Vào những năm 1948 - 1950, trên những chuyến xe đò liên tỉnh từ Sài Gòn về miền Tây thường rất ít khách. Nhất là ở chuyến xe “tài nhì”, tức xe chạy trễ, chuyến cuối lại càng ít người đi hơn. Chuyến xe chạy Sài Gòn - Vĩnh Long khi tới Bắc Mỹ Thuận thì trên xe chỉ còn đúng năm người: Hai cậu con trai vốn là sinh viên học ở Sài Gòn về quê nghỉ hè, một đôi vợ chồng già có lẽ đi thăm con cháu ở xa về, trên tay xách nách mang quá nhiều quà cáp và một cô gái mà suốt đoạn đường xa chỉ thấy ngồi im rồi lại ngủ, gần như chẳng quan tâm gì đến chung quanh. Hai anh chàng ngồi băng ghế sau cô gái, đến lúc này, khi khách đã xuống gần hết mới chú ý đến người đẹp. Mà quả cô nàng đẹp thật, đẹp đến không ngờ! Linh, anh chàng đeo kính cận tỏ ra ngạc nhiên: - Vậy mà nãy giờ mình không để ý. Đẹp quá, Đạt ơi! Đạt, người ngồi cạnh nhưng mắt nhìn, vẻ thờ ơ: - Ờ thì đẹp, nhưng mắc gì tới mầy, sao quan tâm dữ vậy? Lời nói của Đạt hơi lớn, nên khiến cô gái phải quay lại nhìn. Linh lúng túng thấy rõ: - Mày… mày có im đi không thằng khỉ gió. Mày... Người đẹp chỉ liếc qua hai anh chàng rồi lại tiếp tục im lặng. Xe bắt đầu xuống phà. Đôi vợ chồng già có lẽ tới nhà nên gọi xe lôi, chất đồ lên khi hành khách xuống phà. Do phải xách mấy túi đồ khá nặng theo, nên khi đi một quãng xuống gần tới sông, Linh mới dáo dác tìm quanh, chẳng thấy cô gái đâu, anh ta lại hỏi Đạt: - Cô ta đâu rồi? Đạt chau mày: - Cô nào? Linh phát cáu: - Thì người đẹp ban nãy chứ cô nào nữa! Mới đây mà sao chẳng thấy cô ta đâu nữa? Chẳng lẽ... Cả hai xuống phà, trên phà khá đông người, nên Linh có cố nhướng mắt tìm khắp nơi cũng không thấy cô gái mặc áo dài trắng. Anh chàng tiếc ngẩn tiếc ngơ, bởi dễ gì gặp được một người đẹp cỡ đó trên cùng một chuyến xe chiều... Phà tách bến chậm, gió từ sông cái thổi lồng lộng xua đi cái oi bức mà suốt mấy giờ liền hành khách phải chịu đựng trên xe. Lại chẳng còn xa nữa là tới bến, nên mọi người có vẻ nhẹ nhõm, khoan khoái. Linh chẳng còn hỏi Đạt xem đã tới chưa như khi còn ngồi trên xe, bởi mắt anh chàng còn bận đảo khắp nơi để tìm. Anh ta lẩm bẩm: - Chẳng lẽ cô nàng xuống ở bờ bên kia rồi? Chẳng mấy chốc phà đã tới bến Vĩnh Long. Hành khách hấp tấp đi bộ lên để đi một đoạn năm, bảy cây số nữa để đến bến xe cuối. Mấy tay lơ xe giục giã: - Bà con đi xe Thuận Thành hãy mau lên xe cho kịp chuyến đò cuối về bên Cồn đi! Linh lần đầu tiên theo bạn về quê nghỉ hè, nên hỏi lại Đạt: - Về bên Cồn có phải về nhà cậu không? Lúc này Đạt mới cười: - Bây giờ mới hỏi, bộ hết còn trông ngóng người đẹp nữa hả? Linh hơi ngượng, nhưng giọng vẫn tỏ ra tiếc nuối: - Chẳng kịp bắt chuyện gì hết... Đạt đấm vào vai bạn một cái: - Thằng mê gái. Linh miễn cưỡng theo Đạt bước trở lên xe. Và lúc này đôi mắt anh ta sáng rực lên khi nhìn thấy cô gái vẫn còn ngồi yên ở băng ghế. Cô nàng vẫn đang nhắm mắt ngủ. Tay lơ xe nói như giải thích cho Linh và Đạt về việc cô gái không xuống xe: - Cô ấy bị say xe xuống không được chớ còn bắt buộc ai cũng phải xuống đi bộ qua phà. Linh đâu cần lời giải thích đó, bởi việc người đẹp vẫn còn đây là quá đủ với anh chàng rồi. Vậy mà... Linh sung sướng nhắm nghiền mắt lại, Đạt phải buột miệng: - Mày cũng say xe nữa sao? Linh chẳng