Đi xem hết một vòng khu đất quanh nhà, Phước có vẻ hài lòng. Tuy nhiên khi đứng lại trước ba ngôi mộ cũ anh hơi ngần ngại: - Những ngôi mộ này là của ai? Người chủ khu đất cười bảo: - Đây là những ngôi cổ mộ, nghe nói là của ông tằng ông tổ gì đó của tôi. Lúc ông nội tôi còn sống còn rất mơ hồ về gốc tích của chúng... Phước nói thẳng: - Nói chung là tôi đồng ý mua khu đất và ngôi nhà này với giá cả đó. Nhưng cũng chỉ bởi những ngôi mộ này... Người chủ nhà mau miệng: - Tôi đã nói rồi, nếu xong giá, anh tiến hành làm thủ tục là tôi sẽ cho cải táng ngay. Mộ cổ mà, có gì đâu mà ngại. - Tôi không ngại chuyện mồ mả trong đất nhà, tuy nhiên đáng lẽ ra ông nên cho cải táng trước khi bán, thì người mua chúng tôi dễ tính hơn. Người chủ quả quyết: - Tôi hứa chỉ trong vòng ba ngày thì mọi việc sẽ xong xuôi. Anh cứ yên tâm. Việc xem đất coi như xong. Người chủ dẫn Phước vào ngôi nhà cổ. Ông ta giới thiệu: - Nhà này có lẽ đã có tuổi ngót trăm năm, nhưng do làm bằng gỗ quý, nên anh xem nè, chưa có dấu mối mọt nào hết. Nói thiệt, nếu không cần tiền thì tôi không bao giờ bán một của quý như vầy. Phước phải công nhận là khá hài lòng với ngôi nhà. Đã từ lâu anh vẫn ao ước có được một ngôi nhà cổ như thế này, để đưa bộ sưu tập cổ vật mà phải mất gần hai chục năm tìm kiếm anh mới có được, về trưng bày. Nhiều bạn bè cho rằng Phước gàn khi chỉ chú tâm tìm nhà cũ, nhưng anh thì lại vô cùng thích thú. Bởi vậy khi nghe giới thiệu ngôi nhà này, Phước đã tới ngay và chấp nhận liền giá cả do chủ nhà đưa ra. Trước khi ra về Phước còn nhắc lại: - Về việc mấy ngôi mộ mong ông giải quyết cho xong trước khi tôi trở lại vào ngày thứ bảy này. Phước cho tờ giấy đặt cọc mua nhà vào túi, với tâm trạng phấn khởi anh ra xe định về ngay để báo tin mừng cho bà xã ở nhà. Nhưng khi tra chìa khóa công-tắc vào Phước rất đỗi ngạc nhiên vì chiếc chìa khóa vừa vặn ngang đã bị gãy đôi! - Kỳ vậy? Phước cố cách nào cũng chẳng làm sao khắc phục được, nên cuối cùng đành phải nói với chủ nhà: - Phiền ông cho gởi lại chiếc xe, chiều tôi cho người đến mang về. Anh lững thững ra ngoài đón xích lô về nhà. Vừa leo lên xe Phước đã nghe người đạp xe nói ngay: - Ông mua ngôi nhà đó hả? Bộ ông chưa biết gì về nó hả? Phước ngạc nhiên: - Biết về chuyện gì bác? - Chuyện... Lời nói của ông lão đạp xe vừa nói tới đó thì bỗng phía trước có một chiếc xe đi cùng chiều thắng gấp, nên chiếc xích lô chở Phước suýt nữa đã đâm sầm vào, nếu không dừng lại kịp. Phước quay lại định trách ông lão không cẩn thận, nhưng anh ngơ ngác khi không còn thấy ông ta đâu. Chiếc xích lô đậu giữa đường mà không có người lái, khiến mấy xe đi sau nhấn còi inh ỏi, làm cho Phước phải bước xuống xe và khó khăn lắm mới đẩy được nó vào lề. Đứng đợi có hơn mười phút vẫn chẳng thấy ông lão đâu Phước quá sốt ruột nên cuối cùng phải gọi xe khác đi. Về tới nhà rồi mà Phước