Ông thầy thuốc bước ra khỏi phòng bệnh nhân với tâm trạng phấn khởi. Ông xoa tay nói với bà mẹ: - Bà cứ yên tâm, cô nhà xem như đã khỏi bệnh hẳn rồi, mà về đây có điều kiện tịnh dưỡng tốt nữa thì chắc chắn chỉ sau vài tuần là trở lại bình thường và có thể... Biết ông ta sắp nói gì, nên bà Cẩm Tú đưa tay ngăn lại: - Cả nhà này bây giờ chẳng ai nhắc tới điều đó nữa. Vậy lần sau có tới khám thì ông cũng không nên nói. Tiễn ông bác sĩ tâm thần ra về rồi, bà Cẩm Tú đem tâm trạng vui lây đó trở vào phòng con gái, tính chúc mừng. Nhưng vừa đẩy cửa bước vào bà đã phải sững người lại, bởi ngay trước mặt bà là một người đang treo cổ trên sợi dây thòng lọng. - Trời ơi! Bớ... Sự xất hiện của bà Tú đã làm cho hai chân của người đó chưa kịp đá văng chiếc ghế thì đã phải dừng lại. - Má phá đám con hoài! Chẳng nói thêm lời nào, bà Tú nhào lên giường, chụp lấy hai chân con gái ôm chặt vừa van lơn: - Đừng làm vậy con! Mẹ đây, con gái... Từ từ cởi sợi dây thòng lọng ra khỏi cổ, bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra, cô nàng quay sang trách mẹ: - Mẹ không để con thử một chút. Bà Cẩm Tú sờ trán con, vừa dìu Thu Hoa xuống, bà lo lắng: - Sao thầy thuốc nói con đã khỏe hẳn rồi? Thu Hoa vẫn tỉnh queo: - Thì con có sao đâu? Con thử coi cảm giác của một người đưa cổ vào dây nó thế nào, mà tại sao mấy người kia người nào cũng thích chui vào đó! Bà Tú ngạc nhiên: - Mấy người kia là ai? - Trong nhà mình đây nè! Bà Tú giật mình: - Con gặp ai trong nhà này? Đưa tay chỉ ra cửa sổ, rồi lại chỉ lên trần nhà: - Họ ở mọi nơi, chỗ nào cũng có, mà người nào cũng treo cổ lè lưỡi dài cả tấc luôn! - Trời ơi, con tôi... Bà Cẩm Tú chưa kịp vui đã phải buồn hơn, bà quay đi giấu đôi dòng lệ vừa tuôn ra, cố không cho con thấy, nhưng Thu Hoa đã phát hiện, cô nàng phá lên cười: - Mẹ lại khóc nữa rồi! Vừa rồi con hù mẹ chơi mà chứ có phải làm thật đâu. Mẹ coi kìa, chiếc thòng lọng con làm bằng giấy mà làm sao siết cổ được.. Cô và mẹ cùng nhìn lên trần một lượt và cùng kêu thét lên: - Trời ơi, sao vậy? Sợi dây thòng lọng mà Thu Hoa nói là bằng giấy lúc ấy đang lay động và xoay vòng như được ai đó điều khiển. Chính Hoa cũng quá đỗi ngạc nhiên: - Sao vậy mẹ? Bà Cẩm Tú run giọng: - Con làm gì nó? Thu Hoa xua tay lia lịa: - Con đâu có làm gì, con chỉ vo tròn mấy tờ giấy lại giả bộ như treo cổ, sao bây giờ nó... nó... Việc đó chỉ diễn ra trong vòng mấy mươi giây rồi sau đó thì chẳng còn thấy gì nữa. Bà Cẩm Tú sợ hãi bảo con gái: - Hay là con qua ngủ chung với mẹ? Thu Hoa ngoan ngoãn nghe theo, điều đó chứng tỏ cô đã thật sự hết bệnh. Khi sang phòng mẹ rồi, Hoa còn nói: - Chắc tại con ở bên đó một mình nên bị ám ảnh. Mà chẳng hiểu sao con cứ nhìn thấy những sợi dây thòng lọng đó mãi chứ không phải cái gì khác. Bà Tú ngại con sợ thêm nên nói cho qua: - Có lẽ con bị một hình ảnh nào đó trước đây tác động. Mà thôi, con đừng bao giờ suy nghĩ lung tung nữa thì sẽ ổn thôi. Bà Tú còn cẩn thận gọi chú Mười làm vườn và Cảnh tài xế dặn thật kỹ: - Con Thu Hoa trong thời kỳ dưỡng bệnh, không ai được làm gì gây ra tiếng động lớn. Hai người chú ý, hễ nghe gì bất thường thì chạy tới ngay. Mười Hưởng đã sống lâu năm trong nhà nên biết ý, ông nói ngay: - Tôi ở đây lâu, phân biệt được cả tiếng mèo chạy hay chó rình mồi, không có gì qua được tai tôi đâu! Hai mẹ con yên tâm, nên đóng cửa đi ngủ sớm. Tuy nhiên, hình ảnh chiếc thòng lọng quái dị lúc nãy cứ ám ảnh bà Cẩm Tú hoài. Ngoài mặt trấn an con, nhưng trong lòng bà thắc mắc ngày càng lớn. Nó gợi cho bà nhớ tới câu chuyện khi bà mới bước chân về nhà này làm dâu. Ngày đó có người nói với bà rằng gia đình họ Vương này có nhiều người chết do thắt cổ nhưng sống lâu trong nhà mà không thấy có gì khác lạ, nên dần dần chuyện ấy đi vào quên lãng. - Mẹ chưa ngủ sao? Nghe con hỏi, bà Tú vờ như buồn ngủ, đáp: - Mẹ sắp ngủ... Một lát sau bà đã nghe Thu Hoa ngáy đều. Mười một giờ, đột nhiên bà Tú