy bà, họ liền lảng tránh bỏ đi. Không chịu nổi sự thôi thúc trong lòng, bà đã bước nhanh tới: - Sao? Ông mướn người theo dõi tôi đó hả? Ông Thành Danh buông giọng nói ôn tồn: - Mình nghĩ xấu về tôi rồi. Tôi làm chuyện này vì gần đây khu vực nông trường trà của chúng ta không được an ninh như trước. Bà Thành Danh cười mỉa: - Có bọn cướp xuất hiện ư? Vẻ mặt ông Thành Danh hơi ngượng: - Đại khái là như vậy. - Ông có biết chúng là ai không? - Tất nhiên là không rồi. Vì nếu biết, tôi sẽ không để chúng có cơ hội lộng hành. - Ông sẽ làm gì chúng nếu như tóm cổ được? Câu hỏi này làm ông Thành Danh phải nhìn bà bằng đôi mắt khác: - Mình quan tâm tới điều đó làm gì chứ? Bà Thành Danh mím môi: - Chẳng lẽ tôi không thể biết được ý định của ông? - Nhưng bọn chúng có liên quan gì tới mình đâu mà tìm hiểu? Song lúc này, bà Thành Danh tỏ ra rất khôn ngoan: - Bộ ông tưởng tôi là đàn bà chỉ biết ở trong xó bếp để hầu hạ thôi sao? Ông Thành Danh cười hà hà, ánh mắt dịu hẳn xuống: - Thì tôi có dám coi thường mình hồi nào đâu. Chẳng qua tôi sợ mình đụng chạm với những vấn đề mang tính chất bạo lực sẽ không tốt... - Ông nói như vậy là có ý gì chứ? - Mình không cần thắc mắc. Mình chỉ cần biết tôi luôn bảo vệ mình là được rồi. Bà Thành Danh cười giọng mỉa mai: - Bảo vệ hay là giam lỏng tôi? Lẽ ra bà Thành Danh nên nhịn để tìm hiểu, nhưng sự thật về câu chuyện ngày xưa đau lòng quá khiến bà không thể giữ im lặng được lâu. - Hãy nói cho tôi nghe đi. Thằng Đạt hiện giờ đang ở đâu? Vẻ mặt ông Thành Danh thay đổi sắc diện bởi câu hỏi: - Lại nhắc đến thằng mất dạy ấy làm gì chứ? Ở từng tuổi hiện giờ, nó cũng đã đủ sức để tự lo cho nó được rồi. Bà Thành Danh gằn giọng: - Nhưng tôi muốn biết nó ở đâu? Dẫu nó có làm được gì để sống nó cũng không nên mất liên lạc với mẹ nó trong suốt bấy lâu chứ. Tỏ ra thông cảm với nỗi đau của vợ, ông Thành Danh bước lại gần an ủi: - Đừng lo buồn nữa mình ạ. Rồi sẽ có ngày nó biết hối hận quay về thôi. - Nhưng đã năm, sáu năm, không lẽ nó còn chưa biết nghĩ lại? - Hay để tôi đăng báo tìm nó thêm lần nữa vậy? Bà Thành Danh bỗng buột miệng: - Tôi có cảm giác nó sẽ không bao giờ còn đọc được những dòng tin đó nữa. Nghe vợ nói vậy, ông Thành Danh giật thót người, mặt tái lại: - Mình vừa nói gì vậy? Có lẽ tôi phải đưa mình đi khám bác sĩ thần kinh thôi. Song bà Thành Danh đã giật lùi nhìn vào mặt ông trân trối: - Đừng lo tôi bị điên sớm như vậy. Tôi phải tỉnh táo để coi hậu vận của ông tốt hay xấu nữa mà... Lần này ông Thành Danh thật sự mất bình tĩnh, chộp lấy vai vợ lay mạnh: - Bà biết gì về tôi mà phát ngôn như thế? Phải chăng lúc nãy ở ngôi nhà cũ đã xảy ra chuyện gì? Không tự lượng sự cô thế của mình, bà Thành Danh quyết định phanh phui mọi chuyện. Bà mạnh dạn hất mặt: - Đúng như vậy. Ở tại đó tôi vừa gặp một người đã chết gần hai mươi năm rồi đội mồ sống dậy đó... Ông Thành Danh quả là một kẻ đáng gờm, đã kịp trấn tĩnh lại mình nên bộ mặt lạnh băng. Dường như ông đã hiểu được chút