vẫn còn áy náy chuyện vừa rồi, nên anh kể cho vợ nghe. Lệ Hoa vừa nghe Phước nói đã vụt nói ngay: - Có phải ông già đội chiếc nón lá buông không, ông ta... Phước bảo: - Đúng rồi, sao em biết ông ta? Hoa đưa ra một mảnh giấy bạc gói thuốc lá, trên đó có ghi vội mấy chữ. Cô nói: - Ông ta bảo đưa cái này cho anh. Phước cầm lấy đọc và hết sức ngạc nhiên khi nó đề cập đến chuyện ngôi nhà cổ: Đừng mua ngôi nhà đó! Lệ Hoa hỏi: - Nhà nào vậy? Phước ngại vợ bàn tới lui lôi thôi, nên nói tránh đi: - Mấy ngôi nhà anh đi coi sáng nay ấy mà... Giấu tờ giấy vào túi quần, Phước đổi ý không kể cho vợ nghe chuyện thuận mua ngôi nhà cổ. Mãi khi vào phòng riêng rồi anh mới suy nghĩ và tự hỏi: Ông già này là ai mà hành tung kỳ lạ như vậy? Và tại sao ông ta khuyên mình không nên mua ngôi nhà? Suy nghĩ mãi vẫn không có câu trả lời, Phước chán nản để nguyên quần áo, nằm lên giường, tính lát sau sẽ đi tắm. Nhưng có lẽ do mệt nên anh ngủ thiếp đi... Khi tỉnh dậy anh vô cùng ngạc nhiên khi nghe vợ báo: - Có người chạy xe anh về để dưới sân. Phước chạy ngay xuống kiểm tra lại và hết sức ngạc nhiên, bởi khóa công-tắc vẫn bình thường, không có một dấu hiệu nào của một sự cạy ra hay sửa chữa gì... - Ai đưa xe về vậy? Hoa lắc đầu: - Em cũng không biết. Lúc ở trong bếp bước ra em đã thấy chiếc xe nằm ở sân rồi! Dẫu ít khi chấp nhận những điều phi thực tế, nhưng trước những sự việc này Phước cũng phải suy nghĩ nhiều. Anh dặn vợ: - Em đừng mở cửa cho bất cứ người lạ nào vào nhà, kể cả khi họ nói là tìm anh... Lệ Hoa ngạc nhiên hỏi lại: - Có chuyện gì vậy anh? Phước trấn an vợ: - Anh chỉ nói thế, chẳng có chuyện gì đâu. Thôi, dọn cơm cho anh ăn, đói bụng lắm rồi. Phước đi tắm. Khi thay đồ ra anh chợt nhớ mảnh giấy lúc nãy nên móc ra xem lại. Và lần này những chữ trên tờ giấy bạc đã thay đổi hẳn nội dung: Chiếc xe cũng đã đem về rồi, như vậy anh nên dứt khoát với ngôi nhà ấy! Phước cảm giác lạnh ở lưng và anh đứng thừ người ra... Bỗng nghe vợ anh kêu: - Sao anh nổ máy xe rồi để đó? Phước lại chạy ra sân và anh thật sự sợ hãi, bởi chiếc xe từ lúc được trả về anh chưa hề mở máy và anh còn nhớ rõ lúc mình xem ổ khóa công tắc thì không có chìa cắm trong đó! - Chuyện này… Phước chưa nói hết câu thì bỗng tiếng còi xe vang lên chói cả tai. Lệ Hoa trong nhà chạy ra kêu lên: - Anh ấn còi xe chi vậy, con nó còn ngủ mà! Phước ngơ ngác: - Anh đâu có... Tìm mãi mới thấy chìa khóa công-tắc nằm ở băng ghế ngồi, Phước phải vất vả lắm mới làm cho tiếng còi im bặt. Anh nói để vợ khỏi phải lo: - Chắc tại xe bị chạm điện hay sao đó... Phước lấy chìa khóa công-tắc bỏ túi sau khi đã tắt máy xe, đóng và khóa cửa xe cẩn thận. Lên lầu nằm rồi mà Phước vẫn chưa hết suy nghĩ về những hiện tượng vừa rồi, anh tự hỏi: Tại sao có những chuyện kỳ cục như vậy? Không lẽ... Phước không dám nghĩ tới điều mà trong đầu vừa chợt lóe