đáp, anh cứ nhắm nghiền mắt như muốn tận hưởng phút giây hạnh phúc này, Đạt tưởng bạn bệnh thật nên đưa tay lên sờ trán, khiến Linh càng muốn nhắm mắt thật lâu thêm. Lát sau xe đã tới bến. Linh cố nhắm mắt để như nhốt hình ảnh người đẹp vào đó, cứ sợ nó mất đi. Mà mất thật! Lúc anh ta nghe lơ xe giục: “Xuống xe nhanh lên”, thì nhìn lại đã chẳng còn thấy cô gái đâu. Hoảng quá anh ta nhéo Đạt một cái rõ đau: - Sao mày không kêu tao ngay! Nhìn một lượt, chợt thấy cô nàng áo trắng đang leo lên một chiếc xe lôi, xe chạy thật nhanh, Linh giục: - Mau lên Đạt! Anh ta bắt một chiếc xe lôi khác và hối: - Chạy theo chiếc xe kia! Đạt xẵng giọng: - Đi về bến đò qua cồn cho kịp đò cuối, chớ còn đi đâu nữa, thằng khùng! Bị mắng nhưng Linh không giận, bước lên xe lôi rồi mà mắt vẫn dõi theo bóng áo trắng phía trước, buồn bã như vừa đánh mất một bảo vật gì đó… Mãi đến khi xuống ghe rồi mà Linh vẫn còn ngoái lại nhìn lên bờ, mặt buồn so... Đây là lần đầu tiên Linh về một vùng quê nhiều sông nước, vườn cây trĩu quả, nên thích thú vô cùng. Anh chàng đã quên được chuyện lạc mất người đẹp. Mặc dù suốt đêm qua hầu như thức cũng mơ mà trong giấc ngủ cũng mơ thấy nàng. Đạt rủ: - Bữa nay cho mày đi vô vườn xoài của nhà tao ở cách đây năm cây số. Tha hồ mà leo cây, hái trái và bơi xuồng, lội sông khoái chưa! Linh phấn khởi: - Đã quá mày! Nhưng mà nè Đạt, ở thứ vườn tược xa xôi thế này mà cũng có người đẹp dữ vậy sao? Đạt trợn tròn đôi mắt: - Người đẹp nào ở đây? Ở đây làm gì có… Nhưng chợt nhớ ra, cậu ta phá lên cười: - Cô nàng chắc là con nhà giàu đâu ở bên chợ, chớ làm gì có ở xứ này! Thôi, đừng tơ tưởng nữa, ông tướng. Ta chuẩn bị đi nào. Đạt đã xin phép cha mẹ để dẫn bạn đi chơi, nên được mẹ và chị gái chuẩn bị cho khá đầy đủ là thức ăn, cơm nắm… Bà Tư, mẹ Đạt còn dặn dò: - Bạn con chưa quen sông nước vùng này, đừng để nó lội sông lớn, nghe không con. Linh được dịp khoe tài: - Tuy con ở miền Đông, nhưng biết lội giỏi, dư sức qua sông Cái bác Tư ơi. Ba Đạt dặn thêm: - Hồ bơi ở Sài Gòn khác, sông nước này khác. Tốt nhất là chỉ nên ở rạch nhỏ. Nhớ chiều về sớm. Khu vườn xoài của nhà Đạt tuy xa, nhưng khá rộng và nhiều trái. Ngoài xoài, còn có nhiều thứ cây ăn quả khác như mận, ổi, cam, quýt, dừa. Thứ nào Linh cũng mê. Vừa hái những trái mận căng da Linh vẫn không quên người đẹp: - Thứ này mà có cô nàng tao sẽ tặng một rổ luôn, nàng mê phải biết. Đạt chỉ lắc đầu cười. Anh ném cho Linh hai quả dừa mới hái cùng với con dao to: - Đừng mơ mộng viển vông nữa, hãy thử chặt mấy trái dừa uống cho đã khát đi cha nội. Linh chưa chịu chặt dừa mà cố leo lên trên ngọn cây mận. Từ chỗ đó đưa mắt về phía xa, chợt anh nhìn thấy mấy nóc nhà ngói, Linh reo lên: - Ở đây cũng có những nhà lớn đó sao, Đạt? Đạt không nhìn theo Linh, nhưng vẫn đáp: - Đó là nhà xưa còn lại, cũng giống như nhà cha mẹ mình. Ở đây hồi trước còn giàu hơn bên xóm mình nữa… - Vậy có nghĩa là... bây giờ bên này nghèo hơn? Đạt nói cho qua: - Tớ không rõ lắm vì ít qua đây, nhưng nghe nói hồi năm 45 – 46 ấp này bị giặc Pháp tràn vô đốt phá tiêu điều… Linh là người cực kỳ tò mò, cứ muốn biết mọi chuyện, nhưng thấy Đạt có vẻ không rành nên thôi... Họ ở chơi đến xế chiều thì chính Linh lên