ít của sự việc: - Sao? Người chết đội mồ à? Hoang đường quá... Bà Thành Danh cố giữ mình thật cứng rắn để đừng run: - Không hoang tưởng chút nào đâu. Mà chuyện có thật đã xảy ra. Ông có muốn nghe không? Ông Thành Danh cười gằn trong cổ họng: - Tôi không có thời gian. Hơn nữa, một kẻ đã chết đi sống lại thì có gì hấp dẫn đâu. Sự bình tĩnh đến độ coi như không có gì của ông Thành Danh làm bà điên tiết. Bà dùng bàn tay yếu ớt của mình tát mạnh vào mặt ông: - Đồ khốn! Sững sờ trước những hành động của vợ, nhưng ông Thành Danh không xoa chỗ đau mà phản công ngay tức thời. Ông dang rộng bàn tay chộp vào yết hầu của vợ rồi đè xuống: - Bà... dám hả? Song lòng căm thù của bà Thành Danh đã tạo cho bà sức lực để gồng lên. Bà trừng mắt nhìn thẳng vào mặt ông ta mắng: - Tại sao tôi lại không dám với một con người đã lừa dối tôi gần hai mươi năm nay chứ? Ông tưởng rằng cái kim trong bọc không thể lòi ra được ư? Lầm to rồi Thành Danh ơi. Tôi thật kinh khiếp vì đã sống chung với con người có lòng dạ dã thú như ông. Ông Thành Danh cũng mím môi tức giận: - Dã thú thì sao chứ? Hừm, tôi đối xử với bà như thế mà còn chưa tốt à? Bà cho rằng mình là thứ gì nếu không lấy được thằng Thành Danh này? Hừ... một con đàn bà góa có cái bụng chửa vượt mặt kiếm đâu ra một tên khờ khom lưng gánh của nợ? Thế mà bây giờ lại mở miệng vong ân. Bị chửi lại, bà Thành Danh có cảm tưởng máu trong người mình dồn hết cả lên mặt và nó buộc phải bộc phá để bắn tung ra ngoài: - Không biết ai đã phải mắc nợ ai. Và ngày nay tôi buộc ông phải trả... Rồi bà hất ngược tay ông Thành Danh đang đè chặt nơi cổ vùng thoát được. Bà chỉ tay vào mặt ông: - Tôi sẽ tố cáo ông chuyện vụ án năm xưa. Ông chính là tên chủ mưu đã hãm hại anh trai mình để chiếm đoạt tài sản. Vẻ mặt ông Thành Danh tràn đầy sát khí, ông tiến tới từ từ: - Ai nói cho bà nghe điều này? Bà Thành Danh lại dại dột: - Người đã bị ông hại. - Ý bà muốn nói Thành Đạt sống lại à? - Ông có thừa thông minh, không cần tôi lặp lại. - Và bà cũng gặp hắn ở ngôi nhà cũ lúc nãy phải không? Tỏ thái độ khinh khi người đàn ông đã từng sống chung, bà Thành Danh im lặng quay mặt đi nơi khác. Thấy vậy, ông Thành Danh khẽ gật: - Dự doán của tôi không bao giờ sai cả. Nhưng các người đừng tưởng sẽ dễ lật ngược thế cờ với thằng Thành Danh này đâu. Thành Đạt đã được chôn dưới mồ, đã khai tử từ lâu rồi... một cách rất đàng hoàng, và vợ của hắn cũng đi lấy chồng sinh ra mấy đứa con với người ta. Việc hắn sống và trở về là điều không nên có. Bà Thành Danh gào thét: - Như vậy có nghĩa là ông hoàn toàn nhìn nhận? Ông Thành Danh giả tảng: - Nhận gì chứ? Bà hoang tưởng vừa vừa thôi... Không chịu nổi thái độ vờ vĩnh ấy của người chồng sau, bà Thành Danh lao vào cấu xé ông thì liền bị đánh tới tấp: - A... a... a... - Đồ điên... Tôi sẽ nhốt bà luôn ở trong phòng cho mà xem. Để xem bà còn tơ tưởng gì đến cái thằng chồng cũ đã chết... Bà Thành Danh hứng một trận đòn đau bởi những cái đấm dã man vào lưng