lên. Ma? Gạt ngay ý nghĩ đó, đồng thời Phước đi trở xuống sân, anh quyết định trở lại ngôi nhà cổ. Người chủ nhà vừa thấy Phước đã kêu lên: - Nãy giờ tôi đang cho người đi tìm cậu đây! Chiếc xe của cậu... Khi nhìn thấy xe Phước đang lái, ông ta ngơ ngác: - Tôi cứ tưởng là xe bị mất! Cậu đã trở lại lấy xe sao không báo tôi biết? Phước nhìn sững ông ta: - Tôi đang muốn tới để hỏi ông, sao ông cho người mang xe tới mà không báo tôi tiếng nào vậy? Cả hai đều nhìn nhau, sững sờ. Một lúc Phước mới hỏi: - Nhà ông có người nào lớn tuổi, đạp xe xích lô? Ông chủ nhà lắc đầu: - Như cậu thấy đó, tôi chỉ ở một mình. Các con tôi đều đi du học xa cả, đâu có ai nữa… Phước lẩm bẩm: - Chẳng lẽ... Anh nhìn thẳng vào mắt ông chủ: - Bác hãy nói thiệt cho cháu biết, nhà này từ nào tới giờ đã có xảy ra những chuyện như… có ma không? Trợn tròn mắt nhìn người khách trẻ, ông ta kinh ngạc thật sự: Cậu hỏi thế có ý gì? Phước định chưa nói ra, nhưng thấy thái độ thật thà của ông, anh nói ngay: - Có người ngăn cản tôi mua ngôi nhà của bác, bằng đủ cách... Phước kể sơ lược chuyện vừa xảy ra. Nghe xong ông chủ nhà không cần suy nghĩ, đã nói: - Nghe cậu kể mà tôi như đang mơ! Tôi đã ở ngôi nhà này từ hồi mới sanh ra. Khi lớn lên, có đôi lần tôi định đổi chỗ ở, nhưng rồi cũng không thể rời xa nơi đây. Tôi chưa từng gặp chuyện gì bất bình thường, chớ đừng nói là ma. Phước móc túi lấy ra tờ giấy bạc, đưa và nói: - Bác cứ đọc nội dung viết trong đó rồi cháu kể tiếp. Ông chủ nhà cầm tờ giấy lật qua, lật lại mấy lượt, rồi ngạc nhiên hỏi: - Có thấy gì đâu? Phước lấy lại tờ giấy, anh vô cùng ngạc nhiên khi đó là tờ giấy không có chữ nào! Anh nghĩ mình có thể lầm với tờ giấy bạc khác nên lại tìm lần nữa. Cuối cùng đành phải lắc đầu than: - Chắc là cháu điên vì chuyện này mất! Phước quay ra xe mà lòng nặng trĩu những thắc mắc. Lái xe đi một đoạn rồi mà cứ nghĩ mình còn trong ngôi nhà cổ, anh nói một mình: - Chắc là có gì đó... Bỗng có ai đó lên tiếng từ phía băng sau: - Chắc chắn là như thế, còn gì nữa mà nghi ngờ! Phước nhìn vào kiếng chiếu hậu, không thấy ai, anh vội tấp xe vô lề và quay hẳn lại. Băng ghế trống không! Lúc này Phước mất bình tĩnh thật sự, anh nhắm mắt lại và khấn: - Xin lỗi, nếu tôi có làm điều gì thất thố với vong linh ai đó thì hãy lượng thứ cho, tôi không cố ý. Ngồi yên một lúc rồi Phước mới dám lái xe ra giữa đường và cẩn thận đi thẳng về nhà... Không có điều gì bất thường xảy ra, nhưng Phước vẫn cứ ngay ngáy lo... Đến khi vào tới sân rồi mà Phước vẫn còn chưa an tâm, anh nhẹ nhàng bước xuống xe và cẩn thận khóa cửa và rón rén bước vô nhà. Vừa bước vô phòng khách, Phước nhìn thấy một người khách ngồi đợi sẵn ở ghế. Đó là ông lão đạp xe xích lô! Phước ngã ra sau, nằm bất động... Lúc tỉnh lại Phước lại càng ngạc nhiên hơn khi nghe vợ kể lại: - Em cũng không biết ông ấy vào nhà mình bằng cách