bật dậy, trong đầu bà vừa lóe lên một việc mà không thể đợi trời sáng. Bà nhẹ nhàng bước xuống giường và tin chắc là Thu Hoa không phát hiện bởi liều thuốc ngủ con bé uống mỗi tối ít nhất cũng giúp nó ngủ đến gần sáng. Nơi bà tới là căn phòng ở phía đông. Trước đây nó từng là phòng riêng của vợ chồng bà khi còn ở đây. Sau khi cả nhà chuyển về thành phố, lúc sinh tiền chồng bà đã dùng phòng này làm nơi lưu giữ nhiều thứ có giá trị, trong đó có cả giấy tờ và hình ảnh gia đình. Xâu chìa khóa riêng của bà mở được tất cả phòng trong nhà, nhưng từ mấy năm nay, khi lui tới trở lại ngôi nhà này bà Tú chưa bao giờ đặt chân vào đây. Tuy nhiên, do đã ở trong mấy năm liền, nên bà Cẩm Tú không cần bật đèn lên cũng có thể mò trong bóng tối đi mà không đụng vào đồ vật để trong. Khi đến sát tủ quần áo mà bà biết chắc còn lại trong phòng và yên chỗ cũ bởi nó to lớn khó chuyển đổi vị trí. Bà Tú mở đèn pin lên. Cánh cửa tủ vẫn còn nguyên chiếc chìa khóa cắm trong ổ khóa. Nhẹ tay bà kéo cánh cửa tủ ra, bà nghĩ trong đó chứa đầy những vật dụng linh tinh. Nhưng hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng của bà, trong khoang tủ lớn treo một dọc những bộ quần áo phụ nữ đủ màu sắc. Hình ảnh đó khiến bà Cẩm Tú giật mình, bà bước thẳng tới mở công tắc đèn. Đèn vừa sáng lên thì càng kinh ngạc hơn khi căn phòng thật lộng lẫy, khang trang và sạch bóng như đang có người. - Kỳ vậy? Bà không thể nào tưởng tượng được, bởi đây là nhà bà, tuy bỏ không ở, nhưng làm sao lại có người vào ở mà bà không biết? - Chú Mười... Bà vừa cất tiếng định gọi ông làm vườn, cũng là người được giao nhiệm vụ quản gia bấy lâu nay. Tuy nhiên, tiếng gọi chưa thoát ra ngoài thì mắt bà Cẩm Tú đã dừng lại chiếc giường ngủ trải ra trắng tinh. Trên giường có một người đang nằm im, màn màu hồng nhạt buông phủ xuống. - Ai? Bà Tú hỏi hơi to. Không có tiếng hồi đáp, cũng chẳng thấy người nọ cử động. Bà lại bước tới gần và dừng lại sát mép giường, lên tiếng lần nữa: - Ai đây, tôi muốn nói chuyện. Không nghe trả lời, bà Tú hơi bực mình nên đưa tay đụng vào góc mùng, không ngờ chỉ vừa chạm nhẹ thì vải mùng đã rệu rã ra và rơi xuống từng mảng. Có thể mùng đã được giăng quá lâu và người nằm trong đó... - Trời ơi! Bà quay người chạy nhưng do quá vội nên chân vướng vào thành giường, bất ngờ ngã sóng soài, tay chạm vào cái mền người nằm đang đắp, một bên mền tốc ra để lộ nguyên mái tóc dài và một gương mặt mà bà Tú vừa nhác thấy đã hồn phi phách tán. Một cái đầu lâu còn tóc! Cố bò, lết nhưng hình như chỉ một quãng ngắn thì bà Tú đã ngã người ra và ngất đi. - Bà chủ! Bà chủ! Mở mắt ra vừa thấy ông Mười làm vườn, bà Cẩm Tú vẫn còn bàng hoàng: - Cứu... cứu tôi! - Bà không sao rồi. Lúc nãy nghe tiếng động, tôi với chú Cảnh tài xế cùng chạy lên chỉ thấy bà đang nằm trước cửa phòng đằng kia. Sao khuya rồi bà còn đi đâu để xảy ra chuyện vậy? - Nó đâu rồi? Ông Mười ngạc nhiên: - Nó nào? Đưa tay chỉ vào căn phòng, bà vẫn còn sợ hãi: - Nó... trong phòng... Tài xế Cảnh đứng gần đó tới mở cửa phòng ra và nói: - Đâu có gì trong này! Mặc dù còn choáng váng nhưng bà Cẩm Tú cũng gượng đi về phía đó, bà đưa mắt nhìn vào và vẫn thấy khung cảnh y như hồi nãy, chỉ có cái giường thì trống không, chiếc mùng buông xuống vẫn còn đó nguyên vẹn. - Không thể nào... Bà lẩm bẩm và đảo mắt khắp nơi như tìm kiếm. Ông Mười bảo: - Căn phòng này từ nhiều năm nay tôi không có chìa khóa nên không mở cửa để dọn dẹp. Mà sao bây giờ nó lại mở ra như thế này? Bà Tú muốn giấu chuyện vừa rồi, nhưng bà lại lỡ lời: - Cái xác trên giường... Ông Mười ngạc nhiên: - Bà chủ nói xác gì? Bà đành phải thuật lại chuyện, nghe xong ông Mười cũng quá đỗi kinh ngạc: - Làm sao có chuyện đó được, từ nào đến giờ tôi ở đây giữ nhà, có hề thấy chuyện gì xảy ra đâu? Mà rõ ràng, trên giường đâu có ai. Dù đang sợ, nhưng bà Cẩm Tú cũng trở lại bên giường quan sát thật kỹ, không hề có một dấu vết gì chứng