tiếng đề nghị: - Hay ta về sớm một chút. Họ về tới nhà thì trời còn sáng. Trong lúc Đạt đi tắm, thay quần áo thì Linh chẳng biết lẻn đi đâu, mất dạng. Cả nhà Đạt quýnh lên về chuyện biến mất của Linh. Họ trách Đạt sao không trông chừng bạn, làm cho Đạt phát bực lên: - Nó lớn rồi có phải con nít đâu mà lúc nào cũng trông với coi! Mãi đến tối mịt Linh mới mò về. Vừa bước vô nhà, trông thấy Đạt, anh ta đã reo lên như một đứa trẻ: - Trời ơi, không thể tưởng tượng được mày ơi! Cô nàng! Mày nhớ cô nàng không? Đạt đang bực nên quát to: - Mày có biết là từ chiều đến giờ cả nhà này không ai ăn uống gì được vì sự biến mất của mày không! Mày đi đâu thì cũng phải nói chớ. Linh không hề giận vì bị la và cũng chẳng để ý tới sự tò mò của cả nhà đang dồn vào mình. Anh chàng kéo ngay Đạt vào nhà trong, sự phấn khích vẫn còn: - Mày không thể tưởng tượng nổi đâu, hồi chiều biết có nói mày cũng không cho, nên tao đã lén đi một mình. Tao trở lại mấy chỗ ngôi nhà ngói xưa nhìn thấy lúc trưa ở vườn xoài... Đạt chặn ngang: - Chi vậy? Linh nheo một mắt: - Không uổng công chút nào hết. Tao tới tận ngôi nhà ngói lớn nhất vì linh tính như mách bảo với tao điều gì đó. Mà quả không sai. Mày biết tao nhìn thấy gì trong ngôi nhà đó không? Đạt bực, gắt lên: - Thấy ma! Linh cười thích thú: - Ma nữ mới đã chứ! Rồi anh chàng hạ thấp giọng như sợ người nhà của Đạt nghe: - Không thể ngờ được mày ạ, tao gặp nàng! Mày nhớ người ngồi trên xe đó hồi trưa không? Đúng là trời thương tao rồi! Đạt cũng phải ngạc nhiên: - Cô ta ở đâu bên xóm nhà hoang đó? Linh nhún vai: - Ai mà biết. Chỉ có điều đây là sự thật. Tao đi dài dài theo xóm, bởi tò mò muốn biết thôn xóm xứ mày ra sao, thì bất ngờ tao tới ngôi nhà ngói xưa đó. Nhìn vô cả một vườn cây trúc đào đang nở hoa đỏ cả một sân. Tao đang thích thú ngắm nhìn thì chợt tao không còn tin vào mắt mình nữa, nàng đang xuất hiện ngay trong vườn trúc đào ấy, như một nàng tiên! Nàng mặc một bộ đồ lụa trắng, mái tóc để xõa dài xuống tận lưng, trông lạ hơn khi ở trên xe, nhưng tao vẫn nhận ra, bởi làm sao tao quên được gương mặt khả ái đó… Đạt vẫn không tin: - Nghe mày kể chuyện khác nào liêu trai. Thôi đi ông tướng, đã lỡ đi chơi suýt lạc đường thì thú thiệt đi để ngày mai tao còn hướng dẫn cho. Vẫn không bực vì bị nghi ngờ nói phét. Linh đi tắm mà mồm luôn nghêu ngao hát. Anh ta vui đến tột cùng, quên cả bữa cơm chiều. Lần này thì chuyện Linh mất tích không còn là nỗi lo của gia đình Đạt nữa, mà là cả xóm. Một vài người lắm chuyện đã đoán già đoán non: - Ở ngoài sông Cái, chỗ ngã ba Vàm năm nào cũng có người chết trôi. Đặc biệt là các chàng trai, cô gái còn đồng trinh. Người ta đồn ở khúc sông đó có thủy thần, hằng năm về đòi mạng. Chỉ có ba của Đạt thì ra vẻ trầm ngâm. Ông gọi riêng Đạt ra ngoài hỏi: - Mày nói cho ba nghe coi, liệu thằng Linh có quen biết đứa con gái nào ở gần đây không? Điều này chính Đạt đã nghĩ tới từ lúc trưa khi không thấy Linh về ăn cơm trưa, nhưng còn bán tính bán nghi... Anh hỏi chị gái mình: - Lâu nay chị có qua xóm nhà hoang không? Bên đó vẫn hoang tàn như xưa hay có thay đổi gì không? Chị Mai rất rành chuyện xóm làng, chị quả quyết: - Đâu có gì thay đổi. Kể từ khi xóm ấy bị giặc Pháp dội