và ngực. Thế nhưng lúc này bà không thể khóc lên được một tiếng, và đây là lần đầu tiên bà bị đối xử bởi người chồng vũ phu. Bà chỉ co rút người lại rồi bặm môi chịu trận, vì nỗi đau trong lòng gấp mười lần như thế. Ông lôi bà vào phòng ngủ rồi khóa cửa. Đưa được ông Thành Đạt về đến nhà, Sinh thật sự cảm thấy mừng. Anh thở phào nhẹ nhõm nhìn ông nói: - Chú làm cháu hú hồn. Nếu lúc nãy không nhanh chân thì chắc đã xảy ra chuyện lớn. Ông Thành Đạt tỏ ra không chịu hiểu, trách khẽ Sinh: - Lẽ ra cháu đừng ép ta rời khỏi chỗ đó sớm như vậy. Ta còn rất nhiều việc cần phải làm. - Nhưng có thể đợi đến lúc khác được mà. Trả thù cũng cần phải có cơ hội chứ? Ánh mắt ông Thành Đạt gợn nhiều nỗi khổ tâm. Ông chép miệng than van: - Lúc trước ta có ý trả thù Thành Danh mãnh liệt lắm! Sao bây giờ ta lại cứ quay quắt vì hai chữ tình thâm? Phải chăng lý trí đang nhắc nhở ta và Thành Danh là hai núm ruột cùng một mẹ sinh ra? Sinh ngạc nhiên trước thái độ lúc này của ông Thành Đạt. Chẳng phải bấy lâu nay ông đã nung nấu nỗi oán hận thằng em bất nghĩa giết hại mình để đoạt vợ hay sao? Vậy mà giờ đây ông lại dằn vặt lương tâm. Liệu ông có thể tha thứ được không khi bản thân mình đã phải chịu đựng quá nhiều thiệt thòi, mất mát? Anh ngồi im chờ nghe ông Thành Đạt nói tiếp: - Nhiều lúc nghĩ lại những việc làm của thằng em khốn kiếp ấy, ta chỉ muốn nghiền nát nó cho hả giận. Song ông trời lại phú cho mỗi người có một bộ óc để suy tính điều hơn lẽ thiệt. Bởi thế cho nên ta mới lâm vào tình cảnh bối rối, khổ tâm như hiện giờ. Sinh lên tiếng: - Vậy theo chú, những việc làm của ông Thành Danh có thể tha thứ được hay không? Ông Thành Đạt thở hơi dài sầu não: - Nếu như nó biết ăn năn sám hối thì dẫu tội lớn đến đâu cũng gột sạch được thôi. Khi ta gặp được thằng con trai của ta rồi, ta sẽ xét lại mà tha hay buộc tội. Sinh châm lửa đốt cho mình một điếu thuốc, anh thật sự không muốn can thiệp vào chuyện riêng của ông Thành Đạt, mặc dù anh luôn coi ông như một người cha. Anh chỉ nói lên ý nghĩ của mình: - Phải sống trong hận thù dai dẳng cũng không mấy dễ thở. Nhưng ông Thành Danh không phải là người dễ dàng khuất phục nhìn nhận lỗi lầm của mình đâu. Cháu làm việc cho ông ta nên cháu hiểu rõ về bản chất con người ông ta mà. - Ta cũng hiểu như cháu đó Sinh à, bởi ta và Thành Danh cùng sống và lớn lên trong một mái nhà. Nhưng ta hy vọng thời gian dài vừa qua đã làm biến đổi con người nó. Nghe ông Thành Đạt bảo thế, Sinh bèn cười nửa miệng: - Cháu cầu chúc cho niềm hy vọng của chú trở thành hiện thực. Chỉ e tình thế sẽ đảo ngược lại thôi. Rồi anh nói lảng sang chuyện khác: - Dường như chú có quen biết với cha mẹ của cô Tuyền? Ông Thành Đạt hơi khựng lại: - Phải! Ta với họ là bạn thân... thân hơn cả Thành Danh. - Chú nghĩ sao về hoàn cảnh của chị em cô Tuyền hiện giờ? - Đáng thương lắm! Ta không ngờ vợ chồng Vĩnh Khương lại chết sớm, bỏ con cái côi cút. - Phải ở trong ngôi biệt thự cũ ấy, họ cũng khổ sở lắm nhưng vì