tỏ mới vừa có một người nằm, mà lại là một xác chết nữa. - Không thể được... Bà cứ lặp lại nhiều lần câu nói. Ông Mười bảo: - Hay là bà bị ám ảnh chăng? Bà Tú nổi giận: - Bộ ông cho rằng tôi bịa đặt chắc! - Dạ, tôi đâu dám... Thấy bà định bỏ về phòng riêng, ông Mười nhắc: - Bà khóa cửa phòng này lại. Đích thân bà khóa cửa lại rồi dặn tài xế Cảnh: - Chuẩn bị xe cho tôi về Sài Gòn. Con Thu Hoa cùng đi nữa. Bà trở về phòng mình, cất tiếng gọi con gái: - Hoa ơi, dậy chưa con? Không nghe Hoa đáp, bà Tú đẩy cửa vào, bà hốt hoảng kêu lên: - Nó đâu rồi? Lúc ấy chỉ mới hơn một giờ sáng, bên ngài trời tối đen, nên bà Tú càng lo sợ hơn, đi khắp các phòng coi có nó trong đó không. Bà bước qua căn phòng mà Thu Hoa mấy hôm nay ở, trong phòng cũng trống không. Tìm kiếm một lát, ông Mười và Cảnh đều báo: - Dạ, không thấy cô Hoa đâu cả! Nghĩ tới cơn bệnh tái phát của con, bà Tú quýnh lên: - Không xong rồi, mọi người kiếm khắp vườn xem! Một cuộc tìm kiếm quy mô được tung ra, có sự tham gia của những người ở xóm lân cận nữa. Cho đến sáng hôm sau... - Vẫn chẳng thấy tăm hơi gì. - Ông Mười bảo - Cửa cổng khóa chặt, tường lại cao, dứt khoát cô ấy không thể leo ra được. Mấy người hàng xóm cũng sốt sắng: - Để tụi tôi tìm xa hơn một chút xem. Cách đây ba bốn cây số mới ra đường xe ôtô nên có đi ra ngoài đó thì giờ này chưa chắc cô ấy đón được xe. Cho đến gần trưa mà cuộc tìm kiếm cũng chưa đem lại kết quả gì. Bà Cẩm Tú bắt đầu nghĩ tới điều tệ hại nhất, nên chỉ còn biết ngồi ôm mặt khóc ròng. Nhìn bà như thế, ông Mười cũng bất nhẫn: - Sao toàn những chuyện rắc rối không vậy trời! Quá kiệt sức bà Tú định trở về phòng nghỉ ngơi thì chợt bà nghe như có ai gọi mình. Bà dừng lại lắng nghe kỹ hơn và xác định tiếng kêu đó phát ra phía đông. Bà theo quán tính đi về hướng đó và cuối cùng, bà dừng lại bên căn phòng vừa xảy ra chuyện. - Sao lại đây? Tuy tự hỏi với vẻ lưỡng lự, nhưng cuối cùng bà Tú cũng đưa tay mở cửa phòng lần nữa. Tiếng kêu của ai đó chấm dứt. Cũng vừa lúc bà Tú kêu lên: - Con Thu Hoa! Con gái bà đang ngồi bật dậy ngay trên chiếc giường kia khi bà mở cửa. - Mẹ! Cô gọi trong trạng thái bình thường, nhưng cũng khiến bà Tú sợ hãi: - Sao... con lại ở đây? Thu Hoa bình thản đáp: - Thì con ngủ. - Con đang ở phòng mẹ mà, sao bây giờ lại ở đây? Nghe mẹ nhắc, Thư Hoa mới nhìn chung quanh rồi ngỡ ngàng: - Ủa con cứ tưởng... - Ra, ra khỏi đây mau! Bà nắm tay Thu Hoa lôi nhanh ra khỏi phòng trước sự ngạc nhiên của cô gái: - Sao vậy mẹ? Ra ngoài rồi, bà mới hỏi lại: - Ai đưa con vào đó? - Đâu có ai. Con ngủ trong phòng mẹ, đâu biết gì. Nỗi sợ hãi khiến bà Cẩm Tú run hai đầu gối, bước đi một cách khó khăn. Bà giục: - Đi nhanh đi con. - Đi đâu mẹ? - Rời khỏi đây, về Sài Gòn ngay, đi nào! Từ khi bị bệnh, không khi nào Thu Hoa cãi lại mẹ, nhưng lúc này cô giằng tay ra khỏi bàn tay bà Tú, nghiêm giọng: - Con không thích về, con thích ở đây thôi! - Kìa, Thu Hoa... Vừa nói xong tức thì cô nàng lập tức trở lại căn phòng khiến bà Tú kinh hãi: - Đừng. Đừng vào đó, không được. Nhưng bằng động tác rất nhanh Thu Hoa đã bước vào phòng và đóng sầm cửa lại. Bà Tú đập cửa, kêu to: - Thu Hoa! Con phải nghe mẹ, trong đó có... Bà nói tới đó thì như bị ai bóp ngang cổ, khiến lời bà không phát ra được nữa. Bà lảo đảo và ngã chúi xuống. - Bà chủ... Tài xế Cảnh từ ngoài hốt hoảng chạy vào, thấy vậy anh ta định đỡ bà dậy, nhưng bà Tú vừa chỉ tay vào: - Mở... mở ra. Cảnh chưa biết chuyện gì thì từ bên trong có giọng Thu Hoa: - Để tôi nghỉ ngơi đừng ồn ào! Cảnh ngỡ bà chủ chưa biết Thu Hoa ở trong đó nên mừng quýnh, lay mạnh bà dậy: - Bà chủ, cô Hoa ở trong kia. Nhưng đến lượt anh ta im bặt sau đó, bởi hình như anh ta cũng bị cái gì đó làm cho sợ hãi, trợn tròn mắt và chỉ muốn chạy khỏi nơi đó mà chẳng làm sao nhúc nhích được... Việc để cho Thu Hoa ở lại là điều bà Cẩm Tú không hề muốn. Tuy nhiên, kể từ khi đóng cửa phòng lại và