nào. Khi từ trên lầu bước xuống em đã thấy ông ấy ngồi ở phòng khách. Ông ta bảo là có chuyện cần kíp lắm, muốn gặp riêng anh, nên buộc lòng em phải cho ông ta ngồi đó đợi anh về. Phước không biết lúc mình bị ngất thì đã xảy ra chuyện gì, anh hỏi thì Lệ Hoa kể: - Em cũng không biết. Em từ nhà sau ra thì thấy anh nằm đó. - Vậy ông ta đâu? - Em cũng không biết. Có lẽ lúc anh ngất ông ta đã bỏ đi. Nhưng mà có chuyện gì vậy? Ông lão đó là ai? Vẫn muốn giấu vợ, nên Phước phải nói: - Ông ta giúp anh chuyện ở ngôi nhà dự tính mua. Có lẽ thấy anh như vậy nên ông ngại, lẳng lặng bỏ đi đó thôi. Phước cố nhớ xem lúc mình bị ngất, ông già xích lô ấy đã làm gì? Nhưng trước sau gì anh cũng không nhớ nổi. Hình như có một áng mây mờ đang che phủ đầu óc anh… Đúng ra sau khi gặp những điều bất thường đó. Phước đã bỏ ý định mua ngôi nhà cổ. Nhưng lần gặp ông Thành, chủ nhà để bàn chuyện lấy lại tiền đặt cọc, Phước đã bị ông ta thuyết phục: - Cậu không mua cũng chẳng sao, tôi sẵn sàng trả ngay tiền cọc lại cho cậu. Tuy nhiên, xin báo để cậu rõ, hiện đang có một cô gái rất trẻ chờ, nếu cậu bỏ cuộc là cô ta mua ngay. Hôm nay cô ấy cũng xin hẹn tới, nhưng tôi ngại đụng cậu nên từ chối... Phước không quan tâm lắm đến chuyện đó, nếu ông chủ nhà không đưa ra tấm danh thiếp, mà vừa nhìn thấy Phước đã kêu lên: - Cô ta muốn mua ngôi nhà này? Ông Thành gật đầu: - Chẳng những muốn mà còn rất muốn nữa là khác! - Đây, cô ấy còn cho tôi xem cả mô hình mà cô ấy sẽ biến ngôi nhà này sau khi mua, thành một nơi triển lãm đồ lớn nhất Đông Nam Á! Ông ta lấy ra đưa cho Phước xem một bản vẽ khá chi tiết, một bản phác thảo toàn bộ diện tích khu nhà. Điều này khiến cho Phước nóng máu, anh hỏi kỹ lại: - Cô ấy tới đây với ai? Ông Thành nói thật: - Cô ấy đi với một người mà theo giới thiệu thì chính là ý trung nhân của cô ta. Họ đúng là một cặp đôi lý tưởng. Họ quá đẹp đôi, mà đến tôi già rồi cũng phát ghen khi nhìn thấy họ! Cô ấy còn đoan chắc là sau này sẽ biến khu nhà này thành một nơi chốn khiến mọi người phải mơ ước! Và cô ta còn nói rằng, cô phải thực hiện ý tưởng này để chứng minh cho một người con trai nào đó thấy việc xa cô ta là một việc làm ngu ngốc của anh chàng! Phước đã nổi nóng: - Cô ta nói như vậy hả! Cô... cô ta... Ông Thành chủ nhà cũng phải ngạc nhiên: - Ủa, sao cậu lại có vẻ giận? Cô gái ấy và cậu... Phước nói ngay: - Thôi được rồi, tôi không lấy tiền cọc lại. Tôi sẽ chồng tiền đủ vào thứ bảy này khi ông cải táng xong ba ngôi mộ. Ông chủ nhà chỉ ra ngoài vườn và nói: - Việc cải táng đã hoàn tất vào chiều hôm qua rồi. Bây giờ cậu có thể đi tham quan một vòng. Phước nói nhanh: - Không cần nữa. Ông chuẩn bị thu dọn mọi thứ đi, thứ bảy này tôi tiếp nhận nhà và tiến hành sửa chữa ngay. Ông Thành dẫn Phước vào một gian phòng mà lần trước do cửa bị khóa nên anh chưa kịp xem, ông ta chỉ mấy thứ bàn