không còn chỗ nương thân nên mới đành chấp nhận thôi. Giá như có điều kiện cô ta được tiếp tục đi học thì hay biết mấy. Ông Thành Đạt chợt hiểu: - Ta hiểu nỗi lòng của cháu đối với con bé như thế nào rồi. Cháu đã yêu nó chứ gì, kể ra cũng xứng đôi vừa lứa đấy! Nếu còn là một Thành Đạt khi xưa, nhất định sẽ tác hợp được cho hai đứa. Sinh rít mạnh một hơi thuốc rồi nhả khói từ từ: - Cần gì phải là một ông chủ khi xưa hả chú Nhị? Cháu chỉ muốn chú là một chú Nhị như hiện giờ thôi. Ông Thành Đạt ôm vai Sinh trìu mến: - Cám ơn cháu đã quý ta như người cha của mình. Nhưng dẫu có thay đổi hình dạng tới đâu, ta vẫn là ta... một Thành Đạt khốn khổ như ngày nào. - Chú lại mặc cảm nữa rồi. Có lúc nào cháu nhìn chú bằng ánh mắt phân biệt rẻ rúng đâu. Với cháu, người thân duy nhất hiện giờ là chú đó! Thú thật, cháu cũng không mong chú được người ta nhìn nhận là ông Thành Đạt. Vì như thế, chú không còn là chú Nhị từng sống với cháu bao nhiêu năm. - Ồ... cái thằng này thật trẻ con. Bộ cháu tưởng chú là hạng người tồi tệ, chóng quên những ngày tháng gian khổ khi được sống sung sướng sao? Không bao giờ có vấn đề ấy xảy ra đâu. Chú cháu ta vẫn sống chung dù trong hoàn cảnh nào đi nữa. Nét mặt Sinh trầm tư: - Cháu thì lại có ý nghĩ khi chú tìm về gia đình của mình, cháu sẽ sống lãng tử một phen. Ông Thành Đạt nghiêm khắc: - Không được. Ta không nhất trí vấn đề này, làm người phiêu bạt thì có gì hay đâu. Ta khuyên cháu nên lập gia đình đi, con bé Tuyền cũng là một người phụ nữ tốt trong mắt của ta đó! Phải chi Vĩnh Khương còn sống ta sẽ tự tới xin ông ta gả con gái cho cháu ngay. Song giờ không được rồi, cháu phải tự chinh phục nó chứ? Sinh bật cười trước những lời nói thật thà nhưng chứa đựng đầy tình thương của ông Thành Đạt. Chuyện tình cảm, tất nhiên anh không thể nhờ cậy người nào nói giùm cho mình được. - Cháu đang nghĩ gì vậy Sinh? Tiếng ông Thành Đạt làm cho Sinh giật mình bối rối: - Dạ, cháu đang nghĩ đến một chuyện vui. - Thế à. Có cô gái ở ngôi nhà cũ kia không? Trong lúc Sinh chưa tìm được câu để đáp thì nghe có tiếng nói chuyện ở ngoài đường, âm thanh rất lớn nên vọng vào tận trong nhà. Anh lắng tai rồi đưa tay làm hiệu với ông Thành Đạt ra ý bảo im lặng. Sinh tiến lại sát bên cánh cửa hơn, tiếng bên ngoài vẫn đều đều: - Ông Thành Danh giám đốc nông trường trà sục sạo gì trong cái xóm này vậy ta? Cứ như là công an truy bắt kẻ gian ấy! Giọng người thứ hai tiếp: - Tôi bị ông ta chặn lại hỏi rằng có thấy ai lạ xuất hiện ở đây không? Kỳ thật nha, xóm này hầu hết là công nhân của nông trường trà bao nhiêu năm, chẳng lẽ ông ấy còn chưa thuộc nằm lòng? Có người nào mới đến ở đây đâu? Tiếng nói chuyện nhỏ dần rồi mất hút trong nỗi lo lắng của Sinh. Anh quay bảo ông Thành Đạt: - Chú à, có lẽ từ hôm nay chú không nên ra khỏi nhà một mình. - Nhưng ta còn nhiều việc phải làm. - Chú có thể sai cháu... - Sinh gạt đi. Ông Thành Đạt lắc đầu: - Có những việc phải tự ta đi mới được cháu à. Chẳng hạn như gặp