bom, đổ quân đốt nhà, hãm hiếp người thì hầu như cả xóm đều tản cư đi các nơi khác sống. Các ngôi nhà ngói vẫn bỏ hoang tàn. Đạt nhớ lại những lời mô tả của Linh, nào là ngôi nhà với vườn hoa trúc đào, nào là cô gái áo trắng v.v... Đạt nghĩ đó chẳng qua là lời ba hoa của một anh chàng dại gái, đầu óc lãng mạn. Nhưng dẫu sao vẫn phải nghĩ đến chỗ những ngôi nhà hoang. Đạt bảo: - Để con qua bên xóm nhà hoang xem sao. Chị Mai cũng đồng tình: - Để chị đi với em. Chị rành bên đó. Trên đường đi Đạt chợt hỏi: - Chị nhớ ở bên đó có cô gái nào đi học Sài Gòn không? Mai quả quyết: - Làm gì có. Xóm đó giờ chỉ còn một số người nơi khác tới ở để đi làm mướn. Chỉ có... Đạt tò mò: - Còn có ai nữa? Mai cười: - Chỉ có hồi bốn, năm năm trước. Hồi đó có con ông Hương Cả hình như là học ở trường áo Tím Sài Gòn. Cô Giáng Hương, bạn của chị. - Cô ấy còn ở đây? Mai chép miệng: - Cô ấy đã chết trong trận càn của giặc năm 1947. Chết do bị giặc cưỡng hiếp dã man! Rồi Mai kể rành rọt hơn: - Năm ấy cũng vào những ngày hè như vầy. Giáng Hương về nhà nghỉ hè thì bị nạn. Năm đó cô ấy chỉ mới mười tám tuổi. Chị em Đạt tới xóm nhà hoang thì trời xế chiều. Khi đi gần tới ngôi nhà ngói xưa thì Mai chỉ và nói: - Đây là nhà của ông Hương Cả, cha của Giáng Hương, hồi đó chị thường sang chơi. Ngôi nhà nhìn từ xa đã thấy sự hoang tàn, bởi mái ngói và tường nhà rêu phong, sân rộng phía trước cỏ mọc đầy. Chợt Đạt kêu lên: - Cái gì vậy chị Mai? Trong ngôi nhà hoang có nhiều người tụ tập khác thường. Mai cũng ngạc nhiên: - Chuyện gì đây? Chị em họ chen được vào trong thì cũng vừa lúc người ta khiêng ra bằng võng một người gần như là một xác chết. Đạt vừa nhác thấy đã thét lên: - Linh! Thì ra nạn nhân là Linh. Một người tham gia cấp cứu đã kể lại vắn tắt: - Suốt đêm hôm qua tôi đi soi ếch ở sau nhà, lâu lâu lại nghe có tiếng cười rồi lại khóc ở trong nhà này. Ban đầu tôi cứ tưởng là như mọi khi người ta vẫn gọi đây là ngôi nhà ma, nên tôi không dám vào. Tuy nhiên khi gần sáng khi sắp sửa xách giỏ ếch về thì lại nghe ai đó kêu lên kinh hoàng lắm! Tôi chạy về nhà kể lại chuyện thì con vợ tôi một hai ngăn không cho tôi trở lại đây, nó nói đó là hồn ma. Tôi thì không tin, nhưng… Anh ta ngừng lại thở hổn hển rồi tiếp: - Cho đến chiều nay khi xách cần câu đi nhấp cá, khi ngang qua sau nhà tôi lại nghe nhiều tiếng rên gấp lắm. Lúc ấy tôi không còn bình tĩnh được nữa nên gọi thêm mấy anh em nữa, xông vào nhà và gặp người này đang nằm hấp hối dưới nền đất ẩm. Anh ta nhìn mình mẩy không có thương tích gì nhưng xem ra bị mất sức giữ lắm, da mặt tái nhợt, tay chân nhấc không lên. Đạt nghe xong, thất thần: - Linh ơi, sao vậy Linh! Linh được đưa ra bệnh viện tỉnh, cứu được mạng sống, nhưng anh ta vẫn trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, mồm miệng cứ lầu bầu mấy tiếng “Giáng Hương… Giáng Hương...” Cuối cùng Linh được chuyển về Bệnh viện Tâm thần Sài Gòn. Ở đây người ta kết luận: - Anh chàng này vừa bị một cú sốc kinh hoàng lắm mà không chết đã là may. Anh ta đã qua cơn nguy hiểm tính mạng, nhưng chứng hoang tưởng sẽ còn kéo dài. Anh ta chỉ duy nhất nghĩ về một cô gái tên Giáng Hương, cứ gọi tên cô ấy và đôi lúc còn hỏi: “Vườn trúc đào đâu rồi?...”