quyết liệt từ chối không chịu ra của Hoa, bà Tú hiểu rằng bà đã không còn kiểm soát được con gái. Qua hai ngày sau Thu Hoa mới chịu mở cửa và cô tỏ ra như chẳng có việc gì khi nói với mẹ: - Con cảm thấy thoải mái khi ở trong căn phòng đó, vậy mẹ đừng thắc mắc gì nữa. Cứ đà này chỉ vài tuần là con sẽ trở lại bình thường thôi. Nhìn sắc diện của con, lại nghe Hoa nói thế, mặc dù vẫn còn chưa yên tâm, nhưng bà Tú cũng tạm chấp nhận: - Thôi thì cũng được. Nhưng mẹ hỏi thật con, lúc trong phòng đó con có thấy điều gì bất thường không? Thu Hoa lắc đầu: - Con ngủ yên và cảm thấy thoải mái còn hơn là ở phòng mẹ hay phòng riêng của con nữa. Rồi cô còn khoe: - Con tìm được mấy cái này... Cô đưa ra một cái khung ảnh có hình hai người chụp chung, mà vừa thấy nó bà Tú đã thất thần: - Ở đâu con có cái này? - Con lấy được trong tủ áo. Mặt ba hồi trẻ so với lúc già không khác mấy, chỉ có mẹ... Bà Tú rít lên: - Không phải! Hoa ngơ ngác: - Mẹ nói cái gì không phải? - Cái hình này! Đó không phải mẹ. Bà giằng lấy và tiện tay ném mạnh ra ngoài cửa sổ! Tiếp theo là một tiếng kêu thất thanh và bà ôm lấy mặt, đau đớn. Chiếc khung ảnh vừa bị ném, chẳng hiểu sao lại bay trở lại và nhắm trúng vào mặt bà Tú, khiến bà gục xuống, máu me đầm đìa. - Kìa mẹ! Đoán được phần nào cơn thịnh nộ của mẹ vừa rồi, Thu Hoa cầm tấm ảnh lên, hỏi: - Vậy ai trong hình với ba vậy? Bà Tú rũ người xuống trông thật thảm hại, Hoa thấy thương mẹ vô cùng: - Mẹ nói con nghe đi, có chuyện gì vậy? Mãi một lúc sau bà Tú mới nói, giọng đứt quãng: - Người đó nào có buông tha ba con ra như ba con đã nói. Họ vẫn là một cặp đôi đó thôi! - Nhưng... đây là chuyện cũ rồi mà mẹ, hồi ba còn trẻ. Vả lại bây giờ ba đã chết rồi. Bà Cẩm Tú cầm khung ảnh lật ra phía sau và gỡ ảnh ra khỏi khung, chỉ cho Hoa xem: - Con đọc dòng chữ sau này sẽ rõ! Thu Hoa chú ý tới dòng chữ viết khá nắn nót, nét chữ của cha cô: “Mùa Xuân Canh Thân, đánh dấu ngày mặt trăng của chúng ta ra đời! Cám ơn em Thu Hà!” - Thu Hà là người trong ảnh này? Bà Cẩm Tú không đáp thẳng, nhưng câu nói tiếp theo của bà đã như câu trả lời: - Đã lấy tôi rồi mà lúc nào cũng Thu Hà, cũng em ơi, em hỡi! Và cũng đi tìm vầng trăng non cho bằng được, trời ơi! - Trăng non là gì mẹ? Ai là mặt trăng của ba như lời trong ảnh này? - Hãy tìm cha con mà hỏi! Vừa nói bà vừa vụt chạy bay ra ngoài. - Mẹ! Ông già Mười hình như đã chứng kiến từ đầu đối thoại giữa hai mẹ con, ông nhẹ giọng nói: - Cô hãy để cho bà tĩnh tâm đã. Chính bức ảnh này đã khiến cho bà bị sốc đó! - Nhưng... sao lại sốc? Người trong ảnh là ai ông Mười biết không? Ông già nhìn thẳng vào Thu Hoa một lúc, rồi hỏi: - Cô có thật sự muốn biết không? - Ông Mười biết thì kể cho con nghe đi. Bà ta tên Thu Hà phải không? - Phải! Bà ta tên Thu Hà, bởi vậy bà đặt tên cho các con đều bắt đầu cũng bằng chữ Thu. Thu Nguyệt, Thu... Ông lại nhìn Thu Hoa và ngừng lại. Linh tính của Hoa hiểu đang có điều gì đó liên quan tới mình, cô hỏi nhanh: - Còn Thu gì nữa? Ông già Mười trầm ngâm một lúc mới tiếp lời: - Trước khi kể tới những tên Thu khác tôi xin kể cho cô nghe chuyện về cái chết của cô Thu Nguyệt, con gái lớn của bà Thu Hà này. Ông đằng hắng lấy giọng, mà có lẽ cũng để lấy bình tĩnh. - Hôm đó là một đêm trăng sáng vằng vặc, cũng tại một ngôi nhà giống như nhà này, nhưng ở cách đây hơn trăm cây số. Một trong hai đứa bé song sinh đã chết do bị rơi từ trên lầu cao xuống đất. Nó chết, bởi vì nó có tên là Trăng, là Thu Nguyệt. Thu Hoa chặn ngang: - Là con của bà Thu Hà này? - Phải! Cũng may là đứa bé kia còn sống sót. - Nhưng sao lại rơi từ trên cao xuống? Bà ấy lỡ tay làm rơi chăng? Giọng ông Mười đầy bi phẫn: - Bị người ta ném! - Trời ơi! Ai mà dã man vậy chứ? - Chỉ vì ghen mà người ta nỡ nhẫn tâm như vậy, bất kể đó là một đứa trẻ vô tội! Bởi vậy trời cao có mắt, kẻ đã gây họa thì chẳng bao giờ được quyền làm mẹ, mà phải suốt đời mượn con thiên hạ làm con