ghế cũ và nói: - Riêng gian này xin cho tôi gởi lại mấy thứ hư cũ này ít hôm, sau đó tôi sẽ kêu mấy người làm công, cho họ chở đi. Nhìn kỹ mấy chiếc bàn, ghế cũ và vài thứ linh tinh, chợt Phước đề nghị: - Nếu bác không dùng nữa thì để lại cho cháu. Nói thật, cháu đang có ý định tìm các thứ nội thất càng cũ càng tốt, kể cả những vật hết xài được, để đưa vào cuộc triển lãm cổ vật sắp tới. Lúc đó ông chủ nhà mới hiểu ra: - À, thì ra cậu và cô gái tên Hồng Loan kia đều có ý tưởng trùng nhau. Thảo nào... Ông thuận ngay đề nghị của Phước: - Cậu được toại nguyện. Ngay sáng hôm đó, sau khi về nhà tính toán lại, Phước đã mang tiền trở lại ngay. Anh làm cho ông Thành ngạc nhiên: - Cậu gấp vậy sao? Phước bảo: - Tôi hay đổi ý sau khi tính toán này nọ, bởi vậy tôi muốn chồng tiền ngay hôm nay chớ không đợi thứ bảy nữa. Thủ tục mua bán được thực hiện nhanh chóng. Khi giao chìa khóa cho Phước, ông chủ nhà còn nói: - Chắc chắn cậu sẽ phải tiếp cô Hồng Loan gì đó, bởi cô ấy sẽ trở lại. Phước dứt khoát nói: - Tôi sẽ treo tấm bảng ngay trước cửa với mấy chữ: NHÀ ĐÃ BÁN (miễn tiếp khách). Ngay chiều hôm đó ông chủ nhà dọn hết một ít đồ đạc còn lại ra khỏi nhà, giao hẳn ngôi nhà cổ đồ sộ cho Phước. Anh chàng hài lòng nên quên hẳn những chuyện kỳ lạ bữa trước. Điều làm Phước ưng ý nhất là chặn được ý định của Hồng Loan! Anh nói một mình mà như muốn lọt đến tai cô ta: “Để xem ai làm được điều ấy hơn ai”. Cái tên Hồng Loan hầu như bấy lâu nay Phước đã quyết định không nhớ đến nữa. Vậy mà nay bắt buộc anh phải nhắc và phải gấp rút mua ngôi nhà này vì cô ta! Ba năm trước, Phước từng không một bước rời xa người con gái ấy. Cho đến khi Hồng Loan cặp tay đi với người đàn ông khác và đá đít chàng, thì Phước lập tức đi cưới vợ ngay và thề là sẽ không bao giờ để cho cô ta ngoi lên được, nhất là trong lãnh vực sưu tầm và buôn cổ vật. Lời thề đó Phước nghĩ là mình sẽ làm được bởi anh có tiềm lực tài chánh, lại có nhiều lợi thế trên thương trường... Vậy mà nay cô ta lại xuất hiện. Lại còn muốn mua ngôi nhà mà phải tốn bao công sức Phước mới tìm ra, để thực hiện ý tưởng cạnh tranh với ý tưởng của anh nữa. - Không đời nào! Phước quyết tâm đến nỗi ngay đêm đó anh báo tin về cho vợ biết sẽ ở lại ngôi nhà mới mua, để giữ nhà. Vợ Phước không tán thành ý đó và nói ngay: - Nhà cũ kỹ đó anh ngủ lại sao được! Lệ Hoa sai chú Sáu làm vườn tới cùng ở với Phước. Tuy không thích, nhưng để yên lòng vợ Phước phải chấp nhận, nhưng bảo: - Chú Sáu ngủ ở ngoài, để cháu trong phòng này. Tối nay cháu còn có vài việc để làm với mấy món đồ cổ này. Anh chọn gian phòng có chứa nhiều bàn, ghế cũ, khiến chú Sáu phải lo ngại: - Căn phòng ẩm thấp và tối tăm thế này cậu không nên ở trong đó… Phước vẫn cương quyết: - Chú cứ mặc cháu. Đêm đó Phước chong đèn thức rất khuya. Anh thích thú khi nhận ra trong số những bàn ghế cũ có vài món