vợ của ta... - Bây giờ thì việc gặp riêng bà ấy rất khó khăn. Chắc chú cũng đã nghe thấy những lời vừa rồi chứ? - Ta không sợ... - Nhưng mọi người sợ cho chú. - Thành Danh dám giết ta lần nữa không? Sinh nhún vai trước cơn gàn dở của ông Thành Đạt: - Có thể ông ta sẽ dám đấy! Ông Thành Đạt cười khà khà: - Chết lần thứ hai chắc sẽ không đau hơn lần trước. Câu nói của ông Thành Đạt chưa kịp dứt thì có tiếng chân chạy rầm rập ở bên ngoài. Phản ứng của Sinh rất nhanh, anh đẩy ông Thành Đạt vào căn buồng, buông màn cửa rồi đứng im chờ đợi sự việc đến. Quả nhiên, tiếng ông Thành Danh vang lên ở ngoài sân: - Cậu Sinh... đã ngủ chưa? Sinh giữ thái độ bình tĩnh bước ra hỏi: - Thưa ông có việc gì mà ông đến đây vào giờ này? Giọng ông Thành Danh đầy trịch thượng: - Nhà cậu có mấy người? - Hai người. Dường như ông có ý kiểm tra hộ khẩu của chúng tôi. - Sinh lộ vẻ khó chịu song vẫn nói. Ông Thành Danh phóng tia nhìn vào trong nhà: - Cậu nói hơi quá lời. Tôi chỉ muốn biết để coi sĩ số công nhân là bao nhiêu? Sinh chế giễu: - Bao nhiêu thì đã có ghi trong sổ sách, ông muốn biết thì cứ giở ra xem, tội gì đi kiểm tra thế này cho mệt? Dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu hắt ra, đôi mắt ông Thành Danh gợn lên nét hung ác. Giọng ông ta thật đanh: - Cậu nên nhớ, tôi là ông chủ làm việc rất có kỷ cương. Sinh cũng không để mình bị xỏ mũi: - Tôi nghĩ mình chẳng làm điều gì vi phạm nguyên tắc của nông trường đề ra cả. Hơn nữa tôi xin nhắc cho ông biết rõ là nhà này chỉ có mình tôi là công nhân của ông thôi. - Vậy còn một người nữa làm gì? - Đó là chú tôi. Ông ta ngoài tuổi lao động rồi, chỉ ở nhà nghỉ ngơi. Cặp chân mày ông Thành Danh nhíu lại: - Ông ta đến đây ở lâu chưa? - Từ khi tôi bắt đầu làm công nhân cho ông. - Có khai báo nhân khẩu với địa phương không? - Tất nhiên là có rồi. Mà ông điều tra gì gớm vậy? Sao không nhờ công an họ phối hợp cho dễ dàng? Ông Thành Danh không quan tâm tới câu nói của Sinh: - Cậu hãy gọi ông chú ra đây cho tôi nhận diện thử. Sinh bực bội: - Ông tình nghi chú tôi là hạng người gì chứ? Chú tôi đang bị ốm... nằm liệt giường cả tháng trời nay rồi. Nếu ông không sợ ngửi mùi xú uế thì hãy theo tôi. Nói rồi anh dợm quay lưng đi, thái độ dứt khoát này của Sinh làm ông Thành Danh bỏ ý định. Ông cất tiếng: - Thôi... cậu Sinh. Xin lỗi đã làm phiền. Đứng nhìn ông Thành Danh và hai người nữa bỏ đi. Sinh nghe nhẹ cả lòng. Suýt chút nữa thì anh em họ gặp nhau, để rồi không biết niềm vui hay bi kịch sẽ xảy ra tiếp tục. Đóng cửa lại, Sinh bước nhanh vào căn buồng dành làm chỗ ngủ cho ông Thành Đạt. Nhưng anh đã phải đứng khựng lại vì chẳng hề thấy bóng dáng của ông đâu? Lạ thật, chú ấy không ở đây mà lại đi đâu giữa đêm hôm khuya khoắt như vậy? Đến ngôi biệt thự cũ hay theo sau ông Thành Danh để thanh toán câu chuyện giữa họ? Điều gì thì Sinh cũng chẳng thể an lòng được, anh vặn to đèn, tìm áo khoác mặc vào người rồi lao ra màn đêm lạnh cắt da dù bản thân đang rất mệt.