của mình. Thu Hoa càng nghe càng không hiểu, cô hỏi thẳng: - Ông Mười nói gì vậy? Ông già nhẹ lắc đầu rồi bỏ đi. Hoa định chạy theo thì đã nghe ông nói vọng lại: - Cô tự mà tìm hiểu. Mọi thứ đều có ngay trong phòng ngủ của cô đó. Ông đi khuất rồi mà Thu Hoa vẫn còn chưa hết thắc mắc. Chợt nhớ tới mẹ, cô chạy theo hướng bà đã đi lúc nãy. Nhưng vừa ra tới cổng thì đã gặp tài xế Cảnh chạy xe về, anh chặn Hoa lại và nói: - Bà bảo cô đừng đi tìm, bà đang ở ngoài kia chờ đi chung xe với một người quen về Sài Gòn luôn. Vài hôm bà sẽ lên. Anh ta móc túi đưa cho Hoa gói giấy nhỏ: - Bà dặn cô cất kỹ vật này. Nó sẽ cần cho cô lắm. Thu Hoa mở ngay gói ra và ngạc nhiên khi đó là chiếc vòng ngọc thạch có chạm hình mặt trăng giữa nền trời mây bay. Không kịp hỏi gì thêm thì tài xế Cảnh đã rồ xe đi. Thu Hoa ngẩn ngơ nhìn theo, sau đó cô lững thững trở vào nhà mà lòng dạ bồn chồn không yên. Thu Hoa về phòng ngồi thừ ra rất lâu, rồi cô theo quán tính lại lục lọi tủ áo. Lần này cô gặp thêm một bức ảnh chân dung khác, trong đó chỉ có ba người: người đàn bà mà mẹ cô gọi là bà Thu Hà và hai đứa trẻ khoảng lên 5, một đứa có khuôn mặt bầu bầu, đôi mắt tròn như hai hạt nhãn, còn đứa kia cũng y như vậy, nhưng tóc lại cột cao, nhờ vậy mà thoạt nhìn có thể phân biệt được là hai đứa khác nhau, chứ thật ra chúng giống nhau như hai giọt nước. - Sao đứa có tóc để dài này giống y như mình? Lật phía sau bức ảnh, mắt Thu Hoa dán chặt ngay vào dòng chữ: Hai mặt trăng mùa thu của mẹ: Thu Nguyệt, Thu Hoa! - Cái gì? Sao lại là... Thu Hoa? Trời đất như đang quay cuồng trước mặt Hoa. Cô phải vịn vào thân tủ mới đứng vững được. Nhìn lại bức ảnh lần nữa, và Hoa không còn giữ được bình tĩnh, cô kêu lên: - Thu Hà, Thu Nguyệt, Thu Hoa, cả ba đều là Thu! Cả ba... Đôi tay Hoa run khiến không cầm được bức ảnh, để nó rơi xuống chân. Vừa cúi xuống nhặt lên thì tay Hoa chạm phải một gói giấy nhỏ bên cạnh hộp đựng ảnh, vừa mở nó ra cô đã sững sờ: lại một chiếc vòng ngọc thạch khác có hình dáng và màu sắc giống y như chiếc vòng mà tài xế Cảnh vừa mới đưa. Nhìn lại nét chạm khắc trên đó thì cũng giống, ngoài ra còn có một khóm hoa cúc trong bức tranh chạm hình trăng, mây và hoa. - Hoa mùa thu, Thu Hoa. Hai chiếc vòng này nhỏ xíu, dành cho trẻ con đeo. Mà trong bức ảnh kia, trên cổ tay hai đứa bé đều có đeo hai chiếc giống như nhau. - Hai chiếc vòng này! Thu Hoa chợt hiểu, cô lạnh cả người khi ý nghĩ chạy qua trong đầu: - Mình là... con của người đàn bà này? Thấy một chiếc hộp thiếc thứ hai trong tủ, Thu Hoa chụp lấy và mở tung nó ra. Trong đó vẫn là bức ảnh giống như vậy, nhưng được phóng lớn ra và bôi lem luốc cả vì những vệt giống như máu lâu ngày biến thành màu nâu sậm. Thu Hoa đọc được mấy chữ: “Nó giết con rồi Nguyệt ơi!” Ngoài ra còn có một cuộn dây gai khá to, thắt hình cái thòng lọng mà vừa trông thấy Thu Hoa đã kêu lên: - Chiếc thòng lọng! Cô đã từng bị ám ảnh bởi sợi dây thòng lọng mà nên vừa thấy nó Thu Hoa đã lùi lại, sợ hãi! Khiến cho chiếc hộp thiếc trong tay cô lại bị rơi xuống sàn. Từ trong đó bay ra một mảnh giấy nhỏ mà vừa trông thấy chữ viết là Hoa biết ngay là của cha mình: “Trong hai mặt trăng bé bỏng của chúng ta chỉ còn có một, nhưng sao em không ở lại cùng với nó mà lại vội ra đi, Thu Hà ơi!” - Ba! Ba nói gì con không hiểu? Thu Hoa gào lên như đang đứng trước mặt người cha đã quá cố của mình. Cô lặp lại câu hỏi đến ba lần, đến khi khàn cổ họng thì quay ra gọi lớn: - Ông Mười ơi! - Tôi đây, cô Hoa! Ông già Mười đã đứng ngài cửa phòng từ lúc nào rồi. Ông lên tiếng: - Tôi định để cô một mình, nhưng biết có những điều cô chưa rõ, nên tôi phải trở lại. Đó, mọi việc đang bày ra trước mắt cô đó, cô tìm hiểu đi... Thu Hoa nhào tới chụp lấy ông: - Ông nói cho con biết, con và người đàn bà tên Thu Hà kia là thế nào? Bà ấy... - Mọi thứ đã nói hết rồi, sao cô còn hỏi. Cô là một trong hai Thu mà bà ấy đã nhắc. - Như vậy con