anh đang cần tìm. Đặc biệt là chiếc rương gỗ khá to, làm bằng thứ cây quý, rất nặng. Chính Phước đang có ý định đặt thợ mộc làm một chiếc rương như vậy để trưng bày, nay gặp đúng thứ cần, anh cứ ngắm nhìn và trầm trồ mãi. Rương bị khóa bằng thứ ống khóa rất xưa và đã rỉ sét, hầu như khó mà mở được. Vậy mà mày mò mãi, đến nửa khuya thì Phước đã mở được chiếc rương ra. Vật đầu tiên mà anh nhìn thấy là một chiếc vương miện nạm ngọc rất tinh xảo. Tuy đã qua thời gian khá lâu, nhưng nhìn chung chiếc vương miện vẫn còn sáng chói rực rỡ. Phước ngắm nghía vừa xuýt xoa: - Tuyệt vời! Chưa từng thấy! Bên dưới chiếc vương miện còn có nhiều tư trang nữa, tất cả đều của nữ giới. Qua kiểu dáng, Phước đoán những vật này đã có từ rất lâu đời, có thể là hàng thế kỷ. Anh đặt tất cả nằm bên trong rương, chỉ giữ mỗi chiếc vương miện và gần như suốt đêm đó Phước không ngủ. Suy nghĩ miên man, bỗng lúc gần sáng Phước chợt nhớ ra, anh kêu lên khẽ: - Có thể lắm! Anh liên tưởng đến ba ngôi mộ cổ ngoài vườn. Phải chăng những vật này có liên quan tới ba ngôi mộ kia? Tiếc rằng ông chủ nhà đã dọn đi, nếu không thì hỏi ông ta, hy vọng sẽ hiểu được phần nào... Dòng suy nghĩ của Phước chỉ dừng lại khi anh quá mỏi mòn, đã ngủ say lúc đồng hồ điểm năm tiếng. Gà gáy sáng đang rộ lên ở khu vườn bên cạnh, cũng là lúc Phước chìm sâu vào giấc mơ lạ thường... Một cô gái trong trang phục cổ, xiêm y đẹp lạ thường, đang ngả vào vòng tay một nam nhân cũng trang phục lộng lẫy, uy dũng, họ đang làm cuộc chia tay đầy bịn rịn ở một khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo. Nàng khóc nức nở, giọng khi được khi mất: - Em sẽ đợi... đợi đến khi nào không còn… hơi thở... Hãy tin em... Chàng trai xiết chặt người yêu trong vòng tay rắn chắc, vừa an ủi: - Đợi không lâu đâu. Xong việc anh sẽ trở về ngay và ngày ấy cũng là ngày trọng đại của chúng ta. Anh sẽ cưới em ngay lúc về, Trúc Đào của anh! - Chàng hứa là phải nhớ đó! Em sẽ... Chàng đưa tay bịt miệng nàng, không cho nói. Họ dìu nhau ra tới bờ tường cao thì chàng trai đẩy nàng ra, như sợ chia tay không được. Vừa chạy, chàng vừa nói vọng lại: - Anh sẽ trở về ngay! Chàng ta chạy nhanh ra cổng ngoài và nhảy phóc lên chiếc xe song mã đang đợi sẵn. Trong xe có một nữ nhân cũng rất đẹp, chừng như đợi đã lâu, có vẻ sốt ruột và cau có: - Bắt thiếp đợi hơn nửa canh giờ rồi! Giã từ mẹ chàng sao mà lâu vậy? Chàng trai đáp không được tự nhiên: - Bị... tại... u già không cho đi... - Lần sau không được vậy nữa đó! Thiếp mà chờ lâu, thiếp xông vô nhà thì chàng đừng trách! Nàng quấn lấy chàng mà không sợ người đánh xe nhìn thấy. Anh ta hỏi: - Thưa tiểu thư, mình đi đâu? Nàng đáp vọng ra: - Tới tửu lầu Vạn Xuân! - Kìa, Kiều Loan, chúng ta có việc ở nhà ngay tối nay mà! Giọng nàng đanh đá: - Không có chuyện gì gấp hơn chuyện... hơi hám của chàng cả. Hãy nghe thiếp đêm nay!