là... là con của bà ấy? - Cùng với người chị song sinh đã chết là con đẻ của bà ấy và cha là... người mà từ trước đến giờ cô vẫn gọi là cha! Thu Hoa vẫn chưa tin hẳn: - Không thể nào! - Cô có biết sợi dây thòng lọng đó là gì không? Câu hỏi nhắc Hoa điều mà cô muốn biết. Thu Hoa nhìn dưới chân, nhưng Hoa vẫn chưa dám cầm, thì giọng ông Mười lại vang lên: - Đó là sợi dây oan nghiệt đã giết chết một mạng người! - Bà Thu Hà? Ông Mười không đáp, nhưng sự im lặng của ông đã như xác nhận. Thu Hoa nhìn ông, hỏi lại: - Sao nghe nói là bà ấy chết vì lý do khác? Ông Mười lắc đầu: - Trong nhà này có nhiều việc tưởng vậy mà không phải vậy! Giống như cô đâu phải muốn chết, vậy mà cô vẫn đưa đầu vào dây thòng lọng. Bị chạm đúng vào điều mà mình đang bị ám ảnh, Thu Hoa có vẻ sợ, nên im lặng. Ông già Mười ngừng một lúc, lại nói tiếp: - Cô không muốn biết tại sao người sinh ra cô lại chết như vậy sao? - Nhưng mà... - Kể cả cha cô nữa, tại sao ông cũng chết sau khi chị và mẹ cô chết không lâu. Thu Hoa im lặng. Trong cô đang có cuộc xáo trộn lớn. Từ nào đến giờ không khi nào cô có gợn một chút gì không hay về người cô vẫn quen gọi là mẹ: bà Cẩm Tú. Vậy làm sao trong một vài giây cô có thể nghĩ khác về bà. - Được rồi, cô cần có thời gian suy nghĩ. Mà cũng nên hiểu kỹ mới được. Chuyện không đơn giản đâu. Giọng ông già Mười xa dần, đến khi Hoa nhìn lại thì không còn thấy ông đâu nữa. Cô vẫn còn muốn tìm hiểu thêm, nên lại xốc tung quần áo trong tủ lên. Tuy nhiên, bỗng dưng cánh cửa phòng đóng sầm lại và ngọn đèn duy nhất trong phòng tắt ngấm, bóng tối bao trùm. Thu Hoa bước tới mở công tắc thì mới biết là cúp điện. Cô lò mò tìm hộp diêm và cây nến, nhưng phải thất vọng, bởi hai vật đó không có ở nơi thường lệ. - Ông Mười ơi! Hoa gọi đến mấy lượt mà không nghe ông già Mười lên tiếng. Đoán ông đã ra ngoài vườn nên tự Hoa phải đi xuống nhà bếp tìm cách đốt đèn. Khi cô trở lại phòng mình thì chẳng cách nào mở được cửa. Chúng đã bị khóa bên trong. - Ủa, mình đâu có khóa? Thu Hoa rất ngạc nhiên, bởi khi nãy đi ra cô vẫn để cửa mở. Phải mất hơn mười lăm phút sau mới tìm được ông Mười. Ông cũng phải dùng xà beng mới nạy được cửa ra. Lúc bung cửa, ông bảo: - Căn phòng này đã nhiều lần tự đóng và tự khóa như vậy. Hình như đây là cõi riêng của bà ấy vậy. Lúc cửa mở bung ra, Thu Hoa nhìn thấy có một người treo cổ lơ lửng phía trên giường ngủ. - Trời ơi. Ông già Mười hốt hoảng kêu lên: - Bà chủ! Thì ra người đang treo cổ kia chính là bà Cẩm Tú! - Mẹ. Họ chạy tới thì may quá, có lẽ bà Tú mới vừa thực hiện hành vi đó, nên thân thể còn cử động. Ông Mười kịp gỡ dây xuống và làm cấp cứu ngay. Bà Tú mở mắt ra thấy họ mà như nhìn thấy quỷ ma, bà thét lớn: - Để tôi tự làm! Hãy để tôi làm. Bà quơ tay như tìm vật gì, đến khi chạm phải sợi dây thòng lọng mà ông Mười vừa cởi ra, bà ta lập tức lấy tròng vào cổ mình. Thu Hoa phải giằng lại và nói to: - Mẹ làm gì vậy, con đây mà! Con cứu mẹ được rồi! Bà Cẩm Tú hình như không màng đến Thu Hoa, bà chồm dậy vừa gào lên: - Hãy chờ tôi với. Hãy chờ tôi! Bà bật dậy rất nhanh và tung chạy ra ngoài trước sự bất ngờ của Thu Hoa và cả ông già Mười. Đến khi cô có phản ứng kêu lên thì bóng bà ta đã khuất ngoài cửa. Màn trời đêm tối đen như mực... Ông Mười chỉ tay lên trần nhà và bảo Thu Hoa: - Cô hãy nhìn kỹ xem, có phải sợi dây thòng lọng lúc nãy kia không? Hoa không phải quan sát lâu, cô đã nhận ra chính là sợi dây được cất trong hộp thiếc. Lúc nãy nó được gỡ ra, nhưng bâỵ giờ tự nó dựng đứng lên như cây sào và quay nhiều vòng như có người điều khiển. Để rồi sau cùng bay vút xuyên ra ngoài cửa sổ như một cây lao được ném đi! Bỗng dưng Thu Hoa nhìn theo và thét lên một tiếng kinh hoàng: - Mẹ! Rồi cô ngã nhoài xuống, hai tay chới với đưa về phía trước như bất lực trước nỗi tuyệt vọng và đau khổ. - Mẹ ơi! Cô cố gào lần nữa rồi lịm đi. Đến quá nửa đêm thì trăng mới xuất hiện và xua đi màn đêm dày đặc. Ông già Mười sau khi nhìn cô chủ ngủ yên thì mới an tâm rời khỏi phòng. Cũng giống như Thu Hoa, kể từ lúc này bỗng dưng ông có cảm giác như đang có điều gì đó... Đúng ra lúc nãy ông phải là người đuổi theo bà Cẩm Tú khi bà ta chạy trong đêm tối. Nhưng phần vì quá bất ngờ, phần vì lo cho an nguy của Thu Hoa, nên mãi cho đến bây giờ ông mới có ý định đi ra khu vườn nhiều cây cối, và không cần suy nghĩ, ông cũng tìm tới đúng tàn cây cổ thụ duy nhất, mà nơi đó đã nhiều năm người ta từng tạo ra mấy cái xích đu dành riêng cho hai cô con gái nhà này. Chỉ kể từ khi xảy ra tấn thảm kịch năm đó, một trong hai cô gái chết đi, cô còn lại bị đưa đi khỏi nơi này thì ông mới không còn hứng thú ra gốc cây này để chăm sóc cho chiếc xích đu nữa. Đã hơn mười năm rồi còn gì. Chiếc xích đu giờ chắc cũng đã mục nát, đứt dây rồi... Tuy cũng ở trong khu vườn rộng chưa quá hai hécta, và nằm dưới sự cai quản của chính ông, đã từ lâu lắm, chỉ riêng khu vực cây cổ thụ này ông già Mười chừa ra, không bước tới. Chính ông cũng chẳng hiểu tại sao vậy. - Dữ hôn, đến hôm nay ông Mười mới tới thăm mẹ con mình kìa Nguyệt ơi! Đang lầm lũi bước, chợt nghe giọng nói quen quen ấy, ông Mười ngẩng lên và trố mắt kinh ngạc. Trước mắt ông, ngồi vắt vẻo trên chiếc xích đu là hai người một lớn, một bé. - Là... là... bà đó sao? - Lâu quá rồi nên giọng nói của tôi ông cũng quên mất rồi! Mà cũng phải, hơn mười năm rồi còn gì. À bây giờ ông quen với giọng người khác hơn. - Bà Thu Hà! Rồi tiếng reo của đứa bé: - Ông Mười! - Cô... Thu Nguyệt! Chiếc xích đu rung lắc thật mạnh, lao vun vút trong không trung, chứng tỏ hai người ngồi trên đó đang xúc động mạnh. Ông già Mười hoa cả mắt, không nhìn rõ mặt họ. Ông phải nói lớn: - Sao bây giờ bà và cô mới về? Một tiếng cười ngắn, khô khan: - Đêm nào có trăng là chúng tôi về, chỉ có ông là không bao giờ tới đây thôi. Vậy làm sao gặp nhau được! - Mà ai cấm ông vậy, sao ông không tới chỗ này? Ông già Mười lúng túng, ấp úng: - Cũng... cũng chẳng hiểu tại sao nữa... Giọng đứa trẻ cất lên thật trong trẻo: - Bây giờ không cần ông Mười đưa xích đu nữa, con đã có người đưa rồi! Sau câu nói đó, chiếc xích đu lại lao vun vút đi như có người đưa. Khi nhìn kỹ lại, ông Mười vội kêu lên: - Kìa. Ông thấy ở một cành cây khác có một người bị treo lơ lửng, nhưng vẫn đưa tay ra đẩy chiếc xích đu mỗi lần nó đi qua. Người đó... - Bà... bà Cẩm Tú! Nhờ ánh trăng chiếu vào nên ông Mười đã nhận ra người bị treo kia chính là bà Cẩm Tú! Bà ta chẳng khác một xác chết treo cổ, chỉ có mỗi lần dang tay ra là biểu hiện đó là một con người... Quá kích động ông Mười định chạy tới và leo lên cây, nhưng giọng của người trên xích đu lạnh và sắc: - Ông thương người là đúng, nhưng ở trường hợp này thì không nên. Chắc ông đâu lạ gì chuyện của bà ta đã gây ra cho mẹ con tôi phải không? Đây là sự trả giá mà. Chúng tôi phải đợi đến hơn mười năm. Quá lâu! Con bé Thu Nguyệt cũng tiếp lời: - Đáng lý ra con cũng đã lớn như em Thu Hoa bây giờ, nhưng do chưa hiện được thành người, nên cho đến giờ con vẫn là đứa trẻ con năm tuổi! Có phải từ nay, khi con được hiện về mỗi đêm trăng như thế này thì thân xác con sẽ phát triển như một người bình thường không? Con sẽ gặp lại em Thu Hoa phải không mẹ? - Phải. Rồi bà quay sang bà Cẩm Tú, nói với ông già Mười: - Bà ta đã hại chết cả hai mẹ con tôi, đáng lý chúng tôi đã trả được thù rồi, nhưng cũng chỉ vì con Thu Hoa. Chính mạng con bé phải gắn liền với người đàn bà này, cho nên chúng tôi phải đợi đến bây giờ. Bao nhiêu năm nay, Cẩm Tú có chịu đưa con bé trở về đây đâu. Chúng tôi thì bất lực trong việc tác động, giục bà ta dắt cháu trở về. Phải đến vừa rồi do Thu Hoa bị phụ tình, nó phát điên phát rồ thì chúng tôi mới dẫn dụ nó về đây được. Và có như vậy thì nó mới vào được phòng của chúng tôi, nằm lên giường tôi, và... mẹ con tôi mới gặp lại nhau! Cám ơn ông Mười, chính nhờ ông mà Thu Hoa nó mới hiểu được thân phận mình... Nhớ tới Thu Hoa, ông Mười nói: - Để tôi về kêu cô ấy ra đây, chắc là cô ấy mừng lắm! Ông ta bị ngăn lại: - Không nên. Từ nay mẹ con chúng tôi muốn gặp nhau lúc nào cũng được. Nhưng tôi không muốn nó nhìn thấy cảnh người đã nuôi nó bấy lâu nay trong hình ảnh như thế này. Nếu còn thương mẹ con tôi thì xin ông Mười cứ tiếp tục ở lại trong nhà này như từ nào đến giờ, và ông đừng nói gì hết chuyện ngày hôm nay. Cần thì ông có thể kể lại chuyện cái chết của chúng tôi, kể hết chuyện bà Cẩm Tú vì ghen tuông, ích kỷ, đã hại chết mẹ con chúng tôi cho nó nghe. Như thế đủ rồi. Ông Mười định nói mấy lời xin cho bà Cẩm Tú, nhưng nhìn cảnh bà ta chỉ còn là cái xác, và tự nguyện đung đưa như thế, ông chỉ khẽ lắc đầu rồi đứng im. Lát sau, chính bà Thu Hà lên tiếng: - Ông quay về đi, con Thu Hoa sắp tỉnh lại rồi đó. Hãy kể cho nó nghe và bảo nó cứ yên tâm ở lại đây, ở lại trong vòng tay của mẹ và chị nó... Lúc đó, trên nền trời có một áng mây đen lớn đang che khuất ánh trăng, ông Mười không còn nhìn thấy họ nữa, nghĩ là sau khi mây tan sẽ lại gặp, nên ông đứng đó đợi. Tuy nhiên, khi trăng hiện ra trở lại thì trước mắt ông chỉ còn lại chiếc xích đu trống không. Kể cả bà Cẩm Tú cũng không còn. Thu Hoa chăm chú lắng nghe lời kể của ông già Mười, thỉnh thoảng cô chen vào hỏi: - Vậy ba con đâu, sao để sự việc xảy ra như vậy? Ông Mười thở dài: - Bà Cẩm Tú coi bề ngoài hiền lành vậy mà thâm hiểm lắm. Khi dan díu với ông Lộc cha cô, thì lúc đó mẹ cô đang có thai gần ngày sinh. Chính bà đã lấy thuốc gì đó của một ông thầy làm thuốc ngải trong rừng, cho cha cô uống, gây cho ông bệnh liệt giường suốt năm trời, sau đó bệnh tật kéo dài, cho đến lúc hai chị em cô lên năm tuổi. Năm đó, tôi nhớ lúc cha cô đi chữa bệnh ờ Sài Gòn thì ở nhà xảy ra chuyện! Mẹ cô, bà Thu Hà đang bế hai đứa con ngồi chơi trên phòng thì bà Cẩm Tú xuất hiện. Xảy ra cuộc đấu khẩu kịch liệt giữa hai người, rồi dẫn đến xô xát. Mẹ cô trên tay đang bế bé Thu Nguyệ bỗng bị bà Cẩm Tú giằng lấy, rồi như một người điên, mụ ta ném mạnh đứa bé ra ngoài như ném một con búp bê! Có lẽ đó là hành động trong lúc điên loạn, nên ngay sau đó chính bà ta đã lao người ra định chụp đứa bé lại và mất đà ngã chúi ra khỏi cửa sổ! Cũng may là khi ấy tôi vừa trờ tới, kịp đỡ bà ta lại khi bị rơi xuống đất. Tôi thất thần nhìn con bé Thu Nguyệt nằm chết mà người đầy máu me. Mẹ cô gào lên, leo lên cửa sổ định nhảy theo con, thì chợt trong phòng có tiếng khóc. Tiếng khóc thét của cô! Do vậy, tôi thấy bà buông rơi mình trở vào phòng. Khi tôi chạy lên thì thấy bà Thu Hà đang quằn quại do bị ngã. Cô thì ôm lấy mẹ mà khóc không thôi. Ngừng lại một chút, ông Mười kể tiếp: - Tưởng mọi chuyện đến đó là hết, nào ngờ khi tôi lo mai táng cho chị cô thì bà Thu Hà đã treo cổ chết trong phòng này! Khi tôi phát hiện thì không còn kịp nữa! Ông lại ngừng kể, khóc như đứa trẻ. Lát sau ông nhìn Thu Hoa, nhẹ giọng nói: - Trong lúc mọi người đang rối rắm thì bà Cẩm Tú biến mất cùng với cô. Bà ta ẵm theo cô và từ đó không hề nghe tin tức gì. Cho đến khi cha cô chết vì đau buồn cảnh mất vợ, mất con, thì tôi hay tin bà ta xuất hiện ở Sài Còn, chứ không dám về đây. Tôi cũng hay tin cô lớn lên cùng bà ta và xem bà ấy như mẹ ruột của mình. Vừa rồi khi bà ta đột ngột trở về đây thì tôi lên tiếng phản đối, nhưng bà ta đã lạy lục, năn nỉ tôi để cho bà ta chuộc lại lỗi lầm và cũng để chữa bệnh cho cô, khi nào cô lành bệnh thì bà ta ra đi. Kể tới đây, ông Mười đứng lên và bằng giọng chân thành, ông nói: - Cô Hoa cứ yên tâm ở lại đây. Mẹ cô và Thu Nguyệt luôn ở cạnh, họ sẽ phù hộ cho cô mãi mãi. Còn tôi, như bao giờ, tôi cũng là người đầy tớ trung thành trong ngôi nhà này. Ông đi ra rồi mà Thu Hoa vẫn còn ngẩn ngơ. Tuy nhiên, trong lòng cô lúc ấy lại không có chút gì là lo lắng. Mà trái lại, cô thầm khấn: - Nếu linh hiển thì mẹ và chị Nguyệt cho con gặp một lần...